CHẲNG RIÊNG GÌ Ở MỸ, Hoàng Ngọc Nguyên


Một email “Chúc Mừng Năm Mới” của một người bạn thân thiết từ những ngày xưa lắm, từng chung một mái nhà Trường Chính trị Kinh doanh Đại học Dalat, mà còn làm chung tại Nha Chương trình-Phối trí, Bộ Thương mãi-Tiếp tế, anh Bùi Văn Nhỏ (nhưng trái tim thì lớn), mới biết rằng mình đã đến đầu ngỏ năm mới. Từ ý nghĩ đến một món quá đầu năm có ý nghĩa cho Nhỏ, một món quà anh thực sự cần, bài viết này đã được hình thành cho anh, để chia sẻ cảm nhận về một thời chúng ta đang sống.
Năm mới đương nhiên không nói chuyện cũ - mất hên. Những chuyện mới thì đang đổ đến ào ào như thác. Chọn lọc cho vừa khuôn khổ trang giấy và tầm cỡ hiểu biết giới hạn của mình chẳng phải là dễ. Người xưa thì nói “ôn cố tri tân”. Người thời nay nói: “Cứ nhìn những gì đang xảy ra để biết tội lỗi tổ tiên và dè chừng trong hành động hiện tại” (Không phải Donald Trump).
Thôi thì “Mua vui cũng được một vài trống canh”.
Chuyện nước Mỹ đương nhiên không thể thiếu. Nhất là những chuyện thiết thân với đời sống và sinh mạng người dân như kinh tế, y tế, di dân, súng đạn, bạo lực của da trắng siêu đẳng... Nhưng đó là những vấn đề không nhúc nhích nổi, bởi vì những người dân cử Cộng Hòa ngày càng trở nên “đoàn kết” và bảo thủ dưới thời Tồng thống Trump. Cho nên, có ý nghĩa nhất vẫn là chuyện chính trị vì nó có tính cách quyết định với số phận nền dân chủ Mỹ còn non trẻ và chịu quá nhiều thử thách, và chẳng có gì có thể quan trọng hơn, phài theo dõi, là câu chuyện “đàn hặc” tổng thống “thiên tài rất ổn định” của chúng ta và cuộc vận động tranh cử tồng thống về phía đảng Dân Chủ.
Ngày 21-1, “Tòa án” Thượng Viện Mỹ đã bắt đầu nhóm để cho bồi thẩm đoàn (tất cả 100 thượng nghị sĩ) nghe những “biện lý công tố” Hạ Viện luận tội ông Trump: lạm dụng quyền lực (nhân danh tổng thống nước Mỹ để dùng viện trợ cho Ukraine làm “con tin”, nếu Tổng thống mới tại Kiev không tiến hành điều tra hai cha con ông Joe Biden) và cản trở công lý (ngăn cản chứng cớ và nhân chứng). Người bình thường đều có thề thấy “tội lỗi rành rành” (không thể chối được - ông vẫn luôn luôn cả tin mình có quyền làm bất cứ gì, ngay cả bắn người chết ngoài đường phố New York). Ông Adam Schiff, trưởng nhóm công tố của Hạ Viện, phát biểu: Chứng cớ để truất bãi ông Trump là đầy rẫy; cách ứng xử của Trump chính là những gì mà cha ông lập quốc của chúng ta từng lo sợ...
Tuy nhiên, ban công tố điều hành việc luận tội vẫn yêu cầu một cách tuyệt vọng được đưa ra thêm bằng chứng cũng như mời thêm nhân chứng - nhất là ông John Bolton, nguyên cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, bị sa thải vì đường lối đối ngoại vô nguyên tắc của ông Trump cùng với sự lẫn lộn giữa việc công và tư.. Ông Bolton rất sẵn sàng ra khai chứng, nhưng tất cả 53 thượng nghị sĩ Cộng Hòa đã dứt khoát bỏ phiếu chống chuyện đưa ra bằng chứng mới, nhân chứng mới. Đảng Dân Chủ chỉ có 47 người – làm được gì? Tuyệt vọng là phải.
Người ta gọi đây là “sham trial” (phiên tòa dzởm), kangaroo court (tòa án rừng, không kể gì đến luật pháp). Qui định của người bồi thẩm phải là vô tư và không dính líu gì đến bị can hay công tố. Trong trường hợp này, những bồi thẩm thuộc đảng Cộng Hòa đã thề sống chết bảo vệ tổng thống của mình, trước hết là “một lòng với đảng”, sau là bảo đảm phiếu của cử tri Cộng Hòa trong bầu cử vào tháng 11 này. Ngay cả một số rất nhỏ vài ba thành viên Cộng Hòa, người ta vẫn tưởng lưng chừng, nhưng nay cam kết bảo vệ ông Trump. Với đa số này, làm sao ông Trump có thể sợ bị truất bãi, vốn đòi hỏi một túc số 2/3, tức 67 người!
