Người Việt Nam nghĩ gì về ngày 30 tháng 4?

Tham Luận

Người Việt Nam nghĩ gì về ngày 30 tháng 4?

Tổng hợp một số ý kiến gửi về đài BBC

Thùy Linh: Ký ức của một bác sỹ

Anh năm nay 61 tuổi nhưng vẫn còn trẻ lắm, trẻ từ bề ngoài phong độ đến cách nói chuyện với tụi trẻ ranh bọn mình. Năm 72 anh học năm thứ nhất trường Y thì được lệnh tổng động viên ra chiến trường. Nhóm Hà Nội bảy người cùng tiểu đoàn với anh đến từ các trường bách khoa, tổng hợp sau khi huấn luyện được tung ngay vào Lộc Ninh – Bình Phước, một trong những cối xay thịt người dữ dội nhất bấy giờ, theo lời anh kể.

Năm nay kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng, đồng đội anh từ Hà Nội vào Sài Gòn đông lắm, người muốn đi thăm chiến trường xưa, người muốn thăm thú Sài Gòn sau 40 năm thắng cuộc… Ai vào anh cũng nhiệt tình đưa đón, đi đâu anh cũng bỏ phòng mạch dẫn đi, có điều sau khi bạn bè thăm thú khắp nơi xong xuôi anh đưa về viếng nghĩa trang Bình An, nơi có hơn vạn người lính Việt Nam Cộng hòa đang yên nghỉ. Ai ngạc nhiên thì anh giải thích, cũng là đồng bào mình, cũng là cùng một Mẹ nên thắp nén nhang an ủi họ đỡ cô quạnh phần nào. Ai nhỡ miệng nói: Ơ, đây là nghĩa trang của ngụy mà! Anh nổi điên chửi té tát: Ai là ngụy? Ai là kẻ thù? Chúng mày hơn 60 tuổi rồi mà vẫn ngu như con chó…

Anh kể, cuối năm 72 vào đến Lộc Ninh, lính HN có 7 thằng, vào được ba ngày thì hai thằng dính pháo chết ngay lập tức khi chưa biết sợ là gì. Tuần sau, 3 thằng nữa cũng thăng thiên không một lời từ tạ. Thằng thứ 6 bị quả đạn cối nổ ngay miệng hầm trào hết cả máu mũi máu tai nên giả điếc được đưa ra hậu phương. Còn anh, vẫn trụ lại cho đến năm 73, anh bảo, trong một trận đánh, thằng chính trị viên hô xung phong, anh và ba thằng nữa liều mạng xông lên, đến lúc quay lại thì thằng chính trị viên chạy mất.
Cuối năm 74 anh bị thương, mảnh đạn pháo găm phần trên bên đùi trái ngay sát bẹn, thêm 3 phân nữa thì tan bộ tâm sự. Hai thằng lính mới do sợ quá nằm bẹp trong hầm và hai thằng y tá cứu thương được lệnh đưa anh về trạm xá. Chúng nó khiêng anh một hồi lòng vòng lạc vào đúng trận địa bên địch, đạn bắn như mưa thế là cả bốn thằng quẳng anh ở lại, chạy trối chết. Anh nằm lại hơn bốn tiếng đồng hồ lĩnh thêm ba phát đạn vào chân nữa thì hai thằng y tá quay lại gọi, anh P ơi, anh bò vào đây em khiêng về. Anh thì thào: Tao đau lắm, đxx bò được, chúng mày ra đây mà khiêng. Hai thằng đùn đẩy nhau xong rồi một thằng bò ra kéo hai chân anh xềnh xệch lôi về. Anh bảo lúc ấy đau quá, giá có quả lựu đạn thì quăng mẹ vào hai thằng bên mình này.


