Diễn Đàn, Hoàng Long Hải
Lại chuyện “lầm” của ông Nhất Hạnh
Đào tạo tăng sinh
Giải bày
Đạo Phật trong nước bây giờ có nhiều phe: Phe cương quyết chống lại chính sách cai trị kiểm soát tôn giáo của Việt Cộng gồm có “Ông” Quảng Độ và hòa thượng Không Tánh, v.v... Phe “gác kiếm chờ thời” gồm có các ông Trí Siêu, Tuệ sĩ, v.v... là những người từng bị án tử hình của Việt Cộng. Vụ nầy tôi có viết một bài, “chuyện trò” với ông cựu đại úy Biệt Động Quân Phan Văn Ty, người bị án tù chung thân trong vụ với hai ông hòa thượng nói trên. Bài viết xong thì được yêu cầu khoan phổ biến nên nó còn nằm im trong “bản thảo” của tôi. Phe thứ ba, tưởng là ngon ăn, về bắt tay với Việt Cộng, lập nhà tu, “đào tạo tăng sinh”, nhưng bị Việt Cộng đánh cho tơi tả, cho tới bây giờ không rõ số phận 400 tăng sinh đó sống chết ra sao???!!! Đó là phe ông Nhất Hạnh. Cho tới giờ cũng không thấy ông Nhất Hạnh nói chi tới số tăng sinh của “Tăng đoàn Bát Nhã” như thế nào nữa.Đau nhứt cho đạo Phật là vụ “đào tạo tăng sinh” nầy, nên tôi viết bài sau đây.
*
Trong các bài viết về vụ Tăng Thân Bát Nhã, tôi có nhận định rằng cái mục đính của ông Nhất Hạnh trong việc đào tạo cán bộ Phật giáo đến sinh hoạt tận các vùng thôn ấp, khu phố không phải là sai, mà còn có tính cách chiến lược nữa.
Thật vậy, nhìn chung, đạo Phật du nhập vào nước ta từ rất lâu, hơn 2 ngàn năm, nhưng đạo Phật phát triển và tồn tại được cho tới ngày nay, tiềm tàng trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân chúng, là nhờ đạo Phật đi sâu vào dân chúng, ở lại cùng với dân chúng, sinh hoạt cùng với dân chúng trong từng làng, từng xóm dân. Làng xóm là đơn vị căn bản của xã hội Việt Nam. Trụ lại trong từng làng, sống với dân, là lý do tồn tại của đạo Phật, rất khác với các tôn giáo khác, kể cả đạo Thiên Chúa.
Cái “thiện tâm” nói trên của ông Nhất Hạnh đã có từ lâu lắm, từ những bài viết của giáo sư Thạc Đức (tức Nhất Hạnh) trong các bài “Đạo Phật đi vào cuộc đời”, “Phật giáo hiện đại hóa” là những bài giảng của ông vào thời kỳ đầu thập niên 1963. Ý hướng đó thể hiện rõ hơn, bằng hành động, sau khi nhà Ngô sụp đổ, khi ông Nhất Hạnh thành lập “Trường Thanh niên Phụng sự Xã Hội” ở Chợ Lớn.
Cũng trong những năm này ông Nhất Hạnh chủ trương nhiều tờ báo như “Hải Triều Âm”, “Giữ thơm Quê Mẹ” v.v…) và xuất bản nhiều tác phẩm trong đó có tập thơ “Chấp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện”, bị Chính phủ miền Nam tịch thu, cho là thân Cộng nên phải in chui, trong khi đó thì Cộng Sản Bắc Việt qua đài Hà Nội chửi bới và kết tội ông Nhất Hạnh là tay sai đế quốc, tay sai CIA…
Sau vụ trường nầy bị ném lựu đạn, có người chết, người bị thương, và ông Nhất Hạnh bỏ trường, xuất ngoại vận động hòa bình cho VN theo “mệnh lệnh” của Giáo Hội Phât Giáo Việt Nam Thống Nhứt (???), bị chính quyền miền Nam không cho trở về nước và lưu vong từ đó.
