Tản văn Đỗ Hồng Ngọc, “Về thu xếp lại...”

 Tản văn Đỗ Hồng Ngọc

“Về thu xếp lại...”

Lời ngỏ

Người ta nói đúng. Mình đang ở tuổi nào thì đó là cái tuổi đẹp nhất, không thể có tuổi nào đẹp hơn! Một người 40 mà cứ tiếc mãi tuổi 20 của mình, một người 60 mà tiếc mãi tuổi 40 thì đến 75 họ sẽ tiếc mãi tuổi 60... thật là đáng thương!
Tôi nay ở tuổi 80. Thực lòng... đang tiếc mãi tuổi 75! Thấy những bạn trẻ... trên dưới bảy mươi mà “gato”! Mới vài năm thôi mà mọi thứ đảo ngược cả rồi. Bây giờ có vẻ như tôi đang lùi dần về lại tuổi ấu thơ, tuổi chập chững, tuổi nằm nôi...
Vòng đời rất công bằng. Chỉ còn cách tủm tỉm cười một mình mà thôi!
Cái tuổi đẹp nhất của đời người theo tôi có lẽ ở vào lứa 65-75. Đó là lứa tuổi tuyệt vời nhất, sôi nổi nhất, hào hứng nhất... Tuổi vừa đủ chín tới, có thể rửa tay gác kiếm, tuyệt tích giang hồ, “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo” (NCT), nhưng cũng là tuổi có thể lại vướng víu, đa đoan nhiều nỗi, để một hôm ngậm ngùi Ta là ai mà còn khi giấu lệ/ Ta là ai mà còn trần gian thế? (TCS).
Nhớ hồi ở tuổi 55, mới hườm hườm, tôi ngẫm ngợi, ngắm nghía mình rồi lẩn thẩn viết Gió heo may đã về. Đến 60 thì viết Già ơi... chào bạn! như một reo vui, đến 75 còn... ráng viết Già sao cho sướng?... để sẻ chia cùng bè bạn đồng bệnh tương lân. Nhưng 80 thì thôi vậy. Đã đến lúc phải Về thu xếp lại..., bởi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội”... rồi đó thôi.
Khi viết Gió heo may đã về, tôi cảm xúc từ nhạc Trịnh, nên đã mượn những ca từ của anh làm tiêu đề cho mỗi chương sách. Trong Lời bạt cho cuốn sách này, Trịnh Công Sơn viết: “... Bạc đầu có phải đã chớm già không. Theo tôi, bạn Đỗ Hồng Ngọc ạ, đó chỉ là thay đổi một màu tóc... Tôi nghĩ rằng, không có già, không có trẻ, nói với một người trẻ, tôi già rồi em ạ là vô lễ”.
Thế rồi, đến một hôm kia, anh đã lại viết:
 “Ôi phù du/
từng tuổi xuân đã già/ một ngày kia đến bờ/
Đời người như gió qua...”

Tôi nhớ mãi lần đến thăm anh ở phòng Săn sóc đặc biệt Bệnh viện Chợ Rẫy năm đó, trông anh như một tàu lá chuối khô, dán sát giường bệnh, tôi bỗng ngộ, những câu chữ anh viết trong ca khúc thì ra đã đến từ một cõi nào khác, xa xôi, một “mặc khải”, một “phó chúc” nào đó, chớ không phải từ tấm thân tứ đại ngũ uẩn mong manh này. Cho nên khi viết những dòng này, hôm nay, tôi lại nhớ người bạn nhạc sĩ họ Trịnh và lại mượn những ca từ của anh như một đề dẫn...
 Những dòng viết này góp nhặt từ những trang nhật ký rời, từ những ghi chép lang thang không ngày tháng, rải rác nơi nọ nơi kia, chỉ để sẻ chia cùng bè bạn thân thiết, những bè bạn cùng trang lứa, cùng tâm trạng.
Rất riêng tư, và rất chủ quan...
Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc

(Saigon, tháng 2.2019)
 
Cát bụi tuyệt vời...

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi,

Để một mai vươn hình hài lớn dậy?

Ôi, cát bụi tuyệt vời, Mặt trời soi một kiếp rong chơi...”

(TCS)
 
Cái hình ảnh lấy cát bụi vo thành một cục rồi thổi vào đó một hơi dài để vươn vai lớn dậy làm người thì thật là thú vị. Thú vị ở chỗ nghĩ cho cùng, cái thân xác cát bụi kia một hôm trở về làm cát bụi thì đã là chuyện dĩ nhiên, đương nhiên, tự nhiên, sao còn sanh sự tào lao chi cho mệt. Có điều để cái “cát bụi tuyệt vời...” này trở thành “cát bụi mệt nhoài” thì lỗi tại ta. Ta có thể làm cho cát bụi trở nên “thú vị” được lắm chứ! Cứ như người làm gốm sứ, cát bụi mệt nhoài là bởi thứ cát bụi làm kiểu công nghiệp, hàng loạt, giống nhau như đúc, dù cố vẽ vời chi đó trên gốm cũng vô ích. Cát bụi tuyệt vời là thứ cát bụi rất riêng tư. Nó tùy màu đất. Nó tùy độ lửa. Tùy chất liệu điểm tô không thể tính toán trước. Nó tạo ra vô vàn sự khác biệt. Như người họa sư chới với, kinh ngạc khi nhặt từ lò nung ra một thứ phẩm vật trời cho, tươm bao sắc màu pha trộn quái dị, chảy theo một dòng chảy không thể lường trước…
 Phải, chính cái “phần hồn” kia - cái thức - đã được lưu chuyển từ một kiếp nào xa đó, chằng chịt quấn quít với bao thứ duyên sinh, từ không mà có, từ có mà không, vừa chân không vừa diệu hữu, đã khiến cát bụi tuyệt vời kia một hôm trở nên cát bụi mệt nhoài nọ, với thất tình lục dục, hỉ nộ ái ố... để rồi nhận ra “Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ/ Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà...” (TCS).
Nói không được. Bất khả thuyết. Không từ đâu đến/ chẳng đi về đâu. Nó Như Lai. Khi cát bụi và hơi hướm kia không chịu nhau nữa, giận nhau, cãi nhau, hục hặc, chí chóe, đòi tách nhau ra thì đủ thứ chuyện trên đời sẽ sinh sôi. Cuối cùng thì đến một lúc, cát bụi trở về cát bụi, hơi hướm trở về hơi hướm… Rã ra. Tan ra. Không thương tiếc. Có một chu kỳ, có một nhịp điệu chăng. Không biết.
 

Bankei, thiền sư Nhật Bản, tác giả Tâm bất sinh (bản dịch Ni sư Trí Hải) nói ngay lúc sống người ta nên thường xuyên nghĩ về cái chết. Đúng vậy, bởi vì cái sống không tách rời cái chết. Cũng như thở vào không thể tách rời thở ra. Nó là một chu trình khép kín.
Có sinh ắt có tử, có tử ắt có sinh. Hơi vào có hơi ra và ngược lại. Cho nên người đạt đạo họ tỉnh queo, nôm na là họ... giác ngộ. Họ chẳng cần phải bối rối. Họ biết nó phải vậy. Như Thị.
Chu trình “khép kín” đó bắt đầu tăng tốc ở lứa 65-75 tuổi. Tăng tốc khô héo, tăng tốc nhăn nheo. Sự tăng tốc của lứa tuổi này cũng làm ta há hốc, muốn kêu lên kinh ngạc… như ở tuổi dậy thì, tuổi mới lớn. Cái vòng đời nó diễn biến tuyệt vời đến vậy, liên tục đổi thay đến vậy thì có gì đáng phàn nàn đâu! Nhiều bạn cùng lứa than với tôi sao thế này sao thế khác, tôi thường chỉ nói: “Ai biểu già chi?”, rồi cười xòa với nhau mà không khỏi có chút … ngậm ngùi.
Anh chàng Alexis Zorba nói: “Cũng phải chăm nom đến thân thể nữa chứ, hãy thương nó một chút. Cho nó ăn với. Cho nó nghỉ với. Đó là con lừa kéo xe của ta, nếu không cho nó ăn, nó nghỉ, nó sẽ bỏ rơi mình ngang xương giữa đường cho mà coi” (Nikos Kazantzakis). Từ ngày biết thương “con lừa” của mình hơn, tử tế với nó hơn, thì có vẻ tôi… cũng khác tôi xưa. Tôi biết cho con lừa của mình ăn khi đói, không ép nó ăn lúc đang no, không cần phải cười cười nói nói trong lúc ăn. Món gì khoái khẩu thì ăn, chay mặn gì cũng tốt. Cá khô, mắm ruốc gì cũng được, miễn là đừng nhiều muối quá, đừng nhiều mỡ quá!
Mỗi người có đồng hồ sinh học của riêng mình. Không ai giống ai. Như vân tay, như mống mắt vậy.
 Cho nên không cần bắt chước. Chỉ cần lắng nghe mình. Phương pháp này, phương pháp nọ của người này người kia bày vẽ chẳng qua cũng chỉ để tham khảo. Nắm lấy nguyên tắc chung thôi, rồi áp dụng vào hoàn cảnh riêng cụ thể của mình, tính cách mình, sinh lý mình. Phương pháp nào có sự ép buộc cứng ngắc thì phải cảnh giác!
* * *
Thời tôi học y khoa được học tế bào thần kinh không thể sinh sản, mất là mất luôn, hư hỏng thì không thể tự sửa được, không như tế bào ở các mô khác. Ngày nay người ta biết có khoảng 100 tỷ neuron thần kinh và 100 nghìn tỷ kết nối giữa chúng, nhưng thật ra não bộ còn rất nhiều điều bí ẩn chưa thể biết hết. Khoa học ngày nay tiến bộ, cho thấy tế bào thần kinh chẳng những rất nhu nhuyến (plasticity), có khả năng tự thích nghi, tự điều chỉnh mà còn có thể sinh sản tế bào mới (neurogenesis). Chúng có thể kết nối tự bên trong, hoán chuyển vị trí... chứ không phải tập trung từng khu vực cứng ngắc như ngày xưa đã tưởng. Khả năng thay đổi và thích nghi này của não không bị mất đi, tuy khi có tuổi thì các khả năng nhận thức, ngôn ngữ, trí nhớ, suy luận cũng kém đi theo tiến trình chung. Nghiên cứu gần đây cho thấy ở tuổi 80 não bộ vẫn còn tiếp tục tạo nên những con đường mới nối kết bên trong nên vẫn phát triển được.
Bây giờ thời đại cái gì cũng “thông minh” đáng ngại. Không lâu nữa, chắc con người sẽ có đủ “tam minh lục thông” chăng? Tam minh là Túc mạng minh (biết rõ kiếp trước của mình), thiên nhãn minh (biết rõ... kiếp sau của mình), lậu tận minh (dứt tất cả lậu hoặc); lục thông gồm thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông,…

Từ ngày có trang web riêng mình (www.dohongngoc. com/web/) do một bạn trẻ giúp cho, tôi bận bịu với nó nhiều hơn. Rồi nhờ nó mà tôi lần mò học cách post bài, đưa hình ảnh, chỉnh sửa tùm lum… Nó giúp tôi như quên ngày tháng, quên đi những buổi mai buổi chiều buổi trưa buổi tối... Nhưng cũng nhờ nó, tôi mở rộng việc học hỏi, mở rộng giao lưu, thấy quả đất chỉ còn là một hòn bi xanh trong lòng bàn tay… Và chiếc điện thoại thông minh cũng giúp mình nhiều việc, dù thực tế nhiều lúc thấy nó thiệt là... ngu!
* * *
 Mắt kém, đọc mỏi, tôi bắt đầu ít đọc báo, ít xem TV - ngày trước, mỗi ngày ngốn chục tờ báo là thường! Nay chỉ đọc lướt qua cái tựa là xong. Thời đại cần cái gì, gõ gõ vài cái có người đưa tới tận nhà! Hy vọng không lâu nữa, họ gởi các thứ qua mạng, bấm nút in ba chiều, muốn gì cũng có... Nghe nói người ta đã có thể “fax” một con người từ nơi này sang nơi khác... giúp ta không phải đợi chờ lâu! Máy móc, kỹ thuật, phương tiện nghe nhìn ngày càng chiếm ngụ trong ta, “thay mãi đời ta”...

Tôi chợt nhìn ra tôi

“Có nụ hồng ngày xưa rớt lại

Bên cạnh đời tôi đây

Có chút tình thoảng như gió vội...”

