DUY LAM, NHỮNG CÁI TẾT XƯA

 

DUY LAM

NHỮNG CÁI TẾT XƯA



cái đất Sàigòn mưa nng hai mùa, thiên nhiên chng bun h mình ban cho cái khi đông đảo Bc k di cư nhng du hiu quen thuc xưa cũ, hu làm nc lòng nhng đứa tr ch tin mng tui, hay nhc nh các bà ni tr đã đến lúc chun b lá rong, lt tre và go nếp tht heo và ci đun để li gói và nu mt ni bánh chưng cho c gia đình.
Du hỏi mẹ tôi, sau khi ngán ngẩm ngắm các hàng cây bên kia đường đứng im phăng phắc trong cái nóng điên cái đầu của miền Nam dù vào những ngày cận Tết:
- Mẹ à. Gió heo may là gió gì? Và bắt đầu thổi vào tháng nào? Cuối thu hay đầu đông? Mà tại sao lại có heo ở đây? Hay là cách nói trạnh ra của hiu hiu.
- Mẹ cũng chẳng biết nữa, nhưng khoảng đầu mùa đông là bắt đầu có gió heo may vào khoảng tháng chín tháng mười ta.
Liên góp thêm :
- Tháng chín chung chân buôn hồng còn tháng mười buôn nhãn bán trăm. Chà bây giờ có mấy trái hồng chín đỏ mọng ngọt lịm mà ăn với cốm làng Vòng như chú Sáu kể là tuyệt cú.
- Du thì chỉ khoái ăn vải hột nhỏ xíu cùi dầy, trời trời, là ngọt là thơm. Chả biết bà nội ở lại miền Bắc giờ chắc vẫn đến mùa hái vải ở vườn mang bán.
Nhìn mẹ tôi đang vá và mạng lại cái áo len tím cũ của ba tôi, tôi hỏi:
- Thấy mẹ mạng đan áo len con lại nhớ đến tháng ba thường có gió rét nàng Bân, trời đã bắt đầu có cái nóng của mùa hè mà tự nhiên một hôm có những cơn gió lạnh trở về và thế là mọi người lại phải lục áo len ra mặc. Thế nàng Bân là ai mà được mang tên đặt cho một đợt lạnh trái mùa như vậy?
Liên, Lan giỏng tai lên và mang gối đến ngồi hai bên mẹ tôi và bà bắt đầu nhẩn nha vừa mạng áo len vừa kể câu chuyện về một nàng Bân rất yêu chồng mà vụng về trong việc khâu vá quần áo.
- À, ngày xưa có một nàng tên Bân rất vụng về trong việc bếp núc vá may, nhưng tính tình hiền lành nên cũng có một tấm chồng hẳn hoi...
- Chị Liên nghe mẹ dùng từ xưa hay không, một tấm chồng. Vậy anh Văn là một tấm, chị như một tấm ván đã trót đóng vào thuyền là, a lê hấp, tấm chàng đi đâu là kéo theo tấm thiếp.
Mẹ tôi có vẻ như mơ màng không nghe thấy các lời bình luận của Lan.
- Năm đó trời mùa đông quá rét, nàng Bân thấy đức anh chồng mặc cái áo the phong phanh thời thương lắm, nên mang tấm vải chúc bâu mua từ mùa hè ra cắt đo định khâu hẳn cho chồng một tấm áo mặc cho đỡ lạnh. Nhưng vì vụng khê vụng nát, nên lúi húi cắt đi cắt lại khâu tới khâu lui mà hết mùa đông áo chồng vẫn còn thiếu một vạt và một cánh tay, nên Xuân đã sang trời ấm mà khi nàng Bân mang tấm áo mới may xong khoác lên vai chồng, thời trời đã bắt đầu trở nóng. Tủi thân vì mình quá vụng về, nàng Bân òa khóc và thút thít cả đêm khiến anh chồng thương hại mà không biết làm sao để dỗ vợ. Sang ngày hôm sau trời đang tiết nóng chợt đổi gió và những cơn gió Bấc lại trở lại vào tháng ba. Nàng Bân sung sướng mang áo mới may xong ra khoác cho  chồng. Vì thế trời thương nàng Bân vụng về thương chồng đã làm ra một đợt lạnh trái mùa vào tháng ba để thưởng công cho nàng, nên về sau người đời đặt tên cho đợt lạnh này là rét nàng Bân, lạnh nàng Bân hay gió nàng Bân và mới có câu ca dao:
Nàng Bân may áo cho chồng
May ba tháng ròng không đoạn cổ tay...

