• Võ Phiến: CÁ TÍNH VĂN HỌC MIỀN NAM

• Võ Phiến

CÁ TÍNH VĂN HỌC MIỀN NAM


Hồi năm 1949, Hoài Thanh có cho xuất bản một quyển sách ở liên khu 10, nói về Truyện Kiều [1]. Để khen Nguyễn Du tả Kiều hay, ông có đem những đoạn Đồ Chiểu tả Nguyệt Nga ra so sánh, nêu lên các chỗ dở mà cười. Chuyện đó dễ, là vì so với Truyện Kiều thì Lục Vân Tiên kém xa. Nhưng có điều Hoài Thanh lại nhân đó giảng giải luôn rằng sở dĩ Đồ Chiểu kém như thế là vì sáng tác trong chế độ phong kiến suy tàn: “sức sống phong kiến đã quá khô héo không còn đủ cho văn nghệ phong kiến tạo nên được những con người sống thực”. Lối giảng giải ấy không ổn. Bởi vì thời đại Nguyễn Du nào có hơn gì thời Đồ Chiểu? Chính Hoài Thanh, ở một đoạn về thân thế Nguyễn Du cũng nói rằng: “Nguyễn Du sinh năm 1765. Kể từ Lê Lợi đánh quân Minh dựng nước đến bấy giờ đã có hơn ba trăm năm. Sau ba trăm năm ấy chế độ phong kiến ở nước ta đã suy vi đến cực độ”. Một người ở vào thời “phong kiến quá khô héo” với một người ở vào thời “phong kiến suy vi đến cực độ” thì có ai may mắn gì hơn ai đâu? Sao lại đem chi chuyện đó để giải nghĩa cái dở cho đâm vào sự mâu thuẫn buồn cười?

Ngoài Hoài Thanh ra, nhiều người khác cũng nghĩ ngợi về cái dở trong văn Đồ Chiểu. Phan Văn Hùm nhận rõ rằng: “Xem Ngư tiều vấn đáp, xem Dương Từ – Hà Mậu, nhất là xem tác phẩm rất dung thường của tiên sinh là quyển Lục Vân Tiên, ta sẽ thấy những chỗ bơ thờ, lạt lẽo, sống sượng, lúng túng, vụng về, không có chút gì văn vẻ cả” [2]. Cái dở trong văn chương mà cũng khiến cho người băn khoăn suy nghĩ và đi tìm nguyên nhân cắt nghĩa thì là một sự lạ. Phan Văn Hùm cắt nghĩa rằng người ta đọc văn Đồ Chiểu là bởi chuộng người có tiết tháo hơn là vì nghệ thuật, còn Đồ Chiểu cũng chỉ muốn viết sách để bày tỏ chí khí và dạy đời chứ không cốt làm văn chương. Ông Phan cho rằng giá ông Đồ mà chịu “phí thêm thì giờ, thao luyện văn thể, thì tiên sinh quyết cũng làm nên văn thanh thoát”.
Ông Hà Như Chi cũng đoán thế: “Nguyễn Đình Chiểu nếu muốn tài hoa mỹ lệ thì cũng rất có thể tài hoa mỹ lệ”3 như ai!
Người ta có cảm tưởng rằng ông Phan và ông Hà lại cũng quá mến trọng tiết tháo của cụ Đồ Chiểu, nên không ngừng lại ở một nhận xét khách quan, mà còn tìm cách biện bạch che chở khuyết điểm của cụ Đồ. Luận điệu hai ông thoạt nghe thật kỳ cục. Phàm người ta xét văn thường chỉ nhận cho là hay hay dở, chứ gặp văn dở mà dám đoán thêm rằng đó là tại tác giả không muốn viết hay thì người phê bình đi có quá xa! Vả lại viết văn để răn đời, tỏ chí, giải bày tâm sự, thì xưa nay biết bao nhiêu người đã làm như thế, có phải đó là lý do để viết ra văn dở đâu? Nói ngay về Nguyễn Du, người ta cũng cho rằng người viết Truyện Kiều chẳng qua là muốn ký thác một tâm sự, chứ đâu phải cốt hăm hở “phí thì giờ, thao luyện văn thể”, chăm chỉ làm ra tác phẩm văn chương để đời, vậy mà cứ thành văn hay.

Tuy nhiên, luận điệu của hai ông Phan và Hà thoạt tiên nghe kỳ cục mà ngẫm nghĩ vẫn có chỗ lý thú. Người ta tự hỏi có chăng một hạng tác giả “rất có thể tài hoa mỹ lệ” mà không chịu khó làm ra tài hoa mỹ lệ, “quyết cũng làm nên văn thanh thoát” mà không chịu khó làm ra văn thanh thoát? có chăng một hạng tác giả tánh tình xuề xòa dễ dãi quá như vậy? — E rằng cũng có! Nhiều người kể lại trước đây không bao lâu ở Sài Gòn nữ sinh trung học tóc thề cứ ngang nhiên mặc áo bà ba đội nón cối đi học, mà ngay mới hồi trước phong trào di cư vừa rồi phụ nữ miền Nam phục sức cũng giản dị, xuềnh xoàng hơn bây giờ nhiều lắm. Sự chú ý chăm chút đến một màu quai nón, đến hình dáng đôi guốc, đến một kiểu tay áo, cổ áo, không phải là bản tính của họ. Phụ nữ đã vậy, nói gì đàn ông! Mà người ta đã dễ dãi như thế trong sự làm đẹp bản thân thì người ta cũng rất có thể dễ dãi về quan niệm cái đẹp trong văn chương. Trong thái độ thưởng thức cuộc sống, chúng ta còn nhiều dịp thấy người miền Nam tránh mọi sự cầu kỳ. Chỉ ở Bắc mới có người ăn uống kiểu cách như Tản Đà và luận bàn về cách ăn kỹ lưỡng như Tản Đà, mới có kẻ đi nếm đủ thức ăn ở “Hà Nội 36 phố phường” rồi viết thành sách, mới có người tinh tế đến nỗi đất nước chia đôi, cách xa quê hương lâu rồi mà vẫn nhớ rõ mùi vị từng “miếng ngon Hà Nội”. Như thế cũng là vì miếng ăn ở miền ngoài nấu nướng thật là công phu khéo léo. Còn như ở trong này cách nấu nướng thường thường giản dị, nhiều khi chỉ nướng hay luộc, ít gia vị: món ăn như lươn, ếch, thịt bò v.v... ít bị chế biến làm mất hương vị thiên nhiên. Nghe tên một món ăn như món “bò bụng” người ta đã thấy cái tâm lý không có chút nào kiểu cách của người thực khách trong Nam. Ở Sài Gòn Chợ Lớn, theo lời một số người sành ăn uống, không có tiệm nào chế được bình trà ngon, vì rất ít khi gặp hạng khách thích nhắp từng hớp trà tỉ mỉ.

Ở cái nơi có một tập quán sinh sống, có một thái độ thưởng ngoạn dễ dãi như vậy, một tác giả không khắt khe với hình thức câu văn mình viết ra cũng là tự nhiên. Nhưng ta đã gợi đến tánh xuề xòa chung cho cả miền Nam thì tức là ta không muốn nói riêng về “một tác giả” nữa rồi. Thực vậy, không riêng gì ở Đồ Chiểu, đọc văn của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của trước kia, của Hồ Biểu Chánh, Phú Đức... sau này, người ta cũng thấy đặc tính ấy.

