Mỗi Tuần Một Khuôn Mặt Văn Học : nhà văn Võ Phiến, Kể Chuyện Đêm Khuya

Mỗi Tuần Một Khuôn Mặt Văn Học

• Võ Phiến




Tiểu sử
Võ Phiến tên thật là Đoàn Thế Nhơn, bút hiệu khác: Tràng Thiên. Ông sinh ngày 20/10/1925 tại làng Trà Bình, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Cha là Đoàn Thế Cần làm giáo học, mẹ là Ngô Thị Cương. Võ Phiến có người em ruột là Đoàn Thế Hối, sinh năm 1932, sau này ra Bắc tập kết, cũng là nhà văn bút hiệu Lê Vĩnh Hoà. Khoảng 1933, cha mẹ xuống Rạch Giá lập nghiệp đem Đoàn Thế Hối theo; Võ Phiến ở lại Bình Định, sống với bà nội, học trường làng, trung học ở Quy Nhơn. 1942 ra Huế học trường Thuận Hóa và bắt đầu viết văn. Bài tùy bút đầu tiên tựa đề Những đêm đông viết năm 1943 đăng trên báo Trung Bắc Chủ Nhật, ký tên Đắc Lang.

1945, Võ Phiến gia nhập bộ đội trong một thời gian ngắn, sang 1946 ra Hà Nội học trường Văn Lang; đến tháng 12/ 1946, trở về Bình Định tham gia kháng chiến, sang năm 1947 về làm thuế quan tại Gò Bồi. Năm 1948, ông kết hôn với cô Võ Thị Viễn Phố (Võ Phiến là Viễn Phố nói lái) và ông dạy học ở trường trung học bình dân Liên Khu V. Cuối năm 1954, ông ra Huế làm việc tại Nha Thông Tin ít lâu rồi xin chuyển vào Quy Nhơn, tại đây ông tự xuất bản hai tác phẩm đầu Chữ tình (1956) và Người tù (1957), gửi bài đăng trên hai tạp chí Sáng Tạo và Bách Khoa. Từ tác phẩm thứ ba Mưa đêm cuối năm (in năm 1958, tại Sàigòn), Võ Phiến bắt đầu nổi tiếng, ông xin đổi vào làm việc tại Sài Gòn, cộng tác thường xuyên với các báo Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Văn, Khởi Hành, Mai, Tân Văn ... và trở thành một trong những cây bút chính của tờ Bách Khoa, cùng với Nguyễn Hiến Lê, Vũ Hạnh v.v... 1962, Võ Phiến lập nhà xuất bản Thời Mới.

Rời nước một tuần trước ngày 30/4/1975, một thời gian sau ông định cư tại Los Angeles, làm công chức thuế vụ.

Võ Phiến là một trong những người đầu tiên có công xây dựng nền văn học Việt Nam Hải Ngoại, chủ trương tập san Văn Học Nghệ Thuật từ 1978 đến 1979, rồi từ 1985 đến 1986. Tờ Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến là nguyệt san văn học có uy tín đầu tiên tại hải ngoại, là tiền thân của tờ Văn Học mà sau này Nguyễn Mộng Giác tiếp nối. Văn Học Nghệ Thuật đã mở dầu cho một trào lưu văn học đích thực mà sau này trở thành Văn Học Việt Nam Hải Ngoại, hội tụ những cây bút cũ và mới, tạo ra một lớp người viết và người đọc tham dự vào văn chương tiếng Việt.

Từ tháng 7/1994, Võ Phiến nghỉ hưu nhưng vẫn viết, hiện ông sống tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ.

Ông là tác giả của trên dưới 30 tác phẩm gồm đủ mọi thể loại: thơ, truyện ngắn, truyện dài, tùy bút, tiểu luận, tạp luận, biên khảo, phê bình, dịch thuật.

Tác phẩm đã in:

Tiểu thuyếtGiã từ (Bách Khoa, Sài-gòn, 1962), Một mình (Thời Mới, 1965), Đàn ông (Thời Mới, 1966), Nguyên vẹn (Người Việt, California, 1978).

Truyện ngắnChữ tình (Bình Minh, Quy Nhơn, 1956), Người tù (Bình Minh, 1957), Mưa đêm cuối năm (Tự Do, Sài-gòn, 1958), Đêm xuân trăng sáng (Nguyễn Đình Vượng, 1961), Thương hoài ngàn năm (Bút Nghiên, 1962), Về một xóm quê (Thời Mới, 1965), Truyện thật ngắn (Văn Nghệ, California, 1991).

Tùy bút: Thư nhà (Thời Mới, 1962), Ảo ảnh (Thời Mới, 1967), Phù thế (Thời Mới, 1969), Đất nước quê hương (Lửa Thiêng, 1973), Thư gửi bạn (Người Việt, California, 1976), Ly hương (in chung với Lê Tất Điều, Người Việt, California, 1977), Lại thư gửi bạn (Người Việt, 1979), Quê (Văn Nghệ, 1992).