Rốt cuộc, dư luận quay qua nhìn ông John Roberts, để xem có phép lạ gì hay chăng. Ông Roberts là Trưởng Chánh án Tối cao Pháp viện, tức là người cầm đầu pháp viện chín thành viên này. Trong phiên tòa này xử ông Trump, ông đóng vai chánh án, là người điều khiển cuộc tranh luận giữa bên nguyên và bên bị, với mục đích làm cho rõ mọi chuyện để cho bồi thẩm có cơ sở phán quyết. Liệu ông có quyền quyết định cho phép bên nguyên đơn đưa ra thêm chứng cớ, nhân chứng hay không? Và tuy được một tồng thống Cộng Hòa bổ nhiệm, ông có giữ được sự trung thực để có những quyết định vô tư, đúng đắn? Tuy nhiên, áo mặc không qua khỏi đầu. Bồi thẩm đã quyết, chánh án nào dám bác bỏ?
Theo một nhận xét bi quan, đúng là người dân Mỹ đang mò mẩm trong đêm tối bởi vì nền dân chủ Mỹ đang bị giới chính trị lạm dụng và làm cho người ta lạc lối. Những lời kêu gọi thống thiết từ những học giả lịch sử và chính trị “Phải tu chỉnh Hiến Pháp” (Larry Sabato: A More Perfect Constitution) vì Hiến Pháp Mỹ lâu đời quá, đã trở nên lạc hậu trước thời thế thay đổi, nhưng giới chính trị đều bỏ ngoài tai. Có thể nào hy vọng có những thay đổi vào tháng 11 này, khi người ta đi bầu tổng thống cho nhiệm kỳ 2020 và ông Trump tái tranh cử? Thế nhưng trong khi hy vọng “mặt trời rồi sẽ vẫn mọc” (the sun also rises) đang khiến cho mọi người hướng nhìn đến đảng Dân Chủ, thì những ứng cử viên tổng thống của đảng con lừa, oan nghiệt thay, cho thấy họ không có gì đáng tin cậy. Họ dường như chưa sẵn sàng cho một trận chiến một mất một còn khi đối thủ đang chơi xả láng.
Trước khi vào vòng sơ bộ đầu tiên tại Iowa, đảng Dân Chủ còn khoảng 14 người, tức đã giảm đi được ít nhất 10 người từ 6-7 tháng qua. Có thể sẽ chỉ còn tối đa sáu người thực sự có hy vọng (Joe Biden, Bernie Sanders, Elizabeth Warren, Amy Klobuchar, Michael Bloomberg, Pete Buttigieg): Hai lão ông (một “cấp tiến”, một ôn hòa), hai phụ nữ (một “đấu tranh”, một trung dung), một thị trưởng trẻ nổi tiếng về giới tính hơn về kinh nghiệm, và một lão ông quyết dùng bạc tỷ đốt cháy người đương nhiệm. Tuy nhiên, thay vì nghĩ đến khối quần chúng cử tri “dưới hai màu áo” xanh (Dân Chủ) và đỏ (Cộng Hòa) để có những chủ trương, chính sách thích hợp, có sức hấp dẫn và thuyết phục, và họ nếu yêu nhau phải cùng nhìn một hướng là những chuyện lạm dụng quyền lực và cản trở công lý của ông Trump trong thời gian qua, họ đã không thể hiện được những điều tâm nguyện đó.
Thứ nhất, người ta vẫn phải chờ xem những ứng cử viên này nói gì, nghĩ gì, nghe có êm tai, đường lối có gì hấp dẫn, khả thi hay chăng (có lẽ phải chờ sau vài vòng sơ bộ?).
