Liễu Trương, NGUYỄN ĐÌNH TOÀN Và Nghệ Thuật Làm Mới Tiểu Thuyết

Liễu Trương

NGUYỄN ĐÌNH TOÀN
Và Nghệ Thuật Làm Mới Tiểu Thuyết


 

Đề tài rời xa Hà Nội, rời xa quê hương miền Bắc, ngày đất nước chia đôi do hiệp định Genève ký kết năm 1954, đã đi vào âm nhạc và văn chương miền Nam. Đặc biệt về văn chương đã có những truyện như Đêm Giã Từ Hà Nội (1955) của Mai Thảo, Bếp Lửa (1957) của Thanh Tâm Tuyền, Siu Cô Nương (1958) của Mặc Đỗ, Màu và Sắc (trích tập Thử Lửa, 1962) của Thảo Trường, v.v… Qua năm 1972 lại có tiểu thuyết Áo Mơ Phai của Nguyễn Đình Toàn. Đề tài được các tác giả khai thác theo ý hướng và nghệ thuật của mỗi người.

Nguyễn Đình Toàn, trước 1975, được giới yêu âm nhạc mến mộ qua chương trình "Nhạc Chủ Đề" trên Đài Phát thanh Sài Gòn, nhưng chính trong lĩnh vực văn chương tên tuổi của ông mới vững vàng, lâu dài. Kể từ thập niên 60 Nguyễn Đình Toàn đã có các truyện dài như : Chị Em Hải (1961), Con Đường (1965), Ngày Tháng (1968), Đêm Hè (1970), Đêm lãng quên (1970), Giờ ra chơi (1970), Không Một Ai (1971), Thành Phố (1971), Áo Mơ Phai (1972), Tro Than(1972), Những Kẻ đứng Bên Lề (1974), hai tập truyện ngắn : Phía Ngoài (1969, cùng viết với Huỳnh Phan Anh), Đám Cháy (1971), và tập thơ Mật Đắng.

Năm 1973, nhà văn Nguyễn Đình Toàn đoạt giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật của Việt Nam Cộng Hòa với truyện Áo Mơ Phai, sự chú ý của công chúng liền tập trung vào tác phẩm này.

Độc giả nào thích đọc những truyện có tình tiết gay cấn, gây thích thú, hồi hộp, buồn, vui, với những kết cấu đâu vào đó, thì sẽ ngỡ ngàng khi đọc Áo Mơ Phai, vì cốt truyện rất mong manh, lửng lơ. Truyện Áo Mơ Phai gồm 9 chương, được xây dựng quanh 4 nhân vật : ông bà Nam, Lan và Quang. Ông Nam là y sĩ đồng thời là giáo sư y khoa, bà Nam trông coi việc nhà, Lan con gái ông bà Nam là một nữ sinh, Quang là cháu của ông bà, đi làm trong một công sở.

Thời điểm là tháng 6 năm 1954, tức đang có cuộc đàm phán ở Genève, sau khi Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ, để định đoạt tương lai của nước Việt Nam.

Nếu không kể những mẩu đối thoại đây đó, thì từ chương đầu đến chương cuối là một chuỗi độc thoại nội tâm của các nhân vật. Qua nội tâm của các nhân vật, độc giả thấy thành phố Hà Nội trong những ngày chờ đợi một biến cố lịch sử trọng đại. Người dân Hà Nội đọc báo, nghe ngóng tin tức, lòng hoang mang lo lắng cho vận mệnh đất nước và cho đời sống của riêng mình. Lan vẫn đi học, tâm hồn của một cô gái mới lớn, tuy chưa hiểu biết nhiều về cuộc đời, về thế giới, nhưng cũng nặng ưu tư. Chúng ta sẽ lần lượt theo dõi nội tâm của mỗi nhân vật. Độc thoại nội tâm của Lan là phần chính trong truyện, ngoại trừ 3 chương, những chương còn lại đều có độc thoại nội tâm của Lan, đặc biệt Lan độc thoại gần hết chương 4. Mặt khác, truyện Áo Mơ Phai được sáng tạo với một hình thức mới lạ, tức ra khỏi đường mòn của lối kể truyện thông thường. Chúng ta sẽ tìm hiểu những yếu tố làm nên tính mới lạ này.

 
  1. Cấu trúc truyện Áo Mơ Phai

Trước khi bàn về cấu trúc truyện, thiết tưởng có hai khái niệm cần nêu rõ : chủ đề (thème) và tiểu đề (motif). Chủ đề là cột sống của tác phẩm văn học và bảo đảm sự liên kết chặt chẽ của tác phẩm. Tiểu đề là thuật ngữ tôi chọn để dịch thuật ngữ motif của Tây phương, thuật ngữ này chưa được Việt hóa, vẫn còn ở dạng môtíp trong các bài, các sách phê bình văn học. Tiểu đề là một đơn vị vể nghĩa của văn bản, là một phần của chủ đề. Trong một chủ đề có nhiều tiểu đề nhằm làm sáng tỏ chủ đề.