Tiểu luậnTiểu thuyết hiện đại (bút hiệu Tràng Thiên, Thời Mới, 1963), Văn học Nga Xô hiện đại (Thời Mới, 1965). Tạp bút, ba tập (Thời Mới, 1965-66), Tạp luận (Trí Đăng, 1973), Chúng ta qua cách viết (Giao Điểm, 1973), Viết (Văn Nghệ, 1993), Đối thoại (Văn Nghệ, 1993).

Biên khảoVăn học miền Nam tổng quan (Văn Nghệ, 1986), Văn học miền Nam, 6 tập, gồm 3 tập về truyện, 1 tập ký, 1 tập kịch - tùy bút và 1 tập thơ (Văn Nghệ, 1999).

Dịch thuậtHăm bốn giờ trong đời một người đàn bà (Stéfan Zweig) (Thời Mới, 1963), Các trào lưu lớn của tư tưởng hiện đại (André Maurois) (Thời Mới, 1964), Truyện hay các nước, 2 tập, cùng dịch với Nguyễn Minh Hoàng (Thời Mới, 1965), Ông chồng muôn thuở (Dostoïevski) (1973).

Toàn bộ tác phẩm Võ Phiến được in lại trong Võ Phiến toàn tập, 9 cuốn (Văn Nghệ, 1993).

Võ Phiến không phân biệt rõ ràng giữa tiểu thuyết và truyện ngắn, giữa truyện ngắn và tùy bút. Truyện ngắn của ông thường là truyện dài viết ngắn. Có những truyện ngắn lại được ông xếp vào loại tùy bút. Cho nên việc phân chia thể loại trong tác phẩm của Võ Phiến chỉ có tính cách tương đối.

Tuy viết nhiều thể loại, nhưng sở trường của Võ Phiến là truyện ngắn, truyện dài và tạp văn (tiếng chúng tôi tạm gọi chung cho tùy bút, tạp bút và tạp luận của Võ Phiến). Thơ ông không quan trọng so với văn và ông cũng không chuyên về biên khảo phê bình.


