Nguyên Hương, TIẾNG HUẾ - TIẾNG MƯỜNG CÂY ĐA BẾN CỘ

Nguyên Hương N.C.

Cây Đa Bến Cộ




Có những từ cổ thông dụng trước đây, đặc biệt từ vùng đất Thanh-Nghệ xa xưa gọi là vùng ngôn ngữ biệt lập (Isolement Linguistique) đến vùng Bình - Trị - Thiên, những từ cổ thông dụng ngày xưa nhưng ngày nay nhắc lại có vẻ xa lạ đối với thế hệ trẻ nước ngoài. Với người lớn tuổi trái lại; tùy theo địa vực, mức độ phát âm khi nặng khi nhẹ khác nhau, nhưng nghe xong mọi người hiểu nhau dễ dàng. Không những vài ba tiếng mà cả câu dài nặng trĩu âm giọng “khó nghe”. Ngoài ra, tiếp cận một số từ cổ nào đó, người trong cuộc cảm thấy như đang sống lại hình bóng ngày qua.

Tâm tình ngôn ngữ cùng với ký ức cảm thông gắn bó, mường tượng như phảng phất đâu đây kỷ niệm xóm làng quê hương một thời dĩ vãng. Mỗi từ một ký ức; mỗi âm thanh vang vọng hồn đất nước, nghe qua một lần rồi nhớ mãi. Tâm tình tự nhiên, cảm xúc tự nhiên, nhưng lắng sâu diệu vợi vô ngần, cái hiện tại trong dĩ vãng:
Trăm năm dầu lỗi hẹn hò
Cây đa bến cổ con đò khác đưa.

Câu ca dao man mác gợi tình, truyền miệng ngày này qua ngày khác trở thành câu hò gợi cảm trên bến sông Ô Lâu, con sông lịch sử giữa hai tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên.

Phát nguyên từ dãy Trường Sơn, sông Ô Lâu chảy qua Ô Sa, Phước Tích, đến Long Điền chia làm hai nhánh. Một nhánh chảy về Vân Trình, qua phá Tam Giang rồi xuôi dòng ra biển. Nhánh thứ hai từ Long Điền chảy ra Câu Nhi, Trung Đơn; đến đây có thêm tên mới, sông Ô Giang với chi lưu Ô Khê (Khe Ô).

Cây đa bến cộ còn lưa
Con đò đã khác năm xưa tê rồi.

Hai câu lục bát ngắn ngủn mười bốn chữ, nhưng lại mang dấu tích bốn từ cổ: cây đa (cây da), bến cộ (bến cổ, cũ), còn lưa (còn lại), tê rồi (kia rồi). Một con sông không dài lắm nhưng ghi dấu nhiều kỷ niệm, bốn địa danh lâu đời: Ô Lâu, Ô Giang, Ô Sa, Ô Khê gợi lại cội nguồn lịch sử “nước non ngàn dặm ra đi”, châu Ô với Champa ngày trước.

Cộ, từ cổ xưa, có nghĩa là lâu đời, hiện còn thông dụng với đồng bào Thanh - Nghệ:

Ăn cơm mới nói chuyện cộ (xưa).

Lưa: còn lưa, còn lại; đồng nguyên với tiếng Mường / Tầng Lơ, tiếng Thái / T/lưa, tiếng Chàm Ph/ Lua/ …và nhiều ngôn ngữ Nam Á khác như Nùng, Khmer, Lào, Mon … cùng có nghĩa chung chung: còn nữa, còn trừa ra, còn thừa ra:

 
  • Phần tui có rồi, còn trừa (còn lưa) phần eng đó.
  • Còn lưa mấy trong bâu: còn lại mấy trong túi áo ( tiếng Nghệ)
  • Thôi rứa được rồi, lưa chuyện kỵ giỗ năm ni, sẽ bàn sau hí…
(chuyện kỵ giỗ còn lại, chưa nói sẽ bàn sau).

Trận này ai chết ai lưa …
………..
Chú nào lưa mẹ còn cha
Cho về sở định sở sanh việc nhà
                                                        (Vè Thất Thủ Kinh Đô năm 1885)

Cùng chung nguồn gốc cổ xưa Việt / Mường , “Lưa” lần đầu tiên được giải thích rõ ràng trong tự điển Việt - Bồ - La, Alexandre De Rhodes – Roma 1651.

