• Truyện Ninh Hạ, BỒ CÂU VÀ P Ê R Ô

  Truyện Ninh Hạ


 

1.
Công viên nhỏ im mát. Ở đây không có sân thể thao nào khác ngoài bốn sân quần vợt xây theo hàng dọc có lưới ngăn cách riêng. Hàng cây che nắng. Đánh banh ở đây, mình không phiền người, người không phiền mình. Banh không bay lạc qua sân người. Ngược lại, khỏi bực mình gián đoạn vì một trái banh lạ rớt lãng xẹt ngay giữa sân đang hồi gay cấn.
Người đến, người đi. Người thỉnh thoảng thấy. Nhiều người gần mười năm qua, từ ngày đầu cho đến bây giờ vẫn gặp.
Trước hết là “Bọn bốn người.” Ồn ào. Thân thiết. Không tuần nào vắng bóng. Mùa đông chơi sân câu lạc bộ trong nhà cũng lại thấy họ. Tìm ra những bạn đồng điệu, hợp nhau để họp nhau dài dài năm này qua năm khác, đâu dễ. Cùng chơi đùa qua năm tháng. Cùng chia sẻ niềm vui sảng khoái trong không gian và thời gian của vòng sân. Cho dù nhiều năm sau nữa, họ vẫn là những người trẻ mãi. Với nhau không già.
Rồi phải kể đến hai vợ chồng người Đại Hàn. Ông cao lớn dềnh dàng. Vợ thấp tè. Mỗi Thứ bảy đến sân khi lờ mờ sáng. Không ai tranh được cái sân chơi lành lặn, mát mẻ nhất ở đây. Chơi đúng hai giờ không hơn không kém. Hỏi ông sao không thấy chơi vào ngày Chúa nhật. “ Chúng tôi đi nhà thờ.” Người Đại Hàn bây giờ là tín đồ Tin lành ngoan đạo nhất thế giới. Còn hơn người Nam Mỹ theo Thiên chúa giáo Vatican thế kỷ trước. Ông chồng chơi giỏi, chịu khó đưa banh “hầu” vợ. Bà thì coi như đứng một chỗ, giao bóng đỡ banh. Không những giơ tay mà còn giơ cả chân lên cao như hình nộm múa rối. Cứ nhìn là phải cười. Đại Hàn, chồng chúa vợ tôi số một . Thế hệ của họ mà vợ chồng chịu đều đều ra sân chơi quần vợt với nhau, cũng hiếm. Bây giờ sân nào cũng có mấy bà “củ sâm”. Các bà người Tàu, người Việt vui chơi trò gì mà không hề gặp ở đây.
Nhóm người đằng kia thì ăn mặc tùy tiện chướng mắt. Quần dài, quần cụt. Áo sơ mi dài tay, ngắn tay, áo thun màu mè, hình chữ loạn xạ, áo thun lót hở nách không tay. Giày da giày vải. Tất trắng tất đen. Trông luộm thuộm bẩn mắt. Người chơi, kẻ đứng đợi kháu chuyện om sòm. Đem theo cả thùng đá lạnh to chứa thức uống. Lại thêm cả ghế ngồi. Họ chơi sân nào thì kể như chiếm luôn nửa ngày là ít. Chúng tôi đặt tên. “Củ Sâm!”
Mấy ông to con lớn xác, đầu gối, khỉu tay mang băng đen, băng trắng tùm lum. Để vợt, để xách ngay trên sân dành chỗ rất lâu trước khi đến đủ. Vừa đánh vừa nói oang oang. Họ là những người gốc Hy Lạp, ông chủ các hàng ăn.