Những khuyết điểm hình thức của câu văn ở trong Nam còn có lý do khác, mà ông Thanh Lãng nói rất đúng “... các nhà văn miền Bắc, có lẽ vì uyên thâm nho học hơn, nên khi viết văn đã chịu sức tác động của văn chữ Hán rất mạnh: câu văn đặt dài, cân xứng, đối chác và điểm xuyết nhiều Hán tự. Ngược lại, lối văn trong Nam là một lối văn đơn sơ, mộc mạc, dùng hầu toàn chữ nôm; cách đặt câu có vẻ cục cằn, vắn tắt, không xét gì đến cân xứng, đối chác”4. Vả lại theo tình trạng văn học chung thì đến thế kỷ thứ 19 nền văn học quốc âm của ta đã phát triển đến độ cực thịnh, kỹ thuật thi ca Việt Nam đã đạt đến độ rất cao, nhưng thuở ấy miền Nam là đất mới khai phá, việc học hành thi cử bắt đầu chưa bao lâu, người miền Nam tham dự vào hoạt động văn học còn mới mẻ quá, nên cùng là tác giả một thời đại mà nhà văn miền Bắc có cái lợi được sử dụng một ngôn ngữ đã thuần thục hơn.

Nhưng điều chúng ta chú ý đến lần này không phải là ảnh hưởng đậm hay lạt của Hán học, hoặc quá khứ văn học lâu dài hay ngắn ngủi, mà là một vài yếu tố tâm lý nó làm ra cá tính của Miền Nam cùng với ảnh hưởng của cá tính ấy trong văn học. Bởi vì từ đây về sau chắc chắn ảnh hưởng đó càng ngày càng quan trọng thêm nhiều.

Vừa dễ dãi xuề xòa, người Việt miền Nam vừa mau mắn hoạt bát. Giọng văn của các tác giả trong Nam có một vẻ gì rất khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Cho đến cách xây dựng cốt truyện cũng thế. Truyện của Đồ Chiểu, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, cách kết cấu không có gì là chặt chẽ khéo léo, không tỏ ra tốn nhiều công phu, nhưng bao giờ cũng linh động. Ở những tác giả lớp sau như Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam, kỹ thuật đã điêu luyện hơn nhiều, cốt truyện và lối viết văn vẫn giữ đặc tính truyền thống đó. Người câu chấp sẽ trách Bình Nguyên Lộc ở chỗ ông cho bốn cô gái ông Nam Thành trong Đò dọc nối tiếp nhau xuống thang gác trình diện anh Long, rồi hai cô nối nhau đi tự tử, rồi lại ba cô nối tiếp nhau đi lấy chồng. Chuyện gì chuyện nấy xảy ra rụp rụp. Tác giả như tuồng hơi lơ đãng, không quan tâm mấy đến sự sắp đặt cuộc đời của các cô. Nhưng sự lơ đãng đó lại có vẻ tài hoa, phóng khoáng, nghịch ngợm. Nếu Bình Nguyên Lộc chăm chút nhân vật mình hơn, “có trách nhiệm” hơn chút nữa, ông sẽ mất cái thái độ thảnh thơi khinh khoái nhẹ nhàng rất đẹp đẽ ấy đi. Hồi 1956-1957 (?), trong tạp chí Nhân loại, Sơn Nam có đăng mỗi kỳ một cái truyện nhỏ về phong tục ở miền quê Nam phần [5], truyện nào cũng lý thú và xây dựng một cách giản dị dễ dàng. Người đọc có cảm tưởng tác giả viết khoẻ như bỡn. Vì thế mà đọc càng thấy lý thú. Chính vì không thấy công phu bố trí xếp đặt nên mỗi cảnh đời, mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật mang vào trong truyện còn nguyên vẻ linh động như chưa rời khỏi khung cảnh sinh hoạt ngoài trời đất bao la. Người ta nghĩ đến những con cá ăn câu vừa giật lên khỏi mặt nước, còn tươi sống dãy đành đạch!

Nhưng “anh hoa phát tiết ra ngoài” rực rỡ cũng là điều không tốt. Những người hoạt bát nhanh nhẹn thường thiếu đi sự thâm trầm sâu sắc. Người lanh lợi có thể chỉ nhìn qua một thoáng là đã nhận xét tâm lý kẻ khác rất nhanh chóng, sở trường của họ không phải ở chỗ triền miên trong sự suy tưởng sâu xa về những hoạt động rắc rối của tâm giới. Chúng ta không gặp ở miền Nam những tác giả như Nguyễn Tuân, suy nghĩ tẩn mẩn dài dòng suốt đôi ba mươi trang tùy bút vì một ngọn gió giục lên đường, hay một tác giả phân tích tỉ mỉ một trường hợp tâm lý do dự như Thạch Lam trong ‘Sợi tóc’. Tỉ mỉ không phải là tính người miền trong. Ở ngoài đời xuề xòa là một đặc điểm tâm lý quý hóa: những người tính tình như thế, ta nên tìm đến mà giao thiệp. Nhưng nhân vật tiểu thuyết không cần gần gũi kẻ tốt bụng! Những kẻ hay xoi bói khó chịu nhất, hay tìm tòi khai quật những hắc ám giấu giếm kỹ trong tâm hồn nhất, lại là những kẻ có công tác thành đối với họ, làm cho họ mau có hình dáng bản sắc, mau “nên người”. Cho nên sự cạn cợt của cụ Đồ Chiểu đã hại Lục Vân Tiên nhiều lắm khi chàng thanh niên đó gặp gái đẹp lần đầu. Chàng hô “khoan khoan” không cho Nguyệt Nga xuống xe; chàng ngoảnh mặt làm ngơ không nhìn trâm; nghe cô gái xin làm thơ thì:

“Vân Tiên ngó lại rằng: Ừ,
Làm thơ cho kíp một giờ chớ lâu”.

Giọng điệu của chàng hách quá! Người thanh niên văn võ toàn tài ấy chỉ vì chỗ tâm lý thiếu tế nhị mà bị người đời sau chê cười, nhạo báng mãi. Tôi chắc nếu chàng biết được những lời chế giễu của Hoài Thanh thì chàng sẽ oán trách cụ Đồ Chiểu vô cùng vì cái tính hời hợt của cụ.

Không sở trường về những phân tích tâm lý sâu xa tinh tế, tác phẩm các nhà văn miền Nam quyến rũ bằng sự hoạt động. Đò dọc là một quyển truyện tâm lý, nhưng mà các tình tiết luôn luôn diễn tiến nhanh nhẹn bất ngờ. Chúng ta chê Hồ Biểu Chánh cạn cợt, kể chuyện chỉ phác qua lớt phớt tâm lý các nhân vật, không chịu ngừng lại phân tích cho tử tế. Nhưng giới bình dân trong Nam lấy làm thú một phần ở chỗ động tác trong truyện biến chuyển nhanh thoăn thoắt. Cũng không phải tình cờ mà Phú Đức viết một pho truyện dài như Châu về Hợp Phố, nhìn vào trang nào trong đó cũng toàn những hoạt động hoa cả mắt. Đọc xong một tác phẩm của miền Nam rồi đọc tới Lửa thiêng của Huy Cận hay Quê hương của Nguyễn Tuân chẳng hạn, người ta có cảm tưởng đang đi dạo giữa buổi mai đẹp dưới trời xanh, ánh nắng nhấp nháy trên muôn hoa lá, bướm bay chim hót tưng bừng xung quanh, bỗng lạc chân bước vào một con đường tĩnh mịch, hơi tối và lạnh, một nơi yên lặng, thuận tiện cho sự trầm ngâm suy tưởng nhưng dẫn ta tách lìa ra xa cuộc sống náo nhiệt.

Nhân nói về sự hoạt động tôi nghĩ đến quang cảnh những đường phố ở trong Nam. Sự thật thì một người từ Trung từ Bắc vào, vừa đi quá Nha Trang đã để ý đến hiện tượng ấy. Quán ăn ở các thành phố miền trong thực là rộn rịp đông đúc, thường khi tràn ra đến ngoài lề đường. Người trong này thường ăn ở quán, kéo cả gia đình và bạn bè ăn uống ở quán, trong khi người miền ngoài thích khung cảnh ấm cúng yên tịnh thân mật trong nhà. Dẫu khi đến quán, người Trung người Bắc cũng muốn tìm một chỗ khuất và yên tịnh một chút. Trái lại người Nam không ngần ngại mà có vẻ còn thích những quán lộ thiên sát bên đường đi. Cuộc sống mỗi người ở miền ngoài thu rút vào dưới mái gia đình, cuộc sống trong này cứ tràn ra ngoài xã hội rộng lớn náo nhiệt.