Lưa, hãy lưa: hiện đang có, đang còn; kiểu nói trong một số tỉnh.
Những tỉnh khác nói: hãy còn (..in quibuldam Pronincijs, in ahjs) hãy còn.

Cùng với gia tài ngôn ngữ Mường - Việt, từ Thanh - Nghệ - Thuận Hóa - Phú Xuân, đoàn người Nam Tiến kết hợp mang theo Lưa, Còn Lưa, lứa mứa, lưa thưa vào Đồng Nai - Gia Định, đến nay còn lưa lại trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của. Saigon 1895.

Lưa: hãy còn (tiếng ít dùng).
Đong lưa lời nói: nói đong đưa, không hết ý, hết lời.
Mứa (lứa mứa) bỏ mứa: không hết, còn dư
Ăn còn bỏ mứa: ăn còn dư bỏ lại.
Làm mứa: làm lỡ dỡ, làm không hết việc, còn để lại.

Trở lại câu ca dao trên sông Ô Lâu, phần hình thức ngữ nghĩa cây da bến cộ, còn lưa, tê rồi bạn đọc vừa biết qua. Phần liên hệ nội dung còn lưa, chưa nói tới, tưởng nên tìm hiểu thêm:

Cây da, bến cộ còn lưa
Con đò đã khác năm xưa tê rồi!

Đúng là văn học bình dân! Câu ca dao 14 chữ, không có một từ Hán - Việt, không điển tích, không ẩn dụ (métaphore) như thường gặp trong văn chương bác học:

      Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt
      Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây [i].
                          (Chinh Phụ Ngâm)

Còn lưa, còn đó, còn cả hai: cây đa bến cũ! Nhưng buồn biết mấy, cố nhân không còn:”con đò đã khác năm xưa tê rồi”.

Với ít nhiều xúc cảm, tưởng tượng cảnh trí hư không là cây đa bến cũ, bạn đọc sẽ thấy rõ tâm cảnh người trong cuộc khi ngậm ngùi tình xưa, trở lại bến sông Ô Lâu.

Từ tâm cảnh, tâm thức chuyển qua ngôn ngữ! Mới đó, còn đó, nhưng rồi không còn, không còn chi hết! Sự thật chuyển biến như giấc mơ, giấc mơ lững lơ, lơ lững đi vào tiềm thức, tác động thành ngôn ngữ, thành lời thơ: còn lưa!

Hiểu rõ tâm cảnh người trong cuộc, đến đây rồi, bạn đọc cảm nhận ý nghĩa xa xôi, vời vợi sầu lắng hai chữ còn lưa! Âm thanh nhẹ nhàng mà vang vọng mung lung: còn lưa, còn đó, nhưng không còn!

Cái “còn lưa, không còn …” tràn ngập không gian bến bờ sông Ô Lâu cũng là cái “còn lưa, không còn”, ngẩn ngơ, thờ thẩn lảng mạn của A. Lamartine hiện thực thành thơ, bài Le Lac, học sinh Trung Học trước năm 1945 tất cả đều có học qua, biết qua và rất nhiều người còn nhớ, còn đọc thuộc lòng.

Le Lac của Lamartine, một chuyện tình không trọn, và vì tình không trọn, duyên không thành nên mới chuyển dịch thành truyện, thành thơ lưu lại đến ngày nay. Thành vợ thành chồng, yên bề gia thất, con cái hạnh phúc đầy đàn, hết còn thơ ca để hậu thế ca tụng: Le Lac!

      Je viens seul m’asseoir sur cette pierre,
Òu tu la vis s’asseoir!
                Nhưng chiều nay chỉ mình ta câm nín
                Thẩn thơ ngồi trên mõm đá đơn côi!

Trở lại bến sông Hương tình tự năm xưa tê rồi, ký ức còn lại trên thơ văn ngày nay.
Một thời gian khá lâu với Huế trước năm 1945, Nguyễn Bính ở nhà một người bạn quen, căn nhà đối diện xế-xế bên kia đường, biệt thự của ông Quan hai thầy thuốc, bác sĩ Thái Can, 24 đường Ngự Viên[ii].
      Biết đâu mà gởi lòng thương nhớ
      Mà biết cùng ai gởi nhớ thương

Cũng trong thời gian ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên, những đêm dài thanh vắng Nguyễn Bính thường nghe vọng lại từ căn nhà bên cạnh, buồn thê thiết tiếng hò ru em “Cây đa bến cộ còn đò khác đưa..”.

