GIỮ TRÒN LỜI HỨA
Truyện Ngắn NGUYỄN VĂN SÂM
1.
‘Ngày mai em lên thành phố làm phụ bếp cho tiệm ăn của dì Sáu. Anh ở đây đừng lộn xộn với cô nào nha. Họ ỏng ẹo, trêu ngươi quá làm em sợ.’
‘Đừng sợ! Anh hứa.’
‘Mấy con nhỏ đú đởn trong cái quán cà phê võng kia phải tránh xa nha.’
‘Ừ! Tánh xa!’
‘Tránh xa suốt đời nha. Họ ma quái lắm, vướng vô là chết đó.’
‘Hứa là tánh xa tới chết.’
‘Ừ, phải tự nghiêm khắc với mình mới thành người được.’
‘Dặn như Chị Hai người ta nhưng mà hứa sẽ tung thành!’
Nhỏ Liên đưa tay vuốt má bạn, đứng lên:
‘Thôi em vô, ngồi đây khuya quá ổng bả nự điếc tai lắm.’
Người thanh niên trẻ nói theo: ‘Em vô tỏng đi. Nè xácn bịch tái cây vô tỏng cho hai bác. Tái cây tươi mai nên ăn được rồi. Để lâu mất ngon.’
Anh ta vẫn ngồi trong bóng tối nhìn bạn gái mình đi về phía ánh đèn. Chép miệng, suy nghĩ.
2.
Tiếng động ầm ầm chói tai nhức óc của hàng chục máy cạp đất có công suất mạnh đương đào cát ngoài cái cồn giữa sông khiến bà Tư thấy lùng bùng lỗ tai. Khó chịu, muốn vô nhà trong cho mau, bà nghiêng nồi gạo, lấy tay quậy gạo hai vòng, thay nước, múc hai lon nước ngọt chứa trong lu, cũng vội vàng như khi vo, đổ vô nồi, bắc lên bếp rồi vừa lau tay vừa ngó mong ra giữa sông. Cặp mắt già nheo nheo đậu trên cảnh sanh hoạt bất thường ngoài xa kia của mấy con quái vật khiến cả xóm ba tháng nay mất ngủ và lo âu, bà buồn bã thở ra thườn thượt. Mấy cái cần cổ sắt dài mà tận cùng là cái miệng có hàm răng với hàng chục chiếc răng lớn bằng bắp chuối của người khỏe mạnh cạp xúc từ bửng cát lớn, quay nửa vòng, đổ lên sàn xà lan chiếc nào chiếc nấy cát chất đống cao như núi mà máy cạp vẫn chăm chỉ cạp múc, không vẻ gì muốn ngừng nghỉ. Gió chiều thổi mát mặt nhưng bà Tư không thấy mát lòng. Sự bực bội đánh tan những cảm giác thoải mái của thân thể do thiên nhiên đem tới khiến cử chỉ bà như là dùng dằng của người làm mày làm mặt. Đằng kia cách mấy căn nhà và cách đám dừa cao nghệu ông Tư trồng hơn chục năm nay hai cái loa phường châu mỏ phát ra tiếng ca réo rắt một bản vọng cổ mùi mẫn cũng không làm bà vui hơn chút nào.
Bỗng cảm thấy đất dưới chưn mình run run nhẹ theo nhịp sóng vỗ từng chập đâu đó ở gò đất bên hè khiến bà chóng mặt như cảnh trước mặt quay quay. Ông Tư ló đầu ra nhà sau hỏi vợ:
‘Bà nó có thấy đất run run không? Sao tôi không thấy yên tâm chút nào hết. Sẽ có đất sụp thôi. Kỳ quá, như là cái lo đau đáu lâu nay chất chứa trong bụng giờ muốn trào ra.’