Về trạm xá, anh được xếp vào loại trung thương nên một ngày sau mới được mổ, gây tê nên tỉnh táo, nó cắt hết quần, thấy cái thắt lưng da Trung Quốc, thằng y tá cởi ngay da đeo vào bụng nó. Anh chửi, thắt lưng của bố mày chứ, nó nhơn nhơn, chắc đéo gì đã sống được đến sáng mai mà mày đòi thắt lưng… Năm 74, đơn vị anh bắt sống một Đại úy Việt Nam Cộng hòa. Tay đại úy tỏ ra rất bình tĩnh, không hề hoảng loạn hay sợ hãi, đề nghị các ông hãy đối xử với tôi như tù binh chiến tranh và hãy cho tôi gặp người ngang cấp với tôi. Mấy thằng lính nhà quê hầm hè: Gặp, gặp cái Đ.M. mày, quỳ xuống, không quỳ à? Bốp! bốp! Cả cái báng súng AK phang giữa mặt viên Đại úy Cộng hòa, máu me be bét. Trước khi ngất đi ánh mắt tay đại úy vẫn tỏ ra ngạc nhiên, rồi từ ngạc nhiên lóe nên một tia khinh bỉ chứ không sợ hãi, anh kể.

Giờ già rồi mà mỗi khi nhớ đến cái tia khinh bỉ trong mắt viên đại úy ấy mà anh vẫn không ngủ được, cảm giác nhục nhã đến cùng cực. Nếu ông ấy còn sống chắc hơn tuổi mình, anh thở dài…
 
Johnny Phạm: Hãy để 30/4 như một ngày bình thường ?

Tôi sinh ra và lớn lên sau gần 20 năm đất nước được "giải phóng".

Hầu như chỉ nghe bà nội kể và nhà trường rao giảng : "30/4 là ngày giải phóng đất nước khỏi Đế quốc Mỹ xâm lược".
Thế nhưng nhiều người mà tôi tiếp xúc lại có cái nhìn khác về cái ngày này.

Sinh trưởng trong một gia đình hậu duệ cộng sản, bố mẹ tôi được coi như những "hạt giống đỏ" vì ông bà nội ngoại đều là những công thần chế độ. Ông nội của tôi từng giữ hàm viện trưởng (tương đương chức thứ trưởng lúc bấy giờ). Ông ngoại của tôi từng cai quản cả một bệnh viện lớn ở Hà Nội thời kỳ "kháng chiến chống Mỹ cứu nước". Bố mẹ của tôi không những thấm nhuần tư tưởng chủ nghĩa xã hội từ bé, mà còn được học hành đến nơi đến chốn.

Với những thế hệ đi trước

Nay tôi xin nói về 30/4 với những thế hệ đi trước.

Hồi nhỏ, khi đi học những trường chuyên lớp chọn ở Hà Nội, chúng tôi đã được ‘quán triệt’ tư tưởng "30/4 là ngày giải phóng đất nước khỏi ách xâm lược của Đế quốc Mỹ, chúng ta phải tự hào vì là dân tộc duy nhất trên thế giới đánh thắng Đế quốc Mỹ". Khi về nhà, tôi hỏi bố tôi có thấy tự hào khi đánh thắng Đế quốc Mỹ không, bố tôi chỉ lẳng lặng trả lời "Khi nào con lớn sẽ hiểu". Bản thân bố tôi từng làm nghiên cứu sinh và làm việc tại Warsaw, Ba Lan những năm 1990. Có lẽ khoảng thời gian đó bố có cơ hội được tiếp xúc với mặt trái của chủ nghĩa xã hội.

Tôi từng hỏi bà nội : "30/4 là ngày gì mà nhiều chương trình văn nghệ thế ạ ?" Bà từng trả lời với giọng đầy hả hê : "Là ngày đất nước giải phóng khỏi tay Mỹ-Diệm". Dạo gần đây, khi về Việt Nam, cũng với câu hỏi đó và bà chỉ xua tay đáp "Buồn lắm cháu ạ". Tôi cũng dần hiểu thế nào là buồn, một con người dành cả đời vì lý tưởng cộng sản mà.