Nhưng đặc biệt vui vẻ là nhóm bốn ông, một bà. Đặc biệt vì các bà thường ít khi đứng chung lẫn lộn với các ông để đánh đôi. Các bà chơi riêng, các ông chơi riêng. Riêng nhóm này đầy đủ sắc tộc Âu Á Mỹ . Nam nữ, già trẻ. “Nhóm bà Nhật”. Vì người lớn tuổi nhất, lịch sự nhất, đánh hay nhất, dai sức nhất, được quý nhất là một bà người Nhật, nhà giáo về hưu. Bà đến sớm, đi quanh một vòng lượm rác, các hộp banh trống, các nắp hộp kim loại vất bừa bãi. Dần dần mọi người trong nhóm noi gương làm theo. Ai đau khỉu tay, đầu gối, trật xương vai... hôm sau thế nào bà cũng cho thuốc dán. Tôi chưa thấy ai nhã nhặn, lịch sự và khỏe như bà. Người xấp xỉ tuổi của bà thì thua xa là chuyện chắc, cỡ ba mươi bốn mươi theo cũng đứt hơi. Lại thêm ông người Tàu, hình như ông thân quen hầu hết mọi người. Nhiều khi kẹt sân chạy chỗ khác, vừa thấy ông là mọi người kêu réo chào hỏi niềm nở. Sau cơn mưa đêm trước, sáng hôm sau sân còn đọng nước, ông tới sớm với chổi và khăn, những thứ luôn sẵn trong xe, để lau khô sân. Cái ông người gốc Ý thì rất quy tắc và an toàn trên hết. Áo quần giày vớ luôn trắng tinh như đi dự tranh giải quần vợt quốc tế Wimbledon. Tuyệt đối không để trái banh nào lạc lõng trên sân. Sợ trượt té.
Trong năm gần đây, có thêm ba cha con. Một cha và hai cô con gái tuổi mười ba. Ông bố da trắng bệch, đeo kính gọng vàng. Chưa tới sáu mươi mà đi đứng chậm, lù đù. Nhìn ông đưa banh cho hai ái nữ dợt. Bên phải. Bên trái. Đều đặn. Ông không thuộc loại nhà nghề nhưng kiên nhẫn như ông thì cũng là một bài học. Nghe họ nói thì biết là người Hoa nhập cư không lâu. Ở Mỹ có con gái đến tuổi đó thì cha mẹ gốc Hoa, Việt... nói chung là đến từ các nước Á châu, đêm ngày lo ngay ngáy. Tuổi cứng đầu thích làm điều trái ngược. Nổi loạn, nổi giận bất tử và bỏ nhà. Ông bỏ thì giờ chơi với con để ngăn ngừa nổi ám ảnh nầy. Mừng cho ông là mấy đưa con chịu đi chơi với bố. Khi mệt ông ngồi ngửa thở dốc trên chiếc ghế xếp mang theo. Thỉnh thoảng đứng dậy tiếp nước uống hay lăng xăng lượm banh cho con. Ông bố có tổ tiên là Khổng Mạnh, từ một đất nước, nơi con sợ cha hơn sợ cọp, qua tới đất Mỹ văn minh bình đẳng tự do, bây giờ cha sợ con, tận tụy phục vụ con. Thấy ông là thấy một trời hy sinh lo lắng.
Sau cùng là “Hai con bồ câu”. Ít khi vắng mặt. Đến và đi đúng giờ. Cười chào tươi rói. Lịch sự. Rất dễ mến. Cặp “tình nhân-vợ chồng” này thường chơi sân cuối dãy. Chỉ thoáng nhìn họ, hay bất chợt thấy họ nói cười thủ thỉ với nhau, săn sóc trìu mến thương yêu nhìn nhau: hạnh phúc biết bao. Có họ sân chơi thêm đẹp. Mười năm trôi qua. Nhìn họ, vẫn thấy khắng khít như ngày đầu gặp. Chúng tôi gọi họ là “Hai con bồ câu”. Khi hiếm hoi vắng họ, mấy người hỏi nhau. Hôm nay đôi bồ câu bay đi đâu nhỉ?

2.
Cư như thế Xuân Hạ và...Thu, đi về.
Không hẹn, đầu mùa xuân nắng ấm lại gặp nhau trên sân. Có người trở lại. Kẻ bỏ cuộc chơi. Tôi và bạn bè. Tôi và những tiếng cười rộn rã. Mới đó mà đã trên mười năm vui chơi chạy nhảy trên khung sân. Mười chu kỳ ngày tháng. Thời gian trôi nhanh. Nhanh như đường banh qua lưới!
Mùa vui trở lại sau gần nửa năm tuyết lạnh. Co ro. Giầy ủng. Áo lạnh khăn choàng.
Những buổi sáng sớm mùa xuân hoa nở rộ. Nắng trong và lạnh nhẹ.
Mùa hè nóng mệt mồ hôi. Sân chơi gặp mùi thịt nướng. Công viên vui mắt. Bong bóng màu sắc sặc sỡ. Nhiều bóng sút dây bay lơ lửng hay vướng mắt dưới tàng cây. Công viên rộn tiếng cười nói. Ăn uống. Sum họp quây quần.