(TCS)
“Chợt” là vì bất ngờ. Nhưng không phải bất ngờ vì tôi thấy tôi. Mà bất ngờ vì tôi chợt “nhìn ra” tôi. “Nhìn ra” khác với thấy. Nhìn ra là “quán”. Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát Nhã chiếu kiến ngũ uẩn giai không Quán là
thấy rõ (chiếu kiến). Tôi bấy giờ không còn là tôi bây giờ. Tôi bấy giờ là tứ đại, là ngũ uẩn. Và nếu quán một cách sâu sắc hơn, có thể thảng thốt kêu lên: “Bổn lai vô nhất vật”! (Lục tổ Huệ Năng).
Có lần Phật hỏi Duy-ma-cật: Ông quán Như Lai thế nào? Duy-ma-cật đáp: Thì như quán pháp thân của Phật và của chính tôi thôi. Có gì khác nhau đâu!
Nhìn thì có thể thấy khác. Bởi nhìn thì qua mắt, nhãn căn. Quán thì không nhìn bằng mắt. Mà nhìn bằng cả năm thứ con mắt (ngũ nhãn) gồm nhục nhãn (mắt thịt), thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn. Thú vị,  khi quán thì cả Như Lai, Phật và Tôi... đều là một, không khác. Đó là đã thấy pháp thân, thật tướng vô tướng.
* * *
Tôi thường tự hỏi tôi khác gì tôi xưa. Xưa ở đây là trước cái hồi tôi bị tai biến mạch máu não phải mổ sọ não cách đây cũng vài chục năm rồi. Câu trả lời là khác. Khác quá đi chứ. Trước hết tôi bây giờ già hơn tôi xưa, già thấy rõ, già tốc hành chớ không phải già lai rai như trước.
Nhiều hôm nhìn vào gương soi, tôi thấy mình như một quả táo để lâu ngày, héo dần, teo tóp, nhăn nheo. Nhưng có cái gì đó như cứng cỏi hơn, tuy quắt queo mà chỉ bay hơi nước, bay cái láng mượt, nuột nà của quả táo căng phồng, ngây thơ, tràn đầy thuở nào. Bây giờ thì co cụm lại, co rúm lại, gom tụ lại vào trong cái hột, cái lõi. Tôi thường tủm tỉm cười, cảm thấy khoái khi gặp một người bạn trẻ, nghĩa là nhỏ hơn tôi chừng mươi, mươi lăm tuổi, lâu ngày không gặp nhìn tôi kinh ngạc, há hốc, như định kêu lên cái gì đó rồi thôi. Tôi hiểu và dĩ nhiên tôi cũng nhìn người bạn, cũng định kêu lên một cái gì đó, nhưng rồi cũng thôi. Thì ra cả tôi, cả người bạn trẻ đều cùng đã thay đổi, đã già đi mà không hay! Và như Nguyên Sa nói, người ta chỉ có thể đo tuổi mình qua ánh mắt cố nhân!
Tôi biết vòng đời của con người có ba giai đoạn đổi thay rất nhanh. Đó là thai nhi trong bụng mẹ, tuổi dậy thì và tuổi già. Khi trứng thụ tinh thì chỉ hình thành một tế bào, phải soi dưới kính hiển vi mới thấy; đến 3 tháng tuổi, thai nhi cũng mới bằng ngón tay út, vậy mà 6 tháng đã dài hơn ba mươi lăm phân và nặng trên một ký; đến lúc chào đời thì đã dài hơn nửa thước, nặng hơn ba ký rồi. Lớn nhanh như thổi!
Bé sinh ra lớn lên từng ngày, mỗi ngày mỗi khác, nhưng phải đến tuổi dậy thì mới có sự tăng trưởng và phát triển đột ngột. Chừng vài ba tháng không gặp, khi gặp lại cô bé mười ba, cậu trai mười bảy kia ta đã hết hồn, há hốc, kinh ngạc. Nó không chỉ cao lớn, mà còn trổ mã, xinh đẹp, đầy đặn, căng tròn như quả táo muốn tươm mật. Gái thì yểu điệu thục nữ, tóc mượt lưng ong. Trai thì vạm vỡ, hiên ngang, râu hùm hàm én… Rồi đến cái tuổi gió heo may, dìu dịu, nhạt nhòa nhưng vẫn là tuổi năng nổ, hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả nhất để rồi chuyển sang tuổi già, tạm coi là sau tuổi 65, một chu trình “khép kín” đã lại bắt đầu: tăng tốc khô héo, tăng tốc nhăn nheo, tăng tốc ngược chiều đủ làm hết hồn, làm há hốc, muốn kêu lên kinh ngạc…
 Nó diễn biến tuyệt vời đến vậy, liên tục đổi thay đến vậy thì có gì đáng phàn nàn đâu, có gì mà không thể tủm tỉm cười một mình đâu. Cho nên nếu tôi có gì khác tôi xưa thì chính ở chỗ tôi có phần... khoái cái sự già nua tăng tốc đó của mình, tôi hồi hộp dõi theo nó, tôi cảm thấy nó… hợp lý, nói chung là… cũng dễ thương quá đó chớ!
* * *
Ở tuổi 70 chưa thấy già đâu. Thậm chí đến 72, 73 vẫn còn thấy trẻ chán. Những năm tháng đó, khi đến những buổi giao lưu, trò chuyện (Talk) ở đâu người ta cũng nói tôi trông trẻ quá, chừng 60 là cùng. Không phải an ủi đâu. Tôi cũng... thấy vậy. Tóc vẫn đen nhánh, da căng mượt, trí tuệ sáng láng. Thấy có lửa. Thấy thèm muốn. Rồi sau đó, bỗng dưng mọi thứ như trôi tuột, tứ đại đất - nước – gió - lửa gì gì đó coi bộ ai muốn về chỗ nấy, ngũ uẩn sắc thọ tưởng hành thức gì gì đó coi bộ cũng không còn muốn bó trong một bó (uẩn) như xưa nữa mà xục xịch lỏng lẻo dần ra, mỗi thứ cứ muốn tách ra riêng, trở về chốn cũ của nó. Thì ra tôi chỉ là cái được cho “mượn tạm”, “xài đỡ” một thời gian.
Bỗng lầm lì. Hình như ngó vào bên trong nhiều hơn ngó ra bên ngoài. Có vẻ như đang lắng nghe một cái gì đó. Cái mà Trịnh gọi là “tôi đang lắng nghe... im lặng đời mình”, hay lắng nghe “lời mời đã dậy”... Các hormone bắt đầu cạn dần, cạn dần. Mọi thứ đã “lập trình” đâu đó từ trước. Tùy mỗi người. Không phải cứ muốn mà được. Điều quan trọng người ta phải chấp nhận mình là. Nghe tin người nọ người kia tự nhiên mà quên hết, tự nhiên mà không nhớ mình là ai, không nhớ ai là ai. Chụp ảnh não bộ thì thấy teo, teo ở một nơi nào đó, làm mất trí nhớ dần. Thật đáng sợ và cũng đáng tức cười. Tự nhiên mà nhớ rồi tự nhiên mà quên. Có người phải tu tập khó khăn lắm mới buông bỏ được, mới quên được, có người tự nhiên mà quên tuốt tất cả mọi sự đời, chẳng cần phải tu! Hôm qua, nghe tin người bạn cùng tuổi, cách đây 60 năm vào cùng trường cùng lớp với mình tự dưng quên cả tên vợ con, quên cả đường đi quanh nhà. Anh vốn là một nhà toán học, mà bây giờ không biết cả hai với hai là bốn. Một bạn khác, vốn là một nhà quản lý có tiếng ở một bệnh viện lớn ngày xưa mà nay cũng không nhớ nổi tên mình! Một người bạn hứa cùng đi chơi, giờ chót xin lỗi vì không mặc được quần do thấp khớp... Quên chìa khóa, quên mắt kiếng, quên điện thoại, quên số nhà, không biết đường về... thì thường xuyên rồi. Con đường mòn của ký ức đã trục trặc, vấy bẩn hay vì những nguyên nhân gì khác không biết. Quên ngày tháng, quên nơi chốn. Nói điều gì xong quên ngay. Hỏi đi hỏi lại mãi. Ăn mặc luộm thuộm. Thích đi lang thang. Rồi đến lúc không thể tự săn sóc cho mình được nữa, phải hoàn toàn lệ thuộc. Nghĩa là người ta cứ từ từ trở lại tuổi nằm nôi, từ biết đi biết chạy đến đứng chựng, biết bò biết lật rồi... Rồi giận hờn, trách móc, lo âu, trầm cảm, còn thêm nhiều thứ bệnh ập tới không thương tiếc. Rồi té ngã, loét da, táo bón, tiêu tiểu không kiểm soát... Già ấy là lúc cạn, lúc teo, lúc héo. Thích nghi không dễ. Biết để mà thương, mà chấp nhận mình.
* * *
Nhiều khi, sáng dậy, nhìn vào gương soi tôi lại thấy tức cười. Tôi đó sao? Nhăn dần từng nét ngộ nghĩnh trên mắt trên da. Đôi khi muốn lấy viết vẽ nguệch ngoạc gương mặt thay đổi từng ngày của mình, từng ngày nhưng rất nhanh, thấy rõ chứ không như ngày xưa, nhiều năm mới nhận ra nét đổi thay. Tôi tức cười nhìn mình. Nó nhìn tôi cũng cười. Ngộ nghĩnh. Cười mà ráng. Không ráng thì nó trĩu nặng. Mấy tế bào của cơ mặt hình như sinh tật làm biếng, xệ xuống cho khỏe.
Tôi thường tự hỏi, tôi bây giờ khác gì tôi xưa? Khác nhiều chứ. Tôi tập xả hơi. Tôi tập xì hơi. Nhiều khi thử xả cho tận kiệt xem sao. Tôi thử bịt mũi từng tế bào, coi nó ra sao? Tôi thử thả trôi nó coi nó ra sao. Tôi tách thân xác ra khỏi thân hơi coi nó ra sao. Trần Nhân Tông nói có lý: thân thể y như cái túi da. Là bác sĩ, tôi còn biết túi da đó đựng những gì nữa! Không chỉ thấy là xương là thịt, là mỡ gì đó đâu, tôi còn thấy đến tận những chất liệu Carbone (C), Hydrogen (H), Nitrogen (N), Oxygen (O) và chừng 60 món vô cơ khác từ sắt đồng chì kẽm mangan, vôi vữa... các thứ câu kết ra sao, thay đổi ra sao, hùng hục, huỳnh huỵch với những phản ứng hóa học ra sao.
Tôi ăn cũng khác mà ngủ cũng khác xưa. Bây giờ tôi thấy ngủ cũng chỉ là cách cho cơ thể nghỉ ngơi, giảm tiêu hao năng lượng, cho tế bào não sạc pin, phục hồi, tế bào cơ thư giãn. Nếu có cách nào khác làm cho tế bào cơ thư giãn, hết co cơ, tế bào não hết sinh sự, kiếm chuyện, thì tôi cứ để cho thân thể tự dàn xếp. Cơ thể tự biết cách thu xếp. Nó biết xì hơi, xả hơi. Thường thì nhờ vậy, tôi ngủ lúc nào không hay. Kệ nó. Nó muốn thức dậy giờ nào thì cứ cho nó dậy, ngủ tiếp thì ngủ. Mỗi ngày cũng mất 7-8 giờ cho chuyện ngủ nghỉ này. Pin đủ, đầu óc sáng suốt, trí nhớ tốt, nhạy hơn hẳn. Trưa cũng cần sạc pin chút xíu.
Lâu nay tôi hoang phí năng lượng vào những chuyện không đâu, cho nên cơ thể căng cứng, rã rời, lúc nào phổi cũng phải bơm hơi cho kịp, tế bào cũng phải quần quật hì hục sản xuất năng lượng. Bây giờ tôi chủ trương thở vừa đủ xài. Xài ít thì thở ít. Bộ não có chút xíu, có 2% thể trọng mà hoạt động cực kỳ mạnh mẽ, tiêu thụ đến 25% khối lượng Oxy đưa vào cơ thể. Nếu có cách nào làm cho não nghỉ ngơi thì giảm được sự mệt nhọc. Còn khi có tranh chấp, căng thẳng thì… cơ sẽ căng cứng, cứ y như những con thú rừng, sẵn sàng tư thế chiến đấu hoặc bỏ chạy (stress). Toàn bộ cơ mà căng thẳng vậy, nhu cầu năng lượng tăng gấp… 4 lần!
* * *
Ghi tiếp “Nhật ký rời”: Chỉ còn mấy ngày nữa, đã đầy tám chục (tuổi ta). Phải nhanh chóng ghi lại vài điều kẻo quên. Thứ nhất, ở tuổi này tôi thấy tay mình ngày càng run. Làm cái gì mà cẩn thận thì đổ vỡ. Làm cái gì không tính trước thì được. Tùy cơ ứng biến thì tốt. Tay run đến nỗi viết cũng khó mà vẽ chơi cũng khó. Tôi phải vẽ kiểu “tốc họa”, vẽ như chớp, theo một cảm xúc bất chợt, không toan tính thì tốt. Ai bắt chước được cái run?
“Già khú” là giai đoạn một, thêm một bước nữa thì gọi là “già khú… đế”. Khú, Từ điển tiếng Việt bảo là “để thâm lại và có mùi hôi”, thí dụ dưa khú, tức là một thứ dưa để lâu quá, sắp hư. “Khú đế” là “vua” của khú đó chăng?

Sai lầm lớn khi ta nghĩ rằng già sẽ đến từ từ. Cứ từ từ mà thích nghi. Không đâu. Già nó xồng xộc trên trời rơi xuống, dưới đất vọt lên. Không những xồng xộc nó còn gia tốc, tàn bạo như cơn sóng vỗ vào bờ đá, vội vã để mau chóng nhập vào dòng nước cuồn cuộn đuổi theo sau. Nó mạnh mẽ và tàn nhẫn, tung tóe, tan tác, lắng chìm, không một chút xót thương. Nó lãnh đạm bởi nhiệm vụ nó phải thế. Nó thú vị bởi nó không phân biệt. Giàu nghèo sang hèn, da trắng da đen… Còn ta, ta chần chờ, làm ngơ… Đi đâu mà vội… Không đâu! Một hôm già bỗng chuyển hệ sang già… khú, rồi khú đế đột ngột làm đảo lộn mọi thứ tính toan. Bây giờ tôi thấy mình lạc lõng, ở đâu cũng lạc lõng. Với lứa trẻ, mình lạc lõng đã đành mà với lứa trung niên mình cũng bị... loại sớm. Bạn già cũng rơi rụng đâu mất dần.
Một người bạn điêu khắc gia có tiếng nắn tôi cái tượng chân dung. Anh không nói trước. Một hôm, kêu lên nhà café chơi. Tôi đến. Anh mang tượng ra, bảo, ngồi yên chút cho anh retouch lại. Lúc đó mới biết. Tôi nhìn anh hý hoáy gọt gọt giũa giũa… thấy ngộ, bèn cũng hý hoáy vẽ anh với bộ râu đặc biệt. Anh không biết là tôi đang vẽ anh. Xong đâu đó, trao tặng anh. Anh ngạc nhiên, vui lắm. Tượng sau đó tôi mang về giấu kỹ. Mười lăm năm trôi qua từ ngày đó. Tình cờ nhìn lại tượng, tôi giật mình: râu tóc đã bạc phơ. Nhăn nhúm đã tràn đầy!
Lạ thiệt!

 Về thu xếp lại...

Ngày trong nếp ngày
“Về đây đứng ngồi đường xa quá ngại
để lòng theo chút nắng bên ngoài...”

(TCS)
 Bây giờ muốn ngủ lúc nào ngủ. Muốn dậy lúc nào dậy. Chỉ khi nào có đi đâu xa mới phải để đồng hồ báo thức mà luôn dậy trước giờ, vói tay tắt đồng hồ reo rồi… ngủ tiếp. Thức dậy nhìn đồng hồ coi thử mấy giờ rồi, nhớ hôm nay sẽ có những việc gì phải làm. Có khi phải ghi trên giấy từ đêm trước. Bây giờ “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui... đường đến anh em, đường đến bạn bè” là đủ. Nếu có đi dạy học, đi nói chuyện ở đâu đó thì phải đúng giờ giấc còn thì cứ theo cái đồng hồ sinh học của mình. Xưa thức khuya dậy sớm theo dõi trận đá banh hay. Nay thôi. Ban tổ chức dành cho tôi một sân riêng, có mái che, máy lạnh. Coi được bao lâu thì coi. Muốn thì cho ngưng trận đấu, sớm mai đấu tiếp. Đọc tin tức các đài báo phần lớn cũng chỉ đọc cái tựa là biết đủ rồi. Thì giờ đâu mà dài dòng văn tự. Nếu là một đề tài hay, cần thêm chi tiết thì đọc nhanh, kiểu câu đầu câu cuối, dòng dọc dòng ngang là xong. Bài nào thấm thía lắm mới đọc từng chữ. Dừng lại, nhâm nhi, ngẫm ngợi, rồi đọc tiếp. Cười khà một mình. Thích những bài bình luận sâu sắc, châm biếm nhẹ nhàng. Mấy chục năm nay quen giờ giấc chính xác, thấy ai trễ giờ thì bực mình do làm ở khoa cấp cứu bệnh viện nhiều năm, chậm trễ một phút có thể chết người. Bây giờ phấn đấu đi trễ cho quen vì đi đúng giờ, đến sớm làm cho người ta ngượng. Thăm hỏi một vài bạn đau ốm. Thư từ cho người này người kia. Nay vắng người này mai vắng người khác. Đến một lúc, thấy vắng cũng như có mặt. Không khác. Vài ba thư mời dự chỗ này chỗ khác. Thử chọn xem nên đi đâu không? Đa số đành từ chối. Ăn uống khó khăn. Mặt mày khó ưa. Ăn nói dễ ghét. Từ chối viết bài cho báo, xuất hiện trên truyền hình, trả lời phỏng vấn này nọ vì biết mình đến lúc nên lánh mặt, nên đi chỗ khác chơi. “Biết đủ dầu không chi cũng đủ/ Nên lui đã có dịp thời lui” (Ưng Bình). Thỉnh thoảng có bài này bài kia viết sai, trích sai… cũng thôi kệ. Nhiều bài không phải của mình, không phải mình viết, người ta cũng gắn tên mình là tác giả, thậm chí kèm cái hình chân dung cho... chắc ăn. Lúc đầu bực mình, đính chánh nọ kia. Sau, thôi, tùy hỷ. Tự dưng rồi người ta cũng biết. Kẻ cố tình làm sai chắc cũng thấy không vui.
* * *
Vào phòng tắm nhìn vào gương soi để thấy cái “bổn lai diện mục” của mình. Tức cười. Thấy nó ngày càng nhăn nhúm, da mồi tóc bạc tăng tốc, cứng ngắc, rụng gần sạch. Mỉm một nụ cười… tươi trước gương. Nấu một bình nước để pha trà, pha café. Có lúc quên cắm điện. Chờ hoài không thấy nước sôi. À há. Vệ sinh các thứ xong thì… ngồi thiền. Con người vốn khổ vì làm việc với cái đầu nhiều quá, đến nỗi “điên cái đầu”. Khôn hơn chút thì làm việc với trái tim. Nhưng với trái tim cũng vẫn khổ, có khi còn khổ hơn. Có nhà minh triết khuyên nên làm việc với cái… rún. Làm việc với cái rún nghĩa là trở về với hơi thở. Đưa hơi xuống huyệt đan điền. Tôi nghĩ, rún thì đã tốt, nhưng tốt hơn nữa là làm việc với... ruột già, xuống thấp hơn cái rún nữa càng tốt.
Ngồi thiền 30-40 phút là đủ. Lúc đầu chưa quen, còn đau chân đau cẳng, sau quen dần. Thiền Anapanasati (quán niệm hơi thở) trong kinh Tứ Niệm Xứ. Theo tôi, đó là một phương pháp thiền có cơ sở khoa học, sinh lý học tốt nhất, không sợ “tẩu hỏa nhập ma”. Thiền tập là cách tập sống trong cái chết. “Xả thiền” là giai đoạn tốt nhất để thể dục. Tĩnh rồi phải động chứ. Nhịp điệu mà. Tập tất cả các cơ khớp và mỗi động tác có thể gắn với một tên gọi tùy nghi. Này là từ bi. Này là hỷ xả. Này là tham, này là sân, là si, nghi, kiến, mạn... Này là từ bi, này là trí tuệ, này là bình đẳng, là trực tâm. Học và hành lai rai quấn quit nhau. Sau buổi ngồi thiền và tập thể dục kiểu đó, chừng một tiếng, cơ thể như được sạc pin, sảng khoái hơn. Tắm xong thì tự làm cho mình một ly café - yaourt. Sáng có gì ăn nấy, không ăn cũng được. Ngồi vào máy tính. Ngày càng mất nhiều giờ cho máy tính. Điện thoại smartphone thì ngày càng ngu. Tin mình đợi thì chẳng bao giờ đến. Người mình mong thì chẳng bao giờ gọi. Nhỏ mà không học lớn mò sao ra. Máy tính cứ lò mò, ngày càng chậm chạp. Phải chi như Tô Đông Pha có một nàng Vân, pha mực, rót trà, gõ cho mình cái meo, post cho mình cái bài lên web… thì hay quá!
Là thầy thuốc nhưng tôi rất không ưa thuốc men. Kể cả cho bệnh nhân. Người ta quảng cáo cho cố để bán thuốc. Hù dọa cho cố để bán thuốc. Lâu lâu lại công bố thứ thuốc này thuốc kia phải thu hồi, phải cấm, vì gây nhiều tác hại hơn mang lại lợi ích.
 Đối với bản thân mình, tôi nghĩ cần ăn uống vừa đủ, vận động vừa đủ, thiền định, giữ tâm hồn thanh thản, an nhiên tự tại, không bị lệ thuộc vào thầy (thầy thuốc, thầy tu, thầy bói, thầy phong thủy...), không bị lệ thuộc vào thuốc, dù là thuốc đông tây nam bắc. Trừ trường hợp có bệnh lý thực sự cần phải can thiệp thì phải tuân thủ. Khi phải mổ cấp cứu... thì đành mổ thôi. Nhưng khi bạn bè đồng nghiệp thương tình cho cả một bụm thuốc để uống hàng ngày thì tôi chọn một vài món, còn thì... liệng hết. Các thứ thuốc tương tác lẫn nhau, gây nhiều rắc rối phiền hà. Thuốc nào cũng đầy phản ứng phụ (side effects). Tội gì biến mình thành con chuột bạch thử hết thuốc này đến thuốc kia!
* * *
 Ăn không chỉ là ăn. Tôi ăn uống đơn giản, mà con cháu lúc nào cũng kêu khó. Bởi không ăn giống mọi người. Đòi cá khô, rau luộc, bún, nước mắm me. Cá kho mặn thì đem đi chiên. Ăn chay không ra ăn chay. Ăn mặn không ra ăn mặn. Không biết uống rượu. Không hút thuốc lá. Có dịp cùng bè bạn vào bữa tiệc tùng luôn thấy lạc lõng. Mọi người nhìn mình cũng dè chừng. Mình cũng ngượng ngập. Đã vậy, lúc nào cũng đòi... ớt. Cả một bàn tiệc thịnh soạn công phu của gia chủ, có khi chỉ khen món ngon nhất là ớt! Vì thế, dần dần ai cũng tránh mà mình cũng khỏe. Suy dinh dưỡng từ nhỏ. Tản cư, ở rừng ăn uống thiếu thốn đã quen. Khoai, bắp, đậu, mè là món khoái khẩu. Lúc về thành thì cũng ở trong chùa. Lúc 12 tuổi cân nặng 25kg. Sáng sáng đi học ăn một chén cháo muối. Trưa làm tô bún nước mắm cay xè. Bánh căn bao bụng với nước cá mòi. Xôi là món tuyệt vời nhất vì rẻ tiền mà no lâu. Suốt thời gian ở Saigon đi học, mỗi sáng đều xôi và xôi. Khoái khẩu hơn nữa là cơm cháy, cá khô nướng.

