Nguyên Ngữ
Khu apartments ba tầng lầu, trông có vẻ già nua cũ kỹ, nghe chừng như được xây dựng cùng một năm với cuộc Chiến tranh Thế giới I, dễ đâu cũng ngót nghét một thế kỷ rồi. Trong biên bản lịch sử khu nhà của phòng Địa ốc thành phố, một hôm tình cờ tôi được đọc thoáng qua từ tay chủ nhà người Tàu, thì ra từ ngày khởi thủy đến nay, khu nhà luôn một đời chủ, cha truyền con nối.
Tiếng là ba tầng lầu, nhưng tầng dưới cùng bỏ hoang gần hai năm nay, sau trận cháy đêm Giao thừa Tết Con Cọp. Đêm ấy đám trẻ con người Hoa ở khu phố bên kia đường bày pháo ra dợt le với nhau. Bà lão Mỹ handicapped quản gia khu nhà đối diện, nổi tiếng hắc ám với con nít, quát tháo ỏm tỏi. Chúng kéo nhau đến tụ tập quanh góc cầu thang khu chung cư tôi ở. Đứa giỡn, đứa bày trò hôn hít. Có cả nhóm choai choai xúi dại bày trận đánh ì xèo. Giờ Giao thừa, chúng hò reo đốt pháo đì đùng, có cả pháo bông, pháo thăng thiên, thăng một mạch lên mái nhà, cháy tiêu luôn ba đơn vị gia cư ở tầng dưới, cháy một lèo ra tro, ra khói. Kịp đến khi police hú còi chạy đến rần rần, cả đám tán loạn lặn mất tiêu. Hú hồn hú vía! Đêm ấy mấy thùng mì gói của tôi đã nhanh chóng và kịp thời di tản chiến thuật lên chiếc Toyota đời 79, cù lũ tàn tàn. Chiếc xe đã bao lần định kéo ra nghĩa địa, cuối cùng vẫn cùng tôi nương nhau mà ngáp ngáp, thở thở qua ngày, qua tháng, qua cảnh gừng cay muối mặn, bỏ thương, sương nặng, phải đành đeo mang. Chiếc xe đã bao lần chở hai người đàn bà Mỹ, Việt quá giang đoạn ngắn, đoạn dài, đại khái là chở chùa, không có lấy một xu lẻ về đò. Và mỗi lần một trong hai tấm thân quần áo bó rịt như bó chiếu đem chôn ấy, lên xuống xe tôi, bảy ngày sau mùi nước hoa vẫn còn phảng phất nồng nặc. Đêm ấy tiếng còi hú từ những xe cứu thương, cứu hỏa, xe cảnh sát , cùng tiếng gọi nhau í ới từ cha con tay chủ nhà ở tầng trên cùng, vẫn không lấn át được tiếng chửi thề tục tĩu từ miệng người đàn bà Mỹ gốc Mễ ở tầng giữa, bởi một khách làng chơi lợi dụng cảnh dầu sôi lửa bỏng, toan tính chạy làng cú đi khách nửa khuya. Đố một đêm, một ngày bà làm bao nhiêu cú như rứa. Chỉ tính sau mỗi lần khách về, bà lại tênh hênh đi tắm, đi giặt, đi gội tà tà.