Bản tính hiếu động nên nhà văn miền Nam có thể kể một nỗi vui, nỗi khổ đau, một cơn tức giận, thịnh nộ, nhưng lại không hay diễn tả cái thứ buồn uể oải, thứ buồn nó ngấm trong điệu thơ lục bát của toàn quyển Kiều như là một cảm giác tê mỏi ngấm khắp gân cốt, tản mác khắp châu thân của một người mệt nhọc. Nguyệt Nga cũng có lúc khổ đến tự tử, nhưng không có khi ngồi như Kiều ở lầu Ngưng Bích “buồn trông” chân trời mặt bể. Mà dẫu có đứng trước cảnh đó chắc Nguyệt Nga cũng không tự hỏi cái câu:

“Hoa trôi man mác biết là về đâu?”

“Hoa trôi về đâu” thì không có gì đặc biệt. Nhưng thêm vào bốn chữ “man mác, biết là” tác giả làm cho giọng nói dịu dàng thấm một nỗi buồn mênh mông tiêu cực vô hạn.

Hạng người nào trong đời cũng có thể gặp hoàn cảnh bi đát để đau đớn. Nhưng buồn rầu nhẹ nhàng vì một cảnh “Bèo giạt về đâu hàng nối hàng”

hay vì một cảnh “đèo cao quán chật”, một cảnh “trời rộng nhớ sông dài”, thì hạng người đó phải trầm tĩnh lắm. Chỉ có những tâm hồn quen với quạnh hiu cô tịch mới hay có những xúc động như thế. Người miền Nam thích sự hoạt động quá. Cái hay của họ phải tìm về một hướng khác.

Chẳng hạn nhờ tính hoạt động, nhờ trí óc lanh lợi bén nhạy luôn luôn nảy bật ra sáng kiến mới mẻ, gần như nhà văn nào trong Nam cũng có một sức sáng tác thật dồi dào, đó chẳng phải là một ưu điểm cho các tác giả miền ngoài ao ước sao? Người ta nói nhiều đến sự nghiệp đồ sộ phi thường của Trương Vĩnh Ký: con người minh mẫn sắc bén và rất hoạt động ấy, trong sự tìm tòi khảo sát đã nhảy băng từ sinh vật học tây phương đến triết học đông phương, từ văn chương bình dân Việt Nam đến sách vở kinh điển La Mã, Hy Lạp, đang lúi húi nghiên cứu về con bọ rầy bỗng đi dịch và chú thích tứ thư ngũ kinh, đang kể chuyện đời xưa “bụng làm dạ chịu” bỗng đi làm tự điển và viết sử. Vừa bằng ngoại ngữ, vừa bằng tiếng nước nhà, tác giả đó đã để lại một sự nghiệp trước tác ghê gớm về số lượng. Sau này viết tiểu thuyết mà được nhanh được nhiều như Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Phú Đức v.v... các nhà văn có tiếng ở miền ngoài cũng ít ai bằng.

Viết được như vậy tất nhiên họ có trí tưởng tượng phong phú lắm. Trí tưởng tượng ấy thừa sức để vẽ ra những cảnh tượng ly kỳ, bày ra những câu chuyện lạ lùng quái đản, nhưng đôi khi có hơi ngây thơ, khó tin. Nếu muốn bới tìm những chỗ sơ hở vô lý trong các cốt truyện của Hồ Biểu Chánh và ngay đến của Bình Nguyên Lộc nữa cũng không khó gì. Họ bay đuổi theo sự tưởng tượng phơi phới mà ít quan tâm đến chi tiết lắm.

Giỏi tưởng tượng thì tội gì chẳng đặt chuyện ma! Bởi thế chuyện ma quỷ cũng có, mà chuyện đánh nhau cũng có vô số. Đánh bắn nhau thì kịch liệt dữ dội có thừa, nhưng khung cảnh không có gì rùng rợn bí hiểm lắm đâu. Ma quỷ thì vẫn biến hóa đủ cách tài tình nhưng không lấy gì làm khủng khiếp. Đọc Trại Bồ Tùng Linh của Thế Lữ người ta thấy rờn rợn tuy rằng người con gái trong truyện vẫn nguyên là một người con gái thường từ đầu đến cuối, không biến ra mặt xanh, lè ra lưỡi đỏ lần nào: cái ma trong truyện chỉ là một khung cảnh ma, một không khí ma mà thôi. Gần đây Phong Ngạn viết Tân Liêu Trai, (lại cũng một tên sách nhắc đến Bồ Tùng Linh). Ở đây ma nhiều hơn, biến hóa ly kỳ hơn, nhưng toàn quyển truyện không thể bảo là đem đến cho ai một cảm tưởng sợ hãi nào. Trái lại, có thể coi đó là những mẩu chuyện vui. Ông Phong Ngạn kể thoăn thoắt một lát, xem chừng người đọc hơi lo lắng, ông đã vội vàng cười xòa bảo ngay cho biết là nói dối cho vui đấy thôi. Tôi đã bảo người Miền Nam thực đáng tìm đến mà kết thân! Có muốn nát người một chút mà chơi họ cũng không nát được: họ nhanh nhẹn, dí dỏm, nhẹ tính, cạn cợt quá. Trong tâm hồn họ không có chút hắc ám nào, nên làm sao họ hình dung ra được một cảnh âm u, nặng nề tử khí, ghê rợn. Sơn Nam nhắc tích cũ ở miền Hậu Giang không thiếu gì chuyện hùm thiêng rắn dữ, chuyện hoang đường ma quỷ, nhưng cũng không nhắm gây ra cảm giác kinh sợ hãi hùng. Câu văn ngăn ngắn nhẹ nhàng, Sơn Nam kể lúc nào cũng có nụ cười trên môi, làm cho ma quỷ trông có vẻ ngộ nghĩnh hơn là hung ác, cảnh âm ti sáng sủa lên nhiều lắm. Ma cọp ở rừng Cà Mau của Sơn Nam không giống ma cọp ở rừng núi Bắc Việt của Lan Khai chút nào. Cái khác đó không phải bởi ma cọp khác loài mà bởi người khác tính.

Con người còn có thể bị một thứ ám ảnh khác cũng khủng khiếp không kém ma quỷ: đó là những thắc mắc siêu hình. Ý nghĩa cuộc đời, ý nghĩa sự sống và cái chết, thân phận con người trước vũ trụ bao la, những vấn đề cũ kỹ đó từ xưa đến giờ thỉnh thoảng lại thấp thoáng chờn vờn hiện lên trong các tác phẩm văn nghệ như bóng ma truyền kiếp không sao xua đuổi cho tan biến được. Hiện lên để gây sự bối rối hoảng hốt.

Những thời kỳ sóng êm gió lặng, cuộc sống xã hội tiếp diễn đều đều, người ta có thể nguôi ngoai. Nhưng lâu lâu, đời sống bị một phen xáo trộn điên đảo, những giá trị cũ bị phá đổ, người ta hoảng hốt khắc khoải đặt lại những vấn đề trên. Hồi Khổng giáo bị tư tưởng Tây phương lay đổ, giọng Xuân Diệu cuống quít vì lo hãi tuổi xuân với kiếp người ngắn ngủi, Huy Cận bị ám ảnh bởi tính cách mang mang của trời đất vô cùng khiến con người trơ trọi thực là bơ vơ lạnh lẽo. Trong văn xuôi, Hoàng Đạo cũng đưa ra một anh Duy vừa chơi bời vừa thắc mắc suy nghĩ ý nghĩa đời sống của mình.

