• Francis Fukuyama, dịch bởi TS.Đỗ Kim Thêm
Đại Dịch và Trật Tự Chính Trị
Các cuộc khủng hoảng lớn lao có các hậu quả trầm trọng, thường không tiên đoán được. Cuộc Đại Khủng hoảng trong thập niên 1930 đã thúc đẩy trào lưu cô lập, tinh thần dân tộc, chủ nghĩa phát xít và Đệ nhị Thế chiến, nhưng cũng dẫn đến biện pháp hồi phục kinh tế New Deal, sự trỗi dậy của Hoa Kỳ như một siêu cường toàn cầu, và cuối cùng là tiến trình xoá bỏ thực dân.
Các cuộc tấn công trong ngày 11 tháng 9 đã tạo ra cho Mỹ hai sự can thiệp thất bại, sự trỗi dậy của Iran và các hình thức mới của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã tạo ra một sự đột biến trong trào lưu dân tuý chống các định chế chính trị lâu đời để thay thế cho các nhà lãnh đạo trên toàn cầu. Các nhà sử học trong tương lai sẽ theo dõi và so sánh những ảnh hưởng lan rộng đến cơn đại dịch virus corona hiện nay; thách thức cho họ là hình dung ra trước được các ảnh hưởng.
Chuyện đã rõ ràng trong việc ứng phó với cơn khủng hoảng là, tại sao có một số quốc gia đã thành công hơn các quốc gia khác, và có mọi lý do để nghĩ rằng những xu hướng đó sẽ tiếp tục. Vấn đề không phải là hình thái của chế độ. Một số nền dân chủ đã thực hiện tốt đẹp, nhưng một số khác thì không, và điều tương tự cũng đúng với các chế độ chuyên chế.
Các yếu tố tạo cho các phản ứng đối với đại dịch thành công là năng lực nhà nước, niềm tin xã hội và tinh thần lãnh đạo. Các quốc gia có cả ba yếu tố này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, một chính phủ mà dân tin tưởng và lắng nghe, và các nhà lãnh đạo có tài, đã thực hiện một cách rất ấn tượng, hạn chế thiệt hại mà họ phải chịu. Khi các chức năng quốc gia bị rối loạn, các xã hội bị phân hoá hoặc lãnh đạo kém cỏi, tất cả đã làm tệ hại cho đất nước, gây cho dân chúng và nền kinh tế không được bảo vệ và dễ bị tổn thương.
Càng tìm hiểu về COVID-19, căn bệnh do virus corona mới gây ra, dường như càng thấy là cuộc khủng hoảng sẽ còn được kéo dài, nó được tính thời gian bằng nhiều năm hơn là theo quý. Virus dường như ít gây chết cho người hơn đáng lo sợ, nhưng rất dễ lây và thường lây không do triệu chứng. Ebola gây tử thương cao, nhưng khó nhiễm; nạn nhân chết nhanh chóng, trước khi có thể lây cho người khác. COVID-19 là trường hợp ngược lại, có nghĩa là mọi người có xu hướng không quan tâm nghiêm chỉnh để ngăn chặn, nên nó sẽ xảy ra và còn tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, gây ra một số lượng lớn về tử vong.
Sẽ không có lúc nào mà các quốc gia có thể tuyên bố chiến thắng căn bệnh dịch này; thay vào đó, các nền kinh tế sẽ mở ra một cách tuần tự và dò dẫm tạm thời, các đợt nhiễm tiếp theo làm cho tiến độ bị chậm lại. Hy vọng cho sự phục hồi theo hình chữ V có vẻ rất lạc quan. Nhiều khả năng cho thấy, nó sẽ theo hình chữ L có đuôi dài cong lên hoặc một loạt theo chữ W. Trong tương lai gần, nền kinh tế thế giới sẽ không hồi phục tương tự như tình trạng trước COVID.