Mẹ tôi kể rằng, anh họ của mẹ từng giữ chức phó giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Sài Gòn trước năm 1975. Sau ngày 30/4, bác ra Hà Nội ăn giỗ, bị anh ruột của mẹ tôi (đến khi nghỉ hưu giữ hàm đại tá của Quân đội Nhân dân Việt Nam) ghẻ lạnh và coi thường ra mặt đến nỗi không thèm ngồi cùng mâm cỗ. Giọng kể của mẹ có chín phần là thương xót cho anh họ, mười phần là không hài lòng với cách hành xử của anh ruột.

Hồi tôi học cấp ba, trong một tiết học văn sát ngày 30/4, cô giáo bảo các bạn đóng cửa lại và tâm sự : "Nếu ngày 30/4 không xảy ra, có lẽ bây giờ Sài Gòn là Singapore của Châu Á rồi, chúng ta không phải đi du học đâu xa, cứ vào miền Nam mà học, tiền Việt sẽ có giá trị hơn, tiếng Việt sẽ được dạy ở nhiều nơi, văn hóa Việt sẽ vang danh bốn phương gấp nhiều lần, và văn hóa K-pop (nhạc Hàn Quốc) sẽ không thể lấn át thế hệ Việt trẻ như ngày hôm nay".

Với những 9x bạn tôi
Còn ngày 30/4 với những bạn bè thế hệ 9x của tôi, tức là thế hệ được sinh ra trong thập niên 1990, thì sao ?

Hồi tôi mới sang Anh du học, vào cái ngày 30/4 đầu tiên xa gia đình, tôi thấy bạn bè Việt Nam đồng loạt thay ảnh cá nhân (trên Facebook) bằng cờ đỏ sao vàng. Sau hai năm, hình như 30/4 bây giờ chỉ còn là cái ngày mà news feed (một chức năng theo dõi người dùng trên Facebook) của tôi hiện toàn ảnh đi chơi, ăn uống, và cờ đỏ sao vàng nay còn đâu.

Có lẽ đối với chúng tôi, 30/4 giống như một ngày thống nhất về mặt địa lý chứ không còn là giải phóng đất nước. Quan điểm này có thể không đúng với các bạn ở miền Bắc, nhưng ở miền Nam hình như nó đang càng ngày càng rõ ràng hơn. Nhiều bạn trẻ đang tranh đấu cho một đất nước với những quyền căn bản của công dân: Phản biện nhà nước.

Còn với tôi… ?
30/4 là "ngày giải phóng đất nước" ư, vậy sao người dân Việt Nam vẫn khổ thế ?
Ở trong nước hình như người dân không còn tính người trong cụm từ ‘con người’. Ông cưỡng hiếp cháu, nạn đánh chó tàn nhẫn lên hết các mặt báo thế giới, chồng đánh vợ tàn bạo, môi trường ô nhiễm cực độ, tắc đường không lối thoát tại các thành phố lớn, hối lộ tràn lan từ trên xuống dưới, thực phẩm bẩn ngay tại thủ đô, lòng dân oán hận từ ngay trong mỗi bữa cơm tối… là những thứ mà tôi thấy.
Hãy là ngày bình thường là tốt nhất!

30/4 là ngày "giải phóng đất nước" sao nhiều người Việt vẫn phải bương chải tại nơi xứ người ?


Ở hải ngoại, với những nước châu Âu mà tôi đã từng học tập đặc biệt là Anh Quốc, hình như ở London người Việt nổi tiếng nhất là trồng cần sa, sau đó làm nail, và cuối cùng quán ăn. Khi nói về Việt Nam, liên tưởng của lái xe taxi Anh : Chiến tranh Việt Nam (Vietnam War).

