VÌ SAO ÂU CHÂU VÀ ẤN ĐỘ TẨY CHAY
Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung CộngKế hoạch “Nhất đới, nhất lộ” của Trung Cộng. Ảnh: Wikipedia
Kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới, tức dự án «Một Vành Đai, Một Con Đường» (Nhất Đới, Nhất Lộ), của chính quyền Bắc Kinh, chiếm một vị trí quan trọng trong cương lĩnh hành động của ông Tập Cận Bình, được đặc biệt nhấn mạnh tại Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Cộng hồi tháng trước, 10/2017. Kế hoạch này là một biểu tượng cho sức mạnh đang lên của Trung Cộng trên phạm vi toàn thế giới. Trên thực địa, việc triển khai dự án trên ra sao? Một số quan sát gần đây cho thấy hàng loạt công trình khổng lồ của dự án, tại nhiều quốc gia, đang đình trệ.
Bài nhận định của AFP mô tả:
«Dự án đường sắt ở Indonesia đang hoàn toàn bất động, khu công nghiệp ở Kazakhstan trống rỗng phân nửa, nhiều công trình tại Pakistan bị đe dọa tấn công: tình trạng thực tế của ‘‘những con đường tơ lụa’’ mà Trung Cộng trông đợi còn rất xa với các tuyên bố đầy tham vọng của chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình».
Con Đường Tơ Lụa Mới:
Ý đồ mở rộng thế lực của Trung Cộng gây lo ngại
Lãnh đạo 28 quốc gia và quan chức cấp cao từ nhiều nước khác tề tựu về Bắc Kinh trong hai ngày 14-15/05/2017 để tham gia một hội nghị thượng đỉnh về sáng kiến Con Đường Tơ Lụa đầy tham vọng của Trung Cộng. Phía Trung Cộng loan báo sẽ có cả trăm nước cử đại diện đến tham dự hội nghị. Tuy nhiên, theo giới quan sát, nhiều chính phủ, từ Washington, Matxcơva cho đến New Delhi, Jakarta, vẫn không tránh khỏi lo ngại trước ý đồ chính trị của Bắc Kinh thông qua vỏ bọc kinh tế, thương mại của sáng kiến này.
Nhiều quốc gia cho rằng khi thúc đẩy việc xây dựng «Con Đường Tơ Lụa Mới», một chuỗi hải cảng cùng với các tuyến đường sắt và đường bộ, để mở rộng giao thương trong một vòng cung trải rộng từ châu Á, qua châu Phi và châu Âu, mục tiêu thâm sâu của Bắc Kinh là bành trướng ảnh hưởng chính trị của riêng Trung Cộng, bào mòn ảnh hưởng của các đối thủ.
Một số nước khác thì lo ngại Trung Cộng có thể làm suy yếu các chuẩn mực về nhân quyền, môi trường và các tiêu chuẩn khác trong việc cấp tín dụng, hoặc là để cho các nước nghèo nhận trợ giúp của Trung Cộng bị nợ nần chồng chất.
Ấn Độ là một trong những nước nghi ngờ Trung Cộng. New Delhi không hài lòng với việc các công ty Nhà nước Trung Cộng đến hoạt động tại vùng Kashmir hiện do Pakistan kiểm soát, nhưng đang có tranh chấp với Ấn Độ. New Delhi xem việc công ty Trung Cộng có mặt ở Kashmir là một sự tán thành của Bắc Kinh đối với quyền kiểm soát của Pakistan.
Ngay cả Nga cũng không tránh khỏi nghi ngại, cho dù về danh nghĩa, Nga là đồng minh thân cận của Trung Cộng - tổng thống Vladimir Putin là một trong những lãnh đạo cường quốc hiếm hoi đến tham dự hội nghị thượng đỉnh về Con Đường Tơ Lụa Mới. Theo giới phân tích, Matxcơva đặc biệt quan ngại trước khả năng Bắc Kinh làm suy yếu ảnh hưởng của Nga ở vùng Trung Á bằng cách nối Uzbekistan và các nước Trung Á khác vào kinh tế Trung Cộng vốn năng động hơn Nga.