Trận cháy nhà Tết năm con Cọp cùng với sự bỏ liều sau đó của tay chủ nhà, kéo tình trạng khu apartments hư hỏng một cách trầm trọng. Bởi một giá cho thuê rẻ mạt, không ai bận tâm đưa ra một đề nghị sửa sang. Bởi không dễ gì một sự hư hỏng được thông báo, có được những sửa chữa kịp thời theo luật định, nên mọi chuyện vẫn như cũ. Vỏ quýt dày móng tay nhọn. Tiền nhà cứ thế chậm trả dần, khất dần. Cái đáng giá duy nhất còn lại của khu apartments già lão này là cái hồ tắm nằm chếch một góc, sau khu vườn cỏ mọc cao ngất vô tội vạ. Không ai bận tâm giải thích tại sao một khu nhà nhỏ hẹp như vậy, lại còn đất, lại mọc thêm một cái hồ bơi… trái ngược… như thế. Hẳn đời ông cố tay chủ nhà phải là một tay mê say bơi lội đáo để. Chuyện kể cái năm cháy lớn trên đồi Berkeley, năm ấy nóng kinh khủng, tay chủ nhà bỏ tiền ra rào kín cái hồ tắm, chỉ chừa một cửa ra vào nhỏ xíu. Ở đó, lão gắn một cái máy thâu tiền. Phải bỏ đủ năm chục xu mới tắm lội được một lần. Không có sự miễn giảm cho cả trẻ em. Chính sự không miễn giảm này mà một thời gian sau, người ta thấy tay chủ thuê ba thằng Mễ mập phì, lực lưỡng, một ngày đẹp trời đem xe tải đến gỡ toàn bộ hàng rào chở đi mất dạng. Số là không cho đám trẻ nhỏ tắm chùa, chúng quậy dữ. Hồ tắm một thời phân người, phân chó nổi lềnh bềnh. Có hôm lều bều cả xác một con mèo đen trương lên sình thối nồng nặc cả khu apartments. Thua keo này, tay chủ người Tàu bày keo khác. Sau ngày thiên hạ được tắm chùa chừng một tuần, tay chủ thông báo kể từ nay, ai đến thuê ở, phải trả tiền nước. Trong thời gian tất cả các đơn vị gia cư chưa có đồng hồ nước riêng, tiền nước, kể cả số lượng nước sử dụng cho hồ bơi, được chia đều theo đầu người mà trả. Từ ngày có chính sách chặt đẹp này, khu apartments trở nên dơ bẩn hơn, con người trong khu apartments trở nên ít sạch sẽ hơn, kể cả cây cối hoa lá cũng mau tàn héo hơn. Chỉ duy nhất hai người đàn bà là nom còn sạch nước cản, vào thời đắt khách, mặt còn hoa, da còn phấn. Lại nữa làm cái nghề không vốn này, một ngày không tắm, như những hôm ông Trời trở lạnh, bà nào bà nấy, khi cùng lên xuống cầu thang đụng nhau, hôi tanh tàn cơn gió lộng…
Cả khu apartments đặt tên bà vợ tay chủ nhà người Triều Châu bằng một tên gọi hết xẩy: “Monilay”, bởi vốn liếng Anh văn của bà ta chỉ vỏn vẹn hai chữ “money” và “too late”. Tên bà được đặt là Monilay đã lâu lắm rồi, trước cả những năm tháng có chuyện tình thổi kèn Monica. Mỗi đầu tháng bà xuất hiện một lần, gõ cửa từng nhà, chưa kịp chào hỏi theo đúng phép tắc xã giao thông thường, bà chìa tay nói vỏn vẹn hai chữ “money”. Một tuần lễ sau, luôn luôn đúng hẹn một tuần lễ, bà gõ cửa một lần nữa, lần này ba hồn chín vía, sau hai tiếng “money”, nếu người thuê vẫn còn khất nợ, bà chu miệng phán liền “too late”.Người đàn bà này có một cửa hàng bán ba cái tủ lạnh, tivi, cassette, microwave cũ, cùng đủ thứ máy móc linh tinh bên khu West Oakland. Ông chồng thủ sẵn một chiếc xe truck, ngày ngày chạy vòng vòng khắp các thành phố vùng Vịnh, xem nơi nào có đổ rác free, bợ hết ba cái nợ đời ấy về, rồi thuê thợ hí hoáy sửa tạm xài được, bỏ ra bày bán, một vốn bốn lời. Tôi phục tay này ở chỗ hắn ta thuộc vanh vách danh sách nơi nào, ngày nào có đổ rác free.
