Cuộc chợ đêm Sài Gòn đã mở cửa bữa trước rồi, mà tối bữa sau mới 7 giờ, mấy nẻo đường vòng theo chợ thiên hạ nườm nượp, kẻ ngồi xe, người thả bộ, đổ vô mấy cửa, riu riu như bị gió đùa, cuồn cuộn như dòng nước chảy.
Tại cái cửa lớn, người ta tụ lại chật nứt, trai chải đầu láng nhuốc, gái thoa môi đỏ lòm, già ngậm thuốc điếu phì phà, khói bay tưng bừng, mẹ dắt bầy con, đứa chạy trước nghênh ngang, đứa theo sau núc ních, kêu nhau inh ỏi. Tốp chen lấn mua giấy, tốp ùn ùn vô cửa, người mặc y phục đàng hoàng chung lộn với kẻ bình dân lao động không ái ngại chi hết, mà coi ra thì trên gương mặt mỗi người đều có vẽ hân hoan hớn hở, vì ai cũng biết chắc trong giây phút nữa đây sẽ được xem xét thấy nhiều cuộc vui để thỏa chí háo kỳ, hoặc để tạm quên các sự khổ cực của loài người trên trần thế.
Ở trong chợ đèn điện đốt sáng trưng, lại thêm máy nói cất giọng ồ ề rao hàng om sòm, làm cho thiên hạ càng rộn rực chen nhau mà vô riết, dường như sợ vô trễ một chút rồi giảm bớt sự vui nhiều lắm vậy. Cậu Châu Tất Ðắc mình mặc đồ âu phục bằng nỉ màu xám có sọc đen, may thật khéo, đầu không đội nón, tóc uốn quăn, chưn mang giày bố trắng mũi da vàng, cậu mua một miếng giấy rồi cậu thấy thiên hạ náo nức giành nhau mà vô cửa, thì chúm chiếm cười. Cậu để tự nhiên cho dòng nước người đưa đẩy cậu vô cửa, rồi cậu chấp tay sau đít, thủng thẳng đi ngay tới hoài, mắt ngó mấy gian hàng hai bên, đi mà không định đi đâu, ngó mà không để ý đến chỗ nào.
Nam thanh nữ tú dập dều, hàng hoá dọn gian nào cũng đẹp, nhưng mà cậu Tất Ðắc ngơ ngáo như đi trong đống cát, gặp gái đẹp không vui, mà thấy đồ tốt cũng không khoái. Cậu đi mút khúc đường ngay đó, rồi mới quẹo qua khúc đường khác, thì có một người đờn bà, trạc[1] chừng 35 tuổi, cao lớn mà không dông dãy[2], mình mặc một bộ đồ lụa trắng, tay cầm một cái bốp da vàng, dừng ngay trước mặt cậu và cười mà hỏi rằng: “Cậu đi đâu vậy hử?”
Tất Ðắc thấy cô Cẩm Hương là người gốc ở một tỉnh với cậu, hồi trước cô làm nữ giáo sư, vì cớ gì đó không rõ mà xin từ chức rồi bây giờ đương cai quản một trường tư kêu là “NỮ HỌC HIỆU” tại chợ Cầu kho, thì cậu cũng cười và đáp rằng:
- Vậy chớ chị đi đâu đó mà chị hỏi tôi?
- Tôi có dọn một gian hàng để bán đồ nữ công trong hội chợ, nên tôi phải vô mà coi sóc chớ phải tôi thả rều[3] cả ngày, rồi thả thâm[4] tới ban đêm như cậu vậy sao?
- Chị mới bị kỳ đà níu chưn nên chị không thả rều nữa được, chớ hồi trước chị giỏi gì hơn tôi.
- Cậu là quỷ. Kỳ đà ở đâu?
- Kỳ đà dưới Trà Vinh đó.
- Ối, khéo nói xàm[5] hoài! Chồng của người ta mà sao lại kêu là kỳ đà[6]?
- Hử? Chồng … Chồng … Chị có biết “chồng” là nghĩa gì hay không mà chị dám dùng tiếng ấy.
- Ê! Ðừng có nói điên nào! Chồng là chồng chớ chồng nghĩa là gì.
- Không. Tôi hỏi thiệt chớ. Chị làm bà Ðốc học mà chị cắt nghĩa chữ “chồng” không được, thì tôi kêu là kỳ đà chị không được phép rầy tôi.
- Thôi, để tôi cắt nghĩa chữ “chồng” cho cậu nghe. Chồng là một người đờn ông, hoặc trẻ, hoặc già, vì thương yêu một người đờn bà nên kết tóc trăm năm với người đờn bà ấy, lại lo nuôi dưỡng người đờn bà ấy trọn đời. Tôi cắt nghĩa vậy đó cậu chịu hay chưa?
- Chưa chịu.
- Tôi cắt nghĩa như vậy mà không chịu, thôi cậu giỏi thì cậu cắt nghĩa cho tôi nghe đi.
- Chị cắt nghĩa chữ “chồng” mà chị bỏ sót mấy tánh chất quan trọng nhứt của chữ đó nên không đủ ý nghĩa.
- Sót cái gì?
- Sai điều gì chị không biết hay sao. Thôi để tôi giải nghĩa chữ “chồng” lại cho chi nghe. Chồng là một người đờn ông, hoặc trẻ hoặc già, vì thương yêu một người hoặc con gái, hoặc đờn bà, muốn kết tóc trăm năm với người ấy, nên cậy mai dong[7] nói dùm mà cưới, có rước chánh lục bộ lập tờ hôn thú theo luật, rồi trọn đời phải nuôi dưỡng bảo bọc người vợ luôn luôn. Chị bỏ sót đám cưới và hôn thú.
- Ối! Cậu đi Tây học sáu bảy năm mà cậu chưa mở trí, cậu còn thủ cựu quá! Ðời nầy người ta tấn hoá nhiều lắm rồi, hễ đờn ông với đờn bà thương nhau nếu không có điều chi trở ngại, thì người ta kết làm vợ chồng, cần gì phải làm đám cưới, cần gì phải lập hôn thú. Cậu còn quê quá.
- Chị muốn nói theo cái thuyết “tự do kết hôn” thì tự ý chị, tôi không cản. Nhưng mà tự do kết hôn là đờn ông thong thả mà chọn lựa người vợ theo ý muốn, song bề nào cũng phải lập hôn thú thì mới kêu là chồng, là vợ được, chớ nếu không có hôn thú thì người ta kêu đờn ông là “kỳ đà”, đờn bà là “mèo” chị hiểu chưa?
- Ðừng nói xàm! Cái gì mà “kỳ đà”.
- Vậy chớ chị nói người ở Trà Vinh đó là chồng chị hay sao?
- Ừ, chồng của tôi đó đa.
- Nếu chị nói người đó là chồng thì tôi xin giải nghĩa chữ “chồng” của chị như vầy: “Chồng là một người đàn ông có vợ có con rồi, có điền đất lớn, vì thương yêu một người đàn bà xinh đẹp và lanh lợi, nên giúp vốn cho người ấy đôi ba ngàn làm ăn, mỗi tháng tới thăm một hai lần, mỗi lần ở năm ba bữa, chừng về cho một hai tấm giấy xăn[8]. Ðó, chữ “chồng” của chị nghĩa như vậy đó phải không?
- Cậu quỉ nầy cứ kiếm chuyện hoài! Thôi, bỏ chuyện đó đi. Tôi hỏi vậy chớ cậu đi đâu, sao cậu không trả lời?
- Tôi thả rều cũng như chị bây giờ đó, chớ biết đi đâu mà nói.
- Tôi nói tôi vô chợ đặng coi sóc gian hàng của tôi, chớ có phải tôi thả rều như cậu vậy đâu.
- Gian hàng của chị ở đâu?
- Kia kìa. Ði hết khúc đường nầy, quẹo qua tay trái, tới ngả ba quẹo qua tay mặt nữa là gặp gian hàng của tôi.
- Dữ hôn! Gian hàng của chị đằng kia, còn chị đi lêu khêu đằng nầy, cách mấy trăm thước, mà chị dám nói chị vô đây đặng coi sóc gian hàng chớ. Thế khi con mắt của chị có điện vô tuyến hay sao mà chị coi xa dữ vậy?
- Thiệt cậu là quỉ, nên hễ cậu gặp tôi thì kiếm chuyện kích bác tôi hoài.
- Tại chị rầy tôi thả rều, nên tôi phải vạch cho chị thấy rõ chị cũng như tôi chớ.
Cô Cẩm Hương cười ngất. Cô ngó y phục của cậu Tất Ðắc rồi cô lại nói rằng:
- Cha chả! Bữa nay đi coi chợ đêm, diện bộ đồ tốt dữ!
- Ê! Chị đừng có khen vội, phải hỏi đi hỏi lại rồi sẽ khen.
- Hỏi cái gì?
- Phải hỏi coi đồ của ai đã.
- Tôi thấy cậu bận đồ tốt thì tôi khen cậu chớ hỏi ai bây giờ.
- Tuy đồ tốt, nhưng mà không phải đồ của tôi. Bộ đồ nầy là của anh em bạn tôi, ảnh đi coi hôm qua, bữa nay ảnh ở nhà, nên ảnh cho mượn bận, tôi đi đây.
- Ê! Chuyện như vậy mà nói om sòm không sợ người ta nghe người ta cười hay sao?
- Ủa! Cười cái gì, tôi không có đồ, tôi mượn đồ của anh em tôi bận, có chi đâu mà cười. Tôi mượn, chớ tôi ăn cắp ăn trộm gì hay sao mà xấu hổ.
- Cậu cứ vậy hoài không biết tới chừng nào cậu mới chịu đổi tánh nết!
- Ðổi chi vậy?
- Phải sửa tánh nết theo thiên hạ, đặng ở đời cho hợp với người ta chớ.
- Tánh nết của thiên hạ khác hơn tánh nết của tôi hay sao?
- Ai mà tánh nết dị kỳ như cậu vậy!
À, nếu tánh nết của thiên hạ khác hơn tánh nết của tôi, thì chị phải biểu thiên hạ sửa lại mà ăn ở giống theo tôi, chớ sao chị biểu tôi sửa. Chị lấy bằng cớ nào mà chị dám quả quyết tánh nết của thiên hạ tốt, còn tánh nết của tôi xấu. Tôi mượn áo quần tôi bận, tôi nói tôi mượn, tôi không sợ ai mà giấu giếm. Còn họ cũng mượn mà bận như tôi, song họ lại làm phách, đi ra đường họ vinh mặt vinh mày, khoe khoang đồ của họ tốt, chị nghĩ thử coi cử chỉ của tôi phải, hay của thiên hạ phải? Nè, xin chị hiểu dùm, những đồ gì, vật gì mình dùng, mà không phải sức mình làm cho có tiền – và làm có tiền một cách chánh trực – mà mua, thì đều là đồ mình mượn hết thẩy, lại có khi là đồ của mình ăn trộm hoặc ăn cướp nữa, chị biết hôn?
- Nói như vậy, hèn chi chúng ghét phải lắm.
- Ai ghét tôi đâu?
- Tôi ghét cậu.
- Sao mà ghét?
- Hễ mở miệng thì nói giọng khinh thế ngạo vật, nên tôi ghét chớ sao?
- Vậy chớ phải nói thế nào chị mới thương? Thôi để tôi nói như vầy: Em kính chào bà đốc trường Nữ Lưu học hiệu. Ðương giữa lúc công chúng ồn ào ca tụng tài đức của bà, mà em được gặp bà, bà lại không quên em là một đứa đồng hương hèn hạ, thì em vinh diệu không biết chừng nào. Công chúng ngợi khen bà là vì họ thấy bà tuổi đã trên ba mươi lăm mà nhan sắc vẫn còn đẹp như gái xuân xanh, họ thấy bà là một đứng liễu bồ mà bà đủ tài đủ trí tự xướng ra tạo thành một sự nghiệp kinh dinh ở chốn Sài Gòn. Họ khen như vậy bất quá họ thấy bề ngoài mà khen đó thôi, bởi vậy em cho những lời khen ấy chưa đúng. Theo con mắt của em, thì em thấy bà còn nhiều cái tài, nhiều cái đức khác nữa, thiên hạ không thấy nổi. Bà xuất thân trong đám bình dân, mà bà thoát khỏi cái địa vị hèn hạ rồi leo lên ngồi cái địa vị cao sang, cũng đi xe hơi, cũng đeo hột xoàn, cũng được thiên hạ kêu “bà”, sự thăng cao ấy nếu không có cái tài đặc biệt như bà thì không thế gì mà làm được. Mà được lên cái địa vị cao rồi, bà không vong bổn như thiên hạ, bà ngó xuống mà thương xót đoàn phụ nữ, bà muốn dìu dắt em cháu cho chúng nó bước vào đường phải, nên bà không nệ tốn công hao của, bà lập trường dạy em cháu cho chúng nó thông chữ nghĩa, biết nữ công đặng chừng lớn khôn chúng nó có gia thất, thì chúng nó biết chữ, có nghề đặng tiện bề sinh hoạt! …Ðó, tôi nói như vậy đó, chị thương tôi hay không?
Cô Cẩm Hương với tay vả mặt Tất Ðắc nghe một cái chách mà nói rằng:
- Ðồ quỉ kiêu ngạo hoài.
- Chị biểu tôi sửa tánh nết cho hạp với thiên hạ, chớ có kiêu ngạo đâu.
- Thôi, đừng có giễu nữa. Cậu có kiếm sở nào mà làm hay chưa?
- Làm chi vậy?
- Khéo hỏi trẹo hôn! Làm đặng kiếm cơm mà ăn, chớ làm mà chi.
- Sống đặng mà ăn hay sao, nên phải làm cho có tiền mà ăn cơm?
- Ở đời ai cũng vậy, phải lo làm việc cho có tiền đặng nuôi thân. Nếu không làm thì tiền đâu mà ăn, mà hễ không ăn thì chết còn gì.
- Tôi không làm mà tôi còn sống đây, tôi có chết hồi nào đâu?
- Cậu cải nghịch lý quá thì còn ai nói chuyện gì nữa được. Cậu là con quan, ông bà hồi trước giàu có sang trọng. Cậu có đi học bên Tây sáu bảy năm, cậu đã 25, 26 tuổi rồi, cậu phải lo lập thân đặng giữ danh giá cho cha mẹ, chớ cậu không lo làm ăn chi hết, cứ thả lêu khêu hoài, rồi làm sao. Chị em quen biết nhau từ hồi nhỏ, tôi thương cậu lắm, tôi phải chỉ chỗ quấy cho cậu nghe.
- Tôi rất cám ơn chị. Những lời chị khuyên tôi đó, theo thiên hạ thì trúng nghĩa lắm, mà đối với tôi thì trái hẵn cách quan niệm ở đời của tôi.
- Cậu quan niệm ở đời như thế nào, mà cậu cho tôi nói trái?
- Theo thói thường, con người hồi còn nhỏ thì phải đi học, chừng lớn khôn, con trai thì cưới vợ, con gái thì lấy chồng, rồi như giàu thì ở không mà đi chơi, còn như nghèo thì vợ chồng phải làm cực khổ đặng kiếm tiền mà nuôi nhau. Trong ít năm sinh con đẻ cháu cả bầy, gánh gia đình mỗi ngày một thêm nặng. Giàu hay nghèo cũng vậy, hạng nào cũng phải lo lắng hết sức, duy cách lo lắng khác nhau mà thôi. Giàu thì lo làm giàu thêm, lo cho con học cho cao, lo làm sao thiên hạ khen ngợi. Còn nghèo thì lo làm sao có quần áo cho vợ con bận[9], lo làm có gạo đặng vợ con ăn mỗi ngày đủ hai bữa. Phải lòn cúi, phải lặn lội cho đáo để trong ít năm rồi ai cũng phải chết. Những sự nghiệp mình đổ mồ hôi, xót con mắt, chai đầu gối, nát trí khôn, mà gây dựng ra đó, nó phưởng phất như khói bay rồi tan mất hết. Cái đường đời của con người từ xưa đến nay thì như vậy đó, có chỗ nào hay đâu mà mình cứ đuổi theo hoài. Mình phải tìm cái đường khác mà đi, cho thân mình khỏi cực khổ, cho chí mình được thơi thới, tính như vậy có phải là dở hơn thiên hạ đâu chị.
Cẩm Hương lắc đầu, nắm tay kéo Tất Ðắc đi và nói rằng:
- Cậu nói chuyện dọng đầu dưới đất trở cẳng lên trời, nghe phát ghét, không hơi nào mà cãi. Thôi, cậu đi lại gian hàng của tôi ngồi nói chuyện chơi, đứng nãy giờ mõi cẳng rồi. Lại đẳng ngồi tôi biểu học trò của tôi nó dọn bánh khéo, chế trà ngon, tôi đãi cậu một bữa cho cậu biết cách quan niệm ở đời của tôi hay, hay là của cậu hay.
Hai người thủng thẳng tránh thiên hạ mà đi, cô Cẩm Hương mặt hân hoan, còn cậu Tất Ðắc thì bộ lơ lửng.
Ði tới ngả ba đường vô gian hàng của cô Cẩm Hương, thình lình có một cô, trạc chừng 20 hoặc 22 tuổi, y phục thật đẹp, đeo hột xoàn thật nhiều, đi với một bà xồn xồn[10], tuy mặc đồ đen nhưng mà sắc sảo lắm, cô thấy Cẩm Hương thì kêu mà hỏi “Cô Ðốc, cô Ðốc, gian hàng của cô ở chỗ nào đâu, nãy giờ em dắt má em đi kiếm mỏi chưn quá, mà kiếm không được”
Cô Cẩm Hương cúi đầu chào bà xồn xồn và nói rằng: “Tôi kính chào bà Huyện. Gian hàng nữ công của tôi dọn trước kia”. Cô lại ôm mặt cô nhỏ gặp đó mà hôn và nói rằng: “Té ra em kiếm gian hàng của cô hay sao? Cô cũng tính đi một vòng coi chơi, mắc gặp người quen đứng nói chuyện từ nãy giờ, chớ không thì cũng gặp em và bà Huyện”.
Cô nói tới đó, cô sực nhớ Tất Ðắc, cô day lại thì thấy cậu đứng dang ra mà chờ. Cô đưa tay ngoắt cậu lại, rồi chỉ hai mẹ con mới lợi đó mà nói rằng: “Bà đây là bà Huyện Hớn ở trên Tân Ðịnh, còn cô em đây là Bạch Yến, con gái của bà Huyện, mà cũng là học trò cũ của chị”.
Cô lại nói với bà Huyện rằng: ”Cậu nầy là Bác Vật[11] Ðắc, em bà con với tôi, cậu là con quan phủ hồi trước ở Long Xuyên”.
Tất Ðắc cúi đầu chào hai mẹ con bà Huyện. Hai mẹ con bà Huyện cũng cúi đầu đáp lễ.
Cẩm Hương vui vẻ lắm, cô mời hết ba người khách đi lại gian hàng của cô mà ăn bánh uống nước và ngồi nghỉ chưn một chút. Cô dắt mẹ con bà Huyện đi trước, Tất Ðắc thủng thẳng theo sau, cậu đi mà bộ lững đững lờ đờ, chỗ thiên hạ đều vui mà cậu không biết vui chút nào hết.
Lại tới gian hàng nữ công, thấy ba cô tuổi còn xuân xanh ở trong coi bán đồ, cô nào ăn mặc cũng đẹp, đương mỉm cười hữu duyên mà chiều khách. Cẩm Hương dắt khách mà chỉ đặng khoe những đồ thêu, những bánh, những mứt của học trò cô làm ra. Cô nói với bà Huyện, cô cười với Bạch Yến, cô giễu cợt với Tất Ðắc, coi ra thiệt cô rành rẽ trong nghề giao thiệp. Cô khoe hàng đủ hết rồi, cô mới mời khách ngồi chung quanh một cái bàn vuông nhỏ để giữa gian hàng và cô biểu mấy cô học trò chế một bình trà ngon và dọn bánh mứt cho cô đãi khách.
Tất Ðắc ngồi cái ghế phía ngoài cửa, chừng cô Cẩm Hương mời ăn bánh uống nước, thì cậu ăn liền không bợ ngợ, mà cũng không thèm ngó cô Bạch Yến hay mấy cô bán trong gian hàng.
Cô Cẩm Hương nói chuyện với bà Huyện một hồi rồi kêu Tất Ðắc mà hỏi rằng: “Cậu Bác Vật, sao cậu ăn uống mà cậu không nói chuyện gì hết vậy”?
Tất Ðắc mỉm cười mà đáp rằng:
- Chị muốn tôi nói chuyện gì?
- Cậu hãy nói coi đồ của học trò tôi thêu đó khéo hay vụng, bánh mứt của học trò tôi làm đó ngon hay dở, nói bao nhiêu đó thử coi rồi nói chuyện khác.
- Ðồ thêu thì khéo thiệt, bánh mứt thì ngon lắm.
- Cậu khen hả?
- Nhưng mà tôi chê, chớ tôi không khen.
- Biết khéo, biết ngon mà sao lại chê?
- Tôi chê là vì những đồ ấy coi thì đẹp mắt, ăn thì ngon miệng, nhưng mà nó báo hại đờn bà con gái chớ không ích gì.
Cô Bạch Yến nãy giờ thấy Tất Ðắc không thèm để ý đến mình thì lấy làm kỳ, bây giờ nghe những lời cậu nói trặc trẹo như vầy nữa thì cô không thể nín được, nên cô cười và hỏi cậu rằng:
- Xin ông cho phép em hỏi ông …
- Cô muốn nói chuyện thì cứ nói khỏi xin phép ai hết. Tôi có quyền gì cấm cô hay sao mà cô phải xin phép.
- Vì em chưa quen biết với ông, nên theo lễ, em muốn nói với ông nên tự nhiên em phải xin phép trước.
- Người nào bày lễ nghi đó lại báo hại thiên hạ còn nặng hơn là người thêu thùa, bày làm bánh mứt đó nữa.
Bây giờ bà Huyện tức cười, mà ba cô học trò cũng không nín cười được, nên đồng ngó Tất Ðắc mà chúm chím hết thảy.
Cô Bạch Yến dòm thấy ai nghe Tất Ðắc nói cũng lấy làm kỳ, nên cô phấn chí mà hỏi cậu rằng:
- Tại sao ông nói lễ nghi là báo hại thiên hạ?
- Bày lễ nghi có hai điều hại: thứ nhứt làm cho loài người phải giả dối, thứ nhì làm cho loài người mất hết thì giờ. Cô nghĩ lại mà coi, theo lễ nghi hai người gặp nhau liền hỏi thăm nhau coi mạnh giỏi hay không. Ví như có người trả lời “Tôi không mạnh”. Người kia vì lễ nghĩa, nên phải hỏi tiếp: “Anh đau bịnh gì?”. Người nọ phải đáp. Ví như nói: “Tôi cảm gió nên nóng lạnh mấy bữa rày”. Người kia phải khuyên: “Anh phải kiếm thuốc mà uống, không nên để lây lất”. Vấn đáp như vậy rồi hoặc nói chuyện khác, hoặc không có chuyện gì để nói, thì từ giã nhau mà đi. Lễ nghi buộc hễ gặp nhau thì hỏi thăm mạnh giỏi, hỏi chi vậy? Hỏi rồi người ta nói người ta đau, mình không có thể làm cho người ta hết đau được thì lời hỏi giả dối quá, làm cho hai người mất mấy phút đồng hồ vô ích. Còn cô muốn nói chuyện với tôi, vì lễ nghi cô buộc lòng phải xin phép tôi. Tôi biết tôi không có quyền cấm cô nói, mà cô xin phép, thì lời xin phép ấy không thiệt mà lại mất thì giờ.
Bà Huyện gật đầu rồi ngó Cẩm Hương mà nói rằng:
- Ông Bác Vật nói phải lắm chớ.