Năm 2005, sau 39 năm biệt xứ, được VC cho phép, ông Nhất Hạnh trở về, thấy Việt Cộng có chương trình “thôn Văn Hóa”, “Ấp Văn Hóa”, “Khu phố Văn Hóa”… nên ông Nhất Hạnh vội vàng thành lập tu viện Bát Nhã, để đào tạo cán bộ Phật giáo, hoạt động trong các “thôn Văn hóa”, “Khu phố Văn hóa” đó hay sao?
Như lịch sử cho thấy, ấp-thôn-làng, và bây giờ là khu phố, là đơn vị căn bản của xã hội Việt Nam. Cộng Sản xây dựng hạ tầng cơ sở từ những ấp, thôn như thế trong công việc chiến đấu và xâm lăng miền Nam Việt Nam của họ. Ông Ngô Đình Nhu, trong cái gọi là Quốc sách chống Cộng, cũng lấy ấp làm căn bản. Và đó là căn bản của kế hoạch chống Cộng: “Ấp chiến lược”, một sách lược làm cho Việt Cộng rất sợ hãi, cố sống cố chết phá cho được.
Cái tính cách chiến lược xuất phát từ hạ tầng cơ sở xã hội Việt Nam, Công Sản, với kinh nghiệm và sách lược của họ, họ thấy rõ nên có chương trình “Ấp Văn hóa”, “thôn văn hóa”, “khu phố văn hóa.” Ông Nhất Hạnh cũng thấy được như vậy nên vội vàng tổ chức một lớp học tập ngắn ngày ở tổ đình Từ Hiếu, không được tăng ni hoan nghênh lắm, và thành lập tu viện Bát Nhã để đào tạo cán bộ Phật giáo đưa đến hoạt động trong các “thôn văn hóa, khu phố văn hóa”, v.v.
Trong bài viết “Hạt giống Bồ Đề bất diệt”, ông Nhất Hạnh viết:
“Trong chuyến về quê đầu tiên của thầy năm 2005, thấy những cổng chào đề các dòng chữ “thôn văn hóa”, “ấp văn hóa”, “khu phố văn hóa” v.v. thầy đã mừng thầm, nghĩ rằng đây là một chính sách thông minh và đúng lúc của nhà nước. Hỏi thăm, thầy được biết là chính sách thành lập những thôn những ấp văn hóa ấy là để đối phó với các tệ nạn xã hội đang bắt đầu lan tràn như ma túy, đĩ điếm, cờ bạc, bạo hành v.v. Nhưng sau đó chừng hơn một tháng thầy đã được báo cáo rằng nhà nước đã không thành công gì mấy với các ấp văn hóa, các thôn văn hóa kia. Chỉ có danh từ mà không có sự thật.”
…….
“Cho nên trong khóa tu dành cho giới xuất gia tại tổ đình Từ Hiếu (từ ngày 07-03-2005 đến ngày 12-03-2005) thầy đã đưa ra mô thức một thôn xóm trong đó ngôi chùa đóng vai trò lãnh đạo tinh thần đạo đức; các thầy hoặc các sư cô trong ngôi chùa đó hành trì giới luật và uy nghi vững chãi, tổ chức những khóa tu cho người lớn và cho thanh thiếu niên, gây niềm tin nơi một con đường đạo đức tâm linh và khuyến khích sự tiếp nhận và hành trì năm giới, mỗi nửa tháng đến chùa tụng giới một lần và dự pháp đàm để kiểm điểm về công phu hành trì của mình. Đây không phải là một cái gì mới mẻ mà chỉ là công trình hiện đại hóa một truyền thống thực tập ngày xưa, và những người hướng dẫn thực tập phải có tư cách và khả năng hướng dẫn cho tuổi trẻ cũng như cho mọi giới kể cả giới trí thức, giới thương gia và chính trị. Mà muốn được như thế thì phải bắt đầu đào tạo một thế hệ người xuất gia mới. Đó là nội dung của khóa tu tại tổ đình Từ Hiếu có gần cả ngàn vị xuất gia trẻ tham dự và những bài pháp thoại này như các con đã biết đã được in lại thành sách dưới nhan đề Xây Dựng Tình Huynh Đệ. Trong óc thầy, tu viện Bát Nhã lúc ấy đã được hình thành. Tu viện Bát Nhã là mẫu mực của một trong những trung tâm để đào tạo những người xuất gia mới như thế.”