Về mặt kinh tế, một cuộc khủng hoảng kéo dài sẽ đồng nghĩa với nhiều thất bại trong kinh doanh và tàn phá trong công nghiệp như các thương xá, chuỗi bán lẻ và du lịch. Các mức độ tập trung thị trường trong nền kinh tế Hoa Kỳ đã trỗi dậy đều đặn trong nhiều thập niên và đại dịch sẽ đẩy xu hướng tiếp tục xa hơn. Chỉ những đại doanh nghiệp thừa tiền lắm bạc mới có thể vượt qua cơn giông bão, những đại doanh nghiệp với những công nghệ khổng lổ thắng được tất cả, các tương tác bằng kỹ thuật số trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Các hậu quả chính trị có thể còn quan trọng hơn. Dân chúng có thể được kêu gọi cho các hành động anh hùng hy sinh tập thể trong một thời gian ngắn, nhưng đó không thể trong lâu dài. Một dịch bệnh kéo dài kết hợp với tình trạng mất việc trầm trọng, suy thoái triền miên và gánh nặng nợ nần chưa từng thấy, sẽ tạo ra những căng thẳng không thể tránh được, nó biến thành một phản ứng chính trị, nhưng chống lại ai vẫn là chuyện chưa rõ ràng.
Sự phân phối quyền lực trong toàn cầu sẽ tiếp tục di chuyển về phía đông, vì khu vực Đông Á đã thành công hơn trong việc ứng phó trước tình hình, nếu so với châu Âu hoặc Hoa Kỳ. Mặc dù đại dịch bắt nguồn từ Trung Quốc, Bắc Kinh ban đầu che đậy và cho phép nó lan rộng, Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng, ít nhất là về mặt tương đối.
Ban đầu, khi đại dịch xảy ra, các chính phủ khác thể hiện một cách kém cỏi và cố gắng che đậy quá rõ ràng hơn và có những hậu quả thậm chí còn nguy hiểm hơn đối với dân của nước họ. It nhất Bắc Kinh đã có thể tái kiểm soát tình hình và đang chuyển sang thử thách tiếp theo, đưa nền kinh tế hồi phục với tốc độ một cách nhanh chóng và bền vững.
Ngược lại, Hoa Kỳ phản ứng quá vụng về và thấy uy tín giảm sút nghiêm trọng. Đất nước này có năng lực tiềm năng rộng lớn và đã tạo ra một thành tích đầy ấn tượng trong các cuộc khủng hoảng do bịnh dịch trước đây, nhưng xã hội phân hoá cao độ hiện nay và nhà lãnh đạo bất tài đã ngăn chặn nhà nước hoạt động hữu hiệu. Tổng thống đã kích động sự chia rẽ thay vì thúc đẩy đoàn kết, chính trị hóa việc phân phối phẩm vật cứu trợ, đẩy trách nhiệm cho các thống đốc trong việc ra các quyết định quan trọng, trong khi khuyến khích các cuộc biểu tình chống lại họ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tấn công các định chế quốc tế thay vì khích lệ cho họ. Thế giới cũng có thể xem truyền hình, và đứng trước sự kinh ngạc khi thấy Trung Quốc nhanh chóng tạo ra một sự so sánh rõ ràng.
Trong những năm sắp tới, đại dịch có thể dẫn đến sự suy sụp tương đối của Hoa Kỳ, xói mòn liên tục của trật tự quốc tế tự do và hồi sinh của chủ nghĩa phát xít trên toàn cầu. Nó cũng có thể làm cho nền dân chủ tự do tái sinh, một hệ thống đã làm cho giới hoài nghi lầm lạc trong nhiều lúc, nó cho thấy sức mạnh đáng kể trong khả năng phục hồi và đổi mới. Các yếu tố của cả hai viễn tượng này sẽ xuất hiện ở những nơi khác nhau. Thật không may, trừ khi các xu hướng hiện tại thay đổi một cách đáng kể, dự báo chung là ảm đạm.
Chủ nghĩa phát xít trỗi dậy?
