Trúc Giang MN
Võ sư Canada đến Việt Nam thách đấu
để kiểm chứng tuyệt chiêu kinh thiên động địa
của võ sư chưởng môn phái Nam Huỳnh Đạo
Kể từ khi video trình diễn “Võ công truyền điện” của võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, chưởng môn phái Nam Huỳnh Đạo, lan truyền trên youtube, đã nhanh chóng tạo ra một cơn sốt trong giới võ thuật, và người hâm mộ trong và ngoài nước. Các cơ quan truyền thông vào cuộc, với những ý kiến khác nhau của vụ việc, gây sóng gió trong giới “giang hồ”, do tuyệt chiêu kinh thiên động địa nầy tạo ra.
Võ sư Canada, người gốc Chile tên Pierre FranÇois Flores, đệ tử của Đại võ sư Nam Anh, Chưởng môn của phái Vịnh Xuân Nam Anh, Canada. Flores đã thách đấu với võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt để kiểm chứng thực, hư về chưởng “truyền điện” nầy.
Việc thách đấu của một người ngoại quốc, với một chưởng môn Việt Nam đã bị hiểu lầm. Tinh thần dân tộc bị kích động, cho nên có đến hàng chục võ sư và võ sĩ Việt Nam thách đấu với Flores, với những lời lẽ “ăn thua đủ, cay cú”, trong đó có cả võ sĩ Cung Lê ở Hoa Kỳ.
Khi đặt chân đến Sài Gòn, Đại võ sư Nam Anh nhấn mạnh: “Flores là môn sinh của phái võ Việt Nam. Anh luôn luôn thấm nhuần tinh thần “uống nước nhớ nguồn” nên Flores không đến Việt Nam để thách đấu, hầu tìm danh vọng hay danh tiếng phù phiếm. Flores đến VN để chứng minh một điều, đừng lừa bịp, xảo trá trong võ thuật”.
Flores phát biểu: “Tôi khẳng định một điều: “Tôi yêu đất nước VN, tôi yêu con người Việt Nam. Tôi không đến để gây hấn, nhưng đến để tranh đấu cho sự thật của một nền võ thuật chân chính, không bịp bợm”.
Flores đã công khai thách đấu, nhưng chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt không ra mặt. Điều nầy chứng tỏ “chưởng điện giật” là không có thật. Chỉ là lừa bịp.
Tuyệt chiêu kinh thiên động địa của Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt
Chưởng môn Kiệt vận công nạp điện trước khi xuất chiêu
Trên youtube. Trước mặt sư phụ Huỳnh Tuấn Kiệt, là hai đệ tử ở tư thế sẵn sàng cho cuộc đấu. Đệ tử đứng trước trong tư thế thủ. Đệ tử đứng sau đặt hai tay lên vai người đứng trước. Sư phụ xoay mình vận công, hai tay di chuyển theo hình tròn như để thu kình lực, nén kình lực rồi phóng chưởng bằng cách chỉ dùng một ngón tay chạm nhẹ vào bàn tay của đệ tử đứng trước, tức thì đệ tử đứng sau bị xung điện truyền từ người đứng trước, anh ta té lăn mấy vòng trên mặt đất. Người đứng trước không hề hấn gì, cơ thể bất động vì chỉ làm nhiệm vụ dẫn và truyền điện mà thôi.
Về mặt “vật lý”, tình trạng bị điện giật một phát như thế, thì nguồn điện phải ít nhất là trên dưới 100 volts, nhưng ở đây có nhiều điều kỳ lạ là trên thực tế, người bị điện giật không lăn tròn dưới đất như đệ tử của võ sư Kiệt đã làm. Kế đó, người trực tiếp nhận nguồn điện 100 volts, trên thực tế thì cũng không đứng yên, bất động như đệ tử ông này đã làm.
Ở một màn khác, sư phụ Tuấn Kiệt chỉ đứng yên một chỗ, bất động. Khi nắm đấm đệ tử chạm cơ thể sư phụ, thì bị hất tung ra té nhào dưới đất. Một đòn truyền điện khác nữa của chưởng môn Tuấn Kiệt là, ông vận công có thể đánh ngã nhiều đệ tử ngoài tầm tay của ông. Đòn kinh thiên động địa nầy là chưởng lực, tức là sức mạnh của chưởng môn đi xuyên qua bầu không khí để đánh đối thủ ở xa, ngoài tầm tay.
Đòn quỷ khóc thần sầu của chưởng môn Tuấn Kiệt là đánh ngã hai mươi đệ tử cùng một lúc. Clip video. Trước mặt sư phụ, hai hàng dọc, mỗi hàng khoảng 10 người, người sau ôm eo người trước như trò kéo dây. Người đứng đầu hai hàng chạm vào sư phụ thì cả hai hàng dọc gồm 20 đệ tử bật tung ra, té nhào dưới đất.