Lan so vai li suýt soa:
- Chà câu chuyện nàng Bân thật hay và cảm động. Nghe đến đây mà Lan cũng thấy lạnh cả hai vai.
Liên nghĩ ngợi ví von ngay:
- Ở nhà này nếu có nàng Bân thời đúng là Liên vì Liên may vá vụng về đệ nhất, thua cả Lan và đâu bì được với mẹ.
Du thời lại có ý nghĩa về một phía khác:
- Du nghĩ nàng Bân vụng về nhưng chắc cái vụng về đó lại là cái duyên ngầm của một cô gái hấp dẫn nở nang, kiểu như Thúy Vân, nên anh chồng mới khoái chí tử.
Tôi nhìn các thứ cần dùng mẹ, Liên, Lan mới đi chợ về để đầy trên divan, gạo nếp, thịt heo, đậu xanh, lá rong, lạt tre, và theo dự tính kể từ chiều nay, mẹ tôi sẽ bắt đầu gói bánh chưng và nồi thứ nhất sẽ khởi đầu lên lửa vào chín mười giờ tối ở cái sân nhỏ trước nhà, còn nồi thứ hai thời phải sang sáng hôm sau, cũng đúng vào ngày mồng một Tết.
Tôi hỏi mẹ tôi:
- Năm nay mẹ định gói bao nhiêu bánh chưng hòn gạch và bác Ba trai có nói với con hôm qua là tối nay, bác sẽ ghé nhà mình để cùng nấu bánh chưng đánh tam cúc bất với các cháu. Ở đây người ta đâu còn giữ cái tục lệ nấu bánh chưng ở nhà và trong cái lạnh đêm ba mươi quây quần sưởi ấm bên nồi bánh chưng như các cái Tết xưa ở trại Cẩm Giàng. Con nhớ lại mới thấy ra hầu hết các cái Tết gia đình mình đều về trại ăn Tết hết. Sao thế hở mẹ?
- Vì bà ngoại chỉ có mình mẹ là con gái, nên chẳng Tết nào mà bà không bắt mẹ phải về Trại nửa tháng trước. Nào là lo sửa soạn phòng tược đón các bác các chú về ăn Tết, lo liệu việc gặt hái thu tiền nợ và lại còn lo đốc thúc người làm mổ heo giết gà, trồng cây nêu và cả trăm thứ việc ở Trại nữa. Tối tăm mặt mũi từ sáng đến tối. Rồi gần ba mươi còn nấu gói bánh chưng cỗ bàn, sửa soạn bàn thờ tổ tiên. Các bà chị dâu nhà giầu gần Tết mới về mang theo vú em người làm hầu hạ lại nhà giầu quà cáp biếu xén bà ngoại, nên thực sự có phải đụng tay đụng chân vào việc gì đâu. Cái gì cũng cô Năm, cô Năm. Tết xong các bác các chú cùng các bà vợ về hết để cái Trại bề bộn lại cho một tay mẹ đốc thúc dọn dẹp. Thế mà động tí là bà ngoại la mắng, mẹ tủi thân chỉ biết cùng thím Sáu ngồi than thân trách phận. Chẳng qua hai gia đình mình nghèo nên mới khổ với bà ngoại.
