Nhà văn Hoàng Ngọc Hiển (1942-2014)
Năm 1969, khi tạp chí Văn xuất bản truyện dài “Quê Hương Lưu đày” của ông, sách bán hết sau hai tháng phát hành. Sau 1975 ông bị tù 14 năm 7 tháng trong trại cải tạo cộng sản. Qua Mỹ, ông vẫn tiếp tục xuất bản thêm 5 tác phẩm nữa. Đó là chưa kể hai tập truyện còn trong dạng bản thảo và một tác phẩm gồm 18 bài đọc sách chưa in
Nhà văn Hoàng Ngọc Hiển sinh năm 1942 và mất vào ngày 27-12-2014 tại Nam Cali. Ông là một giáo sư triết, văn chương và sử địa. Năm 1967, ông bị động viên (Khóa 25 Thủ Đức). Rời quân trường, ông chọn đại đội 399 tiểu khu Bình Long – đơn vị được xem là thiện chiến nhất và “dữ” nhất của tiểu khu, có mặt tại những hiểm địa tử thần như Lộc Ninh, An Lộc, quốc lộ 13…. . Ông ở đơn vị này cho đến khi miền Nam mất vào tay cộng sản và bị cầm tù suốt 14 năm sau đó.
Diễn đàn saigonweeklyonline.com xin đăng tải một tài liệu về lịch sử của ông sau đây để tưởng nhớ một nhà văn dấn thân, yêu quê hương đất nước trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống và đã nhận tất cả mọi thiệt thòi như những người cùng thế hệ của ông trước vận mệnh không may của dân tộc.
CHUYỆN BA TRĂM
NGHĨA SĨ THÁI NGUYÊN
NGHĨA SĨ THÁI NGUYÊN
Hoàng Ngọc Hiển
Một nén hương để tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt sĩ đã bỏ mình trong âm thầm để bảo vệ quê hương và dân tộc Việt Nam như 300 nghĩa sĩ Thái Nguyên của bài viết và hàng triệu chiến sĩ đã bỏ mình trong thời chiến tranh cho đến ngày nay vẫn chưa được tổ quốc vinh danh.
Cánh cửa sắt nặng nề của phòng giam đã được đóng lại rất cẩn thận. Đã có then cài, lại thêm một cái khóa lớn nữa. Bọn cai tù đã bỏ đi. Nhưng bọn lính gác ngục đã tới, chúng chia nhau thỉnh thoảng đi bên ngoài hành lang, mang giầy đinh, súng trường vác trên vai, mặt lạnh lùng khắc nghiệt. Đêm nào cũng thế, tù chính trị ở đây đã quá quen thuộc, nên họ sinh hoạt trong phòng giam bình thường, miễn đừng gây ra ồn ào là bọn lính chẳng để ý hỏi han gì tới. Bọn lính gác chỉ chịu trách nhiệm về an ninh, ngăn ngừa và chống tù trốn trại mà thôi. Còn xử lý với tù như thế nào là của bọn cai tù! Bọn Pháp, hồi chiều nay đã đẩy vào phòng tù này bẩy người lính đã dự cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đêm 13 rạng 14 tháng 7 năm Đinh Tỵ, tức ngày 30-8-1917 Dương lịch. Cầm cự được 7 ngày, sau thất trận phải bôn ba trong rừng núi, rồi bị bắt, bị kết án lưu đày ra Côn Đảo. Bây giờ là mùa đông năm 1918. Bẩy người lính này đã trở thành những người tù chính trị. Họ được những anh em tù chính trị cũ ở đây vui vẻ đón tiếp và bắt đầu hỏi chuyện:
- Tôi là Kế, xin giới thiệu với các bạn mới. Phòng chúng ta đây, 17 người chúng tôi toàn là tù chính trị chống Pháp bị bắt, bị kết án lưu đầy ra đây với những bản án từ 10 năm đến chung thân khổ sai. Nay có thêm 7 người mới, các anh, thành 24 người. Chúng ta đùm bọc nhau sống, cố gắng giữ vững tinh thần, khí phách, tư cách của tù chính trị. Quyết không để mất phẩm giá, làm những chuyện mờ ám, phản bội anh em. Chúng ta đã ý thức trách nhiệm của người dân mất nước là phải đứng lên tranh đấu, đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập, chẳng may việc không thành, chúng ta coi cái chết nhẹ tựa lông hồng… Có chết ở đây, cũng là cái chết vinh quang! Chúng tôi, những người cũ chào mừng các bạn mới. – Một chính trị phạm cũ trong phòng giam lên tiếng trước.