Hình dung ra các kết quả bi quan là chuyện dễ. Tinh thần dân tộc, chủ trương cô lập, xu thế bài ngoại, và các cuộc tấn công vào trật tự thế giới tự do đã gia tăng trong nhiều năm qua và do đại dịch chiều hướng sẽ tăng nhanh. Các chính phủ ở Hungary và Philippines đã sử dụng cuộc khủng hoảng để tự ủy quyền cho mình trong tình trạng khẩn cấp, khiến họ xa rời hơn nền dân chủ. Nhiều quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc, El Salvador và Uganda, đã thực hiện các biện pháp tương tự. Các rào cản đối với di chuyển của dân chúng đã xuất hiện ở khắp nơi, bao gồm cả ngay trong trung tâm của châu Âu; thay vì hợp tác xây dựng vì lợi ích chung, các quốc gia đã hướng nội, tranh cãi nhau và biến các đối thủ trở thành các vật tế thần chính trị cho những thất bại của chính họ.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc sẽ làm gia tăng khả năng xung đột quốc tế. Các nhà lãnh đạo có thể coi những công cuộc đấu tranh với người nước ngoài là những phân tán hữu ích cho các vấn đề nội chính, hoặc họ có thể bị thu phục do sự yếu đuối hoặc lo âu của đối thủ, và sử dụng đại dịch để gây bất ổn cho các mục tiêu ưu tiên hoặc tạo ra tại chỗ các sự kiện mới. Tuy nhiên, đứng trước tình trạng vũ khí hạt nhân tiếp tục ổn định và những thách thức chung của tất cả các nước lớn phải đối mặt, việc hỗn loạn quốc tế dường như ít xảy ra hơn so với bất ổn trong nước.
Các nước nghèo với các thành phố đông dân và hệ thống y tế công cộng yếu kém sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Không chỉ biện pháp cách ly xã hội mà ngay cả việc vệ sinh đơn giản như rửa tay cũng vô cùng khó khăn ở những quốc gia mà nhiều người dân thường không có nước sạch. Các chính phủ thường làm cho vấn đề tệ hại hơn là cải thiện bằng cách phác hoạ, kích động căng thẳng trong cộng đồng và làm suy yếu đoàn kết xã hội, hoặc do đơn giản là họ không có khả năng.
Ví dụ, Ấn Độ có khả năng bị tổn thương đã gia tăng khi tuyên bố biện pháp đột ngột ngừng hoạt động trên toàn quốc mà không nghĩ đến hậu quả đối với hàng chục triệu dân lao động nhập cư, những người tập trung ở thành phố lớn. Nhiều người đã về nhà ở nông thôn, gây truyền bệnh trên khắp cả nước; một khi chính phủ thay đổi quan điểm và bắt đầu hạn chế việc cho dân di chuyển, một số lượng lớn dân thấy mình bị mắc kẹt trong các thành phố, không có công việc, không nơi lưu trú hoặc chăm sóc sức khoẻ.
Biến đổi khí hậu gây ra sự chuyển dịch, nó đã là một cuộc khủng hoảng đang sôi sục chậm chạp ở các nước đang phát triển. Đại dịch sẽ đẩy mạnh các tác động của nó, đưa phần đông dân số ở các nước càng tiến gần đến bờ vực sống còn. Cuộc khủng hoảng đã xoá tan hy vọng của hàng trăm triệu người ở các nước nghèo, những người được hưởng lợi từ hai thập niên tăng trưởng kinh tế bền vững.
Sự phẫn nộ phổ biến sẽ tăng lên, và cuối cùng những kỳ vọng đang dâng cao của dân chúng năng động là một công thức cổ điển cho cuộc cách mạng. Những người tuyệt vọng sẽ tìm cách di cư, các nhà lãnh đạo mị dân sẽ khai thác tình hình để nắm quyền, các chính trị gia tham ô sẽ nhân cơ hội thu tóm những gì họ có thể, và nhiều chính phủ sẽ trấn áp hoặc sụp đổ. Trong khi đó, một làn sóng di cư mới từ miền Nam bán cầu sang miền Bắc, họ sẽ ít nhận được lòng thiện cảm và nhiều sự kháng cự hơn, vì người di cư có thể bị cáo buộc là mang bệnh tật và hỗn loạn, một chuyện đáng tin.