Sau cuộc chiến tranh thứ hai, đời sống con người lại xáo trộn lần nữa. Lại nổi lên bao nhiêu là hoang mang. Ngày nay những nhân vật tiểu thuyết trong Bếp lửa, Siu cô nương, Thần tháp rùa v.v... cũng trải qua một cuộc khủng hoảng tin tưởng, có lẽ còn quan trọng hơn lần trước. Anh chàng Duy trước kia rồi nhờ tình yêu, nhờ xem sách, ngắm giàn đậu ván nghĩ ngợi có thể tìm ra “con đường sáng”. Chứ những người thanh niên trong nhiều cuốn tiểu thuyết bây giờ cứ kéo dài cuộc sống lộn xộn không mục đích cho đến trang sách cuối cùng của họ. Muốn biết hồi sau phân giải thế nào e còn phải chờ lâu.

May làm sao phần đông các tác giả miền Nam đều khỏi biết đến cơn khủng hoảng ấy. Đó là phần thưởng dành cho những tâm hồn giản dị, hồn nhiên, lạc quan. Nhân vật của Bình Nguyên Lộc, của Sơn Nam, cũng trải qua mọi thê thảm của chiến tranh, cũng khổ sở đủ điều, họ cũng thở than buồn phiền, nhưng họ không đến mất tin tưởng ở cuộc đời. Vợ chồng cha con ông Nam Thành trong Đò dọc bị cảnh nghèo ở quê thì ra đô thị sinh sống. Lại gặp thời cuộc biến đổi, bị khó khăn ở đô thị họ liền vui vẻ ríu rít kéo nhau về quê. Trông họ nhẹ nhõm, vô tư lự. Những ông bác sĩ, luật sư, những thanh niên giàu sang mà bối rối trước thời cuộc, đang gặp tai họa lớn trong đời sống tinh thần và đang ngẩn ngơ trong các cuốn tiểu thuyết của Mặc Đỗ, họ có thể ngừng uống rượu lại một chút, lái xe Huê Kỳ tìm đến gia đình ông Nam Thành mà mua chiếc áo lót, vì ở đây chắc chắn họ gặp những kẻ sung sướng. Lẽ cố nhiên ở đời làm gì có kẻ sung sướng tuyệt đối. Miễn được tính vô tư như thế là tiên trên đời rồi.

Hoài Thanh so sánh hai cảnh tự trầm của Thúy Kiều và Nguyệt Nga. Ông nói: “Trước khi chết Kiều bị ám ảnh vì cái cảnh trời cao sông rộng. Hình như nàng cảm thấy cái bé nhỏ của mình và thấy ngợp trong khi đi vào cõi chết mênh mông. Chỉ có mấy câu thơ mà bốn lần láy đi láy lại cái ý mênh mông.

“Cửa bồng vội mở rèm châu,
Trời cao sông rộng một màu bao la.”
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

“Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông.
Trông vời con nước mênh mông
Đem mình gieo xuống giữa dòng tràng giang.”

Chúng ta liên tưởng đến cái rợn người của Pascal trước “tính cách vô cùng của vũ trụ.”

Nguyệt Nga thì không nhìn trời nhìn đất cho mất thì giờ; nàng chỉ:
“Than rồi lấy tượng vai mang
Nhắm dòng nước chảy vội vàng nhảy ngay.”

Hoài Thanh hỏi: “Việc gì mà vội vàng nhảy ngay? Nguyệt Nga nhảy xuống sông tự tử mà vô tâm như người ta nhảy trên sân vận động. Nhịp điệu câu thơ cũng gấp gáp, láu táu đến buồn cười.” Như ta đã biết, Hoài Thanh cho rằng sở dĩ Nguyệt Nga đến như thế là vì sức sống chế độ phong kiến thời cụ Đồ Chiểu quá khô héo, không còn đủ cho văn nghệ phong kiến tạo ra được những nhân vật ra hồn. Hoài Thanh sống trong một xã hội mà mọi người đua nhau nói chính trị cho nên ông cũng đem một lý do chính trị ra nói vậy thôi. Nhưng hiểu được sự giải thích của ông cũng khó lắm thay! Chúng ta chỉ ghi nhận sự vô tâm của Nguyệt Nga mà khoan tìm cách lý giải. Nguyệt Nga không có cái rợn ngợp trước vũ trụ vô cùng. Nhưng chỉ vô tâm như thế cũng chưa đáng xử cho là không thành người.

Sau Nguyệt Nga, trong văn chương miền Nam rồi vẫn còn có thiếu nữ yêu đương, gặp nghịch cảnh, và cũng tự tử nữa, sau Lục Vân Tiên rồi vẫn có thanh niên gặp hoạn nạn, hoặc họ phản ứng dữ dội tung hoành dọc ngang, hoặc họ tiêu cực trách nhân tình thế thái, nhưng ít thấy kẻ nào bị xáo động mà cảm thấy mình bơ vơ trước hư vô và kêu lên:
“Không gian ơi! Xin hẹp bớt mông mênh”.

Cuộc đời còn dài, cá tính của một miền cũng như của cả một dân tộc không phải là cái gì cố định, không thể biến hóa. Suy nghĩ về một đôi nét cá tính đó cũng không phải là có ý gì phân biệt Bắc Nam, rạch chia ranh giới trong văn chương. Sài Gòn trong giai đoạn lịch sử này đã thành ra thủ đô cả nước, thành trung tâm hoạt động văn hóa; cá tính của Sài Gòn, của miền Nam chẳng bao lâu sẽ ảnh hưởng mạnh đến xu hướng chung của văn học trong nước mà không còn là cá tính địa phương nữa. Vì lẽ đó mà dò dẫm về một hướng phát triển văn nghệ trong tương lai chúng ta không thể bỏ qua việc tìm hiểu cá tính văn học miền Nam. Nghĩ về cá tính miền Nam chẳng qua là băn khoăn về một phương diện trong vấn đề định hướng văn nghệ lúc này.

Miền Nam còn trẻ quá, chưa có thì giờ xây dựng những thành tích lớn lao về văn học. Nhưng chính vì còn trẻ mà miền Nam dám đi trước miền Bắc. Trước đây một trăm năm, trên địa hạt văn học, miền Nam đã làm một kẻ tiền phong tuy thiếu tế nhị tao nhã nhưng liều lĩnh gan dạ, làm công việc khai sơn phá thạch, dắt dìu miền Bắc tiến theo con đường âu hóa: những văn phẩm đầu tiên viết bằng quốc ngữ in bằng mẫu tự la-tinh ra đời ở miền Nam, tờ báo đầu tiên khai sinh ở miền Nam, lớp nhà văn dùng ngòi bút sắt xuất hiện đầu tiên ở miền Nam với Trương Vĩnh Ký. Những sinh hoạt tiền phong đó rồi lôi cuốn cả văn học toàn quốc về một hướng mới.

Ngày nay, lại vì những biến cố chính trị nữa mà Sài Gòn đóng vai trò lãnh đạo ở phần đất tự do nước ta. Ngót một triệu người, trong đó có rất nhiều văn nhân nghệ sĩ, dồn vào sinh sống ở Miền Nam, đã mang vào đây một không khí mới, đã du nhập vào đây nhiều tập tục hay, nhưng rồi tiếp tục ăn ở lâu dài trên đất Miền Nam làm sao họ giữ mãi được bản sắc của mình. Hoàn cảnh sinh hoạt mới, nhịp sống mới ở Miền Nam, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm hồn họ và đến những sản phẩm văn nghệ của họ. Rồi đây kỹ thuật tinh vi trau chuốt của văn học Miền Bắc phối hợp với tinh thần dễ dãi, hoạt bát, hiếu động, lạc quan của Miền Nam, biết đâu không làm nên một đặc điểm của nền văn học mà thế hệ chúng ta đang xây dựng? Nghĩ đến cái cá tính có nhiều nét trẻ trung của Miền Nam ta nghĩ rằng sự phối hợp này có thể như là việc tiếp một nguồn sinh lực mới cho văn nghệ. Lại cũng giống như chuyện ghép một nhánh cây đã trưởng thành vào một thân cây mới lớn đang độ sung sức.

