Cuộc chiến ở Ukraine sẽ thay đổi sâu sắc tình hình địa chính trị
(The war in Ukraine is going to change geopolitics profoundly, The Economist, 05/03/2022)Nguyễn Thị Kim Phụng chuyển ngữ
Cuộc chiến Ukraine có nhiều điều quen thuộc, nhưng cũng có những điều chưa có tiền lệ.
Thứ Sáu ngày 25/02, một ngày sau khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu, Volodymyr Zelensky, Tổng thống Ukraine, tuyên bố, “Ngày hôm nay, chúng ta đơn độc bảo vệ đất nước mình.” Đó là “khởi đầu của cuộc chiến chống lại châu Âu của ông Putin.” Tuy nhiên, những người châu Âu duy nhất tiến ra chiến trường là người Ukraine.
Phần còn lại của châu Âu đã phải xấu hổ. Sau những ngày cuối tuần, kinh hoàng trước hành động xâm lược vô căn cứ của Putin, được truyền cảm hứng bởi lòng dũng cảm của những người lính Ukraine, được thúc đẩy bởi những người biểu tình trên đường phố, và cảm động trước những lời nói cũng như hành động của Zelensky, lục địa này đã có những bước đi mà chỉ vài ngày trước đó là không thể tưởng tượng được.
Liên Hiệp Âu Châu (EU) được sinh ra từ ý tưởng phát triển kinh tế có thể ngăn chặn chiến tranh, đã hứa chi trả cho các vũ khí được gửi đến Ukraine. Thụy Sĩ trung lập hứa sẽ có các biện pháp trừng phạt nhằm vào chính các thực thể mà nước này yêu quý nhất: các ngân hàng. Tại Đức, liên minh mới gồm Đảng Dân chủ Xã hội, Đảng Xanh, và Đảng Tự do trút bỏ chiếc áo choàng hòa bình của đất nước mình: từng chỉ cung cấp mũ bảo hiểm cho Ukraine, giờ đây họ đang gấp rút gửi vũ khí chống tăng và vũ khí phòng không, và còn tuyên bố tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. Trước đó, sau khi đình chỉ dự án Nord Stream 2 – đường ống dẫn khí đã ràng buộc Đức chặt chẽ hơn bao giờ hết vào các nguồn cung cấp khí đốt của Nga – chính phủ Đức thậm chí còn cho biết họ đang để ngỏ khả năng giữ các nhà máy điện hạt nhân còn lại của mình hoạt động, một điều cần thiết để giúp nước này tránh phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Phía bên kia lục địa Á-Âu, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Australia đã tham gia vào các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Sự thay đổi ở Nhật Bản là đặc biệt nổi bật. Trong những thập niên qua, nước này đã lôi kéo Nga không mệt mỏi, một phần nhằm đối đầu với Trung Quốc, nhưng phần còn lại là vì hy vọng giải quyết vấn đề bốn hòn đảo phía bắc bị chiếm từ thời Liên Xô. Cựu thủ tướng Shinzo Abe đã gặp Putin tổng cộng 27 lần, bao gồm cả một chuyến đi đến một nhà tắm onsen. Nhưng giờ đây, dưới thời Kishida Fumio, Nhật cho phong tỏa tiền dự trữ của ngân hàng trung ương Nga đang giữ tại nước này, và kêu gọi những nước trung lập nên có lập trường rõ ràng hơn chống lại người bạn cũ của mình.
Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh chưa bao giờ mở ra hòa bình vĩnh viễn. Nhưng Khủng hoảng Ukraine đang tạo ra một hình thức mới cho các khả năng xảy ra xung đột trong tương lai, cũng như các cách thức ngăn chặn điều đó. Nó đang làm tăng khả năng một lãnh thổ có thể bất ngờ bị tước bỏ bởi một quốc gia có tiềm năng về vũ khí. Nó đưa Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, đặt một gánh nặng mới lên hệ thống liên minh của Mỹ vốn đang phần nào bao vây hai nước này. Nó đã bắt đầu củng cố niềm tin của châu Âu vào bản thân và các lý tưởng của mình, và có thể tăng cường khả năng lục địa này sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chúng. Nó cũng có thể khiến Đức và Nhật Bản, sau thất bại trong Thế chiến 2, quay trở lại đảm nhận những vai trò chiến đấu mới. Và một lần nữa, nó đặt ra những câu hỏi cũ về vai trò của vũ khí hạt nhân.