Trên youtube có hàng chục clip tựa đề “Màn biểu diễn nội công của võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt.
Các võ sư cho rằng, nếu thật sự có công phu đó thì nó được xem là tuyệt chiêu long trời lỡ đất, kinh thiên động địa, vì từ trước đến nay chưa có thứ võ công nào thật sự như thế cả, chỉ thấy trong phim chưởng Hồng Kông mà thôi.
Tin tức cho biết những cuộc luyện tập của môn Nam Huỳnh Đạo nầy chỉ được thực hiện vào buổi trưa, từ 11g đến 2 giờ. Chưởng môn luôn luôn mặc áo vest hoặc y phục chỉnh tề, giày da và mang cà vạt.
Trên thực tế, bất cứ nguồn điện nào cũng phải có hai cực. Cực dương dấu cộng (+), cực âm dấu trừ (-). Trong cơ thể con người, từ xưa đến nay, từ Việt Nam đến châu Âu, châu Mỹ, châu Phi…chưa có con người nào chứa 2 cực âm dương vào một cơ thể cả.
Đại võ sư Nam Anh dẫn đệ tử về Việt Nam, để tranh đấu cho một nền võ học cổ truyền chân chính
Võ sư Pierre FranÇois Flores được sư phụ Nam Anh đưa về Việt Nam ngày 10-7-2017, với mục đích chính là để kiểm chứng tuyệt chiêu “Truyền Điện” của võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, Chưởng môn phái Nam Huỳnh Đạo. Kiểm chứng bằng một trận thách đấu.
Tại Sài Gòn, Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt không ra mặt, điều nầy cho thấy có cái gì gian dối của bậc sư phụ.
Thất vọng quá, võ sư Pierre F. Flores bay ra Hà Nội để tham dự hai cuộc thách đấu của hai chưởng môn Việt Nam.
1. Võ sư Flores đấu với Chưởng môn Karate Đoàn Bảo Châu
Do thách đấu của võ sư Đoàn Bảo Châu là Chưởng môn Karate Việt Nam, ngày 12-7-2017, trận đấu diễn ra ở Hà Nội, tại một địa điểm không tiết lộ. Bí mật vì nhà chức trách võ thuật không cho phép thực hiện thách đấu.
Võ sư Pierre F. Flores ra đòn chân, đá trúng mặt và hạ đo ván võ sư Bảo Châu trong vòng 4 phút. Bảo Châu không gượng đứng dậy được, nên được chăm sóc tại chỗ.
Võ sư Đoàn Bảo Châu 52 tuổi, cao 1.61m, nặng 62kg. Flores 41 tuổi, nặng 91kg. Sự chênh lệch rõ ràng về thể lực của hai bên, nhưng võ sư Bảo Châu tự tin rằng ông sẽ thắng, hoặc huề nên mới có thơ thách đấu.
Dù thua nhưng Bảo Châu cho biết, tâm phục, khẩu phục đối thủ. Và hai bên trở nên bạn thân và tặng quà cho nhau.
2. Võ sư Flores đấu với Chưởng môn Vịnh Xuân Trần Lê Hoài Linh
Võ sư Flores đấu với Chưởng môn Vịnh Xuân Quyền Lê Hoài Linh
Võ sư Canada hạ gục hai chưởng môn Việt Nam trong thời gian chưa đầy năm phút.
Chiều ngày 13-7-2017, võ sư Pierre Flores có trận đấu với võ sư Trần Lê Hoài Linh, Chưởng môn Vịnh Xuân Việt Nam. Flores ra đòn liên tiếp đánh vào hàm vào mặt và hạ đo ván Hoài Linh trong 2 phút 12 giây.
Hai võ sư nầy cùng môn phái Vịnh Xuân nên không đặt nặng vấn đề hơn thua. Hai bên thỏa thuận không dùng chân đá.
Ý kiến về hai trận đấu của Chánh Chưởng Quản Việt Võ Đạo
Võ sư Nguyễn Văn Chiếu * Flores tặng hoa cho ông Nguyễn Văn ChiếuÔng Nguyễn Văn Chiếu, Chánh Chưởng Quản Vovinam cho rằng, những võ sĩ đã tỉ thí với ông Flores đã không tự lượng sức mình, ông nói: “Các võ sĩ kia không tự lượng sức mình nên thách đấu với một người to cao, nặng hơn mình mấy chục ký, trẻ tuổi hơn, lại đấu không luật lệ. Mấy võ sư kia có mời thì người ta mới đấu chớ tự dưng ông võ sư Tây nầy biết đâu mà đấu. Người tập võ nên kềm chế bản thân mình mới là điều tốt”.
Nhận xét về Flores, ông Chiếu phát biểu: “Tôi không ngờ Flores đến nhà mình với trang phục lịch sự, khác với hình ảnh của một ông Tây bụi bặm, thấy trên báo chí mấy ngày qua. Trò chuyện với Flores cũng chẳng thấy anh ta hiếu chiến, ham đánh đấm, thách đấu như nhiều người nói”.
