Tuấn Khanh, Phía sau quê hương

Tham Luận

Tuấn Khanh,

Những ý nghĩ rời khi nghe Nga “dạy” Ukrain

Phía sau quê hương



Một góc Lào Cai bị quân Trung Quốc phá tan nát trong cuộc chiến Việt-Trung 1979 (ảnh: Sovfoto/Universal Images Group/Getty Images) 

Sức nóng của một cuộc chiến có thể diễn ra giữa Ukraine và Nga đang chạm vào từng người dân ở đó. Là một quốc gia nhỏ bé, và khả năng quân đội cũng khó lòng có thể đương cự được với nước Nga. Viễn cảnh đổ nát và bị xâm lược là điều mà báo chí Ukraine nói mỗi ngày.

Trên truyền hình của Ukraine, người ta tìm thấy nhiều bản video kêu gọi tinh thần sẵn sàng chiến đấu của chính phủ gửi đến người dân. Trong lời kêu gọi gia nhập quân đội để sẵn sàng bảo vệ tổ quốc, từ nhiều thành phần khác nhau, nhiều cuộc đời khác nhau.

“Tôi là một tài xế xe bus”, một người mặc quân phục nói. Lại có những người không có gì để giới thiệu về mình, ngoài lời mô tả mộc mạc “tôi là một đứa em trong gia đình”. Những người Ukraine bình thường hàng ngày, được bắt gặp trên mọi ngã đường, có thể họ đang chạy trên một chiếc xe đạp, họ là người giao hàng hay là một sinh viên đang đi học… Tất cả cùng đi đến tiền tuyến, từ những cuộc đời tầm thường vô danh của họ, và rồi chợt trở thành những điểm pháo sáng lóe lên trong đêm mịt mù của chiến tranh, với niềm tin rằng họ phải hành động để bảo vệ đất nước mình.

Bản video kết thúc với dòng chữ “Không ai trong chúng ta sinh ra cho chiến tranh”. Ý niệm như tiếng nhịp đập thổn thức của trái tim, đột nhiên bùng lên vĩ đại trong cảm giác tràn ngập. Quả vậy, không ai trong chúng ta trên thế gian này sinh ra cho sự khốn cùng, cam chịu, hy sinh hay bị sai khiến như nô lệ.

Không ai trong chúng ta sinh ra để bị đẩy vào một cuộc chiến, đẩy vào cái chết. Và chỉ có điều duy nhất có thể được lựa chọn để đánh đổi: Đó là tự do và cuộc sống của những người phía sau mà chúng ta cần phải bảo vệ. Những con người Ukraine vô danh ấy đã dệt nên bản giao hưởng vĩ đại có tên tổ quốc – danh dự – trách nhiệm.

Cũng trong những điểm pháo sáng chớp lóe kiêu hãnh đó, bất giác tôi lại chợt tự hỏi “ở đâu rồi, những doanh gia trẻ thành đạt, những con cái của giới quan chức cầm quyền, hay những thành phần giàu có cơ hội của đất nước ấy? Họ ở đâu trong những giờ phút sẽ là sống chết cận kề vì quê hương?”.

Trong mọi giờ phút kiêu hãnh nhất của một quốc gia đứng trước nguy nan, chắc người ta không có nhiều thì giờ đi cho những suy nghĩ bi phẫn đó. Nhưng những tin tức báo chí quốc tế quan sát từ bên ngoài, vẫn nói về chuyện giới nhà giàu Ukraine đang lặng lẽ di chuyển ra khỏi đất nước, những thành phần thân Nga đang tháo chạy một cách bí mật trước một cuộc chiến, trốn chạy ngay trên miền đất mà họ đã sống và thịnh vượng bằng cả sức lao động và máu của người dân ở đó. Ở đâu cũng vậy, luôn có những bọn vô lại trên quê hương, đứng phía sau máu và nước mắt. Họ có đủ lý do để từ chối: Bệnh tật, du học hay trơ trẽn gọi nhau là thành phần cốt cán cầm quyền tương lai của đất nước, với ý thức cần tự bảo vệ.

Trong những hình ảnh cuộc chiến 1979 ở biên giới phía Bắc, và kể cả cuộc chiến ở biên giới phía Tây Nam Việt Nam với Khmer Đỏ, người ta từng thấy rất nhiều hình ảnh các người lính, chàng trai, cô gái… vô danh xuất hiện trên báo chí, mà rồi không biết giờ này họ đang ở đâu, sống hay chết – những số phận vì tổ quốc ấy, đang ở đâu? Có thể họ còn sống lây lất đâu đó hoặc nấm mồ im lặng của họ chưa được tìm thấy. Nhiều người trong số đó chắc cũng từng là giáo viên, là tài xế, đứa con út trong gia đình, hoặc là một người đang mơ vào đại học.

Lịch sử đi qua, với khúc quanh bất thường như một nấm mồ khổng lồ đã chôn chặt rất nhiều thứ trong quá khứ ẩn ức. Đi qua cuộc cuộc chiến 1979, có những ước mơ và có những cuộc đời mãi sẽ không bao giờ được nhắc đến, dù đó là sự dâng hiến kiêu hãnh vì tổ quốc –  danh dự – trách nhiệm theo quy luật vĩ đại của lịch sử loài người. Tất cả được hy sinh cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc của một số ít người. Thỉnh thoảng nhìn thấy những đoạn phim đối diện cuộc chiến của người Ukraine, câu hỏi vô ích trong tôi lại chợt vọng lên:
“Ở đâu, con cái những người đủ đầy cơ hội, con cái quan chức… trong những cuộc chiến 1979, 1984, 1988… hay trước đó trong cuộc nội chiến Bắc Nam?”.

Thậm chí một ngày tưởng niệm chung cho những người đã chết vì đất nước, chống giặc Trung Quốc xâm lược, vẫn chưa bao giờ được chính thức tổ chức. Thường thì khi đi qua cuộc chiến, sau những chặng khốn cùng của quê hương, người ta dễ tìm thấy những đại công ty, những nhà tư bản đỏ đột ngột xuất hiện. Họ ung dung tự giới thiệu tài năng thịnh vượng của riêng mình, và thanh thản tận hưởng thanh bình từ sự hy sinh của những đồng bào vô danh vĩ đại.

Hãy im lặng lắng nghe. Bên ngoài kia, lớp người đó vẫn đang cao giọng nói về sự hãnh tiến của mình, nói về quyền lực và quyền lợi, trên những nấm mồ im lặng vẫn còn đang ôm chặt quê hương.
 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top