Chưa ai có đặt tên cho thời kỳ hậu-hậu-Chiến-tranh-Lạnh này. Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm những điểm tương đồng, những bóng ma của chủ nghĩa Quốc xã đã liên tục hiện về. Putin gợi lại nỗi kinh hoàng của Thế chiến 2 khi cáo buộc Zelensky, một người Do Thái, điều hành một nhà nước “Quốc xã.” Tuy nhiên, chính chủ đầy bạo lực của Putin – cuộc chiến ở Gruzia năm 2008, giao tranh ở miền đông Ukraine năm 2014, sáp nhập Belarus trên thực tế – mới gợi nhớ nhiều đến Hitler. Điểm giống nhau này đã khiến Zelensky và những người khác gọi thái độ nhẹ nhàng của phương Tây đối với Putin là chính sách “xoa dịu.”
“Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ thức dậy vào năm 1939,” một viên chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết ngay trong ngày đầu tiên của cuộc xâm lược Ukraine. Có một số điểm tương đồng đã cùng nhau gợi nhớ về năm 1945, một cách đáng ngại: các viên chức Mỹ lo lắng về suy tính của một nhà lãnh đạo Nga, người tự cô lập, xa rời thực tế, và dễ tính toán sai lầm; việc sử dụng vũ khí hạt nhân lại trở nên có thể xãy ra.
Nhìn nhận mọi thứ qua lăng kính của Thế chiến 2 làm cho ý tưởng về Phe Trục trở nên tự nhiên hơn – và có lẽ nó hữu ích hơn là cứ gọi tên mắng chửi lẫn nhau. Quan điểm của Tổng thống Joe Biden về một cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm thúc đẩy các nền dân chủ chống lại các chế độ chuyên chế khiến Nga và Trung Quốc phải hành động. Không còn nghi ngờ gì nữa, hai nước đã xích lại gần nhau hơn cả về mặt chiến lược lẫn chính trị, khi Putin đẩy Nga đi sâu hơn vào chế độ độc tài. Ông và Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc, có chung mong muốn hạ gục Mỹ với tư cách là nhà lãnh đạo toàn cầu, đồng thời cũng chia sẻ nỗi kinh hoàng về những gì đã xảy ra với Liên Xô vào năm 1991.
Jude Blanchette thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một viện nghiên cứu chính sách, nói rằng mặc dù hai nhà lãnh đạo không phải là đồng minh chính thức, nhưng họ vẫn hữu ích cho nhau về mặt quân sự. Mối quan hệ của họ được khuyến khích bởi địa lý, thế đứng “dựa lưng” có nghĩa là họ không phải lo lắng về biên giới chung của mình, vì cả hai đều có thể hướng ra bên ngoài. Việc Nga di chuyển một số lượng lớn quân đội từ vùng viễn đông sang Ukraine sẽ tồi tệ hơn nhiều, nếu nước này phải lo lắng về ý định của Trung Quốc.