Chủ tịch “Liên Đoàn Taekwondo Thần Phong Quốc Tế” không tin tưởng “võ công truyền điện” của Huỳnh Tuấn Kiệt
Võ sư Trương Nguyên Thuận, Chủ tịch Liên Đoàn Taekwondo Thần Phong Quốc Tế, nêu nhận xét về võ công “truyền điện” của võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, Chưởng môn phái Nam Huỳnh Đạo đăng đầy ngập trên internet trong thời gian vừa qua. Thấy vậy tôi rất ngưỡng mộ nhưng không tin tưởng lắm!”
Trên video, hình của võ sư Kiệt biểu diễn cùng một vài cao đồ quen thuộc của ông ấy. Thâm tâm tôi nghĩ, nếu thật sự có loại công phu ghê gớm như vậy thì phái Nam Huỳnh Đạo xứng danh trong võ lâm nước nhà, bảo vệ chính nghĩa thì không có gì sánh bằng! Và bản thân tôi cũng sẵn sàng bái sư, xin làm đệ tử của võ sư Kiệt.
Tôi học võ từ lúc 5 tuổi cho đến bây giờ vẫn còn năng động ở tuổi “cổ lai hy”, vẫn chưa có duyên chứng kiến tài năng, kỹ thuật của phái Nam Huỳnh Đạo của Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt.
So về vai vế, đạo hạnh, thì Flores sẽ không mất nhiều so với thân phận của võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, nếu bị thua. Võ sư Kiệt đưa ra những điều kiện rất buồn cười, làm giảm uy tín của một tôn sư.
Điều quan trọng là võ sư Kiệt phải chứng minh tuyệt chiêu thật sự của mình, “võ công truyền điện” trước thiên hạ và giới võ thuật. Đó là điều quan trọng mà võ sư Kiệt lại không làm.
Dù sao cũng khích lệ võ sư Flores với niềm đam mê võ học Việt Nam.”
Cao thủ Thiếu Lâm lột mặt nạ Huỳnh Tuấn Kiệt
Chưởng môn Thiếu Lâm Kung-Fu Nguyễn Hắc Long * Môn sinh trổ tài
Ngày 25-7-2017, trên facebook cá nhân, ông Nguyễn Hắc Long, Chưởng môn Thiếu Lâm Kungfu Việt Nam, cho biết: “Mục đích của võ sư Pierre FranÇois Flores muốn kiểm chứng khả năng khí công, và võ thuật thật sự của võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, để trả lại sự trong sáng cho nền võ học truyền thống của dân tộc Việt, vì chính ông Flores cũng là đệ tử của thầy võ người Việt là võ sư Nam Anh”.
Quan điểm của võ sư Hắc Long rất rõ ràng. Ông ủng hộ Flores từ Canada xa xôi đến Việt Nam, để tìm sự thật về khí công “nhuốm màu kỳ bí” của Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt.
Võ sư Hắc Long cho biết khí công được loan truyền và phô trương trên internet là “võ truyền điện” và được môn đồ giải thích đó là nội công “Lăng Không Kình” là có thật.
“Tại sao Kiệt phải né tránh và lẫn trốn các cuộc gặp mặt của Flores. Nếu thật sự là có môn võ kỳ công nầy, thì dịp nầy là cơ hội để chứng minh với thiên hạ, võ lâm, xóa đi sự hồ nghi và đàm tiếu trên cộng đồng mạng. Buông ra một lời dối gian, thì phải bịa thêm 10 câu hư vọng để biện hộ. Cần gì phải làm khổ như vậy?
Tôi cũng là người luyện tập võ công và khí công Thiếu Lâm suốt 30 năm nay. Đã từng biểu diễn các tiết mục “Thiết bối sam công” dùng nhíp sắt xe ôtô đập vào cơ thể cho cong, và một số các tiết mục khác từ những năm 1997.
Tôi khẳng định rằng những màn biểu diễn khí công của anh Kiệt hoàn toàn là ảo. Không có thứ khí công võ thuật nào như thế cả”.
Võ sư môn phái “Thiếu Lâm Kungfu Việt Nam” cho biết thêm: “Xem quyền thuật của phái Nam Huỳnh Đạo, mà chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt đã sáng tác, thì những người luyện tập và nghiên cứu thâm sâu về võ thuật đều thấy rằng, cũng có các thế khoa chân, múa tay, đấm đá nhưng nó không có tính kết cấu về nguyên lý của quyền thuật”.
Võ sư Hắc Long nêu nhận xét: “Khôi hài hơn là có vài vị lãnh đạo Liên Đoàn Võ Cổ Truyền, lại lên tiếng bảo vệ, bao che dung túng cho Kiệt. Điều nầy ai cũng hiểu rõ rằng họ bảo vệ thứ sản phẩm do họ dán nhãn và công nhận”.