Một người bạn Ấn Độ của tôi kể về ấn tượng đầu tiên khi nghe hai chữ Việt Nam : "Đất nước các bạn rất nổi tiếng với món thịt chó" (đây là con vật biểu tượng của sự trung thành). Còn thầy giáo người Anh của tôi (từng dạy học tại Apollo, Việt Nam) thổ lộ : "Lý do tôi không muốn lập nghiệp tại Việt Nam vì tham nhũng Việt Nam quá tràn lan, không hối lộ thì không làm được việc. Mà đối với người Anh, hối hộ là phạm pháp dù anh sống ở đâu". Khi tôi sang Pháp học, một anh chàng người Hoa kể : "Rất nhiều phụ nữ Việt sang miền nam Trung Quốc lấy chồng, mà những mười ông chồng lấy một bà vợ Việt".

Bây giờ thay lời kết, tôi nghĩ rằng có lẽ 30/4 hãy nên là một ngày bình thường như bao ngày. Không kèn trống, không văn nghệ, hãy để nó trôi đi như bao ngày bình dị khác. Xin các thế hệ đi trước đừng khoác lên cho nó một cái ngày "Quốc Tang" hay "Giải Phóng". Vì thế hệ trẻ cần một sự kiến tạo chứ không phải một di sản tang thương. Hỡi ôi 30/4 !
(Gửi cho BBC từ Anh quốc , 12/04/2015)
 
Tidoo Nguyễn: Giấc mơ 40 năm chưa thành

Nhiều người miền Nam lên tàu chạy trốn vào cuối cuộc chiến năm 1975. 40 năm đánh dấu sự kiện quân đội Bắc Việt chiếm lĩnh và cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, và cũng là 40 năm đánh dấu ngày tôi ra đời trong ngày đầu tiên của chế độ mới.

Nền giáo dục của chế độ mới dạy tôi rằng ngày 30 tháng 4 là ngày “Thống nhất đất nước”, “Ngày giải phóng miền Nam” bằng chiến thắng vẻ vang. Nhưng khi lớn lên tôi nhận thức được rằng mình phải tìm hiểu sự thật về sự kiện ngày 30 tháng 4. Mãi cho đến đầu thế kỷ 21 tôi mới tiếp cận được với internet và tìm hiểu sự thật lịch sử qua những tài liệu bằng tiếng Anh trên những trang web nước ngoài, qua những đoạn phim tài liệu về những ngày cuối cùng của Sài Gòn được đăng tải trên Youtube. Và gần đây nhất là được xem bộ phim tài liệu đầy đủ mang tên “Last days in Vietnam”.

Vào ngày 3 tháng 4 năm 1975, khi chiến tranh đã đến hồi hỗn loạn, tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố tất cả trẻ em mồ côi Việt Nam ngay lập tức sơ tán bằng máy bay ra khỏi Sài Gòn. Ước tính có 3.000 trẻ em, bao gồm 150 trẻ sống sót trên máy bay C-5 bị rơi, đã được sơ tán ra khỏi miền Nam Việt Nam vào khoảng ngày 3 tháng 4 cho đến 26 tháng 4 năm 1975. Cuộc sơ tán đó là chiến dịch không vận trẻ em Việt Nam hay còn gọi là Operation Babylift.Tôi đã tham gia vào những cộng đồng “Operation Babylift” trên Facebook, đọc những câu chuyện của những đứa trẻ ấy, và tìm hiểu những thông tin liên quan đến chiến dịch không vận trẻ em Việt Nam trên báo mạng. Qua đó tôi đã biết được những đứa trẻ nàyđã và vẫn tiếp tục dằn dặt với những câu hỏi : “Tại sao tôi là con nuôi?”, “Tại sao bố mẹ đẻ bỏ rơi tôi?”, “Tại sao tôi là người Châu Á duy nhất trong khi các thành viên trong gia đình là da trắng?” Cũng không ngoại trừ trường hợp có người trong số đó muốn đánh đổi tất cả để trở thành người da trắng. Mỉa mai thay, tôi đã từng mơ ước rằng mình là một trong những đứa trẻ của chiến dịch không vận trẻ em Việt Nam, được đưa ra khỏi đất nước Việt Nam để làm con nuôi cho gia đình ở nước ngoài trong chiến dịch đó. Nếu được như vậy thì cuộc đời của tôi đã không phải chịu đựng nhiều cơn đói khát, đau đớn trong quá khứ và đầy lo âu ở hiện tại.