Đêm nhà cháy, khu apartments tôi ở có thêm một người khách không mời mà đến. Con bẹc-giê màu đen với chùm lông đuôi bạc thếch. Chùm lông bờm xờm che cả của quý to tổ bố. Hóa ra là con chó đực, nên chỉ chưa đầy 24 giờ lang thang tạm trú, cả hai người đàn bà Mỹ, Việt trong khu apartments cùng giành nhau làm chủ, chủ chó. Cớ chi đêm Giao thừa con Cọp, đám trẻ con người Hoa khu phố bên kia đường chịu khó đốt thêm vài ba phong pháo, kéo thêm một vài chú chó đực đến tỵ nạn, thì tình trạng giành giựt hẳn không xảy ra. Mọi chuyện sẽ không có gì phải ầm ĩ một dạo.
Từ sau dạo cháy nhà, cả ba đơn vị gia cư ở tầng dưới bỏ hoang. Ban ngày nó là nơi chứa chất ba cái hàng phế phẩm, ban đêm trở thành khu hút xách đĩ điếm lộng hành. Đám thanh thiếu niên Mỹ đen thường tụ tập quanh cái “liquor” bán rượu đối diện bên kia đường, một đêm bị police bố ráp tơi bời hoa lá cành, kéo về sinh hoạt ở đây. Thấy đúng là đất dụng võ, chúng ở lì luôn. Buổi sáng, từ cầu thang phía trong đi ra, mùi phân người cộng với ba cái vỏ bia, vỏ chai, chưa kể dăm ba cái áo mưa sinh lý bừa bãi khắp nơi. Không một ai buồn tình cầm cái chổi, đi một đường lả lướt, làm cái việc…cha chung chết không ai khóc này. Tội nghiệp vợ chồng tay chủ nhà người Tàu. Năm ba hôm, dường như cả khu apartments, không còn một ai chịu đựng nổi, sự tổng hợp của bao mùi xú uế, lại thấy bà vợ cầm chổi quét, ông chồng cầm vòi nước xịt tứ tung. Có một dạo gần như cả khu apartments trông có vẻ vệ sinh yên vắng. Cả hai người đàn bà Mỹ, Việt cùng giành nhau khoe khang chiến tích về phần mình: “Chú Ngữ biết không. Em nhắm trong đám có thằng Michael là có vẻ anh chị hơn cả. Biết tẩy nó ham gái, em thả mồi dụ nó cắn câu. Em chùa cho nó mấy quả lyến, nó sướng mê tơi. Rồi em ra điều kiện, ban đêm cả bọn được quyền hút xách, đĩ điếm, nhưng không được phóng uế trong khu apartments. Nói nhỏ chú Ngữ nghe, mẹ kiếp cái giống gì mà củ nọ đời dài, đen như mõm chó. Trông mà ghê…
Nguời đàn bà Mỹ gốc Mễ có một thời son trẻ làm nghề gái gọi nổi tiếng khắp vùng. Tên để thiên hạ dễ nhớ, dễ gọi là bà Tiffany. Khi không còn ai gọi đến rước đi khách, những năm tháng gần đây, bà thường gọi dụ khách đến…mần tình…ngay trong nhà. Thuở vàng son ấy, có những ông khách đi xe đời mới, láng cóng. Có cả mấy tay già lão, vét tông, cà vạt, cỡi những chiếc Mẹc-xe-đì cáu cạnh. Lớp này, mỗi lần đến rước bà đi ngủ qua đêm, hay nhẩy dù một hai quả, thường lấm la lấm lét, nhìn trước ngó sau, rồi cúi đầu cúi cổ đi một mạch lên cầu thang, đi thêm một mạch ngắn nữa, đến ngay trước cửa phòng bà, trăm lần như một, khỏi cần gõ cửa, bởi bà đã chuẩn bị đủ mọi thứ, đứng tựa cửa chờ khách. Đám thanh niên lại khác. Chúng hiên ngang chẳng sợ sệt ai. Có đứa ham vui, bồng đứng bà từ lầu hai vác ra xe, không quên, ban ngày ban mặt, vẫn tỉnh bơ rờ mó hôn hít, trong tiếng cười đã ngứa của cả hai phía. Cả khu apartments đã quá quen thuộc, quá nhàm chán với những sinh hoạt, đại loại chuyện thường ngày xảy ra như cơm bữa