- Ý! Thôi đi bà! Cậu nói lộn ruột, chớ phải giống gì.
- Sao mà lộn ruột?
Cô Bạch Yến không chịu thua nên nói với Tất Ðắc rằng:
- Ông nói lễ nghi làm cho người ta giả dối lại mất thì giờ, nhưng theo ý em thì con người nhờ có lễ nghi nên trong đường giao thiệp mới có vẻ thanh cao tao nhã chớ.
- Thanh cao, tao nhã bề ngoài, còn bề trong thì không có một chút thành thiệt, thế thì thanh cao, tao nhã làm chi. Như trái cam, ngoài vỏ khoe màu vàng tươi, coi ngon lắm, mà trong ruột chua lè, thì có ai màng. Cô muốn nghị luận mà chơi, chớ trong trí cô cho lời tôi nói đó là phải.
- Còn tại sao ông nói đồ thêu tốt, bánh làm ngon là vật báo hại đờn bà con gái?
- Thêu một cặp mặt gối cho thiệt đẹp, phải tốn công hết mấy ngày. Làm được một cái bánh cho thiệt khéo phải mệt trí hết mấy giờ đồng hồ. Mặt gối khéo bất quá để cho người coi khoái mắt. Bánh ngon bất quá để cho người ăn ngon miệng. Khoái mắt, ngon miệng một chút mà phải bắt phụ nữ mệt trí lung quá, không phải là báo hại người ta hay sao? Kiếp con người có mấy mươi năm, sao đành lòng bắt phụ nữ mệt nhọc hết sức để cho mình khoái mắt, ngon miệng?
- Theo lời ông nói đó, thì em đoán chắc ông yêu phụ nữ lắm nên ông mới bào chữa như vậy.
- Không phải vậy. Bình sanh tôi chưa biết thương ai, mà cũng chưa hề ghét ai. Nói chuyện thì tôi cứ do lý mà nói, chớ chẳng vị ai hết. Tại sao mà tôi yêu phụ nữ?
- Nếu ông không yêu mà sao ông bênh vực dữ vậy, ông không muốn cho phụ nữ cực lòng nhọc xác?
- Tôi muốn chung cho loài người hết thảy đều khỏi nhọc trí cực xác, chớ nào phải tôi muốn riêng cho hạng phụ nữ mà thôi đâu. Nếu tôi muốn cho đờn bà con gái sung sướng, ở không rồi thoa son giồi phấn mà đi chơi, còn đờn ông con trai phải làm cháy da phỏng trán, mặt nám tay chai, muốn như vậy thì bất công bất chánh lắm.
- Ðờn ông tự nhiên phải làm mà nuôi đờn bà chớ sao, tục lệ lưu truyền từ xưa đến nay, từ Âu tới Á, dầu ở đời nào, dầu ở nước nào cũng vậy.
- Theo tục lệ thì đờn ông phải nuôi đờn bà còn đờn bà đối với đờn ông phải thế nào?
- Ðờn bà thì họ lo bề nội trợ, nghĩa là lo việc trong nhà như tắm rửa cho con, may áo vá quần cho chồng, lo cơm nước cho chồng con ăn.
- Những phận sự của đờn bà mà cô vừa mới kể đó, tôi mày mạy dường như trong sách dạy như vậy. Mà trong thế gian tôi ít thấy như vậy.
- Chính ông thấy thế nào?
- Tôi thấy có nhiều đờn bà, hễ chồng đi làm công việc thì họ ở nhà khi thì dạo xóm mà nói hành thiên hạ, khi thì đánh quần đánh áo rồi thả đi chơi, khi dụm năm dụm ba hoặc luận thứ phấn nào tốt, thứ nào xấu, hoặc đánh bài đánh bạc, còn con thì họ bỏ tèm lem tèm luốc, chồng đi làm về mệt đừ, song không có cơm sẵn mà ăn.
- Ông nói như vậy là ông chê bọn nữ lưu chúng tôi hư quá!
- Thưa! Tôi đâu dám. Tôi thấy sao tôi nói vậy chớ.
Bà Huyện cười ngất và nói rằng: “Ông Bác Vật nói phải lắm chớ. Ðờn bà con gái bây giờ nhiều người không hiểu tam tùng tứ đức gì. Có người còn ăn hiếp chồng nữa”.
Cô Bạch Yến chau mày nói rằng: “Ðờn bà đời nào cũng vậy, có người nên mà cũng có người hư, chớ nếu mọi người đều nên hết thì thế gian thành thiên đàng còn gì. Nhưng mà tôi phiền ông Bác Vật sao chê mấy người hư mà ông không khen mấy người nên. Tôi chắc ông Bác Vật không hưởng được hạnh phúc trong gia đình, ông uất ức trong lòng, ông oán đờn bà con gái, nên ông mới chê hết như vậy đó”.
Cẩm Hương rước mà đáp rằng: “Không phải vậy đâu. Cậu Bác Vật chưa có vợ mà”.
- Té ra ông Bác Vật chưa có vợ hay sao?
- Thưa, có con gái nào mà thèm cậu.
- Sao vậy?
- Cậu nói lộn ruột chịu sao nổi. Vậy từ nãy giờ bà không nghe cậu nói chuyện đó sao?
- Ông Bác Vật luận việc đời nghe nhằm lý quá chớ có nói quấy chỗ nào đâu.
- Bởi nhằm lý, nên không nhằm bụng người ta mới chịu không nổi.
- Cô Ðốc gắt gao quá! Theo tôi, thì tôi cho ông Bác Vật nói phải hết.
Chủ khách nói chuyện tới đó, kế có hai cô mặc y phục thiệt đẹp, giồi phấn thoa son thiệt khéo, đi ngang qua gian hàng, thấy Tất Ðắc ngồi phía ngoài, bèn hốt bông giấy mà vãi trong mình cậu rồi cười ngả ngớn. Tất Ðắc vừa phủi áo vừa nói rằng: “Hồi nãy tôi nói sót. Bổn phận của đàn bà con gái còn phải vô chợ đêm đặng vãi bông nữa”.
Bà Huyện và mấy cô tức cười. Kế có một đám trai, chừng năm, sáu người, đầu láng nhuốt mặc đồ tây sắc lẻm, đi ngang qua rồi áp vô vãi bông trên đầu cô Bạch Yến và mấy cô đứng bán.
Bà Huyện lộ sắc không vui, bà đứng dậy và nói rằng: “Hôm qua bà Phán đi coi hội chợ, bà về bà nói có một con thú thành người ngộ lắm, lại có một con rắn biết nói. Hồi nãy tôi biểu con Bạch Yến dắt tôi đi lại chỗ đó cho tôi coi một chút mà nó không chịu, cứ đi coi đồ thêu với những đồ làm bằng đồi mồi hoài. Không biết con thú thành người đó ở chỗ nào đâu”
Cô Cẩm Hương cũng đứng dậy đáp rằng: “Ở bên kia. Bà Huyện muốn coi thì tôi dắt đi coi. Cậu Bác Vật đi hay không?”
Tất Ðắc lắc đầu đáp rằng: “Xin chị đi với bà Huyện, để tôi ngồi đây tôi làm bia cho mấy cô vãi bông đặng tốn tiền của mấy cô chơi”.
Cô Bạch Yến cũng nói rằng: “Em cũng không muốn đi. Em mỏi chưn quá. Thôi cô Ðốc dắt giùm má em đi chơi một vòng, để em ở đây em thế cho cô mà tiếp khách với mấy cô”.
Cô Cẩm Hương nói: “Thôi, như em không muốn đi thì ngồi đó. Nè, cậu Bác Vật đừng có bày chuyện mà nói rồi làm lộn ruột mấy em tôi đa”. Cô nói dứt lời rồi dắt bà Huyện đi.
Cô Bạch Yến liếc thấy thầy Tất Ðắc cứ ngồi ngó thiên hạ đi ngoài đường, chớ không ngó cô, thì cô kêu mà ghẹo rằng:
- Ông Bác Vật chờ ai hay sao?
- Thưa phải, tôi chờ mấy cô vãi bông. Sao nãy giờ có nhiều cô đi ngang qua mà họ không thèm vãi nữa không biết.
- Ông ưa họ vãi bông lên mình ông lắm sao?
- Thưa, bình sanh tôi chẳng biết ưa chuyện gì hết. Nhưng mà việc của thiên hạ ưa thì chẳng bao giờ tôi muốn làm trở ngại.
- Ông nói như vậy, mà sao chị em tôi đời nầy ưa thêu thùa, ưa làm bánh làm mứt, hồi nãy ông lại kích bác?
- Tôi có kích bác đâu? Hồi nãy tôi nói những đồ ấy vô ích mà nó làm phụ nữ phải cực trí nhọc xác chớ.
- Người sanh ở đời thì phải làm công việc, đờn ông làm việc nặng nề, đờn bà làm việc nhẹ nhàng sao ông lại sợ cực trí nhọc xác? Ðờn bà làm việc nặng nề không nổi, thì tập thêu thùa, may vá, làm bánh làm mứt, cho có công việc làm, chớ ở không chơi rồi sanh chứng lại còn hại hơn nữa.
- Mấy người ở không đi chơi đều sanh chứng hết sao?
- Không phải em nói hết mọi người, em nói là nói phần đông.
- Có người không đi chơi, may thêu khéo, làm bánh mứt giỏi mà họ cũng sanh chứng vậy, chớ nào phải ở không thả đi chơi mới sanh chứng được.
- Mấy người đó sanh chứng gì?
- Mấy người nào?
- Mấy người ở không đi chơi đó. Ông nói chuyện với em mà sao ông lo ra quá vậy?
- Xin lỗi cô. Tôi mắc trông mấy cô vãi bông.
- Nếu vậy thì em nói chuyện với ông, em làm buồn cho ông lắm?
- Không. Có buồn chi đâu?
- Ông thích vãi bông, mà em không làm như vậy, em lại bày chuyện mà nói cho rộn trí ông, thì ông phải buồn chớ sao?
- Không phải vãi bông tôi mới vui, còn nói chuyện mà tôi buồn. Tôi vui là khi nào tôi được thấy mấy người ở không đi chơi, không lo, không làm việc gì hết, dầu đờn bà hay đờn ông cũng vậy. Mấy cô vãi bông hồi nãy chắc không có việc gì hết, nên tôi thấy tôi vui, tôi trông coi có nhiều người khác được như vậy hay không?
- Ông nói ông thấy người ta ở không đi vãi bông chơi ông vui, vậy sao mấy người đờn ông vãi bông hồi nãy đó, thấy ông lại không vui?
- Tôi cũng vui lắm chớ, nhưng mà đờn ông có nhiều, nên không lạ gì, lại họ vô hội chợ mua bông mà vãi đó, chớ họ không phải là người ở không đi chơi, ban ngày họ phải làm việc mới có tiền mà mua bông đó. Còn đờn bà vãi bông thì mới có, lại chắc họ không có làm việc gì hết, nên tôi thấy tôi vui hơn.
- Ông ngồi nói chuyện với em, mà họ vãi bông lên mình em hồi nãy đó, ông thấy ông không buồn hay sao?
- Tại sao mà tôi buồn?
- Cô Bạch Yến ngó ba cô học trò bán hàng mà cười rồi lắc đầu mà nói rằng: “Hèn chi không có vợ là phải lắm”.
Tất Ðắc day qua hỏi rằng:
- Cô nói tôi hay nói ai?
- Em nói ông.
- Cô nói sao, xin lập lại nghe coi.
- Em nói tánh ông như vậy, nên không có vợ thì phải lắm.
- Sao cô biết được tánh tôi?
- Nãy giờ em thấy bộ ông nói chuyện, thì em biết rõ tánh ông rồi.
- Cô có học sách coi tướng hay sao nên thấy bộ tịch, nghe nói chuyện mà cô biết tánh nết được?
- Cần gì phải học sách coi tướng. Ông là trai chưa vợ, ông ngồi trong gian hàng đây hơn một giờ đồng hồ rồi ông thấy em với ba cô gái chưa có chồng mà ông không tỏ một lời ghẹo chọc, lại coi bộ không thèm để ý đến, thậm chí đến người ta áp vô rãi bông cùng mình chúng tôi mà ông cũng không phiền. Thấy bao nhiêu đó cũng đủ biết ông giỏi tài học thức, mà ông dốt về ái tình, nên ông không có vợ.
- Cô nói như vậy là cô trách tôi hay là cô chê tôi?
- Em chê.
- Tôi rất cám ơn cô.
- Em chê, mà sao ông không giận, ông lại cám ơn?
- Tôi mừng lắm chớ giận làm sao.
- Em xin ông hãy cắt nghĩa tại sao em chê mà ông mừng, chớ không giận.
- Cô không hiểu hay sao mà cô nài[12] tôi cắt nghĩa?
- Thì em không hiểu.
- Vậy để tôi cắt nghĩa cho cô hiểu, song tôi xin cô nghe rồi thì để bụng, chớ đừng có nói cho ai biết. Thuở nay tôi thờ cái chủ nghĩa “Bất cần lao”, nghĩa là rèn tập tánh ý đừng muốn làm việc chi nhọc trí cực xác. Cái chủ nghĩa của tôi cao xa thâm thúy lắm, phải lên diễn đàn mà giải năm mười đêm mới hết ý nghĩa được. Bà Huyện đi chơi nãy giờ đã lâu rồi, có lẽ trong năm mười phút nữa bà sẽ trở lại, nên tôi sợ không đủ thì giờ mà giải thích chủ nghĩa của tôi cho cô hiểu rõ được.
- Thôi, ông đừng có giải chủ nghĩa. Ông nói phứt cho em nghe coi tại sao em chê ông dốt về ái tình mà ông không giận?
- Ðể tôi nói vắn tắt ít lời cho cô nghe: Ái tình thường phải gây ra cuộc vợ chồng, mà vợ chồng thì phải sanh con đẻ cháu, hễ sanh con đẻ cháu thì tự nhiên phải nhọc trí cực xác. Chủ nghĩa của tôi nghịch hẵn lại sự cực trí nhọc xác, thì tự nhiên nghịch với cuộc vợ chồng, rồi nghịch luôn với ái tình nữa. Tại như vậy đó nên tôi phải dốt về ái tình, đặng tránh cuộc vợ chồng, tránh bề con cháu cho tròn với chủ nghĩa. Thuở nay cũng có nhiều người chê tôi dốt về ái tình mà tôi không tin. Nay tôi gặp cô là gái xuân xanh, lời nói thiệt khôn ngoan, nhan sắc thiệt xinh đẹp. Ðã vậy mà cô có mặc áo tốt, có đeo xoàn nhiều, nên tôi chắc cô là người giàu có sang trọng. Cô thấy cử chỉ của tôi rồi cô chê tôi là đứa dốt về ái tình. Cô như vậy, mà cô nói như vậy, thì tôi mới chắc ý, vững bụng, tôi không hổ với chủ nghĩa tôi thờ thuở nay, nên tôi mừng và cám ơn cô lắm.
- Ông nói chuyện nghe lộn ruột thiệt, hèn chi hồi nãy cô Ðốc cô dặn cũng phải lắm.
- Tôi nói như vậy mích lòng cô hay sao? Nếu có mích lòng thì tôi chịu lỗi với cô. Tại cô hỏi hoài, chớ thiệt tôi có muốn nói đâu.
- Không, có mích lòng chi đâu. Song ông nói chuyện nghe dị kỳ quá. Không giống ai hết.
- Tôi nói chuyện nghe khác người ta hay sao? Khác chỗ nào xin cô cho tôi biết.
- Em nói thiệt với ông, thuở nay em ra đường hễ em gặp mấy ông hay mấy thầy, thì ai cũng liếc ngó em, có người lại theo chọc ghẹo em nữa. Nay em gặp ông, lại gặp như vầy, ông có đủ cách để mà trêu hoa ghẹo nguyệt[13] song ông không thèm để ý đến em, không thèm tỏ một lời về ái tình, ông khác thiên hạ là khác chỗ đó.
- Tôi khác với thiên hạ như vậy, mà cô cho tôi phải hay tôi quấy?
- Việc ấy em chưa suy nghĩ kịp, nên em không dám phán đoán.
- Xin cô suy nghĩ lại. Tôi chắc hễ cô suy nghĩ rồi thì cô sẽ cho tôi phải, mà cô cũng khen cái chủ nghĩa của tôi là cao hơn nữa.
- Em muốn nghe ông giải cái chủ nghĩa của ông lắm.
- Không đủ thì giờ thì không thể giải thích cho cô thấu đáo được.
- Ðể khi nào em gặp ông mà có nhiều thì giờ em sẽ xin ông giải chủ nghĩa cho em nghe được hôn?
- Tôi sẵn sàng.
- Ông quen với cô Ðốc Cẩm Hương nhiều hôn?
- Chị em đồng hương.
- Hiện bây giờ ông ở đâu?
- Tôi ở Sài Gòn đây.
- Ông hay lại nhà cô Ðốc không?
- Tuy quen nhiều, song tôi ít tới lui.
- Tại sao vậy?
- Tại chị Cẩm Hương không phục cái chủ nghĩa của tôi.
Bà Huyện với Cẩm Hương trở lại. Cô Bạch Yến bước ra cửa tiếp rước và nói với cô Cẩm Hương rằng: “Phải nãy giờ có cô ở đây, cô nghe ông Bác Vật nói chuyện! Ông nói nghe tức cười muốn chết”.
Cô Cẩm Hương ngó Tất Ðắc và nói rằng: “Cậu đó cứ vậy hoài, tôi biết trước nên tôi có dặn, mà cậu cũng còn chọc ghẹo sắp nhỏ”.
Cô Bạch Yến rước[14] mà đáp: “Không mà, ông Bác Vật có chọc ghẹo ai đâu. Ông nói chuyện chơi vậy chớ. Ông nói nghe ngộ lắm. Ông còn thiếu chịu em, chưa giải cái chủ nghĩa “bất cần lao” của ông cho em nghe. Bữa nào cô Ðốc có rảnh, em xin mời cô lên nhà em chơi và cô đi thì cô mời dùm ông Bác Vật đi với, đặng ổng diễn giải cái chủ nghĩa của ổng cho em hiểu”.
Bà Huyện và cô Cẩm Hương cười, còn Tất Ðắc thì đứng ngó thiên hạ qua lại, bộ bơ lơ, dường như không kể đến ai hết.
Bà Huyện nói đã khuya rồi, mà bà cũng đã coi đủ hết, nên bà cũng xin từ giã cô Cẩm Hương mà về. Bà mời Tất Ðắc khi nào có dịp lên Tân Ðịnh thì ghé nhà bà mà chơi.
Lúc từ giã thì cô Bạch Yến nói với Tất Ðắc rằng: “Ông Bác Vật phải nhớ, ông còn thiếu chịu em sự diễn giải chủ nghĩa “bất cần lao” đa, nghe hôn. Em xin mời ông bữa nào đi với cô Ðốc lên nhà em chơi, đặng giải nghĩa cho rồi, chớ để thiếu lâu không được”.
Tất Ðắc cúi đầu thi lễ và đáp rằng: “Tôi sẵn lòng”.
Mẹ con bà Huyện đi rồi, cô Cẩm Hương hỏi Tất Ðắc rằng:
- Cậu coi con Bạch Yến được hay không?
- Ðược cái gì?
- Tôi hỏi cậu coi nó vừa ý cậu hay không. Như cậu muốn nó thì tôi làm mai giùm cho đặng cậu cưới nó. Nè, nếu cậu cưới được nó, cậu no lắm, bà Huyện góa chồng, bà có một đứa con gái đó mà thôi, mà tiền bạc bà nhiều lắm. Bà có nhà cửa tử tế, có phố cho mướn trên Tân Ðịnh, lại có ruộng ở phía dưới Mỹ Tho nữa.
Tất Ðắc ngó Cẩm Hương, cười bộ kiêu căng mà đáp rằng:
- Bộ chị nầy điên rồi hay sao mà bày chuyện làm mai làm mối! Tôi cưới vợ nỗi gì
- Sao vậy? Cậu sợ bà Huyện không gả hay sao. Phải, ý bà Huyện khó lắm. Tuy bà nói nói cười cười, song bà kén rể thất kinh. Nhưng mà bà tin cậy tôi lắm. Tôi nói lén cho cậu biết, mới hồi nãy đây, tôi dắt bà đi chơi, bà còn nói với tôi coi chỗ nào xứng đáng, nếu tôi dám bảo kết người ấy tử tế, thì bà sẽ gả con Bạch Yến.
- Tôi nói tôi không chịu cưới vợ.
- Sao vậy?
- Trái với chủ nghĩa của tôi chớ sao.
- Mốc xì! Chủ nghĩa gì khéo bày đặt!
- Chị là người không có chủ nghĩa … Ủa! Xin lỗi … Tôi nói sai. Chị là người thờ cái chủ nghĩa “yêu sự sống, khinh nghĩa, trọng tài” rồi chị tưởng ai cũng như chị hết hay sao?
- Cậu khéo làm bộ! Ðời nầy là đời kim tiền, sanh nhằm cái đời như vậy, thì mình cứ mưu làm cho có tiền, làm thế nào cũng được, miễn có tiền nhiều là khôn là giỏi. Thân cậu bây giờ cha mẹ khuất hết, sự nghiệp điêu tàn, cậu lại không có nghề làm ăn. Vậy thì cậu nên kiếm vợ giàu đặng đỡ tấm thân. Cưới vợ giàu cũng là một cách sanh nhai, thiên hạ dùng cách ấy thiếu gì, có ai chê cười đâu mà cậu ngại.
- Chị đừng có cám dỗ việc bậy bạ.
- Tôi thương cậu lắm, nên tôi mới khuyên như vậy, chớ đâu phải cám dỗ đâu.
- Tôi cám ơn chị, thôi để tôi đi chơi.
Tất Ðắc cúi đầu từ giã rồi bước ra đi. Cô Cẩm Hương kêu mà nói với rằng: “Cậu suy nghĩ lại cho kỹ. Nếu cậu chịu thì bữa nào cậu ghé trường học mà nói cho tôi hay, rồi tôi tính cho nghe hôn”.
Tất Ðắc phát tay rồi đi tuốt.
|
Gần chợ Thái Bình có một dãy phố thấp và cũ, lại trở cửa về phía mặt trời lặn, nên sớm mai đã tám giờ rồi, mà trong phố vẫn còn lờ mờ, không được sáng sủa.
Cậu Châu Tất Ðắc ở chung với hai người bạn đồng song, tại căn phố đầu trong, về dãy phố nầy. Hai người bạn ấy, một người tên là Lê Võ Lộ, làm giáo sư ở trong một trường tư ở Sài Gòn, còn một người tên là Nguyễn Tự Cao, giúp việc trong một hãng buôn, mà hay tập làm văn, nên đã có danh ít nhiêu trong làng văn.
Ba người không có vợ, chỉ có mướn một đứa nhỏ ở đặng coi nhà và sai vặt mà thôi. Thường thường ba người hay dắt nhau đi ăn cơm tiệm, còn bữa nào ở nhà thì sai thằng nhỏ đi mua cơm và đồ ăn đem về ăn.
Sớm mai nầy, nhằm chúa nhựt nên ba người đều ở nhà.
Tất Ðắc mặc một bộ đồ “Pyjama” bằng lụa trắng có sọc xanh, nằm trên một cái “divan” lót phía trong vách, tay ôm cây đờn “Mandoline” mà rao nho nhỏ.
Võ lộ thì mặc quần Tây với một cái áo sơ mi[1] cụt tay, ngồi tại bàn viết để tại cửa sổ bên phía tay mặt mà coi nhựt báo.
Còn Tự Cao thì mặc đồ Tây bằng nĩ xám có sọc đen mà mình đã thấy Tất Ðắc mặc đi chơi trong chợ đêm hôm đó. Cậu chấp tay sau đít đi qua đi lại trong nhà, cúi mặt chăm chỉ ngó mũi giày, một lát thấy chau mày, một lát thấy gục gặc đầu, bộ đương suy nghĩ một việc gì quan hệ lắm.