Những năm đầu đời của tôi cũng là những năm tháng đất nước bị “ngăn sông cấm chợ”.

Thời đấy tôi không mong ước gì hơn ngoài việc được ăn no. Bữa ăn mà tôi mơ ước chỉ cần có cơm và muối ớt. Thế nhưng cơm và muối ớt là những bữa ăn vô cùng hiếm hoi trong gia đình tôi. Hàng ngày, chúng tôi hái những quả mít non, quả chuối xanh, cắt những mụt măng sau nhà hay đi lượm mót từng hạt mít mà người ta bỏ đi để đem về luộc lên ăn. Chúng tôi ăn cả vỏ khoai mì, cây chuối non để sống. Những hôm “nguồn tài nguyên” cạn kiệt, chúng tôi không có gì để ăn đành nhịn đói ngủ qua đêm. Cái mặc thì cũng không kém phần khó khăn như cái ăn. Quần áo cũ đứa lớn mặc không còn vừa thì đứa nhỏ hơn sử dụng lại. Tôi là con trai mà phải mặc quần áo của chị tôi. Vì vậy tôi thường là tâm điểm bị đem ra làm trò cười khi đến lớp học trong bộ quần áo của con gái. Chúng tôi không nhận được bất cứ sự trợ giúp nào từ chính phủ.

Năm 1978, mẹ tôi chết trong nghèo khó vì không có tiền chữa bệnh, bỏ lại 6 đứa con, 3 gái và 3 trai. Tôi là con trai út trong nhà. Chúng tôi sống cùng người cha đẻ. Tuy nhiên, không phải người bố đẻ nào cũng thương con. Ông ta thường xuyên đánh đập và hành hạ tôi mà không cần lý do gì. Cho đến khi tôi 18 tuổi , thoát khỏi ngôi nhà để đến Sài Gòn sống thì mới tránh được những cơn đòn thừa sống thiếu chết của ông. Chính phủ không có bất cứ tổ chức nào để bảo vệ trẻ em bị ngược đãi.

Đất nước mở cửa đã hơn 25 năm, tôi đã đi làm cho những công ty nước ngoài. Ước mơ được ăn no của tôi đã thành hiện thực và không còn chịu đựng những cơn đau thể xác từ việc ngược đãi của người cha đẻ. Tuy nhiên, đêm đêm những cơn ác mộng vẫn ập về với hình ảnh bị hành hạ, bị đói khát. Và những nỗi lo về cuộc đời vẫn còn đó. Nếu chẳng may tôi thất nghiệp thì sẽ không có trợ cấp của chính phủ. Tôi chỉ có thể nhận được bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần vì tiền bảo hiểm đã bị trừ vào lương hàng tháng. Tuy nhiên, hiện nay bảo hiểm xã hội đang có nguy cơ vỡ quỹ, dẫn đến điều khoản vô lý của Luật bảo hiểm xã hội mới là không trả trợ cấp bảo hiểm một lần!
Ngoài ra, tôi đang đối đầu với những căng thẳng trong môi trường sống đang bị đe dọa, giao thông càng ngày càng hỗn độn, tệ nạn xã hội tràn lan, cướp giật hoành hành v.v.


Mặc dù vậy, tôi không còn mơ ước được sống ở nước ngoài mà mong ước đất nước Việt Nam có sự thay đổi lớn để lấy đi những nỗi lo của tôi và trả lại một xã hội có trật tự như miền Nam Việt Nam nói chung và như Sài Gòn nói riêng của những ngày tháng cũ. 40 năm đã đi qua, 40 năm nhìn lại với những ước mơ của tôi đã thay đổi theo thời gian. Tôi chỉ có một ước mơ hiện tại rất đơn giản mà đáng lẽ ra cuộc sống của một con người phải có. Chẳng lẽ cả đời này tôi không đạt được ước mơ ấy hay sao? (Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, được gửi tới BBC)
 