Càng có tuổi, càng ăn đơn giản. Lại thêm bệnh Gout. Hải sản hết dám ăn. Nhiều bạn tưởng tôi ăn chay trường. Không. Tôi không phân biệt chay mặn gì đâu. Có gì ăn nấy. Nhưng không ăn thịt. Chỉ ăn cá, rau. Nhớ thời Phật đi khất thực, cũng cho gì ăn nấy. Thức ăn nào với Phật cũng thành chay tịnh. Vì tâm đã chay. Thấy sợ khi người ta “ăn chay” mà thức ăn có tên rất “mặn”.
Ăn không chỉ là ăn! Ăn làm ra hạnh phúc hay khổ đau. Ăn làm ra người hiền hay kẻ ác. Ăn làm mau già hay làm chậm tiến trình lão hóa. Kẻ thù ta cũng thường vây quanh ta trong bữa ăn bằng lời nói cử chỉ. Nhưng kẻ thù còn đầu độc ta bằng những món ngon. Ngày càng có nhiều món ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh... rất đáng ngại.
 Thỉnh thoảng nên tự tay nấu ăn một bữa! Yan can cook, huống chi ta? Bảo đảm bữa ăn đó là một bữa ăn ngon nhất! Đừng ngại. Thiên tài đầu bếp thường là những lúc lỡ tay, chế ra một thứ thức ăn không giống ai, không theo một thứ sách vở nào, công thức nào… Các vua đầu bếp đều là những người dám nghĩ dám làm, dám sai mà không sửa.
Món ăn nào do tôi chế biến đều là món ăn… ngon cả! Kể cả “xà bần” các thứ, tưởng như phải bỏ đi. Đó là những món ăn chưa có tên trong bất cứ thực đơn nào của các khách sạn hàng đầu trên thế giới. Những món đó có tên chung là món… trời ơi, vì ai cũng kêu lên như vậy, nhưng khi ăn thì quả thật là ngon! Các thức ăn đều là thuốc, chẳng qua ta không để ý mà thôi! Thức ăn càng gần với thiên nhiên thì càng tốt. Mỗi ngày tôi tự “khất thực” lấy phần mình, thường thì ăn một mình dễ “chánh niệm” hơn.
Lâm Ngữ Đường nói những sinh vật ăn rau cỏ luôn hiền lành như trâu, bò, dê, ngựa, nai, cừu… còn những sinh vật ăn thịt luôn hiếu sát như cọp, beo, sư tử, cá sấu… Có một câu nói rất quen: Hãy nói cho tôi biết anh ăn gì, tôi sẽ nói anh là ai. “You become what you eat”!
Giả Bình Ao viết một bức thư cho bạn để từ chối đi ăn cỗ. Xin trích một đoạn như sau: “…Muốn ăn cỗ thì ngồi với người quen sẽ ăn ngon, thích thì ăn nhiều, không thích thì ăn ít, có thể nấc, có thể đánh rắm, có thể nói đùa, chửi bậy... Ăn với người lạ mà làm thế được ư? Người biết thì có thể thông cảm mình lười nhác tản mạn đã quen, người không biết sẽ cho mình lếu láo không tôn trọng họ...! Trên mâm cỗ, chúc rượu ai trước ai sau cũng không được lộn xộn, không được sót người nào, mà mình đâu nhớ được vị nào làm lớn làm nhỏ… Mình lại không hay cười mà trên mâm cỗ đương nhiên phải cười, cái cười ấy dễ trở thành nhếch mép, cười ruồi, đâm ra tẻ nhạt bầu không khí… Mình ngần này tuổi đầu rồi, tùy tiện ở ngoài đã quen, ở nhà càng quen, bảo mình khúm na khúm núm, ân cần chiều chuộng như gái làm tiền thì khó mà học nổi trong chốc lát. Cho nên hãy tha thứ cho mình, miễn cho mình nhé…!”. (Tản Văn, Giả Bình Ao, Vũ Công Hoan dịch)...
Phật dạy có 4 “nhóm” thức ăn khác gồm: Đoàn thực, Xúc thực, Tư niệm thực, Thức thực… Thức ăn ta nói ở trên chỉ mới là đoàn thực. Đoàn thực là thức ăn được vo lại thành nắm như nắm xôi, nắm cơm vắt, có thể có đủ bột, đạm, dầu, rau... để nuôi thân. Khi ăn một nắm cơm như thế, ta thấy cả “ngũ uẩn” trong đó. Lấy ngũ uẩn nuôi cái ngũ uẩn thân ta là vậy. Còn Xúc thực, Tư niệm thực, Thức thực là những thức ăn của tâm hồn. Những loại này không cẩn thận thì nó quấy ta, khó mà an lạc được. Chỉ cần bấm một cái nút, chúng đã sanh ào ạt...
Khi còn trẻ, ta thấy cái “ăn” là quan trọng, khi về già mới biết cái “chuyện lớn” kia còn quan trọng hơn! Lâm Ngữ Đường bảo: “Hạnh phúc ư? Rất đơn giản. Nó nằm ở ruột già! Ruột già mà điều hòa thì ta hạnh phúc, còn không thì ta khổ sở. Chỉ có vậy thôi!” (Sống đẹp, bản dịch Nguyễn Hiến Lê).
Bón là một cực hình đối với người có tuổi. Khi bị bón, ta trở nên cau có, quạu quọ, khó chịu… Chuyện kể ở một nhà kia, chuột nhiều vô kể và phá phách quá lắm, chịu không nổi. Nuôi mèo, đặt bẫy chẳng ăn thua! Thế rồi có người bày bắt lấy một con chuột to, khâu đít nó lại, rồi thả nó ra. Mới đầu chẳng có chuyện gì xảy ra nhưng chỉ ba hôm sau, con chuột bị khâu đít bắt đầu cắn phá lung tung. Chúng cứ lựa các con chuột… nhởn nhơ, vui vẻ… thấy ghét mà cắn, cắn cho bõ ghét! Thế là từ đó không còn một con chuột nào dám lai vãng nữa!
Thần kinh chịu trách nhiệm chuyện lớn này là “thần kinh thẹn”. Do đó, nếu cứ “thẹn” hoài thì sẽ thành bón kinh niên thôi. Khổ nỗi, thời đại toàn cầu hóa bây giờ người ta toàn lo chuyện hội họp, thương thảo, tranh luận căng thẳng, dễ “vượt qua” chuyện lớn lúc nào không hay!
Ta thấy ở những nơi văn minh, lịch sự - những tòa cao ốc lớn, nhà hàng, khách sạn 5 sao - bao giờ hệ thống toilet cũng đặt ngay ở cửa ra vào, sạch đẹp, thơm tho, có tiếng nhạc dìu dịu, êm nhẹ, đầy quyến rũ…
 Tóm lại, chuyện không nhỏ. Nên mới gọi là “Đại”. Còn tôi thì sao? Nói chung vẫn cứ nhăn nhó, quạu quọ và cau có…!
* * *
Càng già có vẻ càng cần ngủ nhiều như pin cũ cần sạc lâu hơn. Lại cần phải sạc nhiều lần nên ngoài ngủ tối còn phải ngủ trưa, ngủ... tùy hỷ nữa! Pin cũ lại dễ chai. Nên nhiều khi không dễ mà ngủ. Ngủ đầy đủ thấy sảng khoái, thảnh thơi, trí nhớ tốt. Ngủ thiếu như hết pin, cà khịa, cà giựt. Tắm nước ấm kích thích thần kinh, gây cảm giác dễ ngủ và bóng tối giúp tuyến tùng tiết melatonine, kích thích tố giúp dễ ngủ. Một chỗ quen thuộc. Yên tĩnh. Mặc thoáng mát. Ăn nhẹ dễ tiêu. Hồi nhỏ, tối tối ra giếng múc nước gàu mo dội ào ào, nay thì thôi, đừng dại. Dỗ giấc ngủ tốt nhất là dõi theo hơi thở. Hơi thở trung tính và sẵn có.
Khi nào buồn ngủ thì đi ngủ ngay. Không ráng. Ráng thì không dễ dỗ lại. “Cơ tắc xan hề không tắc miên” (Trần Nhân Tông): đói đến thì ăn mệt ngủ liền, chắc là vậy. Tiếng mình hay. Buồn ngủ. Chưa buồn thì kệ nó, việc gì phải ngủ. Cơ thể sẽ biết cách ngủ bù, việc gì mình phải lo cho nó! Vui khó ngủ. Vui là kích thích, hào hứng, rộn rã, thở gấp, tim đập nhanh, huyết áp căng. Buồn, mọi thứ xìu xuống, giảm kích thích, thở chậm lại, tim đập chậm và huyết áp cũng giảm.
Có thể nói cơ thể ta gồm 2 phần, thân xác và thân hơi! “Nghệ thuật” ngủ là làm sao tách “thân xác” ra khỏi “thân hơi”. Dỗ giấc ngủ dễ là tách thân xác ra khỏi thân hơi. Tức là buông xả toàn bộ thân xác, rã nó ra, cho nó xẹp xuống, hết căng, xì cho nó xẹp lép, tay chân trong tư thế không gò ép, dễ chịu là được. Khi thân xác xẹp lép, lững lờ như vậy rồi, thì chú ý “dõi theo” thân hơi. Thân hơi nó trung tính, nó tự động, nó cóc cần thân xác hỗ trợ. Nó phình xẹp theo ý nó, không cần phải điều khiển nó, không cần phải điều hòa gì cả. Vậy là ta rơi vào… giấc ngủ lúc nào không hay.
* * *
Mấy năm nay tôi không còn trực tiếp khám bệnh, đã “rửa tay gác kiếm”, chỉ thỉnh thoảng tư vấn hoặc tham vấn cho mấy ca đặc biệt. Chẳng bao lâu nữa, tôi nghĩ mình cũng sẽ như người bắn cung thiện xạ nọ không còn biết cây cung, mũi tên là cái chi chi! Ưu tiên bây giờ là đi đây đi đó theo lời mời “nói chuyện sức khỏe” (health talk) cho bà con. Mỗi buổi đi nói chuyện như vậy, với tôi, là một cơ hội để giao lưu và học hỏi. Ở trường cũng vậy. Từ bỏ làm chủ nhiệm bộ môn. Dạy ít dần. Dạy, chủ yếu cũng kể chuyện “đời xưa” cho sinh viên nghe, không dạy kiến thức, kỹ năng mà dạy về thái độ, về mối quan hệ thầy thuốc bệnh nhân, về y nghiệp, y đức. Đó là cách tôi “chọn ưu tiên” và “tối ưu hóa” việc của mình ở tuổi già này.
Thỉnh thoảng dạo cảnh chùa. Lang thang đây đó. Tán gẫu với bạn bè ở các quán café vắng vẻ, nơi bờ ao, bờ hồ, dòng nước... để có chút thiên nhiên…
Định làm gì trong ngày thì ghi ra đi, vì chút xíu sẽ quên. Do vậy, mỗi góc, mỗi nơi trong nhà có xấp giấy nhỏ, có cây viết sẵn chờ đó.
Bây giờ tôi cũng trở thành chuyên gia dự báo thời tiết lúc nào không hay. Một trận động đất ở Indo, ở Nhật, một cơn bão sắp ập vào Philippines, vào Caribe tôi biết trước khi TV lên tiếng. Mới hôm nọ, đùng cái, chóng mặt, xây xẩm, nôn mửa… tăng huyết áp. Không cần học hành y khoa nhiều, ai cũng biết đó là một cơn choáng, stroke, mức độ thế nào chưa biết. May mà chỉ là một cơn thoáng thiếu máu não, do một số mạch máu li ti nào đó ở não đã bị nghẽn, tắc. Từ đó sẽ dẫn dần dần tới tình trạng nặng hơn. Già có cái mốc. Trước đó mấy ngày, già ngon. Qua cái mốc, eo sèo, suy sụp. Đứa cháu nội nói: “Ông Nội lì quá, kêu đi Bệnh viện không đi”. Một người không phải là thầy thuốc, sẽ phải tìm ngay đến bác sĩ. Còn ta? Trăm chẩn đoán hiện ra trước mắt. Ngàn câu hỏi đặt ra. Dù sao cũng phải đi khám tim mạch. Phải rà toàn bộ. Rồi phải khám não nữa chứ. Chắc là một thứ microemboli rồi đó thôi. Tuổi này thì các cơ quan “đầu não” bắt đầu sinh sự! Sắp hết thời hạn sử dụng rồi. Siêu âm tim. Điện tâm đồ. Xquang tim phổi, xét nghiệm máu, sinh hóa... các thứ.
 Lâu nay cứ hẹn mãi, ngần ngại mãi. Có thực sự cần thiết không. Bói ra ma quét nhà ra rác! Nhưng thôi, lần này đành phải bói, phải quét thôi. Đến bác sĩ thế nào cũng tìm ra cho mình một cái bệnh gì đó để lo âu và để sống khổ đau với nó. Họ sẽ bắt mình làm đủ thứ xét nghiệm và dựa trên những con số này nọ để phán mình phải thế này phải thế khác.
* * *
Nhưng bệnh cũng có cái hay của nó chứ. Nó làm cho ta nhớ lại mình. Đã đành biết bệnh tật gắn vào mình từ trong trứng nước, thậm chí trước đó nữa, ở nơi ông bà cha mẹ mình từ ngàn xưa qua các gene di truyền nhiều thế hệ, nhưng cứ mỗi lần bệnh tật, với tôi, trở thành một cái giật mình. Mà cũng lạ, đường đường là một người thầy thuốc, học hành đàng hoàng, ra trường hơn nửa thế kỷ, nghề nghiệp chín chắn, nổi tiếng là người thầy thuốc “mát tay”, luôn quan tâm chăm lo giúp đỡ cho người khác khi có ai nhờ đến, cả bệnh thân lẫn bệnh tâm, vậy mà, với mình, tôi quên tôi tuốt. May thay, nhờ có bệnh nhắc. Mà không phải là bệnh nhẹ. Bệnh nhẹ không đủ nhắc tôi đâu. Một chuyến té gục trong cầu tiêu mê man vì xuất huyết tiêu hóa. Nhắc đó. Phá cửa, chở vào bệnh viện truyền máu. Một chuyến nhức đầu nôn mửa, cườm mắt muốn nổ, từ cườm khô sang cườm ướt. Nhắc đó. Mổ cấp cứu. Thiên hạ mổ mắt xong về. Tôi mổ sanh biến chứng. Các bạn giúp đỡ, lo lắng, đo tới đo lui, mắt bị nhiễm trùng thứ phát, tưởng tiêu, nhưng còn dùng được chút xíu. Thôi, kệ nó. Lần khác nữa, chuyến tai biến mạch máu não, đục sọ 2 lỗ, dẫn lưu. Nhắc đó. Những ngày nằm viện, tỉnh lại, tôi viết bài thơ cám ơn: Cám ơn cơn bệnh ngặt nghèo, quật ta kịp lúc!... Sức khỏe của người già chủ yếu đưa vấn đề “tâm thần” lên hàng đầu: làm sao phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng tốt nhất về tâm thần (mental), rồi mới đến xã hội (social) và thể chất (physical), bởi thể chất đã tới hồi rệu rã, yếu tố chính sẽ chỉ là vấn đề tâm thần vậy.
Cái thiếu lớn nhất của người già là thiếu bạn. “Trời cao đất rộng, một mình tôi đi/ Đời như vô tận, một mình tôi về... với tôi”. Từ ngày về hưu, bạn bè rơi rụng dần. Rơi rụng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Lâu lâu, dòm lại cái cuốn sổ danh mục ghi điện thoại (sau này ghi thẳng vào trong điện thoại) đã thấy có nhiều địa chỉ chẳng biết làm sao liên lạc được nữa. Muốn xóa mà ngập ngừng rồi không nỡ.
Cảm ơn internet. Nhờ có internet mà nối kết được cả thế giới vào trong lòng bàn tay. Cảm ơn cả những ký hiệu diễn cảm bằng những hình ảnh gì đó là nụ cười là nước mắt là yêu thương là hờn giận… cả những từ lạ như hihi haha huhu trên tin nhắn, trên email! Riết rồi không cần nói chẳng cần nghe, chỉ xài mấy cái ký hiệu là đủ rồi vậy.

 Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi...

“Mây che trên đầu và nắng trên vai Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi Lại thấy trong ta hiện bóng con người...”