Thật là một sự sai lầm nghiêm trọng!
Theo quan điểm của Việt Cộng, cái mà họ gọi là “Thôn Văn hóa”, “Ấp Văn hóa” … là cái gì? Là như ông Nhất Hạnh nhìn thấy và nói ở trên là để “đối phó với các tệ nạn xã hội”. Rồi ông Nhất Hạnh viết tiếp: “Và nhà nước đã không thành công.”
Tệ nạn xã hội là do chính sách cai trị của Việt Cộng đẻ nó ra. Chính sách cai trị độc tài, không có tự do, thiếu dân chủ, không tôn trọng nhân phẩm, đầy dẫy những tham nhũng bất công thì tự nhiên nó phải phát sinh ra tệ nạn xã hội. Đó là chưa nói tới chính sách đường lối của Việt Cộng muốn dung dưỡng nó, bao che nó. Nếu như thế thì nhà nước thành công làm sao đươc?
Thật ra, chương trình “Thôn Văn hóa”, “Ấp Văn hóa”… của Việt Cộng không nhằm để bài trừ tệ nạn xã hội, mà chính là nhằm mục đích kềm kẹp dân chúng, phát hiện, tố giác những người có tư tưởng, có hoạt động chống Việt Cộng.
Rút kinh nghiệm trong công việc xâm lăng miền Nam Việt Nam, Việt Cộng đã tổ chức hạ tầng cơ sở từ các đơn vị căn bản làng xóm, thôn ấp và các khu lao đông thành phố. Việt Cộng ngày nay, nhằm ngăn chận những “hạ tầng cơ sở chống Cộng”, họ phải nắm vững, kìểm soát chặt chẽ thôn ấp làng xóm Việt Nam, từ đó, các phần tử chống Cộng sẽ không có cơ sở để hoạt động chống phá nhà nước Việt Cộng. Trong viễn tượng đó, chính sách “thôn Văn hóa”, Ấp Văn hóa”, “Khu phố Văn hóa” chỉ là cái bề ngoài, cái áo khoát ngoài của chính sách Công An trị của Cộng Sản mà thôi.
Cho rằng Việt Cộng không dẹp bỏ được tệ nạn xã hội, ông Nhất Hạnh đã vội vàng thành lập trường, đào tạo một lớp cán bộ Phật giáo mới để đảm nhận cái vai trò “Văn hóa” mà Việt Cộng đã không làm được.
Đó là sự ngây thơ chính trị của ông Nhất Hạnh. Đối với Cộng Sản, có cái văn hóa nào có thể thay thế được “Văn hóa xã hội Xã hội Chủ nghĩa” mà ông Nhất Hạnh dự tính đưa văn hóa Phật giáo vào đó để thay thế, trong khi Việt Cộng đang cố sức đào bới tận gốc rễ cái “Văn hóa Phong kiến” xã hội cũ Việt Nam (như họ từng lên án), mà trong đó có cả văn hóa Phật giáo. Trong chính sách cai trị của Việt Cộng ngày nay, nhắm bộ Việt Cộng không có chính sách đàn áp và tiêu diệt Phật giáo hay sao? Trong việc làm đó của ông Nhất Hạnh, ông dự tính đưa cả cán bộ Phật giáo về thay thế cho cán bộ chính quyền, nói rõ ra là cán bộ Việt Cộng hay sao?
Trong chính sách cai trị của bất cứ một nước nào trên thế giới, ngoại trừ một vài quốc gia còn “lạc hậu”, không ai muốn đưa tôn giáo vào chính quyền. Nói theo đúng chữ nghĩa thì gọi là “thần quyền thay thế cho thế quyền”.