Chủ đề của Áo Mơ Phai là linh cảm sẽ mất Hà Nội. Và hai tiểu đề là thành phố Hà Nội trong nội tâm của các nhân vật, và những bước đi của thời gian gây lo âu.

1/ Thành phố Hà Nội trong nội tâm của các nhân vật

Vào đầu truyện, Hà Nội hiện ra trong nội tâm của Quang : hồ Gươm, tháp Rùa, Quang nhớ những lần đi bơi thuyền ở Hồ Tây với Lan, nhớ đường Cổ Ngư, tiếng chuông đền Quan Thánh, chùa Trấn Quốc, nhớ quán cho thuê sách cạnh chợ Đồng Xuân, vườn hoa Chí Linh, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, nhà Thủy Tạ. Trong nội tâm của Quang, sự liệt kê dồn dập các nơi chốn gợi lên sự vội vàng khắc ghi những hình ảnh của Hà Nội vào trí nhớ. Trong khi Lan và Quang đi chơi trở về bằng tàu điện, từ nội tâm của Quang, người đọc trượt sang nội tâm của Lan để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hồ Gươm : Lan không nói gì, nhưng trông vẻ mặt nàng, có vẻ như nàng không nghe thấy câu nói sau cùng của Quang. Vì Lan đang bị mê hoặc bởi cái vẻ mờ ảo của mặt hồ. (…) Hồ Gươm vào những ngày nắng ấm, vào mùa xuân hay mùa hè trông giống như trái tim của Hà Nội, lao xao những đợt sóng xanh biếc, nhịp máu rộn ràng đập theo cơn vui hay ít nhất không vướng chút phiền muộn của thành phố. Về mùa thu, hồ lại có vẻ giống như con mắt buồn bã, và mùa đông đôi khi mặt hồ in bóng của bầu trời sáng lạng một cách khác thường, hồ như nước mắt còn sót của bao thế hệ điêu linh và hùng tráng, lúc nào cũng long lanh, cũng còn không ngừng xúc động… (tr. 37-38)

Trong dòng liên tưởng của Lan, Hồ Tây khác Hồ Gươm, Hồ Tây bao la có gió lộng và xung quanh là rừng cây, Hồ Gươm trái lại xung quanh có nhà cửa, và hơi mát của hồ dâng lên vào mùa hè ; thời tiết khiến nội tâm của Lan nghĩ đến Hà Nội : Sống ở Hà Nội là sống trong những kỷ niệm đổi thay về thời tiết. (tr. 164)

Hà Nội đẹp và quyến rũ nhờ ở cái khí hậu đặc biệt của nó, trong mỗi mùa, người ta có thể thấy được cái giây phút đầu tiên của ngày giao mùa, mùa hè sẽ dịu đi dần dần, cho đến một ngày người ta cảm thấy những trận gió đã rõ là những trận gió chứ không còn là sự vận chuyển của những đám hơi nồng như ngày hôm trước, và như thế là mùa thu đã lẫn khuất đâu đó (…) người ta có thể tự nhủ mùa thu đã trở về, nhưng sáng hôm sau thức dậy nhìn ra ngoài cửa sổ, ra đường, người ta đã thấy mùa thu không phải chỉ mới khởi đầu mà đã tràn vào đầy Hà Nội. (tr. 92-93)

Cái đẹp của Hà Nội không những chỉ được yêu thích qua thời tiết, nó còn nhập vào giác quan của Lan và Quang. Vào mùa sấu, thị giác, khứu giác và vị giác của Lan được mở ra để tận hưởng hoa sấu và trái sấu: hoa sấu màu trắng ngà pha lẫn màu cẩm thạch, thơm mùi thơmcủa trái sấu, cái mùi thơm rơn rớt chua, vào mùa sấu chínnhững trái sấuchín vàng biến dần sang màu đồng đỏ lốm đốm những vết thâm, đólà lúc tất cả hương hoa và chất chua đã biến thành chất ngọt và rụng trênmặt đường … (tr. 16-17). Còn Quang khi đi ngang Hàng Mã thì khứu giác của anh bị mê hoặc bởi cái mùi trầm hương, vàng mã : Mùi hồ, giấy bản, mùi tre ngâm được chẻ mỏng làm khung cho các thoi vàng, phảng phất với mùi trầm hương lưu cữu bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu đời cha con đã tạo thành cái mùi vị đặc biệt của khu phố. (…) Quang thường bị cái mùi thơm đó huyễn hoặc, một nửa dường như nó muốn làm cho mê đi, một nửa nó gợi lại những kỷ niệm ngày còn bé được theo người lớn đi lễ chùa hay lễ đền. (tr. 24-25)

Tình yêu quê hương của Lan, ngoài vẻ đẹp quyến rũ của Hà Nội, còn có sự lưu luyến những vùng xa hơn : cầu Long Biên và sông Hồng với nạn lũ lụt, sông Đáy và núi Ba Vì gợi lên những bài thơ xưa, khi Lan đi viếng Chùa Thầy với bố mẹ.