Bẩy người chính trị phạm mới vào xúc động, yên lặng một hồi lâu. Ai cũng thấy họ xúc động.
- Cảm ơn các anh, những bậc đàn anh đi trước chúng tôi. Bẩy người chúng tôi, đều không phải là sĩ phu, kẻ sĩ… chúng tôi chỉ là những kẻ thất phu. Chỉ vì cha ông đã dạy “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, nên chúng tôi ý thức trách nhiệm của mình mà tham dự cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên. Dẫu thất bại, thân mang bản án tù đầy, từ 10 năm đến 20 năm, chúng tôi cũng không buồn. Không thành công nhưng trong lòng cảm thấy như mình đã xong trách nhiệm, cảm thấy thống khoái lắm. Thưa các anh, nghĩa quân đã làm chủ được Thái Nguyên 5 ngày. Dẫu chỉ có 5 ngày, nhưng 5 ngày ấy, như là 5 ngày độc lập, tự chủ. Thật là vinh quang lắm, cờ của ta, cờ Ngũ Hùng Tinh do hai vị thủ lãnh Lương Ngọc Quyến và Trịnh Cấn đưa ra, may sẵn , hôm đó kéo cao lên, tung bay khắp nơi, sao mà đẹp quá! Đẹp quá! Các anh ạ! – Một người trong số 7 người nói.
- Chúng tôi ở ngoài này bị bưng bít hết tin tức. Chỉ nghe được tin là có cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên thất bại. Thế thôi. Vậy xin các anh kể cho nghe từ đầu…
- Vâng, chúng tôi kể… Bắt đầu… Bắt đầu từ khi ông Lương Ngọc Quyến bị phát vãng lên Thái Nguyên đầu mùa xuân năm 1916… Ông Quyến là ai?… Vâng, để tôi kể về những gì tôi được biết về ông Quyến…
Ông Lương Ngọc Quyến, tự là Lập Nham, con trai thứ hai của cụ cử nhân Lương văn Can, người làng Nhị Khê, tỉnh Hà Đông, Hiệu trưởng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội…
- Ô, thì ra là Hổ phụ sinh hổ tử! Tôi biết cụ Can. – Có người thốt lên.
- Đây này, cụ Ngô Đức Kế đây! Giáo sư Đông Kinh Nghĩa Thục, mang bản án lưu đày biệt xứ ngồi đây!
- Hân hạnh biết cụ. Kính chào cụ. – Cả nhóm bẩy người đều lên tiếng chào cụ Ngô Đức Kế.
- Đúng vậy, cụ Ngô Đức Kế đã cùng với các nhân sĩ Lương văn Can, Dương Bá Trạc, Đào Nguyên Phổ, Lê Đại, Nguyễn Quyền… sáng lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội năm 1907, hầu thu hút những thanh niên yêu nước, cầu tiến, có chí khí, có tư tưởng đuổi Pháp, giành lại độc lập dân tộc. Chủ trương mở mang dân trí của trường đã được hàng ngàn thanh niên trong nước hưởng ứng, tìm đến học hỏi. Trường có mục đích đào tạo những thanh niên ái quốc, tìm cách đưa họ xuất dương du học… Nhưng trường Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ hoạt động được trong vòng 9 tháng. Người Pháp đã để ý, theo dõi hoạt động của trường, nhân có vụ một trái bom nổ ở Hotel Hà Nội, Pháp kiếm cớ bắt cụ Lương văn Can và hầu như toàn bộ ban giảng huấn của trường đưa đi an trí, đi đầy… Trong số đó, có cụ Ngô Đức Kế hiện đang bị giam giữ tại phòng tù nầy.
Tôi xin được kể tiếp…
Chợt có nhữngtiếng gió hú nổi lớn bên ngoài rồi âm u trong lùm cây, cùng tiếng vọng của sóng vỗ vào bãi đá, nghe rờn rợn … Người tù chưa kể được gì đã rùng mình.
- Không có gì đâu! Anh ở đây ít ngày sẽ quen với tiếng gió biển suốt mùa đông. Ở đây gọi là mùa gió chướng! Gió nổi lớn thổi vào các cây cổ thụ thành những tiếng âm u như thế đó. Lại nữa, sóng biển vỗ mạnh vào bãi đá vọng về đây, va vào tường đá phòng giam chúng ta, cũng phát ra tiếng âm u… Ở đây là địa ngục trần gian. Dù không muốn, mọi người cũng phải tập sống trong địa ngục. Mai mốt, các anh cũng sẽ phải đi đập đá với chúng tôi! Tinh thần của mình cần phải cứng như đá, các anh ạ! Đừng sợ! Đừng sợ!!!