Cuối cùng, sự xuất hiện của cái gọi là thiên nga đen, theo định nghĩa là không thể đoán trước, nhưng việc biến mất của chúng ngày càng có xác suất cao hơn. Các đại dịch trong quá khứ đã thúc đẩy các viễn tượng tận thế, suy tôn theo giáo phái và các tôn giáo mới phát triển xung quanh những lo lắng tột độ do khó khăn kéo dài gây ra. Trên thực tế, chủ nghĩa phát xít có thể được xem là một sùng bái giáo phái như vậy, nó nổi lên từ bạo lực và xáo trộn do di chuyển, do Đệ nhất Thế chiến và hậu quả của nó gây ra. Các thuyết âm mưu phát triển ở những nơi như Trung Đông, nơi có những người dân thường bị mất quyền lực và cảm thấy họ thiếu có tổ chức uỷ nhiệm. Ngày nay, tình trạng này đã lan rộng khắp các nước giàu, một phần do môi trường truyền thông bị rạn nứt vì Internet và phương tiện truyền thông xã hội gây ra, và sự đau khổ kéo dài đem lại cơ hội cho các giới dân túy khai thác.
Nền dân chủ mềm dẻo?
Tuy nhiên, giống như cuộc Đại Khủng hoảng kinh tế không chỉ tạo ra chủ nghĩa phát xít mà còn tái sinh nền dân chủ tự do, do đó, nạn đại dịch cũng có thể tạo ra một số kết quả chính trị tích cực. Nó thường gây ra một cú sốc ngoại tại kinh hoàng như vậy, để phá vỡ các hệ thống chính trị xơ cứng ra khỏi sự bế tắc và tạo điều kiện cho các cải cách cơ cấu quá hạn, và mô hình đó có thể sẽ diễn ra một lần nữa, ít nhất là ở một số nơi.
Các thực tế áp dụng trong việc ứng phó với đại dịch hỗ trợ cho giới chuyên gia thi thố, giới mị dân và bất tài dễ dàng bị phơi bày. Cuối cùng, tình trạng này sẽ tạo ra một hiệu ứng đãi lọc có lợi, ân thưởng cho các chính trị gia và chính phủ làm tốt và trừng phạt những người làm kém.
Trong những năm gần đây, Jair Bolsonaro của Brazil, người đã liên tục làm hỏng các định chế dân chủ của đất nước, đã cố gắng vượt qua cuộc khủng hoảng và hiện đang loay hoay và chế ngự thảm họa về y tế. Ban đầu, Vladimir Putin của Nga cố xem thường tầm quan trọng của đại dịch, sau đó tuyên bố Nga đã kiểm soát được tình hình và một lần nữa, phải thay đổi giọng điệu khi COVID-19 lan tràn khắp nước. Tính hợp pháp của Putin vốn dĩ đã bị suy yếu từ trước cuộc khủng hoảng và nay tiến trình đó có thể gia tăng.
Đại dịch đã soi rõ các định chế đang hoạt động ở khắp mọi nơi, hé lộ những bất cập và điểm yếu. Khoảng cách biệt giữa giàu và nghèo, cả trong dân chúng và đất nước, đã được đào sâu thêm bởi cuộc khủng hoảng và sẽ còn tăng hơn nữa trong thời kỳ kinh tế trì trệ kéo dài. Nhưng song song với các vấn đề, cuộc khủng hoảng cũng cho thấy khả năng mang lại giải pháp của chính phủ, dựa trên các nguồn lực chung trong tiến trình này. Một cảm giác dai dẳng là “chúng ta cùng chịu cảnh cô độc chung với nhau”, có thể thúc đẩy đoàn kết xã hội và phát triển biện pháp bảo vệ xã hội hào phóng hơn, giống như những đau khổ chung cho cả nước của Đệ nhất Thế chiến và suy thoái đã kích thích cho tăng trưởng của các quốc gia phúc lợi trong những năm của thập niên 1920 và 1930.
Điều này có thể làm cho các hình thức cực đoan của chủ nghĩa tân tự do, ý thức hệ cổ suý cho tự do thị trường do các nhà kinh tế của Đại học Chicago như Gary Becker, Milton Friedman và George Stigler đi tiên phong, ngưng hoạt động. Trong những năm của thập niên 1980, trường phái Chicago đã biện minh về mặt trí thức cho các chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, họ là những người coi chính phủ mạnh và bao biện là một trở ngại cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ của con người. Vào thời điểm đó, có những lý do chính đáng để cắt giảm nhiều hình thức thuộc quyền sở hữu và quy định của chính phủ. Nhưng các cuộc tranh luận đã cô động lại thành một tôn giáo theo tự do tuyệt đối, đưa sự thù địch với hành động của nhà nước trong một thế hệ trí thức bảo thủ, đặc biệt là ở Hoa Kỳ.