Trong độc thoại nội tâm của Lan có quá khứ của Hà Nội, có nạn đói năm xưa, có chiến tranh, chạy loạn, tản cư, hồi cư, rồi Hà Nội dần dần hồi sinh. Nhưng Lan đang sống trong một Hà Nội của hiện tại và Lan bị thời sự ám ảnh. Dân chúng Hà Nội sống trong chờ đợi tin tức Hội nghị Genève, mọi người hoang mang. Lan linh cảm sắp mất Hà Nội.

Tưởng tượng phút chốc làm Lan cảm thấy sợ hãi thực sự. Nàng không thể nghĩ tới cảnh một sáng nào thức dậy, mở mắt nhìn không thấy Hà Nội, thức dậy tại một thành phố nào khác, sẽ ra sao? (tr. 160)

Trong độc thoại nội tâm của ông bà Nam cũng có hình ảnh Hà Nội. Độc thoại dài nhất của ông Nam là lúc ông lái xe trở về Hà Nội, sau khi đưa vợ con đi viếng Chùa Thầy. Tâm trạng ông Nam khác với tâm trạng của con gái. Ông nghĩ đến chuyện tình năm xưa của ông và nhận thấy nỗi ghen tuông vẫn dai dẳng trong lòng ông đến bây giờ. Ông nhớ đến người bạn thân đã biến mất trong một thành phố Hà Nội bị cháy lớn, người bạn cùng học y khoa với ông, cùng yêu người con gái ông yêu ; cuối cùng người bạn rút lui, và ông được lấy cô gái tức bà Nam hiện giờ. Ông tin là bạn ông đã chết trong vụ cháy ở Hà Nội. Nhưng ông Nam vẫn trăn trở, ông không tự cho mình là kẻ thắng cuộc, ông luôn dò xét người vợ và ông không từ bỏ được nỗi ghen tuông. Bà Nam tuy làm tròn bổn phận của một người vợ, nhưng bà vẫn thẫn thờ nghĩ đến quá khứ. Một hôm bất ngờ bà nhận được thơ của cố nhân, thì ra người đó không chết, đã sống với cuộc chiến đấu và nay xuất hiện trở lại. Một biến cố làm đảo lộn cuộc sống của vợ chồng bà. Nói tóm lại, Hà Nội trong nội tâm của ông bà Nam là một Hà Nội của quá khứ, của một chuyện tình riêng tư, không liên quan đến hiện tình của đất nước. Mặc dù Lan đã nhiều lần đặt câu hỏi với bố mẹ về tương lai, nhưng trước thái độ mập mờ của bố mẹ, Lan chỉ đoán được là bố mẹ sẽ cùng Lan từ giã Hà Nội nếu tình hình bắt buộc.

2/ Những bước đi của thời gian

Tháng 6-1954, cuộc đàm phán ở Genève đang tiếp diễn. Trong thành phố Hà Nội vẫn còn sự có mặt của người Pháp, vẫn còn những tiếng nổ, những vụ cướp bóc, giết người, một thành phố bất an. Kể từ tháng 6 đến cái ngày lịch sử 20-7-1954, cái ngày chia cắt đất nước, người dân Hà Nội đọc các bản tin trên báo chí, nghe đài phát thanh, họ lo âu hồi hộp theo dõi từng bước tiến của thời gian : Rõ ràng là mọi người đã cảm thấy có một sự rung chuyển tận cội rễ của cái đời sống họ đã trải qua bao nhiêu năm, một sự đổ vỡ nào đó lại đang rình rập chụp xuống một lần nữa sau cuộc chiến tranh tàn phá… (tr. 132)

Qua những độc thoại và đối thoại của Lan cũng có những lo âu, hồi hộp, lo sợ bước tiến của thời gian. Vào đầu truyện, Lan nói với Quang : … Liệu có được ở lại đây không hay rồi phải đi hết. (tr. 13)

Trong một độc thoại dài của Lan, cô nghĩ đến những người dân Hà Nội : … nghĩ đến chuyện một ngày nào họ sẽ không còn ở lại nơi này nữa đối với họ là một thảm kịch, họ không dám tưởng tượng, không thể nghĩ họ sẽ chịu đựng cuộc chia cắt đó như thế nào, họ sẽ sống ra sao trong một thành phố không phải là nơi họ đang sống này vì chính sự ràng buộc chặt chẽ của họ vào nơi cư ngụ trở thành mối đe dọa, đồng thời cũng là niềm sung sướng kiêu hãnh của họ. (tr. 68)

Và khi Lan đối thoại với mẹ về viễn ảnh chia cắt đất nước, bà Nam lo âu :

- Nhưng lần này có xảy ra chuyện gì sẽ không như ngày xưa đâu.

Lan còn trẻ, chưa ý thức được tầm quan trọng của cảnh vật đổi sao dời, cô nói với mẹ :

- Vào Nam sống càng hay chứ sao.