Võ sư Hắc Long kết luận. “Sai thì sửa. Ngã thì đứng dậy đi. Tiếp thu mọi ý kiến. Hãy mở lòng mình ra mà đón nhận, thì mới là dũng cảm. Hy vọng rằng sẽ có nhiều người tỉnh ngộ để bước vào con đường võ đạo chân chính, bằng sự học tập, khổ luyện, có tài, có đức góp phần bảo tồn, chấn hưng và phát triển nền võ học của dân tộc Việt Nam.
Thật sự tôi không muốn lên tiếng về những gì đang xảy ra. Tuy nhiên, có nhiều điều nhức nhối, tôi buộc phải nói ra tâm tư của mình”
Những ý kiến về đòn “Lăng Không Kình” của Huỳnh Tuấn Kiệt.
1. Sự ngạc nhiên của sư phụ của Huỳnh Tuấn Kiệt
Từ trái sang Tổng đàn chủ Vịnh Xuân, Katleen Phan Võ và ông Cù Mai Công
Flores nặng 90kg dẫm lên bụng nhưng Chưởng môn Cù Mai Công không hề hấn gì
Sư phụ của Huỳnh Tuấn Kiệt kinh ngạc về đòn “Lăng Không Kình”.
Ông Cù Mai Công, Chưởng môn Karate Shorin-ryu Việt Nam, đã từng là sư phụ Karate của Huỳnh Tuấn Kiệt, đã vô cùng ngạc nhiên với chiêu thức “Võ điện-Lăng Không Kình” của Chưởng môn Kiệt.
2. Ý kiến của Chủ Tịch Liên Đoàn Võ Thuật Cổ Truyền Việt Nam
Ông Hoàng Vĩnh Giang, Chủ tịch Liên Đoàn Võ Thuật Cổ Truyền Việt Nam,
cho biết: ”Từ trước đến nay chỉ được thấy nó trong phim chưởng Hồng Kong mà thôi”.
3. Con gái của Chưởng môn Vịnh Xuân Nam Anh nói về Huỳnh Tuấn Kiệt
Katleen Phan Võ con gái của võ sư Nam Anh
Katleen Phan Võ là con gái của võ sư Nam Anh, sư phụ của Pierre FranÇois Flores, nêu nhận xét: “Huỳnh Tuấn Kiệt đã khiến cho giới trẻ hiểu sai về võ thuật”.
Cô sinh năm 1997 (20 tuổi), học võ từ lúc 9 tuổi. Nhận xét về hai trận đấu giao hữu, cô Katleen Phan Võ cho biết: “Flores chỉ dùng hai bàn tay mở rộng, không dùng nắm đấm, được cho là thế mạnh của Vịnh Xuân trong cận chiến, qua những nắm đấm đầy uy lực. Điều đó cho thấy Flores giao đấu trên tinh thần giao hữu”.
Về việc thách đấu với chưởng môn Nam Huỳnh Đạo, “Tôi nghĩ nhiều người đã hiểu sai về mục đích của Flores. Ngay từ khi sang Việt Nam Flores đã nói rõ, anh muốn gặp Huỳnh Tuấn Kiệt để kiểm chứng, làm sáng tỏ đòn “Truyền Điện”, với mục đích cho giới trẻ Việt Nam hiểu rằng, võ thuật không phải là cái gì được cường điệu hóa trở nên thần thánh. Flores muốn chứng minh cho mọi người thấy những chiêu thức mà ông Huỳnh Tuấn Kiệt biểu diễn trên internet là không trung thực”
Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt né tránh, không gặp võ sư Flores
Những điều kiện để Flores được gặp mặt chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt.
Võ đường của Nam Huỳnh Đạo ở Đình Nam Chơn
Trưa ngày 19-7-2017, Flores cùng một số đệ tử đã đến Đình Nam Chơn, tổ đường của phái Nam Huỳnh Đạo, mong tìm gặp Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt, nhưng võ sư Kiệt không tiếp. Flores cho biết: “Nếu bắt tay mà thấy có điện thì ông sẽ bái sư Huỳnh Tuấn Kiệt, xin được làm đệ tử.
Không được gặp Chưởng môn Tuấn Kiệt, Flores thất vọng ra về.
Ngày 21-6-2017, Flores viết trên facebook: “Những động thái gần đây cho thấy bản thân ông đang né tránh cuộc giao đấu giữa tôi với ông. Tôi sẽ chắp ông đôi chân khi đấu với ông. (Không dùng chân để đá, đạp). Tôi đề nghị ông hãy bỏ cái mặt nạ, đừng lừa dối nữa. Hãy tháo gỡ những cái clip về đòn “truyền điện” đó xuống”.
Tội nghiệp cho một vị tôn sư “đức cao trọng vọng” mà không dám đánh, để cho những đệ tử thấy rằng người nước ngoài nầy không thấy trời cao đất rộng là gì. Ông ăn làm sao, nói làm sao với các đệ tử của ông đây?