(TCS)
 Đúng như Carl Rogers nói, càng già càng dễ xúc động. Già không phải là khô khan cằn cỗi chi đâu! Tôi thấy mình càng già càng dễ xúc động. Cảm xúc rất mạnh. Mít ướt. Cảm xúc không bị bào mòn đi hay cùn nhụt đi, chai lì đi như vẫn tưởng.
Tôi chảy nước mắt dễ dàng trước một hoàn cảnh cảm động, ngay cả trong phim ảnh mà tôi biết là diễn xuất. Coi đi coi lại một phim cũ, đến chỗ cảm động đó tôi vẫn cứ không cầm được nước mắt. Nó tự động trào ra, ngoài sự kiểm soát của tôi. Chuyện không có gì cũng khóc được. Cũng chừng đó chuyện mà tới đoạn đó, biết là giả, là kịch, là phim mà nước mắt vẫn cứ chảy ra, cầm không được. Có khi khóc nức nở. Nhiều khi không can đảm coi tiếp. Chờ qua cơn, nguôi dần mới coi, rồi lại khóc. Cái gì làm mình trở nên “mít ướt” lạ lùng mà hồi nhỏ, lúc trẻ không đến nỗi vậy?
 Đọc chuyện anh em nhà họ Điền định chặt cái cây cổ thụ trong vườn để chia nhau thì bất ngờ thấy cây đã chết, chuyện tình bạn của Lưu Bình Dương Lễ... và những chuyện khác trong Quốc văn Giáo khoa thư cũng lại làm tôi rơm rớm nước mắt. Có khi nghe một bài hát cũ, tôi thấy mình xúc động. Bài hát có thể bạn trẻ gọi là nhạc sến. Sến chảy nước là vậy chăng? Có khi nhớ đến một người bạn từ tuổi nào xa, tôi cũng thấy lòng mềm nhũn. Mít ướt quá rồi đó. Tôi phải vội vàng nghĩ đến một điều gì khác để đánh trống lảng, để lừa gạt mình. “Bất thủ ư tướng, như như bất động” ư? Còn lâu!
Cái tính dễ xúc cảm như vậy là một thứ stress, thường xuyên, liên tục, thật không hay cho sức khỏe. Nhưng biết làm sao được?
 Có phải “con tinh yêu thương vô tình chợt gọi” rồi chăng? “Lại thấy trong ta hiện bóng con người” rồi chăng? Để rồi tự dằn vặt mình “Ta là ai mà còn khi giấu lệ? Ta là ai mà còn trần gian thế?” chăng.
* * *
Nghĩa là không thể rời xa. Nghĩa là không thể “thôi chia ly từ đây”. Cửa động đầu non đường lối cũ. Ngàn năm thơ thẩn ánh trăng chơi ư (Tản Đà). Vì sao mà “yêu quá đời này” mặc cho “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”.
Thiệt ra chẳng “vô tình” đâu. Có tạo tác đó. Có nghiệp báo đó. Chỉ có con tinh mới biết yêu thương đó mà. Con người thì mịt mù cát bụi. Loay hoay với điên đảo mộng tưởng. Con tinh mới đứng bên ngoài. Nhìn rõ. Và yêu thương. Những A-tu-la, những Bà-la-sát mới biết yêu thương.
Nghiên cứu cho thấy có vẻ như càng già người ta càng yêu nhiều hơn, yêu vội hơn và càng yêu thì càng “sống khỏe sống vui” hơn! Khi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội” thì mới thấy còn có bao nhiêu thời gian để yêu thương và được yêu thương? Dĩ nhiên, tình yêu bấy giờ có thể chỉ là một mối tình lãng mạn, hoặc một mối tình “ngỡ đã quên đi/ bỗng về quá rộn ràng”… để rồi “như bờ xa nước cạn/ đã chìm vào cơn mơ”. Tình yêu lãng mạn có ý nghĩa rất lớn ở người có tuổi. Như “nuôi sống” họ bằng tình yêu. Hình như họ chỉ giữ được chút kích thích tố vừa đủ để “lãng mạn” cho cuộc đời đẹp ra, đáng sống hơn, sức khỏe cũng tốt hơn, vì nó làm cho tim đập nhanh hơn, tuần hoàn não tốt hơn, trí tuệ minh mẫn hơn, hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn, ít bệnh vặt hơn và nếu có bệnh thì rất mau lành! Thứ “romantic relationships” này là những “hỗ trợ xã hội” tuyệt vời nhất, xúc chạm, thân mật, gần gũi, càng già càng thấy cần hơn, nhất là khi người ta cảm thấy cô đơn hay đau khổ vì một lý do nào đó cần chia sẻ. Người phối ngẫu lúc đó cũng đã trở thành một người bạn thiết. Tuổi trẻ, tình yêu gần gũi với tình dục, nhưng tuổi già, tình yêu trở nên đằm thắm, tình yêu của từ bi hỷ xả, của bè bạn, cùng sến già nam và sến già nữ cho nhau! Một “hồng nhan tri kỷ” tuyệt vời như nàng Vân của Tô Đông Pha? “Để ông Tô riêng một thú thanh tao?” Nguyễn tướng công mà còn phải “gato” đến vậy! “Tao ở nhà tao tao nhớ mi/ Nhớ mi nên phải bước chân đi/ Không đi mi bảo rằng không đến/ Đến thì mi hỏi đến làm chi/ Làm chi tao có làm chi được/ Làm được tao làm đã lắm khi...” (NCT).
* * *
 Không có cách nào khác. Phải “về thu xếp lại” thôi. Không muốn cũng không được. Nó đã chuyển lượng thành chất rồi! Đã khác rồi, “cát bụi tuyệt vời” đã chuyển thành “cát bụi mệt nhoài” rồi. Dĩ nhiên cốt lõi vẫn là cát bụi. Cái nhánh nhóc tuyệt vời và mệt nhoài kia mới cần phải thu xếp. Mệt nhoài mà tưởng tuyệt vời thì nguy to! Thu xếp lại là gom phân thân các nơi về một mối, thành hạt cát sông Hằng, nơi có tám vạn bốn ngàn sông Hằng mà mỗi hạt cát là một vũ trụ. Gom các phân thân lại, gom những món hóa thân ứng thân gì gì đó lại, ta sẽ nhìn ra ta, để thấy cái không-ta. Không phải của ta, không phải là ta, và xa thêm chút nữa, không phải là tự ngã của ta.
Không có tự ngã của ta nên ta mới thong dong và tự do tuyệt đối, ta có thể hoán chuyển, bay nhảy luân hồi khắp nẻo tùy chọn lựa, khổ đau hay hạnh phúc, thiên đường hay địa ngục, niềm vui hay nỗi buồn. Ta trách nhiệm với chính mình. Không ai can thiệp vào được đâu! Cho nên mới bảo: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Cho nên mới bảo: “Ta là đường đi, là lẽ thật, là sự sống…”. Chớ còn ai vào đó nữa. Cái chân không mà thành diệu hữu, cũng chẳng vui sao? Không phải của ta thì việc gì phải tham, phải tom góp, phải giữ “của”? Không phải là ta thì việc gì phải sân hận, phải giận hờn, phải oán trách? Không phải là tự ngã của ta thì việc gì phải lo âu, phải sợ hãi? Nó là nó thôi. Nó ở ngoài ta. Nó đùa vui chút thôi mà ta phiền muộn, sợ hãi lo âu chẳng phải làm cho nó càng khoái chí chọc ghẹo ta thêm ư? Khi biết ra ngôi nhà ta được kết tập bởi những cột kèo, vôi vữa các thứ, Phật cười bảo thôi nhé, đừng hòng mà bày đặt nữa nhé. Ta biết tỏng cả rồi. Từ đó, Ngài có nụ cười từ bi rất dễ thương.

* * *
 Điều chỉnh mình theo dòng nước buông trôi về biển cả. Chuyện sau đó có bốc hơi thành mây thành mưa, hẹn hò từ muôn kiếp trước không thì không biết, vì còn nghiệp còn duyên. Nó vậy đó. Nó trôi. Ta bềnh bồng trôi theo. Nhưng bây giờ nó gia tốc, nó ào ạt, không lửng lơ như ngày xưa còn bé nữa! Ta phải điều chỉnh thôi. Điều chỉnh để trôi cho nó êm xuôi thôi. Không cần quằn quại, không cần khổ đau. Ở tuổi này như đã qua một con dốc, đường trơn tuột, không còn cái hăm hở hì hục leo trèo nhảy nhót ganh đua, nhìn “thế sự” nhẹ hẫng đi và không mấy quan tâm nữa. “Mặc ai hỏi mặc ai không hỏi tới/ Gẫm chuyện đời mà ngắm kẻ trọc thanh” (NCT). Những người nhìn xa trông rộng, đã có thể chuẩn bị thu xếp từ lâu để không bị ngỡ ngàng, đột ngột, sững sờ. Chẳng hạn người ta sẽ phải chọn lựa ưu tiên. Gom không hết được phân thân tản mạn mệt mỏi thập phương cùng lúc thì gom từ từ. Chọn thế mạnh, chọn thứ mình thuần thục nhất và ưa thích nhất. Lực bất tòng tâm rồi. Sức khỏe đã cạn dần, đã hỏng hóc chỗ này chỗ khác. Có thứ có sẵn phụ tùng thay thế được, có thứ chịu thua. Mắt đã có thể mua thêm kính, đổi kính, thay thủy tinh thể nhân tạo, tai kém có thể mang trợ thính, chân kém có thể kèm cái ba-toong! Nhưng những cục máu đông li ti từ những xơ vữa trong động mạch làm tắc nghẽn rải rác mấy cái mao mạch ở não thì đành chịu. Trí nhớ sẽ giảm dần, quên trước quên sau. Chuyện cần nhớ thì quên, chuyện cần quên thì nhớ. Bước đi lững thững, lệt bệt như chân đã mọc dài ra, trong khi lưng thì còm xuống cho gần với đất hơn chút, hơn chút nữa. Chọn cái gì phù hợp nhất với tâm lý và thể chất mình. Những ưu tiên này rồi cũng phải thay đổi theo thời gian, theo sức khỏe. Khi đã chọn ưu tiên rồi thì cố gắng hoàn thiện với kỹ năng, kiến thức tốt nhất có thể, như vậy sẽ duy trì được niềm vui, cái đó gọi là “tối ưu hóa”. Chẳng hạn không còn chơi được tennis nữa thì chơi bóng bàn, chơi cờ tướng, đánh đàn, làm thơ… Và dĩ nhiên, luôn tìm kiếm một sự “bù đắp” để những ngày tháng lặng trôi này không buồn tẻ. Như chàng Tư mã Giang Châu ngày ngày vẫn nắn mấy trái bầu xanh trên giàn mà nghĩ tới một nậm rượu ngon cùng bè bạn của Nguyễn Tuân ngày nào!

 Người đã đến và người sẽ về bên kia núi

“Từng câu nói là từng cánh buồm giong cuối trời. 
Còn lại tiếng cười khóc giữa đời...”

(TCS)
 Người ta đã đúc kết: “Năm năm / Sáu tháng / Bảy ngày”, nghĩa là ở tuổi 50, nên có kế hoạch năm; đến tuổi 60 thì chỉ nên làm kế hoạch tháng; còn đến 70 thì tốt nhất nên có kế hoạch… ngày! Cho nên “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui! Chọn những bông hoa và những nụ cười!” (TCS) là phải quá! Vấn đề là ở chỗ chọn lựa. Thiên đàng Địa ngục hai bên… Một cụ già trên trăm tuổi được nhà báo hỏi bí quyết sống lâu, sống khỏe, ông nói có gì đâu, mỗi sáng, thức dậy, tôi tự hỏi hôm nay mình nên ở thiên đàng hay địa ngục đây... rồi tôi chọn thiên đàng.
* * *
Có những vùng khí hậu lạ. Một ngày mà có đủ cả bốn mùa: xuân hạ thu đông! Còn muốn gì hơn? Ở cái tuổi này, không phải chỉ cần có kế hoạch ngày mà nhiều khi còn phải có kế hoạch giờ! Sáng khác, trưa khác, chiều khác, tối khác rồi. Làm được gì thì làm ngay. Lát sau mọi thứ sẽ khác. Cần có phương án hai, phương án ba. Cẩm nang để sẵn trong các túi gấm, đến đâu giở ra đến đó!
* * *
Từ trứng và tinh trùng, ta hình thành một cái phôi phải nhìn dưới kính hiển vi mới thấy. Rồi rất nhanh, trở thành một thai nhi loi ngoi trong vũng nước ối, trong bụng mẹ. Không thở. Không ăn. Không ngủ. Dĩ nhiên, có đái và ỉa khi các bộ phận thải chất bã này hình thành và hoạt động. Thế rồi chín tháng mười ngày ta bung ra ngoài cứ y như cánh hoa phải xòe nở đúng thời đúng tiết vậy. Việc đầu tiên là... thở. Thở mà không xong thì tiêu đời! Bác sĩ sẽ xịt alcool hoặc đét vào đít cho ta khóc thét lên. Khóc càng to càng tốt. Khóc to có nghĩa là thở mạnh. Mệt mỏi rồi nhé!
Từ đó đã phải lệ thuộc vào cái gì đó bên ngoài. Rồi phải bú nữa trời ạ. Bú mẹ còn đỡ, cứ vùi đầu mà nút, chả cần ai chỉ dạy! Nhưng nhiều khi phải níu lấy cái bình bú cứng ngắc, ai đó nhét vào miệng vì không có sữa mẹ. Cứ thế mà chùn chụt để nuôi thân. Rồi biết lật, biết ngồi, biết bò, biết đứng chựng, biết đi, biết chạy nhảy, leo trèo… Rồi biết nói năng, suy nghĩ. Nhớ, tiếc, giận hờn, giành giựt, đấu đá, ghen tuông, ích kỷ, thất tình lục dục đủ thứ không lúc nào ngưng. Và dĩ nhiên vẫn thở và vẫn ăn. Rồi nam tu nữ nhũ. Rồi chọn lựa. Rồi giao cấu. Rồi đẻ ra một lô một lốc chẳng biết từ đâu ra.
* * *
Đến một hôm, ta từ hùng hục chạy, ta... lững thững đi, rồi chập chững đứng, vật vựa, nghiêng ngả, rồi ngồi một chỗ, mắt lờ đờ nhìn xa xôi, rồi lòm còm, bò lê, bò lết... Từ chùn chụt, ngấu nghiến, ừng ực, dô dô 100%… ta bỏ ăn bỏ uống, thấy cái gì cũng rệu rạo, nhóp nhép vì xệu xạo răng cỏ. Rồi thở cũng cà giật, cà hước… Ta trở lại cái hồi thai nhi trong bụng mẹ, bây giờ là mẹ Như Lai, một vòng khép kín. Thì ra, ta đã từ đó mà đến để rồi loay hoay một vòng về lại chốn xưa. Cứ y như đàn cá hồi, cứ bốn năm lại “hồi” về chốn cũ, đẻ xong rồi chết, sau khi đã làm xong nhiệm vụ truyền giống. Con thiêu thân thì nhào vào ánh lửa. Con bọ ngựa thì giao cấu xong chết ngay trên bụng con cái, làm thức ăn cho con… Con bọ hung hùng hục chui vào đống phân, giành giựt đấu đá để vo tròn một cục phân mang về cho bọ hung cái nuôi con. Cá ếch nhái, bò sát, chim đều vậy. Cây cỏ cũng vậy. Hoa nở chẳng những đẹp mà còn thơm, lôi kéo lũ bướm ong dập dìu lui tới để mang phấn đi muôn phương.
 Nhìn suốt cuộc hành trình đó, có cái gì tức cười, vừa tàn nhẫn vừa thương tâm. Cái hiện hữu chỉ là thị hiện, trình hiện chút chơi vậy thôi. Nó giả. Nó tạm. Vậy mà sao ta cứ tưởng thiệt mới đáng thương làm sao. Gieo rắc và sinh sôi. Cứ vậy. Như Lai thọ lượng. Như Lai thần lực. Cứ vậy. Người tỏ ngộ tủm tỉm cười, vui vẻ chui vào tháp báu, gặp Như Lai Đa Bảo của mình ngồi đó, tay bắt mặt mừng. Schopenhauer nói cô con gái liếc mắt đưa tình, tìm kiếm chàng trai râu hùm hàm én mày ngài, oai vũ là để trao thân, vì chắc hẳn sẽ là giống tốt; chàng trai thì tìm giai nhân chân dài, thắt đáy lưng ong, ngực nở, mông to để mắn đẻ. Lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống là vậy. Con người thông minh hiện đại làm phiền Như Lai hết sức, vì chỉ muốn tìm vui mà quên nhiệm vụ thiêng liêng!
Đất (Nitrogen) nước (Hydrogen) gió (Oxygen) lửa (Carbon) cùng 62 nguyên tố đồng chì sắt kẽm được vo cục lại, nắn nót, thêm thắt, vẽ bày, hà hơi tiếp sức rồi thảy vào Ta-bà nhộn nhạo theo một cái duyên, cái nghiệp nào đó. Mãi mới nhận ra “bổn lai vô nhất vật”. À há, nó là không, nó là chân không diệu hữu. Nó bày trò, vờ vịt, vớ vẩn, giỡn chơi thôi. Không muốn ngộ rồi cũng ngộ. Không muốn giác rồi cũng giác.
Sanh - bệnh - lão - tử hay sanh - lão - bệnh - tử thì cũng vậy. Lập trình nó vậy rồi. Nhưng “tử” dễ nghe hơn “chết”. Chết khó nghe và thấy sợ. Tại sao sợ? Không biết. Tại vì không biết cho nên sợ. Nhưng lạ, cũng là chết mà có nhiều từ khác nhau để gọi. Vua chết gọi là “băng hà”. Sư chết gọi là “viên tịch”. Phật chết gọi là nhập Niết bàn. Lính chết gọi là hy sinh... Dân chết có khi gọi là “mất” là “qua đời” là “lìa trần” v.v...
 Người ta sợ chết mà không sợ sanh. Vì sanh có biết đâu mà sợ. Nhưng có phải tự nhiên mà sanh ra không? Nếu ba mẹ ta mà không “duyên” với nhau thì có ta không? Nếu ông bà nội, ông bà ngoại mà không “duyên” với nhau thì có ta không? Vậy ta từ đâu ra? Có phải chỉ tinh cha huyết mẹ là đủ hay còn cần phải có một điều kiện nào khác? Có cái gì khác đó chui vào, can thiệp vào để có ta chứ? Cái đó gọi là “thức tái sanh” ư? Là “nghiệp” dẫn dắt ư? Chính điều nầy làm ta thấy có trách nhiệm sống, vì sống cũng chỉ là một giai đoạn tạm thời của một hiện tượng tạm thời. Ta có trách nhiệm hơn. Ta có tự do hơn. Để tự chọn lựa.
* * *
 Một cặp thai song sanh sợ hãi khi sắp tới ngày sanh, muốn ở lại trong thiên đàng lòng mẹ càng lâu càng tốt. Hai cái thai tranh cãi quyết liệt không ai chịu ra đời trước, vì không biết chuyện gì chờ đón họ ngoài kia. Cuối cùng dù giằng co thế nào thì cũng có một cái thai chui ra trước. Hóa ra... đời vui quá! Người ta đón chào rôm rả. Thai kia thấy thế cũng vội vã ra theo. Rồi oa oa chào đời. Rồi hít thở, rồi bú mớm. Rồi lớn như thổi, rồi yêu thương, rồi ganh tỵ, hờn ghen, đấu đá, giành giật... rồi cuối cùng cả hai cùng một lần nữa lại bị kéo ra... khỏi cuộc đời. Cũng lại quyết liệt tranh cãi không chịu, cũng lo lắng, sợ hãi, đòi ở lại càng lâu càng tốt...
Một cái vòng luẩn quẩn. Sanh bệnh lão tử. Tử rồi lại sanh. Quanh đi quẩn lại có chừng ấy. Một vòng tròn khép kín? Khép kín mà không y chang? Mỗi lần tái sinh lại mỗi khác?
 Đời sống sinh vật thay đổi từng sát na, không bao giờ đứng yên một chỗ, lẽ nào tái sinh lại y chang như cũ? Có điều những nguyên liệu cứ hủy, tan rã rồi lắp ráp lại nên một hình tướng mới. Cho nên mới bảo nó chỉ là “giả tướng” tạm bợ vậy thôi. Thấy “như thật” là thấy cái thực tướng vô tướng đó. Thỉnh thoảng ta gặp một ai đó thấy như đã quen từ lâu, như đã có hẹn hò từ muôn kiếp trước... thì cũng đừng có ngạc nhiên!
* * *
Kinh A Hàm kể: Khi tuổi đức Phật đã lớn, một hôm Ngài đi khất thực trong thành Xá Vệ trở về thọ trai xong, sau đó cảm thấy trong người hơi lạnh, nên ra ngoài hương thất ngồi phơi nắng. Ngài vén y để lộ làn da lưng nhăn nheo. Tôn giả A Nan từ xa thấy vậy, mới đến xoa lưng cho đức Phật, than: “Ôi! Da dẻ của Thế Tôn không còn láng mịn như thuở xưa nữa, lưng đã hơi khòm rồi. Ôi! Còn đâu những gì của thời trai tráng”. Phật bảo: “Đúng vậy A Nan! Cái già có sẵn trong cái trẻ, cái chết nằm trong cái sống, thân của Ta rồi đây sẽ hoại diệt, một lúc nào đó không tránh khỏi”.
Cho nên cái “Tri kiến” Phật, cái thấy biết của Phật là thấy biết Như Lai. Nó vậy đó là nó vậy đó. Nó Như thị. Như Lai Đa Bảo từ trong tháp báu, tức mộ tối bước ra, tay bắt mặt mừng, ôm chầm lấy người anh em xa cách bấy nay là Phật Thích Ca đó thôi. Rồi kẻ trước người sau, chúng ta đều cùng vào tháp báu gặp Đa Bảo Như Lai của mình để chuyện trò thân mật, tay bắt mặt mừng!
Phật khuyên ai làm bạn với Thần chết thì Thần chết không... khó dễ họ. Còn ai sợ hãi trốn chạy Thần chết thì Thần chết sẽ rượt theo. Nhưng bằng cách nào làm bạn đây?
Nhiều con đường lắm. Thiền chẳng hạn, là một. Ở trong thiền, trong một trạng thái an nhiên, không có ngã, là đã sống trong cái chết, làm quen với cái chết.
Niệm nam mô A Di Đà Phật chẳng hạn. Nam mô là nhớ, nghĩ. A Di Đà Phật là vị Phật ở Tây phương cực lạc để đón rước ta về chốn ấy, từ biệt chốn “cực khổ” Ta-bà này! Nhưng phải sao mới được tiếp dẫn chớ? Phải giới định tuệ, phải tín hạnh nguyện chớ. Cho nên một người đi đứng nằm ngồi đều nhớ, nghĩ A Di Đà chính là một người đang làm quen với cái chết, luôn nhắc nhở mình sẽ chết, đang chết hay nói cách khác, đang sống trong cái chết. Biết sắp chết, sẽ chết, đang chết mà còn khổ được ư? Cũng vậy, một người mang thánh giá trên cổ là để luôn nhắc nhở mình về cái chết của chính mình. Khi sắp gây gổ, sắp đánh nhau, bỗng dưng nhớ lại cây thánh giá đang đeo, cũng như nhớ tới Phật A Di Đà đang đợi hẳn là... thôi chứ! Và cái thôi chứ, thôi kệ đó đã làm hạ hỏa, đã giải stress rất hiệu nghiệm. Tức khắc ta quay về. Tức khắc ta buông xả.