Nói chi xa, có thể lấy tình hình Viêt Nam bốn chục năm trước làm thí dụ. Khi Giám mục Ngô Đình Thục thọc tay vào chính quyền, cắt đặt một số bộ trưởng, tỉnh trưởng, quận trưởng, nhất là sau khi ông về làm tổng giám mục địa phận Huế, đã làm cho không ít người công khai hoặc âm thầm chống đối.
Vết xe đó lại xảy ra một lần nữa, khi Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc, một bình phong của Phật giáo miền Trung đã cử bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn làm thị trưởng Đà Nẵng. Cũng trong thời gian nầy, tai tiếng không ít về những “chính phủ của Phật giáo” hay “thân Phật giáo”, “thân Công giáo”. Đó là những sai lầm nghiêm trọng trong sinh hoạt chính trị có phần nào dân chủ hơn sau khi Ngô triều sụp đổ.
Có lẽ nào ông Nhất Hạnh không thấy điều đó khi chủ trương đào tạo một số cán bộ Phật giáo để đảm đương các công tác văn hóa ở “Ấp Văn hóa”, “Khu phố Văn hóa” dưới chế độ cộng sản … dù x ác nh ận nhiều lần họ chỉ là cán bộ văn hóa, không phải cán bộ chính trị.
Có thể Ông Nhất Hạnh nghĩ rằng khi được tiếp đón long trọng, khi được các lãnh đạo Việt Cộng lắng nghe những ý kiến như “bãi bỏ Vụ tôn giáo trong Mặt trận Tổ Quốc”, “không cấp huân chương cho các tu sĩ”, “không đưa Quý Thầy vào những chức vụ dân cử”, “dựng đài tưởng niệm cho các nạn nhân vượt biên”, “mời Hòa Thượng Trí Quang, Hòa Thượng Huyền Quang làm Cố Vấn cho Chánh phủ” v.v… mặc dù sau đó Việt Cộng không trả lời, không phản ứng, dù họ có nghe. Khổ nỗi, ông Nhất Hạnh tưởng bở, nghĩ rằng mình đã chuyển hóa được Việt Cộng mà quên rằng lúc đó VC đang sửa soạn cho Đại lễ Phật đản Vesak quốc tế sắp mở tại Hà Nội để chính phủ VNCS được rút tên ra khỏi danh sách các nước đang đàn áp tôn giáo.
Trong bất cứ chế độ nào, cán bộ chính quyền phải nắm lấy quyền hạn và trách nhiệm, không thể “giáo khoán” công việc ấy cho tôn giáo. Các tôn giáo có thể tham gia vào công tác giáo dục và từ thiện, như mở trường học (kể cả đại học), các cô nhi viện, nhưng tôn giáo không thể thay thế chính phủ để đảm nhận toàn bộ công việc giáo dục hay xã hội trong một quốc gia.
Trong viễn tượng đó, việc làm của ông Nhất Hạnh, khi đào tạo cán bộ Phật giáo để hoạt động văn hóa trong các thôn ấp và khu phố… như ông nói là “công trình hiện đại hóa một truyền thống thực tập ngày xưa, và những người hướng dẫn thực tập phải có tư cách và khả năng hướng dẫn cho tuổi trẻ cũng như cho mọi giới kể cả giới trí thức, giới thương gia và chính trị.”
Làm như thế thì liệu Việt Cộng có để yên cho ông Nhất Hạnh được chăng? Có để yên cho tăng thân Bát Nhã trong việc tu học để có thể được “đào tạo một thế hệ người xuất gia mới….. Trong óc thầy, tu viện Bát Nhã lúc ấy đã được hình thành. Tu viện Bát Nhã là mẫu mực của một trong những trung tâm để đào tạo những người xuất gia mới như thế.”
Ông Nhất Hạnh bảo phải “Xây dựng tình Huynh Đệ”! Trong chế độ Cộng Sản, liệu có cái tình huynh đệ nào ngoài cái tình “(huynh đệ) đồng chí” giữa những người Cộng Sản với nhau.
Dĩ nhiên, “hạt giống Bồ Đề tình huynh đệ” ấy chết ngắt sau khi 400 tăng sinh tập họp tu tập ở Tu Viện Bát Nhã bị đàn áp dã man.