Do tầm quan trọng của hành động của nhà nước mạnh mẽ nhằm làm chậm lại trận đại dịch, sẽ rất khó để lập luận, như Reagan đã nói trong bài diễn văn nhậm chức đầu tiên, rằng “chính quyền không phải là giải pháp cho các vấn đề của chúng ta, mà chính phủ là vấn đề.“ Bất kỳ ai cũng không thể đưa ra một trường hợp chính đáng khi cho rằng khu vực tư nhân và hoạt động từ thiện có thể thay thế cho nhà nước trong trường hợp đất nước lâm nguy. Vào tháng Tư, Jack Dorsey, Giám đốc điều hành của Twitter, tuyên bố rằng sẽ đóng góp 1 tỷ đô la cứu trợ cho COVID-19, một hành động từ thiện phi thường. Cùng trong tháng đó, Quốc hội Hoa Kỳ đã chuẩn chi 2,3 nghìn tỷ đô la để duy trì các doanh nghiệp và cá nhân bị tổn thương bởi cơn đại dịch. Chủ nghĩa chống nhà nước có thể kéo dài trong số những người biểu tình chống biện pháp đóng cửa, nhưng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy phần lớn người Mỹ tin tưởng lời khuyên của các chuyên gia y tế của chính phủ trong việc xử lý khủng hoảng. Điều này có thể gia tăng hỗ trợ cho các can thiệp của chính phủ để giải quyết các vấn đề xã hội quan trọng khác.
Cuối cùng, cuộc khủng hoảng có thể thúc đẩy hợp tác quốc tế đổi mới. Trong khi các nhà lãnh đạo quốc gia đổ lỗi cho nhau, các nhà khoa học và các quan chức y tế công cộng trên khắp thế giới đang tăng cường mạng lưới và kết nối. Nếu sự đổ vỡ của hợp tác quốc tế dẫn đến thảm họa và bị đánh giá là thất bại, thời đại sau đó có thể thấy một cam kết đổi mới để làm việc trong chiều hướng đa phương nhằm thúc đẩy cho các lợi ích chung.
Đừng mang nhiều hy vọng
Đại dịch đã là một cách trắc nghiệm về tình trạng căng thẳng chính trị trong toàn cầu. Các quốc gia có chính phủ hợp pháp và năng lực sẽ trải qua trận đại dịch một cách tương đối êm thắm và có thể thực hiện các cải cách khiến đất nước trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn, do đó, tạo điều kiện thuận lợi cho thành qủa vượt trội trong tương lai. Các quốc gia có năng lực yếu kém hoặc khả năng lãnh đạo kém sẽ gặp rắc rối, rơi vào tình trạng trì trệ, nếu không nói là gặp sự bần cùng và bất ổn. Vấn đề là số lượng của nhóm thứ hai nhiều hơn nhóm thứ nhất.
Thật không may, việc trắc nghiệm tình trạng căng thẳng đã rất khó khăn đến độ mà ít có nước nào có khả năng vượt qua. Để ứng phó thành công trong các giai đoạn ban đầu của cuộc khủng hoảng, các quốc gia không chỉ cần có năng lực và nguồn lực đầy đủ mà còn rất nhiều sự đồng thuận xã hội và các nhà lãnh đạo có khả năng, ho đã mang lại niềm tin. Hàn Quốc đáp ứng được nhu cầu này, khi chính quyền ủy thác việc ứng phó cơn dịch bệnh cho một bộ máy y tế chuyên nghiệp và nước Đức của Angela Merkel cũng như vậy. Các chính phủ đã thường gặp thất bại theo cách này hay cách khác là chuyện phổ biến. Vì phần còn lại của cuộc khủng hoảng cũng sẽ khó điều hành, những xu hướng trong cả nước có thể sẽ tiếp tục, khiến cho sự lạc quan lan rộng trở nên khó khăn.