- Hay là hay thế nào được. Đi biệt mông chi xứ thế biết ngày nào trở về. (tr. 84-85)

Trong một độc thoại khác của Lan, linh cảm sắp xa Hà Nội lại đến với cô : … Lan vẫn có cảm tưởng rờn rợn là thế nào rồi cũng có lúc phải rời xa cái thành phố thân yêu này. Nàng muốn được đi lại nhiều lần trên khắp mọi con đường, đi chẳng để làm gì cả, nhưng đối với riêng mình, Lan muốn ghi nhận lấy hình ảnh từng khu phố, từ bao nhiêu năm nay, nàng đi lại, lớn lên, trong bóng của nó, nhưng nàng lại chẳng bao giờ nhìn rõ một nơi nào cả(…). Lan lo sợ nghĩ rằng một ngày nào đó, phải xa nơi này … (tr. 154-155)

Từ nội tâm của Lan người đọc chuyển qua nội tâm của Quang, dưới mắt Quang, Hà Nội đang sống trong chờ đợi : Những nhà giàu có, những cửa hàng lớn đã được bán lại (…) các trường học không đóng cửa, nhưng học sinh cũng như các giáo sư, đi học và tới lớp giảng dạy thất thường (…). Người ta chờ đợi một biến chuyển mới, gần như người ta biết chắc không thể tránh, và chờ đợi như một thảm họa. (tr. 256)

Rồi cái ngày lịch sử đã đến. Tin hiệp định Genève vừa được ký kết đến với mọi người. Đối với Lan, mười năm chiến tranh không khủng khiếp bằng cái ngày hôm nay. Thế là nỗi lo sợ đất nước bị chia đôi đã thành sự thật. Quang ở lại, còn Lan sẽ theo bố mẹ vào Nam. Lan muốn níu kéo thời gian, muốn thời gian dừng lại : (Lan) cầu nguyện cho ngày phải khởi hành đừng đến vội để nàng còn có thể được ngồi ở đây thêm mãi, ở lại với Hà Nội, chia sẻ cái buồn với Hà Nội, sống với Hà Nội, chết với Hà Nội, rũ rượi với Hà Nội, rõ ràng là Hà Nội đang kiệt sức, những đám sương lam buông kín trên thành phố đã làm cho Hà Nội ngạt thở, những giọt mưa đọng trên các cành cây, những ngọn lá còn sót, chẳng khác Hà Nội đang khóc… (tr. 307-308)



 

II. Một thử nghiệm làm mới tiểu thuyết



Với truyện Áo Mơ Phai Nguyễn Đình Toàn muốn tạo một hình thức mới cho tiểu thuyết. Tham vọng của tác giả khá lớn : ông quy tụ ba kỹ thuật viết đến từ Tây phương : độc thoại nội tâm, miêu tả theo lối Tiểu Thuyết Mới của Pháp và câu văn rất dài theo kiểu Marcel Proust, tác giả của bộ tiểu thuyết À la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất). Tham vọng này không lạ lùng gì nếu chúng ta biết Nguyễn Đình Toàn thuộc nhóm Đêm Trắng của Huỳnh Phan Anh, một nhóm bạn văn trẻ nhiễm triết học hiện sinh, chủ trương làm mới văn chương với những nghệ thuật du nhập từ Tây phương. Bên cạnh nhóm, có Hoàng Ngọc Biên là một tác giả hoàn toàn theo Tiểu thuyết Mới của Alain Robbe–Grillet và cũng là người khâm phục tài năng của Marcel Proust, ông đã viết cuốn Marcel Proust Con Người Xã hội (Nxb Trình Bày, 1971). Tuy Hoàng Ngọc Biên không gia nhập nhóm Đêm Trắng, nhưng ông qua lại, trao đổi nhiều với các thành viên của nhóm. Có thể nói Nguyễn Đình Toàn sống trong một môi trường hướng về cái mới lạ đến từ Tây phương. Do đó tác phẩm Áo Mơ Phai mang dấu ấn của ba kỹ thuật nói trên.

1/ Độc thoại nội tâm

Tiểu thuyết truyền thống trước kia cho thấy nhân vật từ bên ngoài, nhân vật được người kể chuyện hay tác giả miêu tả. Với kỹ thuật độc thoại nội tâm, thể loại tiểu thuyết được phong phú hóa về mặt tâm lý của nhân vật. Kể từ nay, nhân vật có thể được theo dõi ngay trong đời sống nội tâm, có thể lên tiếng từ nội tâm, không cần sự can thiệp của một trung gian. Đối với tác giả, vấn đề là đi sâu vào tâm lý nhân vật, để cố bắt được cái luồng của tâm thức, tiếng Pháp gọi là : courant de conscience, tiếng Anh : stream of consciousness, để đến gần với một tư duy, một ngôn ngữ sắp thành hình.

Ở Tây phương, vào thời độc thoại nội tâm hãy còn là một kỹ thuật mới, có hai tác giả đứng đầu về cách xử dụng kỹ thuật này, đó là James Joyce, tác giả của truyện Ulysse, và Virginia Woolf, tác giả của truyện Mrs Dalloway. Cả hai nhà văn đều dành một vị trí quan trọng cho độc thoại nội tâm trong tác phẩm của mình, thế nhưng cách xử dụng độc thoại của họ hoàn toàn khác nhau.