Nhìn chung, ông Nhất Hạnh không có kinh nghiệm gì về chính trị, cái kinh nghiệm cần thiết mà ông không có nên sau vụ “Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội” của ông bị ném lựu đạn và ông đã ra đi và không bao giờ trở lại, không bao giờ ngó ngàng chi tới những học viên ở ngôi trường đó vì nghe lời ông mà vào học rồi bị giết, bị thương tật!
Sự thiếu sót kinh nghiệm ấy khiến ông bị “thầy” Đức Nghi cho vào tròng một cách dễ dàng.
Ông Nhất Hạnh về nước năm 2005, thăm thú các nơi, tiếp xúc với một số nhà lãnh đạo Cộng Sản Hà Nội. Qua năm sau, 2006, Võ Văn Cang, pháp danh Thích Đức Nghi qua Pháp học Phật với với ông Nhất Hạnh, sau đó nhận hơn 1 triệu đôla, để mở rộng tu viện Bát Nhã cho tăng sinh đến tu học. Và rồi “thầy” Thích Đức Nghi cùng chính quyền địa phương đánh đuổi 400 tăng ni ra khỏi tu viện Bát Nhã.
Như tôi đã nói trong bài 4 (Đọc Thư Thầy), đây là một âm mưu của Việt Cộng mà Thích Đức Nghi chỉ là tay sai. Sau vụ đàn áp đó, uy tín của ông Nhất Hạnh bị sứt mẻ nhiều lắm, và kế hoạch đào tạo lớp “thế hệ xuất gia mới” coi như “đi đoong”. Số phận tăng sinh còn thê thảm hơn những gì mà ông Nhất Hạnh dự đoán.
Công việc nầy coi như ông Nhất Hạnh thất bại hoàn toàn vì ông không có kinh nghiệm đấu tranh với Việt Cộng. Lời cải chính của bà Chân Không khi vụ Bát Nhã mới xảy ra đã chứng minh điều ấy. Bà ấy nói: “Không! Đây chỉ là hiểu lầm!” Sau khi bốn trăm tăng sinh Bát Nhã bị đánh đuổi ra khỏi tu viện Bát Nhã, không hiểu bà Chân Không còn la to rằng đây là “hiểu lầm” được nữa hay không? Bà Chân Không và ông Nhất Hạnh lầm chớ Việt Cộng chẳng lầm bao giờ!
Ngoài việc “hiểu lầm” người ta có thể gán cho ông Nhất Hạnh nhiều sai trái khác nữa, tham vọng khác nữa. Vừa mới than cho cái chết của cụ Thiều Chửu (tác giả tự điển Thiều Chửu), phê phán Việt Cộng trong bài viết năm 2004 nhân ngày giỗ 50 năm của Cụ “để nhớ sự ra đi im lặng của một người đã quyết định tìm cách chia sẻ sự oan ức của toàn dân trong thời đó, bằng cách ấy”. Ông Nhất Hạnh, mới năm trước (2004) vừa viết như trên trong bài tưởng niệm cụ Thiều Chửu thì năm sau 2005, lại về Hà Nội bắt tay với Việt Cộng.
Nhưng việc ấy nói ra đây thêm nữa có ích gì!
Qua Mỹ để làm gì?
Điều đáng suy nghĩ là vừa mới đây có tin 50 trong bốn trăm tăng sinh bị đánh đuổi ở tu viện Bát Nhã sẽ được qua Mỹ?Theo tin báo chí, họ chỉ qua Mỹ một thời gian và không thuộc diện thường trú nhân. Thường trú nhân? Điều ấy đâu cần thiết cho họ?