Bản thân tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 06/2016 đã tìm cách chống đỡ sáng kiến Con Đường Tơ Lụa của Trung Cộng bằng cách đề xuất một «Đại Dự Án Á-Âu», trong đó Bắc Kinh dẫn đầu về kinh tế, còn Matxcơva lo mảng chính trị và an ninh. Theo hai chuyên gia Ba Lan Marcin Kaczmarski và Witold Rodkiewicz thuộc một trung tâm tham vấn tại Vacxava, sáng kiến đó cho phép điện Kremlin «duy trì được cái mã bề ngoài là họ vẫn nắm quyền chủ động chính trị trong khu vực».
Tại khu vực Đông Nam Á, nước lớn nhất ASEAN là Indonesia, dù có quan hệ tốt với Trung Cộng, cũng thận trọng với các tham vọng chiến lược của Bắc Kinh, đặc biệt sau khi Trung Cộng phớt lờ dư luận để bồi đắp các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông với mục tiêu áp đặt chủ quyền rộng khắp của Bắc Kinh.
Theo Christine Tjhin, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế ở Jakarta, giới tinh hoa chính trị Indonesia lo ngại rằng Trung Cộng có thể lên làm «bá chủ khu vực».
Sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Cộng dĩ nhiên cũng gióng lên những tiếng chuông báo động tại Hoa Kỳ. Theo hãng tin Mỹ AP, một số nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích chính trị cho rằng Bắc Kinh đang cố tạo ra một mạng lưới kinh tế chính trị lấy Trung Cộng làm tâm điểm, đẩy Mỹ ra khỏi khu vực và viết lại các quy tắc về thương mại và an ninh.
Điều oái oăm là bất chấp các nhận định đó, từ ngày lên cầm quyền, tân tổng thống Mỹ Donald Trump đã mặc nhiên để cho Trung Cộng tự do tung hoành, khi rút Hoa Kỳ ra khỏi khối Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, được cho là một công cụ tốt, khả dĩ để cản trở được Trung Cộng.
Châu Âu và Ấn Độ tẩy chay Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Cộng
Thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 tổ chức tại Bắc Kinh kết thúc hôm 15/05/2017. Nhiều thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu từ chối ký kết văn bản về thương mại trong dự án Một Vành Đai Một Con Đường. Đối với New Delhi, tham vọng của Bắc Kinh thiết lập một vành đai từ Âu sang Á xuyên qua Cachemire vùng có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ là một mối đe dọa.
Theo một nguồn tin ngoại giao được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, ít nhất 6 nước trong Liên Hiệp Châu Âu gồm Anh, Đức, Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Estonia từ chối ký kết vào thông cáo kết thúc thượng đỉnh ở Bắc Kinh liên quan đến vế thương mại. Nhiều nước châu Âu tẩy chay đề xuất của Trung Cộng do văn bản này không quan tâm đúng mức đến “các chuẩn mực về môi trường, về các tiêu chuẩn xã hội, không bảo đảm tính minh bạch mỗi khi các cơ quan nhà nước gọi thầu”.
Trong trường hợp của Ấn Độ, New Delhi tẩy chay thượng đỉnh Một Vành Đai Một Con Đường tổ chức tại Bắc Kinh trong hai ngày 14 và 15/05/2017 do bất đồng về chủ quyền lãnh thổ, theo như giải thích của thông tín viên đài RFI từ New Delhi, Sébastien Farcis:
“Thái độ kình địch giữa hai Ấn Độ và Trung Cộng trong khu vực lên đến đỉnh cao. Điều ấy được thể hiện qua việc New Delhi tẩy chay thượng đỉnh quốc tế quan trọng được tổ chức tại Bắc Kinh. Thật vậy, từ lâu nay Trung Cộng đã yểm trợ kẻ thù truyền thống của Ấn Độ là Pakistan, xem Islamabad là một trong những cánh tay đắc lực để thực hiện dự án Con Đường Tơ Lụa mới.