- Đúng thế, Tết về con bắt gặp mẹ và thím Sáu ngồi khóc với nhau mà tưởng chắc ba và chú sáu rủ nhau đi cô đầu thuốc phiện về Trại muộn làm các bà tủi thân chứ đâu biết là vì bà ngoại la mắng.
Du giọng giáo sư:
- Thế ra mẹ là số phận cô Loan Đoạn Tuyệt lộn ngược, tức là không phải bị mẹ chồng hành hạ, vì hiếm nàng dâu nào thân và thương mến mẹ chồng nghèo như mẹ. Ở đây mẹ lại khổ vì chính sự độc đoán và hành hạ của mẹ ruột. Nhưng ba là người mã thượng, dắt và cưỡi chiếc tầu hỏa về cứu vớt nàng khỏi...
Mẹ tôi ném cái bánh chưng mới gói xong vào Du khiến Du ngã bổ chửng và kêu oai oái trước sự vỗ tay cổ vũ của Liên, Lan.
Rồi câu chuyện cũng trở lại với một giai thoại liên hệ đến Trại Cẩm Giàng và cái bánh chưng mẹ tôi gói. Du cho mẹ tôi biết :
- Con mới đọc một bài báo trích đoạn một bài phát thanh ngoài Bắc về chuyện thi sĩ Xuân Diệu rất háu ăn, ham ăn và ăn rất khỏe. Mời ông ấy đến diễn thuyết là phải có gà có vịt ông mới chịu. Hồi tiền chiến có loan truyền trong giới văn nghệ sĩ thân hữu với nhóm Tự Lực Văn Đoàn, là có lần ngày Tết Xuân Diệu về Trại Cẩm Giàng của giòng họ Nguyễn Tường và đêm giao thừa đã từng ăn hết một lúc hai cái bánh chưng thật lớn...
Lan cười hãnh diện:
- Thế là cái bánh chưng mẹ gói đã đi vào văn học sử cùng với cái tật hám ăn của chú Xuân Diệu.
Mẹ tôi cười hể hả:
- Mẹ lúc nào cũng gói bánh chưng lớn bằng hòn gạch với bốn miếng thịt xếp bốn góc. Chàng nào cứ tưởng thịt ở giữa bánh mà cứ lấy đũa vục vào giữa bánh mẹ gói là lỗ to. Chú Xuân Diệu đâu có ăn nổi hết hai cái bánh mẹ gói, chỉ mới ăn hết một cái là đã ngất ngư, rồi chú ăn thêm được một cái bánh muội.
Liên hỏi mẹ:
- Bánh muội là bánh quái gì mà lại nhỏ vậy?
- Bánh muội là bánh do những người không biết gói cũng nhẩy vào gói đại, có nghĩa đổ một bát gạo nếp vào giữa lá, thêm một nhúm đậu xanh và một miếng thịt rồi đùm lá méo mó như cái đùm mắm tôm buộc lạt. Nhưng được cái bánh nhỏ nên chín trước, lấy ra ăn trước cũng ngon vì đói bụng.
Tôi hồi đó lên mười nên nhớ nhiều chuyện nhất về Tết ở Trại:
- Úi chà, đám cháu gần ba chục đứa trai gái về Trại hết, nên thường chia ra phe con trai, trùm là anh Việt và anh Hùng, và phe gái trùm là chị Nguyệt. Các chú các bác NL, HĐ, TL, XD, KH, TL, TM thời chỉ đến ba mươi Tết mới kéo về, rồi quây quần quanh nồi bánh chưng mẹ gói ngâm thơ uống rượu cà phê đông vui náo nhiệt dễ sợ. Bác Ba thì chỉ khoái chui vào ổ rơm ở căn nhà Ánh Sáng, lạnh quá trùm chăn lên đầu và giục các bà các cô mang trà bánh mứt đến.
