Trúc Giang MN
Chiến tranh bắt đầu từ trên không gian
Trái đất được bao bọc bằng một bầu không khí, gọi là khí quyển. Bầu khí quyển (Atmosphere) dầy khoảng 100Km chứa nhiều chất khí như: khí nitơ (Nitrogen) chiếm 78.1%, khí oxy 20.9%, khí argon, carbon dioxide (CO2), và hơi nước.(Mây). Mọi vật thể trong bầu khí quyển chịu sức hút (trọng lực) của trái đất tạo ra mọi vật có sức nặng, nhẹ khác nhau.Tất cả các vệ tinh nhân tạo, tàu không gian (tàu vũ trụ) và trạm vũ trụ (Space Station) đều nằm trong vùng quỹ đạo tầng thấp LEO (Low Earth Orbit) nầy, cách mặt đất 120Km.
Nếu chiến tranh xảy ra, thì cuộc chiến sẽ bắt đầu từ trên không, bởi vì vệ tinh tình báo là con mắt theo dõi và xác định tọa độ của các tàu chiến, xe tăng, những dàn hỏa tiễn, những đội hình tác chiến dưới mặt đất. Nhưng vệ tinh không có khả năng điều khiển và dẫn đường các loại vũ khí tinh khôn dưới đất.
Đồng thời, lợi hại nhất là hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu, dẫn đường cho các hỏa tiễn và bom tinh khôn. Tất cả đều ở trên trời. Nếu hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu bị tê liệt, thì vũ khí dưới mặt đất trở thành vô dụng.
Hoa Kỳ chiếm thế thượng phong về vũ khí không gian, một thứ vũ khí độc nhất, không có đối thủ, đó là tàu không gian con thoi không người lái X-37B.
Trung Quốc và Nga đang nổ lực chạy đua với Hoa Kỳ về vũ khí không gian, nhưng phải mất một thời gian dài mới theo kịp Mỹ, vì Mỹ cũng phát triển không ngừng.
1. Hệ thống định vị toàn cầu GPS của Hoa Kỳ
Hệ thống định vị toàn cầu GPS (Global Positioning System) là hệ thống xác định vị trí trên mặt trái đất, bằng hệ thống 30 vệ tinh nhân tạo, (27 vệ tinh hoạt động và 3 vệ tinh dự phòng) đặt trên một quỹ đạo ở ngoài bầu khí quyển của quả địa cầu. Hệ thống do Bộ QP/HK thiết kế, xây dựng, điều khiển và quản lý.
Trong cùng một thời điểm, 4 vệ tinh trong hệ thống, cùng xác định tọa độ của bất cứ một điểm nào trên mặt quả đất nầy, rồi truyền tín hiệu xuống các trạm thu nhận dưới đất.
Kể từ năm 1980, chính phủ Hoa Kỳ cho phép mọi người trên thế giới, không kể quốc tịch, được xử dụng miễn phí một số công dụng của GPS. GPS hoạt động trong mọi thời tiết, 24 giờ trong một ngày.
1.1. Sự hoạt động của GPS
30 vệ tinh bay vòng quanh trái đất 2 lần trong một ngày, theo một đường đi (quỹ đạo) được điều khiển một cách rất chính xác. 4 vệ tinh trong hệ thống cùng phát tín hiệu về một tọa độ xuống mặt đất, được các máy thu tiếp nhận, với độ sai biệt từ 1 đến 3m.
1.2. Ba thành phần của hệ thống GPS
a. Phần không gian
b. Phần kiểm soát
c. Phần sử dụng
Không Quân Hoa Kỳ phụ trách phát triển, điều hành và bảo trì 2 thành phần, là không gian và kiểm soát. Từ quỹ đạo cách mặt đất 20,200km, các vệ tinh truyền tín hiệu từ vũ trụ xuống mặt địa cầu, được các máy thu tín hiệu GPS, làm những con toán vô cùng phức tạp, để xác định vị trí không gian 3 chiều: kinh độ, vĩ độ và chiều cao vào thời điểm đó. Những tính toán phức tạp về trạng thái thời tiết của bầu khí quyển, có tác động vào tốc độ của tín hiệu, như độ ẩm, giông bão, các lớp mây…
a). Phần không gian của hệ thống GPS
30 vệ tinh nằm trên một quỹ đạo, xoay chung quanh trái đất. Chúng được điều khiển luôn luôn cách mặt đất 20,200km. Sự chuyển động rất ổn định, và quay 2 vòng trái đất trong 24 giờ, với tốc độ 7,000 miles/giờ (11,263Km/giờ) . Các vệ tinh được sắp xếp làm sao cho những máy thu dưới đất, luôn luôn nhìn thấy 4 vệ tinh ở bất cứ ở một thời điểm nào.