Trung Cộng dự trù đầu tư 42 tỷ euro tại Pakistan, với nhiều dự án xây dựng cầu đường, hải cảng. Vấn đề đặt ra là xa lộ chính của dự án vĩ đại này lại đi ngang qua vùng Cachemire của Pakistan, nơi mà từ 70 năm nay Ấn Độ vẫn khẳng định chủ quyền. Đây là điều New Delhi không thể chấp nhận được.
Dù vậy trong cuộc đối đầu với Trung Cộng, Ấn Độ đang trong thế đơn độc. Tất cả các quốc gia trong vùng, ngoại trừ Bhoutan, đều đã ngả vào vòng tay Bắc Kinh. Trung Cộng hứa giúp các quốc gia này nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng, cấp tín dụng và huy động các tập đoàn xây dựng của Trung Cộng.
Trước mắt, New Delhi đang mở chiến dịch phản công: vận động một vài nước lân cận như là Sri Lanka hay Nepal kháng cự với Bắc Kinh. Nhưng có khả năng, Ấn Độ sẽ khó cưỡng lại trước sức thuyết phục mạnh mẽ của Trung Cộng”.
D |
Tuy nhiên, thực tế tương phản hoàn toàn với những tuyên truyền hùng biện của các lãnh đạo Trung Cộng. Rất nhiều dự án trong số đó được tiến hành hoặc tại các quốc gia, với nền dân chủ đang bị chao đảo, hoặc tại các chế độ độc tài, hoặc tại những nơi các lực lượng nổi dậy thường xuyên đe dọa.
Ví dụ như tại Indonesia, nơi Bắc Kinh đã giành được từ năm 2015 một hợp đồng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của quốc gia Đông Nam Á này, các công trình xây dựng chỉ vừa mới bắt đầu ít lâu, chủ yếu do các bất đồng chính trị trong nước. Tổng thống Indonesia đã cho khởi sự dự án vào tháng 1/2016, tại khu vực miền tây đảo Java, tuy nhiên, theo chứng kiến của nhiều phóng viên AFP mới đây, chưa hề có dấu vết gì của tuyến đường sắt tương lai. Bộ trưởng Giao Thông Indonesia và các công ty Indonesia và Trung Cộng tham gia dự án này, từ chối trả lời các câu hỏi của AFP.
Một dự án đường sắt cao tốc khác nối liền Trung Cộng với Singapore, qua Lào, Thái Lan và Malaysia, cũng ở trong tình trạng tương tự. Đoạn đường qua Thái Lan bị chậm do các tranh chấp về tài chính, điều kiện vay tiền, cũng như quy định liên quan đến thi công. Chỉ đến tháng 7/2017, chính quyền quân sự Thái Lan mới phê chuẩn khoản kinh phí 5,2 tỉ đô la, để khởi sự công trình.
Tại Lào, tuyến đường dự kiến dài khoảng 415 cây số. Tuy nhiên, tại quốc gia được coi là đồng minh ruột của Bắc Kinh, dự án gây rất nhiều phản đối, do giá đắt – khoảng 5 tỉ đô la, tương đương với một nửa tổng sản phẩm quốc nội của Lào. Nhiều ý kiến lên án cho rằng dự án đường sắt này không có ích lợi gì cho «một quốc gia quá nghèo» như Lào.
Bên cạnh các quốc gia Đông Nam Á nói trên, Trung Cộng cũng chọn đầu tư tại những nước nguy hiểm về an ninh, như Pakistan. Nhiều hợp đồng giữa Bắc Kinh và Islamabad, với tổng trị giá 46 tỉ đô la, được ký kết năm 2013, với mục tiêu xây dựng một hành lang đường bộ và đường ống năng lượng, nối liền khu vực viễn tây hẻo lánh của Trung Cộng với vùng biển Nam Á.