* * *
Milarepa nói: “Vì sợ chết tôi đi vào trong núi, liên tục trầm tư về tính chất bất định của giờ chết. Bỗng bắt gặp thành trì bất tử vô tận của tâm bản nhiên. Bây giờ tất cả nỗi sợ hãi đều tan biến, và trong sanh tử mở cái thấy trí tuệ vô sanh”.
Trong cái vô niệm, vô sanh đó, không có chỗ cho Thần chết bày trò hù dọa. Bởi vì họ đã là bạn của nhau. Cái tâm bản nhiên đó không có chỗ cho ai hù dọa ai. Nó trống
vắng. Lặng lẽ Thanh tịnh. Nó bất sanh cho nên nó bất diệt. Chẳng nhơ chẳng sạch. Chẳng thêm chẳng bớt.
Khi thấy được “ngũ uẩn giai không” thì người thợ làm nhà kia bỏ đi. Rui kèo cột vẫn cứ là rui kèo cột, nhưng thôi, huề cả làng, chẳng ai còn hù dọa được ai.

* * *
Ngài Đạt Lai Lạt Ma nói nếu ta luôn nghĩ tưởng về cái chết và sự vô thường, thì sẽ bắt đầu làm cho cuộc đời có ý nghĩa. Sự tỉnh giác về cái chết và lẽ vô thường có thể có những lợi lạc to lớn.
Nhiều người tránh đề cập cái chết. Vì vậy, khi nó xảy tới thì họ bị bất ngờ và hoàn toàn không sẵn sàng.
 Không có sự khác biệt giữa cái chết của một vị vua, bỏ lại đằng sau vương quốc của mình, và cái chết của một người ăn mày, bỏ lại cây gậy.
Rồi cùng mà mỉm cười. Nụ cười của Phật. Của Bayon.
Của La Joconde. Của ta.

 Đôi khi thấy trên lá khô một dòng suối...

“Đôi khi bước qua phố xưa lòng tôi nhớ 
Đôi khi thấy trăm vết thương rồi như đá ngây ngô...”

(TCS)
 Simone de Beauvoir nói mẹ của bà đã ngoài chín chục, đã biết trước sau gì cũng chết, nhưng khi bà chết thì ai nấy đều kinh ngạc, bất ngờ. Simone de Beauvoir nói lạ, cái chết lúc nào cũng là một tai nạn, đều mang yếu tố bất ngờ!
Ở xứ mình, có những gia đình hai ông bà ngoài 60 đã mua sẵn hòm ván, xây sẵn kim tĩnh. Có người thỉnh thoảng còn vào nằm trong hòm ván đặt sẵn trong nhà như một cách làm quen. Có cụ bà xây kim tĩnh hai ông bà ngay trước cạnh cửa chính ngôi nhà của họ, khi ông mất, chôn một bên và còn một bên dành cho bà. Có cả khung để hình sẵn. Họ coi cái chết là chuyện dĩ nhiên nên họ sống rất hạnh phúc. Mỗi ngày sống đều có ý nghĩa!
Cho nên một trong những cách quán của thiền là quán xác chết của chính mình, làm quen với nó. Chính Đức Phật cũng có một thời gian ra ngủ ở bãi tha ma. Con người đang chết từng ngày, từng phút giây mà không nhận biết. Trịnh Công Sơn nói: Dưới vành nôi mọc từng nấm mộ. Sanh ra thì nằm nôi, chết thì lật úp cái nôi xuống, thành nấm mộ, có thế thôi. Vậy nguyên tắc là làm quen với cái chết ngay khi sống. Tập chết hằng ngày, ý thức cái chết hằng ngày của chính mình. Có lẽ nhờ thế mà bớt hung hăng, bớt tham lam, sân hận, giành giựt, đấu đá! Hình ảnh “nhập Niết bàn” của Phật là một hình ảnh rất đẹp, thường được đúc tượng ở khắp nơi. Tôi thấy trên một ngọn đồi ở cung điện hoàng gia Campuchia có một bức tượng Phật ngồi thiền, trước mặt là một tượng Phật nằm, tức nhập Niết bàn. Ta cũng nên chánh niệm như vậy. Cái đó gọi là “niệm tử”. Còn cư sĩ Duy Ma Cật thì bảo “Tử ma” là một trong các “thị giả” thân thiết của ông, nghĩa là lúc nào cũng bên cạnh ông, giúp đỡ ông mọi lúc mọi nơi, ân cần, chu đáo.
 Thiên nhiên hẳn đã tính toán kỹ, làm giảm nhẹ nỗi đau khi có một người già sắp chết. Người già đó phải rất... chướng, rất kỳ cục, để ai cũng ghét, cũng muốn họ sớm “vắng” đi cho rảnh! Nếu là một cặp vợ chồng thì về già thường hay gây gổ, để chán nhau. Sẽ rất có ích khi một người chết trước đi thì người còn lại đỡ buồn đau chăng?
Thiên nhiên cũng tử tế, sắp đặt cho về già thì mắt mờ tai kém, đầu óc lú lẫn... Hạnh phúc sẽ đến từ từ với những hiệu ứng của những sự kiện này. Bớt sắc sảo, bớt nghe những lời khó nghe, bớt thấy những điều không nên thấy và nhờ lú lẫn mà biết quên lãng, trở nên dễ thương, buồn cười dưới mắt người trẻ. Một người già mãi sáng suốt luôn làm cho người trẻ khó chịu.
* * *
 Phật có một thời gian sống trong nghĩa địa, nghiền ngẫm về cái chết, cho nên cái chết không xa lạ với Phật, không làm Phật sợ hãi. Phật dạy quán bất tịnh, quán nghĩa địa để tập làm quen, cứ y như những người thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân thì không còn sợ bệnh, sợ máu me, đàm mủ… nhờ tiếp xúc bệnh nhân hằng ngày. Tuyệt vời là các ông vua Việt Nam, ông nào cũng xây sẵn cho mình một cái lăng… ngay khi mình còn sống. Vậy là vua đã làm quen với cái chết từ lúc còn đầy uy quyền tối thượng trong tay. Đã vậy còn chiều chiều dẫn các cung tần mỹ nữ ra lăng ngắm sen nở, xem ca kịch, như ở một xứ thần tiên. Chính ở đó là lúc vượt qua bờ bên kia của bao nhiêu phiền lụy. Tôi chắc mỗi lần ra lăng… chơi, vị vua nào cũng thấy mình được giải thoát, sung sướng, an lạc, hạnh phúc so với lúc ngồi trên ngai vàng, trị vì thiên hạ.
 Các nhà tâm lý học ngày nay nhận định cái chết trong thế giới hiện đại thường kéo dài sự đau khổ vô ích với kỹ thuật y khoa cầu kỳ tốn kém và cách ly với gia đình người thân, cộng đồng, trong khi đa số bệnh nhân thích được chết an bình tại nhà, trên giường mình xung quanh là những người thân. Dĩ nhiên, đây là kết quả nghiên cứu ở phương Tây còn bên ta, may mắn đa số vẫn còn được chết ở nhà, thậm chí bệnh viện thường cho phép “hấp hối xin về” để tránh tỷ lệ tử vong cao trong bệnh viện.

Chết là một tất yếu, không thể tránh được, không nên che đậy, cấm kỵ. Sống thì không biết chắc, nhưng chết thì biết chắc. Tây Tạng có một cuốn sách nổi tiếng: Tử Thư. (Tạng thư sống chết, Ni sư Trí Hải dịch). Sách viết về sự chết. Mỗi người nên nghiền ngẫm cuốn này từ lúc hãy còn trẻ thì tốt hơn. Hình như thiên nhiên cũng có bày đặt một “kế hoạch” gì đó, khiến những người quá già thường thay đổi tánh nết, “chướng” không chịu được, hành hạ con cháu quá lắm, chắc có mục đích là làm sao cho khi mình chết thì con cháu... mừng, mình giải thoát mà con cháu cũng được... giải thoát. Đặc biệt, cái sống già quá cỡ sẽ giúp con cháu sợ già, muốn chết sớm hơn, lúc hãy còn hiểu biết, còn hạnh phúc. Họ sẽ nhận rõ điều Phật dạy : Chư hành vô thường/ Thị sinh diệt pháp/ Sinh diệt diệt dĩ/ Tịch diệt vi lạc!

* * *
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện khi bị lao phổi nặng ở Pháp, thời kỳ chưa có thuốc chữa, đã phải cắt bỏ một lá phổi bên phải, rồi lại phải cắt thêm một phần ba lá phổi trái sau 7 đợt mổ lồng ngực. Các bác sĩ lúc đó nói ông chỉ có thể sống nhiều lắm là hai năm nữa thôi, thế mà bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã sống thêm đến 50 năm, làm được bao nhiêu việc, cho đến 85 tuổi. Lúc gần giã từ cõi đời ông viết di chúc yêu cầu các đồng nghiệp đừng làm hồi sức cấp cứu gì cả, cứ để cho ông được chết tự nhiên! Nhiều nhà sư biết rõ ngày giờ của cái chết chính mình, họ báo trước và thanh thản ngồi thiền, chuyển từ cảnh giới này sang một cảnh giới khác. Vậy thì có cần phải can thiệp y tế không? Tùy trường hợp. Ở một người trẻ, nhắm rằng có thể cứu sống được thì y tế sẽ cố gắng để cứu, “còn nước còn tát”, nhưng với một người đã quá già, đã nhiều bệnh mạn tính từ lâu, biết không thể cứu vãn gì mà vẫn làm những thao tác hồi sinh cấp cứu thì chỉ làm khổ đau thêm thân xác họ. Những thủ thuật hồi sinh như thở máy, xoa bóp tim, chích adrenaline vào tim… đều không mang lại lợi ích gì trừ làm cho gia đình bớt “khổ đau”!
Ngày xưa người già thường chết ở nhà, xung quanh là người thân, nhẹ nhàng coi như “sống gởi thác về”. Bây giờ nhiều người già chết cô đơn ở bệnh viện nhờ kỹ thuật cao, dây nhợ đầy người, hô hấp nhân tạo đủ trò kéo dài cái chết lâm sàng nhiều ngày có khi nhiều tháng, có trường hợp năm này qua năm khác!
Sanh - lão - bệnh - tử, hoặc sanh - bệnh - lão - tử gì cũng được, nhưng chắc chắn có “tử”! Phật nói ai làm quen, kết bạn với Thần chết thì không thấy mình chết. Thầy thuốc giỏi có thể thảo luận với bệnh nhân về ngày cuối cùng của mình càng sớm thì bệnh nhân càng thanh thản. Không chỉ thầy thuốc, đây là lúc có thể có những vị lo về tâm linh kề cận, hướng dẫn đâu đó đàng hoàng tử tế. Người chết sẽ nhẹ nhàng yên tâm mà ra đi!
Một số lớn bác sĩ ngại, không tiện thảo luận chuyện này với bệnh nhân giai đoạn cuối, nhất là các bệnh mạn tính, bệnh nan y không còn khả năng điều trị, hồi phục.
 Bàn bạc sớm sẽ có ích cho cả gia đình và cả người bệnh, người già.
Có trường hợp cần điều trị giảm nhẹ (palliative care), giúp người bệnh bớt đau đớn trong giai đoạn cuối. Có thể phải sử dụng thuốc chống đau, thuốc ngủ…; đặc biệt hỗ trợ về cảm xúc từ các chuyên viên tham vấn tâm lý và hỗ trợ về tâm linh nếu có một tôn giáo nào đó, hoặc chọn lựa một tôn giáo nào đó. Nguyên tắc là làm sao đảm bảo chất lượng cuộc sống và nhân phẩm trong thời gian cuối cùng này.
Gần đây, do tuổi thọ ngày càng cao, nhiều nước có người già sống trên 120 tuổi, cô độc, tàn phế, nhưng “khoa học” vẫn không để họ ra đi yên ổn, ráng giữ lại và sử dụng máy móc chăm sóc như máy đút ăn, máy xoa bóp… Họ sống không còn ý nghĩa, thậm chí không còn trí nhớ, chỉ còn cái tứ đại mà không có ngũ uẩn, vậy mà vẫn cứ lây lất cái gọi là sống. Có trường hợp chết trong nhà nhiều tháng hàng xóm mới hay như gần đây có mấy vụ xảy ra ở Nhật. Cho nên, người già, để có một cái chết “tốt”, một cái chết đầy “chất lượng” (Có chất lượng cuộc sống hẳn phải có chất lượng cuộc chết chứ phải không?). Cần lên kế hoạch cho cái chết đương nhiên sẽ gặp của mình càng sớm càng tốt. Các “chuyên gia” về lãnh vực này khuyên: Ta nên nghĩ xem ta chết cách nào cho tốt? Ta muốn gì khi chết? Ai sẽ thực hiện điều này? Phải chắc chắn người đó hiểu ý ta, làm theo ý ta. Nếu bệnh nhiều, hỏi bác sĩ… còn sống được bao lâu để chuẩn bị? “Hộ tử” phải được chuẩn bị tốt như “hộ sinh” chứ. Biết trước khoảng sống còn, khả năng chữa trị. Giai đoạn cuối chỉ là giảm thiểu đau đớn, tránh những thứ điều trị gây hại!
 BS. Collins nói phải bắt đầu bàn chuyện “hộ tử” ngay từ bây giờ đi, dù bạn 25 hay 95.
* * *
Không có bạn thiết nào gần gũi luôn luôn gắn bó với ta như là cái chết. Nó gắn với ta từ trong gene. Nó gắn với ta như một cặp song sanh thai, không tách ra được. Nó cũng chẳng bao giờ hù dọa ta, chẳng bao giờ mè nheo đòi hỏi gì ta. Thiệt ra nó gắn bó, thân cận, gần gũi, ấp ủ, âu yếm ta từng phút từng giây. Lỗi không phải ở nó. Lỗi ở ta. Khi ta sanh ra thì nó mới theo ta. Nếu ta không sanh ra thì không có nó theo. Nó không ở ngoài ta. Nó chẳng hề đến với ta. Nó sẵn có trong ta. Vì có sanh nên có tử, có sống nên có chết. Tuy tên gọi cái chết có khác nhau tùy văn hóa, nhưng tất cả cái chết đều giống nhau y hệt. Cũng là ngưng thở, hết thở. Trả hơi thở về cho không khí, thứ hơi thở đã mượn tạm xài từ hồi sanh ra. Chỉ mượn tạm mà không nhớ, không biết. Cũng là tan rã. Cát bụi lại hoàn cát bụi. Tứ đại đất - nước - gió - lửa lại hoàn đất nước gió lửa. Cái gì cũng mượn tạm mà không nhớ không biết. Nên Phật dạy phải luôn nhớ cái chết. Người anh em song sanh thai trong thai này luôn là bạn thiết, cùng dắt díu nhau cùng chia sẻ lúc buồn lúc vui suốt cả cuộc đời giả tạm này. Giả nó không thật, vì nó “hư vọng”. Tạm vì nó vô thường, thay đổi từng phút giây, từng sát na.
Nhưng sống mà chỉ đợi chờ chết thì...? Thì càng vui sống chớ sao. Sống mà biết mình sắp chết, mình sẽ chết thì càng phải sống có ý nghĩa, có hạnh phúc. Những ai tưởng mình không bao giờ chết thì vất vả trăm chiều. Họ vất vả vì lo giành dân chiếm đất, nhất thống giang hồ, muôn năm trường trị và đi tìm thuốc trường sinh bất tử... Cuối cùng thì họ cũng ngủm!
 Còn người biết mình sẽ chết thì sống hạnh phúc trong từng phút giây. Thậm chí, họ tập chết từng ngày. Làm bạn với Thần chết. Bạn của Thần chết thì Thần chết không nỡ làm phiền đâu. Họ đã chuẩn bị cả rồi. Khi nào “dưới vực sâu lời mời đã dậy” thì vác ba lô lên đường thôi, ủa mà cũng chẳng cần ba-lô nữa.
Giải thoát sanh tử không phải là không còn sanh tử nữa mà chỉ là không còn phải sợ hãi cái sự chết đang đến dần nữa. Cái sanh dù gì thì cũng đã lỡ rồi, lỡ sanh ra rồi, dù muốn hay không muốn, ta cũng lỡ… chào đời, lỡ lang thang một kiếp nhân sinh rồi nên vấn đề còn lại là tử. Nhưng sanh ta không sợ cớ sao tử lại sợ? Bởi vì ta ham sống. Ham sống sao cứ kêu than sống là khổ? Khổ mà không muốn thoát là sao?
Có cách nào giúp người ta luôn nhớ đến cái chết để được sống hạnh phúc hơn không?
 Có đó. Cứ ngồi yên đó. Lắng nghe hơi thở của mình. Thở vào... thở ra. Một hơi thở là một cuộc sống. Thở ra rồi thở vào. Lại một cuộc sống mới. Thì ra... sống và chết là một chu kỳ hình sin. Cái gọi là sống, cái gọi là chết. Gọi vậy thôi chớ không phải vậy. Có thể đảo ngược lại. Nhìn kỹ thì thấy cái chết mới là cái sống. Thở vào như sóng. Thở ra như nước. Sóng là nước. Nước là sóng. Tùy duyên. Bày đặt vui thôi mà!
Không có hơi thở nào của hôm qua. Không có hơi thở của ngày mai. Hơi thở chỉ có hôm nay. Ở đây và bây giờ. Cho nên biết thở là biết sống ở đây và bây giờ.
Người nào luôn nhớ cái chết thì sống hạnh phúc.

