Thế sự thăng trầm quân mạc vấn?
Nguyễn Bảo Hưng
Lời tòa soạn: Không biết vì một “tình cờ” nào của lịch sử mà hai cường quốc kinh tế số và số 2 của thế giới là Hoa Kỳ và Trung Hoa dưới triều “vua” Trump nước Hoa Kỳ lại “back to the future” bằng những ông lãnh tụ hành xử như ... vua. Hoa Kỳ như có ... nội chiến hàng ngày: phe theo “vua” Trump và phe chê “vua Trump. Hai bên đều hăng, đều phản biện rất hung hản dù không cần thắng bại. Tuy không có đường vỹ tuyến chia đôi nước Mỹ nhưng tình thế đôi khi lại còn gay cấn hơn nhiều. Mà nghĩ cũng lạ, “vua” Trump làm cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt trước đây chỉ có hai bờ quốc-cộng bây giờ lại thêm hai bờ Pro-Trump và Anti-Trump. Đặc biệt là phe theo “vua” Trump không biết lấy “True News” ở đâu mà hay thế, toàn là những con số trên trời rơi xuống trong khi phe chống ông Trump, tối ngày chỉ nghe toàn “fake news” (theo ngài Trump) từ cái đài tự nhận là “the most trusted news in the world” tức là đài CNN rồi ngán ngẫm than cho vận đất nước này mà đôi khi lại quên luôn cái vận nước Nam còn đen hơn mõm chó dưới sự cai trị của Bắc Cộng. Trong bối cảnh đó xin mời quí vị đọc bài viết “chừng mực, từ tốn, thận trọng” hiếm còn hơn lá mùa thu đã đươc phổ biến trước đây trên Saigon Weekly vì Mặt Trận “Cuồng va Chống Trump” trong Cộng Đồng NV vẫn còn chưa chấm dứt …
*
Tôi, con người yêu chữ nghĩa, chỉ mong được sống an phận với vốn hiểu biết văn chương cỏn con của mình. Còn chính trị, tôi coi là một vùng cấm địa ; hay đúng ra, là một bãi chiến trường thô bạo, một môi trường sinh hoạt cạn tàu ráo máng, nơi đó bất kể bạn, thù hay bà con ruột thịt, khi cần, người ta sẵn sàng chơi nhau sát ván, trổ mọi ngón đòn miễn sao đánh gục địch thủ để dành phần thắng về mình. Bởi vậy tôi vẫn thường tự nhủ chớ nên dại dột bén mảng nơi đó hòng tính chuyện dấy máu ăn phần. Cỡ dân ăn ngay ở hiền như tôi mà đòi nhào vô ăn có, thì chỉ có từ chết tới bị thương mà thôi; trước sau gì thế nào cũng phải ôm đầu máu mà chạy.
Cũng vì thế, cho tới nay tôi vẫn đinh ninh chính trị mới là «chốn ấy hang hùm chớ mó tay», như lời bà chị cả Hồ Xuân Hương vẫn thường xuyên nhắc nhở. Nói trước thế để bạn đọc xa gần thông cảm dùm tại sao tới nay tôi vẫn né tránh đề cập tới các vấn đề thời cuộc.