Vệ tinh hoạt động được, nhờ năng lượng mặt trời và những nguồn pin, accu chứa điện, khi không có ánh sáng mặt trời, tức là lúc gọi là ban đêm.
Năm 2013, Quân đội Mỹ thuê tập đoàn Lockheed-Martin thiết kế những vệ tinh định vị mới, thuộc block III để nâng cấp hệ thống. Trước đó, một người đứng ngoài trời với sai số tối đa là 3m. Với những vệ tinh định vị mới, sai số một người ngoài trời là 1m
b). Phần kiểm soát của hệ thống GPS
Mục đích của phần kiểm soát là điều khiển cho các vệ tinh đi theo đúng quỹ đạo đã ấn định (20,200km)
Có 5 trạm kiểm soát ở rải rác khắp nơi trên trái đất, trong đó, 4 trạm tự động và một trạm trung tâm. Ngoài ra, còn có một trạm trung tâm dự phòng, và 6 trạm kiểm soát chuyên biệt.
Đường bay của các vệ tinh được ghi lại ở 13 trạm, đa số là ở HK, một số ở các nước: Anh, Argentina, Ecuador, Bahrain và Úc. Phương tiện gởi đi và nhận tín hiệu nhờ những anten chão to lớn.
c). Phần sử dụng hệ thống GPS
Phần sử dụng bao gồm những máy móc, thiết bị thu nhận tín hiệu của hệ thống GPS, và những chuyên viên sử dụng những máy móc, thiết bị đó.
Một số đặc điểm
-Vệ tinh đầu tiên được phóng lên năm 1978
- Hệ thống hoàn chỉnh năm 1994
- Mỗi vệ tinh hoạt động tối đa là 10 năm
-Vệ tinh GPS nặng 1,500kg, dài 5m, các tấm thu năng lượng mặt trời rộng 7m2.
1.3. Ứng dụng GPS trong quân sự
Trong quân sự, GPS dẫn đường hai loại hỏa tiễn, là hỏa tiễn hành trình (Cruise missile), hỏa tiễn đạn đạo (Ballistic Missile), và các loại vũ khí tinh khôn như sau:
- Bom thông minh JDAM (Joint Direct Attack Munition), gồm các loại GBU-31. (GBU=Guided Bomb Unit)
- Hỏa tiễn không đối đất (Air-to-Surface Missile-ASM hay Air-to-Ground Missile-AGM)
- Hỏa tiễn tấn công đất liền (như Tomahawk)
- Hỏa tiễn hành trình (Cruise missile) và hỏa tiễn đạn đạo (Ballistic Missile)
- Hỏa tiễn đất đối đất.(Surface-to-Surface Missile-SSM)
1). Bom thông minh JDAM (Joint Direct Attack Munition)
Bom GBU-31 JDAM là bom “tấn công trực diện phối hợp”. Bom GBU-31 JDAM là bom thông minh có bộ điều khiển quỹ đạo gắn ở phần đuôi của bom, trực tiếp sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) nên rất chính xác trong mọi địa hình, mọi thời tiết, và khả năng ném bom tự động, tức là máy bay ở bất cứ vị trí nào cũng có thể ném bom. Cụ thể là lúc máy bay đang lao xuống, hoặc bay bổng lên, đảo lộn, lúc nào cũng có thể ném bom. Bom thông minh nầy được sản xuất năm 1990. Được sử dụng lần đầu tiên ở mặt trận Afganistan. Bom được ném trên cao độ từ 8Km đến 24Km. Do đó, phi công không cần hạ thấp máy bay xuống để tìm mục tiêu.
Thông số kỹ thuật của bom: Dài 3.8m. Đường kính 457mm.Trọng lượng 925Kg. Các loại thuốc nổ: TNT, Tritonal,HBX, Comp-B, H6.
2). Hỏa tiễn hành trình (Cruise missile)
Hỏa tiễn hành trình BGM-109 Tomahawk
Hỏa tiễn hành trình nổi tiếng nhất của Mỹ là BGM-109 Tomahawk có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Được phóng từ mặt đất, từ trên tàu chiến và từ tàu ngầm. Tomahawk được đưa vào quân đội sử dụng năm 1983. Hỏa tiễn nầy được Mỹ sử dụng trong nhiều cuộc chiến, nên nổi tiếng nhất.