Những điều kiện tức cười của Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt.
Người em của Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt là Huỳnh Tuấn Hùng, đưa ra ba điều kiện để Flores được gặp mặt chưởng môn Tuấn Kiệt:
- Flores phải có giấy giới thiệu của sư phụ là võ sư Nam Anh
- Phải được chính quyền cho phép.
- Đến với tinh thần hòa giải, không khiêu khích.
Về việc thi đấu, Chưởng môn Tuấn Kiệt chỉ đấu với sư phụ của Flores là võ sư Nam Anh mà thôi.
Vài nét về võ sư Nam Anh
Võ sư Nam Anh và đệ tử
Võ sư Nam Anh xuất thân từ một gia đình có truyền thống võ thuật lâu đời. Được ông ngoại truyền thụ võ công Thiếu Lâm. Suốt ba mươi năm theo học, nghiên cứu võ thuật của các môn phái: Võ Đang, Vịnh Xuân, Bạch Mi chính thống ở Việt Nam.
Bên cạnh sự nghiệp về Võ Thuật, Đại võ sư Nam Anh còn hoạt động rất tích cực trong nhiều lĩnh vực chuyên môn, nghề nghiệp khác :
Tốt nghiệp Cao Học Luật Công Pháp Quốc Tế tại Luật Khoa Đại Học Đường - Sài Gòn, cử nhân văn chương Pháp và Đức - Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.
1969 đến 1973 : Hội viên Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam, phó tổng thư ký Tòa soạn Nguyệt san Võ thuật là tạp chí duy nhất về võ thuật thời đó.
1973 : Luật Sư thuộc Luật Sư Đoàn - Sài Gòn.
1973 đến 1975 : Cố vấn Pháp Lý cho Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam
1977 đến 1986 : Hội viên Hội Luật Gia Việt Nam.
Đến Québec - Canada năm 1986, ông là Giáo sư giảng dạy hơn 9 năm tại Đại Học Montréal, cùng lúc hoàn tất học trình Tiến Sĩ Luật Thương Mại Quốc Tế.
Đại Sư Nam Anh còn là Chủ tịch, kiêm sáng lập viên Liên Đoàn Quốc Tế Thiếu Lâm Vịnh Xuân Nam Anh Kungfu và Liên Đoàn Quốc Tế Vịnh Xuân Chính Thống.
Đồng thời ông cũng là Chủ tịch kiêm sáng lập viên Hội Án, Ma, Nã tại Québec và là tác giả của hơn 16 quyển sách các loại từ võ thuật, sinh ngữ, kiến trúc, đến đông y, tử vi đẩu số v.v... xuất bản trong những năm 1969 –
Vài nét tổng quát về môn phái Vịnh Xuân
1. Năm cao đồ xuất sắc của Thiếu Lâm
Vịnh Xuân Quyền (Wing Chun) là môn võ thuật có nguồn gốc từ Nam Thiếu Lâm tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa. Chùa Thiếu Lâm nầy bị hỏa thiêu, hủy diệt toàn bộ do nhà Mãn Thanh, vì có liên hệ đến phong trào Phản Thanh Phục Minh.
Năm cao đồ xuất sắc của Thiếu Lâm còn sống và trốn thoát là:
Chí Thiện Thiền Sư, Ngũ Mai Sư Thái, Bạch Mi Đạo Nhân, Phùng Đạo Đức và Miêu Hiển.
2. Nguồn gốc của cái tên Vịnh Xuân
Đệ tử của Ngũ Mai Sư Thái là Nghiêm Nhị, ông nầy truyền võ học Thiếu Lâm lại cho con gái tên Nghiêm Vịnh Xuân. Vịnh Xuân truyền sở học cho chồng tên Lương Bát Trù. Bát Trù phát triển môn võ nầy và đặt theo tên vợ là Vịnh Xuân Quyền.
Tóm lại, Vịnh Xuân có nguồn gốc là Nam Thiếu Lâm nhưng phát triển thành môn võ đặc biệt và khác với Thiếu Lâm.
3. Những đòn thế của Vịnh Xuân Quyền
• Về thủ pháp
Kỹ thuật Vịnh Xuân Quyền, bề ngoài thì rất đơn giản, chỉ có vài ba bài quyền, một bài côn, một bài đao và một bài mộc nhân thung.
Vịnh Xuân Quyền chú trọng về những đòn tay, được tung ra bằng những cú đấm khủng khiếp trong cận chiến. Những đòn tay được luyện tập qua người gỗ (Mộc nhân).