Du thú vị kêu lên:
- Du có mấy người bạn giáo sư nhiều tuổi cứ hay nhắc lại đủ giai thoại về Trại Cẩm Giàng và các buổi tụ họp đông văn nghệ sĩ nổi tiếng và Du có cảm tưởng cái Trại Cẩm Giàng của bà ngoại cũng nổi tiếng trong văn học luôn. Du có mấy ông bạn giáo sư có tuổi cứ hay nhắc đến nhiều giai thoại về sự tụ họp các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn và các văn thi hữu của họ ở Trại Cẩm Giàng.
Tôi mơ màng một chút rồi nói:
- Có lúc anh sẽ phải viết một bài hai chục trang về cái Trại Cẩm Giàng mới đủ đọc. Trại và những nhân vật thật lý thú đặc biệt như bà ngoại , chị Thập, anh Dự, thím Sáu. Trong cuốn Người Khách Lạ anh đã dựng lại cái Trại này và bản thảo đã mất tiêu khi di cư vào Nam, chỉ còn một trích đoạn mà bác Ba rất thích là Đêm Trung Thu. Cứ nhớ đến Trại Cẩm Giàng anh lại liên tưởng đến cái điền trang của đại gia đình nhà văn Tolstoi, mà ông có dựng lại trong cuốn hồi ký Tuổi Thơ Ấu đã làm ông nổi tiếng hồi hồi trẻ. Ông có nhắc đến nhiều một bà vú phốp pháp mỡ màng và vui tính. Sao các bà vú nào cũng phốp pháp như bà vú bọn mình thấy trong phim Romeo và Juliette mới đây, cũng như các bà vú mập mạp da phản chiếu ánh sáng đỏ thắm mà họa sĩ Renoir đã vẽ trong những bức họa ấn tượng của ông.
Đến đây tự nhiên mẹ tôi nhìn tôi rồi nói giọng hơi buồn:
- Đáng lẽ sau khi bà ngoại để lại Trại cho mẹ là mẹ định sau này cho Lam để mở mang thành cái đồn điền để về viết văn, cỡi ngựa, giờ đây đất ruộng lại trở về đất ruộng, buồn quá đấy nhỉ?
Tôi cười nhẹ an ủi mẹ tôi:
- Mẹ thì từ khi vào Nam chỉ mong có mảnh đất trên Đà lạt để lập lại một cái Trại như Trại Cẩm Giàng. Mẹ cứ yên chí. Mới đây con có nhận được điện thoại của anh bạn cùng khóa bây giờ lên đến trung tá làm phó Tỉnh phó Nội an Đà lạt. Anh ấy nói có đọc một bài đâu của Du viết về giấc mơ cái nhà của mẹ, nên hứa là chẳng bao lâu nữa anh ấy lên Đại tá làm Tỉnh trưởng Đà lạt sẽ cấp cho mẹ của Duy Lam một miếng đất bên hồ để làm trại.
Tất cả mọi người đều reo lên trước cái tin vui đặc biệt này, nhưng chỉ có mẹ tôi chỉ hơi cười và thở dài, nhẹ nói:
- Tử vi của mẹ lẫn Lam cung điền trạch xấu lắm, nghe anh chúng mày nói cũng vui nhưng e mộng lập trại cũng chỉ là giấc mộng Từ Lâm như của bác Ba trai trước kia mà thôi.
Tôi tuy chẳng bao giờ tin tử vi, có lẽ cũng không tin hơn là lòng dạ một người tình mới say đắm đã bỏ đi lấy chồng nhẹ nhàng còn hơn hơi khói một tách cà phê, hỏi mẹ tôi:
- Thế ra cái mộng Từ Lâm của mẹ và con cũng chẳng phải là chuyện gì mới dưới ánh mặt trời cả, mộng sẽ vỡ tan tành như bác Ba trước kia hay sao?
Lan giục mẹ tôi:
- Mẹ vừa gói bánh chưng vừa kể cho bọn con nghe về giấc mộng Từ Lâm của bác Ba đi.