Một lý do khác cho sự bi quan là các kịch bản tốt đẹp đòi hỏi điều kiện phải có là thảo luận tình hình trong tiến trình công khai, hợp lý và học tập trong môi trường xã hội. Tuy nhiên, ngày nay, mối liên kết giữa giới kỹ thuật chuyên môn và hoạch định chính sách công yếu hơn so với trước đây, khi giới tinh hoa nắm quyền nhiều hơn.
Cuộc cách mạng kỹ thuật số thúc đẩy việc dân chủ hóa quyền lực, nó đã san phẳng các hệ thống nhận thức cùng với các phân cấp khác. Hiện nay, việc quyết định trong chính trị được thúc đẩy bởi các cuộc tranh luận nhảm nhí , nó thường được biến thanh loại vũ khí. Hầu như đó không phải là một môi trường lý tưởng để tự kiểm tra chung xây dựng và một vài phạm vi chính trị có thể tồn tại lâu dài hơn bất hợp lý so với khả năng có thể giải quyết.
Yếu tố biến động lớn lao nhất lả Hoa Kỳ. Đó là sự bất hạnh duy nhất của đất nước khi có nhà lãnh đạo bất tài và gây chia rẽ nhất trong lịch sử hiện đại ở trong vị trí lãnh đạo khi cuộc khủng hoảng xảy ra, và đuờng lối cai trị của ông không thay đổi dù dưới áp lực. Đã trải qua một nhiệm kỳ gây chiến với nhà nước, ông không thể triển khai nó một cách hiệu quả khi tình hình yêu cầu. Khi đánh giá vận may chính trị của ông được phục vụ tốt nhất bằng sự đối đầu và thống trị thay vì đoàn kết dân tộc, ông đã sử dụng khủng hoảng để chiến đấu và gia tăng phân hoá xã hội. Thành quả kém cỏi của Mỹ trong cơn đại dịch có một số nguyên nhân, nhưng đáng kể nhất là một nhà lãnh đạo quốc gia đã thất bại trong việc lãnh đạo.
Nếu tổng thống thắng cử trong nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 11, cơ hội hồi sinh dân chủ hoặc nền trật tự quốc tế tự do sẽ suy giảm. Tuy nhiên, cho dù kết quả bầu cử là gì đi nửa, tình trạng phân hoá sâu đậm của Hoa Kỳ có vẻ như vẫn còn tồn tại. Tổ chức một cuộc bầu cử trong cơn đại dịch sẽ rất khó khăn, và sẽ có những động lực khích lệ cho những người thua cuộc bất mãn thách thức tính hợp pháp của nó. Ngay cả khi đảng Dân chủ chiếm Toà Bạch Ốc và cả lưỡng viện Quốc hội, họ sẽ thừa kế một quốc gia hầu như bị phá nát. Nhu cầu hành động sẽ gặp phải là núi nợ nần và kháng cự quyết liệt từ phe đối lập thô bạo. Các định chế quốc gia và quốc tế sẽ yếu đi và chao đảo sau nhiều năm bị lạm dụng, và sẽ mất nhiều năm để xây dựng lại chúng nếu điều đó vẫn có thể xảy ra.
Với giai đoạn bi thảm và cấp bách nhất của cuộc khủng hoảng vừa qua, thế giới đang chuyển sang một thời bi quan dài. Cuối cùng, giai đoạn sẽ kết thúc, một vài nơi có thể sẽ thoát nhanh hơn các nơi khác. Tình trạng co cụm trong toàn cầu đầy bạo lực dường như là không thể xảy ra, và dân chủ, chủ nghĩa tư bản và Hoa Kỳ đều đã chứng minh được khả năng chuyển hoá và thích ứng trước đây. Nhưng họ sẽ cần phải làm cái gì đó cực kỳ thông minh và đột biến để giải quyết vấn đề.
Francis Fukuyama là chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Olivier Nomellini thuộc Freeman Spogli Institute for International Studies tại Đại học Stanford. Ông lả tác giả của: Identity: The Demand for Dignity and the Politics of Resentment.
Nguyên tác: The Pandemic and Political Order
https://www.foreignaffairs.com/articles/world/2020-06-09/pandemic-and-political-order