Ngày Tết đọc lại: GS. Võ Thu Tịnh: Hòa nhi bất đồng giữa PHAN BỘI CHÂU và PHAN CHÂU TRINH

GS. Võ Thu Tịnh
 

Hòa nhi bất đồng giữa

PHAN BỘI CHÂU PHAN CHÂU TRINH




Vào cuối thế kỷ XIX, bước sang đầu thế kỷ XX (1867-1904), Nhật-bổn đã tiến tới địa vị một cường quốc trên thế giới, và cũng theo đà ấy, đi xâm chiếm các láng giềng: chiếm Đài-Loan (1874), chiếm Lưu Cầu (1879), chung với nhà Thanh Trung-hoa bảo hộ Triều Tiên, rồi quay lại đánh nhà Thanh mà chiếm Triều Tiên (1895).
   
Vì nhà Thanh để cho bị thua Nhật-bổn, nên các nhà ái quốc "Hán tộc" như Khang Hữu Vi (1858-1927), Lương Khải Siêu (1873-1928) đứng lên đòi triều đình - vua Quang Tự, mẹ là bà Từ Hy thái hậu, các nhà cầm quyền, - phải  duy tân Trung-quốc. Họ đề xướng hiến pháp, đòi bỏ chuyên chế và khoa cử, sáng lập học hội, học đường, thư quán, báo chí cùng thương hội, dịch sách của Jean Jacques Rousseau, Voltaire, Montesquieu... Bị đàn áp, một số phải bỏ nước, xuất ngoại.
   
Khi tân thư Tàu được lan truyền sang nước ta, các nhà khoa bảng Việt hưởng ứng theo để khởi xướng hai phong trào duy tân quốc gia đầu tiên và song hành:
    1- "Việt Nam Duy Tân Hội" của nhóm Phan Bội Châu, Nguyễn Thành (1904)
    2- "Phong Trào Duy Tân" của nhóm Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng (1904)
 

Duy Tân hội của Phan Bội Châu

Phan Bội Châu, hiệu là Phan Sào Nam, sinh 1867, người làng Đan Nhiệm, tổng Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Sau 5 lần hỏng thi, đến năm 1900 cụ đỗ đầu cử nhân (thủ khoa) trường Nghệ An. Khi thân sinh  qua đời, cụ mới mới bắt tay vào những kế hoạch thực hiện cách mạng. Cụ mượn tiếng "nhập kinh tọa Giám"tức là vào Huế nội trú ở trường Quốc tử giám, có lương chính phủ, để học tập chuẩn bị thi Hội, rồi lẻn vào Thăng Bình tìm Tiểu La Nguyễn Thành, (tức Nguyễn Hàm, thường gọi là Ấm Hàm, con quan Nguyễn Trường, Bố chánh, Kinh lược sứ, sinh 1863, người làng Thanh Mỹ, phủ ThăngBình, Quảng Nam. Năm 1885, Nguyễn Thành đã tham dự phong trào cần vương của Nguyễn Duy Hiệu ở Quảng Nam. Sau khi Nguyễn Duy Hiệu thất bại, bị giết, Nguyễn Thành lui về quê làm ruộng).
   
   Nguyễn Thành bàn rằng: "Trước hết phải thu lòng người. Hiện người nước ta ngoài "tôn quân, thảo tặc" (tôn vua, giết giặc Pháp) ra, thì chưa ai có tư tưởng gì mới lạ. Vả lại, sắp tính việc lớn, tất phải trù có món tiền to. Kim tiền nước ta là ở Nam Kỳ, và khai thác ra Nam Kỳ là công đức của triều Nguyễn. Vua Gia Long lấy lại nước là nhờ tài lực ở trong ấy. Bây giờ nếu ta tìm được chính tông dòng Gia Long, đặt làm minh chủ để hiệu triệu, Nam Kỳ tất hưởng ứng mau lắm."  (1)
   