- À, chả vì có lần các bác các chú và cả mẹ và các con nữa du ngoạn lên Tam Đảo, Chapa. Bác Ba đến thăm một cái làng Từ Lâm ở dưới chân núi Tam Đảo thấy cảnh tượng hùng vĩ ngoạn mục, đồi núi ruộng bậc thang sông uốn khúc thích quá nên về bàn với bà ngoại và các chú bác là nên tậu một miếng đất rộng ở Từ lâm để làm đồn điền rồi di dân đến khẩn hoang lập ấp. Bác cặm cụi vẽ cả bản đồ khu đồn điền Từ Lâm, rồi chia đất đai thành từng mảnh, bà ngoại và mẹ ở chính giữa rồi bác Ba, bác Tư, các chú đều làm nhà chung quanh, thật thơ mộng và lý tưởng. Bác bảo Cẩm Giàng đồng ruộng bằng phẳng chẳng có núi non gì lại chẳng có rừng cây thật tẻ nhạt.
- Đúng là bác Ba làm gì cũng nhiều sáng kiến mới và đã có sáng kiến là nhiệt tình bắt tay vào việc, làm đủ mọi việc. Có thể nói luôn là người mở đường lãnh đạo trong văn chương xã hội chính trị. Cứ như bọn mình làm gì cũng lửa rơm ào ào vừa có mồi lửa là kế hoạch tiêu tan. Phải không Du, người lúc nào cũng có cả chục dự án mà chưa đem thực hiện bất cứ dự án nào.
- Bà ngoại nghe bác Ba trình bầy đồn điền Từ Lâm chỉ cười không có vẻ tin tưởng vào những mộng tưởng to lớn của đứa con trai thứ ba. Bà nói Cẩm Giàng bà xây dựng cơ ngơi từ cái cây cái ao đến nhà cửa Ánh sáng nhà lớn rộng bằng gạch đã bao năm cũng trở nên chỗ lui tới của cả một cái họ đông đảo và các văn nghệ sĩ, sao nỡ bỏ đi cho đành. Vả lại mộ ông ngoại chôn ở Cẩm Giàng, rồi một ngày kia bà mất cũng sẽ chôn ngay gần ông, dù chẳng phải là quê hương gốc của cả bà lẫn ông nhưng cũng đã thành quê hương nơi sinh ra chôn nhau cắt rốn học hành khi tuổi nhỏ của đa số các con trai gái. Thôi, Từ lâm chỉ là chuyện mơ mộng hão huyền, vốn vay đâu ra mà làm...
Tôi lại nhìn mẹ tôi và cái lối ngồi trụ vững chắc giữa divan của mẹ, cái lối ngồi từ bao năm trước khi mẹ gói bánh chưng ở bếp Trại Cẩm Giàng và gần như an ủi mẹ:
- Con có cái thực tế phần nào của ba, còn mơ mộng nhưng chỉ để viết truyện, chứ sống ở đời cũng biết tính toán. Rồi sẽ có ngày tìm được đất cho mẹ làm một cái trại Cẩm Giàng hay Từ Lâm. Thế mẹ không tin ở tử vi con làm lớn có chức có quyền, thừa sức kiếm nhà kiếm đất cho mẹ hay sao? Tử vi con số tả phù hữu bật lại nhà cao của lớn mẹ quên hay sao?
- Nhưng khi con làm lớn ba mẹ có còn sống không để hưởng nhà cao cửa rộng?