Mùa đông gió lạnh cũng là mùa mưa dài dài “mưa thúi đất thúi đai” ở Huế.
Tiếng mẹ ru con, người chị lớn tuổi ru em như tiếng ru lòng mình. Đêm này qua đêm khác, tiếng ru âm thầm buồn da diết ấy chầm chậm đi vào hồn người du khách là nhà thơ Nguyễn Bính lang thang xa quê lâu ngày, đang nhớ nhà, nhớ Hanoi, có lẽ nhớ cô hàng xóm “nhà nàng ở cạnh nhà tôi / cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn”. Cố nhân Người Hàng Xóm của Nguyễn Bính không còn:

Đêm qua nàng đã chết rồi
Nghẹn ngào tôi khóc quả tôi yêu nàng
Hồn trinh còn ở trần gian
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này.

Nỗi nhớ nhà càng lắng sâu, câu hò nghe xa xôi trầm buồn càng dễ dàng trở thành nguồn cảm hứng, trở thành thơ Cô Lái Đò.

Hai tác giả, người xưa khuyết danh, người sau Nguyễn Bính. Hai câu chuyện chuyển đổi hai nơi khác nhau, nhưng nội dung chiếu tỏa thành thơ đi vào sử thi vẫn là cây đa bến cũ khi “người khách tình xuân ấy, đi biệt không về với núi sông.”
     
      Xuân đã đem mong nhớ trở về
      Lòng cô lái ở bến sông kia
      Cô hồi tưởng lại ba xuân trước
      Trên bến cùng ai đã nặng thề
      ……………
      Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi
      Mấy lần cô gái mõi mòn trông     
      ……………
      Bỏ thuyền bỏ lái bỏ dòng sông
      Cô lái đò kia đi lấy chồng
      Vắng bóng cô em từ dạo ấy
      Để buồn cho những khách sang sông.
                                    (Cô Lái Đò – 1941)

Bài thơ Cô Lái Đò của Nguyễn Bính về sau chuyển âm thành nhạc. “Cô Lái Đò” lần đầu tiên được trình diễn tại Huế năm 1948. Nhân dịp Hội Chợ  Saigon năm 1949, thời chính phủ Nguyễn Văn Xuân mới thành lập, đoàn văn nghệ Huế được mời vào Nam trình diễn tại rạp Nguyễn Văn Hảo. Tiếng hát Châu Kỳ với nhạc phẩm Cô Lái Đò nổi tiếng từ đó.

Năm tháng qua lâu rồi kể từ khi câu ca dao truyền khẩu được phổ biến: kho tàng văn học bình dân ghi nhận thêm nhiều vần ca dao khác, nội dung tương tự, lời thơ thay đổi chút chút, nhưng nguồn cảm hứng lai rai dài dài vẫn là con đò bến cũ…

      Biết ai mà hỏi căn do,
      Cây đa bến cũ con đò khác đưa
     
      Trăm năm dầu lỗi hẹn hò
      Cây đa bến cộ còn đò khác đưa.
      Con đò đã khác năm xưa
      Cây đa bến cũ còn lưa đến chừ.
     
      Con đò tuy khác năm xưa
      Cây đa bến cũ vẫn đưa còn đò.

      Cây đa là cây đa bến cũ
      Bến cũ là bến cũ đò đưa
      Ôi thôi rồi người khác sang đưa
      Còn lưa mình thiếp, chàng đi mô rồi!

Nguyên Hương N.C

Ghi Chú:

[1] Đoạn thơ trên, hai câu 5,6 mở đầu Chinh Phụ Ngâm, nguyên tác bằng Hán văn của Đặng Trần Côn, nghe nói rằng do bà Đoàn Thị Điểm diễn nôm:
                                                            Cổ bề thanh động Trường An nguyệt
                                                            Phong hỏa ảnh chiếu Cam Tuyền vân

                                                            Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt
                                                            Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây.