Thế nhưng, ở thời buổi kỹ thuật truyền thông tiên tiến mỗi lúc một lên ngôi như ngày nay, cho dù muốn ngồi yên trong nhà lấy mũ ni che tai để mà thiền, thi cuộc sống hỗn tạp xung quanh, với đủ loại hình ảnh hỗn tạp, đủ loại âm thanh ồn ào, vẫn cứ sồng sộc nhảy bổ vào đời tư của ta không để ta cho ta yên: truenews có, fakenews có, hotnews lại càng không thiếu. Trong số các loại tin sau này, phải kể đến các bản tin liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần của đương kim tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Đi tới đâu, tại bất kỳ tiệm cà phê hay quán nhậu nào, vấn đề này cũng được đem ra làm đề tài tranh cãi ỏm tỏi. Người khen thì tâng ông lên hàng lãnh tụ thiên tài, kẻ chê thì cho ông thuộc loại chính khách mát dây mát địa. Biết rằng kiến thức chính trị mình chẳng có bao lăm, lại thêm nhớ lời bà chị dặn, tôi chỉ khoanh tay ngồi nghe chứ đâu có dám chõ mõm vào. Nhưng về nhà ngẫm lại, tôi tự nhủ dẫu sao mình cũng chưa phải là một Meursault như trong L’Etranger của Camus, để đóng vai người dưng ngoảnh mặt xoay lưng với sân khấu cuộc đời. Dù gì ông Donald Trump cũng là vị nguyên thủ của một quốc gia hàng đầu thế giới ; nhất cử nhất động của ông đều tác động không ít thì nhiều tới cuộc sống thế gian. Bởi thế, một mình trong phòng vắng, tôi cố ôn lại những lập luận đôi bên đưa ra nhằm biện minh hay tố cáo, rồi đem đối chiếu với một số sự kiện để mong có được phần nào hiểu biết hư thiệt. Tôi cho rằng chỉ có lấy sự kiện xác thực làm cơ sở suy luận mới giúp ta rút ra được một vài nhận định khách quan hữu ích.
Trong số các sự kiện gây chú ý, trước hết phải kể cú ra chiêu ngoạn mục của ông Trump ngay sau khi nhậm chức khiến thế giới phải chới với bàng hoàng. Ấy là tuyên bố quyết định Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa ước quốc tế COP 21 nhằm giới hạn gia tăng nhiệt lượng địa cầu. Lý do ông Trump đưa ra để biện minh cho quyết định của mình, ấy là chưa có bằng chứng khoa học nào cho phép xác nhận sự gia tăng khối lượng CO2 do dầu khí và thán khí thải ra đã làm cho nhiệt độ địa cầu gia tăng cả. Vậy là Mỹ sẽ tiếp tục khai thác nguồn nhiên liệu dầu khí sắn có, đồng thời cho mở lại các mỏ than từ lâu bị bỏ hoang để tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ, như ông đã hứa khi ra tranh cử . Cũng nhằm mục đích đem lại công ăn việc làm cho công dân Mỹ, ông Trump còn bồi thêm một loạt biện pháp kinh tế tài chánh khác như hạn chế thi hành Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Tự Do XuyênThái Bình Dương, (TTP), giảm thuế cho các xí nghiệp trong nước đồng thời đánh thuế mạnh các loại hàng ngoại nhập. Bằng các biện pháp này, ông Trump hi vọng kích thích được vốn đầu tư ngoại quốc, thúc đẩy việc hồi cư (relocaliser) các xí nghiệp Mỹ hoạt động ở nước ngoài, đồng thòi khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước.
Công tâm mà xét, với chủ trương kinh tế này, ông Trump đã đem lại một luồng sinh khí mới cho nền kinh tế Mỹ, thực hiện đúng lời hứa với cử tri khi ra tranh cử. Điều này có thể kiểm chứng dễ dàng qua bài nhận định của ông Nguyễn Cao Quyền trên diễn đàn Việt Thức ngày 21-12-2017. Dưới tựa đề Donald Trump đang lấy lại sự vĩ đại cho nước Mỹ , tác giả cho biết: « Mới chỉ hơn 11 tháng cầm quyền, tổng thống D. Trump đã gây nhiều tin tưởng. Dưới sự điều hành của ông nền kinh tế Hoa Kỳ đã có những bước tiến gây kinh ngạc và cứ đà này thì nền kinh tế còn cao lên và đi xa hơn nữa.» Tác giả đã dẫn chứng bằng một vài số liệu như sau: “Với ông Trump mức tăng trưởng của GDP Mỹ lớn lên gấp đôi(3,1% trong quý II và 3,3% trong quý III của năm 2017).Triển vọng này còn được dự báo trong quý IV. Chỉ số Dow Jones đã tăng hơn 35% từ mức 17888 trước ngày bàu cử tới mức 24277 hiện nay (30/11/2017)”. Tôi tin tưởng những con số ông Nguyễn Cao Quyền đưa ra là chính xác và nhận định của ông là đúng đắn. Tuy nhiên, qua những gì tôi nghe được trong các buổi tranh luận bên bàn nhậu hay tại các quán cà phê, tôi cảm thấy không được an tâm lắm trước viễn ảnh lạc quan của ông Quyền.