Tầm bắn xa 2,500Km, nên xạ thủ chỉ ngồi ở một nơi an toàn xa mặt trận mà khai hỏa. Độ chính xác sai biệt 3m. Tốc độ 800Km/giờ. Khối lượng 1,300Kg. Bề dài 6.25m. Đường kính 0.52m. Sải cánh 2.67m.
Giá thành một quả là 1.87 triệu USD theo thời giá 2017. (Tương đương với giá 1 chiếc xe bọc thép). Đầu đạn mang 450Kg chất nổ nên không phá hủy được các công sự kiên cố.
Hệ thống định vị toàn cầu GPS bị đánh lừa, nên Tomahawk vô dụng. Nam Tư chế tạo 200 mô hình máy bay MiG-29 và MiG-21 bằng gỗ và bằng cao su bơm hơi. Thế là Mỹ phóng hàng chục trái Tomahawk vào những đồ vật giả mạo đó.
Điểm đặc biệt của Tomahawk là bay thật thấp để radar địch không phát hiện được. Đặc biệt hơn nữa là hỏa tiễn nầy được gắn những bộ cảm biến (Sensor) để bay theo hình thể cong queo của đường bay.
Các chuyên gia đánh giá, Tomahawk là vũ khí bước ngoặt là thay đổi luật chiến tranh hiện đại.
3). Hỏa tiễn đạn đạo (Ballistic Missile)
a). UGM-133A Trident II (UGM=Undergroundmonsters)
Hỏa tiễn đạn đạo LGM-118 Peacekeeper mạnh nhất thế giới *
Ba giai đoạn đường bay của hỏa tiễn đạn đạo.
UGM-133A Trident II là loại tên lửa đạn đạo 3 tầng của Mỹ. Tốc độ tối đa của loại tên lửa này đạt 6 km/s (21,600Km/giờ). "Trident-2"đã được phát triển từ năm 1977, và trang bị cho quân đội năm 1990.
Tổng trọng lượng 59 tấn, dài 13.57 mét, đường kính của thân tầng một, bằng 2.11 mét. Tên lửa có khả năng mang 14 đầu đạn hạt nhân, dẫn hướng độc lập, đầu đạn W88 475, hoặc W76 100kt.
UGM-133A Trident II là hỏa tiễn xuyên lục địa ICBM (ICBM= Inter-Continental Ballistic Missile
b). Minuteman LGM-30G
Hỏa tiễn Minuteman LGM-30G là một trong những hỏa tiễn đạn đạo (ICBM=Inter-Continental Ballistic Missile) phóng trên đất liền, nhanh nhất thế giới.
Tốc độ có thể đạt được là 6.7 km/s (24,129km/giờ) . Minuteman LGM-30G III có tầm bay từ 6,000 km đến 10,000 km tuỳ thuộc vào loại đầu đạn. Minuteman-3 có mặt trong Lực lượng vũ trang Mỹ từ năm 1970 đến nay.
Vụ phóng đầu tiên diễn ra vào tháng 2 năm 1961, phiên bản II và III được giới thiệu năm 1964 và 1968. Tên lửa nặng 36. 03 kg, được trang bị động cơ 3 tầng nhiên liệu rắn. Theo kế hoạch chúng được phụ vụ đến năm 2020.
Giá thành 7,000,000 USD. Độ sai biệt 240m.
c). Đường bay của hỏa tiễn đạn đạo
Đường bay của hỏa tiễn đạn đạo, từ khi phóng lên cho đến mục tiêu phải qua ba giai đoạn. Giai đoạn phóng. Giai đoạn giữa. Giai đoạn lao xuống mục tiêu.
Giai đoạn phóng.
Tại bệ phóng, hỏa tiễn được phóng thẳng đứng xuyên qua bầu khí quyển của trái đất (Dầy khoảng 100Km). Thời gian bay qua bầu khí quyển kéo dài từ 3 đến 4 phút. Tốc độ tối đa là 7Km/giây (25,000Km/giờ)
Giai đoạn giữa, bay trong vũ trụ
Khi hỏa tiễn vượt ra khỏi bầu khí quyển trái đất, tức là đi vào vũ trụ (Không gian), thì tầng chứa chất nổ thứ hai của hỏa tiễn tự khai hỏa, đẩy hỏa tiễn lên độ cao tối đa là 1,200Km.