Khi còn ở trại tỵ nạn, tôi thường khuyến khích các nam nữ thanh niên nên gắng học, không những ở trại tỵ nạn mà ngay cả sau khi định cư. Đây là một cơ hội để “du học” mà thế hệ chúng tôi không dễ gì có được. Trước 1975, muốn du học, dĩ nhiên phải học hành xuất sắc, thi được học bỗng của chính phủ Việt Nam hay chính phủ ngoại quốc, và nhất là không “kẹt” tuổi bị động viên. Ngày nay, vượt biên được rồi, được định cư là một cơ hội quí báu cho thanh niên nam nữ học hành. Tôi thường lấy câu chuyện đăng trên báo Đường Sống để họ làm gương cho họ. Chuyện kể một cô gái còn trẻ, con một thiếu tá phi công chế độ cũ, bị hải tặc Thái Lan bắt trên đường vượt biển, bị buộc làm vợ một tên hải tặc già. Cô ta tìm cách trốn khỏi nhà tên hải tặc đó, tìm tới đồn Cảnh Sát Thái Lan và yêu cầu được giúp đỡ, và thoát khỏi một tai nạn kinh hoàng kéo dài một năm kể từ khi cô ta bị hải tặc bắt. Cuối cùng, cô ta được đưa về trại tỵ nạn ở Thái Lan và được ưu tiên cho đi định cư. Báo chí hỏi cô ta muốn gì sau khi được định cư, cô ta nói rằng muốn được đi học, muốn tốt nghiệp đại học như ý nguyện khi cô ta chuẩn bị rời Việt Nam.
Cũng trong thời gian ở trại tỵ nạn, có lần tôi hỏi chuyện Đại đức Thích Nguyên Đạt, cũng vượt biên đến đảo, rằng lý do nào đại đức bỏ nước ra đi, vì bị Việt Cộng đàn áp hay chăng? Đại đức trả lời, tôn giáo thì dĩ nhiên bị Cộng Sản đàn áp, nhưng đàn áp đến mức độ không thể nào sống được thì cũng chưa tới. Nếu Việt Cộng bắt buộc tham gia giáo hội quốc doanh thì cứ tìm cách tránh né. Tuy nhiên, đại đức nói với tôi rằng, ra đi cũng là để mong có dịp học hỏi thêm. Đại đức đi tu từ khi mới 9 tuổi, kinh sách học cũng đã nhiều, nhưng đại đức cần học thêm những kiến thức tổng quát, phổ thông trong chương trình giáo dục của các nước tự do dân chủ. Việc mở mang kiến thức phổ thông rất cần cho việc tu học, cũng như việc truyền bá Phật giáo cho công chúng. Đại đức đưa ra ví dụ như Đức Đạt Lai Lạt Ma, khi Ngài trốn chạy khỏi Tây Tạng, năm 1959, thì ngài còn trẻ, mới ngoài 20 tuổi. Thế rồi Ngài học tiếng Anh, học thêm với nhiều giáo sư, nghiên cứu triết học Đông Tây kim cổ, lịch sử địa lý văn chương, văn hóa các nước và thế gới, về khoa học kỹ thuật, v.v… nên trí óc Ngài mênh mông như biển cả, những bài giảng của Ngài hay hơn trước rất nhiều, nhờ kết hợp những tư tưởng đông tây, cổ xưa và hiện đại, v.v…
Quan điểm của Đại đức Thích Nguyên Đạt thật hay và hữu lý.
Bây giờ, trong việc đào tạo tăng sinh Phật giáo, việc du học, đối với họ là cần thiết, theo đúng như quan điểm của Đại đức Thích Nguyên Đạt vậy.
Tuy nhiên, công việc nầy, so với thời gian hiện nay, tuy có thuận lợi, nhưng không dễ dàng.
Trước hết là việc xuất ngoại.
Chính quyền Cộng Sản không dễ dàng cho bất cứ ai xuất ngoại mà không có lợi cho họ, hay ít ra là không có gì hại cho họ cả, nhất là đối với tu sĩ Phật giáo, trong thời kỳ hiện nay. Trong nước thì Việt Cộng chưa triệt tiêu hoàn toàn giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhứt như họ mong muốn, nhiều sư sãi theo giáo hội quốc doanh chỉ vì muốn khỏi bị sách nhiễu, cũng chưa hẵn hoàn toàn ngoan ngoãn, bảo sao làm vậy.