Đúng là mấy biện pháp kinh tế và thuế khóa kể trên của ông Trump đã giúp cho sự phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế Mỹ. Nhưng tôi nghĩ đây chi là những biện pháp có hiệu năng giai đoạn. Đành rằng khi đánh thuế mạnh vào các loại hàng nhập cảng, ông Trump đã giúp cho sự gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước, cũng như thúc đẩy việc hồi cư (relocalisation) các xí nghiệp Mỹ đặt trụ sở tại nước ngoài. Thế nhưng mề đay nào chả có mặt trái của nó. Khi đánh mạnh thuế vào các hàng nhập cảng, lẽ dĩ nhiên là Mỹ không tránh khỏi biện pháp trả đũa của các quốc gia đối tác thương mại. Mặt khác, nếu như ông Trump có kêu gọi được một số xí nghiệp về hoạt động trong nước để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, thì sức mạnh sản xuất gia tăng ấy sẽ có lúc phải tới mức bảo hòa, nghĩa là đồ sản xuất dư thừa để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Khi đó chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi muốn mở rông thị trường ra nước ngoài.
Một hậu quả khác của chính sách thuế khóa của ông Trump: Chúng ta đã bước vào giai đoạn toàn cầu hóa kinh tế thị trường từ lâu rồi. Không quốc gia nào, dù mạnh đến mấy, cũng không thể chủ trương tự túc, tự lực, tự cường mãi được. Là một nước có sức sản xuất mạnh, kỹ nghệ tiên tiến, Mỹ vẫn phải cần tới các mặt hàng thực dụng, gia dụng cần thiêt cho đời sống hàng ngày, phần lớn đến từ các nước đang phát triển. Khi nâng cao hàng rào thuế để hạn chế hàng ngoại nhập, đương nhiên là giá cả các mặt hàng này phải gia tăng, mà hậu quả thua thiệt về lâu về dài vẫn về phần giới lao động bình dân hay trung lưu. Và như vậy sức tăng trưởng của nên kinh tế Mỹ liệu có thể «lên cao hơn và đi xa hơn nữa» mãi như ông Quyền dự báo không?
Trên đây mới chỉ xét về mặt kinh tế. Về mặt ngoại giao, một số quyết định hoặc tuyên bố của Trump cũng đem lại hậu quả có vẻ không mấy thuận lợi cho vai trò và uy tín của Mỹ trên chính trường quốc tế.
• Trước hết hãy nói về quyết định của ông Trump đơn phương quyết định rút ra khỏi thỏa hiệp quốc tế chống lại sự hâm nóng địa cầu. Dù lý do ông Trump nêu ra có đúng hay không thì điều không phủ nhận được là thời gian gần đây các vụ thiên tai long trời lở đất đã liên tiếp diễn ra tới mức đáng ngại. Nào là động đất, nào là cháy rừng, nào là bão tố lụt lội. Tại các vùng xa xôi kém phát triển như Phi châu hay mấy đảo nhỏ trong vùng vinh biển Caraibes không nói làm chi. Ngay tại nước Mỹ, trong mấy tháng qua cũng đã xảy ra không ít biến cố thiên tai đáng kể : hết hỏa hoạn thiêu rụi hàng trăm mẫu rừng tại California, lại đến đông giá bất thường xuống tới gần dưới hai mươi độ không tại bắc Florida gây thiệt hại không ít về tài sản và nhân mạng. Rồi mới tháng trước thôi, một vụ bùn lở tại nam California đã gây thiệt mạng cho 13 người, hơn 40 người bị thương ; ấy là không kể tổn thất về mặt tài sản. Ngần ấy sự kiện chắc cũng đủ cho thấy vấn đề tiết giảm nhiệt lượng nêu ra là chính đáng, nên đã có 196 quốc gia tham gia hội nghị để bàn thảo. Vậy mà thỏa ước được vị tiền nhiệm là ông Obama hạ bút ký còn chưa ráo mực, nay chỉ vì quyền lợi riêng tư của nước Mỹ, và cũng để thực hiện lời cam kết với cử tri của mình , ông Trump lại tuyên bố rút chân ra khỏi thỏa ước Cop 21. Một quyết định đơn phương như vậy, chắc chắn không làm tăng thêm hình ảnh đẹp đẽ về một nước Mỹ hào hiệp, cho tới nay vẫn đứng ra can thiệp để bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự thế giới.