Trong nhà chẳng có tiếng nói nào hết, chỉ nghe tiếng đờn của Tất Ðắc rỉ rả, với tiếng giày của Tự Cao cốp cốp mà thôi. Thình lình Tự Cao nói lớn rằng: “ Thiệt không có xứ nào như đất Sài Gòn nầy”.
Võ Lộ lại hỏi rằng:
- Ðất Sài Gòn nầy làm sao?
- Tính viết một cuốn sách đặng giải bày cái chủ nghĩa của mình, nên muốn kiếm một chỗ thanh tịnh để suy nghĩ mà lập trụ, kiếm hết sức mà không được.
- Dữ hôn! Tưởng là việc gì ở đâu! Thứ suy nghĩ ở chỗ nào lại suy nghĩ không được, cần gì phải kiếm chỗ thanh tịnh. Toa[2] hay lập dị quá!
- Xe cộ rầm rập, thiên hạ ồn ào, làm sao mà nghiên cứu chính lý, hoặc phát giác tư tưởng cho được.
- Cần gì! Mỏa[3] muốn suy nghĩ, thì dầu buổi sớm mai đứng giữa chợ Bến Thành, mỏa suy nghĩ cũng được. Họ ồn ào mặc họ, mình suy nghĩ thì tự mình, họ có can cập[4] gì tới mình.
- Toa quen cái thói “Vô khả, vô bất khả” của toa, nên toa làm được, chớ ai làm cho được.
- Toa muốn thanh tịnh thì vô trong vườn bách thú[5] mà ngồi.
- Rồi. Chúa nhựt trước mỏa đi rồi. Mỏa đi sớm lắm, mà vô đó mới ngồi chưa được năm phút đồng hồ thì kế thiên hạ nhào vô rần rần, đờn ông, đờn bà, con nít, săng đá[6], mạch lô[7] đủ hết, họ coi chim, họ chọc khỉ, làm mỏa rối trí quá, mỏa ghét mỏa đi về.
- Thôi thì vô vườn ông Thượng.
- Cũng rồi nữa, mỏa đi vô trỏng mới về đây. Họ dượt xe máy chạy vùn vụt, rồi tới đờn bà đi chợ nói chuyện om sòm, thấy mệt trí nghe nhức đầu muốn chết, suy nghĩ giống gì được.
- Toa khó quá! Hèn chi toa đặt tên Tự Cao thì phải lắm. Mà toa muốn viết sách đặng bày giải cái chủ nghĩa gì đó, toa nói cho mỏa nghe coi.
- Mỏa muốn giải cái chủ nghĩa “Tự cao” là cái chủ nghĩa mỏa thờ thuở nay, đặng cho công chúng hiểu mà đuổi theo, để tấn hoá cho mau lẹ.
- Thôi đi toa! Tưởng là toa giải cái chủ nghĩa nào, chớ cái chủ nghĩa “Tự cao” của toa đó, nếu toa xúi họ theo thì toa làm hại thiên hạ, chớ không phải toa giúp thiên hạ mau tấn hoá đâu.
- Sao mà hại?
- Toa xúi thiên hạ làm phách thì hại lắm chớ sao.
- Tự cao sao lại làm phách?
- Tự cao nghĩa là mình cho mình cho mình cao hơn thiên hạ hết thảy, như vậy không phải là làm phách hay sao?
- Toa dốt quá. “Tự cao” có phải là làm phách đâu. Chủ nghĩa “Tự cao” của mỏa hay mà lại có ích lắm. Người nào thực hành cái chủ nghĩa nầy sẽ vững lòng phấn chí mà bước trên đường đời. Mình biết tự cao thì dầu mình ở trong giai cấp nào, mình cũng không phiền, không hổ. Mình làm một anh cu li mà mình biết tự cao thì mình khỏe bụng mình, bởi vì mình coi mình cao hơn thiên hạ thì mình có kiêng nể, có dua bợ ai đâu. Ví như có một người nào họ khinh khi, hoặc hiếp đáp mình, thì mình cho người ấy ngu dại thấp thỏi hơn mình, nên mới khinh khi hiếp đáp mình như vậy, thì mình khỏi giận khỏi buồn, khỏi ngã lòng, khỏi thối chí.
- Toa cắt nghĩa như vậy không có được đâu. Mỏa sợ toa chạy trật đường rầy. Mà cái chủ nghĩa “Tự cao” thua cái chủ nghĩa “Vô khả, vô bất khả” của moa xa lắm. Nếu ta muốn viết sách mà tuyên bố chủ nghĩa của toa thà là toa bày giải chủ nghĩa của mỏa còn có ích hơn nhiều.
- Chủ nghĩa của toa là cái chủ nghĩa “xuôi xị” tuyên truyền làm chi.
- Không phải xuôi xị đâu toa. Hay lắm đa, ở đời mình phải tập tánh “vô khả, vô bất khả” cho được thì mình mới khỏi buồn. Ví như mình đương làm cu li, thình lình mình trúng số, mình nhảy lên làm phú ông cũng được. Mình đương làm làng, thình lình bị lột chức trở xuống làm dân cũng được. Mình muốn đi chơi, mà vợ ghen nó biểu ở nhà cũng được. Toa coi người tập tánh được như vậy có phải là khỏe trí hơn người tập tánh tự cao hôn?
- Ðể mỏa kiếm chỗ thanh tịnh mỏa nghiên cứu lại. Mà dầu thế nào chủ nghĩa của toa cũng thấp hơn chủ nghĩa của mỏa.
- Tại toa tự cao, nên toa mới nói vậy, chớ chủ nghĩa của mỏa không thấp đâu. Mà thôi, mỏa cũng vì chủ nghĩa mà chịu thấp phứt cho rồi, không hại gì.
- Toa đương cãi với mỏa, mà toa nói vậy, té ra toa cũng chưa chịu thua.
- Ối thôi, thua cũng vậy mà ăn cũng vậy, mỏa không cãi nữa để mỏa đọc nhựt trình.
- Toa không chịu thua, thôi để mỏa cậy anh Tất Ðắc phân xử giùm hai cái chủ nghĩa của hai đứa mình, coi cái nào cao, cái nào thấp. Anh Tất Ðắc, sao anh không nói chuyện chơi cứ nằm đờn hoài vậy anh?
Tất Ðắc nghe kêu thì ngồi dậy nói rằng:
- Cãi lẽ làm chi cho mệt trí, nằm nhịp cẳng đờn chơi không sướng hơn à?
Tự Cao nói rằng:
- Nè, tôi cậy anh làm giám cuộc, anh phân xử giùm thử coi cái chủ nghĩa “Tự cao” của tôi với chủ nghĩa “Vô khả, vô bất khả” của anh Võ Lộ, của ai hay của ai dở.
- Chủ nghĩa mà hay dở nỗi gì. Cái nào hợp với tánh tình, hoặc địa vị của mình, thì nó hay với mình, còn cái gì nó không hạp, tự nhiên mình coi nó dở. Ấy vậy, hay hoặc dở đều tuỳ theo con mắt của mỗi người, làm sao mà phân đoán việc hai anh tranh biện với nhau đó cho được.
- Tôi coi ý anh sao mấy bữa rày anh ít muốn nói chuyện, cứ nằm ôm cây đờn mà đờn hoài. Tại sao vậy?
- Có sao đâu. Tại không có chuyện mà nói giống gì.
Võ Lộ day lại hỏi:
- Bữa hôm qua anh đi coi chợ đêm vui hay không, sao anh không thuật chuyện nhe chơi?
Tất Ðắc chau mày suy nghĩ rồi buông cây đờn nói rằng:
- Ờ, hôm qua vô hội chợ có gặp một việc ngộ[8] quá, mà hôm nay quên thuật lại cho hai anh nghe chơi.
Tự Cao hỏi:
- Việc gì mà ngộ? Hôm khai mạc, tôi vô đó, tôi đi một vòng, tôi chán quá nên ra về liền.
- Tại anh quen tự cao, nên anh mới chán chớ. Phải mà bữa sau anh đi với tôi nữa thì anh tức cười chết.
- Anh lấy bộ đồ của tôi anh bận đi, thì tôi đi nữa sao được?
- Ờ, quên chớ. Nè, hôm đó tôi vô khỏi cửa kế gặp chị Cẩm Hương.
- Bà Ðốc học trường tư ở Cầu Kho đó phải không?
- Phải, tôi gặp chỉ tôi mới giễu sơ sơ ít tiếng chơi, mà coi bộ động chỉ quá. Chỉ muốn bít miệng tôi, nên chỉ o bế mời tôi lại gian hàng của chỉ đặng chỉ đãi bánh mứt.
- Anh có phước quá!
- Không phải được ăn bánh mứt mà thôi đâu. Chỉ còn tiến dẫn cho tôi làm quen với hai mẹ con cô Bạch Yến nào đó, chỉ chưng tôi là Bác Vật mới ngon chớ.
- À! Bây giờ tôi hiểu rồi! Tại anh làm quen với cô Bạch Yến, hèn chi anh động ái tình rồi hổm rày về nằm ôm đờn mà đờn hoài!
- Bậy nà! Không phải vậy đâu. Tôi là đá mà động ái tình nỗi gì. Ðể tôi nói chuyện tôi làm quen với cô Bạch Yến cho mà nghe.
- Chắc anh thả dê cho đi ăn chớ gì?
- Anh thờ chủ nghĩa “Tự cao” mà anh nói nghe thấp quá. Gặp gái mà thả dê ra thì hay ho gì. Tôi thấy cô Bạch Yến là gái tân thời, mà cô nói chuyện nghe lãng mạng nữa, tôi mới làm nghiêm cho cô kiêng nể chơi. Thiệt quả cô mắc bẫy. Cô thấy tôi làm tỉnh cô mới kiếm thế mà chọc ghẹo tôi. Tôi thừa cái dịp ấy tôi diễn giải chủ nghĩa “bất cần lao” của tôi, cô nghe cô chịu quá.
- Tự Cao với Võ Lộc nghe như vậy thì cười ngất.
Võ Lộc hỏi rằng:
- Anh nói cô đó nghe chủ nghĩa của anh thì cổ chịu, mà cổ chịu thế nào?
- Nghĩa là cổ phục chủ nghĩa bất cần lao, hai mẹ con đều phục hết, chừng từ giả nhau, lại mời tôi có rảnh lên nhà ở trên Tân Ðịnh chơi, đặng giải chủ nghĩa thêm cho rõ ràng.
Tự Cao rùn vai nói rằng:
- Anh kiếm tín đồ giỏi quá, tôi cũng phục anh nữa. Phải tôi dè như vậy, hôm đó tôi đi chơi với anh đặng tôi làm quảng cáo cho chủ nghĩa của tôi.
- Ờ, tôi cũng không dè tôi bày chuyện nói cho qua ngày giờ, mà lại có người thích nghe. Nếu hôm đó mà có đủ ba anh em mình thì chắc là còn vui hơn nữa.
- Vui mà sao hôm nay về nhà anh lại buồn?
- Có buồn chi đâu. Nè, mà chừng cô Bạch Yến từ giã mà đi rồi, chị Cẩm Hương lại hỏi tôi như muốn chỉ làm mai cho nữa chớ. Dễ tức cười không?
- Chuyện như vầy có cái gì đáng cười đâu mà tức cười. Như bọn mình đây thì con gái thấy tự nhiên thích lắm, có lạ gì mà cười.
- Thích mốc khỉ họ, chớ thích nỗi gì.
- Sao lại không thích?
- Gái nào nó vướng tụi mình thì chết đói không đủ cơm mà ăn, không có áo mưa mà bận chớ thích gì!
- Cần gì vật chất. Bàn luận việc đời với nhau cũng đủ no.
Võ Lộ la lớn lên rằng:
- Ê! Anh Tự Cao bây giờ cũng lãng mạng nữa chớ!
Tự Cao không thèm trả lời Võ Lô, lại hỏi Tất Ðắc rằng:
- Còn chị Cẩm Hương tỏ ý muốn làm mai rồi anh trả lời thế nào?
- Tô bác ngay.
- Sao vậy?
- Chỉ nói dóc chớ làm mai sao được.
- Thế khi chỉ liệu làm mai được, nên chỉ mới nói đó chớ.
- Khó lắm, chớ không phải dễ đâu. Bà già cô Bạch Yến bộ thiệt thà mà đúng đắn lắm. Nghe chị Cẩm Hương kêu bà bằng “bà Huyện”. Chỉ lại nói bà có nhà tốt, có phố cho mướn, có ruộng đất nữa, chắc là nhà giàu lắm, bởi vậy cô Bạch Yến đeo xoàn nhiều dữ.
- Nếu như vậy, thì là khó thiệt. Nhưng mà anh phải làm theo cái chủ nghĩa của tôi, đừng thối chí. Họ có nhiều tiền, mình có tài cao, họ có cái mình thiếu, mình có cái họ thiếu, họ cũng như mình, mà mình có tài là cái khó kiếm hơn tiền, thì mình cao hơn họ chớ không kém đâu mà anh sợ.
- Chủ nghĩa của tụi mình thì để bàn luận bậy với nhau mà chơi, chớ đem ra dùng với đời sao được. Mình nghèo quá, không có áo quần mà mặc, ăn buổi trưa không biết buổi chiều có ăn được nữa hay không. Tiền bạc đâu có mà cưới vợ, mà cưới nó về rồi làm sao mà nuôi nó.
Tự Cao nghe nhắc đến cảnh đớ, chàng hết dám đốc vô nữa.
Võ Lộ mới hỏi Tất Ðắc:
- Mà cô Bạch Yến đó xấu người hay đẹp?
- Ðẹp lắm!
- A! Tưởng là xấu người. Ối. Mà nếu chị Cẩm Hương làm mai được, cô Bạch Yến ưng nữa, thì anh sợ gì mà từ chối. Anh cứ làm theo chủ nghĩa của tôi đi, sao cũng được mà.
- Tôi có sợ gì đâu. Ai dám đi tới đâu thì tôi cũng dám đi tới đó vậy chớ.
- Thôi, thì anh đi kiếm chị Cẩm Hương mà chịu đi.
Tự Cao cản rằng: ” Ê! Bày như vậy không được, thấp lắm. Mình phải tự cao chớ, để cho người ta cầu mình mới quý”
Tất Ðắc dòm qua đường, thấy có một cái xe kéo ngừng ngay cửa và cô Cẩm Hương trên xe bước xuống rồi ngó dớn dác mà kiếm nhà thì cậu nói rằng : “Chết chưa! Chị Cẩm Hương đi kiếm tôi kia”, cậu nói rồi liền bước ra cửa mà tiếp khách.
Tự Cao dòm lại cái bàn để giữa nhà, thì trên bàn để lôn xôn xôn một đôi vớ, hai cuốn sách, một tờ nhựt trình, với một cái ly thì chàng bực mình, nên lật đật tom góp những vật ấy mà đem vô trong buồng, đặng tiếp khách cho có vẽ thanh nhã.
Cô Cẩm Hương bữa nay mặc quần lụa trắng với một cái áo màu xanh dương, tay ôm cái bóp da vàng, vừa thấy Tất Ðắc thì cô cười và nói rằng: “Hôm trước cậu chỉ nhà lôi thôi, tôi đi liều mạng mà trúng chớ”.
Tất Ðắc chào rồi mời cô vô nhà. Tự Cao với Võ Lộ đều đứng dậy thi lễ. Tất Ðắc tiến dẫn cho hai người biết nhau rồi cậu kéo một cái ghế mời cô Cẩm Hương ngồi dựa vào bàn giữa, cậu cũng ngồi ngang đó. Võ Lộ thì ngồi lại bàn viết mà coi nhựt trình, còn Tự Cao lấy một cuốn sách đem lại “divan” giở ra mà coi.
Cẩm Hương để cái bóp trên bàn, ngồi ngó cùng nhà rồi hỏi Tất Ðắc rằng:
- Té ra ba ông ở chung một nhà hay sao?
- Phải, ba anh em tôi ở chung.
- Hai ông đây có vợ hay chưa?
- Chúng tôi tu hết, có vợ sao được.
- Cậu chớ nói trặc trẹo hoài. Phải có đờn bà đặng người ta lo đi chợ nấu cơm cho mà ăn chớ.
- Ở đất Sài Gòn cần gì phải lo nấu cơm chị. Trong thành Săng đá mấy có đàn bà, mà lính cũng có cơm ăn vậy.
- Nói gì mướn đầu bếp sao bằng vợ.
- Muốn bằng vợ thì phải mướn đầu bếp đờn bà.
- Ê, đừng nói xàm nào.
- Nói thiệt chớ nói xàm. Thiên hạ họ mướn đờn bà ở nấu ăn thiếu gì.
- Cậu nói chuyện, cậu giễu cợt nghe phát ghét.
- Vậy mà có nhiều người ưa nghe tôi nói chuyện lắm đa. Họ nghe tôi nói chuyện cả giờ mà họ chưa đã thèm, họ còn ân cần mời tôi lên nhà nói nữa đặng cho họ nghe.
- Tôi biết mà. Cậu khỏi khoe. Hổm nay cậu suy nghĩ rồi hay chưa, sao không xuống trường học mà trả lời cho tôi biết?
- Suy nghĩ về việc gì?
- Việc tôi nói với cậu hôm trong hội chợ đó.
- Hôm đó chị nói cả trăm chuyện, tôi có nhớ chuyện gì đâu.
- Chuyện tôi muốn làm mai cho cậu đó mà.
- À, tưởng chuyện gì, chớ chuyện đó tôi suy nghĩ rồi.
- Suy nghĩ rồi cậu nhứt định sao đó? Cậu chịu hay không chịu?
- Không chịu.
- Tại sao mà không chịu? Cậu chê con Bạch Yến chỗ nào đâu, cậu nói cho tôi nghe thử coi.
- Tôi chê cô nhiều khoản lắm, mà có ba khoản nầy tôi chê gắt: 1) Cô là gái mới lớn lên mà nhan sắc cô quá đẹp. 2) Cô là con gái nhà giàu mà lại con một nữa. 3) Bà Huyện là má của cô chơn chất mà đúng đắn hết sức.
- Người ta như vậy mà chê nỗi gì?
- Tại như vậy nên tôi mới chê chớ, bởi vì ba tánh chất ấy không hạp với cái óc của tôi.
- Vậy chớ phải thế nào mới hạp?
- Nếu tôi phải cưới vợ, thì tôi kén chọn một cô cả tháng không có một cắc bạc ở trong túi mà không buồn, mặc áo cũ hoặc áo rách mà không hổ, nhịn đói cả ngày mà cũng không than. Chị có giỏi, chị kiếm người như vậy mà làm mai, thì tôi mới ưng.
- Cậu cứ giễu cợt hoài. Tôi nói thiệt chớ phải nói chơi với cậu hay sao mà cậu pha lững.
- Tôi cũng nói thiệt vậy chớ.
- Thôi, nói xàm hoài, mất thì giờ quá. Tôi hỏi gắt cậu, vậy chớ cậu muốn con Bạch Yến hay không? Như muốn thì tôi làm mai cho, bằng không thì thôi. Nói phứt một tiếng đặng tôi về.
- Mà cô Bạch Yến bận rách, nhịn đói, cả tháng không có một cắc bạc, cô chịu được hay không?
- Người ta là con nhà giàu, cái gì mà chịu đói, bận rách!
- Cô giàu mà tôi không giàu. Hễ cô chịu làm vợ tôi, thì cô phải ở theo tôi, thì chắc chắn cô phải nhịn đói, bận rách. Nếu cô dám chịu như vậy, thì tôi sợ gì mà chạy cô.
- Tôi tính làm mai chỗ đó cho cậu, vì tôi với cậu là chị em đồng hương, tôi thấy cậu không có chỗ ăn chỗ làm, tấm thân phải vất vả, tôi thương nên tôi muốn cho cậu có chỗ nương dựa, đặng sung sướng tấm thân một chút.
- Tại tôi thờ chủ nghĩa „bất cần lao“ nên tôi không thèm làm việc chi hết, chớ phải tôi thất ngiệp đâu.
- Ðể tôi nói cho cậu nghe mà, cậu cứ giễu hoài.
Tự Cao muốn để cho cô Cẩm Hương nói hết công việc làm mai ra thế nào, nên can Tất Ðắc rằng: „Bà Ðốc lấy tình chị em mà đãi anh, vậy anh chớ nên nói giễu nữa chớ. Anh phải để cho bà Ðốc nói hết công chuyện, rồi như có chỗ nào không vừa ý anh, thì anh sẽ cải, có muộn gì“.
Cô Cẩm Hương ngó Tự Cao mà nói rằng: „Cậu nầy thiệt là kỳ lắm mà. Tôi thương cậu, tôi muốn tính giùm việc trăm năm cho cậu mà cậu cứ giễu cợt hoài“.
Tất Ðắc rùn vai mà cười. Cô Cẩm Hương nói tiếp rằng: „Hôm trước tôi đã nói với cậu, bà Huyện giàu lắm, tiền bạc nhiều, có nhà cửa tử tế lại có phố, có ruộng nữa. Bà có một mình con Bạch Yến mà thôi, nên bà cưng lắm, nó muốn gì cũng được hết. Cậu mà được vào nhà đó, thì cậu nằm không mà ăn, rồi cậu muốn thờ chủ nghĩa gì đó cậu thờ, khỏi làm việc chi hết. Người ta giàu có lại có một đứa con. Hễ mình cưới rồi thì về đó mà ở, dắt đi làm chi mà sợ chịu nhịn đói, bận rách“.
Võ Lộ chen vào nói rằng: „Ðược như lời bà Ðốc nói đó thì hạp chủ nghĩa của anh Tất Ðắc lắm, có lý nào ảnh không chịu, nhưng còn ngại một điều nầy là người ta như vậy, không biết bà Ðốc làm mai mà người ta có ưng hay không chớ“.
Cẩm Hương cười mà nói rằng:
- Nếu tôi liệu không được thì tôi có lãnh làm mai chi cho thất công. Thiệt chỗ đó không phải lơ mơ. Tuy cậu Tất Ðắc có danh con nhà quan, lại có học bên Tây, nhưng mà bây giờ cậu hết sự nghiệp, lại không có chỗ ăn chỗ làm, dễ gì mà nói người ta gả. Tôi chắc có một mình tôi làm mai được, là vì người ta tin cậy tôi lắm, hễ tôi nói thì người ta chịu.
- Như bà Ðốc nói đưọc thì tôi cũng chắc anh Tất Ðắc cũng sẽ ưng vậy chớ.
- Sao? Cậu ưng hay không? Nói phứt đi?
Tất Ðắc chím cười. Cậu suy nghĩ một hồi rồi nói với cô Cẩm Hương rằng:
- Thiệt tôi không tính cưới vợ, ngặt chị ép quá, nếu tôi không chịu thì mích lòng chị. Chịu thì tôi chịu, song tôi còn ái ngại một điều nầy: bình sinh tôi chẳng hề yêu cầu ai một việc gì. Nay chị lãnh làm mai cho tôi nói mà cưới cô Bạch Yến. Ví như cô ưng, thì chẳng nói làm chi. Nếu cô chê tôi, cô không ưng thì thất thể diện tôi quá.
- Xin cậu đừng lo, tôi hứa với cậu, thì tôi sẽ làm y như lời hứa.
- Chị hứa là hứa làm mai, còn sự nói được hay không được làm sao chị dám bảo kiết[9]
- Tôi bảo kiết, nếu tôi nói không được thì cậu kêu tôi bằng em, chớ đùng có kêu chị nữa.
- Thế thì cô Bạch Yến có chửa oan rồi hay sao mà chị phấn chấn quá vậy?
- Ê. Ðừng nói khùng nữa! Người ta là con nhà tử tế, khéo nói bậy nói bạ!