James Joyce là một nhà văn làm mới ngôn ngữ khi ông miêu tả cái luồng tâm thức của nhân vật, ông dùng những từ tượng thanh, những từ hiếm hoi, những trò chơi chữ, ông cố vớ bắt những yếu tố ngôn ngữ khi chưa thành hình và có tính phi lý, nhân vật của ông xưng "tôi", tức đại từ ngôi thứ nhất.

Còn Virginia Woolf không tìm cách miêu tả cái luồng của tâm thức ở mức độ phát sinh ngôn ngữ, với một từ vựng đặc biệt như Joyce. Bà khơi lại trí nhớ và không bao giờ thật sự đạt đến mức độ của tiền thức, cho nên bà không làm vở tung, làm đảo lộn ngôn ngữ. Virginia Woolf dùng một ngôn ngữ cổ điển, một ngôn ngữ "văn hoa", vì bà không muốn xóa bỏ sự hiện diện của nhân vật, và cũng không muốn hoàn toàn nhại cái luồng tâm thức. Nhân vật của bà được miêu tả theo đại từ ngôi thứ ba.

Nói tóm lại, độc thoại nội tâm của James Joyce là độc thoại đã có trước khi ngôn ngữ thành hình, và độc thoại nội tâm của Virginia Woolf là độc thoại nội tâm gián tiếp tự do.

Trở lại Áo Mơ Phai, Nguyễn Đình Toàn đã chọn hình thức độc thoại nội tâm theo kiểu Virginia Woolf. Câu văn của ông bình thường, tự nhiên, đưa độc thoại nội tâm vào truyện một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển. Bút pháp của ông đúng là bút pháp mà người Pháp gọi là bút pháp gián tiếp tự do (style indirect libre).




2. Ảnh hưởng của Tiểu Thuyết Mới và của Marcel Proust

Nguyễn Đình Toàn đã làm cho không ít độc giả ngỡ ngàng, đôi khi mất kiên nhẫn, với lối miêu tả tỉ mỉ, dài dòng, có thể nghĩ rằng ông dựa vào Tiểu Thuyết Mới của Pháp để tìm một hình thức mới cho sự miêu tả.

Tiểu thuyết Mới là một trào lưu xuất hiện ở Pháp trong những thập niên 50-60 của thế kỷ trước, với mục đích đặt lại vấn đề những kỹ thuật của thể loại tiểu thuyết. Alain Robbe–Grillet, thủ lĩnh của nhóm Tiểu Thuyết Mới, chủ trương lật đổ lối miêu tả hiện thực của Balzac, một nhà văn lớn Pháp ở thế kỷ 19. Trong cuốn Pour un nouveau roman (Biện hộ cho một tiểu thuyết mới) Robbe-Grillet khẳng định rằng tiểu thuyết không có chức năng đưa ra một hình ảnh của thế giới bên ngoài về cái đẹp và sự thật mà từ đó chúng ta phê phán thế giới. Tiểu thuyết là một xây dựng hình thức theo đó sự viết không còn là một dụng cụ mà trở thành cứu cánh với sự ngự trị của tưởng tượng. Không còn vấn đề kể một câu chuyện trong đó người ta cố chép lại đời sống như nó có thật. Kể chuyện trở thành một việc không thể có được. Tiểu Thuyết Mới là một sáng tạo của tưởng tượng qua sự viết, một tiểu thuyết không có cốt truyện, không có nhân vật, bởi vì thế giới của thời Balzac (thế kỷ 19) đã mất tính ổn định và trật tự của nó. Theo Robbe -Grillet, thời đại chúng ta (tức vào thập niên 50 của thế kỷ trước) là một thời đại mà sự thật bị dao động, ý nghĩa vỡ tung, con người bị xói mòn. Chính trong bối cảnh đó phải xây dựng tiểu thuyết cận đại. Tiểu thuyết phải vỡ ra nhiều mảnh mà sự viết lắp lại, không có một hình ảnh duy nhất và đơn giản như một lời đáp lại sự rối tung của thực tế. Mặc dù từ chối lối miêu tả hiện thực của Balzac, Tiểu Thuyết Mới cũng miêu tả một hiện thực nào đó, một hiện thực nội tâm, phân mảnh, mâu thuẫn, nhưng có được tính nhất quán trong cái chủ quan của nhân vật ở trọng tâm. Tiểu thuyết La Jalousie (Ghen tuông) của Robbe-Grillet không có cốt truyện. Tuy nhiên đằng sau những miêu tả dài dòng, lặp đi lặp lại, tác giả mời gọi chúng ta khám phá một chuyện tình, và trong chuyện tình khám phá cái nhân vật ẩn núp. Nếu các nhà Tiểu Thuyết Mới từ chối cái hiện thực của Balzac là để tạo nên một hiện thực khác : một hiện thực chủ quan.

Tiểu thuyết Áo Mơ Phai mang những dấu ấn nào của Tiểu Thuyết Mới ? Không thể nói tác phẩm của Nguyễn Đình Toàn không có cốt truyện, nhưng cốt truyện rất mong manh, chỉ là sự chờ đợi một biến cố lớn. Vậy Áo Mơ Phai rất gần gũi với Tiểu Thuyết Mới.