 Chìm dưới sương thu là một đóa thơm tho...

“Chìm khuất trong ta 
Một lời nói vu vơ
Chìm dưới sương thu
Là một đóa thơm tho...”

(TCS)
 Tôi ngờ rằng có một phần thưởng quý giá nào đó cho kiếp nhân sinh, mà thiên nhiên đã mất công tạo ra, không thể nào có một mục đích duy nhất là làm cho nó phải khổ đau từ lúc sanh đến lúc bệnh, lão và tử. Điều này hoàn toàn vô lý. Bởi nếu vậy thì thiên nhiên đã không tạo ra vạn vật, nhất là sinh vật. Thử nhìn xem, vạn vật luôn đẹp đẽ, sinh vật luôn đẹp đẽ muôn màu muôn sắc. Hai con bọ ngựa yêu nhau, ve vãn nhau, giao hợp xong con đực chết ngay và trở thành thức ăn cho con cái. Con cái mang cái trứng đã thụ tinh, nuôi nấng và sinh sản, xong cũng chết. Nếu chỉ làm cái việc giao hợp rồi chết như con bọ ngựa hay những con ong đực, thì nhiệm vụ duy nhất của nó chỉ là làm vật trung gian, truyền giống, khi hoàn thành nhiệm vụ thì không có lý do gì để tiếp tục tồn tại. Vậy thì ít ra phải có chút tưởng thưởng gì cho cái vất vả của nó chứ? Có lẽ vì thế mà thiên nhiên đã tặng cho nó chút khoái lạc trong lúc giao hợp. Nhưng sự giao hợp là sự truyền trao chủng tử, còn chuyện “bố thí thân mạng” kia có ý nghĩa gì không? Có được tưởng thưởng gì không?
Chẳng hạn, ăn là một hiện tượng để tạo năng lượng duy trì sự tồn sinh và phát triển cho đến lúc có thể “hoàn thành nhiệm vụ”, vậy mà thiên nhiên còn phải tưởng thưởng một chút khoái cảm cho cái sự ăn. Nếu không, đâu có sinh vật nào ăn làm chi cho mệt. Nó phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để kiếm lấy cái ăn, phải tranh giành vất vả để có cái ăn và phải trăm mưu ngàn kế để tìm cách ăn... cho nhiều. Từ một con mối mù lòa, rào rào ăn cột gỗ, đến một con bọ hung, hùng hục trong đống phân, tranh giành chí chóe để vo tròn được một cục phân to gấp đôi gấp ba thân hình chúng, khuân đi, đào lỗ, chôn giấu, để dành cho con bọ hung cái đang đẻ trứng có thức ăn dự trữ mà nuôi con. Các con thú - từ loại hung dữ ăn thịt sống đến những con thú hiền lành ăn cỏ - thì mạnh được yếu thua, con này làm mồi cho con khác. Có một điều ngộ nghĩnh duy nhất là con nào cũng hết lòng hết sức vì con của mình, vì sự tồn vong của nòi giống mình. Cây cỏ cũng vậy, cũng đưa những cái vòi bạch tuộc của nó ra mà hút lấy nhựa nguyên, chuyển thành nhựa luyện nuôi lá nuôi hoa, rồi ra quả ra hạt, truyền giống. Lá cứ rào rào rơi xuống làm phân cho lá khác vươn ra. Lá rơi có buồn không? Chắc là không. Chuyện cây cỏ hút nước, hút phân chắc cũng phải có cái gì sảng khoái, không, dại gì hút cho mệt. Con mối nhai gỗ rào rào chắc phải có cái gì sảng khoái, không, nhai làm gì cho mệt. Rồi con bọ hung giành nhau cục phân cũng phải có cái gì chứ… Con người cũng không khác. Các bữa ăn phải đem lại sự sảng khoái con người mới chịu ăn, và từ chịu ăn mà chịu làm, chịu giành giựt đấu đá, chém giết nhau... lúc nào cũng muốn muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ, trường sanh bất tử chứ. Cái ăn thì đã vậy, ngủ cũng phải có sự sảng khoái để tích lũy năng lượng, phục hồi sức sống. Con nào cũng ngủ, cách này cách khác. Có con treo ngược hai chân lên trời mà ngủ như giống dơi, có con co một chân đứng một chân, để ngủ như giống chim. Và sản sinh năng lượng thì phải có thải bã. Con voi ăn cỏ hàng ngày thải hằng trăm ký phân chắc cũng phải khoái mới thải. Con người cũng phải thải vậy. Câu hỏi đặt ra là con người hay mọi sinh vật không sống mãi để hưởng thụ cái khoái đó của mình? Không, có lẽ còn có một cái khoái lớn, còn được giấu kỹ. Nói ra sợ người ta biết thì triệt tiêu mục đích tối thượng của sự sinh tồn. Đó là cái chết. Chết gần như là lẽ tất yếu sau khi đã sinh ra, đã sống, dù như con phù du ngắn ngủi hay như con voi, con rùa nhiều trăm năm. Vậy chết hẳn phải là một sự tưởng thưởng cho kẻ có công sinh tồn. Và như vậy nó phải là một sự sảng khoái lớn nhất. Không phải như một triết gia bảo chỉ có cái chết mới làm cho con người được nghỉ ngơi. Nói thế chưa thấy sự sảng khoái? Sảng khoái ư?
 Một sự xuất tinh lúc giao hợp là một sự sảng khoái, nói không được, mô tả không được. Sảng khoái của sự “mất” đi. Mất đi hằng tỷ tinh trùng, hằng tỷ sự sống. May ra, có một tinh trùng gặp trứng và thụ tinh, còn thì tự hủy diệt. Nó đi đâu? Kẻ phóng tinh đã được một sự sảng khoái đền bù vất vả. Kẻ nhận tinh cũng vất vả không kém, và cũng sẽ được đền bù cách nào đó chứ.
Trước khi sinh ra thì con người ở đâu? Trong cõi mênh mông đó, không thể biết. Cái phần dài nhất - trong trí tưởng của ta - là phần trước và phần sau của cõi nhân sinh. Phần dài nhất đó phải có ý nghĩa gì chứ? Có thể nó lại trở lại những thành tố riêng lẻ, chờ cấu trúc lại, như những miếng hình rời chờ lắp ghép ra một cái hình thù khác, một sinh vật khác. Nhìn qua những thành tố thì thấy nó rõ ràng không mất đi, không thêm lên. Và cả năng lượng nữa, cũng được “bảo toàn”. Nó chỉ tích trữ lại, lắp ghép lại, như một đứa nhỏ chơi trò puzzle với những lắp ghép tình cờ. Khi vật chất bị hủy diệt thì thời gian và không gian cũng không còn. Thời gian và không gian là một cách nhìn tương đối của sinh vật. Khi sinh vật không là sinh vật thì không còn thời gian và không gian. Nghĩa là một hình thái bất sinh bất diệt, và dĩ nhiên bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Nó được tái sử dụng một cách phù hợp vậy thôi. Vậy thì không phải không có lý khi bảo cuộc sống sinh vật - và con người - là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, thì hẳn phải có cái thường, lạc, ngã, tịnh, cái đó chính là niết bàn rốt ráo, niết bàn vô dư, tức cái chết.
 Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
“Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa...”
(TCS)
 “Nhật nguyệt”, ấy là Minh. Minh để trừ Vô minh. Vô minh dẫn tới hành rồi thức, danh sắc, lục nhập... con đường sinh sự đưa tới khổ đau, sanh tử. Bởi còn vô minh thì còn ái, thủ, hữu, còn sanh, còn lão, tử. Tâm kinh nói “Vô vô minh diệc vô vô minh tận”. Không có vô minh mà cũng chẳng bao giờ hết vô minh!
Duy-ma-cật hỏi Bồ-tát Văn Thù:
“Những gì là hạt giống Như Lai?”
Văn Thù đáp: Có thân này là hạt giống Như Lai. Vô minh với ái là hạt giống Như Lai.
Tham, sân, si là hạt giống Như Lai.
Bốn điên đảo, năm triền cái, tám tà pháp, chín não xứ, mười bất thiện… đều là hạt giống Như Lai.
Rồi Văn Thù kết luận: Tất cả phiền não đều là hạt giống Như Lai.
 
Thì ra vậy. Thì ra mọi thứ phiền não khổ đau của kiếp người đều là hạt giống của Như Lai. Tham sân si là hạt giống Như Lai. Mà tấm thân tứ đại ngũ uẩn này của ta cũng là hạt giống Như Lai. Đã là hạt giống thì nó phải mọc tùm lum lên mới đúng điệu chớ phải không? Cho nên tham sân si cứ còn mãi, ngày càng nhiều thêm, tranh giành đấu đá ngày càng mạnh mẽ thêm. Cái “Ngã” của ta cũng vậy, cũng ngày càng mọc sum suê hơn, lúc nào cũng muốn muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ, trường sanh bất tử...! Đừng quên, Phật là Như Lai nhưng Như Lai không phải Phật. Như Lai là Như Lai, không từ đâu đến, chẳng đi về đâu! (vô sở tùng lai diệc vô sở khứ).
Muốn dứt phiền não thì tâm phải an. Làm sao để tâm an? Tìm tâm đâu thấy? Chỉ có cách tiếp cận qua thân. Thân tâm nhất như mà. Cho nên “giả bệnh” là cách tốt nhất của Duy-ma-cật.
 Bởi bệnh thì rất bình đẳng. Mọi người đều bình đẳng trước… bệnh! Khố rách áo ôm hay đại gia tỷ phú khi đau gan thì cũng như nhau thôi. Cũng vàng da, cũng ói mửa, cũng nhức đầu đau bụng... Hoa hậu hay cô gái bán hoa khi đau ruột thừa cũng giống nhau thôi. Cho nên Duy- ma-cật nói: “Thân này không thể tin cậy được. Nó không phải của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta. Phải thấy thân Phật, tức thấy Pháp thân.”
Phật hỏi Duy-ma-cật: Ông quán Như Lai thế nào? Tôi quán Như Lai qua pháp thân cũng như quán Phật và tôi. Không có gì khác nhau cả.
Muốn thấy Pháp thân thì phải “quán”. Phải nhìn sâu vào bên trong, nhìn xuyên qua bên kia, qua cái “giả tướng”, cái trình hiện bên ngoài may ra mới thấy.
 Còn “chúng sanh” lại là những ảo vật do nhà ảo thuật là ta tạo ra. Ta tạo ra rồi ta hồng hộc chạy theo, bám lấy, giành giật, khổ đau, hạnh phúc... Chẳng qua là những bóng hình trong gương, mặt trăng đáy nước, dấu chân chim giữa hư không...
Khi thấy biết thực tướng là vô tướng, thì hòa nhập nhau có chi ngăn ngại vì cùng bản chất, pháp tánh. Cái núi Tu-di to đùng kia mà đem đặt vừa vào đầu hạt cải, nước bốn biển mênh mông nọ mà rót đầy lỗ chân lông thì có chi là lạ? Bởi núi Tu-di cũng không mà đầu hạt cải cũng không. Nước bốn biển cũng... không mà lỗ chân lông cũng không. Không đây không phải là không có. Vẫn có chứ, nhưng không có “tự tánh riêng biệt”, thế thôi. Cho nên mới gọi là “chân không”. Chân không mà diệu hữu, diệu hữu mà chân không.

 * *
 Nghe nói tới Ma thì ai cũng sợ. Nhưng Duy-ma-cật Bồ-tát thì “nuôi” rất nhiều ma để làm “thị giả” cho mình, luôn ở cạnh mình, “trợ lý” cho mình.
“Ma phiền não” chẳng hạn nhắc nhở ta sẵn có bốn vạn tám ngàn cách thoát ra sao chẳng thử một vài; “Ma ngũ uẩn” thì càng thân thiết, nhắc rằng mấy thứ lăng nhăng nó quấy ta chỉ là những thứ kết hợp tạm bợ, lắp ghép lai rai như trò chơi puzzle của trẻ con, phá ra lắp lại mấy hồi; “Ma trời” (thiên ma) luôn cảnh giác ta đừng tưởng bở, đừng tưởng muốn “làm trời” gì thì làm nhé. Rớt vào địa ngục như chơi. Lên voi xuống chó mấy hồi. Còn “Ma chết” (tử ma) lại là bạn thiết gắn bó với ta từ thuở còn trong bụng mẹ...
Cái thấy của mắt, cái nghe của tai chỉ là ‘giả tướng’. Còn cái ‘tướng thiệt’ ở đâu? Ở bên kia kìa. Vượt qua cái giả tướng mới thấy được. Phải ở bên bờ kia mới thấy được. Ta chỉ bị gạt gẫm thôi. Và lâu nay ta sướng khổ với sự gạt gẫm đó mà không biết.
“Kiến tánh” (thấy biết Tánh) là Giác ngộ. Dễ không? Còn lâu! Nói chung thì vì cái tâm mình nó lờ mờ, nó tù mù, nó u tối nên sanh ra tham lam. Gì cũng muốn. Bao nhiêu cũng không đủ. Lòng tham không đáy. Được voi đòi tiên. Tham nên mờ mắt. À không phải. Mờ mắt mới tham. Nếu sáng mắt thấy rõ các pháp “bất tăng bất giảm”, không thêm không bớt thì tham làm chi. Rồi cũng vì cái tâm mình nó lờ mờ, nó tù mù, nó u tối nên sanh ra sân (giận). No mất ngon. Giận mất khôn. Mà không biết chân lý dưới chân núi bên này thì không còn là chân lý ở chân núi bên kia.
Nhiều khi, ta ngồi yên đây mà quên là trái đất đang bay vù vù với tốc độ ba chục ngàn cây số một giây. Một ngày đêm đã bay được hơn 2 triệu rưỡi cây số quanh mặt trời! Nhiều khi ta ngồi đây mà quên rằng cứ mỗi giây trôi qua đã có hằng trăm triệu hồng cầu trong cơ thể mình hủy diệt đi để sinh ra trăm triệu hồng cầu mới. Các chất liệu của hồng cầu hủy hoại đó chẳng mất đi đâu, nó tích chứa vào lá lách (gọi là nghĩa địa của hồng cầu) để rồi được nối ráp lại, tạo ra những hồng cầu mới, tươi mát hơn... Cái hệ tiêu hóa, ruột non ruột già của ta dài cả 5m kia cứ mỗi tuần lễ lại thay đổi toàn bộ lớp tế bào niêm mạc. Có hàng ngàn tỷ vi khuẩn đang sống trong đường ruột đó, mỗi loại hùng cứ một phương, rất ít khi tranh chấp với nhau ...