- Vâng, cảm ơn sự chỉ dạy… Vâng, ông Quyến là con trai thứ hai của cụ Can, tuy nhà khá giả, nhưng ông không ham muốn cuộc sống của một người dân nô lệ, nối chí cha, ông tình nguyện làm tên tốt đầu của đội quân xuất dương du học. Có thể nói ông là người thanh niên đầu tiên của phong trào Đông Du đến đất Nhật, vào học trường võ bị Nhật, tốt nghiệp về Trung Hoa, gia nhập quân đội Trung Hoa để học hỏi thêm, rồi mới về nước đem tài học ra mưu việc đánh Pháp. Ông qua Nam Vang, dự định từ đó qua Thái Lan, xây dựng căn cứ ở đó… Nhưng các ông ạ, có thằng Việt gian, vì chút danh lợi, vì miếng đỉnh chung hèn hạ, đã đi tố cáo cho Pháp tìm bắt ông. Lập tức, ông phải xuống tàu đi Hương Cảng. Trốn tránh cũng không thoát, vì ông bị nhà cầm quyền Anh thỏa thuận với Pháp. Ông bị bắt đưa về giam ở Hỏa Lò Hà Nội. Năm 1913, Hội đồng Đề hình của Pháp đã xử một danh sách dài chính trị phạm, kết án 14 tử hình, trong số đó có 7 người vắng mặt là Phan Sào Nam, Cường Để, Nguyễn văn Thụy, Nguyễn Bá Trác, Lương Ngọc Quyến… Tức là ông Lương Ngọc Quyến đã bị xử tử hình khiếm diện rồi!
- Than ôi, các ông biết không, nếu không có Việt gian tham sống sợ chết, phản bội phong trào là Nguyễn Bá Trác đã ra đầu hàng Pháp và được sinh sống ở Long Xuyên… thì làm gì mà ông Quyến bị bắt cho được! Khốn nạn, tên Trác là một trong số bảy người bị tuyên án tử hình khiếm diện, thế mới ác chứ! Không thì ông Quyến đã thoát được ở Nam Vang, sang Xiêm, ngồi ở đó mà lập mưu tính kế sách đuổi Pháp rồi! Than ôi, ông Trời chưa cho nước Việt Nam ta được độc lập, nên mới sinh ra những hạng người không biết liêm sỉ, nhân nghĩa là gì!!!
Pháp lại phát vãng ông Quyến lên nhà lao Sơn Tây, rồi Phú Thọ. Ở đâu, ông cũng bị cùm trong một xà lim tối tăm, chật hẹp, bẩn thỉu, không có ánh sáng mặt trời. Sau hết, vào cuối mùa xuân năm 1916, họ đưa ông lên nhà giam Thái Nguyên. Tiếp tục bị gông cùm xiềng xích, đến nỗi bị liệt nửa người, nghĩa là một chân bị liệt hẳn không đi đứng gì được. Pháp tàn nhẫn đến độ dùi thủng một lỗ ở giữa bàn chân của ông để buộc dây xích vào cho được chắc chắn hơn là buộc vòng quanh cổ chân, thì làm gì mà ông Quyến không bị liệt nửa người. Họ muốn giết ông một cách đau đớn… Mặt khác để răn đe những người ái quốc Việt Nam! Các ông, quân xâm lược Pháp tàn nhẫn lắm. Không thể để bọn người lòng lang dạ chó sói đó tiếp tục thống trị đất nước nầy!
Tuy thân xác bị đau đớn, ông vẫn thiết lập kế hoạch cảm hóa viên đội khố xanh Trịnh Cấn, xếp đặt cuộc võ trang cách mạng, kéo cờ, nổ súng đêm 13 rạng ngày 14 tháng 7 năm Đinh Tỵ, tức năm 1917!!!
- Chiến thuật chiến lược diễn biến thế nào? Xin cho nghe?