Nghĩ như thế không biết có phải là một lối nghĩ lạc quan quá sớm chăng.
Võ Phiến
(Bách Khoa số 63, ngày 15-8-1959)

1 Quyền sống của con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.
2 ‘Nỗi lòng Đồ Chiểu’.
3 Việt Nam thi văn giảng luận.
4 Biểu nhất lãm văn học cận đại.
5 Bài này viết khi Hương rừng Cà Mau chưa xuất bản.



Ngoài Hoài Thanh ra, nhiều người khác cũng nghĩ ngợi về cái dở trong văn Đồ Chiểu. Phan Văn Hùm nhận rõ rằng: “Xem Ngư tiều vấn đáp, xem Dương Từ – Hà Mậu, nhất là xem tác phẩm rất dung thường của tiên sinh là quyển Lục Vân Tiên, ta sẽ thấy những chỗ bơ thờ, lạt lẽo, sống sượng, lúng túng, vụng về, không có chút gì văn vẻ cả” [2]. Cái dở trong văn chương mà cũng khiến cho người băn khoăn suy nghĩ và đi tìm nguyên nhân cắt nghĩa thì là một sự lạ. Phan Văn Hùm cắt nghĩa rằng người ta đọc văn Đồ Chiểu là bởi chuộng người có tiết tháo hơn là vì nghệ thuật, còn Đồ Chiểu cũng chỉ muốn viết sách để bày tỏ chí khí và dạy đời chứ không cốt làm văn chương. Ông Phan cho rằng giá ông Đồ mà chịu “phí thêm thì giờ, thao luyện văn thể, thì tiên sinh quyết cũng làm nên văn thanh thoát”.
Ông Hà Như Chi cũng đoán thế: “Nguyễn Đình Chiểu nếu muốn tài hoa mỹ lệ thì cũng rất có thể tài hoa mỹ lệ”3 như ai!
Người ta có cảm tưởng rằng ông Phan và ông Hà lại cũng quá mến trọng tiết tháo của cụ Đồ Chiểu, nên không ngừng lại ở một nhận xét khách quan, mà còn tìm cách biện bạch che chở khuyết điểm của cụ Đồ. Luận điệu hai ông thoạt nghe thật kỳ cục. Phàm người ta xét văn thường chỉ nhận cho là hay hay dở, chứ gặp văn dở mà dám đoán thêm rằng đó là tại tác giả không muốn viết hay thì người phê bình đi có quá xa! Vả lại viết văn để răn đời, tỏ chí, giải bày tâm sự, thì xưa nay biết bao nhiêu người đã làm như thế, có phải đó là lý do để viết ra văn dở đâu? Nói ngay về Nguyễn Du, người ta cũng cho rằng người viết Truyện Kiều chẳng qua là muốn ký thác một tâm sự, chứ đâu phải cốt hăm hở “phí thì giờ, thao luyện văn thể”, chăm chỉ làm ra tác phẩm văn chương để đời, vậy mà cứ thành văn hay.

Tuy nhiên, luận điệu của hai ông Phan và Hà thoạt tiên nghe kỳ cục mà ngẫm nghĩ vẫn có chỗ lý thú. Người ta tự hỏi có chăng một hạng tác giả “rất có thể tài hoa mỹ lệ” mà không chịu khó làm ra tài hoa mỹ lệ, “quyết cũng làm nên văn thanh thoát” mà không chịu khó làm ra văn thanh thoát? có chăng một hạng tác giả tánh tình xuề xòa dễ dãi quá như vậy? — E rằng cũng có! Nhiều người kể lại trước đây không bao lâu ở Sài Gòn nữ sinh trung học tóc thề cứ ngang nhiên mặc áo bà ba đội nón cối đi học, mà ngay mới hồi trước phong trào di cư vừa rồi phụ nữ miền Nam phục sức cũng giản dị, xuềnh xoàng hơn bây giờ nhiều lắm. Sự chú ý chăm chút đến một màu quai nón, đến hình dáng đôi guốc, đến một kiểu tay áo, cổ áo, không phải là bản tính của họ. Phụ nữ đã vậy, nói gì đàn ông! Mà người ta đã dễ dãi như thế trong sự làm đẹp bản thân thì người ta cũng rất có thể dễ dãi về quan niệm cái đẹp trong văn chương. Trong thái độ thưởng thức cuộc sống, chúng ta còn nhiều dịp thấy người miền Nam tránh mọi sự cầu kỳ. Chỉ ở Bắc mới có người ăn uống kiểu cách như Tản Đà và luận bàn về cách ăn kỹ lưỡng như Tản Đà, mới có kẻ đi nếm đủ thức ăn ở “Hà Nội 36 phố phường” rồi viết thành sách, mới có người tinh tế đến nỗi đất nước chia đôi, cách xa quê hương lâu rồi mà vẫn nhớ rõ mùi vị từng “miếng ngon Hà Nội”. Như thế cũng là vì miếng ăn ở miền ngoài nấu nướng thật là công phu khéo léo. Còn như ở trong này cách nấu nướng thường thường giản dị, nhiều khi chỉ nướng hay luộc, ít gia vị: món ăn như lươn, ếch, thịt bò v.v... ít bị chế biến làm mất hương vị thiên nhiên. Nghe tên một món ăn như món “bò bụng” người ta đã thấy cái tâm lý không có chút nào kiểu cách của người thực khách trong Nam. Ở Sài Gòn Chợ Lớn, theo lời một số người sành ăn uống, không có tiệm nào chế được bình trà ngon, vì rất ít khi gặp hạng khách thích nhắp từng hớp trà tỉ mỉ.

Ở cái nơi có một tập quán sinh sống, có một thái độ thưởng ngoạn dễ dãi như vậy, một tác giả không khắt khe với hình thức câu văn mình viết ra cũng là tự nhiên. Nhưng ta đã gợi đến tánh xuề xòa chung cho cả miền Nam thì tức là ta không muốn nói riêng về “một tác giả” nữa rồi. Thực vậy, không riêng gì ở Đồ Chiểu, đọc văn của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của trước kia, của Hồ Biểu Chánh, Phú Đức... sau này, người ta cũng thấy đặc tính ấy.

Những khuyết điểm hình thức của câu văn ở trong Nam còn có lý do khác, mà ông Thanh Lãng nói rất đúng “... các nhà văn miền Bắc, có lẽ vì uyên thâm nho học hơn, nên khi viết văn đã chịu sức tác động của văn chữ Hán rất mạnh: câu văn đặt dài, cân xứng, đối chác và điểm xuyết nhiều Hán tự. Ngược lại, lối văn trong Nam là một lối văn đơn sơ, mộc mạc, dùng hầu toàn chữ nôm; cách đặt câu có vẻ cục cằn, vắn tắt, không xét gì đến cân xứng, đối chác”4. Vả lại theo tình trạng văn học chung thì đến thế kỷ thứ 19 nền văn học quốc âm của ta đã phát triển đến độ cực thịnh, kỹ thuật thi ca Việt Nam đã đạt đến độ rất cao, nhưng thuở ấy miền Nam là đất mới khai phá, việc học hành thi cử bắt đầu chưa bao lâu, người miền Nam tham dự vào hoạt động văn học còn mới mẻ quá, nên cùng là tác giả một thời đại mà nhà văn miền Bắc có cái lợi được sử dụng một ngôn ngữ đã thuần thục hơn.