     Đến tháng 5/1904, chừng 20 người họp bí mật ở nhà Tiểu La Nguyễn Thành, lập nên một hội kín : "Duy Tân Hội", tôn Kỳ ngoại hầu Cường Để làm Hội Chủ, hội viên là Nguyễn Thành, Phan Bội Châu, Trịnh Hiên, Lê Vu, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân...
    Kế hoạch như sau:
1- Xuất dương cầu ngoại viện
- Nguyễn Thành giúp tiền bạc cho Phan Bội Châu, và giới thiệu Tăng Bạt Hổ (tùy tướng của Mai Xuân Thưởng, cần vương ở Bình Định năm 1885-1887, đã từng liên lạc được với một số nhân sĩ Nhật) hướng dẫn cụ Phan sang Trung hoa (cuối tháng giêng năm 1905), để cầu viện. Nhưng không được. Cụ liền sang Nhật, gặp lúc Nhật đang lo việc đánh Nga, không muốn có chuyện với Pháp.
    Một chính khách Tàu đang lưu vong bên Nhật là Lương Khải Siêu (Liang Ki Chao 1876-1928) cùng một số chính khách Nhật như Inukai Tuyoshi (Khuyến Dưỡng Nghị), Okuma Shigenobu (Đại Ôi Trung Tín) đều khuyên cụ rằng: "Nên lo cho quốc dân có đủ tư cách độc lập, nên ẩn nhẫn mà chờ cơ hội. Nên trở về nước đưa thanh niên xuất dương cầu học, làm nền tảng hưng dân trí. Sang đây, nước chúng tôi sẽ đào tạo cho"
 
    2- Phong trào Đông Du (1906-1908)
 - Từ đó Phan Bội Châu chú tâm lo phát khởi phong trào Đông Du. Ông được Khuyến Dưỡng Nghị giới thiệu với tướng Nhật là Fukushima Yasumasa (Phúc đảo An chính) chức tham mưu trưởng, sung hiệu trưởng trường quân sự Chấn Võ học hiệu (Shimbu Gakko) ở Đông Kinh. Trường cũng nhận học sinh Tàu, cho nên tướng Fukushima đầu tiên nhận 4 sinh viên Việt coi như người Tàu là: Kỳ ngoại hầu Cường Để cải danh là Nguyễn Trung Hưng, và ba thanh niên Việt là Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Diễn (Bắc Kỳ) và Trần Hữu Công (tức Trần Thức Canh, Trung Kỳ). Ba người nầy được miễn học phí, riêng Cường Để phải trả tiền, vì chính khách Nhật chỉ lấy tư cách cá nhân giúp đảng của cụ Phan, còn  về mặt chính phủ họ ngại không giúp Cường Để sợ mất thiện cảm với Pháp. (2) Năm sau, bị bệnh, Kỳ ngoại hầu thôi học.

    Phong trào Đông Du, trong hai năm 1906-1907 đã đưa được tất cả gần hai trăm thanh niên xuất ngoại du học (100 Nam Kỳ, 50 Trung Kỳ, 50 Bắc Kỳ).
    Để có tiền đưa thanh niên xuất ngoại, Phan Bội Châu viết thêm sách để vận động với đồng bào Nam Kỳ, như Kính cáo Phụ Lão toàn quốc  và Ai cáo Nam Kỳ, và các bài Hải ngoại huyết thư (Sơ biên và Tục biên) khá dài, bằng chữ Nho, Lê Đại trong nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục dịch ra thơ song thất lục bát, phổ biến rộng rãi khắp trong nước. Đồng thời cụ cũng lập chi nhánh yểm trợ đưa sách về nưóc, giúp đỡ tiền bạc...
  
 3- Tổ chức bạo động trong nước

- Còn những hội viên khác lo chiêu mộ đảng viên, góp đảng phí, mưu đồ phát khởi bạo động trong nước bằng cách liên kết với các cựu đảng Cần Vương, các trai tráng sơn lâm, lục lâm vong mạng để đánh Pháp - Năm 1907, Phan Bội Châu theo đường bộ về nước lo việc tổ chức bạo động. Ông đến gặp Đề Thám. Đề Thám đồng ý gia nhập Duy Tân hội, thừa nhận Kỳ ngoại hầu và hai bên hứa hẹn cứu trợ nhau khi hữu sự.