này. Những năm tháng gần đây, khi nhan sắc đã về chiều, khi người đàn bà gái gọi này không còn ai gọi tới, khi những điếu thuốc Camel không còn đốt liên tục trên đôi môi tô son đỏ chói, khi những liều thuốc trắng vĩnh viễn được thay thế bằng những viên sái đen cho đỡ thèm, tôi thường bắt gặp bà ngồi hát nghêu ngao dưới chân cầu thang ngập đầy rác rưới. Có những đêm khuya khoắt, đang mê ngủ, tôi giật mình khi bà gõ cửa, hỏi xin điếu thuốc, mẩu cam, mẩu bánh, cầm hơi lót dạ. Có cả mấy đêm cảnh sát bố ráp liên tục, bà phải năn nỉ tôi xin ngủ nhờ qua truông. Khách của bà bây giờ thưa lắm rồi. Năm ba hôm một dù, một bận không đủ sống. Dù tôi biết nhiều khi lỡ cơn nghiện đang lên, người đàn bà này đã…discount cho khách làng chơi dưới giá thị trường mấy nấc.
Người đàn bà Việt Nam làm nghề mát-xa cho một cửa tiệm đấm bóp tới bến bên San Francisco. Cứ mỗi người khách đến tiệm, qua tay bà đấm ít, bóp nhiều này, thường được bà gởi lại cho khách tấm danh thiếp với cái địa chỉ lầu ba khu apartments vô tội này. Thế là khách Việt, khách Phi, có khi cả khách Mỹ đêm đêm kéo tới mua vui ì xèo. Tên cúng cơm của bà là Lê Thị Mít. Tên Mỹ là Christina. Tôi vẫn quen gọi bà là thị Mít. Mít ướt, mít ráo gì cũng được. Tôi kỵ gọi bà bằng một tên gọi ngoại bang nào khác. Bởi cha mẹ nàng đặt tên nàng sao tôi theo vậy mà gọi. Bởi dân tộc Việt không ai đặt tên cho con là ti-na, ti niết gì cả. Bởi một lẽ thường tình, tiếng là láng giềng, lại nữa đồng hương, tôi chưa một lần xài thử tấm danh thiếp với cái tên rít, rót búi xờm xờm. Ai bảo có trong nhà mới ra ngoài ngõ. Có Trời chứng giám, tôi chưa hề đụng lông chân, lông tay, kể cả bất cứ chỗ nào có lông, có lá trên cơ thể lành lặn của hai người đàn bà này. Ăn có nơi chơi có chỗ. Dù hôm cuối tháng, không đủ tiền trả tiền nhà, bà hỏi mượn tôi một ngàn, trả được bảy tám trăm gì đó, bà cười trừ, còn dụ khị tôi rằng: “Thôi còn một hai trăm, ai chứ chú Ngữ, mai mốt lên phòng, em chùa cho bốn năm quả trừ nợ, khỏe re…”
Cả hai người đàn bà, vào giai đoạn này, đều láng lẩy lành lặn. Ít nhất cũng sạch nước cản, vào thời kỳ con bẹc-giê có chùm lông đuôi bờm xờm, bạc thếch đổ ghẻ. Tôi dám chắc và cá đủ ăn thua với thiên hạ điều này. Số là cả hai người đàn bà đều không còn mắc cỡ mỗi khi tắm gội bên cái hồ bơi tiền nước trả chung này. Tự nhiên hơn cả người Hà Nội. Hồ tắm có một phòng nhỏ để thay áo, thay quần. Lâu lắm rồi, cả hai ít sử dụng đến. Có khi cũng không cần tới nữa bởi hai bà, lúc tắm, có mặc một mảnh vải nào trên người để thay đâu. Vấn đề không phải ở chỗ tắm trần hay tắm truồng. Điều mà cánh đàn ông con trai quanh khu vực apartments, không còn thì giờ để bận tâm, thắc mắc, ở chỗ nếu trần truồng như vậy, nếu biết có người đang ngắm nhìn, hai bà lại càng điệu bộ, uốn éo dữ. Aên tiền là ở đó. Cũng nhờ hân hạnh được ngắm nhìn những thước phim thuộc loại “live” này, tôi đủ kết luận, cả hai người đàn bà, khắp cơ thể không có một đốm ghẻ nào, vào thời kỳ con bẹc-giê đổ ghẻ.
