• Phan Nhật Nam CHÂN DUNG VĂN NGHỆ SĨ, Từ Miền Nam, ở Sàigòn , Phần 2.

• Phan Nhật Nam

Chân dung Văn Nghệ Sĩ,

Từ Miền Nam, ở Sàigòn

Phần 2.


Trong khoảng thời gian đằng đẵng giữa vũng tối tại những hầm giam nơi đất Bắc Việt Nam, hoặc trong tình cảnh vắng lặng ở chốn mông mênh tuyết đóng dầy vùng cực Bắc nước Mỹ, hay đêm thăm thẳm lái xe xuyên liên bang, tạm ghé vào một Rest Area nào đấy dọc đường 10 hay I5, 35.. Anh thường áp dụng một phương cách tự bảo vệ rất hiệu quả - Nói chuyện với mình, đặt bản thân vào trong một tình huống nào đó, tìm ra một giải pháp, xong phê phán giải pháp ấy.. Quá trình “độc diễn” nầy luôn có tham dự từ “mỗi người Bạn”- Đơn vị sống cùng anh suốt đời dài từ thuở anh bắt đầu có ý thức về mình vào một ngày niên thiếu, bắt đầu tháng 9, 1950 - Thời điểm người cha lên chiến khu Việt Minh, đứa nhỏ dần ra khỏi gia đình đến ngủ nhà người bạn gồm sáu anh em trai họ Cao ở xóm nhỏ Đường Trung Bộ (Tô Hiến Thành sau 1954), vùng Gia Hội, Huế. Với cách “sống-cùng-với-bạn” nầy kéo dài cho đến hôm nay, qua số tuổi 60, quá 70 khiến anh đã rất nhiều lần bật kêu lên: Bạn đâu mà nhiều thế! Trước tiên là bạn học, bởi theo học khắp Miền Nam từ Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, vào Sài Gòn; bạn lính của đủ Bốn Vùng Chiến Thuật, hết thảy các quân, binh chủng Quân Lực Cộng Hòa do thuộc đơn vị nhảy dù tăng phái đi khắp các mặt trận, phối hợp hành quân với nhiều đơn vị bạn.. Tiếp, bạn viết báo không hề phân biệt “báo Nam Kỳ, Báo Bắc Kỳ”; Bạn văn học, khoa cử, nghiêm túc như Ông Cả Doãn Quốc Sỹ; bạn giang hồ “Võ Sư Thi Sĩ” Hồng Lĩnh, Sa Giang Trần Tuần Kiệt múa kiếm bằng.. đũa; bạn hảo thủ quanh bàn rượu, vì đã sáng tạo những câu “danh ngôn” rất được tán thưởng: “Đời là cuộc say dài!” Và cuối cùng, bạn tù, mà khi leo lên vùng núi ở Perth, nơi Châu Úc heo hút năm 1996, khi bước vào căn nhà có treo tấm ảnh “Vô Thượng Sư”, có một ông nhảy ra ôm chầm kêu lớn.. “Anh Nam ơi! Tôi ở Trại 12 Hoàng Liên Sơn với anh đây”.

Mỗi người trong đám đông đảo kể trên, qua dài hơn nửa thế kỷ đã chiếm một vị trí riêng biệt, nhất định trong đời sống bản thân anh.. Mà không phải chỉ riêng đối với những nhân sự thân thiết, gần gũi từ ngày nhỏ như Nguyễn Bá Trạc, Vũ Ngự Chiêu.. hoặc những người đã cùng anh chia xẻ qua những tháng năm sống/chết, như Nguyễn Lô, Lê Văn Mễ ở Nhẩy Dù, hoặc Nguyễn Xuân Hoàng chiều ngày 29 tháng 4, 1975 ở Đường Hồ Biểu Chánh, Phú Nhuận, Sàigòn. Nhưng anh hằng nhớ như ngay bây giờ.. Cô Thu Vân, năm 1960 (chưa quen biết) mặc áo dài, cổ đeo vòng kết những hạt thả xuống ngực, đứng bên cây gốc cây cối sù sì, u nần trước nhà Số 15 Tô Hiến Thành (nhà “Thu Lé”) không khác gì Bà Nhã Ca mặc áo nâu, màu nhà Phật của hiện tại. Anh cũng thấy hiển hiện trước mặt người bạn với sắc mắt đen hóm hỉnh, tinh quái trước tiệm phở Đường Võ Tánh, Sàigòn (1973) trong phòng tối trại giam Thanh Cẩm (1981-1988).. Nhưng lạ thay, dẫu anh nhớ rõ câu kết luận: “.. đôi guốc khóc nấc lên, xong quăng mình theo giòng nước” trong tập truyện ngắn Những Giọt Mực của bạn mà quên hẳn người bạn tên thật là gì? Bút hiệu là gì? (Lê Tất Điều/Kiều Phong/Cao Tần)
 