Dấu ấn thứ hai là lối miêu tả quá tỉ mỉ, quá dài của Nguyễn Đình Toàn. Ví dụ câu văn dài sau đây cho thấy khi Lan núp mưa dưới những mái hiên, cô nhìn lên nhà cửa, câu văn lúc đầu hướng về miêu tả tỉ mỉ những mái ngói, nhà cửa, các tiệm trên đường phố, chùa, nhà thờ… rồi Lan liên tưởng đến đủ hạng người trong thành phố :

Thay vì đi xe như lời mẹ dặn, Lan lại men theo mái hiên các căn nhà, lần đi từng quãng, đứng lại ngó mưa, mưa ướt sũng trên mái ngói của các mái nhà nhìn thấy bên kia đường, những mái nhà vừa được xây cất lại mấy năm nhưng nay đã cũ, xen vào giữa những hàng ngói màu son nằm xếp đều trên mái đã có lẫn những viên ngói đen, những viên ngói đã bị tróc ra khỏi nóc trong trận bão năm ngoái, hay năm kia, đã được thay bằng những viên khác, nhưng những viên ngói được thay thế lại không được đem vất đi hoặc người ta còn để sót, nằm chổng trơ trên mái, đã vỡ vụn ra từng mảnh, chính những viên ngói vỡ này đã đổi màu một cách rõ rệt, hoặc chúng trở nên xám xịt, hoặc chúng trở nên nhợt nhạt, xen vào giữa những viên ngói mà đứng từ chỗ nàng, Lan chỉ nhìn thấy cái cạnh đằng trước của nó, đã trở nên đen kịt, biến thành những vết lam nham, và trên những lớp ngói có những viên còn đỏ hồng, những viên vàng ửng rêu phong, những cạnh đen như bám đầy bồ hóng, Lan nhìn thấy những hạt mưa nhảy lăn tăn, những hạt mưa vỡ ra thành những hạt bụi nhỏ trên những căn lầu cửa đóng kín, những căn lầu cửa sổ mở toang ra và ở trong tối om, những song sắt im lìm như những cửa nhà tù, Lan tưởng tượng ra những hồn ma vất vưởng, một tiệm tạp hóa với tủ kính, chai lọ, thùng thiếc và những hũ bằng đất nung được bịt kín, những chiếc kim băng treo từng chùm trên sợi dây mắc ngang trong tủ kính, những cục băng phiến gói thành từng bao mười hai viên bằng giấy bóng kính trắng, vàng, những chiếc lược nhỏ để trong những cái hộp, dao, kéo, bàn chải, bàn chải đánh răng và bàn chải giày, những hộp phấn viết bảng, những gói trà, những lọ kẹo bánh, những chiếc vợt và mấy hộp bóng bàn được xếp chồng lên nhau hộp trên cùng mở nắp đã khuyết mấy quả, một người đàn bà ngồi sau quầy hàng chăm chú đọc một cuốn truyện để trên hai đùi, bên ngoài hai đứa trẻ chơi đùa với nhau quanh một con ngựa gỗ, vài căn nhà được quây lại phía trước bằng miếng cót và những mảnh gỗ cũ, bên trong đổ đầy những đống cát, đá vụn, người ta vẫn tiếp tục tái thiết, xây cất thêm nhà cửa, tiếng cười rộn rã vọng ra từ một căn nhà người ở chen chúc, một cửa tiệm may trong tủ kính có một hình đàn ông bán thân được khoác trên người những khúc vải, mở mắt ngó ra ngoài đường, một ngôi đền khuất sâu trong một ngõ hẻm đang được cúng lễ, tiếng tiu, cảnh, trống chuông khua rộn rã, những âm thanh bay ra ngoài đường, ngôi nhà thờ với những bực thềm đá ướt sũng, nặng nề, lạnh ngắt, cửa đóng kín, những người đàn bà tay xách làn đứng nép vào cửa một căn nhà núp mưa, những người khác chạy tất tả qua đường, những nữ sinh tóc bị gió thổi tung, vừa đi vừa tìm cách tránh những cặp mắt soi mói của những người ngoài phố, hoặc chẳng có một vẻ sợ sệt nào, họ đi một mình hay đôi ba người dắt díu, cười nói, đi phăng phăng dường như chẳng buồn để ý gì đến mưa gió, những người còn nhìn các lối đi chìm ngập dưới cơn mưa bằng đôi mắt xa lạ, họ chắc chắn không phải là dân đã cư ngụ lâu ngày trong thành phố, những người tay cầm một cuộn giấy, những tờ kẻ ô vuông nhỏ, người ta ưa dùng để làm đơn, đơn xin việc, khiếu nại, tìm người nhà bị mất tích, những người đang có công ăn việc làm, chán nản, lười biếng tìm cách trốn việc, những người khác không ngừng đi tìm việc cho đến phút chót vẫn không thể tìm được bất cứ một công việc gì, thành phố đầy những sự trái ngược ai oán, chiều chiều dưới những cơn mưa lạnh lẽo, dưới gầm cầu, trong các xó tối những căn nhà bỏ không, dưới gầm các sạp hàng phía ngoài các cửa chợ, luôn luôn người ta vẫn thấy những kẻ chui rúc, đói khát, họ như hồn ma vất vưởng của những năm đói kém, chết chóc cũ còn vất vưởng, còn sót lại. (tr. 133-137)

Lối miêu tả những mái ngói, những món hàng lặt vặt trong tiệm tạp hóa, trong câu văn trên đây là theo Tiểu Thuyết Mới : đồ vật được liệt kê dài dòng, được nhìn tỉ mỉ từng góc cạnh, từng màu sắc như một ám ảnh.