Thích nhất, mùa thu. Quá đẹp. Lá đổi màu vàng đỏ tím nâu. Vườn thu ở đây đẹp và thơ. Chẳng thua vườn thu Luxembourg của Anatol France. Chỉ thiếu bờ vai tượng đá phong rêu. Cũng ngậm ngùi như vườn thu Cung Trầm Tưởng. “ Mùa thu âm thầm. Bên vườn Lục Xâm. Ngồi quen ghế đá. Không em buốt giá từ tâm”. Nắng đục gợi nhớ. Bâng khuâng. “Ô hay buồn vương cây ngô đồng. Vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông.” (Bích Khê). Trên sân chơi, lá vàng rơi lênh đênh, xôn xao gió đuổi chạy vòng.
Những ngày cuối thu rét lạnh. Khi đàn ngỗng trời giã từ hàng liễu rũ quanh hồ nước trong veo cuối công viên, kêu đàn rơì rạc trên trời xanh, bay thấp ngang sân theo đội hình thao diễn về miền Nam tìm ấm. Khi trên bãi cỏ sân nhà trang hoàng lưới nhện, đầu lâu, hình nộm ma quái và những quả bí vàng rực khắc hoa đủ mặt vui buồn của mùa Halloween. Khi nhiệt độ đã quá thấp và tuyết trắng mỏng đầu mùa lả tả rơi. Khi áo ấm khăn quàng không còn đủ giữ cho khỏi lạnh sau một hồi múa may quay cuồng. Khi cây đã trơ cành, trời xám xịt. Tạm biệt sân chơi và những ngày giờ hạnh phúc.

3.
Những ngày cuối tuần của mười năm. Với những người, những khuôn mặt dáng vóc thường thấy. Dẫu không thân, nhưng đã quen. Dù chỉ vẫy tay chào hay đơn giản một nụ cười thiện cảm.
Đúng tám giờ sáng. Hai con chó, một lớn đen một trắng nhỏ, chạy tung tăng. Theo sau là ông chủ Do Thái rậm râu. Nón chụp nhỏ bằng bàn tay mỏng dính trên đầu hói tóc. Đi nhanh. Tay cầm thánh kinh. Chăm chú đọc lớn, có khi nghe như hát. Thỉnh thoảng ngừng lại. Chờ. Lôi trong túi bọc ni lông. Hốt phân. Bỏ vào thùng rác. Tiếp tục đi và tiếp tục đọc. Hàng xóm nơi tôi ở là Do thái. Gần họ, tôi thấy chưa có tín đồ đạo giáo nào sùng tín và giữ đúng giới luật như họ. Họ tồn tại và lập quốc qua bao nhiêu thế kỷ thảm họa diệt vong cũng nhờ vào lòng tin tôn giáo và niềm tự hào nơi tổ phụ.
Mười năm hơn có gì thay đổi? Ừ có! Tôi nhớ lại những năm đầu, ông dẫn theo chỉ một cô chó trắng nhỏ Fox Terrier. Liến thoắng. Tinh nghịch. Quá đỗi dễ thương. Mỗi lần qua sân, nó trì kéo đến rào. Vểnh mỏ qua ô lưới sắc. Sủa chào. Hello P ê r ô! Tôi vừa đỡ banh vừa cười chào. Mấy người trong sân cũng cười vui trìu mến. P ê r ô là tên của cô chó thân thiện. Nhìn P ê r ô tôi hiểu phần nào các bà ở Mỹ cưng chó hơn chồng.  Nhưng chịu khó săn sóc yêu thương chó hơn cả cha mẹ thì quả thật khó thông cảm. Bà tỷ phú vừa chết, bỏ lơ con cháu và bao nhiều người đói kém tật nguyền bạc phước, di chúc để nửa tài sản hàng triệu đô la cho chó. Mấy người này sẽ rùng mình sởn gáy khiếp đảm khi nhìn chó treo lủng lẳng trên các xe bán thịt cầy tơ tại Việt Nam. Cám ơn cô P ê r ô nhỏ bé xinh xinh, hình ảnh quá thân quen.