Cựu Quân nhân VNCH: "Mong đất nước khá hơn"

Một cựu thiếu tá không quân và một cựu lính biệt kích của Việt Nam Cộng hòa trước 1975 đều nói rằng các ông mong muốn nước Việt Nam có tương lai khá hơn so với hiện nay trong câu chuyện với BBC Việt ngữ nhân kỷ niệm 40 năm ngày 30/4. Theo hai ông, hiện đang sinh sống ở miền Nam California, Hoa Kỳ, thì ngày 30/4 là ‘ngày đau buồn’ trong cuộc đời họ cũng như đối với miền Nam.

*** Mai Văn Chớ (Thiếu tá không quân)

Ông Chớ là phi đoàn phó phi đoàn 255 thuộc Sư đoàn 4 không quân đóng ở Cần Thơ. Ông cho biết những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa ông đã ‘sẵn sàng chiến đấu để chết vì Tổ quốc’. Ông thuật lại vào ngày 30/4 ông đang thực hiện nhiệm vụ đổ quân thì ‘ở dưới đất chiến đấu rất khốc liệt’. Vào lúc 11 giờ trưa, đổ quân xong, ông lái máy bay về sân bay Bình Thủy để tiếp nhiên liệu nhưng chưa kịp thì nghe Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

“Cảm giác rất là buồn,” ông kể, “Tôi nghĩ tôi là người quân nhân phục vụ không quân đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng bây giờ tương lai không biết về đâu.” “Nếu tôi không nghĩ đến vợ con thì tôi đã tự sát,” ông Chớ nói và cho biết trước đó ông ‘thấy đất nước mình trước sau gì cũng mất’ sau khi Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi di tản chiến thuật và các sỹ quan được kêu gọi tử thủ đến giờ phút cuối cùng. “Vũ khí đạn dược mình không có thì làm sao chiến đấu được,” ông nói thêm và mô tả tâm trạng của người dân miền Nam khi đó là ‘hoang mang’ vì ‘không biết chế độ cộng sản như thế nào’.

Những ngày sau đó, ông Chớ ra trình diện rồi bị ở tù. Ông ở tù trong miền Nam một năm rồi sau đó bị chuyển ra Sơn La ở ngoài Bắc và đến năm 1979 khi quân Trung Quốc đánh qua thì ông bị chuyển về Thanh Hóa. “Ở tù không được hưởng quy chế tù binh,” ông kể, “11, 12 giờ đêm bị kêu ra thẩm vấn”. Theo lời ông mô tả thì khi được đưa ra miền Bắc ông thấy đời sống người dân ở đó ‘rất khổ sở’. Còn gia đình ông chính quyền mới không cho ở Sài Gòn nữa mà bị bắt đi kinh tế mới ở Long Tân, Phước Tuy, và ‘cất nhà lá mà sống’. Sau khi ra tù vào năm 1982 ông về vùng kinh tế mới ở cùng gia đình. “Tới giờ phút đó tài sản của tôi không còn gì nữa hết. Tôi về làm ruộng,” ông kể, “Nhưng cuối cùng cũng hết cơm gạo để ăn thì tôi vô rừng đi cưa lấy gỗ.”

Ông cũng thuật lại hai lần ông đi vượt biên bằng đường biển đều bằng ghe nhỏ. Lần thứ nhất ông bị tàu hải quân của chính quyền bắt lại và bị giam trong bốn tháng. Lần thứ hai vào năm 1985 thì ghe của ông đã may mắn gặp tàu ngầm Hoa Kỳ tiếp tế thực phẩm và cuối cùng đã đến được trại tỵ nạn ở Malaysia. Lúc đó, ông cho biết những người ở trại tỵ nạn yêu cầu nhóm của ông viết thư về nhà khuyên người thân ‘đừng đi vượt biên nữa’ vì các nước trên thế giới đã giúp người tỵ nạn Việt Nam được 10 năm rồi.“Tôi ra đi tìm sự sống trong cái chết,” ông nói, “Tàu nhỏ, xăng dầu không đủ, hải đồ, hải bàn không có và chỉ hy vọng gặp tàu buôn giúp chúng tôi thôi”.  “Ngày 30/4 là niềm đau chung của miền Nam và đối với gia đình tôi,” ông nói, “Nhưng nếu thời gian có trở lại mà tôi biết rằng đi chiến đấu để mà ở tù thì tôi cũng chấp nhận vì tôi bảo vệ lý tưởng của mình.”