*

Truyện Võ Phiến

Kể Chuyện Đêm Khuya



Vào khoảng tám giờ hôm đó, lúc người bạn đưa tôi đến căn phòng ấy thì chẳng có một ai ở nhà. Nhưng trong nhà có đến sáu bảy chiếc va-li lớn, nhỏ, màu sắc khác nhau. Trên cái bàn học gần cửa sổ trước là hai chồng sách vở, với một ít bút, mực, sổ con, vứt lộn xộn. Nhìn chung quanh những giày guốc la liệt, những quần áo vắt trên giá mùng, trên lưng ghế, cách bày biện giường phải v.v..thì thực là bừa bãi, thiếu trật tự. Nhưng trông riêng cách xếp đặt trên một vài chỗ nằm thì cũng thấy có dấu vết những bàn tay cẩn thận, chu đáo, ngăn nắp. Cái cẩn thận ở đây chỉ đủ lo cho tươm tất, sạch sẽ tại chỗ phần riêng của mình mà thôi, chứ không quan tâm đến toàn thể.
Chúng tôi thay đồ đạc, tắm rửa, nói cười tự do như ở nhà mình. Bạn tôi cắt nghĩa rằng ở đây không có đàn bà. Nhà này do sở hoả xa thuê cho viên chức độc thân ở. Người ấy rủ thêm hai bạn đồng nghiệp và hai người em họ - học sinh trung học - đến ở chung. Các viên chúuc hoả xa làm việc trên xe, đi đi về về bất thường, ăn cơm tháng ở tiệm. Căn nhà thuộc về năm người đàn ông, chẳng ai buồn để ý đến trách nhiệm cai quản, người nào cũng có quyền thỉnh thoảng rủ về đôi ba anh em bạn, tự do đùa giỡn, ngủ lại trên giường những kẻ vắng mặt đôi ba ngày liền. Trong nhà ấy bạn của người nào người ấy tiếp, những kẻ khác thản nhiên, không lưu ý.
Rủ nhau đi ăn uống xong, trở về nhà thì mới vừa mười giờ sáng. Tuy thế chúng tôi cứ lên giường buông mùng, ngủ, để bù lại đêm trưóoc phải thức trên tàu. Lúc tôi giật mình thức dậy thì trong nhà nghe náo nhiệt ồn ào. Không biết là một hay hai giờ trưa. Cũng không biết lúc đó từ phòng trước đến phòng sau tất cả có bao nhiêu người, mấy chủ mấy khác, chỉ nghe tiếng guốc kéo lê, tiếng nói cười tự do hể hả. Không ai quan tâm đến sự hiện diện của tôi. Vẫn nằm im lặng, tôi mở mắt. Giữa phòng một người vạm vỡ, mặc quần áo cụt, áo mai-ô, quay lưng lại phía tôi, đang lúi húi lau chiếc mô-bi-lét. Trước cái bàn bên cạnh, một thanh niên có lẽ chưa đến ba mươi tuổi, ngồi quay mặt về phía tôi, gác cả hai chân lên bàn, cắt móng tay. Chợt anh ta ngước mắt lên ngó về chỗ giường tôi nằm. Tôi vừa kịp nhắm mắt lại. Anh ta lại ngó xuống các ngón tay. Tôi hé mở hai mắt, nhìn qua lông nheo, tò mò quan sát. Người thanh niên ấy có một khuôn mặt đẹp, kiểu con gái, da trắng, môi đỏ, mái tóc rất đen, nhưng không được chải. Sự chăm chú của anh ta khiến tôi bắt chước trông theo xuống hai bàn tay: các ngón tay đều dài, rất dài, dài đến hơi khác thường, và trông mềm nhuốc. Lưng bàn tay có nhiều da dùn, nhăn nhúm.
Sau giấc ngủ trưa ngon lành, trong người khoẻ khoắn, tôi muốn nằm yên kéo dài cái cảm giác khoan khoái, nên vô tình ngắm nghía người thanh niên ấy khá lâu. Dần dần tôi để ý đến một điểm đặc biệt là từ trên mặt cho đến hai bàn tay của anh ta luôn luôn có những rung động, cựa quậy, những run run khe khẽ; nhắc nhỏm, giậm giật. Những ngón tay dài và run rẩy ấy khiến tôi nghĩ đến những cử chỉ lúng túng, ngượng nghịu. Khi cắt xong móng tay, anh đưa bàn tay trái lên ấp lấy cổ. Các bắp thịt dưới hai mi mắt của anh ta thay nhau rung rung như những làn sóng nhỏ dồn tới vã vào hai bờ mi mắt. Anh ta có tật thỉnh thoảng khịt mũi một cái.