Câu văn trên cũng là một ví dụ về câu văn dài viết theo kiểu Marcel Proust, câu văn của Nguyễn Đình Toàn được cấu trúc hẳn hòi, dài gần 5 trang.

Cái nét đặc thù đã làm cho bộ tiểu thuyết À larecherche du temps perdu của Marcel Proust trở nên một kiệt tác chính là bút pháp và những chủ đề về nghệ thuật : văn chương, âm nhạc, hội họa. Bút pháp của Marcel Proust độc đáo, duy nhất với những câu văn rất dài, chiếm nhiều trang. Tác giả muốn thăm dò những biến đổi trong tâm hồn con người. Qua những câu văn dài, Proust tìm cách diễn tả hiện thực và sự thật như người kể truyện và những nhân vật đã từng trải nghiệm. Cho nên câu văn dài vì nó phải ghi lại thật đúng cái hiện thực của cảm tính về mọi phương diện. Những câu văn dài của Proust đã được khéo léo gọt giũa. Mặt khác, thời gian luôn luôn hiện diện trong tác phẩm của Proust, hồi ức do một cảm giác, một từ ngữ, một tiếng nhạc, làm đột xuất những kỷ niệm xưa và tạo nên khái niệm về thời gian.

Thử nghiệm của Nguyễn Đình Toàn là viết như Marcel Proust, nhưng câu văn dài của Nguyễn Đình Toàn đi về một hướng khác : diễn tả không gian ngay trước mắt, trong hiện tại ; vô thức của Lan dường như muốn ghi hết cảnh vật của Hà Nội, muốn in hết những hình ảnh của người và cảnh vào trí nhớ ; và lối miêu tả như Tiểu Thuyết Mới càng làm cho câu văn dài ra. Có thể nói đối tượng của Marcel Proust là tâm hồn hay biến đổi của con người, đối tượng của Nguyễn Đình Toàn là thành phố Hà Nội trước ngày xa cách.

 
  1. Mỹ học của Nguyễn Đình Toàn

Nguyễn Đình Toàn xây dựng truyện với một mỹ học rất gần với thơ. Áo Mơ Phai được viết như một giấc mơ, sự chờ đợi một biến cố trọng đại trôi qua như một giấc mơ. Cả Quang và Lan đều sống trong một ảo ảnh. Trong nội tâm của Quang : Hà Nội dường như chìm trong một giấc mơ non, giấc mơ hiện tới khi giấc ngủ chưa thành, chiều chưa hết, đêm chưa qua, tất cả còn nửa chừng, nửa vời. (tr. 36) Quang cảm thấy Hà Nội có khuôn mặt của người tình đầu tiên, khi người ta ghé hôn thì cũng là lúc cái hình ảnh ấy khắc sâu vào tâm khảm. (tr. 51). Còn Lan đang bị mê hoặc bởi cái vẻ mờ ảo của mặt hồ.

Giấc mơ bao giờ cũng mờ mờ ảo ảo, khi ẩn khi hiện, vì có đám sương bao phủ Hồ Gươm, bao phủ Hà Nội. Và màu xanh của mặt hồ, của cây lá, của ánh trăng, của những gương mặt, màu xanh làm cho Hà Nội có vẻ ủ ê là một màu đầy ám ảnh. Mặc dù đang mùa hè, từ đầu đến cuối truyện đều có cái lạnh dai dẳng, xâm chiếm cảnh vật và người. Cái lạnh đây là cái lạnh của cô đơn, cô đơn của Hà Nội và của người sắp xa Hà Nội. Mưa đi kèm với lạnh, trời mưa trong khắp truyện, đặc biệt trong chương 2 mưa được nhắc đi nhắc lại, có phải Hà Nội đang khóc ?

Tóm lại, đám sương, màu xanh, mưza và cái lạnh là những yếu tố trở đi trở lại trong truyện như những điệp ngữ (leitmotiv) để ru người đang nằm mơ và vẽ lên một Hà Nội ảm đạm trước ngày ly biệt.

Hơn thế, trong giấc mơ Hà Nội được nhân cách hóa, Hà Nội có một trái tim như con người, đó là Hồ Gươm, Hà Nội có vẻ đẹp quyến rũ như các cô nữ sinh, Hà Nội có gương mặt của người tình đầu tiên, và khi cái tin ác nghiệt giáng xuống đầu mọi người thì Hà Nội lâm bệnh hoại huyết : mất hết những hồng huyết cầu, Hà Nội võ vàng, rũ rượi, Hà Nội ngạt thở, Hà Nội đang khóc.