“Tôi là người Việt Nam. Lúc nào tôi cũng muốn đất nước mình được thống nhất. Nhưng trong cái thế tôi là người lính Việt Nam Cộng hoà chiến đấu vì lý tưởng tự do mà lý tưởng không thực hiện được là nỗi đau lớn đối với tôi,” ông nói.
“Lúc nào tôi cũng mong đất nước Việt Nam được phồn thịnh, nhân dân Việt Nam được ấm no,” ông nói thêm, “Tương lai đất nước có cơ may nào đó bắt kịp láng giềng”.  Theo ông thì nếu Việt Nam Cộng hòa không sụp đổ thì bây giờ ‘không thua Đại Hàn đâu’.


Phạm Hòa (Lính biệt kích)

“Tôi gia nhập quân đội vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Đó là khoảng thời gian rất ngắn và đầy biến động trong cuộc đời tôi,” ông Hòa kể và cho biết đơn vị của ông không hề biết là đang được di tản khi nhận được lệnh lên tàu ra Phú Quốc vào ngày 29/4.

“Khi tàu ra đến hải phận quốc tế vào buổi trưa ngày 30/4 thì chúng tôi nghe qua radio ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.” “Khi đó trong phòng mấy ngàn người. Tất cả mọi người cùng òa khóc một lúc,” ông nói. “Chúng tôi biết cộng sản thắng thì cuộc đổi đời sắp xảy ra nhưng tất cả đều sẽ trong bóng tối và không có phần có lợi cho chúng tôi,” ông nói thêm.

Theo lời ông thì tâm trạng của ông và những người được di tản ‘gần như là bấn loạn’. “Đi ra nước ngoài không biết mình làm gì. Không biết ngôn ngữ. Không có người giúp đỡ. Ngay cả quốc gia mình cũng không còn. Ngay cả quốc tịch mình cũng không còn. Mất toàn diện”.
Ông cho biết trước đó đa số các sỹ quan trẻ như ông đều ‘không nghĩ miền Nam sẽ mất ngay cả khi tiếp tế của người Mỹ không còn’. Khi được hỏi vì sao quân đội miền Nam thua miền Bắc, ông Hòa nói: “Ngày nay ai cũng biết đó là sự phủi tay của đồng minh. Bên kia có cộng sản Trung Quốc, Nga Xô, Tiệp Khắc, Đông Âu, Đông Đức – tất cả các nước cộng sản đi vào chiến trường Việt Nam đánh Mỹ thì khi Mỹ rút thì làm sao một mình Việt Nam Cộng hòa có thể đương đầu với khối cộng sản thế giới?”.


Khi được hỏi về kỷ niệm mà ông nhớ nhất thời còn chiến đấu, ông nói đó là khi ông đọc được lá thư của một người bộ đội Bắc Việt đã bỏ mạng sau khi chạm trán với đơn vị của ông vào năm 1974. “Anh bộ đội ấy biết trước anh sẽ chết nên viết thư về cho mẹ nhắn cho mẹ thế này thế kia và nhắn cô người yêu cùng làng,” ông kể, “Cho đến khoảng đời sau này tôi cũng không thể nào quên tâm tư bộ đội Bắc Việt”.  “Người miền Nam, miền Bắc chúng ta đều trả giá và trả giá rất là đắt. Thành thử đó là đau thương cho cả đất nước Việt Nam,” ông nói và cho biết nếu gặp lại bộ đội Bắc Việt thì ông ‘cũng không có lý do thù hận’ vì ‘người chiến sỹ chỉ làm tròn bổn phận của họ mà thôi’. “Anh em bên quân lực Việt Nam Cộng hòa chúng tôi không có gì thù hận người Chiến binh bộ đội,” ông nói, “Họ cũng hy sinh như người miền Nam để tranh đấu cho Việt Nam sau này thôi”.  Tuy nhiên theo lời ông Hòa thì nước Việt Nam hiện nay ‘không như Việt Nam Cộng hòa mong muốn mà cũng không như bộ đội miền Bắc mong muốn’.

