Giới thiệu Sách Mới: CHỮ NGHĨA VĂN CHƯƠNG CUỘC ĐỜI  tác phẩm mới của Trần Doãn Nho



Giới thiệu Sách Mới

CHỮ NGHĨA

VĂN CHƯƠNG

CUỘC ĐỜI 

tác phẩm mới của Trần Doãn Nho



Nhà xuất bản Văn Học Press ở California vừa phát hành tác phẩm mới của Trần Doãn Nho vào đầu Tháng Ba, 2020. Đó là một tập “Tạp Bút” có tựa đề “Chữ Nghĩa Văn Chương Cuộc Đời” (1).
Tập “Tạp Bút” gồm có 26 bài viết gồm nhiều thể loại khác nhau, chia làm bốn phần:
- Phần 1: Nhận định về thơ, văn và biên khảo của một số tác giả quen thuộc: Nguyễn Xuân Hoàng, Trần Mộng Tú, Đặng Thơ Thơ, Phùng Nguyễn, Chân Phương, Huỳnh Hữu Ủy, Thành Tôn. Ngoài ra, tác giả còn giới thiệu tập “Kỷ Yếu” nghiên cứu về sự nghiệp văn hóa của học giả Trương Vĩnh Ký.
- Phần 2: Trò chuyện với nhà văn Trần Hoài Thư về việc phục hồi nền văn học VNCH qua nhà xuất bản “Thư Ấn Quán” và tạp chí văn học “Thư Quán Bản Thảo,” với họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi về tranh vẽ chân dung; và với nhà văn Phạm Xuân Đài về tạp chí Thế Kỷ 21 cũng như về các cuộc hội thảo văn chương do ông đứng ra tổ chức ở quận Cam.
- Phần 3: Tưởng niệm một số các văn nghệ sĩ đã từ giã cõi đời: Nguyễn Mộng Giác, Tạ Chí Đại Trường, Đinh Cường, Nguyễn Đính và Tô Thùy Yên.
- Phần 4: Bút ký, tùy bút, đoản văn và những nhận định về dịch thuật, ngôn ngữ và chuyện di dân, vân vân.
Một số bài viết trong tập “Tạp Bút” này đã từng được đăng tải trên trang Văn Học Nghệ Thuật của nhật báo Người Việt trong vòng hai năm vừa qua.
Xin được dẫn vài trích đoạn từ trong tập “Tạp Bút”:
-Về vai trò của chữ và nghĩa: “Trong cuộc đời thường, chữ làm vui nhau mà cũng làm đau nhau. Giận, lấy chữ mà giận. Thù, lấy chữ mà thù. Yêu, cần chữ để yêu. Nhớ nhung cũng phải có chữ mà nhớ. Lắm lúc, thêm một chữ thì chia lìa, bớt một chữ mà đoàn tụ. Chữ quấn quýt quanh ta không rời. Như hình với bóng. Như mặt trái mặt phải của một đồng tiền. Quay phía nào cũng đụng bức tường chữ. Bên kia bờ chữ là gì, ai mà biết. Có cách gì chúng ta có thể bước ra ngoài ngôn ngữ để tiếp cận một thế giới thực sự? Dường như: không! (…) Không có đời sống thì không có chữ. Không có chữ thì không có nghĩa. Không có chữ nghĩa thì không có văn chương. Chữ như một tấm kính chắn gió không trong suốt, qua đó, ta nhìn dung nhan cuộc đời. Nó là tấm lưới: lưới chữ. Lưới chữ tuy thưa nhưng xem ra khó thoát! Nó cũng là chiếc xe chở hàng… chế biến. Hiện thực cuộc đời, qua chữ, được chế biến thành thế giới hư ảo mông lung của văn chương. Giống thì có giống nhưng cũng khác biệt vô cùng.” (Chữ)
-Về nhà thơ/nhà văn Trần Mộng Tú: “Trần Mộng Tú là nhà thơ. Ta quen gọi như thế và dường như chị cũng thích gọi như thế. Thực ra, Trần Mộng Tú còn viết văn, không chỉ thỉnh thoảng viết cho vui, mà viết nhiều. Đặc điểm của Trần Mộng Tú: viết văn mà vẫn ‘hoài thơ.’ Thành thử văn của chị khi nào cũng lấm tấm thơ. Thay vì gọi Trần Mộng Tú là nhà thơ/nhà văn, hãy gọi Trần Mộng Tú là nhà thơ viết văn. (…) Mỗi lần đọc xong một truyện của Trần Mộng Tú, tôi đều có cảm giác lơ mơ. Cay cay. Đăng đắng. Chua chua. Bùi bùi. Ngọt ngọt. Cái gì cũng một chút. Chút này lẫn vào chút kia. Tựa như ta nếm một trái cây lạ mọc hoang trong góc vườn. Nhẹ và thấm thía, sau đó. Mời mọi người thử nếm một chút. Không chỉ trái măng cụt, trong vườn. Mà cả trái măng cụt, ngoài vườn. Và còn nhiều thứ trái khác. Trong rừng. Dưới suối. Ngoài khơi. Và có thể là một thứ trái lạ ẩn dấu đâu đó bên dưới trái tim mỗi người.” (Tôi đọc Vườn Măng Cụt của Trần Mộng Tú)
