• Phan Nhật Nam CHÂN DUNG VĂN NGHỆ SĨ, TỪ MIỀN NAM, của SAIGON, bai số 3

Chân dung Văn Nghệ Sĩ. ..
Từ Miền Nam, ở Sàigòn

• Phan Nhật Nam



Nhà văn Phan Nhật Nam, cựu Đại Uý Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH

Bài Thứ Ba

Trong khoảng thời gian đằng đẵng giữa vũng tối tại những hầm giam nơi đất Bắc Việt Nam, hoặc trong tình cảnh vắng lặng ở chốn mông mênh tuyết đóng dầy vùng cực Bắc nước Mỹ, hay đêm thăm thẳm lái xe xuyên liên bang, tạm ghé vào một Rest Area nào đấy dọc đường 10 hay I5, 35.. Anh thường áp dụng một phương cách tự bảo vệ rất hiệu quả - Nói chuyện với mình, đặt bản thân vào trong một tình huống nào đó, tìm ra một giải pháp, xong phê phán giải pháp ấy.. Quá trình “độc diễn” nầy luôn có tham dự từ “mỗi người Bạn”- Đơn vị sống cùng anh suốt đời dài từ thuở anh bắt đầu có ý thức về mình vào một ngày niên thiếu, bắt đầu tháng 9, 1950 - Thời điểm người cha lên chiến khu Việt Minh, đứa nhỏ dần ra khỏi gia đình đến ngủ nhà người bạn gồm sáu anh em trai họ Cao ở xóm nhỏ Đường Trung Bộ (Tô Hiến Thành sau 1954), vùng Gia Hội, Huế. Với cách “sống-cùng-với-bạn” nầy kéo dài cho đến hôm nay, qua số tuổi 60, quá 70 khiến anh đã rất nhiều lần bật kêu lên: Bạn đâu mà nhiều thế! Trước tiên là bạn học, bởi theo học khắp Miền Nam từ Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, vào Sài Gòn; bạn lính của đủ Bốn Vùng Chiến Thuật, hết thảy các quân, binh chủng Quân Lực Cộng Hòa do thuộc đơn vị nhảy dù tăng phái đi khắp các mặt trận, phối hợp hành quân với nhiều đơn vị bạn.. Tiếp, bạn viết báo không hề phân biệt “báo Nam Kỳ, Báo Bắc Kỳ”; Bạn văn học, khoa cử, nghiêm túc như Ông Cả Doãn Quốc Sỹ; bạn giang hồ “Võ Sư Thi Sĩ” Hồng Lĩnh, Sa Giang Trần Tuần Kiệt múa kiếm bằng.. đũa; bạn hảo thủ quanh bàn rượu, vì đã sáng tạo những câu “danh ngôn” rất được tán thưởng: “Đời là cuộc say dài!” Và cuối cùng, bạn tù, mà khi leo lên vùng núi ở Perth, nơi Châu Úc heo hút năm 1996, khi bước vào căn nhà có treo tấm ảnh “Vô Thượng Sư”, có một ông nhảy ra ôm chầm kêu lớn.. “Anh Nam ơi! Tôi ở Trại 12 Hoàng Liên Sơn với anh đây”.
Mỗi người trong đám đông đảo kể trên, qua dài hơn nửa thế kỷ đã chiếm một vị trí riêng biệt, nhất định trong đời sống bản thân anh.. Không phải chỉ riêng đối với những nhân sự thân thiết, gần gũi từ ngày nhỏ như Nguyễn Bá Trạc, Vũ Ngự Chiêu.. hoặc những người đã cùng anh chia xẻ qua những tháng năm sống/chết, như Nguyễn Lô, Lê Văn Mễ ở Nhẩy Dù, hoặc Nguyễn Xuân Hoàng chiều ngày 29 tháng 4, 1975 ở Đường Hồ Biểu Chánh, Phú Nhuận, Sàigòn. Nhưng anh hằng nhớ như ngay bây giờ.. Cô Thu Vân, năm 1960 (chưa quen biết) mặc áo dài, cổ đeo vòng kết những hạt thả xuống ngực, đứng bên cây gốc cây cối sù sì, u nần trước nhà Số 15 Tô Hiến Thành (nhà “Thu Lé”) không khác gì Bà Nhã Ca mặc áo nâu, màu nhà Phật của hiện tại. Anh cũng thấy hiển hiện trước mặt người bạn với sắc mắt đen hóm hỉnh, tinh tế trước tiệm phở Đường Võ Tánh, Sàigòn (1973) trong phòng tối trại giam Thanh Cẩm (1981-1988).. Nhưng lạ thay, dẫu anh nhớ rõ câu kết luận: “.. đôi guốc khóc nấc lên, xong quăng mình theo giòng nước” trong tập truyện ngắn Những Giọt Mực của bạn mà quên hẳn người bạn tên thật là gì? Bút hiệu là gì? (Lê Tất Điều/Kiều Phong/Cao Tần)
 