Ông Hòa nói sau năm 1975 ông có dịp về Việt Nam một thời gian để trao đổi kỹ nghệ và theo ông nhận xét thì Việt Nam giờ đây ‘tất cả đời sống xã hội đều thua xa thế giới’. “Đất nước Việt Nam tuổi trẻ có rất nhiều người giỏi. Nếu chính thể Việt Nam thay đổi thì trong tương lai Việt Nam sẽ khá hơn nhiều.”
(Cuộc phỏng vấn của BBC Việt ngữ với cựu thiếu tá không quân Mai Văn Chớ và cựu lính biệt kích Phạm Hòa của quân đội Việt Nam Cộng hòa được thực hiện trong tháng Tư, 2015 tại Nam California) .

*** Nguyễn Văn Châu (BBC): Ðộc Lập, Thống Nhất và Chiến Tranh.

Sau Thế Chiến Thứ Hai, các nước thực dân trên thế giới đứng trước hoàn cảnh mới và khí thế mới của các phong trào nhân dân đòi lại độc lập trên toàn cầu đành phải đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác và cuối cùng phải cúi đầu công nhận nền độc lập của các quốc gia mà họ thống trị trước đó. Chế độ thực dân suy sụp và chủ nghĩa đế quốc đã đến thời kỳ cáo chung. Chúng ta cứ nhìn vào Nam Dương và Việt Nam, hai nước cùng tuyên bố độc lập vào mùa thu 1945. Hòa Lan công nhận quyền độc lập Nam Dương vào năm 1949. Pháp chỉ công nhận chủ quyền Bắc Việt Nam năm 1954, sau khi chiến tranh Pháp Việt đẩm máu gây trên 300,000 binh sĩ và trên một triệu thường dân Việt Nam bị tử thương. Trong lúc đó, chế độ thực dân Anh chấm dứt ở Ấn độ vào năm 1947, đưa đến độc lập cho Ấn Độ và Hồi Quốc. Việc này cũng xảy ra ở Miến điện và Tích Lan vào năm 1948. Phi luật Tân lấy lại từ Hoa Kỳ quyền độc lập vào năm 1946 .

Phần lớn các nước nhược tiểu ở châu Á, châu Phi không cần đổ máu nhân dân, không cần chiến đấu trường kỳ, không cần bần cùng hóa dân tộc, không cần phá hủy bao nhiêu công trình văn hóa của đất nước mà vẫn đạt được mục đích giải phóng quốc gia và lấy lại quyền độc lập cho xứ sở nhanh chóng hơn ta. Phải chăng vì các nước đó đã có những nhà lãnh đạo sáng suốt có cái nhìn chiến lược, thấu hiểu sự suy tàn của chủ nghĩa thực dân, nên đã ứng dụng phương thức đàm phán, đấu tranh không võ trang, không bạo động để tiết kiệm xương máu nhân dân.
Phải chăng nhân dân ta đã không tiết kiệm được xương máu, đã phải chứng kiến bao nhiêu tàn phá, cùng khổ vì các nhà lãnh đạo Cộng sản thời đó không có cái nhìn chiến lược? Hay tệ hơn nữa họ đã có những mục tiêu khác thay vì mục tiêu dành quyền độc lập và thống nhất cho xứ sở trái lại theo đuổi mục tiêu tận diệt các đảng phái cách mạng khác và tất cả những người Việt Nam không cùng chính kiến với họ?...

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top