* * *
Khi tôi học y khoa, cách đây gần 60 năm, người ta khiêng ra cho mỗi nhóm 8 sinh viên một chiếc giỏ cần xé (giỏ mây to) đựng xương người. Mỗi sinh viên ôm lấy một cục xương đó, học thuộc từng đường gân sớ thịt... Có bạn còn mượn một cái đầu lâu về đặt trên bàn học, mỗi ngày học thuộc từng chiếc lỗ trên đó, có những dây thần kinh nào chạy qua, rồi học về bộ não, vùng nào chịu trách nhiệm việc gì...! Môn cơ thể học dạy cho biết bộ xương người đã hình thành như thế nào, các tế bào xương tạo xương và hủy xương ra sao... Sinh lý học dạy cho biết cơ thể vận hành cách nào, làm sao có đủ nhiên liệu để xài cả đời người ? Ấy là nhờ oxyd hóa “đốt” những thứ thức ăn để tạo ra năng lượng ra sao.
Người giác ngộ hơn người khác ở chỗ trong lúc người khác đang sống thì không ai chịu nghĩ tới cái chết, còn người giác ngộ thì coi cái chết cái sống là một. Nói người giác ngộ là người đã “vượt thoát sinh tử” là vậy. Có sinh ắt có tử, có tử ắt có sinh.
 Luân hồi luôn đi với sanh tử. Luân hồi sanh tử. Nghe cứ rờn rợn. Nhưng… không còn sanh tử, không còn luân hồi nữa, sống đời đời kiếp kiếp thì… chán chết! Không luân hồi sanh tử nữa thì mọi thứ khựng lại. Trái đất chẳng buồn quay. Chẳng còn xuân hạ thu đông. Chẳng sáng trưa chiều tối. Chẳng vô thường. Chẳng đổi thay. Chán chết! Cho nên cứ phải luân cứ phải hồi, cứ phải sanh cứ phải tử hoài hoài. Lòng vòng luẩn quẩn loanh quanh vậy mới công bằng, mới phải điệu. Ba cõi sáu đường phải thênh thang rộng mở cho chúng sanh lũ lượt vào ra mới phải điệu! “Luân hồi sanh tử”, “nghiệp báo oan gia” các thứ… ở đâu mà ra? Thì ở đâu nữa. Ở ngay trong ta thôi. Ôi, cát bụi tuyệt vời! Khi vẽ được bản đồ hệ gene người, các nhà khoa học bật ngửa thấy tinh tinh, chuột bọ, cải ngồng, cổ thụ… đều có những gene y như vậy với một tỷ lệ khác nhau nhiều ít. Tinh tinh có đến 99% cấu trúc gene giống hệt bộ gene người, chuột bọ thì có đến 97,5% gene người… Ai dám bảo hôm nào đó chẳng “luân” chẳng “hồi” một phen, cho tinh tinh thành cải ngồng, cải ngồng thành chuột bọ…? Có cái nhìn xuyên suốt ngàn năm chắc thấy biết, còn ta mắt trần (nhục nhãn) chưa thấy được đâu, đành lớ ngớ, loay hoay.
Thực ra luân hồi sanh tử không chỉ vậy! Luân hồi sanh tử còn là tiến trình tâm trong mỗi sát-na. Từ sáng đến chiều, từ trưa đến tối ta đã… lang thang sáu nẻo biết bao lần. Hết thiên, nhân lại đến A-tu-la rồi ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, xà quần không ngưng nghỉ. Sáng bảnh mắt ra, tắm táp xong, người sảng khoái, lâng lâng, quần là áo lượt có thua gì… tiên đâu, vậy mà tới trưa nghe một cú điện thoại từ đâu đó bỗng đùng đùng nổi giận, đỏ mặt tía tai, bầm gan tím ruột, lọt tõm vào địa ngục… Chỉ một thoáng thôi, đã từ thiên đàng rơi xuống địa ngục, từ thiên nhân thành A-tu-la, ngạ quỷ…
Biết rõ “cơ chế” bệnh sinh thì điều trị không khó. Có khi chỉ cần chữa triệu chứng. Có khi phải điều trị căn nguyên để không còn tái phát. Cái gì làm ta xà quần nổi trôi trong cõi luân hồi sanh tử? Cái gì có vẻ như mãi cợt đùa không mệt mỏi với ta? Chính cái “Ta” đó. Nó đó. Nó tạo nghiệp. Nghiệp từ thân, khẩu, ý mà nên. Cho nên chỉ có “ta” mới cứu được “ta” thôi! Cho nên phải quay lại với mình, phải nương tựa chính mình, còn tìm kiếm đâu xa? Khi nhận ra “không phải của ta/ không phải là ta/ không phải là tự ngã của ta” thì có lẽ đã có một nụ cười thanh thản, an nhiên.
Phật có đến có đi. Có từ bi có hỷ xả. Có nói năng có im lặng. Có thể dùng âm thanh, dùng ánh sáng, dùng chuông mõ, tiếng tụng niệm mà thấy Phật. Nhưng Như Lai thì không. Không thể dùng âm thanh, ánh sáng mà thấy Như Lai. Kinh nói Như Lai thọ lượng mà không nói Phật thọ lượng, vì Phật thọ lượng chỉ có hơn 80 năm! Kinh nói Như Lai thần lực mà không nói Phật thần lực, vì Phật chẳng ưa chuyện thần thông. Kinh nói vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai mà không nói vào nhà Phật, mặc áo Phật, ngồi tòa Phật… Cho nên, Phật là Như Lai, mà Như Lai không phải Phật. Như Lai là Như Lai. Nó vậy đó.
 
Trời cao đất rộng một mình tôi đi...

“Đời như vô tận, một mình tôi về, 
Một mình tôi về với tôi...”

(TCS)
  Ở một nơi không có thời gian, không có không gian, không còn ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả gì nữa cả, thì nơi đó chính là Chánh định (Samadhi). Thiền là “kỹ thuật” để đạt tới chánh định.
Bí quyết thực hành căn bản nằm ở Tứ niệm xứ (Satipatthana), bốn lãnh vực quán niệm. Có rất nhiều phương pháp hướng dẫn cụ thể trong Tứ niệm xứ. Tôi chỉ chọn một phương pháp đơn giản nhất nhưng cũng sâu sắc nhất, khoa học, sinh lý học đúng đắn nhất, không sợ “tẩu hỏa nhập ma” lúc thực hành. Đó là Anapanasati: Quán niệm hơi thở (Nhập tức xuất tức niệm/ An-ban thủ ý). Chỉ cần niệm (nhớ, nghĩ) hơi thở vào hơi thở ra... đủ “thấy biết” kiếp người chỉ nằm trong từng hơi thở đó. Người ta cứ sống chết mỗi phút giây như vậy mà chẳng biết. Khi niệm, tức nhớ nghĩ đến cái thở, cái sống, cái chết thì thấy... thì ra ai cũng như mình, cũng hít thở như mình, rồi cũng... chết ngủm như mình. Tất cả các sinh vật đều vậy. Từ đó mà có Từ, có Bi. Từ Khí đã chuyển thành Trí. Anapanasati là đã đủ để thực hành (Ana: thở vào; Apana: thở ra; Sati: niệm), nhưng theo tôi cần để ý đến một điểm quan trọng khác nữa. Đó là khoảng trống - một quãng lặng - ở giữa lúc thở ra mà chưa thở vào. Nó thực sự là một quãng “chết” (không thở). Để cho dễ nhớ trong thực hành, tôi đặt tên nó là “Pranasati” (Pra=trước; Ana=thở vào; Sati=niệm). Trước thời thở vào có nghĩa là sau thời thở ra. Thở ra vĩnh viễn mà không thở vào nữa chính là cái chết. Đặt niệm vào quãng lặng đó để “thấy biết” (cảm nhận) một cái chết ngắn. Như là một sự “tập chết”. Trở về thời bào thai trong bụng mẹ. Ở đây là mẹ Như Lai, “bào thai Như Lai”. Loài người có trí thông minh vượt trội là nhờ vỏ não phát triển, với hàng trăm tỷ tế bào thần kinh, hàng trăm nghìn tỷ tỷ các mối nối... dày đặc nhưng sự điều hành hô hấp của ta lại không nằm ở vỏ não. Nó nằm ở hành tủy, dưới vỏ não. Các trung khu hô hấp nằm ở đó, điều hành sự thở. Vì thế mà dù vỏ não không hoạt động (ngủ, hôn mê...) thì sự thở (hô hấp) vẫn được duy trì. Khi tập trung (sati) vào hơi thở là ta đã giải phóng cho vỏ não được nghỉ ngơi! “Tâm an” nhờ đó.
Thực ra ở giai đoạn thiền cao hơn, thì chẳng còn cần phải để ý, đặt niệm vào hơi thở vào, hơi thở ra, hay quãng lặng gì nữa cả. Thở sẽ tự động điều chỉnh theo nhu cầu năng lượng của hành giả. Nhu cầu năng lượng này rất thấp nên nhiều khi ta thấy hành giả thở như “sợi chỉ”, gần như không cần thở nữa. Cảm nhận lúc đó như tan vào hư không. Không còn ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả gì nữa.
“Quán niệm” hơi thở chính là “thiền quán” (vipassana). “Quán” là không còn “dõi theo” hơi thở đơn thuần nữa (giai đoạn chánh niệm) mà đã có sự phân tích, soi sáng (quán chiếu) dưới nhiều góc cạnh khác nhau để nhìn cho ra những điều mà bình thường không “thấy biết”. Cái thấy biết bấy giờ đã vượt khỏi cái trình hiện, cái giả tướng bên ngoài để nhìn được cái thực tướng bên trong, bờ bên kia.
Vi, tiếp đầu ngữ có nghĩa là “một cách khác”, “một cách đặc biệt”, còn passana là “thấy”, là “biết”. Vipassana là thấy biết một cách khác, một cách đặc biệt!
Một chiếc lá vàng rơi, người thi sĩ có thể thấy cả mùa thu, thấy con nai vàng ngơ ngác, thấy mùa thu không trở lại nhưng người có quán chiếu lại thấy sự vô thường, vô ngã, sự bất sinh bất diệt…
Khi vào sâu trong định, hành giả sẽ không cảm nhận mình thở nữa. Hơi thở nhẹ gần như ngưng. An tịnh. Hòa tan. Tan biến. Đó chính là quãng lặng ở cuối thì thở ra - thường kéo dài, thong dong, nhẹ nhàng, yên tĩnh, vì không tốn năng lượng. Như chim lượn bay, không phải vỗ cánh, như xe ngon trớn chạy ở số không, không tốn nhiên liệu! Đó chính là giai đoạn “Prana”. Khi cơ thể đã chùng xuống, thả lỏng toàn thân thì tiêu hao năng lượng đã giảm một cách đáng kể rồi thì cũng sẽ bớt nhu cầu phải cung cấp các dưỡng chất qua thức ăn! Ăn ít mà vẫn đáp ứng thì cơ thể đỡ vất vả, các tế bào đỡ hùng hục làm việc. Các nghiên cứu trên sinh vật cho nhịn đói vừa phải thì thấy sống lâu hơn và trẻ hơn!
Ai có thể thở giùm ai? Ai có thể thiền giùm ai? Cho nên chỉ có thể nương tựa vào chính mình thôi. “Duy ngã độc tôn” thôi vậy!

* * *
 Thiền tập là đẩy cái “thân hơi” ra khỏi cái “thân xác”. Thân xác là cát bụi, là tứ đại, đất - nước - gió - lửa, là cái “sắc”, thô phù, còn “thân hơi” là phần “thọ tưởng hành thức” trong cái gọi là “ngũ uẩn” của cái ta .
Có lần tôi viết:
“Lắng nghe hơi thở của mình
Mới hay hơi thở của nghìn năm xưa Một hôm hơi thở tình cờ
Dính vào hạt bụi thành ra của mình Của mình chẳng phải của mình
Thì ra hơi thở của nghìn năm sau”...
(ĐHN)
 Nói tình cờ chớ chẳng phải tình cờ chi đâu, do duyên, do nghiệp cả đó thôi. Nói cho cùng thì cái thân hơi - hơi thở - kia là của ngàn năm trước, ngàn năm sau, chớ chẳng phải của ta, riêng ta gì đâu. Đừng tưởng bở! Nó đến nó đi vô tình, ngạo nghễ. Nó Như Lai. Không phân biệt.
Tôi ngờ rằng thiền là kết quả của một tình trạng “thiếu dưỡng khí” tế bào. Ở một mức độ vừa phải, sự thiếu dưỡng khí đó cho phép tế bào nghỉ ngơi. Khi cơ thể không cần quá nhiều năng lượng dùng cho sự co cơ (tonus musculaire), khi trí não (vỏ não) không còn tiêu tốn quá nhiều năng lượng cho những chuyện không đâu, thì cơ thể không cần phải hấp thu nhiều Oxy nữa, thở sẽ rất nhẹ, tối thiểu, chỉ để duy trì chuyển hóa cơ bản (métabolisme basal) lúc này cũng đã giảm thiểu. Các tế bào toàn thân được “xả hơi” không phải vất vả, hùng hục làm việc. Mitochondrie (bộ máy sản xuất năng lượng trong từng tế bào) cũng sẽ giảm hoạt động, nghỉ ngơi. Tình trạng đó có thể xem như cơ thể đang sống trong trạng thái yếm khí, co cụm lại, thành một “bào tử” (spore) để tự bảo vệ, sống dai, khó bị hủy bởi môi trường. Nhiều hành giả thích tu tập trên núi cao, ở đó Oxy rất loãng, và họ thường không sợ lạnh, có khi họ ngồi thiền giữa tuyết giá như ta từng biết.
Trạng thái “thiếu Oxy” giống như bệnh nhân bị sốt rét Plasmodium falciparum, vỡ hồng cầu hàng loạt. Tôi có kinh nghiệm sốt rét rừng trong nhiều năm, ở vùng Bình Châu, Láng Găng, Bưng Riềng, Rừng khỉ... khi theo cha tản cư về sống ở đó. Khi ông mất, tôi mới về thành phố. Những cơn sốt rét nhức đầu, nóng dữ dội rồi run bần bật, toát mồ hôi lạnh ngắt... và sau đó thấy sảng khoái, thân thể nhẹ nhàng, lâng lâng như đi trên mây do thiếu máu tán huyết (!). Dĩ nhiên, đó là do không còn đủ lượng hồng cầu để chuyên chở Oxy cho cơ thể. Mỗi cơn sốt rét thường kéo dài cả tiếng đồng hồ, sau đó, cơ thể rã rời, chóng mặt thường xuyên vì thiếu máu. Nhiều năm sau, coi như sống sót, lá lách sưng to. Sau này, khi đã là bác sĩ, tôi khám bệnh cho mấy bé ở vùng sốt rét về chỉ cần nghe người nhà nói bé bị “thư” một con rùa vào bụng thì đã biết là sốt rét, lá lách sưng to, có ngằn, có cạnh, lớn độ 3, độ 4 có thể vượt qua rún, sờ thấy như mu một con rùa đang bơi trong ổ bụng vậy.
Điều muốn nói ở đây là cái cảm giác “sảng khoái” lâng lâng, bay bổng, sau cơn sốt rét như thế, do hồng cầu bị vỡ (tán huyết), do cơ thể thiếu Oxy chẳng khác hành giả ngồi thiền, có thể gọi là “thiền duyệt” chăng?
Thiền sâu sẽ không còn vướng vào hơi thở vào (ana) thở ra (apana) hay quãng lặng (prana) gì nữa. Lúc đầu có năng có sở. Năng là chủ thể (hành giả), sở là đối tượng (hơi thở). Khi vào sâu trong định, chánh định (samadhi), thì không cần để ý gì đến hơi thở nữa. Kệ nó. Nó biết phải làm gì. Nghĩa là chẳng còn “năng” còn “sở” gì nữa, gọi là “năng sở song vong”. Chẳng còn trâu chẳng còn người chăn gì nữa cả. Trâu cũng mất mà người chăn cũng mất.
* * *
“Tam-ma-địa”, phiên âm Samadhi là Chánh định trong Bát chánh đạo. Nghe cứ rờn rợn như “đất của ba con ma” nào đó vậy. Nhưng hiểu “đất của ba con ma” cũng hay chứ! Ma tham, ma sân và ma si. “Một ông Phật hiện ra/ Ba con ma biến mất!” như một bài đồng dao trẻ con thường hát! Nơi nào ông Phật hiện ra thì “ba con ma” tham sân si phải biến mất thôi! Hay nói cách khác, nơi nào có “ba con ma” hiện ra thì lập tức có ông Phật xuất hiện. Nếu chẳng có ba con ma Tham, Sân, Si thì Phật hiện ra làm gì cho mất công! Cho nên, muốn biết Phật ở đâu thì hãy tìm trong... tham sân si. Tham sân si càng lớn, Phật càng to.
Mỗi tế bào là một sinh vật. Chúng cũng sanh trụ dị diệt. Tế bào sinh vật có bộ phận tự sản xuất năng lượng để sử dụng cho mình. Oxy được mao mạch mang đến tận nơi, thức ăn dưới dạng đường glucose mang đến tận nơi, và mitochondrie lo sản xuất năng lượng. Hôm nào thiếu Oxy thì sẽ tìm cách xoay xở để có năng lượng tối thiểu cần thiết dưới một dạng chuyển hóa khác. Một vài loại vi khuẩn khi thiếu Oxy thì co cụm lại, gom tụ lại để tồn tại. Gọi là những “bào tử” (spore). Chúng sống rất dai và bền vững ở môi trường thiếu Oxy đó. Thí dụ, loại vi khuẩn clostridium. Ta biết sự hô hấp thực sự xảy ra trên từng tế bào chớ không phải ở phổi. Phổi chỉ là cái ống thụt... dùng để hút khí, bơm khí, nhờ máu chuyển khí đến từng tế bào. Cho nên nói rằng trong Thiền, ta có thể đưa tâm ta, ý chí ta đến từng tế bào để an ủi, khuyến khích, chữa trị khi cần không phải là chuyện nhảm nhí.
Thú vị là thai nhi trong bụng mẹ không cần thở! Suốt chín tháng mười ngày nằm đó, lớn nhanh như thổi mà không cần thở lấy chút nào! Chỉ khi sanh ra khỏi bụng mẹ mới bắt đầu hơi thở đầu tiên bằng tiếng “khóc chào đời” đầy thi vị.
Thai nhi cũng có phổi, nhưng là một cái phổi xẹp lép, để dành đó, như người lính nhảy dù đeo trên lưng chiếc dù xếp gọn, sẵn sàng bung ra bọc gió khi tung mình ra khỏi phi cơ. Tất cả nhu cầu năng lượng để hình thành và phát triển của thai nhi được cung cấp từ bào thai của mẹ.
 Vì sao Khí mà có thể trở thành Tri? Khí trong trường hợp này chỉ là một phương tiện, là công cụ để đạt đến trạng thái Vô Ngã. Chánh tri kiến, “thấy biết” ở đó. Cho nên, Chánh định sẽ dẫn đến Chánh kiến. Từ đó sẽ có Chánh tư duy, nghĩ đúng và làm đúng, sống đúng với... chánh pháp, tự tại, an vui.
Nhiều hành giả chưa vượt qua được cái ngưỡng để “thấy biết” trọn vẹn các pháp. Vượt qua cái gì? Qua bờ bên kia. Paramita. Vực thẳm. Hố thẳm. Đó là điểm không đòi hỏi tốn năng lượng, là điểm giao thoa giữa âm và dương, áp suất trong hô hấp bằng không. “Thân nhẹ nhàng như mây”. Điều quan trọng, ý thức vẫn sáng suốt, không phải là hôn mê, vô thức, mà hoàn toàn tỉnh giác, thấy mình hòa vào vũ trụ, vũ trụ với mình như một. Thế, tôi có đạt tới điểm này chưa? Dạ thưa, chưa!
 Đó là điểm mà Quán Tự Tại Bồ-tát đã “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” (thấy rõ ngũ uẩn đều không có tự tánh riêng) nên đã “độ nhất thiết khổ ách” (vượt tất cả mọi khổ đau ách nạn) vậy.
Chẳng ai có thể thở giùm ai được đâu. Chẳng ai có thể “thiền” giùm ai được. Cho nên phải quay về nương tựa chính mình “một mình tôi đi, một mình tôi về... với tôi” mà thôi.
Phải “duy ngã độc tôn” thôi!