Trong quan hệ làm ăn, hai người đàn bà này thường hục hặc với nhau. Khách của bà A đôi khi đổi ý, tới bến luôn với bà B là chuyện thường. Cả hai người đàn bà tránh né kéo dài những lần tranh chấp đến mức độ phải nhờ tới cảnh sát phân xử. Có tật giật mình. Cả khu apartments ai cũng mong như thế. Tất cả mọi chuyện, dù bươn chải với tốc độ nào, cuối cùng cũng phải đi đến một giới hạn. Ngay cả chuyện hai bà giành nhau làm chủ con bẹc-giê trôi dạt cũng thế. Cái giới hạn cuối cùng, như một thỏa hiệp ngầm, là cả hai cùng nuôi, cùng dưỡng. Lúc con bẹc-giê ở nhà người đàn bà Mỹ, chủ của nó là bà Mỹ. Lúc con bẹc-giê đổi tông, chạy sang nhà người đàn bà Việt, chủ của nó là Lê Thị Mít, tên Mỹ là Christina. Cứ rứa mà mần. Mong mãi được như thế cho yên chuyện, vui cửa, vui nhà.
Người đàn bà Mỹ đặt tên con bẹc-giê là Jacky, tên thằng kép độc 12 năm trước quất ngựa truy phong. Bà kể rằng, trong đời tình ái của bà, chưa có thằng đàn ông nào làm tình điệu nghệ và hào phóng như Jacky, kể cả đám khách anh chị sau này. Năm xưa bà mê Jacky chừng nào, bây giờ bà hành hạ con Jacky chừng nấy. Có bữa bà bỏ đói nó. Có đêm bàtrói nó vào chân giường, rồi lấy dây nịt quất túi bụi. Lại có đêm tôi nghe tiếng thở dồn dập của bà với tiếng gầm gừ tru tréo của con bẹc-giê, có chùm lông đuôi xồm xoàm, che cục nợ to tổ bố. Có Trời mới biết… chúng nó đang làm gì…?
Người đàn bà Việt đặt tên con bẹc-giê là Jams. Jams là tên lính viễn chinh Mỹ, năm 1966, đặt chân đến một vũ trường ở Nha Trang, bỏ ba tấm giấy 10 đô la , tờ xanh, tờ đỏ thuê mẹ nàng ngủ qua một đêm. Một đêm từ đó, người mẹ có thai sinh hạ nàng. Chuyện kể rằng, lúc mới sinh ra, Christina tròn quay như hột mít, nên người mẹ mới đặt tên trong khai sinh là Lê Thị Mít. Lê Thị Mít sau đó đi làm công cho một tiệm phở ở cuối đường Trần Hưng Đạo Chợ Lớn. Một đêm, lão chủ tiệm đưa vợ đi sanh về, thấy Mít nằm ngủ tênh hênh, cầm lòng không đậu, lão vén mùng chui vô làm đại. Mít lúc đầu chống cự sau đó ngã giá, làm lẽ đến ngày có chương trình ra đi theo diện con lai. Nhưng Mít Việt Nam xưa lắm rồi, Mít bây giờ là Christina xanh rờn hoa lá cành. Là mỗi cú điện thoại gọi tới dặn ở nhà chờ, thấy trước tờ trăm đô, chưa tính tiền típ, tiền boa ôm trọn. Christina nuôi dưỡng con bẹc-giê như một nghĩa cử đền ơn người cha không bao giờ gặp mặt. Nhờ có Jams mới có Mít. Nhờ có Mít mới có Christina. Nhờ có Christina, hôm về dợt le ở Nha Trang, cả xóm chài mới… xanh mặt trước bà Giám đốc Thẩm mỹ viện dỏm. Mãi lúc sau