Không những thế, khi tự ý rút ra khỏi thỏa ước Cop 21, ông Trump đã đương nhiên tạo ra một khoảng trống, cụ thể hơn là rời bỏ cái ghế lãnh đạo số 1 thê giới mà lãnh tụ Trung Quốc đang lăm le nhảy vào. Theo thiển nghĩ của tôi, trong một chừng mực nào đó, ta có thể nói việc ông Trump tự động rút ra khỏi hiệp ước Cop 21 đã giúp ông Tập Cận Bình bỗng nhiên được trúng mánh, chẳng khác nào cảnh mèo mù vớ cá rán, tay không bắt chó cái, bất chiến tự nhiên thành. Chả thế mà trong cuộc viếng thăm Trung Quốc cuối năm ngoái, tông thông Pháp Macron (tức Ma Cà Rồng theo phiên âm tiếng Việt) đã đề nghị với chủ tịch Trung Quốc cùng với Pháp hàng năm đứng ra mở hội nghị để tiếp tục bàn về vấn đề điều hòa khí hậu thế giới. Nếu đề nghị của ông Macron được thực hiện thì sự vắng mặt của ông Trump trong trường hợp này chỉ có thể bất lợi cho Mỹ vì, như ta thường nghe nói, «kẻ vắng mặt bao giờ cũng có lỗi» (les absents ont toujours tort).
Mặt khác, không biết có phải cũng là hệ quả của chính sách co cụm theo chủ trương «Nước Mỹ trước đã» (America first) do tổng thống Monroe đề ra trước đây hay không, mà ở vùng Biển Đông đã có một vài dấu hiệu biến chuyển không mấy thuận lợi cho Mỹ. Đáng chú ý hơn hết phải kể trường hợp Philippines và Pakistan được coi là trong số các nước đồng minh thân thiết nhất của Mỹ tại Đông Nam Á. Ngày 16-1-2018 nhà báo Thanh Phương trên đài RFI đưa tin ; Manila cho phép Bắc Kinh nghiên cứu khoa học trong vùng biển Beihnam Rise mà cho tới nay Philippines vẫn khẳng định thuộc thẩm quyền của mình. Thái độ thay đổi này phải chăng vì Philippines không còn mấy tin tưởng quyết tâm bảo vệ Philippines của Mỹ nữa, nên Philippines tỏ dấu hoà dịu với Trung Quốc? Trước đó vài ngày (12-1-18), cũng trên RFI, nhà báo Tú Anh lại đưa tin «Donald Trump đang đảy Pakistan vào tay Trung Quốc». Theo nhà báo Tú Anh, vấn đề được đặt ra là do trong thông điệp đầu năm, TT Trump đã lên tiếng chỉ trích «Pakistan lừa đảo, không tích cực chống khủng bố, đe dọa có thể phong tỏa hai tỷ đô la viện trợ hàng năm cho Pakistan và hủy bỏ qui chế đồng minh số 1 của Mỹ ngoài Nato». Không bỏ lỡ cơ hội «đục nước thả câu», bộ ngoại giao Trung Quốc liền ra tuyên bố: «Sẽ tăng cường giúp nước bạn muôn đời Pakistan trong mọi lãnh vực và đề nghị đầu tư 60 tỷ đô la để xây dựng hạ tầng cho Pakistan.» Kết luận, nhà báo Tú Anh viết: «Trừ phi tổng thống Donald Trump có một nước cờ độc đáo buộc Pakistan sát cánh với Mỹ, thái độ đe dọa của ông chỉ làm Hoa Kỳ cô đơn trên chiến trường, mất đi một đồng minh cốt lõi trong khu vực và tạo thêm vây cánh cho Trung quốc.» Nếu dự đoán của nhà báo Tú Anh là đúng, thì ta có thể coi đây là một trong những hậu quả của điều mà tôi xin tạm gọi là «đường lối ngoại giao lên cơ bắp» của ông Trump.