Gió biển vẫn âm u thổi vào nhà tù bằng đá từng đợt, tạo nên những âm thanh âm u trong lùm cây, tưởng như hồn người chết oan ức, tức tưởi than vãn… Và tiếng sóng vỗ vào bãi đá vẫn vọng vào… Nhà tù nằm gần bên bờ biển, chỉ cách bờ một vài con phố, sóng lớn đổ vào nghe ầm ì khá rõ, tưởng như một nỗi hờn căm lạnh buốt. Ngọn đèn trong phòng tù đỏ kệch. Hai mươi bốn chính trị phạm, người nằm, người ngồi, người dựa vào tường đá… chăm chú nghe kể chuyện Thái Nguyên khởi nghĩa…
- Thái Nguyên, dưới quyền cai trị của viên công sứ tàn bạo tên là Darles! Nó hung ác lắm, đánh tù không nương tay… Người quốc gia mình ở đề lao Thái nguyên lúc bấy giờ, có khá nhiều người nổi tiếng: Nguyễn Gia Cầu, Cả Thấu, Hai Vịnh, Ba Chi, Ba Nho, Ba Quốc, Tú Xuân… Có người trước đây là Bộ tướng của Đề Thám, có người liên quan đến vụ ném bom ở Hotel Hà Nội năm 1913… Ở đây có một đơn vị quân khố xanh của Đội Cấn. Đội Cấn tuy đi lính khố xanh cho Pháp, nhưng lại rất kính phục những người làm cách mạng chống Pháp.
Đội Cấn, tên thật là Trịnh văn Đạt, người phủ Vĩnh Tường, làm ruộng, theo học được chút ít chữ nho. Năm 20 tuổi đi lính khố xanh, mới đổi tên là Trịnh Cấn. Năm 1910 lên đóng ở Thái Nguyên, được thăng Đội trưởng, nên gọi là Đội Cấn. Tính người hiếu nghĩa, hào hiệp, thường la cà gần các chính trị phạm nói chuyện… Ông Quyến có người em gái thỉnh thoảng lặn lội lên Thái Nguyên thăm anh. Đội Cấn để ý, có tình… Ông Quyến khuyên cô em gái lấy Đội Cấn để mưu việc khởi nghĩa. Cô em vui lòng chấp nhận. Chính nhờ cô gái nầy mà Đội Cấn đã hoàn toàn thay đổi, đem lòng yêu nước, kết hợp với ông Quyến tiến hành cuộc khởi nghĩa…
- Cô gái ấy tên gì? Đúng là một hiệp khách! – Một người hỏi.
- Tôi không biết… Thôi thì mình cứ gọi là Bà Đội Cấn, một nữ hiệp khách, như ông vừa khen ngợi!… Vâng, công lao của bà Cấn không phải là nhỏ! Lịch sử cần phải truy tìm cho ra tên bà, vinh danh bà! Nhưng thật ra, thì bà Cấn đâu có cần ai vinh danh bà?! Hy sinh thân mình cho Tổ quốc vì lòng yêu nước, thương dân chớ đâu vì muốn lưu danh thiên cổ?! Đâu phải vì muốn tên tuổi được ghi vào lịch sử!!! Không, không cần đâu! Chúng tôi đây, tất cả 300 người tham dự vào cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên bởi vì chúng tôi là chí sĩ! Chỉ đơn giản có thế thôi!
- Đúng lắm! Ông nói đúng lắm! Hoàn toàn chính xác. Chúng tôi chỉ mong sao dân tộc mình có được đông đảo chí sĩ mới mong đuổi quân xâm lược Pháp ra khỏi bờ cõi! Mới lấy lại được tự do, độc lập, hạnh phúc cho trăm họ. Chớ còn những hạng Việt gian, ham sống sợ chết, vì quyền lợi của mình mà hại người quân tử, như Nguyễn Bá Trác, hoặc những kẻ đặt quyền lợi mình trên quyền lợi dân tộc, những kẻ phản quốc, phản dân tộc ấy, không thể dung thứ! Lịch sử phải xử chúng! Ông ạ…
- Đương nhiên ông ạ. Kẻ có công hay có tội, lịch sử sẽ xét xử công minh. Không ai bôi xóa, xuyên tạc được lịch sử!!! Tôi xin kể tiếp… Đội Cấn thu phục được hai đơn vị bạn. Đội Giá và Đội Xuyên. Ba người cùng nhau bàn bạc… Chỉ có viên Quản Lập là không thu phục được, nên khi khởi sự hành động vào lúc một giờ khuya, lập tức Quản Lập và viên giám binh người Pháp tên là Noel bị bắn chết ngay, cắt lấy đầu treo giữa sân cờ để thị uy! Tức thời Đội Cấn thổi kèn, tập họp quân lính, đưa hai thủ cấp ra hiệu lệnh “Giết thù cứu nước”. Lính trong trại có tất cả 175 người, thì hơn ba chục người bỏ trốn không đến tập họp, có khoảng mười tên chống cự bị ta bắn chết tại chỗ, còn lại khoảng 130 người ủng hộ, tham dự khởi nghĩa. Đội Giá bắn chết viên Thủ ngục người Pháp, chặt xiềng mở khóa cho tù nhân chính trị, trong đó có ông Quyến, sai lính cõng ông Quyến đến hội kiến với Đội Cấn ngay. Đội Giá mở cửa ngục, và nhiều tù nhân đã tham gia cuộc cách mạng, nâng tổng số Quang Phục Quân Thái Nguyên lên con số trên 300 người!