Vũ trụ là khoảng không, không chịu sức hút của trái đất, nên mọi vật không có sức nặng, nhẹ khác nhau, và cũng không có sức cản, nên mọi vật đều lơ lửng như nhau. Giai đoạn nầy kéo dài từ 15 đến 25 phút, tùy theo khoảng cách xa, gần của mục tiêu.
Sau khi đạt tới độ cao tối đa, sức đẩy yếu dần và bắt đầu trở lại bầu khí quyển của trái đất.
Giai đoạn lao xuống mục tiêu
Từ khoảng 100Km trong bầu khí quyển, hỏa tiễn đi vào khu vực mục tiêu, những đầu đạn của hỏa tiễn đánh vào các mục tiêu mà hệ thống định vị toàn cầu đã xác định. Giai đoạn nầy khoảng 2 phút và tốc độ khoảng từ 1 đến 4Km/giây.
Hỏa tiễn đạn đạo có thể phóng bằng vị trí cố định, hoặc vị trí di động như xe hơi, máy bay, tàu nổi và tàu ngầm.
Hỏa tiễn liên lục địa có thể đánh bất cứ mục tiêu nào trên mặt đất, tùy theo thiết kế của nhà sản xuất.
2*. Hệ thống định vị Bắc Đẩu
(The BeiDou Navigation System) của Trung Quốc.
Ngày 27-12-2011, phát ngôn viên Ran Cheng cho biết: “ Trung Quốc khẳng định rằng, hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu, tự tạo, đã bắt đầu hoạt động, trong nổ lực chấm dứt sự lệ thuộc vào vệ tinh của nước ngoài”.
Bắc Đẩu sẽ cung cấp dịch vụ dẫn đường trong khu vực nước Trung Hoa trong năm 2012 và trên toàn cầu vào năm 2020.
2.1. Bắc Đẩu 1
Bắc Đẩu 1, gồm 3 vệ tinh phủ sóng địa phương, trên khu vực nước Tàu, được xử dụng vào ngày 27-12-2011.
2.2. Bắc Đẩu 2.
Hệ thống Bắc Đẩu 2, còn gọi là Compass. Là hệ thống định vị toàn cầu với 35 vệ tinh, đang trên đường xây dựng, dự trù sẽ hoàn thành vào năm 2020. Mức độ chính xác hiện tại là 25m và đang cải thiện để còn sai biệt trong vòng 10m.
Trung Quốc dùng hỏa tiễn Trường Chinh 3, để đưa các vệ tinh vào quỹ đạo. Hiện nay, đã có 11 vệ tinh được đặt vào quỹ đạo, cách mặt đất 21,150km. Như vậy, còn 24 vệ tinh nữa sẽ được đặt vào hệ thống Bắc Đẩu.
Hệ thống Bắc Đẩu toàn cầu dự liệu sẽ đưa vào sử dụng năm 2020.
Chuyên gia quân sự Song Zhongping, tại Thượng Hải, Trung Quốc, nêu nhận xét: “Trung Quốc đang hy vọng Bắc Đẩu sẽ trở thành đối thủ tầm cở thế giới của GPS (Hoa Kỳ), nhưng hệ thống của Mỹ vẫn chiếm thị phần tuyệt đối”.
3* Thế thượng phong của Hoa Kỳ trong không gian: Tàu con thoi X-37B
3.1. Tàu con thoi không người lái X-37B của Hoa Kỳ
Ngày 22-4-2010, tại Cape Canaveral, Florida, tàu con thoi không người lái X-37B được hỏa tiễn Atlas phóng vào quỹ đạo tầng thấp của vũ trụ LEO (LEO-Low Earth Orbit), cách mặt đất 300Km.
Bí ẩn bao quanh tàu quỹ đạo con thoi (Shuttle Orbiter) nầy, khi Bộ Quốc phòng HK cương quyết từ chối bàn luận về sứ mạng của nó. Nhưng theo tạp chí Spaceflight, thì người ta dự đoán con tàu nầy bay vòng quanh trái đất, để theo dõi trạm không gian nhỏ (Space module) Thiên Cung 1, được xem như phòng thí nghiệm mới của Trung Quốc.