Thứ hai, thay vì “cùng nhìn một hướng” (đánh gục kẻ thù chung), họ lại nứt rạn vì chuyện “riêng tư” - người này bươi móc người kia. Ngay cả bà Clinton đứng ngoài mà vì ủng hộ Biden nên cũng không an hưởng tuổi già bên chồng bên con, cũng nhảy vào đánh ông Sanders, nói ông này không để bà yên trong bầu cử năm 2016, và bình phẩm “chẳng ai ưa ông nổi” (để làm Bill yên lòng?). Rồi bà đánh nữ dân biểu Tulsi Gabbard đang tranh cử (“người Nga ưa chuộng”). Nay bà Gabbard, một cựu thiếu tá Vệ binh Quốc gia, đang kiện bà Clinton đòi bồi thường 50 triệu đô-la! Bà Warren cũng lên tiếng “cáo giác” ông Sanders từng nói với bà “Người ta chằng bầu cho đàn bà làm tổng thống đâu”... Trên sân khấu tranh cãi, bà không bắt tay ông. Trong khi đó, khán giả Donald Trump vỗ tay, la hét “Vô! Vô!”.

Nhà báo lão thành của tờ The New York Times Thomas Edsall đã lên tiếng cảnh giác “Cử tri ngày nay ít khoan dung, ít đồng cảm và ít quan tâm đến liêm sĩ chính trị (less tolerant, less empathetic and less interested in integrity). Bởi thế, đừng suy nghĩ đơn giản ai cũng có thể đánh bại được ông Trump năm nay”.
Bởi thế, người dân Mỹ ngày nay có lẽ cũng giống như chúng ta trước năm 1975, cứ nhìn phía trước mà chẳng thấy gì.
Nhưng nước Mỹ dù sao còn có qui định hiến pháp: một tổng thống chỉ có thể có hai nhiệm kỳ (một trường hợp ngoại lệ duy nhất). Bởi vậy mà trước đây ông Clinton “khoe mẽ”: Nếu cho ông ứng cử lần thứ ba, ông cũng thắng. Sau khi hoàn hồn về vụ án Monica Lewinsky. Và bởi vậy mà nay ông Trump bồn chồn: “Nếu như mình tái đắc cử, bốn năm nữa rồi sao đây”? Ông nhìn quanh mà ao ước vì thấy nước Mỹ lạc hậu, chắc phải viết lại Hiến Pháp với qui định hủy bỏ hạn chế hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ.
Ông nhìn Tổng thống Phillippines Rodrigo Duterte (74): ông này chịu chơi; nghị sĩ, dân biểu đối lập nào chống đối ông, ông bỏ tù ráo!

Ông nhìn Thủ tướng Campuchia Hun Sen: ông này cũng chịu chơi, lo giữ sự nghiệp, quyền lực cho cả đời con, đời cháu.
Ông nhìn Nguyễn Phú Trọng, 75 tuổi: ông này ngày càng nói năng giống mình! Trong khi lính của ông thẳng tay đàn áp, sát hại người dân Đồng Tâm, và tổ chức Economist Intelligence Unit xếp hạng Việt Nam được trên cả 31 nước về mặt tôn trọng nhân quyền, chỉ đứng sau 135 nước, thì ông Trọng ngoảnh mặt với thực tế để ca rằng: “Trên thế giới này, chẳng có mấy chế độ được người dân tin tưởng, kính trọng như chế độ ta”. Ông Trọng (biệt danh “Trọng lú”), sắp 76, đương nhiên quên nhanh chóng chuyện người ta đang lũ lượt bỏ nước ra đi chui!
Ông nhìn Tập Cận Bình, ngày nay đang yên ổn chẳng bị giới hạn ở nhiệm kỳ. Đó cũng là một gương anh hùng hiếm có, bởi vậy trong dịp Trung Cộng kỷ niệm 70 năm của chế độ Cộng Sản (1949-2019), Trump đã làm chuyện hiếm có: gởi điện văn cho Tập chúc mừng. Ông nhìn người bạn ông vẫn ngưỡng mộ. Putin đúng là chịu chơi, dám viết tay sửa đổi hiến pháp (tại sao mình không dám làm như thế nhỉ), để bỏ chế độ tổng thống, và thủ tướng sẽ do đảng đa số cầm quyển chỉ định. Như vậy, nếu đảng của ông cầm quyền “đứng vững ngàn năm” thì ông thủ tướng Putin cũng tại chức triền miên – cho đến chết!
Trong khi ông Trump nằm mơ như thế, người dân bình thường trong giấc mộng hàng đêm chỉ có hình ảnh một phụ nữ: Bà Thái Anh Văn, tổng thống Đài Loan, người đã nhất quyết nói “không là không” đối với chuyện Bắc Kinh muốn dụ dỗ Trung Hoa Dân Quốc sát nhập vào Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc.
Trước mắt, cái gương Hong Kong sờ sờ!
HOÀNG NGỌC NGUYÊN
 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top