Nhưng điều chúng ta chú ý đến lần này không phải là ảnh hưởng đậm hay lạt của Hán học, hoặc quá khứ văn học lâu dài hay ngắn ngủi, mà là một vài yếu tố tâm lý nó làm ra cá tính của Miền Nam cùng với ảnh hưởng của cá tính ấy trong văn học. Bởi vì từ đây về sau chắc chắn ảnh hưởng đó càng ngày càng quan trọng thêm nhiều.

Vừa dễ dãi xuề xòa, người Việt miền Nam vừa mau mắn hoạt bát. Giọng văn của các tác giả trong Nam có một vẻ gì rất khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Cho đến cách xây dựng cốt truyện cũng thế. Truyện của Đồ Chiểu, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, cách kết cấu không có gì là chặt chẽ khéo léo, không tỏ ra tốn nhiều công phu, nhưng bao giờ cũng linh động. Ở những tác giả lớp sau như Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam, kỹ thuật đã điêu luyện hơn nhiều, cốt truyện và lối viết văn vẫn giữ đặc tính truyền thống đó. Người câu chấp sẽ trách Bình Nguyên Lộc ở chỗ ông cho bốn cô gái ông Nam Thành trong Đò dọc nối tiếp nhau xuống thang gác trình diện anh Long, rồi hai cô nối nhau đi tự tử, rồi lại ba cô nối tiếp nhau đi lấy chồng. Chuyện gì chuyện nấy xảy ra rụp rụp. Tác giả như tuồng hơi lơ đãng, không quan tâm mấy đến sự sắp đặt cuộc đời của các cô. Nhưng sự lơ đãng đó lại có vẻ tài hoa, phóng khoáng, nghịch ngợm. Nếu Bình Nguyên Lộc chăm chút nhân vật mình hơn, “có trách nhiệm” hơn chút nữa, ông sẽ mất cái thái độ thảnh thơi khinh khoái nhẹ nhàng rất đẹp đẽ ấy đi. Hồi 1956-1957 (?), trong tạp chí Nhân loại, Sơn Nam có đăng mỗi kỳ một cái truyện nhỏ về phong tục ở miền quê Nam phần [5], truyện nào cũng lý thú và xây dựng một cách giản dị dễ dàng. Người đọc có cảm tưởng tác giả viết khoẻ như bỡn. Vì thế mà đọc càng thấy lý thú. Chính vì không thấy công phu bố trí xếp đặt nên mỗi cảnh đời, mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật mang vào trong truyện còn nguyên vẻ linh động như chưa rời khỏi khung cảnh sinh hoạt ngoài trời đất bao la. Người ta nghĩ đến những con cá ăn câu vừa giật lên khỏi mặt nước, còn tươi sống dãy đành đạch!

Nhưng “anh hoa phát tiết ra ngoài” rực rỡ cũng là điều không tốt. Những người hoạt bát nhanh nhẹn thường thiếu đi sự thâm trầm sâu sắc. Người lanh lợi có thể chỉ nhìn qua một thoáng là đã nhận xét tâm lý kẻ khác rất nhanh chóng, sở trường của họ không phải ở chỗ triền miên trong sự suy tưởng sâu xa về những hoạt động rắc rối của tâm giới. Chúng ta không gặp ở miền Nam những tác giả như Nguyễn Tuân, suy nghĩ tẩn mẩn dài dòng suốt đôi ba mươi trang tùy bút vì một ngọn gió giục lên đường, hay một tác giả phân tích tỉ mỉ một trường hợp tâm lý do dự như Thạch Lam trong ‘Sợi tóc’. Tỉ mỉ không phải là tính người miền trong. Ở ngoài đời xuề xòa là một đặc điểm tâm lý quý hóa: những người tính tình như thế, ta nên tìm đến mà giao thiệp. Nhưng nhân vật tiểu thuyết không cần gần gũi kẻ tốt bụng! Những kẻ hay xoi bói khó chịu nhất, hay tìm tòi khai quật những hắc ám giấu giếm kỹ trong tâm hồn nhất, lại là những kẻ có công tác thành đối với họ, làm cho họ mau có hình dáng bản sắc, mau “nên người”. Cho nên sự cạn cợt của cụ Đồ Chiểu đã hại Lục Vân Tiên nhiều lắm khi chàng thanh niên đó gặp gái đẹp lần đầu. Chàng hô “khoan khoan” không cho Nguyệt Nga xuống xe; chàng ngoảnh mặt làm ngơ không nhìn trâm; nghe cô gái xin làm thơ thì:

“Vân Tiên ngó lại rằng: Ừ,
Làm thơ cho kíp một giờ chớ lâu”.

Giọng điệu của chàng hách quá! Người thanh niên văn võ toàn tài ấy chỉ vì chỗ tâm lý thiếu tế nhị mà bị người đời sau chê cười, nhạo báng mãi. Tôi chắc nếu chàng biết được những lời chế giễu của Hoài Thanh thì chàng sẽ oán trách cụ Đồ Chiểu vô cùng vì cái tính hời hợt của cụ.

Không sở trường về những phân tích tâm lý sâu xa tinh tế, tác phẩm các nhà văn miền Nam quyến rũ bằng sự hoạt động. Đò dọc là một quyển truyện tâm lý, nhưng mà các tình tiết luôn luôn diễn tiến nhanh nhẹn bất ngờ. Chúng ta chê Hồ Biểu Chánh cạn cợt, kể chuyện chỉ phác qua lớt phớt tâm lý các nhân vật, không chịu ngừng lại phân tích cho tử tế. Nhưng giới bình dân trong Nam lấy làm thú một phần ở chỗ động tác trong truyện biến chuyển nhanh thoăn thoắt. Cũng không phải tình cờ mà Phú Đức viết một pho truyện dài như Châu về Hợp Phố, nhìn vào trang nào trong đó cũng toàn những hoạt động hoa cả mắt. Đọc xong một tác phẩm của miền Nam rồi đọc tới Lửa thiêng của Huy Cận hay Quê hương của Nguyễn Tuân chẳng hạn, người ta có cảm tưởng đang đi dạo giữa buổi mai đẹp dưới trời xanh, ánh nắng nhấp nháy trên muôn hoa lá, bướm bay chim hót tưng bừng xung quanh, bỗng lạc chân bước vào một con đường tĩnh mịch, hơi tối và lạnh, một nơi yên lặng, thuận tiện cho sự trầm ngâm suy tưởng nhưng dẫn ta tách lìa ra xa cuộc sống náo nhiệt.

Nhân nói về sự hoạt động tôi nghĩ đến quang cảnh những đường phố ở trong Nam. Sự thật thì một người từ Trung từ Bắc vào, vừa đi quá Nha Trang đã để ý đến hiện tượng ấy. Quán ăn ở các thành phố miền trong thực là rộn rịp đông đúc, thường khi tràn ra đến ngoài lề đường. Người trong này thường ăn ở quán, kéo cả gia đình và bạn bè ăn uống ở quán, trong khi người miền ngoài thích khung cảnh ấm cúng yên tịnh thân mật trong nhà. Dẫu khi đến quán, người Trung người Bắc cũng muốn tìm một chỗ khuất và yên tịnh một chút. Trái lại người Nam không ngần ngại mà có vẻ còn thích những quán lộ thiên sát bên đường đi. Cuộc sống mỗi người ở miền ngoài thu rút vào dưới mái gia đình, cuộc sống trong này cứ tràn ra ngoài xã hội rộng lớn náo nhiệt.

Bản tính hiếu động nên nhà văn miền Nam có thể kể một nỗi vui, nỗi khổ đau, một cơn tức giận, thịnh nộ, nhưng lại không hay diễn tả cái thứ buồn uể oải, thứ buồn nó ngấm trong điệu thơ lục bát của toàn quyển Kiều như là một cảm giác tê mỏi ngấm khắp gân cốt, tản mác khắp châu thân của một người mệt nhọc. Nguyệt Nga cũng có lúc khổ đến tự tử, nhưng không có khi ngồi như Kiều ở lầu Ngưng Bích “buồn trông” chân trời mặt bể. Mà dẫu có đứng trước cảnh đó chắc Nguyệt Nga cũng không tự hỏi cái câu:

“Hoa trôi man mác biết là về đâu?”