Tôi đang theo dõi những ngộ nghĩnh ấy thì anh ta laị ngó về phía tôi nằm. Tôi vội vàng nhắm mắt. Rồi anh ta quay đi, tôi lại hé mắt nhìn. Cứ thế ba bốn lần liên tiếp. Chợt tôi nghĩ rằng có lẽ tôi đang nằm trên giường của anh ta, khiến anh ta mất một giấc ngủ trưa. Cử chỉ mỗi lúc mỗi quay ngó chừng đó có một ý nghĩa chờ đơi. Đúng rồi, cái cách buông xuôi thân hình mềm oặt trên ghế ấy, cái lối ngồi gác cả chân lên bàn ấy chính là một cách nằm bất đắc dĩ. Rõ ràng là một biểu lộ mệt mỏi. Có lẽ anh ta vừa trải qua một đêm và nửa ngày trên tàu! Tôi ân hận, áy náy. Anh ta chợt quay nhìn. Bất giác tôi lại nhắm mắt. Nhưng muộn quá, tôi có cảm giác anh ta đã bắt gặp ánh mắt tôi. Sau một phút ngập ngừng, tôi mỉm cười, mở mắt nhìn thẳng vào anh ta, khoác mùng ngồi dậy. Anh ta cũng cưòoi, rút hai chân bỏ xuống đất. Chúng tôi bắt tay nhau. Tôi có cảm tường đang siết một bàn tay nhỏ bằng nửa bàn tay vừa trông thấy. Tay anh ta mềm nhẽo, ấm ham hẩm, và ướt dâm dấp. Có lẽ anh ta cũng có ý thức về sự khác thường của bàn tay mình nên rút tay ra rất nhanh.
Chúng tôi trao đổi với nhau năm ba câu, rồi tôi bước ra phòng ngoài để cho anh ta nằm nghỉ.
Đó là lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với nhau. Tôi không ngờ sau đó mười hai giờ tôi được nghe câu chuyên tâm sự mà anh ta bảo là " quan trọng nhất đời " của mình.
Một điều đáng nói nữa là suốt buổi chiều hôm đó chúng tôi không gặp nhau. Gần bảy giờ tối tôi đang thơ thẩn ở một góc phố tình cờ trông thấy anh ta. Tôi sực nhớ sự quấy rầy của mình khi trưa, muốn chuộc lại bằng một thái độ vồn vã thân mật. Tôi tiến lên chào trước, và chúng tôi cùng đi dạo với nhau. Qua những lời chuyện trò, anh ta tỏ ra một người rất khiêm tốn, dễ thương. Tôi rủ anh vào một tiệm giải khát. Lúc ra khỏi tiệm cả hai chúng tôi viện lý do có việc riêng để chia tay. Nét mặt anh ta lúc đó tôi nhớ rõ không hẳn là vui tươi, nhưng biểu lộ một vẻ thảnh thơi thích thú. Anh ta vừa đi vừa huýt sáo nho nhỏ.
Chín giờ đêm tôi về nhà trọ. Một người học sinh ở trần, mặc quần cụt ngồi học bài trước bàn. Gữa nhà, anh nhân viên hoả xa chủ nhà đang đọc một tờ báo hàng ngày vừa phát hành buổi tối. Đang phân vân không biết đêm nay Thiện – người bạn đã nhường giường cho tôi hổi trưa – có về khôgn, tôi đang lo về chỗ nằm của mình. Tôi lên tiếng hỏi:
- Hình như anh Thiện lại đi làm việc đâu?
Người chủ nhà ngước lên nói:
- Không. Đêm nay anh ấy nghỉ, sáu giờ sáng mai mới phải theo chuyến tàu Sài gòn – Tuy hoà. Tôi vừa trông thấy anh ấy về nhà thay đồ rồi kia mà? Có lẽ đang ở ngoài phòng tắm.
Anh ta ngó quanh quất có vẻ tìm kiếm, rồi cuối xuống định tiếp tục đọc báo. Bỗng anh ta vụt ngẩng lên, nói thêm:
- À. Anh cứ lên giưởng tôi mà nghỉ. Nhà còn mấy cái ghế bố nữa. Còn nhiều chỗ ngủ chán. Tha hồ mà!
Tôi chợt nhớ lại lúc đi vào nhà có trông thấy một người ngồi trong bóng tối, ngoài hiên lầu, ngã sấp mình sát lên thành bao lơn, như chăm chú nhìn xuống đường. Có lẽ đó là Thiện.
Tôi bước ra, đến gần một bên, nhận ra quả là Thiện. Nhưng anh ta vẫn không hay biết. Tôi đặt một tay lên vai, hỏi:
- Suy nghĩ gì ghê thế?
Anh ta giật mình, quay laị. Tôi không thể trông rõ nét mặt anh ta như thế nào nhưng giọng nói hoàn toàn khác với ban chiều. Giọng nói ấp úng của một người mất hết bình tĩnh. Tôi đứng bên cạnh anh ta một lúc lâu trong bóng tối, mà cả hai không nói gì với nhau. Anh ta vẫn nhìn xuống đường như rất chăm chú. Trông từ trên cao xuống, đường Trần Hưng Đạo với những chiếc xe bẹp lướt đi sát đất, những nhóm người cử động vãy la mà không có tiếng, những hoạt động lao xao mà gần như lặng lẽ, càng nhìn lâu càng có một cảm giác buồn buồn. Thiện bảo tôi đi nghỉ trưóoc. Tôi vào chưa đến cửa phòng thì gặp anh chủ nhà bước ra, vẻ hấp tấp, y phục chỉnh tề. Thiện cũng nhìn theo, cho đến khi tiếng giày anh ta mất dưới thang lầu.
Hơn mười một giờ đêm người chủ nhà vẫn chưa về, tôi ra đóng cửa để ngủ thì không còn thấy Thiện ngồi trước hiên lầu nữa. Nhưng khi tôi với tay kéo cánh cửa sổ cuối cùng thì anh ta bước đến, ánh đèn trong nhà chiếu lên nét mặt bơ phờ và lên mái tóc đen ướt xịu: anh ta vừa đi dạo ngoài trời về. Tôi mở cửa hỏi:
- Anh vào nghỉ chứ? Đi đâu về khuya thế?