này, khi phong trào đi về thăm quê trở nên rộn ràng, cả xóm mới bật ngửa khi hay tin rằng, Christina đang hành nghề nằm ngửa, vẫn đủ tư cách pháp nhân hưởng tiền trợ cấp, nuôi hai con nhỏ. Hai đứa nhỏ, mà ngay đến mẹ nó, cũng không rõ thằng cha căng chú kiết nào là cha chúng nó bây giờ. Quan sát tình hình, tôi nhân ra con bẹc-giê quyến luyến người đàn bà Mỹ hơn là Christina-tinót “Giao Chỉ Móng Cái đại vương” này. Mặc dù, cũng có những đêm, tôi nghe tiếng rên xiết vì khoái lạc của Lê Thị Mít và tiếng gầm gừ của con Jams, thoát ra từ căn phòng ngũ quanh năm không gài cửa sổ này.
Phải nhìn nhận con bẹc-giê từ ngày trôi sông lạc chợ vào được khu apartments này, như buồn ngủ gặp chiếu manh. Cả hai người đàn bà, sau những đêm rên xiết đã đời, thường gọi order nhà hàng đủ món tẩm bổ cho chó. Chó ăn sang hơn người là cái chắc. Thậm chí Christina còn âu yếm gọi con bẹc-giê là hơ ni, hơ niếc nghe ngộ quá ta.
Tưởng vậy mà không phải vậy. Cũng có những ngày cả hai người đàn bà cùng xua, cùng đuổi, cùng đành đoạn bỏ đói con bẹc-giê. Ngày đầu còn nhịn đói, nhịn khát được. Qua ngày thứ nhì, con bẹc-giê mon men xuống cào cửa phòng tôi. Được thôi. Vào đây chú em. Chú em là chó. Chó là chó. Người là người. Bốn chân là bốn chân. Hai chân là hai chân. Tao đặt tên chú em là Mực. Với tao, tên chú em là Mực, không Jams, không Jacky, Jaccót gì cả. Mai mốt vào buổi động tình, chú em đi rập bậy, rập bạ ba con chó cái đốm đen, đốm trắng, con cái chú em tao vẫn đặt tên là Đốm, là Khoang. Không Mực, không Đốm, không Khoang thì là Vàng, Vện, Ky, Tô v.v… và v.v…Chịu không? Chịu thì ở, không thì quảy đuôi get out. Đói không? Đói tao cho ăn. Aên cũng phải có điều kiện. Tao ăn xong, dư ra mày mới được ăn. May thì còn cơm nguội, rủi ra thì mì gói. Chịu thì đớp, không thì cứ order nhà hàng ăn cho sang. Xứ Mỹ này tự do cùng mình mà. Ai cấm. Còn ngủ bốn chân ra ngoài sân, ngoài vườn mà ngủ. Chó không được ngủ chung với người. Chó không được quyền nằm sô-pha. Còn khuya.
Qua ngày thứ tư, thứ năm, con bẹc-giê chịu đèn cơm nguội lẫn mì gói của tôi. Nó đá một tăng hai tô cơm nguội láng tẩy. Mì gói nước chưa kịp sôi, ngốn sạch. Thế nhưng phải mất gần một tuần giam đói, nó mới chịu ăn những tô cơm trộn mắm nêm, từ một tay chủ nuôi nghịch tử bất đắc dĩ. Con bẹc-giê cuối cùng đã biết lễ độ, biết ai là chủ ai là tớ, biết bốn chân còn khuya mới hơn hẳn hai chân. Tao thua mày hai chân nhưng tao hơn mày khối óc. Chừng ấy thôi đủ thưa chuyện anh chị, lễ nghĩa với chú em.