• Về cước pháp
Những đệ tử khi đã nhuần nhuyễn về đòn tay, thì mới được dạy về những đòn chân. Đòn chân của Vịnh Xuân Quyền không đá cao, không đá xoay người, không đá bay như Vovinam. Đòn chân Vịnh Xuân đá thấp, đá vào chân đối thủ để phá chân, đưa đến mất thăng bằng, có thể té nhào để bị những đòn tay sấm sét tấn công vào đầu và mặt. Khi chân bị thương thì di chuyển chậm, mất khả năng tránh né đưa đến bị đo ván.
Trong phim chuyện Trung Quốc, tài tử Donnie Yen (Chân Tử Đan) là người chuyên dùng Vịnh Xuân Quyền.
Môn võ hiện đại MMA
MMA là chữ viết tắt của Mixed Martial Arts, là môn võ tổng hợp, có mục đích cho ra một kỹ năng chiến đấu hoàn hảo nhất, bằng cách tổng hợp những đòn thế mạnh nhất của các môn võ khác như: Đô vật, Quyền Anh, Muay Thái, Judo, Taekwondo…để tạo ra một lối đánh riêng trên ba vị thế như sau.
Ở thế đứng (Stand-up)
Dùng những quyền cước xuất sắc của các môn Boxing, Kickboxing, Muay Thái, Karate, Taekwondo, Combat Sambo…
Ở thế vật (Clinch)
Ở thế ôm nhau siết chặt mà đánh. Dùng các môn: Vật tự do, Judo, Sambo Jiu-Jitsu.
Đánh trên mặt đất (Ground)
Khi cả hai nằm trên mặt đất, dùng tuyệt chiêu của môn Brazilian Jiu-Jitsu, Judo, Sambo Jiu-Jitsu…Ôm nhau, siết chặt, giữ thế chủ động, siết chặt, giữ sức kẹp, khóa chân, khóa tay và đánh tới tấp cho đến khi đối thủ chịu thua hoặc bất tỉnh…
MMA là một sự pha trộn toàn diện. Khi thủ thế bằng Boxing, nhưng tung ra những cú đá cao và hiểm hóc của Muay Thái, rồi lao vào vật, kẹp cổ bằng thế của Brazilian Jiu-Jitsu, Judo…
MMA là một sự pha trộn toàn diện bằng những tuyệt chiêu của các môn võ khác.
Những trận thách đấu lừng danh thế giới
1. Thách đấu giữa võ sĩ MMA và Thái Cực Quyền
Võ sĩ MMA Từ Hiểu Đông đánh bại Ngụy Lôi (Áo trắng) chỉ trong 10 giây
Thách đấu giữa Từ Hiểu Đông và Ngụy Lôi.
Ngụy Lôi là cao thủ của Thái Cực Quyền. Từ Hiểu Đông thuộc MMA. Trận đấu kết thúc vô cùng nhanh chóng, chưa từng có trên võ đài. Chỉ trong vòng 10 giây, Từ Hiểu Đông tung ra những cú đấm, sấm sét như búa bổ liên tiếp vào mặt và đầu Ngụy Lôi khiến cho cao thủ Thái Cực Quyền nầy bị hạ gục. Máu me đầy mặt. Trọng tài tuyên bố chấm dứt cuộc đấu.
Vừa chiến thắng, Từ Hiểu Đông đưa ra những lời tuyên bố đầy ngạo mạn, anh cho rằng: “Thái Cực Quyền không phải là một môn võ phòng thân, và các võ sư Thái Cực Quyền là những người lừa đảo”.
Dân cư mạng xôn xao về những lời tuyên bố của Từ Hiểu Đông khiến cho võ sư của các môn phái truyền thống đăng đàn công khai thách đấu với Từ Hiểu Đông.
2. Cung Lê thách đấu với Vịnh Xuân Pierre Flores
• Vài nét về Cung Lê
Cung Lê thách đấu với Vịnh Xuân Pierre Flores
Cung Lê (Lê Cung). Sinh ngày 25-5-1972. 10 tuổi học Taekwondo, sau đó học các môn: Đô vật, Judo, Brazil Jiu-Jitsu, Muay Thái. Anh nêu khẩu hiệu “Born to Fight”, sinh ra để thượng đài. Cung Lê đoạt 35 giải thưởng quốc tế. Ba lần đoạt chức vô địch thế giới. Hình được đưa lên trang bìa các tạp chí võ thuật như Inside Kungfu, Black Belt Magazine, Martial Arts Illustrated. Cung Lê tham gia nhiều bộ phim võ thuật của Hollywood.
Bộ y phục luôn luôn có thêu Cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH. Cung Lê có 2 con trai với người vợ trước. Người vợ sau tên Suzanne có một con trai tên Robert Eric Lê.
Cung Lê hiện điều hành trung tâm huấn luyện võ tự do “Cung Le’s AK” tại thành phố Milpitas, CA.
• Cung Lê thách đấu với Pierre Flores
Cung Lê tuyên bố: “Tôi ra tay thì Flores gãy tay, gãy chân, vỡ mặt. Nếu đấu xong thì ai sẽ là người trả tiền bác sĩ đã chữa trị cho anh ta?”.