Anh ta đang sắp sửa ngồi laị chỗ cũ, nhưng vội vàng nói:
- Vâng, vâng.
Và anh ta bước vào. Vừa ngả lưng lên giường, tôi vừa hỏi:
- Đêm nay chắc anh có chuyện buồn?
Anh ta nhìn tôi, cố gắng nhích miệng cười mà không trả lời.
Vào khoảng hơn một giờ sáng, nghe tiếng cửa đập thực mạnh, tôi giật mình thức giấc. Đèn trong phòng vẫn sáng. Ở giường bên cạnh không có Thiện. Một lúc sau anh ta bước vào. Tôi nằm vẩn vơ suy nghĩ, e ngại về thái độ bứt rứt đau khổ của anh ta, không biết nên can thiệp bằng cách nào. Nếu anh ta bị sốt hay bị một vết thương ngoài da thì thực dễ dàng, nhưng đối với những chuyện tâm sự của anh ta thì một thái độ suồng sã của tôi có thể thành lố bịch: Chúng tôi mới biết nhau có một ngày. Tôi xoay người laị, nằm nghiêng, lặng lẽ nhìn anh ta ngửa mặt hút thuốc. Một lát sau anh ta nhỏm dây búng cái tàn thuốc và gặp tôi đang nhìn. Anh ta mỉm cười vụng về như bảo tôi đừng quan tâm rồi quay mặt vào phía trong vách; nhưng không hiểu nghĩ thế nào vài phút sau bỗng quay ra, nói với tôi bằng cái giọng như tiếp tục một câu chuyện thân mật đã kéo dài từ lâu:
- Con người ta thường âm thầm thêu dệt sự việc để gây ra những đau khô rắc rối quá sức. Tự mình gây cho mình. Cái phần ảnh hưởng của hoàn cảnh chung quanh đối với sự sướng khổ của một đời người thực ít. Cuộc đời thản nhiên biết đâu đến những dày vò vô cớ mà mỗi người tự gây ra để chịu đựng…phải không anh?
Đến lựơt tôi mỉm cười gắng gượng, không hiểu ý định của anh ta. Im một lúc. Anh ta có vẻ bối rối vì chợt nhận thấy câu nói của mình trịnh trọng mà ý nghĩa tầm thường quá. Anh ta muốn làm cái gì để thanh minh, muốn cố gắng chứng tỏ rằng sự thực mà anh ta đang sống không phải tầm thường như thế. Anh ta khịt khịt liên tiếp mấy cái, quật một tay ra sau, với lấy một tờ báo hằng ngày đưa cho tôi, rồi chỉ vào một cột tin vặt ở trang tư. Tôi đọc:
TỰ TỬ HAY ÁM SÁT?
Đô Thành - Hồi 9 giờ 30 ngày 6-2 tại nhà cô Châu thị C…ở đường Cao Đạt, gần nhà đèn Chợ Quán, có xẩy ra một vụ án mạng mà nguyên do còn ở trong vòng bí mật: Người xấu số nói trên là một thiếu phụ 25 tuổi, làm nghề cô đỡ, có chông hiện làm việc tại một hãnh xuất nhập cảng. Theo lời khai của người đầy tớ gái thì sáng hôm đó giữa cô C…và chồng có chuyện bất bình, xích mích nhau, đến khi người đầy tớ đi chợ về thì thấy cô C….nằm chết trong phòng bên vũng máu, cổ có nhiều vết cắt rất sâu. Người chồng lúc ấy không có ở nhà. Nhà chức trách đang tiến hành cuộc điều tra.
Tôi ngẩng lên nhìn Thiện ra ý hỏi thêm, thì gặp anh ta đang ngó chăm vào mặt tôi, môi run run, và khịt mũi hai ba cái liền. Tôi lên tiếng:
- Nhũung dòng vắn tắt này là " cái thản nhiên của cuộc đời ”. Để so sánh với một đêm không ngủ của anh!
- Đây chắc chắn là xúc động sau cùng, nhưng không phải là xúc động quan trọng nhất mà cô ta đem đến cho tôi đâu. Thế nhưng suốt đời tôi có thể kể như tôi chưa nói một câu nào với cô ta. Và chỉ có một lần tôi ở bên cạnh cô ta được mười lăm phút thì lại là một trường hợp hoàn toàn tình cờ như mua phải hai cái vé liền số trong rạp hát. Chỉ có vậy mà bao nhiêu rắc rối điên đảo trong một đời.
Anh ta ngồi dậy, ngó về phía giường của hai anh học sinh đang ngủ, rồi rủ tôi bước ra ngoài hiên. Thành phố đã ngừng hoạt động. Trên mặt đường rộng thênh thang một ít xe tắc-xi thấp tẹt lủi đi loang loáng.
Chúng tôi ngồi đối diện nhau nhưng không thấy rõ mặt nhau, vì ngồi trong bóng tối mờ mờ. Anh ta bắt đầu kể:
" Một mùa hè cách đây chín năm, sau khi đậu trung học xong, tôi được một vị giáo sư đem theo gia đình ông ta đi nghỉ mát ở Nha Trng. Mỗi ngày tôi phải hướng dẫn cho hai đứa con trai và một con gái nhỏ của ông ôn lại bài vở trong vài giờ. Công việc thực ra không có gì là khó nhọc cả. Từ sáng sớm cho đến chín giờ chúng tôi chơi ngoài bãi cát. Xế chiều, chúng tôi lại ra biển. Nhưng tôi cảm thấy tù túng là vì mỗi khi bước về nhà tôi phải dè dặt từng cử chỉ, giữ gìn từng chút trong lúc đứng ngồi, cẩn thận từng lời nói; không khí sinh hoạt ấy thực là khó chịu đối với một người con trai mới lớn, quen sống tự do ở thôn quê như tôi. Cùng một lúc tôi phải chịu tất cả những bực bội do sự rụt rè của một học sinh sống gần bên ông thầy, và của một người ở làng quê đôt nhiên phải thích ứng với những lề lối khuôn phép của một gia đình trí thức sang trọng ở thành thị. Vị giáo sư của tôi là một học giả đi nghỉ mát với tám thùng sách to tướng và những tháng hè năm ấy hình như ông đang nghiên cứu về văn hoá đời Trần. Người vợ - chắc anh đã nghe nói đến bà N.D. Đ.- bà ta cũng có trình độ học thức cao hơn của tôi nhiều. Trong nhà lại còn có một người bạn thông thái là ông T.V.G. do trường Viễn Đông Bác cổ phái vào để khảo về nghệ thuật Chàm. Đó là một người khoảng bốn mươi tuổi, vừa ở Pháp về được ba năm, vóc người to lớn, đeo kính trắng. Ông ta rất thích thú với công việc, thường mang một chiếc máy ảnh đi hàng tuần vào các làng người Chàm. Khi ông trở về tôi nhớ lần nào trông ông ta cũng hể hả khoan khoái, ông ta thường hát đi hát lại một bài hát lạ lùng trong đó có câu: " những con chim se sẻ yêu mến những nhà địa lý học " lặp quanh quẩn nhiều lần. Mỗi lần ngồi vào bàn làm việc ông ta quen khoác chiếc áo bờ-lu có thêu một con phượng to tướng nhiều màu sặc sỡ giữa ngực.
" Có lẽ tôi hơi dài dòng về các nhân vật trong gia đình. Nhưng như thế để anh thấy rằng tôi bị lạc lõng và cô độc hoàn toàn. Có khi suốt cả hai tuần nhà khảo cứu ấy không có chuyện gì để có dịp nói với tôi vài câu. Bà N.D. Đ có những giao thiệp khách khứa riêng của bà, và thỉnh thoảng giữa tôi và bà có điều gì bàn bạc thì chẳng qua cũng xung quanh việc học hành của mấy đứa con. Còn giữa ba đứa bé và tôi thì chắc anh đã biết là không thể nào có một sự thông hiểu nhau, hoàn toàn thân thiết nhau được. Sự cách biệt về tuổi tác chẳng bao nhiêu nhưng cũng đưa đến những cách biệt tâm lý sâu sắc. Chúng đang ở tuổi thích vật lộn, vốc cát, bắt còng, thích mang mặt nạ, đeo gươm giả, đọc truyện trinh thám, thích đùa giỡn nghịch ngợm..Tôi thì năm ấy vừa mừơi tám tuổi, tôi có những xôn xao kín đáo, những mơ mộng rạo rực của tuổi tôi.
“ Cái tình trạng cô độc tâm tình ấy và tâm lý tự ti mặc cảm của một học sinh quê mùa sống giữa gia đình thông thái và sang trọng của thầy khiến tôi luôn luôn có vẻ đăm chiêu, khắc khổ, vụng về, dáng điệu khép nép khổ sở. Nếu tôi có bạn bè trong thành phố thì có lẽ tôi đã tìm được chỗ thoát. Nhưng tôi lại mới đến Nha Trang lần đầu, ra khỏi gia đình, vị giáo sư là hoàn toàn xa lạ, không có một người thân thuộc quen biết nào. Những giờ nhàn rỗi tôi chỉ thơ thẩn trong phòng một mình, trong lúc mấy đứa trẻ đùa nghịch ngoài vườn. Tôi đọc sách chán rồi lại bên cửa sổ nhìn vơ vẩn.
" Không biết tự hôm nào, tôi bắt đầu để ý đến ngôi nhà bên cạnh ấy. Có lẽ khôgn đầy một tuần lễ sau khi đến Nha trang. Cố nhiên là một phần do nó ở ngay trước cửa sổ phòng học, nghĩa là trước mắt tôi. Nhưng không phải chỉ có thế mà khiến tôi có cảm tình với nó, tò mò ngắm nghía nó như rình rập, một hy vọng. Phải còn có những dấu hiệu nào khác, những dấu hiệu nhỏ nhặt, có thể là vui vơ nên ngày nay tôi không thể nào nhớ laị nổi; nhưng một linh cảm khiến lúc ấy tôi tin tưởng và hướng vế ngôi nhà đó chờ đợi. Cuối cùng, một tối thứ bảy tôi trông thấy cô ta.
" - Cô C…! "
Thiện ngừng lại, nhìn tôi, như chưa hiểu, rồi anh ta sực nhớ, trả lời:
" - Vâng. Cô C…ấy. "