Cú “xoay trục” ban đầu
Để hiểu “Phe Trục” mới này, một số trong chúng ta bắt đầu trở lại với các chiến lược gia cũ, cụ thể là những người tập trung nhiều hơn vào các sự thật vĩnh cửu của địa lý, chứ không phải vào tính ngẫu nhiên của lịch sử. Khởi đầu rõ ràng cho câu hỏi này, và cho lịch sử địa chính trị hiện đại nói chung, là ý tưởng về “Vùng đất Trung tâm” (Heartland) do Halford Mackinder đưa ra vào năm 1904. Mackinder lập luận rằng bất cứ ai kiểm soát phần trung tâm của lục địa Á-Âu, tức khoảng giữa Biển Bắc Cực và dãy Himalaya, sẽ có thể chỉ huy thế giới. Dựa trên phân tích đó, việc Nga và Trung Quốc đoàn kết với nhau sẽ mang lại rắc rối lớn.Một lựa chọn thay thế cho lý thuyết của Mackinder là không tập trung vào lục địa mà tập trung vào đại dương, lấy cảm hứng từ Alfred Thayer Mahan, một nhà chiến lược cùng thời với ông, người coi việc kiểm soát các tuyến đường biển thương mại là chìa khóa cho sức mạnh toàn cầu. Cách khác nữa là theo Nicholas Spykman, một nhà khoa học chính trị, người đã lập luận vào năm 1942 rằng không phải vùng đất trung tâm của lục địa Á-Âu mới quan trọng, mà là vành đai (rimland) của nó. Ông cho rằng dải đất ven biển trải dài qua Địa Trung Hải, chạy dọc phía nam dãy Himalaya, xuyên qua Đông Nam Á đến Nhật Bản là chìa khóa. “Ai kiểm soát khu vực vành đai sẽ cai trị Á-Âu”, ông viết. “Ai cai trị Á-Âu sẽ kiểm soát vận mệnh của thế giới.”
Kết quả bỏ phiếu Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án việc Nga xâm lược Ukraine, ngày 01/03/2022.
Michael Green, một thành viên khác của CSIS, là một trong những người nhìn thấy bài học từ Spykman trong thế giới hiện đại. Các viên chức Mỹ cho rằng việc Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau sẽ cho phép họ hợp nhất các liên minh của mình ở châu Âu và châu Á thành một tổng thể mạnh mẽ hơn. Và nhiều quốc gia vành đai – từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Israel, các chế độ quân chủ dầu mỏ ở Vùng Vịnh, và một số quốc gia ở Đông Nam Á – đang lưỡng lự trước mối liên hệ với Nga, một sự ngưỡng mộ đối với Putin, hay điều gì đó hơn thế nữa. Riêng Syria thì không có gì đáng ngạc nhiên khi họ đang cổ vũ Putin.
Người trung lập nhất có lẽ là Ấn Độ, vào ngày 02/03, nước này đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc nhằm lên án cuộc xâm lược của Nga. Nước này đang cố gắng cân bằng mối quan hệ hữu nghị lâu đời với Nga, quốc gia cung cấp hầu hết các thiết bị quân sự cho họ, với mối quan hệ đối tác đang phát triển tốt đẹp với Mỹ. Các nhà ngoại giao Ấn Độ nói rằng quan ngại của họ về Trung Quốc – hai nước đã xảy ra chiến tranh biên giới vào năm 1962, và thi thoảng va chạm nhau kể từ năm 2020 – khiến họ không thể rời bỏ Nga. Manjari Chatterjee Miller của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một viện nghiên cứu chính khác cho biết, “Ấn Độ đang bước đi trên một sợi dây, nhưng nguy cơ té ngã là rất lớn.”
Điểm gây tranh cãi nhất là việc họ mua tên lửa phòng không S-400 từ Nga bất chấp sự phản đối gay gắt của Mỹ. Nếu các tên lửa sớm được triển khai như dự kiến, Mỹ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt theo một luật được gọi là Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua Trừng phạt (CAATSA). Một số nhân vật trong Quốc hội đang thúc giục Biden từ bỏ các hình phạt để giữ chân Ấn Độ. Nhưng vào thời điểm Mỹ đang tổ chức một chiến dịch toàn cầu nhằm cô lập Nga, việc châm chước cho một người còn đang do dự tham gia chiến dịch đó có thể khó biện minh.
Giải pháp thay thế cho việc củng cố vành đai là phá vỡ vùng trung tâm. Nga và Trung Quốc từng cắt đứt quan hệ trong những năm 1960, một rạn nứt mà Tổng thống Richard Nixon đã khai thác 50 năm trước với chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc vào đầu năm 1972. Tuy nhiên, chia rẽ họ là điều cực khó. Một thành viên trong chính quyền nói rằng Mỹ đến tận bây giờ mới nhận ra chiều sâu của tình bạn giữa Putin và Tập. Ông nói: “Người Trung Quốc và người Nga dành rất nhiều thời gian trò chuyện về sự cần thiết phải chống lại những nỗ lực của Mỹ nhằm chia rẽ họ. Nó gần giống như một cuộc họp của hai thành viên Hội Tương trợ Cai rượu Ẩn danh.”