Bà ngó ông áy náy:
‘Thì đó! Tụi nó cạp cát ngoài cồn miết nên động đất trong nầy. Rồi đây không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa. Chán chết! Làng Phước An nguyên một khúc đường bị nhận chìm xuống nước năm ngoái rồi!’ Người đàn bà chấm câu bằng tiếng ứ hự chán chường theo thói quen cố hữu.
‘Nghe nói hồi đó có ba người chết lận. Mười mấy căn nhà biến mất. Thiên hạ lối xóm ngủ một đêm sáng ngày thấy chỗ đó trống không. Mất tiêu!’
Bà Tư lỏ mắt ngó chồng như ngạc nhiên. Ông gật gật đầu theo kiểu người biết rành chuyện thiên hạ.
‘Ừ mất tiêu. Biệt dạng! Như Tề Thiên Đại Thánh hô biến một tiếng thì mấy cái núi thành bình địa, thầy trò bốn người đi qua dễ dàng khác thể lấy đồ trong túi.’
Bà Tư kéo cái khăn vắt ngang cổ lên chùi nước miếng khóe miệng, cười vui:
‘Ông giả ngộ hoài. Tề Thiên nào mà làm như vậy. Thầy Tam Tạng phải chịu cực khổ mới được. Đi thỉnh kinh để thành chánh quả mà sướng quá ai lại chẳng đi.’
‘Vậy đó! Bây giờ thiên hạ có phe đảng sướng hơn nhiều mà cũng thành chánh quả cả lũ. Họ hô biến chục tỷ nầy trăm tỷ kia mà vẫn được ngồi trên đầu trên cổ thiên hạ lia chia. Coi thằng cha Phó Trưởng công an xã thì biết. Bồ bịch tùm lum, nhà cao cửa rộng mà có ai động tới lông chưn đâu.’
Người vợ lật đật nắm cánh tay chồng như kềm lại lời phát biểu không cần thiết. Mắt bà ngó thẳng vô mặt chồng như năn nỉ, đổi đề tài:
‘Thôi mà! Ờ mà sao con Liên gần cả năm nay không thấy về ha! Tôi nhớ nó nhiều rồi đa. Cái con đi sao đi biệt! Nó đâu biết mình nhớ nó hụt hơi.’
Ngoài kia vọng vô tiếng chửi bới tục tằn lẫn trong tiếng cười của công nhân tàu xúc khi tranh giành chỗ có cát ngon ở cái cồn nổi giữa sông. Tiếng máy rồ mạnh như những con thú tiền sử giận dữ gầm ghè. Trên bờ vài ba hàng quán ‘đột xuất’ mọc lên ăn theo với vài ba cô áo quần hở hang nhởn nhơ qua lại. Vài ba chiếc xuồng tam bản cặp vô tàu cát bán hối bả mấy ly cà phê, dăm ba điếu thuốc khiến khúc sông rộn rịp như chợ nhỏ buổi sáng.
‘Mẹ họ. Chúng cạp kiểu nầy, mấy chục chiếc tụ lại đây một lần tháng nầy qua tháng khác sông cồn nào mà chịu nổi. Hồi Tết nước ròng tụi trẻ còn rủ nhau ra cồn đá banh, bây giờ thì cồn lài xuống còn có chút híu, bằng bụm tay, rồi sẽ chìm xuống nước thành cồn lún, cồn lụn thôi.’
Bà Tư ngoe ngoảy bước lên nhà trên ngó mông lung ra đường, ngầy ngà:
‘Ông sao già rồi mà không nên nết. Luôn luôn tùng dịp để nói bậy bạ trây trúa. Giữ mồm giữ miệng nha. Con nít nghe được nó cười cho thúi đầu.’
Vốn tánh hiền và khéo nhịn, ông Tư cười giả lả, bông lơn:
‘Thôi qua không nói kiểu đó nữa, bậu đừng giận. Coi kìa, mõ bậu chu như cá lia thia ngộp nước coi ngộ hết biết!’