Anh ta đưa bàn tay trái ấp lấy cổ, ngồi yên lặng một lúc lâu, thản nhiên ngó lên hàng chữ bằng ống nê-ông đỏ xanh quảng cáo một hiệu la-ve, tắt sáng giữa nên trời khuya. Khi Thiên tiếp tục thì giọng nói thêm chậm rãi, bình tĩnh:
" - Bây giờ chắc là tôi không thể hình dung lại và không thể kể lại đúng những cảm xúc yêu đương của cái thời ấy. Không phải là chúng ta đã đến tuổi già nua nguội lạnh. Nhưng phải nhận rằng ở tuổi chúng ta, về những loại cảm xúc ấy chúng ta không còn được cái mẫn nhuệ tinh vi như thòi mười tám đôi mươi được. Tôi vừa dùng đến chữ “ linh cảm ”, kể thì quá đáng. Sự thực có lẽ tôi đã bắt gặp đâu đó trong vườn nhà bên cạnh dấu vết của sự hiện diện một người con gái: hoặc chiếc áo, hoặc tiếng gọi vô tình của lũ trẻ con, hoặc cách bài trí của một căn phòng trông thấp thoáng qua cửa sổ v.v.. Nghĩa là không có một bằng cớ cụ thể chắc chắn nào, nhưng các cảm quan thao thức cảnh giác của người con trai mới lớn được báo hiệu một cách mơ hồ.
“Tiết tháng ba khô ráo, những đêm khuya vác cuốc đi tháo nước ngoài đồng tôi thường bắt gặp những con cá to trườn mình trên ruộng khô. Để ý thì thấy bao giờ chúng cũng hướng đúng về phía có rãnh nước chảy. Cái gì đã báo cho chúng biết cách xa trong đêm tối khiến chúng vội trườn mình tới? Có lẽ chúng đã đón nghe trong gió một hơi mát khác thưòong phất qua trên lớp vảy tinh vi của chúng. Tôi đã lấy một trường hợp so sánh hơi kỳ quặc. Nhưng câu chuyện có thể khiến hình dung được tình trạng giữa cái sinh hoạt gia đình vị giáo sư không khác gì con cá giữa dòng ruộng khô khấc – và cảm giác mơ hồ về một hướng cảm thông.
" Bởi vậy tôi khỏi phải nói rằng tôi yêu cô ta. Vì sự thực tôi đã được chuẩn bị để yêu ngay từ khi chưa trông thấy cô. Buổi tối thứ bảy hôm đó, sau bữa cơm tối, ba đứa trẻ cùng đi dạo phố với bà N.D. Đ.; một mình tôi còn lại trong phòng học. Tình trạng lẻ loi khiến tôi có thói quen thích chọn chỗ vắng vẻ và thích ở trong bóng tối, có lẽ trong bóng tối ít ra tôi cũng có những cử chỉ tương đối tự do, bớt giữ gìn khép nép. Vì thế tôi tắt đèn phòng học và bước đến dựa mình bên cửa sổ, nhìn sang nhà láng giềng. Thường thường những lúc như thế hoặc tôi miên man theo đuổi những câu chuyện tình tưởng tượng, hoặc tôi nhớ về cảnh gia đình ở thôn quê, hoặc tôi lẩm nhẩm các câu hát. Bỗng nhiên bên phòng nhà đối diện tôi trông thấy một người con gái, mặc cái áo cụt tay mầu hồng, một người con gái rất trẻ, chừng mười sáu tuổi, chắc chắn là một nữ sinh. Cô ta không trắng trẻo nõn nà. Nhưng cái thân hình đang độ phát triển có một vẻ quyến rũ bất chấp mọi tiểu tiết. Mắt cô ta hơi sâu.
“ Dưới bóng đèn những tia mắt của cô ta quắc lên long lanh sắc sảo lạ kỳ. Tôi không cần nói dài hơn về sắc đẹp và vẻ người cô ta, vì trong dịp này yếu tố đó có lẽ rất ít quan trọng.
“ Cứ xem cách ăn mặc và cử chỉ tự do của cô ta trong phòng, tôi biết ngay cô không phải là khách. Nhưng tại sao mãi đến hôm nay tôi mới trông thấy cô? Về sau tôi được biết rằng cô ta học ở Đà Lạt. Chắc là trường ấy nghỉ hè muộn. Hay là cô ta vừa đi chơi xa? Tôi không biết rõ, nhưng có điều là sự xuất hiện càng muộn màng của cô ta càng có một tác động mạnh mẽ đối với tâm lý khao khát trong cảnh cô đơn của tôi. Tôi ôm song cửa nhìn như ngây như dại sang nhà bên kia. Cảnh tượng ấy kéo dài có lẽ đến hàng giờ mà cô ta không ngờ đến.
"Hai nhà cách nhau một bức tường. Nếu ta đứng ngoài vườn thì bức tường cao quá đầu người, nhưng đứng trên nền nhà thì bức tường thấp dưới tầm mắt. Vườn của cô C...rộng hơn bên nhà trọ của tôi nhiều, cho nên từ chỗ tôi đứng đến bờ tường chỉ cách ba thước tây, mà từ đó đến phòng cô ta cách nhau đến năm bảy thước. Giữa khoảng cách ấy có mấy cây bàng và cây trứng cá. Thỉnh thoảng một hơi gió lay lao xao những tàng cây đen trong đêm tối.