- Tử tế thì tử tế, song chuyện đó mình cũng phải coi chừng chớ.
- Cậu nầy nói chuyện nghe chết được!
- Không. Nói chuyện mà nghe, chớ dầu có chửa oan đi nữa, tôi nôm[10], tôi chẳng sợ gì. Tôi ngại là ngại chị nói không được rồi thất thể diện tôi.
- Tôi nói làm mai được. Như tôi nói được thì cậu mới tính làm sao với tôi?
- Nếu chị nói được thì chị tính thế nào tôi cũng chịu hết.
- Cậu phải đền ơn cho tôi hai ngàn đồng bạc, cậu chịu hay không?
- Ðược.
- Cậu làm giấy cho tôi cầm đi.
- Nãy giờ tôi giễu chơi với chị, chớ chuyện nầy không phải dễ đâu. Thân phận tôi như vầy mà tôi tính trèo cao quá, sợ phải té nặng.
- Biết ai là cao, còn ai là thấp, cậu? Cao thấp gì cũng tại nơi mình chớ.
Tự Cao chen vô nói rằng:
- Bà Ðốc nói lời ấy đúng lắm. Ở đời mình phải trọng lấy mình, mình phải cho mình cao chớ. Sao mà hạ mình rồi kiêng nể người ta.
Tất Ðắc trề môi lắc đầu rồi đáp rằng:
- Anh nói theo chủ nghĩa tự cao của anh. Anh nói như vậy là vì anh không thấy bà Huyện là má của cô Bạch Yến, chớ chi anh gặp bà như tôi gặp hôm trước, thì anh hết tự cao được.
- Bà cao thượng oai nghiêm lắm sao?
- Không phải vậy. Thường tôi gặp nhiều bà làm cao, làm nghiêm, tôi coi cũng như không, tôi có kể gì đâu, anh. Bà nầy không làm cao, không lập nghiêm, bà nói chuyện nghe ôn hòa chơn chất, bà giàu mà không chưng diện, bà cao mà không kiêu căng, mình thấy mình mới kiêng chớ.
- Nếu anh được làm rể nhà đó, anh có bà mẹ vợ như vậy, thì đúng lắm, còn ngại là sao?
- Bởi bà đứng đắn, nên tôi mới ngại. Mình đi nói vợ trong nhà như vậy, trước khi người ta chịu gả, tự nhiên người ta dọ dẫm coi mình là hạng người nào, gốc gác ở đâu, học có bằng cấp nào, bề làm ăn ra sao. Hỏi gốc gác thì tôi không lo, bởi vì dầu thế nào tôi cũng gốc con nhà quan. Còn hỏi tới mấy khoản kia, thì chắc tôi rớt liền, bởi vì tôi đi Tây học sáu bảy năm mà không có bằng cấp nào hết, còn bề làm ăn thì tôi mắc lo thờ chủ nghĩa “bất cần lao” nên không có nghề nghiệp, mới làm sao mà nói với người ta.
- Ờ, cái đó khó thiệt.
Cô Cẩm Hương nói rằng ;
- Không khó đâu, tôi nhớ hôm trước tôi giới thiệu với mẹ con bà Huyện, tôi nói là Bác Vật phải không?
Tất Ðắc cười ngất rồi đáp rằng:
- Phải. Hôm trước chị kêu tôi bằng Bác Vật nghe ngon quá. Mấy cô tưởng Bác Vật thiệt, mấy cô chịu dữ.
- Thôi, Bác Vật lỡ rồi, thì Bác Vật luôn đi chớ đổi chức sao được.
- Ê! Chị tính thế đó hiểm nghèo lắm. Mình chưng Bác Vật, nếu người ta hỏi Bác Vật về khoa gì, canh nông hay kiều lộ hay là điện khí, rồi mình mới nói khoa nào?
- Mình nói khoa thương mãi được hôn?
- Trời ơi! Bác Vật gì mà Bác Vật thương mãi chị?
- Thôi thì nói Bác Vật về khoa canh nông được hôn?
- Mình nói như vậy, người ta đến Sở canh nông người ta hỏi rồi lòi chành[11] còn gì?
- Không có hỏi đâu. Mẹ con bà Huyện tin tôi lắm. Mà ở nhà hai mẹ con Bạch Yến có anh em trai đâu mà sợ họ tọc mạch đi hỏi đon hỏi ren[12].
- Tuy không có anh em, song người ta cũng có bà con chớ. Ví như có một người bà con họ đi hỏi dọ rồi làm sao?
Cẩm Hương ngồi suy nghĩ một lát rồi cô hỏi Tất Ðắc rằng:
- Thôi để tôi nói cậu có bằng cấp mà đi tìm mỏ vàng, mỏ bạc đó, nói như vậy được hôn?
- Xứ mình đâu có mỏ vàng, mỏ bạc mà mình chưng Bác Vật về khoa đó?
- Bởi không có nên họ bít lối họ mới hết hỏi. Tôi định để tôi nói như vầy: Cậu qua bên Tây, cậu học cái môn tìm mỏ vàng, mỏ bạc. Cậu thi đậu Bác Vật, cậu về hôm tháng giêng, ngặt trong xứ mình không có mỏ nên cậu dùng tài học của cậu không được. Mới hôm tháng trước đây có một hội tư bổn ở bên Tây họ sai một người quản lý qua Sài Gòn đặng tổ chức cuộc tìm mỏ vàng, mỏ bạc phía bên Lèo Thượng. Người ấy biết tài cậu, nên kiếm cậu mà cậy quản xuất cuộc tìm mỏ, hứa cho cậu ăn lương mỗi tháng sáu trăm đồng, lại hễ đi tìm được, hội xuất vốn khai mỏ mà có lời thì hội sẽ cho cậu huê hồng 2 phần trăm trong số lời mỗi năm. Ông quản lý đã gởi thơ về cho Ban trị sự bên Pháp, đợi hễ Ban trị sự trả lời thì cậu sẽ lên Lèo Thượng mà tìm mỏ. Tôi tính nói như vậy đó, cậu coi được hay không?
Tự Cao với Võ Lộ đồng khen Cẩm Hương tính hay, nói như vậy thì không thế nào họ dọ dẫm cho ra mối nổi. Tất Ðắc chúm chím cười rồi hỏi cô Cẩm Hương rằng:
- Chị tính nói như vậy thì nghe được lắm. Mà nói đợi bên Pháp trả lời rồi mình lên Lèo, song bên Pháp không trả lời trong một hai tháng chẳng nói làm chi, đến năm bảy tháng cũng không trả lời trả vốn chi hết, rồi mình mới nói làm sao nữa?
- Ối, hễ cưới được rồi thì thôi, dầu sao có đổ bể cũng không hại gì. Cậu là người lanh lợi cậu kiếm chuyện cậu nói đặng giải cái nghi của vợ cậu không được hay sao?
- Ðược, mà thôi, chuyện đó là chuyện về sau khoan nói đã. Bây giờ để lo chuyện hiện tại trước. Chị biểu tôi nói vợ, mà tôi không có quần áo cho đúng, không có thiền bạc chi hết, mới làm sao đây? Cái vấn đề đó là một vấn đề vô phương giải quyết.
- Dữ hôn! Thứ chuyện đó mà lo giống gì, tôi bao cho, cậu đừng lo.
- Chị thương tôi đến thế hay sao?
- Tôi với cậu chị em đồng hương. Hồi tôi còn nhỏ, ông bà thương tôi lắm. Lúc tôi dạy học tại trường tỉnh, ông bà gởi cậu trong nhà tôi mà cậu đi học mấy năm, tôi coi cậu cũng như em ruột của tôi vậy. Nay ông bà khuất rồi, tôi thấy thân cậu vất vả tôi đau lòng lắm, tôi chịu không được, nên tôi mới lập thế giúp cậu có chỗ đặng mà nương nhờ, cho sung sướng tấm thân. Dầu tôi phải tốn hao năm bảy trăm mà cậu lập thân được, thì tôi không nệ gì, cậu đừng lo.
Tất Ðắc nghe lời nhơn nghĩa ấy thì cậu cảm xúc nên ngồi lặng thinh một hồi rồi mới nói rằng:
- Hổm nay tôi tưởng là việc vui miệng nói chơi, tôi không dè chị thương tôi đến nỗi cố tâm lập thân cho tôi. Nếu được vậy tôi cám ơn chị lung lắm.
- Ừ, thôi từ rày sắp lên đừng có nói giễu nữa đa.
- Thôi, tôi không dám giễu nữa đâu. Mà tôi tỏ thiệt với chị, trong việc nầy tôi ái ngại quá.
- Còn ngại cái gì nữa đó?
- Tôi sợ mình đi nói mà người ta không ưng thì mình hổ thẹn quá.
- Tôi đã nói với cậu, hễ tôi làm mai thì chắc được mà.
- Chắc thiệt hôn?
- Sai lại không chắc. Nếu tôi nói không được thì cậu đừng có thèm kêu tôi bằng chị nữa. Nè mà như tôi làm mai được, thì cậu mới tính làm sao mà đền ơn cho tôi?
- Tôi đã nói chị muốn thế nào cũng được mà.
- Tôi muốn cậu thưởng tôi hai ngàn đồng, cậu chịu hôn?
- Một đồng tôi cũng không có, làm sao cho có tới hai ngàn đồng mà thưởng cho chị.
- Chừng cưới xong rồi cậu sẽ thưởng chớ, mà tôi không buộc cậu thưởng một lần, cậu có trăm nào cậu thưởng trăm ấy, thưởng lần cho đủ số hai ngàn cũng được. Cậu chịu hôn?
- Chị muốn mấy ngàn cũng được hết, song phải cưới cho được kia chớ.
- Chớ sao. Tôi xin phân chứng với hai ông đây, nghe hôn. Hể cậu Tất Ðắc cưới được con Bạch Yến rồi thì cậu thưởng cho tôi hai ngàn đồng … Ý! Mà nói miệng không được. Cậu phải làm giấy cho tôi cầm tôi mới tin. Ông giáo cho tôi một tờ giấy ông giáo.
Cô Cẩm Hương vừa nói vừa bước lại bàn viết, chỗ Võ Lộ ngồi. Võ Lộ đưa cho cô một tờ giấy trắng, cô mượn luôn viết mực, rồi đem lại để trước mặt Tất Ðắc mà nói rằng:
- Cậu cầm viết viết đi.
- Phải viết thế nào bây giờ?
- Cậu đề ngày trước đi, rồi tôi nói cho cậu viết.
- Ðề ngày rồi.
Viết nè: “Tôi ký tên dưới đây là Châu Tất Ðắc, 26 tuổi, làm tờ nầy mà giao kết với cô Cẩm Hương, 35 tuổi, Ðốc học trường tư “Nữ lưu học hiệu” tại chợ Cầu Kho, như vầy: Nếu tôi cưới được cô Bạch Yến mà làm vợ thì tôi sẽ thưởng công làm mai cho cô Cẩm Hương một số bạc là hai ngàn đồng. Số bạc nầy tôi đưa lần lần, sau khi cưới vợ, đưa chừng nào đủ số hai ngàn thì thôi, không có tiền lời.
Muốn cho có đủ bằng cớ, nên tôi làm tờ nầy cho cô Cẩm Hương cầm. Nếu tôi không giữ lời giao kết trên đây thì cô Cẩm Hương được đem tờ nầy đến tòa Hộ kiện tôi mà đòi cho đủ số bạc hai ngàn.
- Thôi cậu ký tên đi.
Tất Ðắc ký tên rồi đưa tờ giấy cho cô Cẩm Hương. Cô vừa đọc lại vừa cười, rồi cô xếp bỏ vô bóp. Tự Cao bước lại gần nói rằng:
- Tôi tưởng nên viết thêm một câu nữa mới phải.
Cẩm Hương hỏi:
- Viết thêm câu gì?
- Thêm câu như vầy: “Nếu tôi không cưới được cô Bạch Yến bất luận cớ nào, thì tờ nầy kể bỏ”.
- Muốn thêm như vậy thì thêm đi.
Cẩm Hương trao tờ giấy lại cho Tất Ðắc viết thêm câu ấy rồi mới cất. Cô hỏi Tất Ðắc:
- Bây giờ áo quần cậu có những gì đâu, cậu nói cho tôi nghe thử coi.
- Tôi có vài bộ đồ tây trắng, mà nó đã xười[13] cửa tay, xười bâu rồi.
- Cậu không có đồ nỉ hay sao?
- Không có.
- Vậy phải đặt may một bộ đồ nỉ cho đúng mốt đặng bữa đi coi mà bận cho đúng lễ. Rồi phải may một bộ “tút xo”[14] với ít bộ đồ trắng nữa đặng sau đó làm rể mà bận, chớ bận một bộ đồ hoài, coi sao cho được.
- May nhiều tốn tiền lắm.
- Không hại gì. Cậu có sơ mi, giầy nón, vớ, bâu, nơ[15], cà vạt hay không?
- Có, mà đồ bậy bạ, coi xấu quá.
- Thôi, để tôi mua đồ mới hết thảy đi, chớ đồ cũ bậy bạ coi không tốt.
- Tuỳ ý chị. Nè, mà tôi nói trước, tôi không có tiền đa.
- Tôi bao, sẵn bữa nay chúa nhựt tôi rảnh, thôi cậu đi với tôi ra Bến Thành đặng đặt may áo quần và mua đồ luôn thể. Sắm đồ cho sẵn, đặng hễ tôi nói mà người ta chịu, người ta mời tới nhà, thì cậu có áo quần mà mặc cho tử tế.
- Chị muốn đi thì đi.
Tất Ðắc vô buồng thay đồ tây rồi cô Cẩm Hương kêu hai cái xe kéo lại mà đi với nhau.
Tự Cao ngó Võ Lộ mà cười và nói rằng: “Anh Tất Ðắc cưới vợ như vậy thì hạp với cái chủ nghĩa “Bất cần lao” của ảnh quá, mà ảnh còn dục dặc chớ. Toa coi phải nhờ mỏa lấy cái chủ nghĩa của mỏa mà mỏa khuyến khích ảnh nên ảnh mới chịu đó hôn?
Võ lộ gặt đầu mà cười.
|
Nhà bà Huyện Hớn ở phía sau chợ Tân Ðịnh. Một cái nhà ngói ba căn, nền đúc, vách gạch, cửa lá sách, sơn màu xanh dương, nhà tuy nhỏ, song cao ráo sạch sẽ, nên người qua kẻ lại ai cũng khen: “chỗ ở phải thế”.
Miếng đất tuy không lớn, nhưng mà từ thềm nhà ra hàng rào xi măng dọc theo đường lộ cũng có một cái sân rộng được tám thước, hai bên hè cũng còn hai khoảng trống gần mười thước, phía bên tay mặt có trồng một đám trầu vàng[1] với vài cây nhãn, còn bên tay trái thì bà Huyện để trồng rau mà vì cô Bạch Yến có tánh ái hoa, nên cô choán gần hết mà trồng những cây bông huệ, bông hường, bông móng tay, bông cẩm nhung trên có làm giàn mà cho dây nho bò lên, dưới giàn cô lại để một cái băng đúc đá sạn đặng ngồi xem bông cho mát mẻ. Còn trước sân, chính giữa có một hòn non của ông Huyện xây hồi trước, hai bên có để mấy chậu cau đỏ với cau vàng, lại có ít chậu kiểng bùm sụm[2] với cần thăng[3] mà vì không ai muốn sửa nên nhánh nhảy tứ tung, lá ra bì bịt.
Gần năm giờ chiều, bà Ba Lung là chị em bạn của bà Huyện, mặc quần lãnh đen, áo lụa trắng còn mới tinh, tóc bạc hoa râm, răng rụng hết vài cái, bà thủng thẳng đi vô sân, tướng đi khoan thai, gương mặt thuần hậu. Bà Huyện vừa ngó thấy thì bước ra thềm mà chào. Hai bà còn đứng đó nói chuyện, kế hai vợ chồng ông Phán Quì cũng tới nữa, ông bịt khăn đen, mặc áo dài đàng hoàng, bà mặc một bộ đồ đen mà cũng sắc sảo.
Bà Huyện mời hết khách vô nhà.
Trong nhà thì bàn ghế lau chùi sạch sẽ mà thôi, chớ không chưng dọn chi lắm. Căn giữa mà ở phía trong, dọn một bàn thờ ông bà, có lư đồng đỏ, có lục bình[4] lớn. Còn phía ngoài thì có để một bộ ghế xa lông[5] bằng cẩm lai, trên bàn có để một cái lục bình nhỏ cắm bốn bông cẩm nhung, và mỗi cái ghế đều có để gối dựa thêu rồng, thêu phụng.
Căn bên tay mặt thì có lót một bộ ván gõ lớn, đầu ván phía ngoài có để một cái bàn vuông mặt cẩm thạch làm ghế nghi[6]. Trên ván có trải chiếu bông mới, lại có để bốn cái gối mặt thêu cườm, còn trên ghế nghi thì để ô trầu, ô bằng đồng bạch chùi sáng giới.
Còn căn bên tay trái thì để một cái bàn ăn với tám cái ghế, bàn có trải nắp[7] trắng chạy rìa đỏ, lại chính giữa có để một bình bông.
Cô Bạch Yến bữa nay uốn mái tóc hơi dợn sóng, đầu bới sát ót, mặt giồi phán thật khéo, môi lại có thoa son. Cô mặc một bộ đồ hàng “bom bay” màu xanh dợt may theo mốt mới, tai đeo một đôi bông xoàn thiệt lớn, cổ đeo một sợi dây chuyền nhỏ với mặt trái tim có nhận ba hột xoàn, hai tay cô cũng có đeo hai chiếc vàng nhận hột xoàn nữa.
Cô đứng tại bàn ăn mà chỉ cho bồi đặt bàn. Cô thấy khách bước vô nhà thì cô lật đật chấp tay cúi đầu xá mỗi người. Ông Phán Quí ngồi tại xa lông, còn bà ba thì lại bộ ván gõ mà ngồi. Cô Bạch Yến hối gia đinh rót nước trà rồi cô bưng ra mà mời khách.
Ông Phán hỏi bà Huyện rằng:
- Ðàn trai họ hẹn mấy giờ họ đến?
- Tôi có mời lên sớm mai, mà cô Ðốc học nói cô đi sớm không đặng, thế nào gần sáu giờ cô lên mới tới.
- Bây giờ mới năm giờ, còn lâu lắm.
- Nghe bầy trẻ nói hôm nào đó ông Phán ể mình[8], bữa nay đã thiệt mạnh hay chưa?
- Thưa, trời trở gió, nên bữa hổm nhức vai mỏi chưn ngủ không được. Bữa nay tôi ráng lại đây, chớ hai cái vai cũng còn hơi mỏi chút đỉnh.
- Hễ trọng tuổi rồi thì hay đau mấy chứng đó. Ông uống thuốc tây hay thuốc bắc?
- Thưa, tôi uống thuốc bắc. Thuở nay tôi uống thuốc ông Ðặng ở đường Lagrandière.
- Ông thầy đó giỏi hôn?
- Ý, ổng làm thuốc nghề lắm mà. Năm tôi mới hưu trí đó tôi đau nặng quá, tưởng không xong rồi chớ, may nhờ có ông cứu tôi mới còn đây.
- Tôi ăn sao chậm tiêu quá, còn ban đêm có nhiều bữa tôi ngủ không được. Ðể bữa nào tôi rước ổng đặng coi mạch đặng uống thử ít thang thuốc coi.
Bà Phán nói rằng:
- Bịnh bà đó phải làm thuốc tễ mà uống mới được chớ.
- Vậy hay sao?
- Năm ngoái ông Ðặng có cho tôi một tễ thuốc tôi uống, thiệt tôi ăn cơm nhiều, tôi ngủ ngon quá, không đầy một tháng mà tôi cân nặng tới ba ký lô.
- Thôi, để lo chuyện con nhỏ xong rồi tôi bắt chước bà, tôi uống thử một tễ coi.
Bà Ba Lung nghe nói tới Bạch Yến thì bà hỏi bà Huyện rằng:
- Còn bà tính gả cháu cho ông Bác Vật nào ở đâu vậy?
- Ông Bác Vật Châu Tất Ðắc, em bà con với cô đốc Cẩm Hương trong cầu kho.
- Thuở nay bà có biết ổng hay không?
- Không. Tôi quen là quen với cô Cẩm Hương, năm ngoái con Bạch Yến có học bánh mứt với cô mấy tháng, nên cô tới lui chơi thường. Cô nói ông Bác Vật là con của ông Phủ Ðào hồi trước ngồi dưới Long Xuyên, có bà con với cô, nên cô đứng làm mai đó.
Ông Phán chận lại hỏi:
- Té ra ông Bác Vật là con của ông Phủ Ðào hay sao? Tôi có nghe danh quan phủ đó hiền đức lắm. Bà làm sui như vậy là xứng đáng quá. Không biết năm nay ổng còn mạnh giỏi hay không?
- Nghe nói hai ông bà đều khuất hết, mà ông Bác Vật cũng không có anh em. Cô Cẩm Hương thấy vậy cô đứng làm mai giùm cho.
Bà Lung nói:
- Nếu vậy thì con Bạch Yến khỏi làm dâu.
- Không làm dâu. Nhưng có một điều nầy khó quá. Theo lời cô Cẩm Hương nói, thì ông Bác Vật giỏi tìm mỏ vàng mỏ bạc. Có một hội bên Tây tính mướn ổng đi tìm trên Lào Thượng mà tìm mỏ cho hội, chịu lương cho ổng mỗi tháng tới sáu trăm đồng. Ổng còn nói hể chừng nào tìm được mỏ rồi hội khai khẩn, nếu có lời thì phải cho ổng tiền huê hồng 2 phần trăm trong trong số mỗi năm. Ông còn đợi trả lời. Nếu hội chịu theo lời ổng xin, thì ổng sẽ đi lên Lèo.
- Ði làm chi lên trển! Xa quá! Bà có một mình con Bạch Yến nếu gả như vầy rồi nó xa bà còn gì?
- Tôi dục dặc là tại cái đó. Tôi có nói với cô Cẩm Hương, hễ tôi gả thì vợ chồng nó phải ở với tôi, chớ dắt nhau đi rồi tôi làm sao.
- Bà có đủ cơm mà nuôi con rể, cần gì phải cho đi xa làm chi.
- Cô Cẩm Hương nói ông Bác Vật dục dặc không muốn ở với tôi, bởi vì sáu trăm đồng bạc lương nhiều quá, lại còn tiền huê hồng nữa, nếu bỏ không chịu làm thì uổng.
Ông Phán nói:
- Ông Bác Vật dục dặc phải lắm đa bà Huyện. Hể học thì phải hành. Từ nhỏ chí lớn ổng học cái nghề ấy, bây giờ tới lúc hành, bà thương ổng bà cản, bà không cho ổng hành thì uổng cái tài của ổng chớ. Bà biểu ổng ở nhà rồi làm việc gì? Xứ mình có mỏ đâu mà tìm.
- Chớ tôi cho con Bạch Yến đi theo rồi tôi ở nhà với ai?
- Hể xuất giá thì phải tùng phu chớ. Có con gái khi nào nó lớn mình gả nó rồi, thì nó làm sao tự ý nó, mình còn ngăn trở đường tương lai của nó sao phải.
Bà Ba Lung xen vô nói tiếp rằng:
- Ông Huyện khuất rồi, mà bà kiếm chỗ đặng xứng đáng như vậy bà gả cháu, thiệt là có phước lắm. Tôi chắc nếu ông Huyện ở dưới suối vàng mà ông hay, thì ông cũng vui lòng nữa. Mà bà bà nói ông Bác Vật ổng còn dục dặc, vậy bữa nay bà mời bà con tới đây làm gì?