Gọi là «đường lối ngoại giao lên cơ bắp», vì ông Trump ỷ vào vai vế cường quốc số một của Mỹ trên thế giới cả về quân sự lẫn kinh tế, nên mỗi lần có bất đồng hay tranh chấp quốc tế, ông ít chịu tìm giải quyết bằng thương thảo, mà thường dành lấy quyết định đơn phương. Việc ông Trump tự ý rút ra khỏi ra khỏi thỏa ước quốc tế về khí hậu hay thỏa ước thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) là những trường hợp cụ thể. Không những thế, khi cần, ông không ngần ngại phô trương sức mạnh của mình để tìm cách áp đảo đối phương. Điển hình nhất và cũng gần đây nhất là cuộc đối đầu giữa ông Trump và thủ lãnh Bắc Hàn Kim Jung Un trong cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Sau khi thử nghiệm thành công một loạt hỏa tiễn mang mang đầu đạn nguyên tử, Kim Jung Un hí hửng tuyên bố nay Bắc Triều Tiên có thể phóng phi đạn nguyên tử đi tới bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào. Ông Trump liền lập tức răn đe: “Chú mày đừng tưởng bở. Đầu đạn nguyên tử của chú mày thuộc loại tép riu, làm sao sánh được với đầu đạn vĩ đại của ta”. Lời cảnh báo đó chắc đã làm Kim Jung Un phải co vòi. Nhưng chẳng lẽ bỏ chạy để chịu mất mặt hay sao, lãnh tụ Bắc Triều Tiên bèn dở trò đánh trống lảng theo kiểu tránh voi chẳng xấu mặt nào. Gặp lúc Thế Vận Hội mùa đông sắp khai mạc tại Nam Hàn, Kim Jung Un liền đưa ra đề nghị Bắc, Nam Hàn thành lập chung một đội khúc côn cầu nữ trên tuyết (hockey sur glace) để thể hiện tinh thần hòa giải và hợp tác thể thao thế vận hội. Chẳng lẽ từ chối coi sao được, Nam Hàn đành chấp nhận đề nghị. Không bỏ lỡ cơ hội, Kim Jung Un bèn gửi một phái đoàn tham dự đông đảo tới mấy trăm người, trong đó chỉ có 22 vận động viên chính thức thôi. Còn lại phần đông là nhân viên an ninh mật vụ kiểm soát. Nhưng đáng kể hơn hết là một đội ngũ pom-pom gỉrls 229 thiếu nữ. Không biết người dân Bắc Hàn ở những vùng xa xôi hẻo lánh gầy gò ốm yếu vì đói khổ ra sao, chứ các cô pom-pom girls này đều thuộc loại đào tơ mơn mởn . Bữa khai mạc với trận đấu hockey sur glace giữa đội nữ Liên Hàn với đội nữ Ga Nã Đại, toàn bộ 230 cô pom-pom girls trong bộ đồng phục đỏ rực, cổ và tay áo viền trắng nổi bật tập trung sáng chói một góc khán đài. Nhìn vào, thấy em nào em nấy cũng thơm phưng phức cứ như là múi mít cả í. Khỏi phải nói, hầu hết khán giả phần đông là nam giới, đều dán mắt về phía các em, có mấy ai để ý theo dõi trận đấu đâu. Bởi thế dù liên quân hàn quốc có bị đội Gia Nã Đại tặng cho tám quả trứng thối, kết quả trận đấu cũng coi như huề. Tinh thần hòa giải và thể tháo thế vận hội là trên hết mà. Thế mới biết lãnh tụ Kim Jung Un tuy trẻ người nhưng không non dạ, cũng biết mánh mung như ai. Bằng đường lối ngoại giao pom-pom gỉrls láu tôm láu cá này ông ta đã đánh lạc hướng được dư luận quốc tế phần nào về thế mạnh nguyên tử thượng phong của Mỹ.