Đất này không phải đất của anh
Với việc Trung Quốc đang phải chịu áp lực kinh tế từ Mỹ, Tập chắc chắn không hài lòng với sự hỗn loạn mà Putin gây ra ở châu Âu, một trong những thị trường xuất khẩu chính của đất nước mình. Nhưng ông đang phải đối mặt với một tình thế lưỡng nan. Dù không muốn Putin thất bại, nhưng giúp đỡ Putin đồng nghĩa với việc bị nhúng chàm vào cuộc tàn sát của ông ta.Tập cũng phải đang cân nhắc liệu điều này có ý nghĩa gì đối với kế hoạch của ông dành cho Đài Loan, lãnh thổ mà Trung Quốc đã khẳng định quyền thống trị lịch sử, thậm chí ở mức độ còn cao hơn Nga đối với Ukraine. Kanehara Nobukatsu, từng là phó cố vấn an ninh quốc gia của Nhật Bản, nói: “Nếu Putin thắng bằng cách của mình, Tập cũng sẽ làm như vậy.” Nhưng mọi chuyện có thể không đơn giản như thế.
Những khó khăn quân sự mà người Nga đang đối mặt có thể khiến Trung Quốc phải suy nghĩ lại về tính khả thi của một cuộc xâm lược qua eo biển Đài Loan. Các quan chức Mỹ hy vọng làn sóng chỉ trích đổ dồn về phía Nga, và các biện pháp trừng phạt thực sự đối với nước này, sẽ càng khiến Trung Quốc chùn bước. Họ cũng đang cố gắng đảm bảo rằng Trung Quốc và các đồng minh châu Á của họ biết rằng Mỹ vẫn đang hướng tới châu Á, bên cạnh châu Âu. Vài ngày trước khi chiến tranh bùng nổ ở Ukraine, chính quyền Biden đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới. Để đánh dấu sự kiện này, Ngoại trưởng Antony Blinken đã có các cuộc gặp với các ngoại trưởng của Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, và Hàn Quốc.
Khi Mỹ tập hợp các đồng minh của mình, Trung Quốc có thể chọn cách trì hoãn chờ thời cơ. Putin hẳn đã cảm thấy thời gian đang chống lại ông trong vấn đề Ukraine: các liên kết với phương Tây và mong muốn dân chủ của Ukraine đang dần tăng lên, trong lúc năng lực và nền kinh tế của Nga bị trì trệ. Toan tính của Tập có vẻ gặp khó khăn hơn. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh; nhưng ý thức về một bản sắc quốc gia riêng biệt của người Đài Loan cũng vậy.
Khả năng Nga nắm giữ một số vùng thuộc Ukraine, hoặc Trung Quốc mạnh bạo chiếm Đài Loan, có thể gợi ý rằng kỷ nguyên mới sẽ bớt đặt nặng vấn đề toàn vẹn lãnh thổ hơn. Nhưng điều đó không nhất thiết phải như vậy. Hầu hết các quốc gia vẫn tiếp tục coi trọng nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ; một đa số áp đảo trong Đại Hội đồng đã lên án Nga. Như Martin Kimani, đại diện của Kenya tại Liên Hợp Quốc, đã chỉ ra trong một cuộc tranh luận của Hội đồng Bảo an: nhiều quốc gia, bao gồm cả đất nước ông, được tạo ra từ các đế chế sụp đổ, ở các biên giới không do họ lựa chọn. Tuy nhiên, họ mong muốn sống “theo cách không đẩy chúng ta trở lại các hình thức thống trị và áp bức mới.”
Tuy nhiên, dù cơn địa chấn chiến tranh được cảm nhận trên khắp thế giới, nó vẫn được cảm nhận mạnh mẽ nhất ở châu Âu. Cuộc xâm lược đã làm đảo lộn ý tưởng về một lục địa “toàn vẹn, tự do, và hòa bình.” Kyiv, từng xa cách đến nghìn trùng, nay gần gũi đến không ngờ.