Đội Cấn và ông Quyến mở cuộc họp cấp thời. Toàn thể quân khởi nghjĩa bầu ông làm Thái Nguyên Quang Phục Quân Đại Đô Đốc, tổng chỉ huy, bầu ông Lương Ngọc Quyến làm cố vấn, làm lệnh hành quân. Ông Quyến liền lấy cờ Ngũ Hùng Tinh ra làm cờ của Cách mạng. Ngay sáng ngày 14, tuyên ngôn thứ nhất của Lực lượng Cách mạng được dán khắp nơi trong tỉnh thành, hiểu dụ cho dân trong tỉnh rõ mục đích của Quang Phục Quân để nhân dân trong tỉnh yên tâm. Hôm sau, tuyên ngôn thứ hai đuợc phát ra, hiệu triệu cả quốc dân.
Thế là tỉnh thành Thái Nguyên đã về tay Quang Phục Quân Thái Nguyên. Ngoài cổng tòa tỉnh, một tấm vải căng ngang đề bốn chữ “NAM BÌNH PHỤC QUỐC”. Viên công sứ đi Đồ Sơn từ hôm trước nên thoát chết! Ta kiểm soát nhà bưu điện quá trễ, nên viên chủ sự ở đó đã kịp thời gời điện báo về Hà Nội tình hình Thái Nguyên. Bởi vậy, nên năm ngày sau, ta bị viện binh của Pháp, với lực lượng hùng hậu phản công. Bên ta thu được thêm gần 200 súng trường,1 súng lục, 15 thanh gươm và hơn 60 ngàn viên đạn… Nhưng thế là quá ít, vả nghĩa quân còn thiếu kinh nghiệm chiến đấu… Nên dần dần núng thế, sau mấy ngày đêm giao tranh ác liệt với quân Pháp. Đội Cấn phải hạ lệnh rút quân vào rừng núi. Ông Lương Ngọc Quyến quyết định tự sát để không làm trở ngại cuộc lui binh của Đội Cấn. Thật là một cái chết anh dũng, phi thường của một người yêu nước! Chúng tôi vô cùng đau đớn và vô vàn thương tiếc!!!
Người kể bỗng dừng lại, xụt xùi…
Cả phòng tù yên lặng mặc niệm cái chết của một vị anh hùng.
Sóng biển và gió biển vẫn âm u bên ngoài…
Một hồi lâu sau, câu chuyện mới được nối lại:
- Các ông ạ, Quang Phục Quân chúng tôi đã đứng xếp hàng làm lễ chào thi thể vị anh hùng Lương Ngọc Quyến như đối với một vị tướng tử trận. Xong đào huyệt, chôn lấp, san phẳng mặt đất, không cho địch biết dấu vết, rồi mới từ giã tỉnh thành Thái Nguyên rút vào rừng sâu… Quân ta tiếp tục bị vây hãm tấn công… Nhưng Quang Phục Quân đánh trả rất ác liệt, mà trận Đèo Nứa, kể như một trận thư hùng. Đó là vào ngày mồng 6 tháng Giêng năm Mậu Ngọ, 1918…
Đến ngày 20, ta phải rút về Pháo Sơn. Lúc này chung quanh Đội Cấn chỉ còn có 25 tay súng. Viên đội trưởng hèn nhát đã ra hàng rồi. Chỉ còn lại Đội Giá, Cai Xuyên, Ba Nho là mấy người tâm phúc. Đội Cấn lại bị thương, vết đau không có hy vọng lành mau được.. Trước tình thế này, Đội Cấn quyết định tự sát! Lại thêm một cái chết bi tráng, oai hùng! Bà Cấn thì đã bị tử thương trong trận Đèo Nứa rồi!!!
Những người còn lại cầm cự đến tháng Ba cũng bị tiêu diệt hoặc bị bắt. Chúng tôi đây, bẩy người, là ở trong nhóm 25 người cuối cùng bên cạnh Đội Cấn!