Ông Tư kéo ghế ngồi tréo ngoảy trước mái hiên ngắm cảnh vật. Phong cảnh đã thay đổi nhiều từ mấy năm nay. Đường đất gồ ghề nói nào ngay cũng đã được thay bằng đường trải đá, có những cột đèn đêm tối cũng soi tỏ được một khúc đường. Mấy thửa ruộng trước mặt thì mùa nầy coi bộ thiếu nước nên khô rang nứt nẻ. Mẹ họ, mấy năm trước còn thấy nước xâm xấp, tát cũng kiếm được cả rỗ cá non, bây giờ thì chịu phép.
Phía sau nhà, ngoài cồn, tiếng xúc cạp cát vẫn vang vang. Ba đứa trẻ chừng 14, 15 mang đồ nghề bắt cá đi ngang ngó ông già Tư cười cười.
Mình đã nói với tụi nó nhiều lần là bắt cá ở cái lỗ hàm ếch đó rất nguy hiểm mà lần nào chúng cũng trề môi cười ngạo. Hình như trong đó có nhiều cá nên tụi nhỏ hết lớp nầy lại có lớp khác chui vô không sợ chết. Chắc là tiếng ồn của máy móc với máy cạp cát làm động ổ nên cá tôm chạy vô đó núp trốn. Tụi nhỏ ham cá chun vô, chết như không mà có ớn đâu. Thằng Khỏe con của Phó Trưởng Công an xã lại có trong nhóm nầy. Nhà nó đâu có nghèo mà nhập vô bọn đó...
‘Tụi bây bắt cá ở đâu cũng được. Đừng có chun vô cái hang hàm ếch đó nha. Nó sụp xuống thì bà hú cả lũ đó.’
Không có tiếng trả lời. Chỉ có những vẻ mặt ngang ngược coi thường. Thằng Khỏe đi thụt lùi, giơ cao cái giỏ, le lưỡi nháy ông già rồi cười lớn.
Mình già rồi. Nói hết linh. Thời buổi nầy tụi nhóc đâu kể số gì tới mấy người già.
Ông Tư ngó theo chúng một đỗi nữa rồi quay qua như nghe ngóng những đối đáp của đám thợ dưới sông và mấy cô quần áo nghèo nàn trên bờ. Ông chỉ đứng dậy xách ghế vô nhà khi bắt gặp khóe mắt hình phi tiêu chết người của bà vợ già.
‘Chịu vô nhà rồi hả. Không coi mấy gà móng đỏ nói chuyện trây trúa nữa sao?’
‘Mấy cháu nó nghèo bán buôn bậy bạ đắp đổi qua ngày, coi ngó để biết nhân tình thế thái, gì mà ngầy quá thể!’
‘Chối hay ha!’
‘Xưa chối để khỏi bị bà hành. Bây giờ thì ‘vô tư’! Súng ống liệng bỏ từ 30 tháng 4, đạn dược đâu mà ngó mà ham. Hoạn Thơ uống dấm khi khát là bà!’
Thấy mình quá lời, ông Tư chạy tới nắm tay vợ dắt vô nhà, miệng nói: Nhớ con Liên quá. Thằng Trai nhập vô bọn thợ cạp cát không biết còn giữ sự đàng hoàng tới bao lâu. Cám dỗ quá chừng chừng, họa là thánh mới tránh khỏi.
Ngoài kia tiếng máy xúc vẫn ồn ào, điếc tai…
3.
‘Anh Tai ơi, lên đây vui vẻ đi! Đâu cần gì phải làm hoài. Hưởng đời chớ. Bịnh sao cữ?’
Tư Trai ngó lên khi nghe tiếng kêu tên bụi đời của mình lanh lảnh vang lên. Nó cúi xuống đống cát tiếp tục công việc, giả như không nghe.
Người con gái trên bờ kêu giựt một giựt hai:
‘Anh Tai lên đây mở hàng coi. Ế nhệ nè. Cho thiếu. Cuối tuần chừng lãnh lương trả cũng được.’