    Bị Nhật trục xuất - Nhưng năm 1907, Nhật và Pháp ký hiệp ước thân thiện với nhau. Năm 1908, Phan Bội Châu và Kỳ ngoại hầu bị trục xuất khỏi Nhật-bản, tạm về Hương Cảng, rồi sang Trung-hoa thành lập hội "Việt Nam Quang Phục" và hội "Chấn Hoa Hưng Á". Cụ bị Long Tế Quang bắt giam ở Quảng Châu (1911). Ra tù, cụ lại tiếp tục tích cực hoạt động, năm 1922, cải tổ "Hội Việt Nam Quang Phục" thành "Đảng Việt Nam Quốc Dân". Đến năm 1925, cụ  bị tay sai Pháp bắt cóc ở Thượng-hải giải về nước. Chúng định thủ tiêu kín, nhưng việc bại lộ phải đưa ra xử trước Hội đồng đề hình của chúng, kết án khổ sai chung thân. Nhân dân toàn quốc đấu tranh đòi ân xá. Toàn quyền Varenne buộc lòng phải tha, nhưng lại đem cụ đi an trí tại Huế. Cụ qua đời ngày 29-10-1940 tại Bến Ngự.   
   

Phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh 

   
Phan Châu Trinh, sinh ngày 09-09-1872, làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, tự là Tử Cán, hiệu là Tây Hồ. Thân sinh Cụ là Phan  Văn Bình, làm Quan cơ sơn phòng, sau vào Nghĩa hội Cần Vương làm Chuyển vận sứ, rồi vì bị tình nghi mưu phản nên bị quân Cần Vương  giết (1887). Thuở nhỏ Phan Châu Trinh theo cha học chữ và học võ, sau khi cha mất,  cụ trở về nhà bắt đầu học theo lối cử nghiệp. Năm 1901 đỗ Phó bảng, được bổ làm Thừa biện bộ Lễ.
   
        Năm 1905, cụ từ quan, cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đi vào Nam tìm bạn đồng tâm, đồng chí, xem xét tình hình, vận động cho phong trào Duy Tân,  dân chủ, dựa vào Pháp cầu tiến bộ. Tới Bình Định, vừa gặp lúc các quan Đốc tỉnh nầy đang sát hạch học trò toàn tỉnh, ra đầu đề bài thơ Chí thành thông thánh, và bài phú Danh sơn Lương ngọc. Cả nhóm liền ghé vào thi, để mượn những đề tài nầy mà bày tỏ nỗi lòng trước thời sự, kích động lòng yêu nước của các sĩ phu, trí thức và đồng bào trong nước. Các cụ ký tên Đào Mộng Giác: Phan Châu Trinh làm bài thơ Chí thành thông thánh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng  làm bài phú Danh sơn Lương Ngọc, đem nạp lẫn với các quyển khác, có câu:
            Mạnh thay dòng giống nước ta,
            Đâu có thua gì kẻ khác!
            Tiếc chỉ sai lầm một lúc,
            Mà gây họa để muôn đời!
            Tục còn ưa thích văn chương,
            Sĩ vẫn say mê khoa mục.
            Ngày đêm điển tích miệt mài,
            Năm tháng phú thơ cặm cụi.
        Sách hay dở, cúi đầu theo miệng trường quan,
        Lời lẽ nên chăng, nhắm mắt học thừa Trung quốc.
        Ồn ào tranh miếng lợi danh, toàn đồ kẻ cắp,
        Bô bô lên giọng hào kiệt, cả lũ lưng khom.
        Rõ ràng bọn túi cơm giá áo, lăn mình vào đợi  chủ Tây sai,
        Thật đúng phường mặt ngựa đầu trâu, đành  dạ để xô hầm con đỏ... (Thái Bạch dịch) (3)

    Các quan chấm thi ém đi thật kỹ, nhưng câu chuyện nầy cùng những bài thơ, phú kia đã được truyền  khắp miền Trung, rồi lan ra khắp cả nước, mặc dù bị chính quyền nghiêm cấm rất ngặt.
  
   Bộ ba Trinh - Kháng - Cáp xuống tới Phan Thiết ngụ lại nhà Nguyễn Thông, rồi gặp ông Hồ Tá Bang và nhiều nhân sĩ địa phương. Hưởng ứng thuyết Duy Tân tiến bộ trong Hòa Bình nầy, các nhân sĩ Phan Thiết đứng ra lập  công ty Liên Thành chế nước mắm, trường nghĩa thục Dục Thanh tại nhà Nguyễn Thông, dạy miễn phí theo tinh thần mới, nhà giảng sách Thi Xã tại đình làng Phú Tài. Hoa lợi công ty nước mắm dùng hổ trợ chi phí trường học và nhà giảng.
   