- Oanh liêt! Thật là oanh liệt! Chúng ta nằm xuống cho lớp sau tiến lên! Nhất định cuộc cách mạng dân tộc sẽ thành công! – Một người nói lớn.
Im lặng. Có tiếng giày đinh nện ngoài hành lang. Tiếp theo, một cơn gió hú trong lùm cây âm u, âm u… Căn phòng tù chìm xuống một nỗi nghẹn ngào, những tưởng người anh em của mình chiến thắng phá cửa ngục tù, đưa được mình về với quê hương của mình! Không nỗi nhục khổ nào bằng mình bị kẻ ngoại xâm đến chiếm đoạt đất nước mình, thiết lập nhà tù ngay trên quê hương mình để giam giữ hành hạ những người yêu nước. Họ cướp đoạt của mình tất cả đời sống của mình! Đó không là bạo ngược hay sao? Không một lý do nào có thể biện minh cho hành động xâm lược như vậy!!! Những người tù chính trị nầy đã sẵn sàng làm những con tốt đầu qua sông để cho những người khác tiếp tục vượt sông… Họ chấp nhận làm viên đá lót đường cho tự do và độc lập được nẩy mầm trên quê hương…
Người kể chuyện tiếp nối:
- Các ông, bản tuyên ngôn thứ nhất, phát hồi nửa đêm, lúc mới khởi nghĩa… của Quang Phục Quân, Đại Đô Đốc Trịnh, có đoạn cuối tôi đã thuộc lòng, xin đọc các ông nghe:
“Bản chức, Thái Nguyên Quang Phục Quân Đại Đô Đốc, từ trước tới nay không hề có giây phút nào quên lãng nỗi khổ của đồng bào dân chúng, ngay những khi còn sống lam lũ ở chốn thôn quê, làm nghề cày ruộng, lòng hằng băn khoăn tức tối về thảm họa vong quốc. Nhiều lần ta đã lập tâm xướng nghĩa khởi binh, tuốt gươm giết giặc, nhưng rồi lại phải ngậm hờn khoanh tay, là bởi ta chưa gặp thời cơ nào thuận tiện cho được thực hành chí muốn… Vì thế ta đành ẩn nhẫn ra đi lính tập, hai mươi năm trường được sống chung chạ với bao nhiêu anh em cường tráng nước nhà mà phải ngậm miệng làm thinh, nhưng lúc nào ta cũng nuôi hoài bão cừu thù Pháp tặc, chớ hề biến tâm thoái chí. Từ trước tới đây, chỉ bởi lực lượng chưa đủ, ngoại viện chưa có, theo như ý ta mong mỏi, cho nên ta chưa muốn mưu toan đại sự một cách chơ vơ tháo thứ.
Hôm nay thời cơ đã đến, trong nước thì có những bạn đồng tâm, đồng chí cùng ta tuốt gươm chĩa súng, đánh giết quân thù, bên ngoài thì có những nhà cách mệnh ta bấy lâu trú ngụ bên Tàu, bên Nhật, giờ này sắp sửa đem quân nhu khí giới về giúp ta, hợp lực với ta đánh đuổi Pháp Tặc.
Ta chiêu tập những anh em có tinh thần tự do độc lập, có nhiệt tâm yêu nước thương nòi, lập thành những đạo binh cứu quốc, và hôm nay ta bắt đầu khôi phục lấy tỉnh Thái Nguyên. Lá cờ năm ngôi sao đã được kéo lên phấp phới trên kỳ đài, ta đã tuyên bố Thái Nguyên độc lập.
Cùng là con dân nước Việt Nam, chúng ta phải coi nhau như anh em ruột thịt một nhà. Vậy ai là người thông minh, học thức, có thể đến đây, vì ta trù mưu hoạch sách, làm những việc ích lợi chung, ai là người có sức khỏe mạnh thì mau mau đem bắp thịt cánh tay đến giúp đỡ ta trong cuộc chiến đấu. Anh em ta cố sức phấn khởi phen này, đồng tâm hiệp lực, đánh đuổi quân thù. Những ai đứng vào hàng ngũ ta, cùng ta tuốt gươm giết giặc, ta rất hoan nghênh, ta để cho mỗi người được thi thố tài năng sáng kiến trong cuộc tranh đấu tự do độc lập chung.
Còn những kẻ nào manh tâm nô lệ, phò tá quân thù, thì hãy coi chừng, ta sẽ lấy đầu không tha!!!”