- Không có đám gì hết. Hôm đi chơi trong chợ đêm, tôi với Bạch Yến có gặp ông Bác Vật rồi, ổng cũng đã thấy con nhỏ chán chường, nên không cần gì coi nữa. Nhưng mà hễ muốn tính việc hôn nhơn thì trước hết ổng phải tới nhà chơi cho biết. Cô Cẩm Hương định chiều nay dắt ổng lên chơi. Tôi hay vậy, tôi mới mời lên ăn cơm. Ấy vậy bữa nay là bữa ăn cơm nói chuyện chơi, chớ chưa có đám gì hết.
- Bà có dọ ý cháu nó ưng hay không?
- Nó ưng.
- Nó ưng mà nó cũng chịu bỏ bà để theo chồng mà lên Lèo hay sao?
- Nó ưng mà không chịu đi.
- Ưng mà không chịu đi sao được.
- Nó tính để nó nói với ông Bác Vật bỏ việc đi Lèo, mà nó chắc nó sẽ nói được.
Chủ khách nói chuyện tới đó, kế thấy có một chiếc xe hơi ngừng ngoài cửa.
Một người bồi chạy vô thưa với bà Huyện hay rằng cô Ðốc học đã lên tới. Khách thôi nói chuyện, bà Huyện thủng thẳng đi lại cửa giữa chực rước khách, còn Bạch Yến thì núp ló trong cửa buồng.
Cô bước lên thềm, cô mặc một bộ đồ hàng „bom bay“ trắng may thiệt khéo, tay cứ cầm cái bóp da vàng hoài. Tất Ðắc đi theo sau, cậu mặc một bộ đồ nỉ đen, bâu cứng, nơ đen, giày da láng, tóc thoa „brillantine“ láng nhuốt, tay có mang găng[9] trắng, mà tay mặt thì cầm một bó bông hường trắng còn bán khai, tay trái cầm một gói nhỏ bao giấy lụa đỏ.
Cô Cẩm Hương vừa thấy bà Huyện thì nói rằng: „ Em lên trễ, để cho bà đợi thiệt em lỗi nhiều quá. Cậu Bác Vật lại rước em hồi 4 giờ, ngặt em phải chờ cho tan học rồi em đi mới được, nên mới trễ đó“.
Bà Huyện cười mà đáp rằng: „ Hôm trước cô có nói gần sáu giờ cô lên mới tới. Bây giờ chưa sáu giờ thì có trễ chi đâu. Thôi mời vô nhà“.
Bà Huyện trở vô. Cẩm Hương với Tất Ðắc theo sau. Tất Ðắc bước vô thấy ông Phán Quí thì đứng ngay mình rồi cúi đầu chào theo lễ phép bên Pháp. Ông Phán đứng dậy đáp lễ, rồi Tất Ðắc mới bước lại gần bộ ván mà chào bà Phán và bà Ba Lung.
Cô Cẩm Hương mời Tất Ðắc ngồi xa lông với ông Phán rồi nói rằng: „Ủa, con Bạch Yến đâu rồi? Học trò của tôi nó bạc như vậy đó! Tôi lên mà nó không thèm ra chào hỏi chớ“.
Bạch Yến trong cửa buồng bước ra, mặt sáng như trăng rằm, miệng chúm chím cười như hoa nở. Cô chấp tay cúi đầu chào cô Cẩm Hương. Cẩm Hương gặc đầu nói rằng: „Ờ, tưởng đâu em trốn, em không dám ra. Mình là gái tân thời mà mắc cỡ nỗi gì. Thôi lại chào ông Bác Vật đi“.
Bạch Yến bước lại đứng trước mặt Tất Ðắc và cúi đầu mà nói rằng: „Em chào ông“.
Tất Ðắc đứng dậy ngó ngay Bạch Yến mà cúi đầu, rồi lấy gói bông hường và cái gói đỏ đưa cho Bạch Yến và cười nói rằng: „Tôi cũng cung kính mà chào cô. Ðến thăm cô, tôi chẳng biết lấy vật chi làm lễ tân kiến cho xứng đáng, nên tôi tạm dưng cho cô một bó bông huờng, với một ve dầu thơm, bông trắng tặng cái tiết của cô, dầu thơm tặng cái danh của cô, nếu cô nhận chút lễ mọn của tôi, thì tôi lấy làm vinh hạnh lắm“.
Bạch Yến đưa tay lấy bó bông và ve dầu, hai người nhìn nhau sắc mặt đều hân hoan, miệng đều cười chúm chím.
Bạch Yến đem bông và dầu vô buồng. Cô Cẩm Hương lại ván ngồi với mấy bà. Tất Ðắc ngồi lại ghế xa lông, song khiêm nhượng nên ngồi dưới ông Phán, chớ không dám ngồi ngang.
Ông Phán hỏi Tất Ðắc:
- Ông Bác Vật ở bên Tây về hồi nào?
- Thưa, cháu mới về hôm tháng giêng.
- Ông qua bển học mấy năm mà được bằng Bác Vật đó?
- Thưa cháu ở bên Tây gần 7 năm.
- Giỏi chớ, học được như vậy thiệt là giỏi. Nghe nói có hội nào bên Tây tính cậy ông lên Lèo Thượng mà tìm mỏ vàng mỏ bạc phải hôn?
- Thưa, phải.
- Ông chắc tìm có mỏ hay không?
- Chắc phải có. Cái vùng núi từ ranh Vân Nam chạy dài xuống một bên thì sông Cửu Long, còn một bên là dãy núi Trung Kỳ, chắc phải có mỏ nhiều. Xưa nay người ta chưa khai khẩn là vì không có ai đi tìm, hoặc có đi tìm mà người tìm không đủ tài đủ lực, nên tìm không ra.
- Ði tìm thì đi trên mặt đất, làm sao biết chỗ nào có mỏ mà đào?
- Thưa việc đó khó với người không học, chớ nếu học cho tinh rồi thì không khó gì. Ði tìm mỏ mình phải nhắm địa thế, rồi lấy đất cát phân chất ra mà coi. Hễ phân chất rồi mình biết chỗ đó có mỏ hay không, như có mỏ mà mỏ gì, có khi mình cũng biết được mỏ ở cách mặt đất bao nhiêu thước nữa.
- Giỏi quá! Nếu tìm được mỏ vàng thì quý lắm.
- Mỏ vàng thì ít có. Mà dầu có đi nữa, vàng thường hay lộn với nhiều loại khác. Mình phải lập hãng xây lò mà nấu, tốn vốn, tốn nhơn công nhiều mới lấy vàng được. Tuy vàng giá cao hơn mấy loại kim khác song mình bị tổn phí nhiều quá, nên còn lời không bao nhiêu. Tôi ước mong tìm cho được mỏ bạc, hay mỏ sắt, có lợi nhiều hơn.
Bồi bưng một mâm rượu khai vị để trên bàn, rồi cô Bạch Yến lại mời ông Phán và Tất Ðắc dùng. Ông Phán nói ông có bịnh nhức mỏi nên ông cữ rượu và ông mời Tất Ðắc dùng rượu một mình.
Bạch Yến nói:
- Nếu bác Phán cữ rượu, thôi để cháu rót „limonade“ cho bác uống.
- Thôi cháu, răng của bác lung lay hết, uống „limonade“ có nước đá đây nó nhức chịu không nổi. Ðể bác uống nước trà. Cháu rót rượu mà mời ông Bác Vật đi.
Bạch Yến hỏi Tất Ðắc:
- Thưa ông muốn dùng thứ rượu nào?
- Tôi ít ưa rượu. Nhưng thứ nào cô mời thì chắc tôi uống cũng ngon hết. Vậy cô muốn cho thứ rượu nào tuỳ ý cô lựa.
- La ve được hôn?
- Thứ rượu đó hạp với cảnh ngộ hôm nay lắm. Nếu cô bằng lòng như vậy thì cứ rót cho tôi một ly.
Bạch Yến lấy một chai „la ve“ biểu bồi khui rồi rót một ly mời Tất Ðắc.
Cô Cẩm Hương dòm thấy thì nói lớn rằng: „Cậu Bác Vật ngỗ quá! Thấy Bạch Yến rồi cậu đòi „la ve“ chớ“.
- Thưa chị, sự đó em không cố tâm. Cô Hai mời em dùng rượu, em cậy cô lựa giùm, cô lựa „la ve“ cho em đó chớ.
Mấy bà đều cười. Bà Ba Lung ngó bà Huyện mà nói nho nhỏ rằng: „Ông Bác Vật vui vẻ quá. Cặp đó xứng đôi dữ!“ Bà Huyện gật đầu. Cô Cẩm Hương nói: “Tôi tưởng cô Bạch Yến nhát chớ, té ra nó cũng dạn dĩ mà“. Bà Phán nói: „Con gái đời nay thấy đờn ông con trai nó biết mắc cỡ như chị em mình hồi trước vậy đâu“.
Cẩm Hương bước qua ghế xa lông lấy một cái gối dựa mà coi rồi hỏi Bạch Yến:
- Phải em thêu đây hay không?
- Thưa phải, em thêu đó đa.
Cẩm Hương hỏi Tất Ðắc:
- Cậu coi học trò tôi thêu có khéo tay hay không?
- Khéo lắm! Nhưng mà coi đẹp con mắt có một chút, còn người ngồi thêu phải mệt trí nhọc xác hết sức.
- Cậu còn nói cái điệu trong hội chợ đêm hôm trước đó nữa chớ. Hôm trước là đi chơi, còn bữa nay đi coi vợ đa. Cậu còn pha lửng nữa thì hụt vợ, chớ không phải chơi đâu.
Bà Huyện tức cười, bà thuật những lời Tất Ðắc đối đáp với Bạch Yến hôm nọ trong hội chợ đêm cho mấy bà nghe, thì mấy bà cười ngất. Cô Bạch Yến thấy bàn ăn đã dọn xong rồi, cô mới bước lại nói nhỏ với mẹ, xin mẹ mời khách nhập tiệc.
Bà Huyện đứng dậy mời khách.
Cô Cẩm Hương lại bàn ăn thấy dọn có sáu chỗ thì cô hỏi rằng:
- Ủa, sao dọn có sáu chỗ? Bạch Yến, em không chịu ngồi hay sao!
Bạch Yến đáp:
- Thưa, để em thong thả đặng em coi cho bầy trẻ bưng dọn mới được.
Cô Cẩm Hương:
- Ê, không được. Em phải ngồi chớ. Ở đời nay mà em làm theo thói người xưa thì trái mùa quá. Ngồi ăn rồi sai bầy trẻ không được hay sao, cần gì phải ở ngoài mà coi.
Cô kêu bồi mà biểu lấy thêm một bộ chén đũa và nhắc thêm một cái ghế để đầu hàng phía trên rồi mời ông Phán ngồi tại đầu bàn. Một bên cô sắp bà Huyện, bà Ba Lung rồi cô Bạch Yến, còn bên kia cô mời bà Phán ngồi trên, rồi tới cô, Tất Ðắc ngồi sau hết, ngang mặt với Bạch Yến. Ông Phán và mấy bà đều ngồi theo ý cô Cẩm Hương sắp, Bạch Yến cũng phải vâng lời, chớ từ chối không được.
Chủ khách vừa mới cầm đũa, thì cô Cẩm Hương nói rằng:
- Cậu Bác Vật có tánh hay mắc cỡ. Bạch Yến em gắp đồ ăn mà mời cậu ăn nghe hôn.
Bạch Yến ngó Tất Ðắc mà cười và đáp rằng:
- Hôm trong hội chợ, ông Bác Vật có ăn bánh với em, tại gian hàng cô. Ông ăn bánh như thường, có mắc cỡ chi đâu.
- Hôm đó khác, còn bữa nay khác.
- Hôm đó mới gặp lần đầu, mà ông không mắc cỡ, bữa nay quen rồi, em chắc ông không mắc cỡ đâu.
- Nếu cậu không mắc cỡ thì cậu lo lập nghiêm, cậu ăn cũng không được, nên em là chủ nhà, em phải ép cậu.
- Em xin vâng lời cô.
Bạch Yến gắp một miếng chả giò bỏ vào chén Tất Ðắc. Cậu cúi đầu tạ ơn, và liếc mắt ngó cô rất hữu tình. Cẩm Hương kiếm chuyện mà nói với mấy bà không dứt, để cho hai trẻ thong thả đưa tình với cặp mắt, gây nghĩa với những món ăn. Ăn cơm rồi mấy bà cũng lại ván mà ngồi ăn tráng miệng và uống nước. Ông Phán với Tất Ðắc cũng ngồi tại xa lông. Ông Phán vừa bưng chén trà vừa hỏi Tất Ðắc:
- Ông tính cưới vợ, thoảng như giấy bên Tây gởi qua, ông phải đi lên Lèo rồi làm sao?
- Cái đó thiệt khó. Ví như hội chẳng trả lời, để cháu cưới vợ xong rồi giấy sẽ qua tới, thì tiện lắm. Còn như cháu nói mà chưa kịp cưới vợ, rủi giấy gởi qua gấp, thì rối cho cháu quá.
- Ông định dắt vợ lên Lèo hay sao?
- Việc đó cháu chưa dám quyết định. Nếu vợ cháu vui lòng đi với cháu thì tốt lắm. Còn như sợ cực không chịu đi, thì cháu để ở dưới nầy lâu lâu cháu về thăm.
- Việc đó hồi nãy mấy bà có bàn luận với nhau. Tôi coi ý bà Huyện nếu bà gả con Bạch Yến thì bà bắt rể phải ở với bà, chớ bà không cho đi xa. Mà nghe nói con Bạch Yến nó không chịu đi.
- Cháu đã gởi thơ hứa lỡ với hội rồi, bây giờ làm sao?
- Có hại gì. Bây giờ mình nói mình mắc việc nhà nên đi không được thì thôi, hội có phép nào ép mình, chớ phải làm việc nhà nước hay sao mà sợ.
- Ði lên đó ăn lương lớn quá, mà việc thành rồi cháu còn được chia lời nữa. Ðó là một cơ hội cho trai lập nhiệp, bỏ cơ hội ấy thì uổng lắm.
- Ông nói phải. Ði làm như vậy mà bỏ thì uổng thiệt. Nhưng mà tôi nghĩ, con người giàu hay nghèo đều tại số mạng. Nếu ông có cái mạng làm giàu, dầu nằm chơi ở nhà, ông cũng giàu. Còn nếu mạng của ông phải nghèo, dầu ông có sẵn bạc muôn bạc triệu đi nữa, cũng không còn. Huống chi lên xứ Lèo là chỗ non cao rừng rậm, nước độc, thú dữ. Ði lên đó có phải dễ gì đâu. Theo tôi tưởng nếu ông cưới vợ, như cưới chỗ nào khác thì tôi không dám nói, chớ cưới con bà Huyện đây, ông ở không đi chơi, đừng thèm làm việc chi hết, ông cũng không đói.
- Ông thương cháu, ông dạy như vậy, thiệt cháu cám ơn lắm. Ngặt vì phận nam nhi thì phải bay nhảy với đời, phải làm cho có công danh, phải tạo cho thành sự nghiệp, chớ không lẽ nằm không mà ăn cơm mỗi ngày hai bữa. Huống chi công cháu học đã dày, may gặp dùng tài học của cháu, mà phải bỏ đi, thì đáng tiếc lắm.
- Ðã biết như vậy, song ở đời có nhiều cái trặc trẹo lắm. Nhiều khi mình tính việc nầy mà mình phải làm việc khác. Vậy chớ ông không thấy hay sao? Có người học về chánh trị mà lại ra buôn bán. Có người học về y khoa, mà lại đi làm ruộng làm vườn. Tôi tưởng ở đời thế nào cũng được, miễn khoẻ thân yên trí là hơn.
- Ông là người lớn tuổi, lịch lãm việc đời, ông khuyên cháu như vậy, thiệt cháu đội ơn ông lắm. Vậy để cháu suy nghĩ lại.
- Ừ, ông nên suy nghĩ lại. Tôi coi ý bà Huyện thương ông lắm. Ðó cũng là cơ hội.
- Cám ơn ông.
- Tôi trọng tuổi, mà lại có bịnh nhức vai, hễ ngồi lâu rồi đau rang cả cái lưng, ngủ không được. Vây để tôi kiếu đặng tôi về nằm nghỉ.
Ông Phán ngó qua bộ ván, thì tấy bốn bà đã gầy sòng tứ sắc đánh xu nhỏ một lện mà chơi với nhau, ông cười mà nói rằng: „Mấy bà hễ gặp nhau thì vậy hoài. Thôi tôi cáo lỗi xin cho tôi về sớm“.
Bà Phán nói: „Ông có mệt thì về trước đi, để tôi đánh bài chơi một chút“.
Ông Phán từ giã mấy bà rồi bắt tay Tất Ðắc mà nói rằng: „Tôi xin lỗi ông Bác Vật“.
Tất Ðắc cúi đầu đáp rằng: „Cháu không dám“.
Tất Ðắc đưa ông Phán ra cửa ngõ rồi cậu mới vô nhà.
Cô Cẩm Hương nói rằng: „Ông Phán về thì về, chớ cậu Bác Vật đừng có bắt chước mà về không được đa. Làm rể, chừng nào người ta cho phép mới được về. Mấy bà bây giờ mắc đánh bài vậy Bạch Yến phải lãnh cầm khách, nghe hôn“.
Cô Bạch Yến dạ, rồi ngó Tất Ðắc mà cười. Cô rót nước trà mời cậu uống, lấy thuốc mời cậu hút.
Hai người ngồi ngang nhau tại xa lông, cứ liếc ngó nhau rồi chúm chím cười, chớ không biết chuyện chi mà nói.
Cách một lát cô Cẩm Hương nói rằng: „Ủa, Bạch Yến em cầm khách, mà sao em ngồi lặng thinh vậy? Còn cậu Bác Vật bình thường ham nói lắm mà sao bữa nay lại quên sách, quên vở hết rồi“.
Tất Ðắc đáp rằng:
- Ngồi chơi cũng vui, cần gì phải nói. Vậy chớ chị quên câu: ”Nói là bạc, còn nín là vàng” hay sao?
Cô Cẩm Hương ngó bà Huyện mà cười và nói rằng:
- Trong trí cậu cứ tưởng việc tìm mỏ vàng mỏ bạc hoài, nên hễ mở miệng ra là nói vàng bạc. Nè, cậu Bác Vật, tôi nói cho cậu biết, hễ cậu vô làm rể nhà nầy, thì bà Huyện không chịu cho cậu đi lên Thượng Lèo, Hạ Lèo gì đâu, cậu đừng có chộn rộn.
Bà Huyện nói:
- Thiệt tôi không cho đi đâu hết. Vợ chồng nó phải ở nhà với tôi chớ.
Bà Ba Lung nói:
- Ông Bác Vật vui vẻ, dễ thương quá.
Bà Huyện cười và nói:
- Không biết tại trời khiến hay sao, mà hôm trong hội chợ tôi gặp có một lát thì tôi thương quá.
Bà Phán nói:
- Rể như vậy mà không thương sao được.
Cô Cẩm Hương nói:
- Còn mới, nên cậu lập nghiêm đó. Ðể quen rồi đây cậu nói chuyện lộn ruột lộn gan cho mà nghe. Bà Huyện có thấy rồi bữa hổm.
Bà Huyện nói:
- Ừ, nói chuyện nghe dễ thương lắm.
- Tất Ðắc lóng tai nghe mấy bà khen cậu, thì cậu làm bộ mắc cỡ, nên ngồi ngó ra ngoài sân, không nói chi hết.
Cô Cẩm Hương nói:
- Bạch Yến em không biết nói chuyện, thôi em dắt cậu Bác Vật ra sân chỉ bông của em trồng đó cho cậu coi chơi, đi em.
Bạch Yến đứng dậy, Tất Ðắc cũng đứng theo, rồi người không mời, kẻ không nài, mà hai người đồng bước ra cửa. Khi xuống thềm Tất Ðắc hỏi Bạch Yến rằng:
- Cô ưa trồng bông lắm sao?
- Em có tánh ái hoa, nên thích trồng hoa lắm. Ông yêu hoa hay không?
- Cô thích thứ gì thì tôi yêu thứ đó.
Bạch Yến dừng lại, ngó ngay Tất Ðắc mà cười và hỏi rằng:
- Mấy điều ông mới nói thiệt, hay ông nói theo điệu lãng mạn như trong hội chợ?
- Ðây là nhà cô, chớ phải là hội chợ hay sao mà nói lãng mạn.
- Té ra ông đã phế cái chủ nghĩa „Bất cần lao“ rồi hay sao?
- Tôi phế đó là tại cô! Cô có biết sắc cô đẹp, tướng cô đi, miệng cô cười, mắt cô liếc thầy tu đều ngã mặn, chí sĩ đều lạt lòng hết hay không?
Bạch Yến ngó Tất Ðắc trân trân. Ðèn điện ngoài đường giọi vô sân lờ mờ, nhưng mà hai người nhìn nhau đều thấy rõ ràng mỗi người trên mặt có cái vẻ cảm tình ngấm ngầm; vừa vui vừa buồn pha lộn. Bạch Yến nói:
- Nghe những câu ông nói đó thì em hết dám chê ông dốt về khoa ái tình nữa rồi. Vậy mà hổm nay em trông ông lên nhà, đặng em xin ông giảng giải cho rõ cái chủ nghĩa „bất cần lao“ cho em hiểu chớ.
- Tôi lấy làm tiếc là không làm cho cô vừa lòng được, bởi vì hổm nay tôi quên hết cái chủ nghĩa đó rồi, bây giờ tôi mắc lo thờ cái chủ nghĩa khác.
- Chủ nghĩa có thể đổi dễ như vậy hay sao?
- Chủ nghĩa khó đổi lắm. Nhưng vì nhan sắc của cô mạnh hơn chủ nghĩa nhiều quá, nên nó xoay chủ nghĩa như chơi.
- Bây giờ ông thờ chủ nghĩa nào đâu, xin ông cho biết một chút?
- Từ bữa gặp cô đến nay sao tôi lại mê mẩn cái chủ nghĩa „gia đình“.
- Cha chả, chủ nghĩa mới nó trái hẵn với chủ nghĩa cũ, đa ông.
- Thiệt trái hẵn, mà người của tôi bây giờ cũng khác hẵn, chớ không phải là người hôm nọ.
- Tại sao vậy?
- Tại cô có cái tinh thần mờ mờ mà mạnh mẽ lắm, nó lôi kéo tôi, rồi nó đổi người tôi, nó đổi luôn chủ nghĩa của tôi nữa chớ sao.
Bạch Yến cười. Cô đứng ngó ra ngoài đường rồi hỏi rằng:
- Hồi chiều em thấy ông với cô Ðốc đi lên bằng xe hơi sao cái xe đâu mất rồi?
- Hồi chiều tôi mướn xe „location“[10] tôi lên cho mau, vì tôi nóng nảy muốn gặp cô, nếu đi xe kéo thì chậm lắm. Tôi biết hễ lên đây rồi thì không thể về mau được, nên tôi trả tiền cho xe về trước, chớ để nó đậu chờ sáng đêm tốn tiền vô ích.
- Thôi, em mời ông bước lại đây mà xem hoa em trồng.
Bạch Yến dắt Tất Ðắc thủng thẳng đi lại vườn hoa.
Hai người đi lại tới giàn hoa thì ngừng lại. Nhờ đèn trong nhà giọi sáng ngang qua cửa sổ nên vườn hoa vườn hoa chỗ sáng chỗ mờ. Tất Ðắc ngó giàn hoa, ngó mấy chậu bông sắp hàng, rồi ngó cái bàn đá. Cậu gục gặc đầu mà nói rằng:
- Tôi thường nghe người ta nói động tiên đẹp lắm. Tôi chưa được thấy lần nào, nhưng mà tôi chắc có đẹp thì đẹp như vầy, chớ không thế nào mà hơn được. Ban đêm trăng tỏ, mình tắt hết đèn trong nhà đừng cho giọi ra đây, mình ngồi lại cái băng nầy, mình mời người yêu của mình ngồi một bên, trên trời bóng trăng giọi giàn nho rồi tỏa ánh sáng dưới giàn chỗ tỏ chỗ mờ, mình ngó trăng, ngó bông, rồi ngó người yêu, mình sẽ thơ thới trong lòng như mấy ông tiên vậy. Thiệt tôi không ngờ hôm nay tôi được lạc bước đến chỗ nầy, mà tới đây rồi chẳng biết còn hy vọng được trở lại đây nữa hay không!