Thực hiện kế hoạch Duy Tân tại tỉnh nhà


- Sau khi trở về tỉnh nhà (Quảng Nam), cả ba chia nhau thúc dục đồng bào thực hiện kế hoạch Duy Tân theo chương trình "hậu dân sinh, chấn dân khí, khai dân trí " (hậu hĩ đời sống của dân, chấn hưng khí phách của dân, mở mang trí thức của dân).

    1- Hậu dân sinh : cổ động thực nghiệp: Năm 1905 Nguyễn Toán (cựu bang tá, lúc đó 70 tuổi) và cử nhân Phan Diên (tức Phan Thúc Duyện) đứng tên làm chủ, tiền vốn có lẽ do Nguyễn Thành bỏ ra, mở "Quảng Nam thương hội" mướn dệt những thứ vải có thể may Ău phục. Nhiều nhân sĩ Quảng Nam chung vốn mở "nông hội" để khai đồi trồng quế, làm vườn, cổ động dùng đồ nội hóa và đẩy mạnh phát triển tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của tỉnh nhà. Đồng thời, các nhà Nho Quảng Nam làm thơ ca  để  khuyến khích thực nghiệp. Thương hội và nông hội của nhóm Duy Tân đều hoạt động công khai, hợp lệ.

    2- Chấn dân khí : chấn hưng khí phách dân tộc. Theo chiều hướng này, đã đưa ra những biện pháp như bài trừ hủ tục trong thân thể  (cắt búi tóc, cạo răng đen, cắt cụt móng tay, bỏ khăn đen áo dài để mặc đồ Tây với hàng nội hóa), bài trừ hủ tục trong xã hội (chống mê tín, tướng số, cúng bái và nạn xôi thịt ở chốn đình trung, đả đảo tứ đổ tường : rượu chè, trai gái, cờ bạc, hút xách)...
   
   3- Khai dân trí: Mở mang trí thức cho dân  cụ thể trước tiên là mở các trường tư, bỏ chữ Hán và tứ thư ngũ kinh, dạy chữ quốc ngữ, dạy những môn khoa học thường thức như cách trí, toán pháp, lịch sử, địa dư, vệ sinh, dạy tập hát, tập thể dục, tập diễn thuyết... Chỉ trong 5, 6 tháng, mà lập ra trường dạy quốc ngữ và trường dạy chữ Pháp ước 48 trường. Đặc biệt ở làng Phú Lâm có ông lý trưởng Lê Cơ, anh em cô cậu với Phan Châu Trinh, mở trường Phú Lâm nghĩa thục, rước thầy dạy chữ quốc ngữ, ít lâu lại mở thêm một trường nữ học. Đồng thời lập cuộc bảo hiểm phòng kẻ trộm cướp, lập hội buôn nhỏ, mua giấy bút cấp cho học trò, cùng mắm muối bán rẻ cho dân cày...
    Phong trào Duy Tân được các tỉnh khác hưởng ứng, như ở Nghệ An, tiến sĩ Ngô Đức Kế lập Triều dương thương quán, ở Phan Thiết vẫn còn Liên Thành công ty, ở Saigon có khách sạn Minh Tân của tri phủ hàm Trần Chánh Chiếu tức Phủ Chiếu, tức Gilbert Chiếu, có khách sạn Chiêu Nam Lâu của nhà nho Nguyễn An Khương là thân phụ của Nguyễn An Ninh...
   

Những xích mích giữa hai bên

 
    1- Phan Châu Trinh đi tìm Phan Bội Châu để bàn luận

 - Những nhân vật Nam Kỳ nầy lúc đầu hưởng ứng phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh, về sau, lại theo phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, tranh đấu cho Kỳ ngoại hầu Cường Để về làm vua nước Việt Nam thống nhất độc lập. Vì vậy, năm 1906, Phan Châu Trinh bí mật đi Nhật, ghé nhà Lưu Vĩnh Phúc Sa Hà gặp Phan Bội Châu để bàn luận với nhau.
   