Không nói về thơ văn viết bằng chữ  Hán, tác giả các bài thơ Nôm thời trước thường chú trọng nhiều về ẩn dụ (métaphore) hay điển tích lấy từ văn học Trung Hoa. Người đọc nếu không có căn bản Hán học, tự mình tìm hiểu như vậy rất khó. Luôn dịp, xin trích dẫn làm ví dụ một bài thơ khác gọi là thơ nôm, tác giả Bà Huyện Thanh Quan.
                                                            Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
                                                            ……………………………………
                                                            Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ
                                                            Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.
                                                                                          (Chiều hôm nhớ nhà) 

[1] Ông Quan hai (thầy thuốc): Trước năm 1945, từ ngữ Thiếu úy, Trung úy ít phổ biến. Mọi người đều có chung từ ngữ ông quan một, quan hai cho đến quan sáu (đại tá). Cả đến vị Tướng chỉ huy Trung đoàn 10 Bộ Binh Thuộc Địa trước đồn Courcy (10 R.I.C), bà con Huế trước sau vẫn gọi ông Sáu, lầu ông Sáu cho dễ hiểu!
Nhà thơ Thái Can, tốt nghiệp Y Khoa Bác Sĩ năm 1941 bị trưng dụng vào quân đội với cấp bậc Trung úy, đồn trại đóng tại Căn cứ huấn luyện Hạ sĩ quan Phú Bài. Nhà Bác Sĩ Thái Can ở số 24 đường Ngự Viên (sau này đường Nguyễn Du), ngày ngày bác sĩ Thái Can lái xe “bịch bịch” (xe mô tô) từ nhà xuống đồn trại.
Ngôi nhà số 24 đường Ngự Viên trước đây là nhà cụ Đào Tấn. Sau cụ Đào Tấn, số 24 đường Ngự Viên trở thành trụ sở tạm thời Viện Dân Biều Trung Kỳ.

Viện Nhân Dân Đại Biểu Trung Kỳ (Chambre des Representants du Peuple) có trụ sở mới ở đường Jules Ferry (đường Lê Lợi sau này), ngôi biệt thự 24 Ngự Viên bỏ trống một thời gian (không biết, không nhớ rõ), tiếp đến cụ D.T.D, nguyên tri huyện Cầm Thủy (Nghệ An), thân sinh Dương Thiệu Gia, bạn học cùng trường Đông Ba; riêng người viết, nhà số 15 đường Ngự Viên.

Chủ mới sau cùng là gia đình bác sĩ Thái Can cho đến cuối năm 1945.
(Xem T.S H. Thái Can: Ngôi nhà cụ Đào Tấn, T.S H 99.
Nguyễn Dương Đôn: Chuyện Huế ngày xưa, T.S H 96.
Nguyễn Huy Bảo: Huế xưa, những năm dạy học trường Khải Định).

Trước mặt xế xế nhà bác sĩ Thái Can là một ngôi nhà khác, kiểu biệt thự nhỏ, nhà thơ Nguyễn Bính ở tại đây thời gian lang thang với Huế. Nhiều bài thơ sáng tác trong thời gian này (ghi năm 1940, 1941 …) ít nhiều để lại kỷ niệm Nguyễn Bính với Huế như :
Người Con Gái ở Lầu Hoa, (nhà nàng ở gốc mai trắng / trên xóm mai vàng dưới đế kinh)
Xóm Ngự Viên (Hôm nay có một người du khách / ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên);
Trời mưa ở Huế (Trời mưa ở Huế sao buồn thế / Cứ kéo dài ra đến mấy ngày)

Con đường có tên Ngự Viên (vườn hoa của “ngài ngự”) vì ở đây, từ cầu Đông Ba đi xuống, xa xưa thời vua Thiệu Trị có một vương phủ “dài rộng mênh mông” có vườn hoa đẹp vua Thiệu Trị dành cho vị hoàng tử thứ 10 là Nguyễn Phúc Hồng Kiện, An Phước Quận Vương .
Nguyễn Phúc Hồng Kiện mất, vương phủ trở thành phủ thờ. Vườn Ngự Viên nổi tiếng từ đó. Sau năm 1945, con đường Ngự Viên mất tên, trở thành đường Nguyễn Du; đó là chuyện về sau.

Bài thơ Nguyễn Bính “Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên” là nói “vườn Ngự” xa xưa vang bóng một thời đầu cầu Đông Ba, mà không phải Ngự Viên trong Thành Nội. Qua nhiều triều đại, Thành Nội có nhiều vườn ngự khác nhau, mỗi vườn hoa một tên riêng, như Kỳ Hạ Viên với cửa Thượng Uyển, Vườn Tịnh Tâm, Vườn Thư Quang, Vườn Thường Mậu, Vườn Thường Thanh, Vườn Thanh Phương … và nhiều vườn hoa khác sau này chỉ còn tên trên tài liệu sách báo. Thực tế ngoài vườn Tịnh Tâm, chẳng còn lại bao nhiêu sau ngày nền quân chủ cáo chung (1885-1945).
 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top