Và cũng chẳng cần phải là những người thường trực giao tiếp, chuyện trò nầy, mà đối với những bằng hữu ngăn cách xa xôi lâu dài, bỗng nhiên (vào một lúc bất ngờ nào đấy), họ trở lại sống cùng anh như một phần từ thân anh không phân biệt khách, thể.. Năm 1988, đêm mùa Đông, từ phòng giam Số 2 Trại giam Thanh Cẩm, nhìn ra dáng núi chập chùng đầu sông Mã ẩn hiện dưới mầu trăng bàng bạc lạnh sương núi, lắng nghe tiếng thuyền chài gõ nhịp, thoảng tiếng ca vọng trên sóng nước - Anh chợt rùng mình bởi cảm xúc thăm thăm – qua hồi ức lại giấc mơ cuối năm 1981 (năm bắt đầu vào phòng kiên giam): Anh “thấy” Ngô Vương Toại (Năm 1995 gặp lại ở Washington DC; Nguyên Chủ Tịch Sinh Viên Văn Khoa Sàigòn, ba-mươi năm trước, 1965) đứng gọi anh nơi “đầu sông Mã”–Với lời giải thích về bút danh “Sông Mã” mà người bạn nói cùng anh nơi tòa soạn Báo Đời Sàigòn, 1972 - Tất cả trước/sau-mộng/thực kết nên thành Một - Khiến cho anh cảm giác: Có Người Bạn nào đấy luôn sống cùng, bên cạnh.  Hôm nay, từ 2018 Sông Mã sống lại với anh nơi sa mạc vùng Arizona qua ngày ngày có một “tường trình” thể hiện với Ngô Thế Vinh, một người đã qua những ngày thơ ấu nơi sông Mã trước khi vào Huế (sau di cư 1954), lại là người họ Ngô như Ngô Vương Toại – Cũng là Họ của Mẹ - Ngô/Ngã/Chính anh. 
 
Năm 1998, anh gặp Đoàn Viết Hoạt ở Minnesota để xác chứng một điều: Người Bạn mà anh nghĩ đến kia là có thật (dẫu trước đó chưa hề gặp mặt). Bởi Đoàn Viết Hoạt là người (trong thực tế) đã thế chỗ anh (đã ở) nơi phòng giam Số 2 trại Thanh Cẩm, Thanh Hóa trong thập niên 90. Sau đó anh được đưa ra Trại Ba Sao (8/1/1988) “đi cùng cùm” với Linh Mục Nguyễn Văn Lý (chưa hề nghe danh, thấy mặt) trước lần chuyển tiếp về Nam, 29/5/1988. Qua Huế đúng ngày Phật Đản. Trên đoạn đường từ Trại Thanh Cẩm, Huyện Cẩm Thủy anh thoắt nghĩ ra.. Như một giấc mộng không thật bắt đầu từ Trại Long Giao, Long Khánh (23/6/1975).. Làm sao có thể sống qua 13 năm như thế được –Một giấc mộng không thật với NỖI ĐAU có thật, rất thật! Giấc “mộng/thật” nầy qua những nơi có tên Long Giao, Long Khánh, Việt Hồng, Việt Cường, Hoàng Liên Sơn, Lam Sơn, Thanh Cẩm, Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Và “Long Giao, Cẩm Thủy”.. nào đâu xa lạ: Chính là tên vợ chồng hai người bạn Giao-Thủy và tên bà vợ (Cẩm) với ông em Long! Hóa ra tất cả ĐÃ nên thành Một nhưng do con người không biết mà thôi. 