Phản ứng của Kim Jung Un cho thấy đường lối ngoại giao lên cơ bắp của ông Trump đem lại kết quả có phần nào hạn chế. Thế nhưng dường như ông Trump lại muốn dùng nó làm ngón sở trường và không ngần ngại tung ra khi cần. Chả thế mà cách đây có vài ngày, trước cán cân thương mại còn thâm thủng của Mỹ, ông đã lớn tiếng đe dọa sẽ đánh thuế mạnh các mặt hàng ngoại nhập, bất kỳ từ đâu đến, kể cả các đồng minh thân thiết như Gia Nã Đại, Nam Hàn hay Liên hiệp Âu Châu. Những quyết định bất tử tùy hứng này đã khiến một vài cộng sự viên của ông chới với và khiến một phần dư luận Mỹ e ngại. Thậm chí có người còn nêu câu hỏi không biết đầu óc ông Trump có bình thường không, và liệu ông có đủ khả năng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo quốc gia hay không? Câu hỏi nêu lên đã chia dư luận làm hai phe và gây bàn cãi sôi nổi. Bên nào cũng viện đủ mọi lý lẽ để giành phần phải về mình.
Phe chống đối ông Trump thì cho rằng ông chỉ là một doanh nhân tài ba, gặp thời vận lại biết nắm thời cơ nên đã làm nên sự nghiệp đồ sộ. Nhưng không thể coi công việc lãnh đạo một quốc gia, nhất là khi quốc gia đó lại đứng hàng đầu thế giới, như việc điều hành một xí nghiệp cho được. Vậy mà đảm nhiệm chức vụ tổng thống được có vài tháng ông đã thay đổi một loạt cộng sự viên thân cận nhất, coi họ như nhân viên cần sa thải vì không làm ông vừa ý. Quyết định đơn phương độc đoán theo kiểu chủ tịch một công ty doanh nghiệp này, lại được ông tiếp tục thi hành qua lời đe dọa mới đây sẽ tăng cường hàng rào quan thuế với một số mặt hàng ngoại nhập, bất kể là nước bạn hay thù. Có lẽ vì những quyết định bất thần, đôi khi tiền hậu bất nhất ấy, nên một số người mới nghi ngờ khả năng lãnh đạo của ông, và cho rằng ông chỉ biết tung ra những loạn chiêu, hay cùng lắm là những hư chiêu mà thôi.
Phe ủng hộ, trái lại, cho rằng cái mà người đời cho là hư chiêu hay loạn chiêu ấy, thực ra là những đường quyền bí kip thuộc loại «vô chiêu thắng được hữu chiêu» của hiệp sĩ mù nghe gió kiếm. Bằng chứng là thành công vượt bực đã qua của ông Trump trong lãnh vực kinh doanh, và nay là thành công tột đỉnh trong lãnh vực chính trị. Nếu không phải là «lãnh tụ thiên tài» như ông Trump tự nhận, làm sao mới ra quân lần đầu mà ông đã lần lượt đánh gục biết bao đối thủ cao cường để giành được chức tổng thống, từ các ứng viên đại diện cho đảng cộng hòa, tới địch thủ dạn dày kinh nghiệm sau cùng là ứng cử viên dân chủ Hilary Clinton. Thành công đó chẳng phải là nhờ vào bí kíp «vô chiêu mà thắng được hữu chiêu» hay sao?
Trước lập luận tranh cãi đôi bên, tôi nghe muốn say sẩm mặt mày luôn, chẳng khác gì như khi được tham dự vào cuộc tranh luận «sư nói sư phải, vãi nói vãi hay». Bởi vì, như đã thú nhận ở trên, chỉ có «chính trị» mới là «chốn hang hùm» cho tới giờ này tôi vẫn chưa dám mó tay, nên có hiểu mô tê gì đâu. Nhưng lỡ gieo quẻ khai bút đầu xuân lại trúng nhằm câu «Thế sự thăng trầm quân mạc vấn» của Cao Bá Quát, tôi không biết xoay sở ra sao. Thôi đành ghi đại vài hàng để đem vấn đề thời sự trên ra trình làng với ước mong được quí vị thức giả uyên bác xa gần cho ý kiến giúp tôi tìm ra câu giải đáp. Tôi rất vô cùng biết ơn.
Trân kính.
Nguyễn Bảo Hưng