"Đứng rình mò cử động một người con gái trong phòng riêng của cô ta như thế thực là một điều bất nhã xấu hổ. Vì thế tôi xốn xang lo ngại. Mỗi tiếng động nhỏ, tiếng ho, tiếng guốc, tiếng bước chân..đều làm tôi giật mình: Nếu lỡ ông N.D.Đ, hay một người đầy tớ trong nhà chẳng hạn tình cờ bắt gặp tôi lúc này thì thực là vô cùng bối rối. Nhưng lại chính những lo ngại ấy càng làm cho những giờ phút ngắm trộm như thế tăng thêm sức quyến rũ say mê.
"Vào khoảng hơn chín giờ, C...tắt đèn bên phòng cô ta. Vài phút sau tôi thấy cái bóng trăng trắng của cô hiện ra ở cửa phòng. Tôi giật mình sợ hãi né sang một bên, núp vào bóng tối."
Thiện lại ngừng nói, rồi chậm rãi đứng dậy bước vào trong nhà lấy ra gói thuốc và bao diêm. Tôi xem đồng hồ tay thấy đã hơn hai giờ sáng. Sương xuống ướt cả cái bao lơn xi-măng lạnh ngắt.
Thiện hút thuốc và lại ngước lên lặng lẽ nhìn cái quảng cáo la-ve chớp chớp giữa trời. Hình người đen thui trước mặt tôi trông hoàn toàn im lặng như bình thản. Nhưng nhìn kỹ vào chấm lửa ở đầu điếu thuốc thì thấy môi và ngón tay anh ta đều run run. Tôi không biết đó là những giậm giật thường xuyên thành cố tật của anh ta, hay là xúc động bất thường.
Anh ta tiếp tục:
"- Ngay ngày hôm sau C...đã trông thấy tôi. Và tôi đoán chắc cũng không sau đó bao lâu thì C...biết tôi thường nhìn trộm cô ta trong bóng tối.
"Tuy rằng ngày hai buổi tôi có nhiều thì giờ rảnh rang nhưng dù bồn chồn nóng nảy đến bực nào tôi cũng nhận thấy rẳng việc nhìn C...giữa ban ngày rất bất tiện. Trong phòng học ban ngày trẻ con ra vào bất thình lình, không biết đâu mà đề phòng. Mà vì bờ tường cao, muốn nhìn qua phòng C...tôi cần phải đứng lên chứ không thể vừa ngồi giả vờ viết lách hay đọc sách vừa lén nhìn được. Vả lại bên nhà C...cũng có nhiều trẻ con và gia nhân. Vì vậy tôi rất dễ bị bắt quả tang. Tôi chỉ có thể liếc nhanh qua mái ngói đen của nhà C...và những tàng cây bàng bên vườn ấy. Thế mà cũng đủ cho lòng tôi rộn ràng háo hức. Một đôi lần tôi bắt gặp bóng dáng C...trong phòng khi nằm, khi đứng cũng có khi đang ngó ra vườn. Tôi choáng váng sung sướng: có lẽ lúc đó mặt tôi bừng đỏ lên như vừa được gặp sát mặt C...giữa đường. Và tôi vội vã quay mặt tránh đi, vì cứ tưởng tượng tất cả lũ trẻ con và mọi người trong nhà ông N.D. Đ đều biết rõ tâm sự tôi, để ý quan sát tôi từng li từng tí. Bị tình cảm bưng bít nung nấu suốt ngày, tôi rình chờ từng giờ từng phút, trông cho đêm đến.
"Tối hôm thứ tư vào khoảng tám giờ, trong lúc tôi đứng ôm cửa nhìn sang phòng C..., C...đang ngồi nghiêng nghiêng đọc một xấp giấy gì như một lá thư dài; bỗng cô ta đứng dậy, đưa tay ra sau vén mái tóc, rồi tiến về phía cửa sổ. Tôi thấy rõ mắt C...chiếu thẳng về tôi. Biết rằng từ trong ánh sáng nhìn ra, C...không thể thấy được tôi trong bóng tối, nhưng tôi cũng luống cuống, và bối rối đến nỗi không kịp nấp tránh sang một bên. Lúc C...đi vượt quá cái đèn thì gương mặt cô ta hoàn toàn tối đen, tôi không trông thấy gì nữa. C...ngừng lại một tí rồi đưa tay ra kéo cả hai cánh cửa sổ, từ từ khép lại. Đèn trong phòng vẫn sáng.
Võ Phiến
 

Nguyễn thị Cỏ May: Âu châu kêu gọi 450 triệu dân hãy mua gạo dự trử
An ninh trước hết là cái bếp có hoạt động hay không nên Âu châu kêu gọi dân lo phòng thủ dân sự để đối phó với những khủng hoảng ngày càng đa dạng  và hung hản.  Mọi gia đình phải lo dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, ít lắm phải đủ cho 1 tuần. Ở ba nước Bắc Âu, Phần-lan, Na-uy và Thụy-điển, chánh phủ vừa cho phổ biến tới tay người dân bản hướng dẫn chi tiết 32 trang nhắc nhở phải mua sắm những thứ cần thiết cho đời sống hằng ngày, tối thiểu, đủ cầm cự cho 72 giờ.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top