Mùi thuốc lá thoang thoảng. À! Nhìn ra chiếc ghế cạnh sân chơi, đã thấy chị ngồi đó. Một tay giữ điếu thuốc trên miệng. Khói thuốc bay lãng đãng. Một tay nâng tách cà phê lớn. Trân trọng nhấp từng ngụm nhỏ. Gương mặt thật lạ. Đôi mắt nhìn bất động về một phía. Chẳng biết đang vui hay buồn. Đang lo lắng hay thảnh thơi. Nhưng có điều trên nét mặt cứng đọng đó, tôi cảm ra được chị đang tận thú thuốc lá cà phê và những giây phút của riêng. Chị khoảng trên bốn chục. Không phấn son. Áo quần giản dị thoải mái theo mùa. Đến công viên sau giấc ngủ muộn cuối tuần. Chị ngồi đó. Chúng tôi chạy nhảy cười đùa cãi cọ trong sân. Tất cả hình ảnh đó chị thấy nhưng không chắc chị đã nhìn.
Mỗi lần nhìn chị, hay thoạt nhớ hình ảnh chị, ngồi trên chiếc ghế gỗ đơn côi trong công viên những buổi sáng, tôi ngậm ngùi cho tình cảnh cô đơn của chị và lại liên tưởng đến một người bạn trai thân mến. Thuở chưa mất nước, con nhà giàu. Ở đâu cũng học giỏi. Tính tình chân chất. Gần sáu mươi vẫn một mình. Sáng đi làm, tối về nấu nướng. Ăn tối. Đọc báo. Đi ngủ. Không yêu đương và không tính chuyện yêu thương. Bạn bè thân đôi đứa ở xa. Bạn bè gần, hiếm hoi. Không thích bon chen, giao thiệp ồn ào. Anh quen với cuộc sống đó. Lấy cái xô bồ của đời mình để đo đời thiên hạ, rồi thương người! Biết đâu chị cũng thích lối sống riêng và hạnh phúc với nó thì sao. Nói cho cùng, biết thế nào là sướng khổ. Chị hay tôi?
Tôi phải nhắc đến một người mà cứ mỗi lần xuất hiện, khóe mắt anh nhìn, tôi biết mình là kẻ hết sức may mắn. Cái may mắn lớn nhất trên mọi may mắn. Thế mà không phải riêng tôi mà nhiều người hầu như coi thường và sẵn sàng dùng nó để đánh đổi những thứ phù du ảo ảnh. Anh không còn trẻ nhưng cũng chẳng già. Năm trước ngồi xe lăn còn có người đẩy. Một thiếu phu thon người, mặt mày thanh tú. Ăn mặc đúng thời trang. Dễ thường là vợ. Năm nay, run rẩy. Nửa thân tựa trên gậy chống, một mình lê chân qua đường. Miệng rung, méo lệch. Một tay buông thõng không động đậy. Anh ngồi xiêu vẹo nhìn chúng tôi. Trầm tư, đôi lúc thích thú cười mếu. Chắc anh đang tiếc những ngày mạnh khỏe như thế đã qua trong đời. Tôi cũng đoán chắc, giờ này anh không ham gì tiền bạc danh vọng, hay một tình yêu không tình thì còn chút nghĩa. Chỉ một ước ao đơn giản, một điều đã có, đã vượt khỏi tầm tay: Cầm vợt ra sân!

4.
Sau chuyến rong chơi xa, dài ngày tháng, tôi trở về trời đã cuối xuân. Mùa hoa tàn.  Chưa kịp làm quen với giấc ngủ trái giờ, sáng sớm đã vội dậy, xách vợt ra sân. Những khuôn mặt thường quen hầu như gặp lại. “Bọn bốn người” vẫn đủ số. “Vợ chồng Đại Hàn” vẫn giơ tay giơ chân đỡ bóng. “Nhóm bà Nhật” thêm nhiều khuôn mặt mới. Hai cô gái nhỏ lớn nhanh, chơi với nhau và không còn có bố kềm cặp. Nhìn về cuối sân “Đôi chim bồ câu” chỉ còn lại con trống thui thủi dợt bóng một mình. Chưa kịp hỏi, anh bạn Ý đứng cạnh, ngậm ngùi. “ Nàng đã bay đi”. Tiếng anh chùng xuống thương cảm. “Tụi tôi nhiều lần qua rũ chàng theo nhóm. Vừa lẻ bạn, chàng chưa thấy hứng nhập bầy”. Người khác xen vào. “Thêm một tin không vui khi cậu đi xa. P ê r ô chết đầu mùa xuân vì ung thư ruột”. “Ồ. Thật sao?” “Xác P ê r ô hỏa táng. Tro rải trên hồ cuối sân, gần cây liễu rũ.”
NINH HẠ, Chicago, Thu 07
 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top