 Để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười...

“Bên trời xanh mãi Những nụ mầm mới...”

(TCS)
 Hỏi vậy chớ học Phật mấy năm qua thì được gì? Được nhiều lắm chứ. Thứ nhất là ăn được, ngủ được, tức ăn ngon, ngủ yên, làm việc, nghiên cứu, giảng dạy, viết lách ít mệt mỏi, suy nghĩ tập trung tốt… Sau đó biết thưởng thức cuộc sống hơn, bớt lo toan, bớt tính toán, bớt sợ hãi… Nhìn mọi sự thoáng hơn, biết con người có đến năm mắt (ngũ nhãn), biết con người có đến sáu nẻo đường (lục đạo) để mà chọn lựa tùy nghi. Biết những phương pháp thực hành, rèn luyện thân tâm, như Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Lục độ ba-la-mật các thứ và thử nghiệm trên chính bản thân mình rồi rút ra bài học thực tiễn, không lý thuyết viển vông. Nghiền ngẫm, thể nghiệm và sau đó chia sẻ cùng người khác. Đó là một cách học tốt. Càng về sau tôi đọc các kinh sách thấy trơn tru, dễ dàng hơn, biết chỗ đúng sai, biết chỗ bày đặt, thêm thắt, phiền não, mê tín dị đoan... Kinh sách chân chính luôn có sự nối tiếp hay rộng mở một cách nhất quán, không phân biệt. Thấy tám vạn bốn ngàn pháp môn tông phái gì đó chỉ là một. Đọc kinh sách thấy thú vị như đọc truyện tình cảm, trinh thám, kiếm hiệp thuở xưa. Khi viết ra những điều ngẫm ngợi, thể nghiệm, thì đó là một cách để học hỏi sâu hơn. Mỗi khi bí thì lạ thay như được ai đó chỉ bày, qua một sự kiện, một bài viết, một gặp gỡ ngẫu nhiên tình cờ nào đó làm tôi cũng chưng hửng.
Cái nền tảng kiến thức y học cũng giúp soi sáng nhiều điều, và ngược lại học Phật đã giúp tăng cường hiệu quả cho y học nhờ tiếp cận toàn diện, thân tâm, khổ đau, bệnh hoạn... Các “hạnh bồ-tát” không xa lạ với tham vấn trong y học, tâm lý học. Những hình tượng Bồ-tát gần gũi biết bao! Nào trung thực, chân thành, “ai thấy cũng vui, ai gặp cũng mừng” như Dược Vương; nào tôn trọng, không phân biệt đối xử, như Thường Bất Khinh; nào lắng nghe, thấu cảm, ngàn mắt ngàn tay như Quán Thế Âm với nhành dương liễu, bình tịnh thủy... Rồi nào “tam Thân tứ Trí” để rèn tập cho có diệu quan sát trí, nhất thiết chủng trí, để nhìn thấy rõ Pháp thân với tâm bình đẳng. Rồi nào Từ nào Bi nào Hỷ nào Xả... Nhìn rõ cái vô thường, khổ, không, vô ngã, duyên sinh, thực tướng vô tướng... trong mọi sự vật, hiện tượng. Các pháp vận hành tự nó tròn đầy trong cuộc sống. Điều quan trọng của học Phật là hành, là “văn tư tu”, là giới, định, huệ. Có hành thì mới nên hạnh, có hạnh mới nên… duyên.

* * *
Tôi thấy mình đến với Phật giáo không chút ngại ngần, khó khăn, mà như một sự trở về chốn thân quen. Tôi hiểu Phật vì sao phải dạy từng bước với Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên... các thứ, để rồi rốt cuộc khẳng định “Ta chưa từng nói một lời nào, chưa từng dạy một điều chi. Mọi thứ đều sẵn đó rồi!”. Vô trí diệc vô đắc (Tâm kinh). Tôi hiểu vì sao Phật tự xưng mình là Như Lai, bởi chỉ có xưng là Như Lai thì mới không còn thấy có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả gì nữa! Phật là Như Lai nhưng Như Lai không phải Phật. Như Lai là Như Lai. Nhân vô ngã và pháp vô ngã như hai cánh của một con chim hồng bay vút vào hư không. Từ đó, tôi chú ý những chuyện lặt vặt của Phật như cách ăn, cách ở, cách đi lại, nói năng... nôm na là cách sống. Nhờ nền tảng y học, tôi thấy vô thường, vô ngã, duyên sinh... không khó. Đừng tìm kiếm đâu xa cho mất công. Cứ “nương tựa chính mình” là đủ. Những môn Cơ thể học, Tế bào học, Sinh lý học, Di truyền học, Phôi thai học, Bệnh lý học... qua cái nhìn Phật học cũng đủ để giúp tôi “thấy biết” (Tri kiến).
Tôi “đặc biệt” coi kỹ cách Phật dạy con... ruột của Ngài: La-hầu-la ra sao. La-hầu-la là người con huyết thống, lúc Phật còn là Thái tử, quy y theo Phật từ lúc 7 tuổi. Phật giao ngay cho ông “thầy dạy kèm” là Xá-lợi-phất, vị đệ tử trí tuệ bậc nhất của Ngài. Ngài không giao cho Mục-kiền- liên, đệ tử bậc nhất về thần thông vì sợ La-hầu-la mê thần thông, quên trí tuệ.
La-hầu-la được dạy thở trước hết, sau đó mới dạy cách nhìn đời: “không phải của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta” để từ bỏ tham sân si, đi vào Giới Định Huệ. Thở là cho thân và cách nhìn đời là cho tâm. May thay, tôi đến với Phật không có thầy. Nếu có thầy thì đã phải suy nghĩ thực hành theo thầy! Không có thầy nên tôi cứ nhởn nhơ như không. Chỉ cần nắm lấy cái cốt lõi. Tuy vậy, tôi phục Duy-ma-cật, Huệ Năng, Tuệ trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông... Họ đúng là Bồ-tát, đem đạo vào đời, đem an lạc, hạnh phúc đến cho mọi người. Tôi học Phật, thấy... không khó. Tôi học Tâm kinh và thấy mình hiểu Bát Nhã (Prajnaparamita) không khó. Không có tự tánh riêng biệt, Duyên sinh, Vô ngã, Thực tướng Vô tướng... Cho nên núi Tu-di to đùng kia có thể cho vào đầu hạt cải, nước bốn biển mênh mông kia có thể cho vào một lỗ chân lông, “bố thí thân mạng” mỗi ngày nhiều như cát sông Hằng... không khó hiểu. Prajna (Bát Nhã) là cái thấy biết “như thật”, cái thấy biết hiện tiền, thấy tròn đầy sự vận hành của pháp, không có sự can thiệp của cái ta tích cóp, cái ta học tập, cái ta thành kiến. Pra là trước; Jna là trí. Prajna là một “cái biết trước cái biết”. Cái biết Prajna (Bát Nhã) kia có thể dẫn thẳng tới... vô vi, trực tâm. Cho nên “tri kiến lập tri tức vô minh bổn”: cái biết khi đã hình thành (lập tri, thành kiến) là nguồn gốc của vô minh. Chẳng phải do vì “thành kiến” (lý tưởng nọ kia, triết lý này khác... anh sai tôi đúng) mà loài người vẫn cứ đánh nhau, giết nhau với những danh từ đao to búa lớn. Cho nên mới nói “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (đừng có trụ (dựa) vào đâu cả để mà sanh cái tâm)! Đừng có sinh sự, đừng có can thiệp vào cái “thanh tịnh bổn nhiên” vốn sẵn có kia!
“Cái thấy chỉ là cái thấy/ cái nghe chỉ là cái nghe”... thiệt ra chỉ muốn nhắc một điều: cái thấy nó vậy đó, do căn với trần tiếp xúc nhau. Chấm hết. Tại cái “ta” (ngã) xen vào mà sinh sự. Cái “ta” luôn phê phán, nhìn ngắm với những cặp kính màu khác nhau để rồi chí chóe, thượng cẳng tay hạ cẳng chân. Khi cái thấy do “Ta” thấy, nó sẽ khác với người khác thấy. Nó hay hơn, giỏi hơn, tốt hơn người khác. Khi cái thấy trần trụi căn với trần, thì ai cũng như ai. Hết chuyện. Vì thế, thật đơn giản khi tách cái “tâm” ra, tức là tách cái “của ta, là ta” ra thì nó trơ trụi, bình đẳng. Trần Nhân Tông nói: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” là vậy.
 Tuy nhiên, vẫn phải đi từng bước, thực hành từng bước. Không cần phải phân biệt tông này phái nọ môn kia. Phải có thực hành mới “thấy” được bên trong. Mới reo lên “Không ngờ..., Không ngờ...!” được như Huệ Năng.
Thực ra, Phật chỉ dạy có 2 điều: Khổ và Diệt khổ. Nhận diện được khổ để từ đó có phương pháp Diệt khổ tận gốc chẳng khác gì thầy thuốc chẩn đoán đúng bệnh và điều trị đúng, đem lại an vui, hạnh phúc cho con người. Kinh sách nào, pháp môn nào dạy ta, khiến ta... thêm khổ, thêm phiền não thì chắc chắn không phải của Phật rồi!

* * *
Nỗi khổ lớn nhất của kiếp người là sợ. Sợ... chết. Ta từ đâu đến, ta sẽ đi về đâu... là những câu hỏi không lời đáp từ ngàn xưa. Câu trả lời đơn giản nhất có lẽ là ta đã từ bào
 

thai mẹ mà đến và sẽ trở về... “bào thai Như Lai”. Quả có một sự giấu nhẹm thú vị. Ta bỗng dưng mà có thì cũng sẽ bỗng dưng mà không. Nhưng có và không lại là một. Thú vị ở đó. Xà quần chút chơi vậy thôi. Nó sẽ vận hành theo pháp. Sanh trụ dị diệt. Sanh chẳng phải sanh mà diệt chẳng phải diệt. Nên mới bảo: “bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm” (Tâm kinh). Hằng tỷ tinh trùng loi ngoi và một con duy nhất chui vào quả trứng. Có tình cờ không? Có xếp đặt không? Stephen Hawking nói có. Có xếp đặt đó, nhưng không có người xếp đặt. Vũ trụ còn 95% khoảng đen chưa khám phá. Nàng Hằng Nga chỉ là cục đất, chú Cuội là cục đá. Đất với đá thì cũng như nhau. “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” là vậy. Mỗi hạt cát là một vũ trụ. Cứ khám phá nữa đi. Bên dưới hạ nguyên tử sẽ là những hạt và những sóng, rồi dưới nữa thì không có gì cả: “Bổn lai vô nhất vật” (Huệ Năng). Không có gì cả mà có tất cả. Thú vị chứ. Đừng nhìn đâu xa. Nhìn vào ta thôi. Nó vậy đó. Không phút giây nào tĩnh lặng, nhưng hoàn toàn tĩnh lặng. Một thứ thanh tịnh bổn nhiên.
Vô thường dễ thấy mà vô ngã thì khó. Vì cái ngã đã được bồi đắp xây dựng từ thuở còn trong bụng mẹ cho đến lúc vào đời, được nhào nặn trong một môi trường ở bầu tròn ở ống dài, tích tụ, nhồi nhét đủ kiểu. Thoát ra thật khó. Tham ái và chấp thủ dày đặc, như cái kén bọc kín nhiều lớp. Phủi bỏ không dễ. Khi Stephen Hawking nói có sự “xếp đặt” nhưng không có người xếp đặt (có design, nhưng không có designer) thì ông đã thấy pháp. Mà thấy Pháp tức là thấy Phật. Pháp nó tự vận hành. Không có người vận hành. Không có ta. Cho nên Phật dạy cách khác đơn giản hơn: Cái thấy chỉ là cái thấy. Cái nghe chỉ là cái nghe. Chỉ vậy. Khi có cái “ta” xen vào: Ta thấy, ta nghe... thì đã sinh sự. Có ta hay không có ta thì pháp nó cũng cứ vận hành như vậy. Nhưng bằng cách nào để sống được “cái thấy chỉ là cái thấy”? Vì ta không phải là gỗ đá, vô tri. Vấn đề chỉ ở chỗ không dính mắc. Cô hoa hậu xinh đẹp thì thấy là xinh đẹp, nhưng dính vào thì tiêu!
Tóm lại, tại vì có cái ta mà phát sanh phiền não, khổ đau. Pháp vận hành theo pháp, chẳng vì ta. Chẳng vì ta mà hoa nở hoa tàn. Nếu không can thiệp thì nó vậy là nó vậy. Sự phân biệt chính là can thiệp, dính mắc. Ta là Tâm, là lòng muốn, lòng tham dẫn đến sân mà gốc thì từ si mà ra. Thuốc đã sẵn có. Phật giáo nhìn cái chết là sự vận hành của pháp. Chết là sự chấm dứt tạm thời của một hiện tượng tạm thời, cái sống. Cho nên, chết không phải là hết. Cái sống, một hiện tượng tạm thời và vận động không ngừng, vô thường thú vị, một bonus, nên cái chết cũng là vô thường, một bonus khác.

* * *
 Để lại cái gì? Thiên thu là bao lâu? Nào ngã nào nhân nào chúng sanh nào thọ giả? Cái còn lại, ấy là nụ cười. Nụ cười không phải từ khóe miệng. Không phải từ ánh mắt. Mà từ trăm ngàn tỷ tế bào, nhiều như cát sông Hằng, hàng ngày vẫn bố thí. Nụ cười vừa an vui vừa từ bi. Thôi, đừng làm phiền ta nữa nhé. Biết tỏng cả rồi. Hù dọa nhau chi. Khi đã tay bắt mặt mừng, chuyện trò rôm rả cùng Đa Bảo trong tháp báu hôm nào nơi núi Thứu.
Khi hiểu thêm về Phật, tôi tự nhiên thấy gần gũi lạ thường. Nhiều lúc tôi thấy mình cũng muốn nói: À, hóa ra là thế. Hèn chi mà không thể nói ra được, không muốn nói ra cho ai biết, không dám nói ra cho ai biết. Rồi cũng cảm nhận được là không phải chỉ một mình mình thấy, một mình mình biết mà nhiều lắm, từ xưa đến nay vô số người đã thấy, đã biết và cũng không nói ra được, chỉ có họ, khi gặp nhau mới trao đổi vài từ với nhau đã đủ thấy người kia và mình đang ở đâu. “Văn tự” hình như rất hạn chế ở đây, rất dễ gây nhầm lẫn và chính vì thế mà Phật phải dùng một cách nói gián tiếp hoặc dặn đi dặn lại nhiều lần, nói vậy mà không phải vậy “tức phi thị danh” thôi nhé.
Khi chưa hiểu thì tất cả những điều này có vẻ bất thường, kỳ cục, vô lý, khi hiểu được rồi thì thấy nó quá rõ ràng, chính xác, hoàn toàn hợp lý. Nhờ đó, có thể thấy xuyên suốt những pháp này pháp nọ, tông này tông kia chẳng qua cũng chỉ là một.
Không phải là lý thuyết suông, mà là sự thực nghiệm, thể nghiệm ngay trên bản thân mình. Hãy đến và nếm thử. Mô tả không được! Xưa nay chưa ai mô tả nổi một sự “cực khoái”. Nếm trải mới biết.
 Nụ cười ấy là sự giác ngộ, giải thoát. Đã thấy biết Như Lai. Đã sống cùng Như Lai. Đã là Như Lai. Ai đã thấy biết Như Lai, đã sống với Như Lai, đã là Như Lai mà không cười như vậy?
Đỗ Hồng Ngọc
Saigon, Kỷ Hợi, tháng 2.2019
Trích từ Ebook: www.sachweb.vn
Mục Lục
Lời ngỏ..........................................................................05
1. Cát bụi tuyệt vời.....................................................11
2. Tôi chợt nhìn ra tôi ................................................21
3. Về thu xếp lại... ngày trong nếp ngày...................37
4. Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi.................61
5. Người đã đến và người sẽ về bên kia núi............73
6. Đôi khi thấy trên lá khô một dòng suối..............89
7. Chìm dưới sương thu là một đóa thơm tho... .....105
8. Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt .................113
9. Trời cao đất rộng một mình tôi đi .....................127
10. Để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười..143


 



 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top