Có một điều tưởng như thừa nhưng cũng cần phải nói ra. Những đoạn viết ngắn sau hoàn toàn không do cảm tính “yêu/ghét”, cũng không là đánh giá về “văn nghiệp, tác phẩm” của những niên trưởng, huynh đệ, bằng hữu xa gần ấy mà chỉ là nét đúc kết tổng quát về họ (phản ảnh chủ quan trong anh) qua hiện thực thuần thành chính xác nhất - Chữ Viết, Nét Vẽ, sắc màu của chính họTên là sao nghĩa là vậy. Chữ viết như thế nào/Vẽ như thế nào/Sống như thế ấy.

Cuối cùng, loạt bài dài (về mỗi người) sẽ được viết tiếp để xác chứng một điều: Vì Viết/Vẽ/Sống thực như thế nên tất cả “Người/Việc/Vật/Của Miền Nam/Ở Sàigòn” đã kết cấu nên thành một Khối Văn Hóa - Đời Sống sinh động chân thật, nhân hậu của Miền Nam (chỉ dài 21 năm, 1954-1975) - Nhưng chế độ cộng sản dẫu đã đoạt thắng trên tất cả mọi phương diện, thâu tóm mọi phương tiện, 45 năm sau kể từ 30/4/1975 cũng không cách gì xóa bỏ được nếu không nói là trái ngược lại.
Anh “viết” những đoạn ngắn dưới đây trên đầu ngón tay, trong bóng tối phòng giam của giai đoạn tù tội 1975-1989; tại cảnh quê Lái Thiêu trước khi đi Mỹ, 5/11/1993; cũng như sau nầy khi ngồi một mình giữa đêm tuyết lớn nơi Minnesota, ở Cali, và hôm nay vùng sa  mạc Arizona. Một số rất đông trong những người kể ra đã không còn nữa sau 45 năm..

Ghi Chú: Những từ ngữ, tiêu đề Viết Nghiêng/Italic là: Bút danh/Tên tác phẩm/Bài Viết/Nhân vật đặc trưng của mỗi tác giả. Ví dụ: Hòa Bình.. Nghĩ Gì? Làm Gì? Tiểu Luận của Nguyễn Mạnh Côn; Truyện ngắn Ngỏ Sau của Mai Thảo; Đốc Nô, Gã Thâm.. Nhân vật dịch thuật của  Hoàng Hải Thủy.  

Phần 2
Tiếp tục viết/vẽ lại chân dung văn nghệ sĩ xa, gần của Sàigòn qua nội dung, chữ viết, nét vẽ của chính mỗi người. Cho dẫu là “đối tượng nạn nhân đầu tiên”của cuộc đổi đời khốc liệt 30/4/1975, nhưng họ vẫn tiếp tục công việc nơi hải ngoại, ở trong nước – Thật đáng cảm phục sức chiến đấu âm thầm bền bĩ của mỗi cá nhân đơn độc nầy - Bởi chính thành phần thế hệ nầy là đối tượng bị đánh phá bởi “tất cả”các phía/phía người, tổ chức, nhà nước cộng sản VN là một điều tất nhiên. Nhưng họ không hề than trách, chỉ bỏ cuộc khi phải ra đi.. 
 

14- Nhã Ca

Ngày Thơ, Tình Thơ cô cất tiếng hát
Chớp Mắt Một Thời chị Nghe Đại Bác 
Phượng Đỏ làm chi, đỏ cả Sài Gòn
Thắt Giải Khăn Sô, bà ghìm tiếng khóc!

Những tác phẩm viết theo các biến cố thời sự, nhiều thời kỳ của cuộc sống ở Miền Nam: Ngày Thơ-Tình Thơ; Đêm Nghe Tiếng Đại Bác; Giải Khăn Sô Cho Huế; Hoa Phượng Ơi Đừng Đỏ Nữa; Chớp Mắt Một Thời.. 
 

15- Nguyễn Viết Khánh 

Bác lên Núi cao đánh chiếc Khánh
Bác xuống Ruộng sâu chuyên nghiệp Viết văn
Dụng văn xong làm báo
Bàn thấu chuyện sao xanh.

Bút danh của Niên Trưởng làng báo Sàigòn trước 1975, sau 1975 nơi hải ngoại, chuyên nghiên cứu đề tài khoa học, thiên văn: Sơn Điền.
 

16- Nguyễn Bá Trạc

Cậu chẳng đi Di Cư 
Sao Nhức Đầu Vừa Phải?
Bứt một Ngọn Cỏ Bồng
Khóc nức Sau Cơn Mưa.