“Hoa trôi về đâu” thì không có gì đặc biệt. Nhưng thêm vào bốn chữ “man mác, biết là” tác giả làm cho giọng nói dịu dàng thấm một nỗi buồn mênh mông tiêu cực vô hạn.

Hạng người nào trong đời cũng có thể gặp hoàn cảnh bi đát để đau đớn. Nhưng buồn rầu nhẹ nhàng vì một cảnh “Bèo giạt về đâu hàng nối hàng”

hay vì một cảnh “đèo cao quán chật”, một cảnh “trời rộng nhớ sông dài”, thì hạng người đó phải trầm tĩnh lắm. Chỉ có những tâm hồn quen với quạnh hiu cô tịch mới hay có những xúc động như thế. Người miền Nam thích sự hoạt động quá. Cái hay của họ phải tìm về một hướng khác.

Chẳng hạn nhờ tính hoạt động, nhờ trí óc lanh lợi bén nhạy luôn luôn nảy bật ra sáng kiến mới mẻ, gần như nhà văn nào trong Nam cũng có một sức sáng tác thật dồi dào, đó chẳng phải là một ưu điểm cho các tác giả miền ngoài ao ước sao? Người ta nói nhiều đến sự nghiệp đồ sộ phi thường của Trương Vĩnh Ký: con người minh mẫn sắc bén và rất hoạt động ấy, trong sự tìm tòi khảo sát đã nhảy băng từ sinh vật học tây phương đến triết học đông phương, từ văn chương bình dân Việt Nam đến sách vở kinh điển La Mã, Hy Lạp, đang lúi húi nghiên cứu về con bọ rầy bỗng đi dịch và chú thích tứ thư ngũ kinh, đang kể chuyện đời xưa “bụng làm dạ chịu” bỗng đi làm tự điển và viết sử. Vừa bằng ngoại ngữ, vừa bằng tiếng nước nhà, tác giả đó đã để lại một sự nghiệp trước tác ghê gớm về số lượng. Sau này viết tiểu thuyết mà được nhanh được nhiều như Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Phú Đức v.v... các nhà văn có tiếng ở miền ngoài cũng ít ai bằng.

Viết được như vậy tất nhiên họ có trí tưởng tượng phong phú lắm. Trí tưởng tượng ấy thừa sức để vẽ ra những cảnh tượng ly kỳ, bày ra những câu chuyện lạ lùng quái đản, nhưng đôi khi có hơi ngây thơ, khó tin. Nếu muốn bới tìm những chỗ sơ hở vô lý trong các cốt truyện của Hồ Biểu Chánh và ngay đến của Bình Nguyên Lộc nữa cũng không khó gì. Họ bay đuổi theo sự tưởng tượng phơi phới mà ít quan tâm đến chi tiết lắm.

Giỏi tưởng tượng thì tội gì chẳng đặt chuyện ma! Bởi thế chuyện ma quỷ cũng có, mà chuyện đánh nhau cũng có vô số. Đánh bắn nhau thì kịch liệt dữ dội có thừa, nhưng khung cảnh không có gì rùng rợn bí hiểm lắm đâu. Ma quỷ thì vẫn biến hóa đủ cách tài tình nhưng không lấy gì làm khủng khiếp. Đọc Trại Bồ Tùng Linh của Thế Lữ người ta thấy rờn rợn tuy rằng người con gái trong truyện vẫn nguyên là một người con gái thường từ đầu đến cuối, không biến ra mặt xanh, lè ra lưỡi đỏ lần nào: cái ma trong truyện chỉ là một khung cảnh ma, một không khí ma mà thôi. Gần đây Phong Ngạn viết Tân Liêu Trai, (lại cũng một tên sách nhắc đến Bồ Tùng Linh). Ở đây ma nhiều hơn, biến hóa ly kỳ hơn, nhưng toàn quyển truyện không thể bảo là đem đến cho ai một cảm tưởng sợ hãi nào. Trái lại, có thể coi đó là những mẩu chuyện vui. Ông Phong Ngạn kể thoăn thoắt một lát, xem chừng người đọc hơi lo lắng, ông đã vội vàng cười xòa bảo ngay cho biết là nói dối cho vui đấy thôi. Tôi đã bảo người Miền Nam thực đáng tìm đến mà kết thân! Có muốn nát người một chút mà chơi họ cũng không nát được: họ nhanh nhẹn, dí dỏm, nhẹ tính, cạn cợt quá. Trong tâm hồn họ không có chút hắc ám nào, nên làm sao họ hình dung ra được một cảnh âm u, nặng nề tử khí, ghê rợn. Sơn Nam nhắc tích cũ ở miền Hậu Giang không thiếu gì chuyện hùm thiêng rắn dữ, chuyện hoang đường ma quỷ, nhưng cũng không nhắm gây ra cảm giác kinh sợ hãi hùng. Câu văn ngăn ngắn nhẹ nhàng, Sơn Nam kể lúc nào cũng có nụ cười trên môi, làm cho ma quỷ trông có vẻ ngộ nghĩnh hơn là hung ác, cảnh âm ti sáng sủa lên nhiều lắm. Ma cọp ở rừng Cà Mau của Sơn Nam không giống ma cọp ở rừng núi Bắc Việt của Lan Khai chút nào. Cái khác đó không phải bởi ma cọp khác loài mà bởi người khác tính.

Con người còn có thể bị một thứ ám ảnh khác cũng khủng khiếp không kém ma quỷ: đó là những thắc mắc siêu hình. Ý nghĩa cuộc đời, ý nghĩa sự sống và cái chết, thân phận con người trước vũ trụ bao la, những vấn đề cũ kỹ đó từ xưa đến giờ thỉnh thoảng lại thấp thoáng chờn vờn hiện lên trong các tác phẩm văn nghệ như bóng ma truyền kiếp không sao xua đuổi cho tan biến được. Hiện lên để gây sự bối rối hoảng hốt.

Những thời kỳ sóng êm gió lặng, cuộc sống xã hội tiếp diễn đều đều, người ta có thể nguôi ngoai. Nhưng lâu lâu, đời sống bị một phen xáo trộn điên đảo, những giá trị cũ bị phá đổ, người ta hoảng hốt khắc khoải đặt lại những vấn đề trên. Hồi Khổng giáo bị tư tưởng Tây phương lay đổ, giọng Xuân Diệu cuống quít vì lo hãi tuổi xuân với kiếp người ngắn ngủi, Huy Cận bị ám ảnh bởi tính cách mang mang của trời đất vô cùng khiến con người trơ trọi thực là bơ vơ lạnh lẽo. Trong văn xuôi, Hoàng Đạo cũng đưa ra một anh Duy vừa chơi bời vừa thắc mắc suy nghĩ ý nghĩa đời sống của mình.

Sau cuộc chiến tranh thứ hai, đời sống con người lại xáo trộn lần nữa. Lại nổi lên bao nhiêu là hoang mang. Ngày nay những nhân vật tiểu thuyết trong Bếp lửa, Siu cô nương, Thần tháp rùa v.v... cũng trải qua một cuộc khủng hoảng tin tưởng, có lẽ còn quan trọng hơn lần trước. Anh chàng Duy trước kia rồi nhờ tình yêu, nhờ xem sách, ngắm giàn đậu ván nghĩ ngợi có thể tìm ra “con đường sáng”. Chứ những người thanh niên trong nhiều cuốn tiểu thuyết bây giờ cứ kéo dài cuộc sống lộn xộn không mục đích cho đến trang sách cuối cùng của họ. Muốn biết hồi sau phân giải thế nào e còn phải chờ lâu.