Theo Phan Châu Trinh kể lại: "Mục đích của tôi là để cùng Phan Bội Châu lý giải để phá bỏ cái vọng tưởng của ông (chủ trương bạo động), cho quốc dân khỏi đau khổ, khỏi chết chóc. Ông ta hoặc có thương quốc dân mà sửa đổi, hoặc động tình bè bạn với tôi ngày xưa, hoặc nữa có thương tôi  (thì) đừng lấy "chủ nghĩa phản đối" của ông mà đả phá chủ thuyết của tôi chăng...
 
   Phan Châu Trinh kể tiếp: "Bất đồ ông ta vẫn ngoan cố không chịu phục, khư khư giữ lấy trí mình mà không chút động lòng thương người. Tôi từ đó góc trời chia tay trở về nước. Ông ta làm theo chí của ông ta và tôi làm theo chí tôi. Từ đó chia thành hai đảng và hai chủ nghĩa bắt đầu chống đối nhau vậy."  (4)
 
  Phan Châu Trinh chỉ đồng ý với Phan Bội Châu về một điểm là khuyên thanh niên xuất dương du học để khai trí, chứ không đồng ý về hai điểm khác là:
- duy trì chế độ quân chủ, dù là quân chủ lập hiến với Cường Để làm vua
- bồi dưỡng nhân tài để về nước tổ chức dân chúng võ trang bạo động.

Cuộc tranh luận giữa hai cụ không đưa đến một thỏa hiệp nào, nhưng hai Cụ vẫn hòa nhã chia tay, và trên đường hoạt động, phần ai nấy lo, dù chủ nghĩa, đường lối  có trái ngược nhau.
   
(Về vấn đề chế độ dân chủ, khi Phan Bội Châu, qua giới thiệu của Khuyển Dưỡng Nghị, đến gặp Tôn Dật Tiên mới ở Mỹ quốc về, tạm trú tại Hoành Tân,  hai người  bút đàm, Tôn hết sức bài bác đảng quân chủ lập hiến là hư ngụy.  Không ai chịu ai, nhưng đối xử nhau rất hòa nhã).
  
 2- Phan Bội Châu viết thư cầu cứu Phan Châu Trinh

- Đến tháng 3/1907, Nguyễn Thành gửi Lưu ấm sinh, người Thừa Thiên qua báo cáo với Cường Để việc Phan Châu Trinh ở trong nước tuyên truyền  "tôn dân đồ vua " (quí dân, giết vua) và  "ỷ (dựa vào) Pháp cầu tiến bộ", như vậy là công kích quân chủ mà không nói đến Pháp, làm cho dư luận một lúc thốt nhiên phân vân, cơ hồ (hình như) như có việc tranh giành đảng phái với nhau. (5) Cường Để bảo Phan Bội Châu viết thư cho Phan Châu Trinh. Phan Bội Châu thảo một  "bức thư cầu cứu " sang Hương Cảng đưa cho Lưu Ắm sinh  lén đem về nước. Thư đại ý nói trình độ nhân dân nước ta còn ấu trĩ, nếu áp dụng chế độ dân chủ ngay sợ không tránh khỏi những việc lảo đảo ngả nghiêng, xin hãy chờ ít lâu nữa, đến lúc (dân trí trưởng thành) "đại huynh xướng thuyết dân chủ, cứ quốc dân đồng bào nhiệt liệt hưởng ứng, thì trong đó có tôi... "
   
     Phan Bội Châu trong Tự Phán giải thích sở dĩ Cụ dùng hai chữ  "cầu cứu" là vì Cụ sợ có đảng tranh, tranh gì đây? Cả hai phe đều chưa có mộng tranh quyền, bởi vì chính quyền còn ở trong tay người Pháp. Vậy chỉ có thể là tranh đảng viên mà thôi. (6)