Tu sĩ được xuất ngoại không là thành phần tay sai thì cũng ngoan ngoãn, dễ nghe, đó là chưa kể không ít tu sĩ được cho ra ngoại quốc với nhiệm vụ cụ thể như phá hoại, chia rẻ, gây mâu thuẫn giữa các tổ chức Phật giáo hải ngoại, các cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Họ còn có nhiệm vụ kinh tài, tình báo và ngay cả hủ hóa Phật tử, bôi lọ đạo Phật, v.v…. Không ít các “thầy” khi qua tới Mỹ thì lo tổ chức lạc quyên cứu trợ, hoặc kiếm tiền bắng cái cớ tu sửa chùa chiền, chánh điện, nhà tăng… bằng các đại nhạc hội, mời ca sĩ Cali về giúp vui, lại sắm xe hơi đời mới, lại lẹo tẹo với các nữ Phật tử và chẳng lo học hành gì cả. Nói trắng ra, ý hướng của họ là: Có chùa mới, có xe hơi mới, có account với số tiền lớn, có máy móc để các thầy hát Karaoké vui vầy với các Phật tử trẻ, v.v…Sau đám tang, nhiều gia đình xin lễ cầu siêu ở chùa, các thầy yêu cầu tổ chức thêm lễ cúng dường trai tăng, để các thầy tụ họp nhau. Hội họp để làm gì? Nhận chỉ thị mới? Cũng cố lập trường? Rút ưu khuyết điểm? Triển khai nghị quyết? Nào ai biết!
Họ chỉ muốn có một điều:
“Qua Mỹ tu cho sướng” Đã đi tu còn muốn sướng thì tu theo đạo nào vậy?
Điều thuận lợi cho việc các tăng sinh du học chính là nhờ đồng bào Phật tử hải ngoại đông đảo, nhiều chùa chiền tu viện được xây dựng, nhiều cửa trường đại học mở ra đón các thầy. Tại nhiều chùa, khi các thầy mới từ Việt Nam qua, đồng bào Phật tử lo mời giáo sư Anh văn cho thầy, ghi danh vào đại học và đóng góp tiền học cho thầy, v.v… Có lẽ chưa nơi nào bằng, chưa lúc nào bằng, nếu các thầy chịu đi học.
Điều đáng tiếc là một số thầy đã qua nhưng không chịu học để lấy bằng… đại học, chỉ muốn học lấy bằng… lái xe hơi, trong lúc đó thì ở trong nước, có rất nhiều thầy muốn tu – có lẽ không ít trong số các thầy, và ni cô đó thuộc tăng thân Bát Nhã - muốn tu, muốn học, để phục vụ đạo pháp, phục vụ dân tộc nhưng không làm được, không có cơ hội, không có điều kiện, v.v…
Càng có ý nguyện tu học, càng vững tâm trì chí vì đạo pháp, các thầy và ni cô sẽ rất khó xuất ngoại vì chính sách cho người xuất ngoại của Việt Cộng. Ở trong nước, Việt Cộng không chỉ huy được các thầy và ni cô ấy, không sai bảo được các thầy cô ấy thì làm sao họ có thể để cho các thầy và ni cô ấy xuất dương du học. Có khác chi như tục ngữ nói “Thả hổ về rừng”. Ở đất nước tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do phát biểu, liệu các thầy và ni cô đó không có những lời nói, những hành động chống lại Việt Cộng hay sao?
Những người tu hành có ý chí và đạo tâm như tăng sinh Bát Nhã, hoặc ít ra có tâm nguyện như thế, rất đáng để họ được ra hải ngoại du học, nhất là trong tình hình hiện tại.
Làm thế nào để tìm những người có ý chí tu hành như thế, làm thế nào để họ được ra hải ngoại du học, có lẽ đó là điều mong muốn không ít của Phật tử Việt Nam hải ngoại.
Ai đảm trách được những công việc như thế, góp công góp của cho các thầy và ni cô được du học, trong khi tình hình ở hải ngoại rất thuận lợi cho họ, là điều Phật tử suy nghĩ không ít.
Tôi là một Phật tử truyền thống, không thuần thành. Nhưng ý nguyện tôi là mong được như vậy.