Bạch Yến đứng ngó Tất Ðắc trân trân, chừng cậu nói dứt lời rồi, cô cười mà nói rằng:
- Sành sõi về khoa ái tình quá, mà nói mới học chớ.
- Ái tình không phải học mà biết đâu cô. Trái lại tim của mình nó đập thế nào đó rồi nó làm cho mình sanh ái tình chớ.
- Nhờ ông cắt nghĩa em mới hiểu, chớ thiệt thuở nay em không biết.
- Thuở nay cô chưa cảm về ái tình lần nào hay sao?
- Chưa.
- May cho cô lắm.
- Tại sao mà ông nói may?
- Vướng tơ tình khổ lắm cô ơi! Tôi mới vướng có mấy bữa nay mà tôi chịu không nổi.
- Em khuyên ông phải ráng mà chịu, bởi vì có cực nhiều thì công càng lớn.
- Tôi tình nguyện chịu cực.
Bạch Yến cười rồi bước lại chậu bông, tay vuốt ve bông mà nói rằng:
- Em dắt ông đi xem bông mà nãy giờ cứ kiếm chuyện bậy bạ hỏi ông hoài, không chỉ bông cho ông xem chớ. Mấy chậu hường em trồng đây bông không được lớn lắm, là vì thiếu phân. Ðất nầy khó kiếm phân quá, phần thì nắng nhiều nên hường trồng không thể nào bằng trên Ðà Lạt được. Còn mấy chậu cẩm nhung thì khá. Cẩm nhung em trồng đủ màu, mắc ban đêm ông thấy không rõ, chớ ban ngày coi đẹp lắm.
Tất Ðắc nói:
- Bông cô trồng coi đẹp thiệt, nhưng mà nhờ cô chỉ nên mới đẹp đó.
- Nữa kìa! Thiệt ông nói người ông bữa nay với người ông hôm trong hội chợ khác hẵn nhau, thì là phải lắm.
- Mà cô coi người bữa nay với người bữa hổm người nào hay người nào dở.
- Hai người riêng ra thì dở hết. Hay là nhờ hai người nhập một đó.
Cẩm Hương ở trong nhà nói om sòm rằng:
- Hai người đó dắt nhau đi coi bông xứ nào đâu, mà biệt mất vậy kia. Thế họ đi lên Ðà Lạt sao chớ.
Bạch Yến chỉ vô nhà mà cười, rồi mời Tất Ðắt vô.
Cẩm Hương thấy hai người bước vô thì nói rằng:
- À, vô kia kìa. Vậy mà tưởng đi mất rồi chớ. Cậu Bác Vật ở chơi chờ tôi về với nghe hôn. Ðừng có bỏ tôi mà về trước đa.
Tất Ðắc nói: « Em đâu dám”, rồi bước lại đứng coi đánh bài. Bạch yến biểu bồi nhắc ghế đem lại cho cậu ngồi rồi cô đi làm cà phê mà đãi khách. Ðến 11 giờ, bà Ba Lung nói buồn ngủ nên xên bài[11] . Khách sửa soạn về, thì cô Cẩm Hương nói với bà Huyện rằng:
- Bữa nay sẵn có hai bà đây là hai bà con trong nhà, tôi xin thưa thiệt với bà Huyện; cậu Bác Vật mồ côi cha mẹ mà nay cậu đã học nên danh rồi. Cậu về xứ mấy tháng nay, thiệt cậu quyết lập công danh chớ cậu không tính cưới vợ. Tại trời xui khiến cậu gặp Bạch Yến cậu thấy tánh nết nó cậu mến, nên cậu cậy tôi thưa với bà Huyện, nếu bà không chê cậu thì cậu xin cưới nó. Bà Huyện có vui lòng gả hay không, xin nói giùm cho cậu biết đặng cậu lo bề bước tới.
Ai nấy đều nín khe, lóng tai nghe bà Huyện nhứt định. Bà Huyện ngồi lặng thinh một hồi rồi bà nói chậm rãi rằng:
- Gả thì tôi gả, nhưng mà tôi nói trước, hễ tôi gả thì tôi bắt ở với tôi, chớ tôi không cho đi đâu hết.
Cô Cẩm Hương cười mà đáp rằng:
- Tôi xin thay mặt cho cậu Bác Vật mà cám ơn bà Huyện. Miễn là tôi được biết bà Huyện chịu gả thì đủ rồi vì việc đó là việc cần hơn hết. Còn việc bắt ở với bà là việc sau, để chừng cưới rồi mình sẽ tính, không muộn gì. Bây giờ tôi xin bà Huyện một điều nữa: cậu Bác Vật côi cút, như bà có thương thì xin bà dung chế đừng buộc đủ tục lễ mà tội nghiệp cậu. Xin bà kể bữa nay như là đám hỏi đi. Mình coi ngày coi tháng chừng nào được, thì cho làm lễ cưới khỏi phải làm đám hỏi nữa.
Bà Phán nói rằng:
- Ðời nầy có ai làm nhiều lễ. Hễ nói xong thì chọn ngày đi cưới một lần cho tiện.
Bà Huyện nói tiếp rằng:
- Tôi dễ lắm, tính sao cũng được hết. Tôi buộc gắt điều là hễ cưới rồi thì phải về ở với tôi.
Cô Cẩm Hương đứng dậy nói:
- Ðược, được mà. Việc đó xin bà để tôi tính.
Cẩm Hương với Tất Ðắc từ giã mọi người, rồi kêu xe kéo mà về.
Bà Phán với bà Ba Lung cũng về theo. Khi bước ra cửa bà Ba Lung nói với bà Huyện rằng:
- Thôi, tính vậy cũng xong. Ông Bác Vật xứng đáng mà tính dễ thương quá. Còn kén chọn chi nữa.
Bà Huyện cười và nói rằng:
Tôi thương nó nên tôi mới chịu gả đó chớ.
|
Sớm mai chúa nhựt, học trò nghỉ hết nên trường “Nữ lưu học hiệu” của cô Cẩm Hương, mấy căn đều đóng cửa vắng hoe. Căn nhà riêng của cô ở, là căn nhà đầu, thì cửa mở có một cánh.
Cô Bạch Yến bận một bộ đồ lụa mỏng màu trứng gà, trau giồi thiệt khéo, trang điểm thiệt đẹp, ngừng xe kéo ngay trước cửa cô Cẩm Hương rồi bước xuống gọn gàng, mở bóp bằng da màu xám ra lấy bạc cắc mà trả tiền xe. Chú xa phu đưa hai tay lấy tiền và nói nhỏ nhẹ rằng: “Ðường xa quá xin cô cho tôi xin năm xu”. Bạch Yến cười và lật đật lấy thêm một cắc mà nói rằng: “Tôi cho chú thêm một cắc đó”. Cô đưa rồi quày quả đi vô cửa. Xa phu nói: “Thưa cô, dù”. Chú nói và lấy cây dù bằng lụa xám chạy rìa xanh mà đưa. Bạch Yến trở lại lấy dù rồi bươn bả đi vô, không kịp cám ơn xa phu, mà xa phu hỏi chừng nào cô về đặng chờ, thì cô khoát tay mà thôi, không kịp nói.
Bước vô tới cửa ngó quanh quất không thấy ai hết, bộ cô thất vọng nên có sắc buồn.
Người đàn bà ở nấu ăn, đương lui cui sau bếp thấy dạng cô Bạch Yến thì nhè nhẹ đi lên.
Bạch Yến hỏi:
- Cô Ðốc đi đâu vắng.
- Thưa, bà tôi còn ngủ.
- Qua tám giờ rồi mà còn ngủ hay sao?
- Thưa. Hồi hôm có khách Trà Vinh lên mời bà đi coi hát. Khuya bà tôi phải thức dậy sớm mà đưa khách về rồi mới di ngủ lại, nên ngủ trễ.
- Từ buổi sớm mai tới giờ, có ông Bác Vật lại đây hay không?
- Ông Bác Vật nào?
- Ông Bác Vật Ðắc, bà con với cô Ðốc đó.
- Thưa, không có.
Bạch Yến rùn vai, châu mài rồi nói rằng:
- Thôi chị làm việc gì thì đi làm đi, để tôi ngồi đây tôi chờ cô Ðốc, tôi coi chừng nhà cho chị luôn thể.
Người nấu ăn xây lưng đi vô trong. Bạch Yến để dù và cái bóp trên cái “divan” rồi ngồi trên ghế tại xa lông. Cô thấy có chơn dung của cô Cẩm Hương để trên bàn, cô vói tay lấy mà nhìn. Cô coi mà mắt cứ dòm chừng ngoài cửa hoài. Một lát cô buông cái chơn dung, cô đúng dậy, rồi bước lại cửa mà dòm ra đường. Cô đứng đó một hồi rồi cô trở vô, cô ngồi lại cái “divan”, cô mở bóp lấy kiếng với phấn ra rồi cô soi mặt mà giồi phấn lại.
Bạch Yến đang chăm chỉ giồi mặt, thình lình Tất Ðắc bước vô đứng tại cửa dở nón mà dòm vô nhà. Tuy nhà không được sáng, nhưng mà hai người thấy nhau rõ ràng. Tất Ðắc xâm xâm bước vô miệng chúm chím cười, còn Bạch Yến lật đật bỏ kiếng và phấn vào bóp, bộ rất bợ ngợ.
Tất Ðắc cúi đầu chào Bạch Yến và hỏi rằng:
- Tôi rất cung kính chào cô. Cô xuống tới hồi nào? Cô chờ tôi lâu hay không?
- Em cũng chào ông. Em xuống tới đây hồi 8 giờ năm phút.
- Bây giờ mấy giờ rồi?
Bạch Yến vén tay áo mà coi đồng hồ rồi đáp rằng:
- Ðúng 8 giờ rưỡi.
- Té ra cô chờ tôi 25 phút. Tôi lỗi quá. Chiều hôm qua tôi được thơ của chị Ðốc dạy sớm mai nầy, từ 8 giờ tới 8 giờ rưỡi tôi phải xuống đây đặng tính việc hôn nhơn. Chị lại nói có lẽ sẽ được gặp cô. Tôi mừng quá, nên bữa nay tôi dậy sớm, thay quần áo rồi 8 giờ thiếu 10 phút tôi ra đi. Rủi đi dọc đường tôi gặp một người anh em bạn níu lại đứng nói chuyện dần dần, làm cho tôi đi trễ, để cho cô phải nhọc lòng. Tôi xin cô tha lỗi cho tôi.
- Ông có lỗi chi đâu. Em đi chợ Bến Thành, tiện đường em đi thẳng vô đây thăm cô Ðốc. Thiệt em không dè ông cũng lại đây.
- Té ra hai ta gặp nhau đây là việc tình cờ? Tôi được gặp cô, thì vui vẻ phi thường, mà nghe cô nói mấy lời vô tình ấy, thì sự vui của tôi 10 phần giảm hết 5 phần.
- Tại sao vậy?
- Cô không biết hay sao? Cái tình cờ nó vô tình lắm. Phải cố ý gặp nhau thì mới có tình, chớ thình lình gặp nhau thì có tình chi đâu.
Bạch Yến ngó Tất Ðắc rất hữu tình rồi cười mà nói rằng:
- Thôi, em có ý muốn gặp đa. Bây giờ sự vui của anh trở lại đủ 10 phần hay không?
Tất Ðắc cười và đáp rằng:
- Nghe mấy lời nầy, sự vui của qua gia bội tới 20 phần, chớ không phải 10 phần đâu. Em cố ý muốn gặp qua thì sự vui trở lại đủ 10 phần, rồi nghe em kêu qua bằng “anh” thì vui thêm 10 phần nữa là 20 phần.
- Bạch Yến gật đầu. Tất Ðắc để cái nón trên bàn. Cậu ngồi cái ghế gần chỗ Bạch Yến ngồi rồi hỏi nhỏ rằng:
- Chị Ðốc đi đâu? Nãy giờ em xuống đây có gặp chỉ hay chưa?
- Cô Ðốc còn ngủ.
- Ý! May dữ à! Vái chỉ ngủ tới chiều rồi chỉ sẽ thức dậy.
- Tại sao anh vái kỳ cục như vậy?
- Qua vái chỉ ngủ tới chiều đặng mình có nhiều giờ mà nói chuyện với nhau.
- Em không thể ở lâu được. Em xin phép má đi chợ một chút thôi. Em trông cô Ðốc thức dậy em nói chuyện rồi em về. Má khó lắm chẳng bao giờ cho em đi đâu một mình. Hôm sớm mai em nói hết sức má mới cho đi đó, mà má dặn đi một chút xíu mà thôi. Ở lâu đây má rầy chết.
- Nếu má gắt như vậy, thì qua không dám cầm em ở tới chiều, bởi vì qua tính hễ gặp em thì qua sẽ năn nỉ xin em từ nay cho đến đám cưới em vui lòng cho qua thấy mặt thường. Nếu được gặp mới lần đầu mà để cho em bị má rầy rồi má giận má không cho đi nữa, thì qua làm sao mà gặp em cho được. Vậy qua không dám cầm em ở lâu, song qua xin em vui lòng ở, nếu không được vài giờ thì cũng được một giờ đặng qua tỏ tình của qua đối với em cho em rõ.
- Cha chả! Chưa có gì hết mà kêu bằng “má” nghe ngon dữ!
- Hôm nọ có trước mặt nhiều người má đã hứa gả em cho qua rồi. Từ ngày ấy qua tính chắc qua là con rể, nên qua kêu bằng má chớ sao.
- Má chịu gả, mà anh chưa biết em ưng hay không, thì làm sao anh dám chắc anh là con rể?
- Em không ưng hay sao?
- Câu hỏi đó em chưa trả lời được.
- Tại sao vậy?
- Tại em chưa nhứt định.
- Chết chưa! Vậy chớ em còn đợi gì nữa mà em chưa chịu nhứt định?
- Ðợi gặp anh.
- Gặp đây rồi, thì nhứt định đi.
- Em muốn gặp cô Ðốc rồi em mới nhứt định trước mặt anh và cô Ðốc.
- Bây giờ cô Ðốc còn ngủ, thôi em nhứt định thế nào, em nói phứt cho qua biết trước coi.
- Anh gấp nghe lắm hay sao?
- Gắp lắm.
- Anh muốn nghe gấp thì em nói cho anh nghe: Em không ưng.
Tất Ðắc vừa nghe nói thì vùng đứng dậy ngó Bạch Yến trân trân. Cậu châu mày thọc tay trong túi quần đi qua, đi lại, rồi đứng ngay trước mặt Bạch Yến mà hỏi rằng:
- Em chê qua, nên em không ưng phải hôn?
Bạch Yến ngồi ngó ngay ra cửa, không chịu trả lời. Tất Ðắc hỏi câu ấy một lần nữa, thì cô mới thủng thẳng đáp rằng:
- Phải, em chê anh nên em không ưng.
- Tại sao em chê! Em chê, chê chỗ nào xin em nói cho qua biết?
- Chỗ em chê anh đã biết rồi, cần gì phải nói ra làm chi.
Tất Ðắc di qua, đi lại một hồi nữa, rồi lại cái “divan” ngồi gần một bên Bạch Yến, ngó cô một cách dan díu nói giọng buồn thảm rằng:
- Em nói thiệt hay nói chơi?
- Nói thiệt.
- Em có biết sự nói thiệt của em đó làm đau đớn cho qua, cũng như em bắn mũi tên nhọn vào trái tim của qua hay sao? Dầu thế nào đối với qua, em cũng phải dùng một chút từ bi, chớ sao em nỡ nhẫn tâm quá như vậy!
- Em không ưng thì nói em không ưng, có chi đâu mà nhẫn tâm?
- Ví như em không ưng thì em nói với chị Ðốc, hoặc em viết thơ mà nói cho qua hay cũng được. Em không chịu làm như vậy, em lại quyết gặp mặt qua đặng em truyền rao sự em không ưng, cử chỉ dường ấy không phải là cử chỉ của một người độc ác hay sao?
- Cử chỉ đó là cử chỉ của gái đời nay chớ, việc gì cũng nói ra ngay, không sợ ai mà làm bộ làm tịch.
- Gái đời nào cũng vậy, có lẽ nào gái đời nay lại không có nhẫn tâm?
- Em không ưng, anh phiền em lắm hay sao? Mà sao theo trách em hoài vậy?
- Em hỏi kỳ quá!
- Hồi nãy em tính đợi cô Ðốc thức dậy rồi em sẽ nói. Ai biểu anh cứ theo hỏi hoài làm chi, cho em phải nói ra, rồi bây giờ anh phiền.
- Qua tưởng em muốn tính chuyện đám cưới nên qua mới theo hỏi, chớ qua có dè em nói chuyện như vậy đau?
Tất Ðắc chống tay trên tủ “đi van” mà thở dài rồi nói một mình rằng:
- Hôm trước tôi đã sợ việc đó, nên tôi do dự. Tại chị Ðốc nói bướng, nên bây giờ tôi mới bị hổ thẹn như vầy.
Bạch Yến liếc mắt ngó Tất Ðắc mà nói rằng:
- Em không ưng là tại anh, chớ có phải tại em đâu mà anh phiền em.
- Sao mà tại qua?
- Tại anh không thương em, mà anh dám tính đặng nói cưới bướng em, chớ tại sao?
- Qua không hiểu em muốn nói cái gì. Nếu qua không thương em, thì làm sao qua dám cậy chị Ðốc làm mai đặng qua nói mà cưới em. Người có sắc như em lại có một bà mẹ như bà mẹ của em, thì có thế nào mà người ta không thương đặng. Qua chẳng phải là đá hay là cây, thì qua thấy em tự nhiên qua cũng phải thương em, chớ làm sao mà không thương.
- Anh nói như vậy, sao hôm gặp nhau lần đầu trong hội chợ anh không thèm ngó tới em?
- Vì qua sợ ngó rồi thương em đi, mà cái thương vô hy vọng thì khốn nạn lắm, nên qua không dám ngó.
- Em nghi những lời anh nói đó là lời phĩnh phờ, chớ anh không có thương em chút nào hết.
- Em lấy bằng cớ nào mà em nghi?
- Nếu anh thiệt thương em, mà sao anh còn tính sự đi lên Lèo? Em phiền anh chỗ đó lắm, nên em không ưng, anh hiểu chưa?
- À ạ! Tưởng em phiền về việc nào kia, chớ phiền về việc đó thì quấy lắm. Ðể qua cắt nghĩa cho em nghe. Việc đi Lèo qua tính trước khi gặp em, chớ không phải mới tính đây. Qua học thành tài rồi tự nhiên qua phải lập thân, chớ không lẽ ở không đi chơi hoài.
- Bây giờ anh nói chuyện sao nghe trái với chủ nghĩa “Bất cần lao” quá.
- Ðó là chuyện bày ra nói chơi cho vui, chớ chủ nghĩa gì em.
- Anh giải chủ nghĩa ấy hôm trước nghe hữu lý lắm chớ. Má nghe má chịu lắm.
- Vậy hả? Thôi để chừng cưới rồi qua sẽ dạy cho em thông đặng thiệt hành với qua. Bây giờ để qua nói việc nhà của qua cho em rõ, xin đừng nói chơi nữa. Thiệt qua lo lập thân hết sức. Việc đi lên Lèo là cái tiền trình của qua. Tiền trình ấy tuy đẹp đẽ , song không vui vẻ cho lắm. Từ ngày qua gặp em, nhứt là từ ngày qua được lời má gả em cho qua, thì qua coi cái tiền trình ấy càng thêm rực rỡ bội phần, chẳng khác nào con đường dắt qua vào cảnh tiên, mà chẳng khác nào con đường để cho qua đem hạnh phúc đến mà dưng cho em vậy. Vì qua thương em, qua trọng em lắm, nên qua mới tính cưới em. Nếu qua được một người vợ như em, thì qua phải làm cách nào để vợ qua giàu có, sang trọng hơn các đờn bà khác hết thảy, chớ chẳng bao giờ qua chịu cho vợ qua cứ lục đục ngồi cái địa vị tầm thường như họ vậy. Ấy vậy vì thương em, nên qua phấn chấn muốn đi lên Lèo. Lẽ thì em thấy qua như vậy em càng thương qua, chớ sao em lại phiền qua?
- Anh cưới em rồi, anh đi lên Lèo, anh bỏ em hay sao?
- Em đi với qua chớ.
- Em đi sao đặng. Em đi rồi bỏ má ở nhà với ai?
- Mình đi lâu lâu về thăm má.
- Má không chịu cho em đi đâu.
- Thôi thì em ở nhà với má, lâu lâu qua về thăm một lần.
- Em không chịu như vậy đâu. Vậy chớ anh quên lời má buộc hôm trước hay sao? Má nói má buộc gắt một điều, là hễ cưới rồi thì phải về ở nhà với em và má.
- Phải. Hôm trước má có nói như vậy. Cha chả! Nếu thiệt má cản không cho qua đi lên Lèo Thượng mà tìm mỏ, thì tiền trình của qua bị bít rồi, uổng tài học của qua lắm.
- Nếu anh không chịu bỏ việc đi lên Lèo, thì má không gả, mà em cũng không ưng nữa. Anh liệu lấy.
- Nếu em buộc gắt như vậy, thì tôi nghiệp cho qua lắm. Xin em thưa giùm lại với má, em cắt nghĩa cho má rõ …
- Em không thưa, em không cắt nghĩa gì hết. Em nhứt định anh phải ở nhà bỏ việc tính đi lên Lèo đi.
- Ở nhà rồi đi làm nghề gì ăn?
- Thiệt hành cái chủ nghĩa “Bất cần lao”.
- Việc quan hệ cho đời của qua mà em cứ nói pha lửng hoài!
- Em nói hẵn hòi, chớ em có pha lửng đâu. Nếu anh bỏ việc đi lên Lèo, thì anh muốn gì cũng được hết thảy. Anh nằm không mà ăn, còn có buồn thì thả đi chơi, trọn đời không đói rách chi đâu mà sợ.
- Khó quá!
- Có chi đâu. Không cần làm việc chi hết, song cũng sung sướng no ấm đến già, như vậy thì dễ quá, sao lại than khó?
- Coi kỳ lắm chớ. Làm trai mà để cho vợ nuôi thì thiên hạ coi ra gì.
- Việc riêng của mình có can phạm gì đến thiên hạ mà họ dám xía miệng vô. Mình phải nuôi vợ thì mới lo, chớ còn mình được vợ nuôi thì khoẻ quá, có chi đâu mà ngại. Em nói dứt với anh một điều nầy, nếu anh bỏ việc đi lên Lèo thì em ưng, còn nếu anh cứ tính đi, thì má đã không gả, mà em cũng không ưng nữa. Trong hai lẽ ấy anh chọn lựa đi. Nếu thiệt anh thương em, thì anh viết thơ liền qua Paris mà từ phứt việc đi Lèo cho rồi.
- Khó quá!
Hai người mới nói tới đó, kế cô Cẩm Hương trong buồng bước ra. Cô mặc đồ mát, xõa tóc xuống lưng, cô ngó hai người mà cười và nói rằng:
- Cặp đa tình nầy quá quắc rồi! Cứ rù rì hoài không cho tôi ngủ. Tôi nghe nói chuyện nãy giờ gần trót một giờ đồng hồ rồi, vậy mà nói chuyện đã dứt hay chưa?
Tất Ðắc và đứng dậy và đáp rằng:
- Thưa chưa!
- Chưa? Nói chuyện gì mà dài dữ vậy?