Thơ, tiểu thuyết tự sự, tùy bút, gốc Bắc, mẹ người Huế: Chuyện Một Người Di Cư Nhức Đầu Vừa Phải; Ngọn Cỏ Bồng
Ký sự dịch từ Larry Engelmann: Nước Mắt Sau Cơn Mưa
 

17- Đằng Giao

Hãy mài.. Hãy mài..
Nào hãy mài!
Mài sắc màu son ửng đỏ tươi
Chẳng biết đùa dzai chơi khó được?
Bay lên..
Đằng lên cao Giao ơi..
 
Họa sĩ chuyên ngành sơn mài; Thư Ký Tòa Soạn Nhật Báo Sống; Sóng Thần: Đằng Giao/Trần Duy Cát; Đùa Dzai (khi vẽ hí hoạ)
 

18- Đỗ Quý Toàn

Một tay hốt Tuyết
Tay cào Cỏ 
Tay kia nặn Bột 
Tay này mần Vua 
Chẳng biết tìm chi trong Tiếng Nói
Cùng đành Đổi Mới
Việc kinh doanh! 

Chuyên sáng tác, viết luận đề về thơ: Cỏ và Tuyết; Tìm Thơ Trong Tiếng Nói
Bút hiệu khi viết về kinh tế, chính trị: Vương Hữu Bột/Đổi Mới Kinh Tế
 

18- Viên Linh 

Anh về Miền Đông chạy xe thổ mộ
Thị Trấn ẩm buồn khói thuốc Phoenix
Một độ Hóa Thân táng biển lớn
Chìm sâu đáy thảm Thủy Mộ Quan.

Khởi đầu, tiếp nối chuyên làm thơ: Hóa Thân (1964); Thủy Mộ Quan (1982)
Tập Truyện có tính tự sự: Thị Trấn Miền Đông
 

19- Nguyễn Mộng Giác

Lội qua Sông Côn, gặp Mùa Lũ,
Lội lại Sông Côn, trúng Biển Động
Nó “cắt tai” ai... Cắt gì của ông? (*)
Đi Đường Một Chiều hãy cẩn thận!

Trường Thiên Tiểu Thuyết: Mùa Biển Động; Sông Côn Mùa Lũ
Truyện Dài: Đường Một Chiều
(*) Đem sự kiện “cắt tai” nghe từ Đại Úy TTTrực (đơn vị BĐQ ở Đà Nẵng) chuyển thành nhân vật lính Nhảy Dù trong tiểu thuyết nên bị người đơn vị ND phản đối!   
 

20- Bùi Bảo Trúc

Lờ vờ xưng danh Ký Giả Hạng Bét
Thư Từ Miền Đông ngày ngày viết miết 
Hết tập thứ nhất, đến tập thứ tư 
Bão cứ thổi vùi… Trúc, tre cũng bứt!                                                                       

Bút danh khi viết mục ký sự hàng ngày: Ký Giả Hạng Bét
Ký sự hằng ngày được đông đảo độc giả khắp nơi theo dõi: Thư Gủi Bạn Ta  
 

21- Thanh Tâm Tuyền

Mở toang cửa sổ ngóng Mặt Trời
Đêm tối… Hởi Liên nào Tìm Thấy?!
Dọc Đường đi dài, Không Cô Đơn 
Khổ nhục vác nứa ở Yên Bái (*)
Cùng đành chịu phận âm thầm..
Lấm sâu Cát Lầy, nhập cơn Ung Thư
Tôi gọi tên tôi với Thơ, nơi Bếp Lửa! 

Tác giả quan trọng của nhóm Sáng Tạo, Sàigòn (1956-1959), tác phẩm văn xuôi: Dọc Đường (Tập Truyện); Cát Lầy, Ung Thư (Tiểu Thuyết)..
Thơ tiêu biểu: Tôi Không Còn Cô Độc;  Liên - Đêm - Mặt Trời Tìm Thấy!
(*): Đi tù cộng sản sau 30/4/1975
 

22- Ngô Thế Vinh

Quyết xây Tình Thương,
Đi Biệt Cách Dù (*)
Mặc Mây Bão nổi, Gió Mùa mưa
Quanh Vòng Đai Xanh, 
Bóng Đêm  chìm lấp
Cửu Long Cạn Dòng..
Có còn không sông ơi?!