Mỹ học của Nguyễn Đình Toàn, ngoài giấc mơ, có những biểu tượng được dùng cho tình yêu. Trước hết biểu tượng của lửa. Khi Hà Nội bị cháy lớn, lửa biểu tượng cho tình yêu say đắm của ông Nam và người bạn đối với người thiếu nữ. Và khi lửa đã dập tắt cũng là lúc người bạn của ông Nam hy sinh tình yêu và bỏ đi xa.

Sau giá trị biểu tượng của lửa có giá trị biểu tượng của gương mặt. Quang và Lan là hai anh em họ thân thiết nhau, thường đi chơi chung với nhau. Nếu có tình yêu giữa hai người thì đó là một tình yêu bị cấm kỵ, xã hội và luân lý rất nghiêm nhặt. Cho nên có những dấu hiệu cho thấy sự sợ hãi của hai nhân vật khi họ nhìn gương mặt nhau và ý thức cái thứ tình cảm cấm kỵ đó. Gương mặt là biểu tượng của tình yêu. Lan đôi khi nhìn thấy trên gương mặt của Quang có những thay đổi kỳ lạ, cô đâm sợ hãi. Còn Quang nhìn gương mặt đẹp của Lan cảm thấy rờn rợn trong người. Sự sợ hãi đó là phản ứng khi đến gần cái ranh giới của cấm kỵ. Biểu tượng rõ ràng hơn nữa là khi hai anh em đi chơi ở đền Voi Phục, Quang vẽ gương mặt của Lan, nhưng không muốn đúng là của Lan, nên chê cái mũi Lan xấu và sửa thành cái mũi khác, phải chăng để che đậy tình cảm thật của mình? Vì hình vẻ gương mặt Lan là biểu tượng tình yêu của Quang. Phản ứng của Lan khi nhìn hình ảnh mình là một cơn ớn lạnh suốt sống lưng. Trước vẻ kinh hoàng của Lan, Quang bôi xóa hình vẻ và xé thành mảnh vụn. Cử chỉ đó cho thấy Quang muốn bôi xóa, từ bỏ tình yêu đang manh nha. Khi Lan bóc cam đưa cho Quang ăn, Quang nhìn hai bàn tay đẹp của cô em và có cảm tưởng chúng không liên hệ gì với gương mặt. Quang nghĩ rằng hai bàn tay đó là thứ chàng có thể yêu được, khuôn mặt là khuôn mặt chàng không thể yêu được, hay ít ra, chàng không có quyền yêu như thế. Và hai điều trái ngược này đã tạo ra sự não nùng chàng đang cảm thấy trong lòng. (tr. 280)

Chim cu gáy mà Quang nghe từ xa vẳng lại là một biểu tượng khác : biểu tượng hoàn cảnh của Quang và Lan : tiếng một đôi chim cu gáy ở hai chỗ khác nhau nhưng rõ ràng chúng có vẻ đang đua tiếng hay trò chuyện với nhau. (tr. 281) Dù cho thân thiết với nhau, đôi chim cu vẫn xa cách nhau. Đó là định mệnh của Quang và Lan, rồi đây mỗi người mỗi ngả.

Sau giấc mơ và biểu tượng, còn có giác quan, yếu tố thứ ba của mỹ học của Nguyễn Đình Toàn. Như trên đã nói, giác quan của Lan và Quang rất nhạy cảm trước vẻ đẹp của Hà Nội. Tác giả còn đi xa hơn khi cho thấy giác quan chẳng những mở ra trong không gian mà còn mở ra từ thời gian. Ví dụ khứu giác của Lan là khứu giác trong không gian, khi Lan đi chơi dưới trời mưa với Quang về, hai anh em đang đứng trước nhà : Lan có cảm tưởng như hơi thở nàng đang thở thơm ngát mùi cây cối của đêm mưa. (tr. 72). Hoặc khi Lan ra khỏi thành phố để đi chơi ở đền Voi Phục : Lan ngửi thấy lẫn trong những cơn gió thổi bạt hơi, reo ù ù hai bên tai, mùi cỏ ướt và đất ấm đang được nắng làm bốc hơi, mùi rêu tanh và mùi phân bón ruộng đã nhạt bớt hơi nồng. (tr. 269) Còn khứu giác của bà Nam thì do thời gian gợi lại, khi một lời nói của ông Nam bỗng khơi lại chuyện xưa : Bà Nam như ngửi thấy cả mùi hương của kỷ niệm, cái mùi thơm nhẹ nhàng toát ra từ chính tuổi trẻ của một người con gái… (tr. 242)

Nguyễn Đình Toàn đã vận dụng ba kỹ thuật viết của Tây phương và xây dựng một mỹ học thi vị hóa truyện ngõ hầu tạo một hình thức mới. Cách tân truyện như thế có thể làm một số độc giả ngỡ ngàng. Nhưng nhìn xa, cách tân bao giờ cũng đưa đến sự sáng tạo cái mới lạ khiến văn học càng thêm đa dạng, phong phú.


 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top