-Về nhà biên khảo nghệ thuật Huỳnh Hữu Ủy: “Là một người say mê mỹ thuật ngay từ lúc còn nhỏ tuổi, Huỳnh Hữu Ủy đã dành hầu như cả cuộc đời mình sưu tập và nghiên cứu nghệ thuật tạo hình, đương đại cũng như cổ truyền, trong lúc vẫn quan tâm đến  văn chương. Tất cả các bài trong Mỹ Thuật Việt Nam Ngày Xưa đều được viết ra trong nhiều lúc khác nhau, đan xen với những bài nghiên cứu khác về mỹ thuật đương đại, bài nào cũng hình thành với niềm cảm hứng đặc biệt. Mặc dù anh khiêm tốn tự nhận đây ‘chưa phải là một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh về nền Mỹ thuật Việt Nam cổ truyền’ (Lời Đầu Sách), với tôi, tập sách là một công trình phong phú và đa dạng về nội dung, nghiêm túc trong nghiên cứu và nhiều cảm xúc, mà cảm xúc sâu sắc nhất chan hòa trong mọi trang sách, là tấm lòng của anh đối với đất nước và sinh mệnh dân tộc.” (Đường Bay, Huỳnh Hữu Ủy)
-Về nhà văn Cung Tích Biền: “Truyện của Cung Tích Biền mang dấu ấn nặng nề của hiện thực. Đọc ông, ta tìm thấy ngay những mảnh cuộc sống đâu đó, rất gần gũi, rất chân xác, ai cũng có thể tự mình nhận ra. Có điều, hiện thực đó thường được che chắn bởi một lớp sương mỏng, khiến nó bỗng trở nên lung linh, hư ảo. Truyện của ông đứng dạng chân giữa hai bờ hư/thực. Ông điều động con chữ nhuần nhuyễn và thông minh. Rất dụng công mà lại tưởng chừng như không hề sử dụng nội lực. Khéo biến chúng thành những hình ảnh chờn vờn, lập lờ, đa nghĩa. Thoắt bên này, thoắt bên kia. Tưởng như đang nghe chuyện thực, bỗng hơi văn đột ngột lung linh, chập chờn đưa ta vào cơn mơ. Có lúc, tưởng đang mơ, thì những con chữ nhảy chồm ra ngoài đụng vào người, va vào vật, trở nên hiện thực một cách bất ngờ.” (Hơi chữ)
-Về chuyện di dân: “Đó là song quan luận của người di dân, ngay cả đối với những người thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba. Chả thế mà tôi, thế hệ di dân thứ nhất, phải sống trong hai thế giới. Với một đầu óc ăm ắp tiếng Việt, tôi nói tiếng Anh như người ngọng, broken English, hay đúng hơn là Vietnaminglish; với một tâm hồn ngập tràn kỷ niệm Việt Nam của hai phần ba đời người và với một hoài vọng được trở về quê hương Việt Nam, tôi lại tuyên thệ nhập quốc tịch Mỹ và làm đêm làm ngày để nuôi sống mình và phục vụ nước Mỹ. Lắm khi quên bẵng cả chuyện về. Quả là nghịch lý. Trong nhà, từ bức tranh treo tường đến món ăn cất trong tủ; từ băng nhạc giải trí cho đến sách, báo, cái gì cũng Việt Nam, Việt Nam. Nhưng ra ngoài đường, bất cứ ở đâu, ngay cả ở nơi có vẻ Việt Nam nhất là Little Saigon, vẫn là một thế giới đầy Mỹ. Diễn hành Tết trên đường Bolsa chẳng hạn, trong cái không gian đầy cả Mỹ, vẫn đậm đà mùi vị Việt Nam và ngược lại, trong lúc cố sức bày tỏ truyền thống Việt Nam, diễn hành Tết vẫn hao hao không khí Hoa Kỳ. Chưa kể đến các tượng danh nhân Việt được dựng nhiều nơi trên đất Mỹ, lại để nhắc cho con cháu nhớ đến những anh hùng dân tộc…Việt Nam.” (Tôi là… người khác)
Trong bản Thông Cáo Báo Chí gửi cho các trang mạng (2), nhà văn Trịnh Y Thư, người điều hành nhà xuất bản Văn Học Press, nhận định về “Chữ Nghĩa Văn Chương Cuộc Đời”: “Bằng một khảo hướng suy luận tinh tế, bằng một tấm lòng thiết tha với quê hương Việt Nam và ngôn ngữ Mẹ, bằng một kiến văn trải rộng nhiều lĩnh vực: văn học, nghệ thuật, xã hội, nhân văn, lịch sử, chính trị… và bằng một giọng văn trí thức hàn lâm nhưng không xơ cứng khô khan, ý nhị thâm trầm nhưng không thiếu sôi động, nhà văn Trần Doãn Nho, vào đầu năm 2020 này, đã gửi đến người đọc một tập tạp bút đặc sắc, gồm những tiểu luận, điểm sách, nhận định, phê bình…ông viết rải rác suốt thời gian qua về ‘chữ nghĩa, văn chương và cuộc đời.’ Đó cũng là nhan đề cuốn sách. Tuy vậy, ngoài văn chương/ chữ nghĩa, người đọc còn tìm thấy trong cuốn sách thật nhiều những đề tài lý thú khác, từ hội họa cho đến cuộc sống di dân, từ quê người đến quê nhà… Tất cả được nhìn dưới đôi mắt một nhà văn đúng nghĩa, và nhờ đó, tất cả như được một luồng sáng mới phả vào, khai sinh thêm lần nữa trong một không-thời-gian mới mẻ, diệu kỳ.”  
Chú thích:
(1) “Chữ Nghĩa Văn Chương Cuộc Đời” hiện có bán ở Barnes & Noble: www.barnesandnoble.com/w/chu-nghia-van-chuong-cuoc-doi-tran-doan-nho/1136513135?ean=9781078778022
(2) www.diendantheky.net/2020/02/tran-doan-nho-chu-nghia-van-chuong-cuoc.html#more

 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top