Ban Biên Tập Tạp Chí Sinh Viên Y Khoa Sàigòn (1963-1967): Tình Thương
Truyện dài phản ảnh người/việc xã hội Miền Nam trong thập niên 1960’, 1970: Mây Bão; Gió Mùa; Bóng Đêm  
Tiểu thuyết ký sự về vòng đai Trại Lực Lượng Đặc Biệt do LLĐB Mỹ xây dựng nơi Cao Nguyên Trung Phần (1964-1970): Vòng Đai Xanh
Biên Khảo về Sông Cửu Long bị ngập mặn, môi trường hũy hoại từ đầu Thế Kỷ 21: Biển Đông Cạn Dòng-Cửu Long Dậy Sóng  
(*): Ý sĩ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù
 

23- Hoàng Khởi Phong

Gió cứ nổi, còi ông cứ thổi (*)
Ông viết Thơ Phục Hồi Quyền Làm Người
Một thuở giữ tù nơi Phú Quốc (**)
Cây Tùng Trước Bão chẳng lung lay?!

Thơ từ người/việc/thời sự 1960, 1970 nơi Miền Nam: Phục Hồi Quyền Chức Làm Người 
Ký sự nhân vật trong quân đội, xã hội Miền Nam trước, sau 1975: Cây Tùng Trước Bão 
 (*; **) Sĩ quan ngành quân cảnh, phụ trách giữ tù cộng sản nơi trại giam Phú Quốc
 

24- Du Tử Lê 

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Khi tôi yêu, nầy.. Ngực đây hãy chém 
Đời Ở Phương Đông hay đời Cali?
Chạy đâu thoát!
Cũng phải quàn Đường Beach!(*)

Những câu thơ tiêu biểu được phổ biến: Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển! Tình như một đường gươm.. Ngực đây em hãy chém!
Tiểu Thuyết Thơ được giải thưởng Tổng Thống VNCH 1972: Đời Ở Mãi Phương Đông
(*) Dự ngôn (Pnn’s) nói, viết từ 2008: Cuối cùng cũng phải quàn (nơi Peak Family) Đường Beach!
 

25- Vũ Ngự Chiêu

Vây quanh hằng hằng Vòng Tay Lửa
Mối đau chất ngất trang sử cũ
Đậu bằng thấp, xong đậu cấp cao (*)
Nẽo về Chính Đạo Nguyên vần Vũ.

Tiểu thuyết nhiều tập lấy chiến tranh VN làm bối cảnh: Vòng Tay Lửa
Bút danh khác nhau khi viết về sử ; tiểu thuyết ký sự chiến tranh: Chính Đạo; Nguyên Vũ
(*) Nguyên sĩ quan Pháo Binh Nhẩy Dù, đến Mỹ từ 30/4/75, tốt nghiệp nhiều chuyên khoa Sử, Luật thuộc học giới Mỹ.
 

26- Lê Tất Điều

Bạn ngồi Tần(g) Cao viết lời thơ
Mân mê kỷ Tờ Chứng Chỉ
Phá Núi không thành, nên hóa Đá
Ta làm gì cho hết nửa đời sau?!

Truyện dài trước 1975: Phá Núi; Người Đá..
Bút hiệu (khi viết thơ) với nội dung thơ (cảm khái) được phổ biến, yêu chuộng sau 1975 tại hải ngoại: Cao Tần - Tờ Chứng Chỉ Cũ; Ta làm gì cho hết nửa đời sau?!

27- Phạm Thiên Thư

Chàng mang dáng vóc con kỳ lân
Lập Động Hoa Vàng  bên Gia Định
Chẳng hiểu cớ sao lên non, từ quan 
Hóa ra cố cầm tay cô Ngọ!

Trường phái thơ đặc trưng của Thi Ca Miền Nam từ căn bản Phật Lý, Đạo Học do tác giả vốn đã là người Cửa Thiền: Động Hoa Vàng 
Đối tượng chính của Tthơ Ngày Xưa Hoàng Thị: Trần Thị Ngọ 
 

28- Trần Lê Nguyễn

Bão Thời Đại thổi qua
Ngã xạm mầu râu tóc
Đêm Ba Mươi cô độc
Lạnh ướt sủng gót giày
Hút một hơi ống vố
Tuổi đã qua bốn-mươi 
Đời nhạt thếch không vợ
Tác phẩm bày bán son..
Sau “Bảy-lăm” nghiệt khổ
Sạp báo thảm hè đường!! 