May làm sao phần đông các tác giả miền Nam đều khỏi biết đến cơn khủng hoảng ấy. Đó là phần thưởng dành cho những tâm hồn giản dị, hồn nhiên, lạc quan. Nhân vật của Bình Nguyên Lộc, của Sơn Nam, cũng trải qua mọi thê thảm của chiến tranh, cũng khổ sở đủ điều, họ cũng thở than buồn phiền, nhưng họ không đến mất tin tưởng ở cuộc đời. Vợ chồng cha con ông Nam Thành trong Đò dọc bị cảnh nghèo ở quê thì ra đô thị sinh sống. Lại gặp thời cuộc biến đổi, bị khó khăn ở đô thị họ liền vui vẻ ríu rít kéo nhau về quê. Trông họ nhẹ nhõm, vô tư lự. Những ông bác sĩ, luật sư, những thanh niên giàu sang mà bối rối trước thời cuộc, đang gặp tai họa lớn trong đời sống tinh thần và đang ngẩn ngơ trong các cuốn tiểu thuyết của Mặc Đỗ, họ có thể ngừng uống rượu lại một chút, lái xe Huê Kỳ tìm đến gia đình ông Nam Thành mà mua chiếc áo lót, vì ở đây chắc chắn họ gặp những kẻ sung sướng. Lẽ cố nhiên ở đời làm gì có kẻ sung sướng tuyệt đối. Miễn được tính vô tư như thế là tiên trên đời rồi.

Hoài Thanh so sánh hai cảnh tự trầm của Thúy Kiều và Nguyệt Nga. Ông nói: “Trước khi chết Kiều bị ám ảnh vì cái cảnh trời cao sông rộng. Hình như nàng cảm thấy cái bé nhỏ của mình và thấy ngợp trong khi đi vào cõi chết mênh mông. Chỉ có mấy câu thơ mà bốn lần láy đi láy lại cái ý mênh mông.

“Cửa bồng vội mở rèm châu,
Trời cao sông rộng một màu bao la.”
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

“Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông.
Trông vời con nước mênh mông
Đem mình gieo xuống giữa dòng tràng giang.”

Chúng ta liên tưởng đến cái rợn người của Pascal trước “tính cách vô cùng của vũ trụ.”

Nguyệt Nga thì không nhìn trời nhìn đất cho mất thì giờ; nàng chỉ:
“Than rồi lấy tượng vai mang
Nhắm dòng nước chảy vội vàng nhảy ngay.”

Hoài Thanh hỏi: “Việc gì mà vội vàng nhảy ngay? Nguyệt Nga nhảy xuống sông tự tử mà vô tâm như người ta nhảy trên sân vận động. Nhịp điệu câu thơ cũng gấp gáp, láu táu đến buồn cười.” Như ta đã biết, Hoài Thanh cho rằng sở dĩ Nguyệt Nga đến như thế là vì sức sống chế độ phong kiến thời cụ Đồ Chiểu quá khô héo, không còn đủ cho văn nghệ phong kiến tạo ra được những nhân vật ra hồn. Hoài Thanh sống trong một xã hội mà mọi người đua nhau nói chính trị cho nên ông cũng đem một lý do chính trị ra nói vậy thôi. Nhưng hiểu được sự giải thích của ông cũng khó lắm thay! Chúng ta chỉ ghi nhận sự vô tâm của Nguyệt Nga mà khoan tìm cách lý giải. Nguyệt Nga không có cái rợn ngợp trước vũ trụ vô cùng. Nhưng chỉ vô tâm như thế cũng chưa đáng xử cho là không thành người.

Sau Nguyệt Nga, trong văn chương miền Nam rồi vẫn còn có thiếu nữ yêu đương, gặp nghịch cảnh, và cũng tự tử nữa, sau Lục Vân Tiên rồi vẫn có thanh niên gặp hoạn nạn, hoặc họ phản ứng dữ dội tung hoành dọc ngang, hoặc họ tiêu cực trách nhân tình thế thái, nhưng ít thấy kẻ nào bị xáo động mà cảm thấy mình bơ vơ trước hư vô và kêu lên:
“Không gian ơi! Xin hẹp bớt mông mênh”.

Cuộc đời còn dài, cá tính của một miền cũng như của cả một dân tộc không phải là cái gì cố định, không thể biến hóa. Suy nghĩ về một đôi nét cá tính đó cũng không phải là có ý gì phân biệt Bắc Nam, rạch chia ranh giới trong văn chương. Sài Gòn trong giai đoạn lịch sử này đã thành ra thủ đô cả nước, thành trung tâm hoạt động văn hóa; cá tính của Sài Gòn, của miền Nam chẳng bao lâu sẽ ảnh hưởng mạnh đến xu hướng chung của văn học trong nước mà không còn là cá tính địa phương nữa. Vì lẽ đó mà dò dẫm về một hướng phát triển văn nghệ trong tương lai chúng ta không thể bỏ qua việc tìm hiểu cá tính văn học miền Nam. Nghĩ về cá tính miền Nam chẳng qua là băn khoăn về một phương diện trong vấn đề định hướng văn nghệ lúc này.

Miền Nam còn trẻ quá, chưa có thì giờ xây dựng những thành tích lớn lao về văn học. Nhưng chính vì còn trẻ mà miền Nam dám đi trước miền Bắc. Trước đây một trăm năm, trên địa hạt văn học, miền Nam đã làm một kẻ tiền phong tuy thiếu tế nhị tao nhã nhưng liều lĩnh gan dạ, làm công việc khai sơn phá thạch, dắt dìu miền Bắc tiến theo con đường âu hóa: những văn phẩm đầu tiên viết bằng quốc ngữ in bằng mẫu tự la-tinh ra đời ở miền Nam, tờ báo đầu tiên khai sinh ở miền Nam, lớp nhà văn dùng ngòi bút sắt xuất hiện đầu tiên ở miền Nam với Trương Vĩnh Ký. Những sinh hoạt tiền phong đó rồi lôi cuốn cả văn học toàn quốc về một hướng mới.

Ngày nay, lại vì những biến cố chính trị nữa mà Sài Gòn đóng vai trò lãnh đạo ở phần đất tự do nước ta. Ngót một triệu người, trong đó có rất nhiều văn nhân nghệ sĩ, dồn vào sinh sống ở Miền Nam, đã mang vào đây một không khí mới, đã du nhập vào đây nhiều tập tục hay, nhưng rồi tiếp tục ăn ở lâu dài trên đất Miền Nam làm sao họ giữ mãi được bản sắc của mình. Hoàn cảnh sinh hoạt mới, nhịp sống mới ở Miền Nam, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm hồn họ và đến những sản phẩm văn nghệ của họ. Rồi đây kỹ thuật tinh vi trau chuốt của văn học Miền Bắc phối hợp với tinh thần dễ dãi, hoạt bát, hiếu động, lạc quan của Miền Nam, biết đâu không làm nên một đặc điểm của nền văn học mà thế hệ chúng ta đang xây dựng? Nghĩ đến cái cá tính có nhiều nét trẻ trung của Miền Nam ta nghĩ rằng sự phối hợp này có thể như là việc tiếp một nguồn sinh lực mới cho văn nghệ. Lại cũng giống như chuyện ghép một nhánh cây đã trưởng thành vào một thân cây mới lớn đang độ sung sức.

Nghĩ như thế không biết có phải là một lối nghĩ lạc quan quá sớm chăng.
Võ Phiến
(Bách Khoa số 63, ngày 15-8-1959)

1 Quyền sống của con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.
2 ‘Nỗi lòng Đồ Chiểu’.
3 Việt Nam thi văn giảng luận.
4 Biểu nhất lãm văn học cận đại.
5 Bài này viết khi Hương rừng Cà Mau chưa xuất bản.
 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top