    Phan Châu Trinh không trả lời thư của Phan Bội Châu, mà cứ tiếp tục đẩy mạnh phong trào Duy Tân bằng cách công khai hóa thêm phong trào Duy Tân trên mặt chính trị nữa. Ông gửi một bức thư ngỏ bằng chữ Hán đề ngày 15-08-1906 cho viên toàn quyền Paul Beau, thư viết thành nhiều bản để gửi cho nhiều báo chí. Tờ  "Bulletin de l'Ecole d'Extrême-Orient"  năm 1907 có trích bản dịch ra tiếng Pháp (tr. 166-175), bản dịch ra chữ quốc ngữ trong "Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp " của Thái Bạch, (1968,  tr. 348-366) được chép lại toàn văn, đại ý nói có tệ nạn ngày nay là do ba nguyên nhân: Một là tại Chính phủ Bảo hộ dung túng quan lại Việt Nam, hai là tại Chính phủ khinh rẻ dân Việt Nam thành ra có cái tệ người Pháp xa cách người Việt, ba là quan lại Việt lợi dụng tình trạng xa cách giữa người Pháp và người Việt mà tha hồ hà hiếp dân. Người Pháp, nghề làm ăn thì không dạy, mối lợi thì không mở mang, chỉ biết sưu thuế tăng cho nhiều, cho nên mới cùng khốn thế này... Hậu quả khốn nạn cho dân Việt là có người qua Nhật khóc lóc thổ lộ cái khí uất ức bất bình, chứ nhất định không đến cửa quan Bảo hộ mà bày tỏ những sự đau khổ trong lòng. Nghểnh cổ mơ trông các cường quốc đâu đâu đến cứu mình (chỉ Duy Tân hội của Phan Bội Châu). Cái mơ hão huyền như thế của dân trí thức, kể cũng đáng thương vậy! Còn thân sĩ trong nước, người thì xướng học chữ Tây, người thì xin bỏ khoa cử, người thì góp vốn để mở hiệu buôn, các quan lại ghét, cho rằng làm thế để chống lại mình, âm mưu làm phản, nên đặt ra lời vu oan giá họa (chỉ phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh).
  
 Ông yêu cầu Chính phủ Bảo hộ đổi chánh sách:  kén chọn người hiền tài trao quyền bính, lấy lễ mà tiếp, lấy thành mà đãi, cùng nhau lo toan việc dấy lợi trừ hại trong nước. Như thế, dân thì được yên nghiệp làm ăn, sĩ thì vui lòng giúp việc cho Chính phủ, lúc đó chỉ sợ Pháp bỏ nước Nam mà đi, còn ai toan mưu việc chống cự nữa... Còn bỏ nơi nầy, cầu nơi khác, làm chết hại vạn vạn người, rồi nô lệ cũng vẫn là nô lệ, người Nam đâu phải điên dại mà làm như thế...

    Kết luận: Xin được yết kiến Toàn quyền Pháp để bàn luận. Không thấy Toàn quyền Paul Beau trả lời bức thư ngỏ ấy.

    Trái lại, đến tháng 4/1908, (khi ấy toàn quyền Beau đã hết nhiệm kỳ), nhân xảy ra vụ phong trào cắt tóc xin xâu ở Quảng Nam và ở các tỉnh miền nam Trung Kỳ, Pháp bắt Phan Châu Trinh đang ở Hà Nội đưa về Huế cho Tòa Nam Án Quảng Nam lên án xử là chủ mưu cuộc phiến loạn, phạt đày Côn Lôn, dù có ân xá cũng không được tha. Hội Nhân Quyền Pháp can thiệp, Cụ được trả tự do trước hạn tù, đưa về quản thúc tại Mỹ Tho (Nam Kỳ) vào năm 1911. Cũng trong năm nầy, cụ yêu cầu được sang Pháp, chính quyền Đông Dương buộc lòng chấp thuận.Tại Pháp, năm 1914, thế chiến thứ nhất bùng nở, Pháp đánh nhau với Đức, Cụ bị Pháp bắt giam ở ngục Santé một thời gian. Năm 1922,  Khải Định sang Pháp dự đấu xảo tại Marseille, cụ viết một bức thư dài buộc tội Khải Định bảy điều (được gọi là Thất điều trần), và khuyên vua về nước gấp đừng làm nhục quốc thể. Bảy điều ấy là:  Tôn bậy quân quyền, (bắt dân phải tôn thờ mình), lạm hành thưởng phạt, thích chuộng sự quỳ lạy, xa xỉ quá độ, ăn mặc không phải lối,  chơi bời,  có sự ám muội trong chuyến đi Tây này. (7)
    Những ngày cuối cùng của Phan Châu Trinh - Năm 1925, cụ trở về nước, ngụ ở Saigon, diễn thuyết hai lần về "Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa" (8), rồi lâm bệnh mất ngày 24-03-1926, thọ 54 tuổi. Các trường học bãi khóa, nhân dân biểu tình để tang.
 