Đúng lúc đó Văn lái xe đến mang theo đủ thứ quà bánh rượu ngọt Tết và cả một cành mai vàng không lớn lắm. Tối nay Văn sẽ đến dự buổi gói nấu bánh chưng của gia đình tôi và còn mang thêm hai cô em để giúp mẹ tôi gói bánh cho nhanh. Tôi liếc Thi vừa đến là vén áo dài ngồi ngay lên divan và bắt đầu gói chiếc bánh đầu tiên, xem ra chắc tay và khéo chỉ thua mẹ tôi một tí thôi. Còn tôi và Du còn đang lăng xăng cạnh chỗ gói bánh bây giờ đến ba người nữ cùng gói và sự gần gũi các thân hình tươi trẻ, những cặp mắt bồ câu đẹp, những cử chỉ mềm mại, tất cả đã biến chuyện gói bánh chưng, như một cổ tục thành một sinh hoạt vừa lý thú vừa hào hứng cho giới trẻ vì hương vị của bánh chưng lại thêm cái dịu ngọt vương vấn của tình yêu chưa ngỏ đầy hứa hẹn và chứa chan hi vọng.
Vào khoảng gần tối, bánh chưng đã gói xong và được mẹ tôi mang xếp đầy hai cái thùng tôn một lớn một nhỏ kê trên các hòn gạch lớn, ngay dưới cái cây lớn trên cái sân nhỏ trước nhà.
Đêm ba mươi Tết mà xe cộ dưới lòng đường Lý Thái Tổ nườm nượp, chắc chở người đi sắm Tết trước Giao thừa. Tôi không hiểu có vài bạn hay độc giả của tôi biết căn nhà chúng tôi ở, có tự hỏi sao dưới cây nhiều sâu, lại đông người quay quanh các nồi bánh chưng đến thế. Họ đâu biết cả phố chỉ có gia đình tôi Bắc kỳ di cư, là vẫn giữ tục lệ nấu bánh chưng đêm ba mươi. Dĩ nhiên có mấy cái chiếu trải quanh thùng bánh chưng cháy sáng rực và có đến hai bàn cờ bạc hẳn hoi, một chơi bất cho người lớn một tam cúc và có đủ thứ trà cà phê và bánh đậu, bánh khảo và mứt cùng hoa quả khô. Đến khoảng gần tám giờ lại thêm hai anh em Trần Tán Tỉnh và Chàng Cống đen ghé qua để được mẹ tôi cho một cái bánh chưng đã đi vào văn học sử, có buộc lạt đỏ và nhận bánh kẹo mứt biếu Tết và cả rượu ngọt. Lan còn hỏi mẹ tôi:
- Thế bánh buộc lạt đỏ có gì đặc biệt?
- Bí mật không tiết lộ sớm, để khi ăn hết bánh sẽ biết.
Sau Tết chàng Tán Tỉnh tiết lộ bánh lạt đỏ cứ tưởng bốn góc đều có thịt mà hóa ra không phải chỉ thấy có nhân đậu khi xắn và chỉ có một miếng thịt ở giữa.
Câu chuyện xoay quanh những cái Tết xưa và Văn cùng hai cô em nhắc lại những cái Tết ở khu trung tâm Hà Nội, Lò sũ, nơi gia đình Văn có đến trên mười căn nhà và cả một điền trang ở vùng Kẻ Sặt, cách Cẩm Giàng vài cây số.
Thế hóa ra cái điệu đà trong ăn mặc cử chỉ ăn nói của Thi Ngà là vì hai nàng gốc gác con nhà giầu Hà Nội. Liên trêu Văn:
- Vậy mà anh Văn ngày nay cũng ABC đi ở thuê như bọn này thôi. Liệu hồn đấy sau này lấy vợ là phải dựng lại cơ đồ, tậu vài căn nhà nếu không...
Văn nóng mặt hỏi ngược lại:
- Không thì sao?
- Chẳng sao hết. Đất lành chim đậu. Chỗ nào có villa cơm tây là ta tới...
Văn tức quá nên vừa được yêu cầu, hát luôn hai bài hát Mỹ với cái giọng trầm mà mọi ngưòi đều khen chẳng thua gì Anh Ngọc, đó là những bài Secret Love và You D’ont Know Me.