Trước những lời thách đấu ngạo mạn của Cung Lê, Flores trả lời trên facebook: “Cung Lê, anh đã thiếu suy nghĩ khi phát ngôn. Anh đã sai lầm khi đứng về phía Huỳnh Tuấn Kiệt, và bảo vệ ông ta với những trò lừa đảo. Vì thế tôi chấp nhận đấu với anh trên 3 điều kiện:
Không đeo găng. Không đội mũ bảo hiểm. Không hoãn trận đấu.
Giữa tôi và anh không còn là trận đấu để trao đổi kỹ thuật, mà là một trận đấu sống chết giữa cái xấu và cái tốt. Suốt 20 năm qua tôi vâng lời dạy bảo của võ sư người Việt, tôi đã hội nhập vào tinh thần võ thuật của người Việt, đó là biết kính trọng và lòng quả cảm.
Tôi sẵn sàng chờ anh.
Vịnh Xuân Flores.
3. Cuộc thách đấu lừng lẫy giữa “Đệ Nhất Thiếu Lâm” Yi Long và “Hoàng Tử Muay Thái” Buakaw.
Yi Long và Buakaw
1). “Đệ Nhất Thiếu Lâm” là biệt danh của võ sĩ Nhất Long (Yi Long).
Nhất Long tên thật là Lưu Nhất Long, sinh năm 1987 tại Sơn Đông, Trung Quốc. Năm 14 tuổi bỏ nhà đi theo con đường võ thuật. Anh có cơ hội tập luyện các môn phái nổi tiếng như: Vịnh Xuân, Thiếu Lâm, Đô vật, Muay Thái…
Anh đi thách đấu khắp nơi trên thế giới và nổi tiếng sau khi hạ 9 cao thủ như: Koizumi (Nhật), Raul Rodriguez (Mỹ), Issa (Iran), Enriko Kehl (Đức), Frans Sanchez (Australia).
Mỗi lần lên đài anh mặc y phục của đệ tử Thiếu Lâm, để đầu trọc, nhưng thật ra anh không phải là tu sinh Thiếu Lâm. Báo chí tặng anh danh hiệu là “Đệ Nhất Thiếu Lâm”
2). “Hoàng Tử Muay Thái” là biệt danh của võ sĩ Muay Thái tên Buakaw Banchamek, sinh ngày 8-5-1982.
256 bàn thắng. 41 bàn thua. 12 bàn huề. Còn có biệt danh là “Thánh Muay Thái”. Chính Buakaw đã hạ đo ván Nhất Long hồi tháng 6 năm 2015.
Muay Thái với lối kỹ thuật chiến đấu vô cùng mạnh bạo, còn được gọi là "Nghệ thuật bát chi", tức là chiến đấu bằng tay, chân, cùi chỏ, đầu gối, với nguyên tắc dứt điểm đòn nhanh, áp đảo đối phương không có cơ hội chống trả.
Khi vào trận đấu, người võ sĩ Muay Thai không từ nan bất cứ mục tiêu nào, cố gắng đánh gục đối thủ, ngoại trừ nơi mà theo luật định thượng đài của Muay Thai cấm, đó là đánh vào hạ bộ.
Sở trường của các võ sĩ Thái là những đòn chân, bằng những cú đá mãnh liệt, rồi áp sát vào đối phương đánh tới tấp các đòn đánh chỏ, gối, đấm đủ loại để chiếm ưu thế tối đa. Họ thường sử dụng kỹ thuật "trên đe dưới búa", còn gọi là chỏ cặm, tức là nghiêng người tay đánh chỏ vào lưng đối phương, đồng thời lên gối vào bụng, hoặc kỹ thuật phóng người lên đá bằng gối vào ngực, cằm, cổ đối phương nhằm hạ gục tức khắc.
Muay Thái nổi tiếng khắp nơi, đã xác định sự hiện hữu của mình trong các giải đấu quốc tế như ''PRIDE Fighting Championships'' và ''Ultimate Fighting Championships'' (UFC). Hầu hết các võ sĩ Thái Lan đã làm mưa làm gió trên chiến đài các giải tranh tài lớn. Môn Quyền Anh lâu đời của thế giới, đã trở thành những bóng mờ trước kỹ thuật tàn bạo và lối chiến đấu đầy nghệ thuật của quyền Thái.
Tuy nhiên Muay Thái vẫn còn điểm yếu của nó, đó là đô vật. Nếu gặp phải một cao thủ thuần nhu như Judo hoặc Aikido, thì kết quả vẫn chưa biết đâu là thắng bại, sự thiếu vắng các đòn vật khi áp sát, hoặc cách dùng lực quá mạnh bạo sẽ dễ dàng đưa đến bị mất thăng bằng. Đó chính là điểm yếu của Muay Thái. Thuần cương khó khuất phục được thuần nhu.
3). Nhất Long thắng Buakaw do thiên vị.