  Hòa nhi bất đồng   
    Tóm lại, vào đầu thế kỷ thứ XX, ở nước ta phát khởi hai phong trào quốc gia đầu tiên:
-  Hội Duy Tân của nhóm Phan Bội Châu và Phong trào Duy Tân của nhóm Phan Châu Trinh, là hai tổ chức riêng rẽ.

- Một bên, Hội Duy Tân là một hội kín, chủ trương quân chủ: tôn quân diệt giặc, cầu ngoại viện, bạo động, đưa thanh niên xuất dương du học để về chiến đấu cho độc lập của đất nước. Một bên, Phong trào Duy Tân là một phong trào công khai hợp lệ, chủ trương dân chủ, tôn dân diệt vua, dựa vào Pháp mà cầu tiến (để đi dần đến độc lập), chủ trương hòa bình, duy tân xã hội một cách công khai hợp lệ, để hậu dân sinh, chấn dân khí, khai dân trí, dân sinh giàu mạnh, dân trí tiến bộ, tiến đến mức Pháp phải cho nước ta độc lập.
   
Tuy riêng rẽ, bất đồng trong chiến lược, chiến thuật, nhưng hòa nhau vì cùng chung một lý tưởng tranh đấu để "duy tân xã hội, độc lập đất nuớc", vì thế hai Cụ, cũng như đảng viên của hai bên không hề kình địch nhau, giết hại nhau. Trái lại, thường hoạt động song song, hay tiếp sức  với nhau, như Nguyễn Thành (quân sư Duy Tân hội của Phan Bội Châu) bỏ vốn ra cho đảng viên Phong trào Duy Tân (của Phan Châu Trinh) để thực hiện chương trình "hậu dân sinh" của họ, cũng như Phan Châu Trinh đã đề cao Duy Tân hội của Phan Bội Châu trong bức thư ngõ gửi cho toàn quyền Beau... chẳng hạn.  
  
    Sinh tiền hai cụ Phan đối xử thật hòa nhã, kính nể nhau. Khi cụ Phan Châu Trinh qua đời, cụ Phan Bội Châu đã có một bài theo lối hát nói, tình tự chân thành, tha thiết, như trong mấy câu sau đây:
        Cờ xã hội những toan lên thẳng bước,
        Gánh giang sơn chẳng chút chịu nhường ai.
        Đau đớn thay trời chẳng chìu người,
        Người bước tới mà trời giằng kéo lại.
        Công nghiệp sống chưa ra vòng thất bại,
        Tuổi chết nay đã trải chẳn mười năm.
        Nhớ bạn xưa không nở khóc thầm,
        Một giòng chữ gửi thốn tâm cùng thiên cổ.
        Kẻ tiền đạo ấy ai người hậu lộ ?
 
     CHÚ  THÍCH
(1)- Phan Bội Châu, Tự Phán, viết vàơ khoảng 1925-1928, tr. 30.
(2)- Phan Bội Châu, Tự Phán,. s.đ.d., tr.72.
(3)- Thái Bạch, Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp, 1960, tr.276-277.
(4)- Trích từ bài Pháp Việt liên hiệp hậu chí Tân Việt Nam, của Phan Châu Trinh viết lúc tự do ở Pháp 1912/1925, dịch đăng trong "Phan Châu Trinh" của Nguyễn Q. Thắng, Saigon 1987, tr. 235- 236.
(5)- Phan Bội Châu, Tôn Q. Phiệt, tr.67.
(6)- Phan Bội Châu, Tự Phán, s.đ.d., tr. 214-217.
(7)- Thái Bạch, Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp, sđd., tr. 332-355.
(8)- Thái Bạch, sđd., toàn bài diễn văn,  tr. 456-482

Trich tạp chí Tân Văn số 6

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top