Một người khác lên tiếng:
- Các ông, còn tôi… tôi thuộc đoạn cuối bản tuyên ngôn thứ nhì, cũng xin đọc để các ông được nghe:
“Quân đội cách mạng ta có nghĩa vụ với dân với nước, quyết không sách nhiễu và không tơ hào xâm phạm đến tài sản của dân; bất cứ trong lúc hành binh hay khi đồn trú nơi nào, Quang Phục Quân chỉ có một việc là thu phục bờ cõi của tổ tiên, giết trừ quân giặc bạch chủng, để cho toàn thể quốc dân đồng bào được hưởng độc lập, tự do, an cư lập nghiệp. Hỡi đồng bào! Ta phải cùng nhau gắng công ra sức phen nầy hầu làm cho trọn sự nghiệp vĩ đại, lá cờ Ngũ Hùng Tinh được phấp phới vẻ vang khắp cả năm châu, không phụ lòng trông mong tin cậy của tổ quốc.
Hỡi đồng bào! Một quốc gia tân tạo, vững bền thiên thu vạn tuế, bắt đầu xây dựng tự ngày hôm nay. Toàn thể đồng bào cùng có trách nhiệm tháo ách nô lệ đè đầu đè cổ chúng ta bấy lâu!!!”.
Người kể vừa nói dứt lời, đã có người thốt lên:
- Hay tuyệt! Hay tuyệt!
- Nhưng chúng ta đã không thành công, vì dân tộc chúng ta còn thiếu một cái gì? – Một người nói.
- Thì dân tộc ta thiếu tinh thần đoàn kết, thống nhất một lý tưởng! Dân tộc chúng ta chia rẽ trầm trọng, nào là phân biệt cục bộ địa phương, phân biệt tôn giáo, cứ cho tôn giáo mình theo mới là chánh đạo, còn ngoài ra là tà đạo! Cực đoan hết mực! Không chịu hòa với người khác, chỉ muốn độc tôn độc diễn! Thiếu! Thiếu cái đó đấy, ông bạn! – Một người khác đã nhanh chóng trả lời.
Phòng tù trở về yên lặng. Một nỗi buồn bao phủ… Đâu đó, có tiếng nói nhỏ “cảm ơn”. Rồi có người bắt đầu ru mình vào giấc ngủ, có người còn suy nghĩ, nuối tiếc một cái gì… Riêng nhóm bẩy tù nhân chính trị – đã nhanh chóng được gọi là nhóm Thái Nguyên – vẫn còn thao thức. Mỗi người một tâm trạng, một suy nghĩ, nhưng họ đều nằm im, trong yên lặng, lắng nghe tiếng gió biển thổi bên ngoài bức tường đá. Thỉnh thoảng, tiếng gió tựa như tiếng hú nổi lớn rồi tiếng vọng của nó âm u. Phải, âm u… u.u… tựa như tiếng vọng của chuông chùa trong chốn hư không… Án-ma-ni-bát-mê-hồng… Án-ma-ni-bát-mê-hồng… Hình như, giờ đây, trong chỗ yên lặng này, họ mới bình tĩnh lại, sau những biến động kinh hoàng ở tỉnh lỵ cũng như ở rừng núi Thái nguyên, để nhìn lại… Họ nhìn lại, không phải để rút kinh nghiệm, bởi họ không còn thời gian, không còn cơ hội để tổ chức một cuộc kháng chiến khác, nhưng họ vẫn nhìn lại… Với hy vọng những kẻ đi sau nhìn thấy những khuyết điểm của họ, để tránh né, để thoát khỏi những thất bại như họ đã thất bại, những việc lớn không dễ dàng thực hiện một lần là thành công! Cũng không phải năm ba lần mà thành công! Có khi phải tới mười, mười hai lần mới thành công! Phải, biết bao nhiêu kẻ phải hy sinh, phải nằm xuống, đúng như câu thơ cổ “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”… mới hầu đưa cuộc cách mạng đến thành công!!! Họ ngậm ngùi nhớ đến ba trăm nghĩa sĩ của họ đã nằm xuống… Và họ thì lưu lạc đến hải đảo lưu đày này… Mình bị lưu đày trên chính quê hương của mình, do sự xâm lăng độc ác của ngoại bang! Điều này thật là nghịch lý, vô lý, không thể chấp nhận được, không thể hòa giải được, mà chỉ có một cách duy nhất là phải tiếp tục cuộc chiến đấu. Phải, nhất định phải đưa cuộc chiến đấu đến hoàn tất, đến thắng lợi cuối cùng, dẫu người mình còn phải hy sinh, còn phải nằm xuống, còn phải tù đầy…
*
TẠM KẾT LUẬN:
Trong số phạm nhân chính trị ở phòng tù này, có cụ nghè Ngô Đức Kế, sau khi được phóng thích về cư trú tại Hà Nội, cụ xuất bản tạp chí Hữu Thanh, là tên tuổi đi vào lịch sử. Còn lại, kể cả bẩy người trong nhóm Thái Nguyên, tuy họ cũng đi vào lịch sử, nhưng họ không lưu một chút danh gì của họ lại. Họ đã trở thành những nhà chí sĩ vô danh. Nhưng chính những nhà chí sĩ vô danh mới thật sự là những người làm nên lịch sử.Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên của Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến đã thất bại như thế đó. Khoảng 300 người chết, bị thương tật hoặc bị tù đầy. Quê hương của mình mà mình không được tự do sinh sống trên đó. Mình phải tranh đấu để giành giật lại trước thế lực ngoại bang mang tinh thần thực dân đế quốc. Ngày nay, bọn thực dân đế quốc ấy trở nên tinh vi hơn, chúng thành một thứ siêu thực dân, nhưng bản chất ấy không thay đổi và nhân dân Việt Nam ta cũng như nhân dân các nước nhược tiểu khác cũng nhận ra bộ mặt của chúng. Nhưng làm thế nào để đối phó với chúng? Phải chăng người tù chính trị kia đã nói ra đường lối chiến thắng là phải đoàn kết, thống nhất tư tưởng – Ông ta đã nói cách đây 90 năm rồi, gần một thế kỷ rồi, nhưng chỉ nói riêng Việt Nam thôi, đã có được tinh thần đoàn kết, thống nhất tư tưởng hay chưa? Cách đây một trăm năm, chỉ có một phong trào Đông Du, với một số ít thanh niên yêu nước, họ đã làm cho chính quyền Pháp thuộc run sợ. Còn ngày nay, có phong trào muôn phương, người Việt mình đi khắp thế giới, vậy mà vẫn không thấy một giải pháp Việt Nam đoàn kết, thống nhất ló dạng?! Buồn thật! Và cứ nhớ đến khoảng 300 người đứng lên làm cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên, tôi lại ngậm ngùi… Chỉ vài người để lại tên tuổi, còn hầu hết họ đã không để lại tên họ. Tất cả là những nhà chí sĩ – thật sự và đúng nghĩa nhất của từ chí sĩ. Từ “chí sĩ”, theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, NXB Sài Gòn 1895, thì chí sĩ là “kẻ có chí lớn, dốc một lòng”. Theo nghĩa thông thường thì chí sĩ là người hết mực yêu nước. Tất cả những định nghĩa này đều đúng cả và cao đẹp thay từ “chí sĩ” mà đất nước Việt Nam chúng ta hiện nay đang cần đến nhiều nhà chí sĩ. Vì chỉ có nhiều nhà chí sĩ, đất nước ta mới thoát khỏi ngu dốt, bệnh tật, tham nhũng, độc tài, độc đoán, quan liêu, và những thứ tương tự, hầu tiến theo cao trào nhân bản tiến bộ của nhân loại.
Từ “chí sĩ”, theo Việt Nam Tự Điển của Ban Văn Học Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo, Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội xuất bản, 1931, là “bậc người có tiết tháo”, tức là bao gồm khí tiết, thao lược, nói nôm na là Tài và Đức để phục vụ nhân quần xã hội. Cụ Phan Bội Châu là một nhà chí sĩ điển hình, cụ đã đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết. Vậy thì, 300 người nghĩa sĩ Thái Nguyên, biết quên mình, hy sinh thân mình cho quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, họ xứng đáng là những chí sĩ, đáng kính trọng và được biết ơn. Nhờ cái chết của họ làm những viên đá lót đường, mà những người lớp sau đã tiến bước, và đã thắng lợi. Những người lót đường kia chỉ cần một điều ở những người thắng lợi là thực hiện ước vọng của họ: Đặt quyền lợi của tổ quốc lên trên quyền lợi của bản thân. Nhưng không biết những kẻ đi sau, đạt được thắng lợi có nhớ điều đó không? Hay là lại còn vô ơn với những nhà chí sĩ vô danh đó nữa? Những nhà chí sĩ thật sự, sẽ sống mãi trong lịch sử, không bao giờ chết, dẫu con người có dã tâm viết lại lịch sử theo ý riêng, cũng không thể giết chết họ được!