Cả hai người đàn bà cùng đổ lỗi tại tôi tập cho con bẹc-giê ăn mắm nêm, nên cả thân hình nó nổi ghẻ. Còn khuya. Cả dân tộc Việt Nam ăn mắm nêm, có ai ghẻ đâu. Cả dân tộc Việt Nam ăn mắm, ăn muối, học ra Tiến sĩ, Kỹ sư vang trời, lở đất. Có ai mụn nhọt gì đâu. Tôi không có thì giờ tranh luận với cả hai người đàn bà lắm chuyện này. Nhất là hơi sức đâu đem cả hồn thiêng sông núi, tinh hoa hào khí của một dân tộc ra thưa chuyện với những người không biết một tí gì về dân tộc, chi bằng nói chuyện với hai cái đầu gối còn hay hơn. Ông Adam nghìn năm xưa ăn nằm với bà Eva còn biết dùng lá che thân, dân tộc ở đâu nơi người đàn bà tắm truồng giữa chốn thanh thiên bạch nhật.
Khu apartments ba tầng lầu mà tầng dưới cùng cháy tan hoang, như hình hài con bẹc-giê mỗi ngày mỗi ghẻ lở hơn. Đến giai đoạn này, cả hai người đàn bà bỏ mặc Jams, Jacky không thương tiếc. Tôi lãnh của nợ hết thuốc chữa. Cho đến một ngày phải gởi nó vào một bệnh viện thú y. May thay tiền thuốc thang, được một hội đoàn bảo vệ súc vật bao giàn. Thỉnh thoảng cũng không quên gọi điện hỏi thăm tình trạng đến đâu rồi. Tình nghĩa gì mà phải bận tâm thăm viếng. Người với người cũng có khi ăn ở với nhau bạc hơn vôi, huống chi là.
Gần tháng sau, một bà phước ở cái hội đoàn bảo vệ chó, mèo, chim chuột mà tôi vừa nói, điện cho tôi hay con bẹc-giê Jams, Jacky, Đốm, Mực đã ngủm củ tỏi. Có điều lúc chết, bệnh viện thú y ngăn cấm không một ai được vãng lai. Tôi giả vờ hỏi bà phước, tại sao. Bà nói “I don’t know”. Tôi cười thầm: “You don’t know but I know”, tôi biết từ khuya dù không chắc chắn 100%. Bởi một tuần lễ trước ngày con bẹc-giê vào bệnh viện, xe cứu thương đến chở cả hai người đàn bà đi mất tiêu đến nay. Không một ai trong khu apartments này mong họ trở lại. Đi luôn càng hay. Chỉ có cánh đàn ông quanh khu vực tiếc hùi hụi những lúc xem phim…live.
Một hôm, một phái đoàn gồm đủ bác sĩ, y tá, nhân viên thú y, có cả cảnh sát đến làm công tác tẩy uế, phun thuốc và niêm phong căn phòng của hai người đàn bà Mỹ, Việt này. Họ lấy máu thử tất cả già trẻ lớn bé cư ngụ trong khu apartments. Ba ngày sau, mỗi người nhận được một cái T-Shirt, một thư gọi là Congratulation.
Tôi đọc đoạn cuối: Rất tiếc trong mấy ngày qua, chúng tôi đã làm phiền đến cuộc sống của quý ông, quý bà. Cũng nhân dịp này, thông báo với tất cả những ai đang ngụ cư trong khu vực hay rằng, vì để quá chậm trễ trong sự chữa trị, Bà Tiffany, Bà Christina và con chó đã chết vì bệnh AIDS.
Nguyên Ngữ
Viết tặng Ng. để thèm… để nhớ…
Những đêm dài trên thành phố biển
Albany – Hè 1999.