- Cô Hai nói nếu em còn tính việc lên Lèo Thượng mà tìm mỏ, thì cô không ưng. Nãy giờ em viện đủ lý lẽ mà cắt nghĩa mà cắt nghĩa chỗ lợi hại cho cổ hiểu, em năn nỉ xin cô đừng bít nẻo tiền trình rực rỡ của em song cô gắt quá, cô không chịu nghe, cứ buộc em phải cân khối ái tình với sự lập thân, nếu em lo sự lập thân nặng hơn, thì đừng có mong cưới cô.
- Con Hai nó nói phải lắm chớ. Nếu cậu coi cái sự lập thân của cậu trọng hơn nó, thì nó ưng cậu sao được.
- Lương mỗi tháng 600 đồng bạc, lại hưởng huê hồng 2 phần trăm nữa, nếu bỏ uổng quá.
- Cậu có tiếc thì cậu lên Lèo đi, đừng có cưới vợ. Còn như cậu muốn bắt cá hai tay, được công danh mà cũng được vợ nữa thì năn nỉ với nó, chừng nào nó chịu thì tôi sẽ lên tôi thưa giùm với bà Huyện mà xin định ngày cưới. Con Hai, em có nghe bà nói lối nào bà cho cưới hay không?
Bạch Yến đáp rằng:
- Thưa, hôm qua má em nằm nói chuyện với bà Ba, em nghe má em nói có cưới gắp cũng phải để tới rằm, mười sáu tháng sau mới cưới được.
- Một tháng 7 bữa nữa. Ừ, phải định xa ngày như vậy mới đủ thời giờ may áo, may quần, sắm đồ sắm đạc chớ.
- Tuy nói như vậy, song anh Bác Vật phải bỏ việc đi Lèo thì má em mới cho cưới, chớ nếu ảnh tính đi hoài, thì má em không chịu gả đâu.
- Cậu Bác Vật liệu lấy. Muốn được vợ đẹp hay là muốn lãnh lương mỗi tháng 600 đồng, muốn cái nào tự ý cậu. Thôi để tôi rửa mặt rồi tôi đi ra Sài Gòn mua đồ về ăn chơi. Ở nhà đó nói chuyện mà chờ tôi nghe chưa. Tôi đi một chút tôi về liền.
Cô Cẩm Hương trở vô buồng. Tất Ðắc chấp tay sau đít đi qua đi lại bộ suy nghĩ lung lắm. Bạch Yến ngồi trên “divan” cứ ngó chừng cậu hoài song không nói chi hết. Cậu đi một hồi rồi câu nói rằng:
- Lương mỗi tháng 600 đồng có phải ít đâu!
- Còn tiếc nữa, lương lãnh nhiều, song ở trong rừng trong núi, nghe chim kêu, cọp rống, không có một người vợ biết yêu biết trọng, biết lo cho mình, lúc buồn không có ai thỏ thẻ mà khuyên giải, lúc mình đau không có ai lo chén thuốc, bát cơm, có tiền nhiều như vậy thì có tiền nhiều mà làm gì.
- Nếu có tiền nhiều mà lại còn có được một người vợ như em nói đó nữa, thì quí biết chừng nào. Dầu ở trong rừng trong núi cũng chẳng hại gì. Hễ vợ chồng thiệt thương nhau rồi thì trí chồng đầy hình ảnh của vợ, trí vợ đầy hình ảnh của chồng, không còn thấy ai, không còn nhớ ai hết, dầu ở chốn kinh thành cũng như ở đồng sa mạc, vậy cũng nên vào rừng lên núi mà ở, đặng tránh các thế tục vô vị, để trọn thì giờ mà thương yêu nhau, há chẳng hay hơn sao?
Bạch Yến rưng rưng nước mắt, ngồi lặng thinh ngó ra cửa, không nói chi hết.
Tất Ðắc thấy vậy lật đật bước lại ngồi một bên rồi hỏi nho nhỏ rằng:
- Vì qua mà em phải u sầu đau đớn đến thế hay sao?
Bạch Yến cứ ngó ra cửa không trả lời.
Cô Cẩm Hương giồi phấn thay đồ ở trong buồng cô bước ra và nói rằng: “Thôi, ở nhà đó nghe hôn, để tôi đi mua đồ về ăn”. Cô vừa nói vừa đi ra cửa kêu xe kéo mà đi. Tất Ðắc đứng dậy khép bớt cánh cửa rồi trở vô ngồi một bên Bạch Yến mà nói rằng:
- Qua thấy em buồn, qua chịu không được, qua bứt rứt cũng như trăm ngàn mũi kim châm chích qua vậy. Xin em đừng có buồn nữa.
Bạch Yến day qua ngó Tất Ðắc, cặp mắt ướt rượt, mà nói rằng:
- Anh đã làm cho em buồn, rồi bây giờ anh biểu em đừng buồn! Em làm sao cho hết buồn được? Có lẽ em chết thì em mới hết buồn.
- Em đừng có nói vậy chớ.
- Thuở nay em chưa thấy một người nào như anh! Làm cho người ta buồn, rồi biểu đừng buồn, muốn cho người ta chết, rồi biểu người ta đừng chết. Thiệt là kỳ quá.
- Việc gì thủng thẳng mà bàn tính, có chi đâu mà buồn rồi nói phải chết.
- Việc như vậy mà anh nói không có chi hết! Anh biết em thương anh, bây giờ không thể nào em rời anh được. Mà anh biết phận em có một mẹ một con, em thương má em lắm, em cũng không thể xa má em được. Anh biết như vậy mà em năn nỉ xin anh đừng đoạn tình mẹ con của em và cũng đừng đoạn tình thân ái của em nữa, mà anh không chịu nhận lời, thế thì làm sao mà em không buồn, làm sao mà em không muốn chết cho được!
Bạch Yến nói tới đó rồi nước mắt chảy ròng ròng.
Tất Ðắc nhìn Bạch Yến trân trân, rồi thở dài một cái mà nói chẫm rãi rằng:
- Thôi, em đau đớn đến thế, thì qua phải thí cái đường công danh của qua cho rồi, chớ còn tiếc làm gì.
Bạch Yến vừa nghe mấy lời ấy thì day qua hỏi rằng:
- Anh nói sao?
- Qua nói em đau đớn đến thế, thì qua phải thí cái đường công danh của qua, chớ còn tiếc làm gì.
- Thiệt như vậy hay sao? Thiệt anh chịu bỏ sự tính lên Lèo hay sao?
- Thiệt. Qua bỏ hết để cho em được vui lòng.
Bạch Yến vội vàng nắm lấy tay Tất Ðắc và cười và nói rằng:
- Em cám ơn anh lắm. Má em hay anh chịu bỏ sự đi lên Lèo thì má em mừng biết chừng nào.
Tất Ðắc ngó Bạch Yến, thấy cô nước mắt nhiểu ướt mặt, thì móc khăn mù soa[1] trong túi ra mà chậm cho cô. Cô cứ đưa mặt cho cậu lau nước mắt, cô ngồi im lìm, trí tiêu diêu, xác khoái lạc. Cậu lau mặt cô khô rồi, cô bèn kề mặt gần mặt cậu mà nói rằng: “Anh biết thương em, anh dám thí đường công danh của anh mà làm cho đời em được hưởng hạnh phúc, thì em phải thương anh liền bây giờ. Em cho phép anh hun em một cái đi”.
Mùi thơm bát ngát, tiếng nói dịu dàng làm cho biển tình tràn trề, lửa tình hừng hực. Tất Ðắc không thể dằn lòng ái sắc được nên ôm mặt Bạch Yến mà hun một cái rất lâu, Bạch Yến cũng tiếp mà hun trả lại một cái, rồi hai người buông nhau ra, ngồi ngó nhau mà cười. Tất Ðắc bàng hoàng, Bạch Yến hớn hở.
Bạch Yến nói:
- Cai đời của em chưa có lần nào mà em được vui vẻ như lúc bây giờ đây. Em vái van cho sự vui vẻ ấy từ rày nó đừng lìa em một giây phút nào hết. Anh có vui vẻ như em vậy hay không?
- Qua cũng vui lắm. Nhưng mà không biết sự vui ấy nó có kéo dài cho đến mãn đời của chúng ta hay không?
- Được. Em chắc được. Em hứa em sẽ làm cho anh vui vẻ luôn luôn, cho đến chừng nào anh chết thì em chết theo một lượt. Em làm như vậy đăng em đền ơn anh thí công danh mà vui với em. Mà anh nhứt định anh không đi lên Lèo, vậy chừng nào anh viết thơ qua Paris mà hủy lời anh hứa với hội?
- Về nhà rồi qua sẽ việt thơ liền.
- Cám ơn lắm. Hễ anh bỏ thơ rồi, thì anh cho em hay nghe hôn. Em về nói cho má hay đây má mừng lắm. Nè, em nói cho anh biết, bà già khó thất kinh, đa anh. Mấy bữa rày em coi ý bà già hờn anh rồi.
- Qua có sao đâu mà hờn?
- Hôm qua, ngồi ăn cơm, má nói với em để bữa nào má xuống má trách cô Ðốc. Má nói hôm trước má đã chịu gả rồi, mà cô Ðốc lại xin kể cái tiệc hôm đó là đám hỏi. Hễ đám hỏi rồi thì anh phải làm rể, mà sao hổm nay cô Ðốc không biểu anh lên làm rể nên má giận.
- Qua không dè, thôi để mai mốt qua lên.
- Ừ, anh phải lên, chớ đừng để cho má phiền. Mà có lên thì lên buổi sớm mai nghe hôn, đặng ở chơi cho lâu. Anh đi một mình cũng được, khỏi cậy cô Ðốc đi theo.
- Qua thấy má qua kính mà qua lại sợ quá, chắc là qua không dám ở lâu.
- Sợ giống gì?
- Má là người chuộng lễ nghĩa theo xưa, còn qua là trai đời nay, tính nết không nghiêm chỉnh, nên nói chuyện với má, qua sợ thất lễ.
- Sao hôm anh gặp má trong hội chợ, anh nói chuyện đủ thứ hết mà anh không sợ?
- Hôm đó khác, bây giờ khác.
- Bây giờ anh làm chàng rể, nên anh sợ hả? Anh đừng có sợ. Bà già thương anh lắm, cưng anh lắm. Ðể em nói việc nầy cho anh nghe. Hôm tháng giêng bác Tư Thanh nói với má rồi dắt thầy Thông nào đó không biết, đến coi em. Má cho coi, mà chừng thầy thông đó coi rồi, chiều má cho mời bác Tư Thanh lại má cằn nhằn thất kinh. Má nói người như vậy mà làm mai nỗi gì. Má chê thầy Thông đó lù mù mà lại độc hiểm, má chê đủ thứ hết. Má khó lắm, chớ có phải dễ đâu. Mà không hiểu tại sao má thương anh. Hôm gặp anh trong hội chợ đó rồi về nhà má cứ nhắc anh hoài, mà hễ nhắc thì má khen anh vui vẻ, khôn ngoan. Từ hôm má chịu gả đến nay, má lại nói không biết tại sao mà má thương anh quá.
- Má có nói má thương qua hay sao?
- Má nói thường hoài, ai tới nhà thăm, hễ hỏi tới chuyện gả em, thì má cũng nói tại má thấy anh má thương, nên má mới chịu gả. Má nói tới anh thì má kêu “thằng Bác Vật của tôi”. Má tính hễ cưới rồi thì má giao hết công việc nhà cho mình cai quản coi thâu tiền phố, coi góp lúa ruộng, làm sao đó mình làm, để má thong thả mà chơi cho khỏe trí. Má lại tỏ ý muốn mua một cái xe hơi để cho mình đi chơi. Anh biết cầm bánh xe hơi hay không?
- Biết, song qua chưa thi, nên chưa có giấy phép.
- Hễ mua xe rồi thì anh xin thi, có khó gì đâu. Nè, hễ anh cầm bánh rành, rồi anh dạy cho em cầm bánh nữa, nghe hôn. Vợ chồng biết cầm bánh hết, rồi khi nào có đi chơi xa, anh cầm mệt, thì anh sang cho em cầm thế anh đặng anh nghỉ.
- Nếu vợ chồng mà được đồng tâm hiệp lực như vậy thì có chi vui bằng.
- Biết như vậy, sao nằng nặc muốn đi lên Lèo hoài, biểu ở lại còn dục dặc?
Bạch Yến vừa nói vừa vói tay vả mặt Tất Ðắc.
Tất Ðắc lắc đầu nói rằng:
- Qua không dè ngày nay qua được hạnh phúc như vầy.
- Thiệt anh không dè hay sao?
- Thiệt không dè.
- Em cũng vậy, em không dè. Mà em tưởng chừng cưới rồi, cái hạnh phúc của chúng ta còn lớn hơn nữa. Em tính đám cưới rồi em xin má cho phép vợ chồng mình dắt nhau đi chơi một tháng. Ý anh muốn đi đâu? Muốn lên Ðà Lạt hay ra Bắc Kỳ?
- Em muốn ấy là qua muốn. Em định đi đâu thì qua đi đó.
- Em muốn đi chỗ nào có núi mà lại có biển nữa. Anh biết tại sao em muốn như vậy hay không? Ðặng sớm mai mình lên triền núi, kiếm mấy hòn đá dựa gốc cây mình nằm, rồi nhìn mặt nhau nhau, mình nắm tay nhau mà nghe tiếng chim hót trên nhành, nghe tiếng nước chảy dưới suối. Buổi chiều mình dắt nhau đi dài theo bãi biển, tay cầm tay, mắt ngó ra ngoài khơi, tình mình dan díu như biển rộng, như trời cao, quên hết thế gian, chỉ còn biết có vợ chồng mình mà thôi, như vậy đó cái hạnh phúc của mình mới đầy đủ.
Bạch Yến nói dứt lời rồi thì thấy Tất Ðắc ngồi lững đững lờ đờ coi bộ không vui. Cô hỏi rằng:
- Em coi sao bây giờ anh có sắc buồn?
- Tại em tả cái hạnh phúc cao quá, nên qua sợ qua không có duyên mà hưởng được.
- Anh đừng sợ. Em sẽ làm cho anh hưởng cái hạnh phúc ấy và có lẽ còn nhiều cái hạnh phúc cao hơn nữa. Ý! Cô Ðốc đi lâu rồi, chắc cô gần về. Hồi nãy em khóc, nước mắt làm trôi mất hết. Ðể em giồi lại kẻo cô Ðốc về cô thấy cô cười.
- Bạch Yến mở bóp ra lấy kiếng soi mặt mà giồi phấn lại.
- Tất Ðắc ngồi chống tay trên cái gối thêu mà ngó cô. Vóc yểu điệu, da trắng trong, tay dịu dàng, răng nhỏ rứt, cậu ngó một hồi cặp mắt cậu lừ đừ dở say dở tỉnh.
Bạch Yến day lại cười và hỏi rằng:
- Anh làm gì mà ngó em dữ vậy?
- Người em đẹp quá, đẹp mỗi chỗ hết thảy, nên không ngó không được.
- Em đẹp như vậy anh có vui lòng hay không?
- Qua vui lắm, mà qua lo lắm.
- Sao mà lo?
- Qua lo là lo không biết được làm chủ cái vóc liễu mình hoa vô giá nầy được lâu dài hay không?
- Tại sao anh nói như vậy? Anh nghi em không trọn thương anh hay sao?
- Không biết tại sao mà qua ngó em rồi trong lòng qua không an.
- Tại anh nghi em không thương anh chớ gì. Anh muốn em thề đặng cho anh hết nghi không?
- Thôi, thôi, thề thốt làm chi. Qua xin em nói cho qua biết một điều mà thôi. Ví như qua không phải là Bác Vật gì hết, qua là một người trai học thức lem nhem, vô gia cư, vô nghiệp nghệ, em gặp qua em biết như vậy rồi mà em có thương qua như em thương bây giờ đó hay không?
- Em thương là em thương anh Tất Ðắc chớ em không kể anh Bác Vật nào hết, Anh xưng Bác Vật em còn buồn nữa.
- Ý em như vậy, còn ý má như thế nào?
- Má cũng vậy. Nếu má ham cái danh Bác Vật của anh thì có bao giờ má buộc anh bỏ sự đi lên Lèo mà tìm mỏ.
- Cám ơn em. Em đáng kính trọng lắm.
- Còn nghi nữa thôi?
- Thôi.
Cô Cẩm Hương về tới. Cô xô cánh cửa mở ra. Tất Ðắc với Bạch Yến đều đứng dậy. Cô Cẩm Hương kêu chị nấu ăn ra xe bưng đồ vô. Cô nói với Tất Ðắc rằng:
- Tôi mua bánh hỏi, bánh mì thịt nguội, bơ [2]. Nãy giờ ở nhà năn nỉ được hay chưa?
Bạch Yến hớt mà đáp rằng:
- Anh Bác Vật năn nỉ em không được, nên phải chịu thua rồi cô à.
- Thua sao đó?
- Anh nhứt định bỏ sự đi lên Lèo đặng cưới em.
- Ờ, tính như vậy mới phải chớ. Vợ thương, mẹ vợ mến, chuyện gì mà bỏ trốn đi lên Lèo. Người thương mới quí, chớ tiền bạc mà quí gì. Bây giờ cậu chịu rồi phải hôn?
Tất Ðắc gật đầu chịu. Cô Cẩm Hương cười và nói rằng:
- Thôi để bữa nào tôi lên tôi xin bà định ngày lo làm đám cưới.
Bạch Yến nói rằng:
- Chắc má em định rằm mười sáu tháng sau.
- Ðược. Mà qua phải lên nói giáp mặt với bà chớ. Vì cậu Bác Vật ở chung một nhà với anh em, qua tính xin với bà cho nhập phòng đàng gái, chớ không rước dâu làm chi.
- Má em cũng tính như vậy cho tiện.
- Nếu bà sẵn lòng thì dễ lắm. Thôi trưa rồi, có đói bụng phụ nhau dọn đồ ăn chơi.
Ba người đồng vô trong, kẻ trải nắp, người bưng bánh, phụ với chị nấu ăn mà dọn rồi ngồi lại ăn với nhau. Cẩm Hương với Bạch Yến thì vui cười hớn hở, nói chuyện không dứt tiếng, còn Tất Ðắc thì ngồi ăn nghiêm chỉnh không nói chi hết.
Cô Cẩm Hương thấy vậy nên hỏi rằng:
- Cậu bữa nay sao làm tỉnh dữ vậy cậu?
- Có làm tỉnh gì đâu?
- Nãy giờ không nói một tiếng, mà còn làm tỉnh chớ. Muốn làm oai với vợ, thì để cưới rồi sẽ làm oai, chớ chưa cưới mà cậu làm oai, con Hai giận nó không ưng, thì cậu hỏng cẳng đa.
- Bạch Yến cười mà nói rằng:
- Em biết không phải ảnh làm oai với em đâu. Tại em không cho ảnh đi lên Lèo, nên ảnh buồn chớ gì. Phải vậy hay không anh Bác Vật?
- Không phải vậy. Trí tôi lúc nầy sao nó lộn xôn quá, tôi không thể nói ra được.
- Chắc anh muốn làm đám cưới cho gấp chớ gì? Thủng thẳng vậy mà, để em có ngày giờ may áo may quần chớ. Anh có buồn thì ít bữa lên trên nhà làm rể một bữa, cũng gặp được em vậy.
Tất Ðắc không nói nữa. Cô Cẩm Hương nói rằng:
- Thôi, đừng có buồn. Ðể bữa nào rảnh tôi đi lên thưa giùm với bà coi có thế nào cuối tháng nầy bà cho cưới được hay không. Thủng thẳng vậy chớ, cưới vợ mà muốn nói bữa nay rồi mai cưới liền sao được.
Ăn uống xong rồi, Bạch Yến coi đồng hồ thì đã 11 giờ. Cô sửa soạn cáo từ mà về. Bạch Yến lấy dù, rồi đứng suy nghĩ, dường như còn nhớ coi, còn phải nói chuyện gì nữa. Cẩm Hương bước vô trong. Bạch Yến hỏi Tất Ðắc rằng: “ Cái khăn mù soa của anh đâu? Anh đưa cho em coi một chút”.
Tất Ðắc móc túi lấy khăn ra đưa cho cô. Cô cầm mà coi rồi cô bỏ vô bóp. Cô lại móc túi lấy cái khăn của cô ra mà đưa cho Tất Ðắc và nói rằng: “Em đổi cho anh đây. Anh cất đi”.
Bạch Yến bước vô trong mà từ giã Cẩm Hương rồi trở ra nói với Tất Ðắc rằng:
- Bị anh mà em ở trưa quá. Về đây chắc má không bằng lòng. Thôi em về nghe hôn. Bữa nào anh lên?
- Mai mốt.
- Mai hay mốt? Phải nói cho chắc chớ. Mai anh lên nghe hôn?
- Mốt.
- Mai lên cũng được, sao lại để tới mốt. Mà lên sớm nghe. Em trông lắm!
Bạch Yến nói dứt lời rồi lật đật ra cửa kêu xe kéo đi về.
Bạch Yến về rồi, Tất Ðắc cứ đi qua đi lại trước hàng ba, mắt ngó xuống gạch, một tay thì thọc trong túi quần, còn một tay thì gãi đầu suy nghĩ.
Cẩm Hương bước ra hỏi rằng:
- Làm giống gì mà nghểu nghến ngoài nầy, sao không vô nhà mà ngồi? Vô đặng tôi hỏi thăm một chút.
Tất Ðắc thủng thẳng đi vô, rồi kéo một cái ghế mà ngồi, không nói chi hết.
Cẩm Hương ngồi ngang mặt cậu vừa cười vừa nói rằng:
- Hồi hôm bị thức khuya quá, nên sớm mai tôi ngủ quên. Tôi dặn cậu phải xuống trễ, để cho nó chờ một chút, cậu có làm y như vậy hay không?
- Cô Bạch Yến xuống trước, cô chờ tôi 25 phút đồng hồ rồi tôi mới xuống tới.
- Ðược lắm. Mình muốn cho đờn bà con gái họ tríu [1] thì phải làm cho họ trông đợi như vậy mới được. Còn cậu nói chuyện với nó cậu có nói theo thứ lớp tôi dặn hay không, mà coi bộ nó mê cậu dữ vậy?
- Tôi cũng nói y như cách chị dặn.
- Cậu coi tôi giỏi hay không hử? Muốn ve[2] gái phải biết tâm lý mới được. Hôm trước nói chuyện với bà Huyện, tôi hiểu bà thương cậu muốn gả Bạch Yến cho cậu lắm, song bà không chịu cho cậu đi lên Lèo, bởi vì bà sợ một là cậu dắt con bà theo, hai là cậu bỏ con bà bơ vơ. Hôm qua Bạch Yến gởi thơ cho tôi, nó cậy mời cậu lại đây cho nó nói chuyện. Tôi biết nó muốn nói chuyện đi lên Lèo chớ chuyện gì. Tôi bày cho cậu phải làm bộ không chịu bỏ đường công danh dục dặc một hồi cho lâu, đợi nó khóc lóc năn nỉ rồi sẽ chịu, làm như vậy nó mới tin, rồi mới khỏi bể cái dối của mình chớ. Cậu đã nói dứt với nó rằng cậu thôi tính đi Lèo nữa phải hôn?
- Nói dứt rồi.
- Ðược lắm. Thôi, bây giờ cậu cứ ăn no rồi nằm ngữa ở nhà mà chờ ngày cưới. Hễ cưới rồi thì cậu là ông tiên nhỏ, sung sướng trọn đời. Tối nay tôi mắc đi Chợ Lớn. Ðể tối mai tôi sẽ lên Tân Ðịnh mà nói chuyện với bà Huyện đặng định ngày và sắp đặt đám cưới. Nè, hồi nãy con Bạch Yến nó đã nói mí với cậu đó. Tôi tưởng cậu nên nghe lời nó, vài bữa cậu lên thăm bà Huyện một lần. Ðối với mấy bà già xưa, cậu phải tới lui òn ỷ cho thường, họ mới yêu.