Nó mắc cỡ cứ lầm lì tiếp tục công việc mình. Tiếng trên bờ lại vọng xuống chen lẫn trong tiếng cười:
‘Cho ghi sổ đó.’
Nó bậm môi đi qua bên phía kia xà lan để khỏi nghe nhưng tiếng chọc ghẹo làm nó vừa mắc cỡ vừa bực bội. Nó nhớ tới người tình. Nhỏ Liên đi lâu thiệt nhưng thường gọi điện về nói nầy nọ nhớ thương, dặn dò. Nó nhớ tới câu nói trong thẹn thùng của người tình: ‘Em về rồi muốn gì cũng được, muốn gì cũng cho.’
Nó lấy xuổng. Cố tình hốt thiệt nhiều vô xuổng những đống cát chảy tràn ra gần mé rìa xà lan. X úc nặng để thở, để khỏi bịt tai trước mấy lời rủ rê dơ dáy, dại hình.
Hai ba người cùng làm việc trên xà lan đi về phía nó, cười cười:
‘Tụi nó ngạo mầy nói ngọng kìa.’
Nó ngó người bạn như van lơn đừng ghẹo nó thêm. Bỗng họ áp lại đẩy Tư Trai xuống sông, cười:
‘Đi vui vẻ đi mầy. Tụi tao mơ cũng không được mời kiểu đó. Ăn bánh trước trả tiền sau. Mấy đời được may mắn như vậy. Đừng chín hấu mại hơi nữa.’
Nó lội mấy sãi đã tới bờ, lóp ngóp níu đám cỏ leo lên khi thấy chỗ bờ hơi cao.
Bạn bè vỗ tay. Và mấy người con gái móng đỏ xúm nhau kéo nó lên bờ. Nó vùng vẫy nhưng cũng bị đẩy vô một cái chòi che tạm bợ bằng những tấm phên thưa dán giấy hai bên ơ hờ, để lộ ra vài lỗ nhỏ bằng ngón tay.
Bốn bàn tay nhện níu chặt thằng Trai đè xuống. Nó bủn rủn. Nằm im vì không biết phải làm thế nào cho đúng, cuối cùng thì nó van lơn nho nhỏ: ‘Mấy chị tha cho em. Em đã hứa với con bồ em. Không được là không được mà! Con Liên mấy chị biết đó. Nó sẽ khóc chết được khi biết vụ nầy.’
Trả lời là những tiếng cười dòn của bầy con gái trong phim Tây Du khi Bát Giái lạc vô động nhền nhện.
Im lặng một lát hơi lâu. Tiếng thở dài buồn của thằng Trai nghe rõ hơn khi tấm cửa phên được kéo lên trong tiếng cười khúc khích của hai cô gái trẻ.
Thằng Trai nằm xảy lai trên giường, mắt mở thao láo ngó nóc mùng. Nó suy nghĩ tới bạn tình, nhớ ánh mắt lúng liếng của Liên khi từ giã. Trầm ngâm một lúc nó mở dây kéo túi trên lấy ra ống thuốc cảm, đổ hết vô miệng. Ai rồi cũng chết. Chết chỉ là kết thúc cuộc đời nầy để sang qua một thế giới khác. Nó nhắm mắt nằm im như an ủi mình trong giây phút đó. Ít ra cũng giữ được lời hứa trang trọng với người thương mình.
Thằng Trai còn kịp nghe tiếng ầm thiệt lớn đằng phía cái hầm hàm ếch. Đất sụp đổ trôi ra sông, phần nhà sau của ông bà Tư biến mất trong dòng nước đục ngầu.
Trên thành phố, con Liên bỗng nhiên rùng mình rồi ứa nước mắt như có cơn bão cát tạt vô.
(Victorville, CA, Sept 2020)
NGUYỄN VĂN SÂM