Ngày 5-11-2016, trận đấu được người hâm mộ võ thuật trên thế giới mong đợi. Trận đấu không đơn thuần là sự thắng, bại của hai cá nhân mà còn là danh tiếng của hai phái: Thiếu Lâm và Muay Thái. Nhất Long tuyên bố: “Tôi muốn đánh bại Buakaw, kết quả đối với cá nhân tôi không quan trọng, mà điều quan trọng nhất là tôi muốn nói cho thế giới biết là võ thuật Trung Hoa không hề thua kém Muay Thái”.
Trên võ đài, Nhất Long bị Buakaw tấn công tới tấp bằng những cú đá cực mạnh, Nhất Long ở thế bị động, nhiều lần bị loạng choạng, nhưng nhờ lì đòn nên còn trụ được trên sàn đấu.
Kết quả ở hiệp 3, trọng tài cho điểm thắng thuộc về Nhất Long. Trọng tài người Trung Quốc thiên vị rõ ràng. Ngay cả báo chí Trung Quốc cũng binh vực võ sĩ Thái Lan, và chỉ trích trọng tài không công bằng. Báo chí Thái Lan lên tiếng phản đối.
4. Nhất Long hai lần bị thảm bại ở Mỹ
Năm 2010, Nhất Long đấu với Adrien Grotte, đại úy đội trưởng lực lượng SWAT (Special Weapons Attack Team) Arizona. Nhất Long bị hạ đo ván. Cả thế giới bàng hoàng khi biết rằng “Đệ Nhất Thiếu Lâm” bị đánh bại bởi một sĩ quan cảnh sát Mỹ, chưa có tiếng tăm gì trong làng võ sĩ quốc tế.
Video cuộc đấu trên internet được 150 triệu lượt người vào xem chỉ trong 2 ngày. Thất bại nầy khiến cho Nhất Long kiên trì tập luyện suốt một năm để chờ tái đấu với Grotte.
Chỉ tiếc rằng 2 ngày trước trận đấu thì Grotte bị trọng thương khi thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, anh giới thiệu võ sĩ Josh Pickthall để đấu với Nhất Long.
Trận đấu được tổ chức tại Las Vegas vào tháng 12 năm 2012. Pickthall là võ sĩ vô địch boxing, Arizona, đã từng bị Grotte đánh bại, nhưng lại hạ đo ván Nhất Long.
Nhất Long áp đảo ở hiệp 1, nhưng kỳ lạ là ở hiệp 2, Nhất Long bị trúng một cú đấm vào mặt và bỗng nhiên anh đứng bất động, tay không ở thế thủ. Không bỏ lỡ cơ hội, Pickthall tung liên tiếp 5 cú đấm như vũ bão và Nhất Long đổ gục xuống sàn đấu.
Võ Thiếu Lâm của chùa Thiếu Lâm để trình diễn chớ không chủ trương lên đài
Năm 2004, chính phương trượng Thích Vĩnh Tín đích thân hướng dẫn các đệ tử đi biểu diễn trên 60 quốc gia, với 1,000 buổi biểu diễn, mỗi buổi thu được 10,000USD.
Tháng 7 năm 2006, võ tăng Thiếu Lâm phối hợp với đoàn ca múa sang Mỹ biểu diễn 800 buổi, thu được 8 triệu đô la.
Võ tăng Thiếu Lâm trình diễn những màn rất độc đáo.
Kết luận
Trước những màn trình diễn có tính cách lừa bịp của Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt trên internet, nếu như thầy trò võ sư Nam Anh không lên tiếng thì ai sẽ lên tiếng, và chừng nào mới lên tiếng, để chấn chỉnh nền võ thuật Việt Nam?
Chưởng môn Nam Anh là một trí thức, ông ý thức được việc ông làm. Không hồ đồ. Vì giới võ thuật trong nước không một ai lên tiếng trước những màn lừa bịp đó, nên võ sư Pierre Flores mới đến Việt Nam để kiểm chứng sự ngờ vực về môn võ “Điện Giật” nầy. Ông hành động vì lợi ích của võ thuật Việt Nam.
Chưởng môn Nam Huỳnh Đạo đã gián tiếp thừa nhận đòn “Điện Giật” là không phù hợp bằng cách đổ thừa, cho rằng những đệ tử nào đó đã lén tung những clip đó lên internet.
Việc quảng bá một môn phái võ thuật là hợp lý nhưng quảng cáo cũng cần sự thật, nếu không thì trở thành ma giáo.
Về việc hai võ sư chưởng môn bị Flores hạ đo ván không đầy 5 phút, khiến cho dư luận trong nước nghi ngờ về khả năng và thực lực của võ Việt Nam trong thực chiến như thế nào.
Có phải những màn lừa bịp đó là sản phẩm của văn hóa Xã Hội Chủ Nghĩa về võ thuật Việt Nam?
Trúc Giang MN