Tất Ðắc cứ ngồi lặng thinh.
Cẩm Hương nói rằng:
- Bữa nay cậu thấy tài của tôi sắp đặt hay chưa? Hôm trước tôi làm mai, cậu dục dặc, cậu sợ tôi nói không được. Tôi hứa chắc với cậu tôi sẽ làm được. Nay việc gần thành rồi đó, cậu mang ơn tôi không?
- Không. Tôi không mang ơn mà còn trách chị lung lắm.
- Ủa? Tôi làm ơn mà sao lại trách tôi?
- Tại chị bày mưu thiết kế, chị báo hại tôi, nên bây giờ tôi rối trí hết sức.
- Tôi báo hại chỗ nào? Bộ cậu điên hay sao chớ?
- Chị bày cho tôi làm, rồi bây giờ cô Bạch Yến cô thương tôi quá, không thế nào cô xa tôi được, chị làm như vậy không phải chị báo hại hay sao?
- Trời phật ơi! Tôi làm cho con Bạch Yến thương cậu, mà cậu nói tôi báo hại chớ!
- Mà cô Bạch Yến thương còn dễ chịu, bây giờ bà Huyện cũng mến, cũng trọng tôi nữa, mới thiệt khốn nạn cho tôi chớ.
- Bạch Yến thương cậu, mà bà Huyện cũng mến, cũng trọng cậu nữa, thì kế của tôi tành tựu, cậu sung sướng rồi, chớ sao lại khốn nạn? Cậu nói cái gì vậy?
- Chị không thấu nỗi cái ý của tôi được.
- Ý gì? Thì cậu thất vận, không có sở làm, quần áo lang thang, ăn ở cực khổ, tôi thấy vậy tôi thương, tôi mới làm mai cho cậu có vợ giàu có, đặng có chỗ nương dựa. Bây giờ người ta chịu gả rồi mà người ta lại thương cậu nữa, thì khỏe quá, ý cậu còn muốn giống gì nữa?
- Không phải vậy. Người ta thương tôi, người ta trọng tôi chừng nào, tôi càng khốn nạn, tôi càng hổ thẹn chừng ấy.
- Hổ thẹn chỗ nào?
- Tôi hổ thẹn về cái chỗ mình giả dối đó chớ chỗ nào.
- Mình giả dối có ai biết đâu mà mình hổ?
- Dầu không ai biết chớ lương tâm của mình cũng không biết nữa hay sao?
- Lương tâm là cái gì? Bất quá là những tiếng người ta bày đặt để kéo níu mình vào vòng nô lệ của phong tục, chớ nghĩa lý gì mà kể. Mà cậu giả dối cái gì? Cậu giả dối có cái chuyện xưng Bác Vật đào mỏ và chuyện hội bên Paris muốn mướn cậu đi lên Lèo mà thôi. Hai chuyện đó người ta buộc phải bỏ, thì cậu đã nói dứt rồi, có thể nào lòi ra nữa đâu mà cậu ngại?
- Dầu không lòi ra đi nữa, mà nếu tôi làm chồng cô Bạch Yến, tôi ăn nằm với cô, nhứt là hằng ngày tôi thấy mặt bà Huyện, thì tôi chịu sao nổi?
- Giàu liêm sỉ dữ! Ðời nầy mà cậu đeo theo liêm sỉ thì cậu phải chết đói.
- Tôi ái ngại không phải tại liêm sỉ mà thôi đâu, còn tại cái tình nữa chớ.
- Về tình thì con Bạch Yến nó đã mê mệt cậu rồi, chớ phải nó lợt lạt với cậu sao mà cậu lo?
- Phải, cô Bạch Yến thương tôi lắm! Tôi cũng thương cô nữa, tại tôi thương cô đó nên tôi mới bối rối.
- Tưởng là không thương nhau thì khó, chớ hai đàng đều thương yêu nhau thì xuôi rồi, có gì đâu mà bối rối?
- Tôi đã nói chị không thể hiểu ý tôi nổi. Ðể tôi cắt nghĩa cho chị nghe. Tôi là đứa chơi bời, từ nhỏ tới lớn tôi cặp sách không biết bao nhiêu đờn bà con gái mà kể cho xiết ... Tuy vậy mà cái óc của tôi tính cho đờn bà là đồ chơi của đờn ông, chớ không có nghĩa lý gì, bởi vậy thuở nay chẳng hề tôi biết thương yêu kính mến một người nào. Hôm nọ tôi gặp cô Bạch Yến, tôi coi cô cũng như muôn ngàn cô gái khác, nên tôi cũng chẳng hề để ý đến cô. Chị bày chuyện làm mai, chị giảng việc đời cho tôi nghe. Tôi tính việc cưới cô Bạch Yến bất quá là một kế sanh nhai, mình thí thân làm một người chồng để cô ôm ấp, cũng như mình làm xa phu để kéo người ta đi chơi vậy, mình không có nghề nghiệp gì khác hết, thì làm cái „nghề chồng“ cũng no cơm trọn đời, nghĩ như vậy nên tôi mới chịu để chị làm mai.
- Cậu tính làm cái „nghề chồng“ thì nghề ấy đã gần được rồi.
- Xin chị đừng cãi, để tôi nói hết cho mà nghe. Tôi tưởng làm cái „nghề chồng“ là dễ, chẳng dè mới bước có một chưn vào vòng, tôi dòm thấy vợ thương tôi quá, thấy mẹ vợ mến tôi quá, thì tôi giựt mình tôi xét lại tôi ăn năn không biết chừng nào. Chị nghĩ lại mà coi bà Huyện tuy địa vị cao, tiền bạc nhiều, song bà là một người đờn bà cũ, kiến thức hẹp hòi ai nói đen bà tin đen, ai nói trắng bà tin trắng, bà không biết phân biệt ngay gian, thiệt giả gì hết. Còn cô Bạch Yến tuy có học chút đỉnh, nhưng mà sự học của cô bất quá là học phớt trên mặt đất, chớ không phải học tận dưới đáy, học nói chuyện cho suông sẻ, học đi đứng cho gọn gàng, bởi vậy cái óc của cô trống lỏng, rồi những tư tưởng lãng mạn chun vào nó xui khiến xác cô, ví như bắt cô đi đường phải thì may, còn như nó kéo cô đi đường quấy, thì cô không có cái nghị lực chân chánh mà bảo hộ thân danh cô được. Tôi gặp cô, tôi xì hơi lãng mạn ra, thì cô mê mệt, bao nhiêu đó cũng đủ thấy tâm hồn của cô rồi. Tôi thấy vậy tôi bất nhẫn quá. Chẳng phải là tôi mà thôi, dầu một người bình thường nào khác cũng vậy, miễn còn trẻ tuổi, ăn nói bặt thiệp, thông thạo việc đời chút đỉnh, chị bắt mà tắm gội cho sạch sẽ, chị cho bận áo quần tốt, rồi chị tiến dẫn mà làm mai, tôi tưởng bà Huyện cũng gả, cô Bạch Yến cũng ưng. Chị coi hại là dường nào? Tôi thấy bà Huyện như vậy, cô Bạch Yến như vậy, thì tôi cảm vô cùng. Tôi lấy làm tội nghiệp cho cái nhà thành thiệt, nên tôi bất nhẫn, tôi muốn xa lánh, tôi không nỡ lợi dụng cái thành thiệt của người ta mà chen vào đặng hưởng phú quý như vậy, chẳng khác nào mình đi ăn trộm.
- Ối, cậu nhiều chuyện quá! Ðời nầy đứa dại làm cho đứa khôn ăn. Phải có người thành thiệt như vậy, thì kẻ khôn ngoan mới có cơm mà ăn, có áo mà mặc, có xe mà đi chớ. Cậu bất nhẫn cậu không nỡ làm, thì người khác họ làm, rồi sự bất nhẫn của cậu có bổ ích cho đám thành thiệt đâu?
- Thà là để cho người khác làm.
- Người khác làm rồi họ lên xe xuống ngựa, họ vinh mặt vinh mày, họ chê mình dại mình chịu sao được?
- Cái tính chị ưa vật chất, chị ham lòe loẹt, nên chị muốn người ta khen khôn, chị sợ người ta chê dại hoài! Thà dại mà sạch chớ khôn mà dơ thì khôn làm gì chị?
- Ðời nầy hễ có tiền thì thiên hạ trọng, không tiền thì thiên hạ khi, bởi vậy mình làm thế nào cũng được, miễn là có tiền nhiều đặng ăn ở chơi bời cho nó sung sướng, thì thiên hạ tùng phục. Có ai tìm tàng tra xét cách cậu kiếm tiền dơ sạch gì đâu mà cậu sợ.
- Tâm tánh chị khác với tâm tánh của tôi, như một đen với một trắng, bởi vậy không thế nào chị hiểu cái óc tôi được. Nếu tôi cãi với chị hoài thì mất thì giờ chớ không ích gì. Thôi tôi không cãi nữa. Tôi chỉ xin chị làm ơn lên Tân Ðịnh nói giùm cho bà Huyện hay rằng tôi từ hôn, tôi không thể cưới cô Bạch Yến được.
- Ê! Ðừng có khùng nào! Cái gì mà từ hôn?
- Vì tôi thương cô Bạch Yến quá, mà tôi đã lỡ giả dối với cô, nếu tôi làm chồng cô, thì tôi hổ thẹn hoài, tôi chịu không được.
- Nó đã thương cậu rồi, ví dầu ngay sau đó đổ bể, nó biết cậu giả dối mà cưới nó đi nữa, thì việc đã lỡ, không lẽ nó xô đuổi cậu hay sao mà cậu vẫn còn ngại.
- Trời ơi! Ðợi tới đổ bể rồi người ta xô đuổi thì còn gì mà kể! Chị muốn ép tôi, mà chị dùng lời thấp thỏi quá, chị khuyên như vậy tôi vưng lời sao được. Tôi giả dối với người tôi yêu bây giờ tôi hổ thẹn, tôi hết dám thấy mặt nữa, có đâu tôi lủi đầu vô làm chồng mà đổ bể.
- Cậu thiệt khó quá! Thuở nay không thấy ai kỳ như cậu vậy. Ði nói vợ mà được vợ thương, mẹ vợ mến, rồi sợ mà xin từ hôn, nói chuyện nghe trái đời quá.
- Chị nói sai ý nghĩa hết. Tôi dùng chước giả mà ăn trộm sự thương yêu của vợ và mẹ vợ, mà rồi tôi lại thương vợ nữa nên tôi hổ thầm, tôi phải xin từ hôn chớ.
- Tôi chắc bữa nay cậu có cơn điên. Tôi không muốn nói chuyện với cậu nữa. Thôi, cậu về suy nghĩ lại, chừng nào hết điên rồi hãy xuống tính sắp đặt làm đám cưới.
- Tôi suy nghĩ kỹ lưỡng rồi. Tôi không thể nào dám gặp mặt cô Bạch Yến nữa. Chị lên thưa cho bà Huyện hay đi, thì tôi sẽ viết thơ ngay mà từ hôn, nói cho chị biết.
Cẩm Hương giận đỏ mặt. Cô ngó Tất Ðắc mà tỏ dấu khinh bỉ và hỏi rằng:
- Thiệt cậu tính từ hôn hay sao?
- Tôi nhứt định rồi.
- Không được. Cậu không được từ hôn.
- Chị có quyền gì mà ép tôi?
- Tôi có quyền ép cậu. Cậu đã có ký tên tờ giao kết với tôi, hễ cậu cưới được Bạch Yến thì cậu thưởng cho tôi hai ngàn đồng bạc về cái công làm mai. Nay Bạch Yến đã ưng cậu, mà cậu không chịu cưới, thì cậu cũng phải trả cho tôi hai ngàn đồng bạc. Giấy tờ tôi còn nắm đây, cậu chối không được đâu. Cậu muốn từ hôn thì chồng[3] cho tôi đủ hai ngàn đồng bạc đi, rồi tôi sẽ đi nói mà hồi đám cưới.
- Chị cầm tờ giao kèo lên tòa mà kiện tôi đi.
- Cậu thách đố tôi hả?
- Không phải thách đố. Chị ép tôi quá, tôi chịu sao được. Thà chị đi kiện đặng Tòa đòi hỏi tôi rồi tôi khai hết cho Tòa nghe. Như Tòa xử tôi lỗi, Tòa bỏ tù tôi cũng chịu.
- Khéo nói hơi liều mạng! Tôi nạp tờ giao kết tôi kiện. Tòa buộc cậu phải trả cho tôi hai ngàn đồng bạc, nếu cậu không có, tôi xin giam thân cậu chớ.
- Nói chơi với chị chớ Tòa nào lại xử tôi phải trả hai ngàn đồng bạc cho chị. Nếu chị lòi cái tờ ấy ra, thì Tòa sẽ buộc chị về tội sắp đặt mưu kế mà gạt gẫm người thành thiệt đặng lấy tiền, rồi Tòa bỏ tù chị chớ.
- Cậu quỉ nầy nói chuyện xui xẻo hoài. Thôi đừng có giễu cợt nữa. Cậu về đi. Ðể tối mai tôi sẽ lên trển mà bàn tính với bà Huyện coi cho cưới gấp gấp một chút có được hay không?
Tất Ðắc đứng dậy lấy nón đội lên và đi ra cửa và nói rằng:
- Tôi đã nói tôi nhứt định tôi không cưới đa. Chị phải lập thế nào mà hồi đi, chớ chị còn nói sấn tới nữa thì chị chịu, tôi không lãnh cái trách nhiệm đó.
Cẩm Hương cũng đứng dậy đi theo và nói rằng:
- Ðừng có nói bậy, hồi sao được. Cậu hồi rồi người ta mắng tôi, tôi biết lấy tiếng chi mà trả lời với người ta?
- Có khó chi đâu! Chị lanh lợi lắm mà. Chị đặt chuyện chị nói, chị muốn nói thế nào cũng được.
- Không có được. Hổm nay tôi sắm đồ cho cậu ăn mặc, lớp mua đồ cho đàn gái, lớp đi xe kéo xe hơi, tốn hao của tôi đến bạc trăm rồi, chớ phải ít ỏi gì sao. Cậu thôi rồi làm sao?
- Thủng thẳng tôi kiếm tiền tôi trả lại cho chị. Thôi, tôi xin chào chị.
Tất Ðắc dở nón cúi chào rồi đi ra đường. Cẩm Hương nói vói:
- Tôi cho cậu năm ngày đặng cậu suy nghĩ lại nghe hôn.
Tất Ðắc đi tuốt.
Trưa bữa sau, tan học rồi cô Cẩm Hương vừa mới trở về nhà tư, chưa kịp thay đồ, thì thấy Bạch Yến ngừng xe kéo ngoài cửa rồi bươn bả đi vô nhà, cô không hiểu có việc chi mà cô Bạch Yến xuống nhà cô chừng đó nên cô đứng mà ngó.
Bạch Yến thấy cô Cẩm Hương thì nói rằng:
- Khốn nạn lắm cô ơi! Em phải chết, chớ em sống làm sao được!
Cẩm Hương chưng hửng hỏi rằng:
- Việc gì vậy?
- Việc chồng của em, chớ việc gì, cô đọc cái thơ đây rồi biết.
Bạch Yến móc túi lấy ra một phong thơ mà đưa cho Cẩm Hương, tay cô run, mặt cô héo, rồi cô ngồi trên một cái ghế, nước mắt chảy ròng ròng.
Cẩm Hương biến sắc, cô ngồi cái ghế ngang đó, mở thơ coi thì thơ viết như vầy:
BẠCH YẾN EM ÔI!
Qua phải dùng hết tinh thần, qua phải gom hết nghị lực mà nói phứt cho em biết rằng: Qua không thể gặp mặt em được nữa, mà qua cũng không thể làm chồng em được.
Sau khi đôi ta hội diện cùng nhau đã ba lần rồi, nhứt là sau khi đôi ta mới tỏ tình dan díu thương yêu nhau tại nhà chị Cẩm Hương hồi sớm mai nầy, mà qua viết được mấy hàng chữ trên đó thì qua phải có can đảm lớn lắm, qua mới bứt nổi dây ái tình nó vừa ràng buộc xâu níu hai ta.
Thiệt như vậy, qua nhờ có can đảm qua mới viết được đây, mà viết được chớ qua cũng đau đón hết sức em ôi! Từ đầu hôm cho tới bây giờ gần nửa đêm rồi, qua ngồi lại bàn viết, tính viết bức thơ nầy cho em, mà hễ qua gom nghị lực cầm cây viết, thì sự đau đớn đó làm cho tay qua run, lòng qua lạnh, nên qua phải buông cây viết hết mấy lần. Bây giờ qua viết được đây là nhờ qua thương em lắm, lại thương một cách tối cao, nên mới có nghị lực đầy đủ mà đè cái đau đón đặng làm cái đại nghĩa.
Bạch Yến em ôi! Qua xin thú thật với em, qua không phải là người của em tưởng tượng. Không phải đâu: Qua là một thằng điếm. Thiệt qua có đi du học bên Pháp, nhưng mà qua không có thi đậu khoa nào, qua không có bằng Bác Vật gì hết, mà cũng không có ai mướn qua đi lên Lèo hồi nào. Những chuyện ấy là chuyện giả dối bày ra để dụ em mà thôi. Qua cậy chị Cẩm Hương làm mai đặng qua cưới em, ấy là vì qua không có nghiệp nghệ, qua tính lấy cái „nghề chồng“ mà làm kế sanh nhai, bởi vậy cái địa vị qua khoe với em là địa vị giả, cái cử chỉ qua đối với em là cử chỉ dối.
Chớ chi nhà em là một nhà xảo quyệt, chớ chi tình em là một thứ tình lẳng lơ, chớ chi lửa tình nó không hừng hực trong lòng qua, thì có lẽ qua nhắm mắt mà bước tới hoài, thí thân làm chồng để cho em ôm ấp nựng nịu đặng hưởng vinh hoa phú quý với đời chơi. Qua không thể làm như vậy được, là vì qua thấy bà Huyện là một người chơn chất thành thiệt thái quá, rồi qua lại thấy em là một cô gái đa tình đa cảm, tâm hồn lãng mạn đến trăm phần trăm, bà thì thương yêu, em thì mê mẩn, không dè qua giả dối, bởi vậy qua bất nhẫn qua phải xoay lưng bước trái qua nẽo khác.
Ðã vậy mà lòng dạ của qua là lòng dạ sắc đá, không có tình nghĩa với ai hết, mà từ hồi sớm mai nầy qua được kề mặt đâu môi với em rồi thì nó đổi ngay lại lòng dạ đa cảm đa tình, nó khiến cho qua thương em, không lấy gì mà ví cho vừa, bởi vậy qua nhớ cái dối trước kia với cái tình sau nầy, thì qua lạnh lòng hổ mặt, qua hết dám mang mặt nạ để làm chồng em nữa.
Bạch Yến em ôi! Qua suy nghĩ kỹ lắm rồi. Ðôi ta phân rẽ nhau lúc bây giờ là phải hơn hết, phải cho em, là vì em khỏi lầm kế của tay điếm đàng, phải cho qua, là qua khỏi hổ thẹn với người qua yêu nhứt trong thế gian.
Qua hết sức ước mong em đọc bức thơ nầy rồi em giận, em oán qua trong ít ngày, rồi em tức cười mà quên qua đi, em coi chuyện đôi ta gặp gỡ nhau cũng như trò giễu của một chú hề trên sân khấu vậy thôi.
Thôi hạnh phúc trong đời của qua chỉ có mấy giờ đồng hồ sớm mai mà thôi. Qua không dám tiếc, mà qua xin em cũng đừng tiếc. Qua chỉ xin bà Huyện tha lỗi cho qua và cầu chúc cho em gặp được một người chồng thương em, trọng em, mà cũng xứng với cái địa vị của em.
Bạch Yến em ôi! Qua từ biệt em, qua phải ráng chịu đau đớn mà từ biệt em và qua khuyên em hãy quên thằng điếm tự hối.
Châu Tất Ðắc
Tái bút: Việc giả dối do tự tay qua sắp đặt, chị Cẩm Hương cũng lầm nữa. Vậy xin bà với em đừng trách chị mà oan cho chị.
Tất Ðắc
Cẩm Hương ngồi đọc thơ, mà mồ hôi nhỏ giọt. Chừng đọc dứt thơ rồi, cô thở ra mà nói rằng:
- Thiệt là thằng điếm mà! Vậy mà tôi có dè đâu, tôi nghe cậu chưng quá, tôi tưởng là Bác Vật thiệt chớ.
Bạch Yến lắc đầu đáp rằng:
- Người như vậy có phải là điếm đâu cô. Cao thượng lắm chớ. Giả dối rồi biết hổ thẹn, trọng người yêu hơn là tình dục, người ta liêm sỉ, biết trọng ái tình dường ấy có phải là điếm đâu!
Bạch Yến nói mấy lời rồi khóc nữa, cô tấm tức tấm tưởi mà nói rằng:
- Tôi đã có nói tôi thương là thương anh Tất Ðắc, chớ có kể gì chức Bác Vật đâu. Nếu không phải Bác Vật khỏi lên Lèo, má tôi càng vui lòng nhiều nữa, có sao đâu mà ngại. Thương tôi làm chi rồi bỏ tôi thì tôi chịu sao cho được. Tôi xin cô Ðốc làm ơn dắt tôi đến nhà ảnh đặng tôi cắt nghĩa cho ảnh biết. Tôi nói cho ảnh biết, nếu ảnh không cưới tôi, thì tôi cạo đầu đi tu, tôi không thèm chồng nào khác hết.
Cô Cẩm Hương thấy đã hụt thưởng mà lại mất vốn thì nãy giờ cô buồn. Cô nghe Bạch Yến cậy cô dắt đi kiếm Tất Ðắc thì cô hội ý, chắc sẽ gở vốn thâu lời, nên cô vùng đứng dậy nói rằng:
- Em muốn đi thì đi với cô. Ðược đâu, nói[4] người ta rồi muốn hồi sao được.
Bạch Yến lau nước mắt rồi lên xe kéo mà đi với cô Cẩm Hương lên chợ Thái Bình mà kiếm Tất Ðắc. Khi hai cô bước vô nhà thì thấy Võ Lộ và Tự Cao đang ngồi tại bàn chính giữa mà ăn bánh mì với thịt xá xíu. Hai người đều biết mặt cô Cẩm Hương song Tự Cao làm lơ, để cho Võ Lộ hỏi rằng:
- Hai cô đến đây có việc chi dạy biểu chúng tôi chăng?
Cô Cẩm Hương đáp rằng:
- Xin lỗi hai ông, không biết có cậu Tất Ðắc ở nhà hay không?
- Thưa ảnh đi hồi khuya rồi.
- Ði đâu?
- Cái đó chúng tôi không biết. Hồi khuya ảnh tom góp áo quần bỏ vô va li mà đi. Ảnh nói ảnh không thèm ở đất Sài Gòn nầy nữa, mà từ nay cho đến chết ảnh cũng không trở về đây. Ảnh nói vậy thì chúng tôi hay vậy, chớ không hỏi ảnh đi đâu làm chi. Làm trai „tứ hải vi gia“ ở đâu cũng được, cần gì mà phải hỏi.
Bạch Yến đứng chần ngần, tay vịn cửa, mặt tái xanh, bộ muốn xỉu. Cẩm Hương dòm thấy lật đật đỡ cô, rồi từ giã chủ nhà mà dắt cô lên xe chạy đi về phía Cầu Kho.
Võ Lộ với Tự Cao đứng ngó theo, tay cầm bánh mì, miệng cười ngỏn ngoẻn.
Vĩnh Hội, tháng 10-1931
|
|
|
|
|
|
|
|
|