Tuy nhiên, tại tỉnh Balochistan (tây nam Pakistan), các lực lượng nổi dậy đã tấn công vào các công trình xây dựng đường ống dẫn dầu, một số đoàn tàu và kể cả các kỹ sư Trung Cộng.
Nhìn chung, cho dù các dự án đường tàu cao tốc của Trung Cộng được giới lãnh đạo Trung Cộng và chính quyền các nước đối tác thường xuyên ca ngợi và cổ vũ, người dân thường tại các địa phương nơi tàu cao tốc dự tính sẽ đi qua, không hề hưởng ứng. Trả lời AFP, một dân làng Indonesia nhận xét: «Tàu cao tốc không phải cho chúng tôi… chỉ những nhà kinh doanh cỡ bự mới nghĩ rằng thời giờ là tiền bạc».
Biển Ấn Độ - Thái Bình Dương:
Bộ Tứ Ấn-Nhật-Mỹ-Úc lần đầu nhóm họp
Trong lúc Trung Cộng nỗ lực quảng bá cho dự án Nhất Đới, Nhất Lộ nghìn tỉ đô la, một số quốc gia láng giềng lo ngại tham vọng của Bắc Kinh, đặc biệt là hai vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đã tìm cách hợp sức. Hôm 12/11 vừa qua, đại diện bốn quốc gia - Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Mỹ - đã có cuộc họp chính thức lần đầu tiên, để thảo luận về một dự án bảo vệ «tự do» và «trật tự quốc tế mở dựa trên luật pháp» tại vùng biển Ấn Độ -Thái Bình Dương.
Cuộc họp quan chức ngoại giao cấp bộ của bốn quốc gia nói trên, gọi tắt là cuộc họp Bộ Tứ, diễn ra tại Manila, bên lề thượng đỉnh Đông Á, và vào hôm trước cuộc thượng đỉnh của khối ASEAN.
Theo thông báo của bộ Ngoại Giao Ấn Độ, được đưa ra sau khi hội nghị kết thúc, được báo Ấn Độ The Economic Times trích lại, «các bên tham gia đang tìm cách thống nhất quan điểm, nhằm mục tiêu chung» là thúc đẩy «hòa bình, ổn định và thịnh vượng, bằng cách gia tăng hợp tác tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương». Xây dựng một liên minh tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương là một dự án trùng với chiến lược Hướng Đông của New Delhi từ nhiều năm nay.
Về phần mình, bộ Ngoại Giao Nhật Bản nhấn mạnh tất cả các bên tham gia hội nghị Bộ Tứ đều «lo ngại trước các hoạt động đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông, và các hoạt động nói trên của Trung Cộng có thể đe dọa quyền tự do hàng hải ở khu vực này». Nhật Bản và Hoa Kỳ đều ủng hộ việc Ấn Độ «có một vai trò chiến lược chủ chốt» tại vùng biển nói trên, mà Biển Đông là một bộ phận.
N |
Ý tưởng về một liên minh như vậy đã được thủ tướng Nhật Bản nêu lên lần đầu tiên vào năm 2007 (*). Tuy nhiên, vào thời điểm đó, do các áp lực của Trung Cộng, chính phủ Úc đã quyết định không tham gia. Chính phủ Ấn Độ lúc đó cũng giữ khoảng cách với dự án này.
(*) Ngày 22/08/2007, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có bài phát biểu trước Quốc Hội Ấn Độ, với tựa đề «Confluence of the Two Seas/ Hợp lưu hai biển», trong đó ông Abe dẫn lại tác phẩm «Majma ul-Brahrain/Confluence of the Two Seas» của Dara Shikoh (1615–1659). Tác phẩm của nhà tư tưởng của Ấn Độ thời Mô-gôn được gợi ra như một biểu tượng cho khát vọng lâu đời, liên thông hai vùng biển Thái Bình và Ấn Độ Dương, thúc đẩy quan hệ toàn diện giữa Nhật Bản và Ấn Độ.