Phân tích chuyến bay thứ năm, chuyên gia quân sự Mỹ - Kyle Mizokami cho rằng, một trong những sứ mệnh của X-37B là hoạt động do thám - vì máy bay không gian này liên tục bay qua Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran. Trong một báo cáo của NY Times, một số nhà quan sát nghiệp dư cho biết nó bay qua cùng một khu vực trên Trái Đất 4 ngày một lần, và đây chỉ có thể là hoạt động của một vệ tinh do thám.
Bà Joan Johnson-Freese, giám đốc Viện Nghiên Cứu Đại học Chiến Tranh Hải Quân ở Newport, Rhode Island, cho rằng, chắc chắn là X-37B thực hiện sứ mạng quân sự vì nó có thể bay đến bất cứ một địa điểm nào, để thực hiện công tác gián điệp một cách dễ dàng, vì hiện tại, chưa có một vệ tinh hay một hỏa tiễn nào có thể bay theo ý muốn được cả. Vì thế, người ta lo ngại X-37B sẽ mở ra một kỷ nguyên chạy đua vũ trang ngoài không gian.
Cũng có những cáo buộc, cho rằng HK đã quân sự hóa vũ trụ.
Ông Tom Burghardt của tờ Global Research phát biểu, với dũng sĩ không gian X-37B, HK có ý đồ chiếm lĩnh và chế ngự không gian, bằng khả năng làm tê liệt, phá hỏng hoặc tiêu diệt vệ tinh của các quốc gia khác, để thực hiện mộng bá chủ vũ trụ của HK.
X-37B được đánh giá là sự kết hợp hoàn hảo giữa phi cơ quân sự và tàu vũ trụ, cho phép nó thực hiện được mọi nhiệm vụ trong khoảng thời gian hơn 2 năm (780 ngày) ngoài vũ trụ.
Ưu điểm của X-37B là nó có thể bay chung quanh quả đất với 47 quỹ đạo khác nhau, cho nên rất khó phát hiện, đồng thời xem như không thể bị bắn hạ.
3.2. Khả năng của X-37B
X-37B có những khả năng như sau:- Tiêu diệt các vệ tinh địch.
- Đánh cắp tài liệu từ các vệ tinh khác, bằng cách bay đến gần để thu nhận tín hiệu do vệ tinh đó phát ra để chuyển về mặt đất.
- Tiêu diệt hỏa tiễn địch để bảo vệ hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu GPS của HK.
- Khả năng bắn hỏa tiễn và ném bom từ vũ trụ xuyên qua bầu khí quyển, xuống mặt đất trong thời gian 1 giờ, sau khi cất cánh, và ở trên không suốt 2 năm.
3.3. Những thông số kỹ thuật
X-37B phóng bằng hỏa tiễn, đáp xuống như máy bay thường
Dài 8.9m. Sải cánh 4.5m. Cao 2.9m. Nặng 4,990kg. Khoang chứa hàng kích cở 2.1m x 1.2m. Được phóng bằng hỏa tiễn mang Atlas V. Quỹ đạo bay là 300km cách mặt đất, trong vũ trụ. Bay quanh trái đất trong thời gian 780 ngày (hơn 2 năm).
Hai cánh hình tam giác, phần đuôi có cánh phụ hình chữ V. Vận tốc 28,200km/giờ (25 lần cao hơn vận tốc âm thanh). Xử dụng năng lượng mặt trời và nguồn pin, accu Lithium-ion.
X-37B được phóng lên vũ trụ bằng hỏa tiễn, và đáp xuống mặt đất trên đường băng trong sân bay, như máy bay thông thường.
Dũng sĩ X-37B đang làm chúa tể vũ trụ, và trong chiến tranh thời nay, ai làm chủ không gian là người chiến thắng.
Năm 2020, X-37B được trao Cúp Collier, một trong những giải thưởng nổi bật nhất trong ngành hàng không, vì đã “vì đã thúc đẩy ranh giối của những chuyến bay khám phá không gian”
Kết luận
Hiện nay, Hoa Kỳ đang làm chủ không gian. Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GPS) dẫn đường các loại bom thông minh đạn đạo liên lục địa, tấn công tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào trên mặt đất.Thêm vào đó, vũ khí lợi hại độc nhất, vô nhị, không có đối thủ, là tàu con thoi không người lái X-37B, có khả năng tiêu diệt vệ tinh của các hệ thống không gian thù địch, đồng thời đánh vào những mục tiêu trên trái đất.
Cuộc chiến bắt đầu từ trên không gian là những vũ khí tinh khôn trên mặt đất được hướng dẫn bởi hệ thống GPS của Hoa Kỳ.