Tối đó tôi đỏ ghê lắm, đánh bất cứ chín với mười dài dài thu tiền hết của mọi người khiến Lân phải nói móc:
- Đỏ bạc, đen tình, tại chị Michele mới về Pháp anh Lam mới đỏ thế.
-Tôi liếc đôi mắt bồ câu của Thi ỡm ờ:
- Chẳng phải vì một người tình bỏ đi là đen mà còn một vụ khác, rủ người ta đi xinê pecmanang mà chờ hoài không thấy tới. Đỏ là phải thôi.
Liên thì thầm câu hỏi gì đó vào tai Thi khiến nàng giẫy nẩy đỏ mặt tía tai:
- Bậy nào. Ai nói là Thi không thích Michele. Chỉ vì hôm anh Lam dẫn Michele đến chơi mình đang... khó ở.
Gần đến Giao thừa, Văn và hai cô em từ biệt ra về vì bên nhà cũng có cúng và qua lời Văn, Ngà sợ các chàng theo đuổi tán tỉnh, cả Thi, Ngà đang nóng ruột. Với nhiều bịn rịn cuối cùng tôi cũng đỡ Thi lên xe dù chỉ kín đáo hẹn với nàng mồng hai rủ đi xem một phim ướt át với số tiền tôi được bất và Văn, Liên còn chúi đầu sau bánh xe sơ cua của xe jeep để hôn một vài cái lấy hên năm mới. Ngà mang theo mấy cái bánh chưng lạt đỏ về ăn Tết và nàng ta kiêu ky, chả thèm nhìn đến Du đứng sớ rớ ở gốc cây. Suốt buổi tối đánh bất chả biết Du nói đùa những gì sống sượng mà cô nàng cứ lắc đầu làm mặt giận hoài.
Năm đó Sàigòn ăn một cái Tết thực ồn ào rộn rịp đầy cái vui tươi  của những ngày tháng thanh bình hiếm hoi còn được hưởng. Gia đình tôi để nồi bánh cho chị Vân, kéo nhau đi bộ đến chùa ngay đường Phan Đình Phùng sau nhà. Phố phường không có xe cộ, lòng đường tràn ngập người đi lễ Giao Thừa ồn ào, nhiều cô gái đẹp phấn son sực nức và đêm mồng một, hai cái áo gấm vàng và xanh của Liên, Lan cũng hợp cảnh. Hai cô líu ríu đi theo mẹ, nhưng thay vì cầm tráp trầu thời ôm một cái hộp mứt kẹo đầy ụ và rả rích vừa đi vừa ăn suốt dọc đường. Tôi và Du mặc complet, cà-vạt hẳn hoi và chốc chốc lại châm pháo lẻ vào thuốc lá vất lên trời để pháo nổ, xác pháo rơi lả tả, giấy sắc pháo đỏ vào tóc vài cô đi đường.
Hàng phố nhộn nhịp bầy bàn thờ bên bờ hè để lạy Trời lễ Đất, đèn nến sáng trưng và tôi nói với Du.:
- Chắc bọn mình chỉ còn vài cái Tết thanh bình nhộn nhịp như thế này nữa là mọi sự sẽ đổi thay hết.
- Năm tới Du động viên vào Thủ Đức rồi chả biết Tết sẽ đóng đồn nơi nào nên chỉ thấy mai vàng miền Nam mới biết Tết đã tới. Ồ, anh xem cái cô bé đi trước kia cái cổ tuyệt và đôi chân thon dài hết sẩy... về nhà là Du sẽ mượn xe Lambretta của anh đến đón nàng Keeng Keeng đi lễ muộn.
- Một ý kiến hay, có nhiều thứ vị ngọt trên môi đọng lâu hơn là mứt.
Tết thanh bình, tuổi trẻ và tình yêu, bọn tôi còn mong gì hơn ở cuộc sống Sàigòn của những ngày Tết thanh bình.

DUY LAM
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top