Olaf Scholz, thủ tướng mới của Đức, đã nắm bắt thời điểm này chắc chắn hơn bất kỳ ai, chấm dứt sự miễn cưỡng của đất nước ông trong việc chi trả cho một lực lượng vũ trang mạnh, lẫn niềm tin rằng việc mua khí đốt của Nga có thể tạo ra một loại liên kết đặc biệt giữa hai nước. Constanze Stelzenmüller của Viện nghiên cứu Brookings nói “Đức lựa chọn ‘thuê ngoài’ (outsource) an ninh cho Mỹ, nhu cầu năng lượng cho Nga, và tăng trưởng dựa vào xuất khẩu cho Trung Quốc.” Việc Scholz đến từ đảng mà trong những năm 1970, đã tiên phong trong Chính sách hướng Đông (Ostpolitik) – một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn đối với Liên Xô– khiến cho “thay đổi đáng kinh ngạc” của ông càng trở nên đáng chú ý hơn, nhưng cũng kỳ lạ, là lại hợp lý hơn. Stelzenmüller nói: “Chỉ có một nhà dân chủ xã hội mới có thể làm được điều này. Đây chính là thời khắc Nixon-sang-Trung Quốc của Scholz.”
Cam kết mới của Đức sẽ được phần còn lại của NATO hoan nghênh. Nếu Ukraine thất thủ và các lực lượng Nga ở lại Belarus vô thời hạn, sườn phía đông của NATO sẽ bị hở ra nhiều. Mối quan tâm đặc biệt sẽ là “Hành lang Suwalki”, một dải đất hẹp là tuyến đường bộ duy nhất nối ba quốc gia vùng Baltic từng bị Liên Xô chiếm đóng – Litva, Estonia và Latvia – và phần còn lại của NATO. Ở phía tây của hành lang này là Kaliningrad, một lãnh thổ Nga trên bờ biển Baltic, về phía đông là Belarus. Nếu Nga có thể khiêu khích NATO bằng cách chiếm lấy vùng đất này, việc bảo vệ các quốc gia vùng Baltic sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Năm 2016, NATO bắt đầu triển khai các đơn vị răn đe (tripwise forces) nhỏ, đa quốc gia ở các nước Baltic và Ba Lan, theo đó khiến một cuộc tấn công của Nga sẽ trở thành một cuộc tấn công vào NATO không chỉ về nguyên tắc mà còn trên thực tế. Những đơn vị đó hiện đã được củng cố, và có thể sẽ cần được củng cố thêm. Điều đó nói lên rằng, tiến độ ban đầu chậm chạp của Nga ở Ukraine cũng đang thúc đẩy NATO đánh giá lại khả năng của đối thủ.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là sức mạnh quân sự thông thường của Nga có thể không phải là điểm mấu chốt. Gần đây nhất, vào tháng 1, năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (“P5”) – trong đó có Nga – đã ký một tuyên bố rằng vũ khí hạt nhân “phải phục vụ mục đích phòng thủ, răn đe hành vi xâm lược, và ngăn chặn chiến tranh”. Nhưng kể từ đó, Putin đã khua khoắng thanh kiếm hạt nhân của mình ba lần chỉ trong vài tuần: trước cuộc xâm lược, ông giám sát một cuộc tập trận hạt nhân; vào ngày xảy ra vụ tấn công Ukraine, ông nói bất kỳ ai can thiệp sẽ phải gánh chịu “hậu quả họ chưa từng gặp phải trong lịch sử của mình”; và ba ngày sau, Tổng thống Nga tuyên bố đặt các lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao. Có vẻ như ông vẫn sẽ hành xử theo cách tương tự trong các cuộc xung đột và bế tắc sắp tới. Kanehara nói: “Đây là bài kiểm tra đầu tiên về điều gì sẽ xảy ra nếu một nhà lãnh đạo P5 là một gã bất hảo, già nua, điên rồ, cầm trong tay vũ khí hạt nhân.”