Tên thật Nguyễn Văn Tạo, kịch tác gia riêng biệt, độc đáo của Miền Nam từ 1950’, 1960’: Bão Thời Đại; Đêm Ba Mươi.
Tự dự báo cảnh đời từ trước 1975: Bốn mươi tuổi đời không vợ. Tác phẩm đem bán son..
 

29- Nguyễn Thụy Long

Vác Ngà Voi cho lắm
Nuôi nào nỗi thằng Loan
Qua được Tám Cửa Ngục
Tiếp ngặt giòng Kinh Đen
Bầy Ruồi Xanh khuấy nhặng
Gác chật, viết trên sàn..

Những tiểu thuyết phóng sự lấy cảnh sống của giới giang hồ Sàigòn trước 1975 làm chất liệu: Vác Ngà Voi; Loan Mắt Nhung; Bà Chúa Tám Cửa Ngục; Kinh Nước Đen..
Sách viết từ đời sống bị áp bức, cùng khổ sau 1975: Vang Tiếng Ruồi Xanh; Hồi Ký Viết Trên Gác
 

30- Bùi Giáng 

Coi như gặp giữa đường..
Chập hoàng hôn phía trước, 
Giữa Cồn Lá Hoa xưa 
Nghe Mưa Nguồn chớp bể
Hỏi… Quê nào, họ, tên?
Thân rạn rày xó chợ
Còn đâu ruộng dâu xanh?
Đập tan tròng kính vỡ
Trừng trừng dõi nơi mô?!

Giòng thơ bình thản kỳ lạ, độc đáo của văn học Miền Nam trước, sau 1975 từ tâm thức cao viễn khắc khoải giữa đời sống khốc liệt VN hậu bán thế kỷ 20: Xin chào nhau giữa đoạn đường.. Hoàng hôn phía trước..; Hỏi tên là một, hai, ba.. Hỏi quê rằng mộng ban đầu đả xa...Cứ tưởng đầu đường thương xó chợ? .Ai ngờ xó chợ chẳng thương  nhau!!    
Những tập thơ tiêu biểu: Lá Hoa Cồn; Mưa Nguồn
 

31- Tạ Ký

Nỗ tiếng rền lựu đạn 
Ở Lại với mối Sầu 
thác cõi thiên đường
Chúa, Phật.. Cao không thấy!

Tên thật, Tạ Ký, Giáo Sư Việt Văn, đi tù vì tội “Trung Úy giáo chức” do động viên Khóa 14 Thủ Đức, 1962; chết trong trại tù cộng sản, 1979
Tác phẩm dự tri cho bản thân: Sầu Ở Lại, giải thưởng Văn Học Tổng ThốngVNCH, 1973     
 

32- Mặc Thu

Bác xuôi đò ngang Đêm Trừ Tịch
Hớp ngụm cà-phê ngỡ mùi máu dính
Mài mực, phóng bút…
Tràn hơi sương Thu
Hãy trôi đi…Trôi như bình Sinh,
Một đời không xong nghiệp Chép Sử!

Tên thật Lưu Đức Sinh, thuộc nhóm Tự Do sau 1954 tại Sàigòn; Chuyên viết Thư Họa Hán-Nôm. Nạn nhân chính trị của các chế độ cộng hòa, cộng sản trước, sau 1975.
Tác phẩm chính trị-thời sự tiêu biểu sau 1954: Đêm Trừ Tịch; Người Chép Sử  
 

33- Đỗ Ngọc Yến

Khôn đến thế là cùng (*)
Đỗ xong mới đặt Yến
Mai Phương nào… Nơi đâu?
Hãy báo về Người Việt.

(*) Từ 1950’, 60’ đã là nhân sự tham dự sinh hoạt thanh niên, sinh viên, học sinh, báo chí Sàigòn trước 30/4/1975.
Bút danh khi viết báo tại Sàigòn trước 1975; Sáng lập viên Nhật Báo Người Việt từ 1978 ở hải ngoại: Mai Phương 








 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top