Theo một nguồn tin quốc phòng cấp cao của Mỹ, “Luận điệu [hạt nhân] đang bị lạm dụng quá mức so với những gì chúng ta thực sự thấy trên thực địa.” Nhưng tự bản thân luận điệu đó đã là một vấn đề. Nếu phương Tây bị nó làm cho khuất phục, nó sẽ được tái sử dụng. Nếu phương Tây làm điều gì đó đủ cứng rắn để chứng tỏ rằng họ không bị khuất phục, rủi ro sẽ lại càng tăng thêm.
Biden đã quan tâm đến việc kiểm soát vũ khí kể từ khi ông lần đầu tiên tranh cử vào Thượng viện, cùng năm mà Nixon đến Trung Quốc. Năm ngoái, ông đã gia hạn Hiệp ước Giảm trừ Vũ khí Chiến lược Mới (New START), trong đó giới hạn việc triển khai các đầu đạn hạt nhân chiến lược của Mỹ và Nga ở mức 1.550 đầu đạn hạt nhân cho mỗi bên. Ông cũng đã cố gắng lôi kéo Trung Quốc vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí. Và ông còn lập luận rằng Mỹ nên chuyển sang một học thuyết tuyên bố rằng “mục đích duy nhất” của vũ khí hạt nhân là để ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân.
Giờ đây, một sự thay đổi như vậy có vẻ khó xảy ra. Trung Quốc đang nhanh chóng chế tạo đầu đạn hạt nhân. Theo tính toán của Lầu Năm Góc, con số nằm ở mức hơn 200 vào năm 2020 có thể đạt 1.000 hoặc hơn vào năm 2030. Các đồng minh đã vận động mạnh mẽ để Mỹ duy trì “khả năng răn đe mở rộng,” qua đó để ngỏ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các lực lượng thông thường vượt trội. Mối đe dọa từ Nga mang lại một lập luận mới mạnh mẽ. Abe nói rằng Nhật Bản nên nghĩ đến việc cho triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ ở nước này, giống như Đức. Đây sẽ là một bước thay đổi lớn so với “ba nguyên tắc phi hạt nhân” lâu đời của Nhật: không chế tạo vũ khí hạt nhân, không sở hữu vũ khí hạt nhân, và không cho phép triển khai vũ khí hạt nhân ở nước này.
Giống như hầu hết các vấn đề địa chính trị mới, ở một mức độ nào đó, ảnh hưởng đối với chiến lược hạt nhân trên toàn thế giới sẽ phụ thuộc vào những gì diễn ra ở Ukraine. James Acton của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho biết: “Nếu lời đe dọa của Putin được coi là thành công, nó có thể thúc đẩy tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân hơn nữa. Nếu lời đe dọa này cuối cùng chỉ là hò hét suông, vì vũ khí hạt nhân không thể sử dụng được, thì nó có thể thực sự làm giảm áp lực phổ biến vũ khí.”
Tuy nhiên, một số nỗi lo vẫn sẽ tiếp diễn dù chiến tranh kết thúc như thế nào. Một nước Nga bị thương nhưng chiến thắng có thể được khuyến khích đe dọa NATO hơn nữa; một nước Nga sa lầy bởi lực lượng nổi dậy Ukraine có thể muốn tấn công những quốc gia đã trang bị máy bay chiến đấu cho Ukraine; một nước Nga cố gắng lật đổ nhà lãnh đạo của mình sẽ tràn ngập bất ổn. Thomas Wright của Viện Brookings ghi nhận, những năm đầu của Chiến tranh Lạnh chứa đầy nguy hiểm – từ cuộc phong tỏa Tây Berlin năm 1948-1949 của Liên Xô, đến khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 – trước khi giai đoạn hòa hoãn mang lại khả năng dự đoán cao hơn. Như Wright đã chỉ ra, “Chúng ta đang sống trong khởi đầu của một kỷ nguyên mới, và giai đoạn khởi đầu có thể rất nguy hiểm.”
https://nghiencuuquocte.org