Và cũng chẳng cần phải là những người thường trực giao tiếp, chuyện trò nầy, mà đối với những bằng hữu ngăn cách xa xôi lâu dài, bỗng nhiên (vào một lúc bất ngờ nào đấy), họ trở lại sống cùng anh như một phần từ thân anh không phân biệt khách, thể.. Năm 1988, đêm mùa Đông, từ phòng giam Số 2 Trại giam Thanh Cẩm, nhìn ra dáng núi chập chùng đầu sông Mã ẩn hiện dưới mầu trăng bàng bạc lạnh sương núi, lắng nghe tiếng thuyền chài gõ nhịp, thoảng tiếng ca vọng trên sóng nước - Anh chợt rùng mình bởi cảm xúc thăm thăm – qua hồi ức lại giấc mơ cuối năm 1981 (năm bắt đầu vào phòng kiên giam): Anh “thấy” Ngô Vương Toại (Năm 1995 gặp lại ở Washington DC; Nguyên Chủ Tịch Sinh Viên Văn Khoa Sàigòn, ba-mươi năm trước, 1965) đứng gọi anh nơi “đầu sông Mã”–Với lời giải thích về bút danh “Sông Mã” mà người bạn nói cùng anh nơi tòa soạn Báo Đời Sàigòn, năm 1972 - Tất cả trước/sau-mộng/thực kết nên thành Một - Khiến cho anh cảm giác: Có Người Bạn nào đấy luôn sống cùng, bên cạnh.  Hôm nay, từ 2018 Sông Mã sống lại với anh nơi sa mạc vùng Arizona qua ngày ngày có một “tường trình” thể hiện với Ngô Thế Vinh, một người đã qua những ngày thơ ấu nơi sông Mã trước khi vào Huế (sau di cư 1954), lại là người họ Ngô như Ngô Vương Toại – Cũng là Họ của Mẹ - Ngô/Ngã/Chính anh. 
 
Năm 1998, anh gặp Đoàn Viết Hoạt ở Minnesota để xác chứng một điều: Người Bạn mà anh nghĩ đến kia là có thật (dẫu trước đó chưa hề gặp mặt). Bởi Đoàn Viết Hoạt là người (trong thực tế) đã thế chỗ anh (đã ở) nơi phòng giam Số 2 trại Thanh Cẩm, Thanh Hóa trong thập niên 90. Sau đó anh được đưa ra Trại Ba Sao (8/1/1988) “đi cùng cùm” với Linh Mục Nguyễn Văn Lý (chưa hề nghe danh, thấy mặt) trước lần chuyển tiếp về Nam - 29/5/1988 – Anh qua Huế đúng ngày Phật Đản. Trên đoạn đường ngày trở VỀ MIỀN  NAM anh có cảm giác ĐANG TRONG MỘT GIẤC MỘNG NHƯNG RẤT THẬT. Giấc “MỘNG/THẬT” nầy bắt đầu từ ngày đi tù đầu tiên (23/6/1975) nơi Trại Long Giao, Long Khánh.. Làm sao có thể sống qua 13 năm như thế được – Một giấc mộng với NỖI ĐAU có thật, rất thật! Giấc “mộng/thật” nầy qua những nơi có tên Long Giao, Long Khánh, Việt Hồng, Việt Cường, Hoàng Liên Sơn, Lam Sơn, Thanh Cẩm, Cẩm Thủy, Thanh Hóa, Hà Nam Ninh. Và “Long Giao, Cẩm Thủy” nào đâu xa lạ: Chính là tên vợ chồng hai người bạn Giao-Thủy và tên bà vợ (Cẩm) với ông em Long! Hóa ra tất cả ĐÃ nên thành Một nhưng do con người không biết mà thôi. 

Có một điều tưởng như thừa nhưng cũng cần phải nói ra. Những đoạn viết ngắn sau hoàn toàn không do cảm tính “yêu/ghét”, cũng không là đánh giá về “văn nghiệp, tác phẩm” của những niên trưởng, huynh đệ, bằng hữu xa gần ấy mà chỉ là nét đúc kết tổng quát về họ (phản ảnh chủ quan trong anh) qua hiện thực thuần thành chính xác nhất - Chữ Viết, Nét Vẽ, sắc màu của chính họTên là sao nghĩa là vậy. Chữ viết như thế nào/Vẽ như thế nào/Sống như thế ấy.

Cuối cùng, loạt bài dài (về mỗi người) sẽ được viết tiếp để xác chứng một điều: Vì Viết/Vẽ/Sống thực như thế nên tất cả “Người/Việc/Vật/Của Miền Nam/Ở Sàigòn” đã kết cấu nên thành một Khối Văn Hóa-Đời Sống sinh động chân thật, nhân hậu của Miền Nam (chỉ dài 21 năm, 1954-1975) - Nhưng chế độ cộng sản Hà Nội dẫu đã đoạt thắng trên tất cả mọi phương diện, thâu tóm mọi phương tiện, 45 năm sau kể từ 30/4/1975 cũng không cách gì xóa bỏ được nếu không nói là trái ngược lại.

Anh “viết” những đoạn ngắn dưới đây trên đầu ngón tay, trong bóng tối phòng giam của giai đoạn tù tội 1975-1989; tại cảnh quê Lái Thiêu trước khi đi Mỹ, 5/11/1993; cũng như sau nầy khi ngồi một mình giữa đêm tuyết lớn nơi Minnesota, ở Cali, và hôm nay vùng sa  mạc Arizona. Một số rất đông trong những người kể ra đã không còn nữa sau 45 năm..

Ghi Chú: Những từ ngữ, tiêu đề Viết Nghiêng/Italic là: Bút danh/Tên tác phẩm/Bài Viết/Nhân vật đặc trưng của mỗi tác giả. Ví dụ: Hòa Bình.. Nghĩ Gì? Làm Gì? Tiểu Luận của Nguyễn Mạnh Côn; Truyện ngắn Ngỏ Sau của Mai Thảo; Đốc Nô, Gã Thâm.. Nhân vật dịch thuật phóng tác của Hoàng Hải Thủy.  

 
Phần 3

Tiếp tục viết/vẽ lại chân dung văn nghệ sĩ xa, gần của Sàigòn qua nội dung, chữ viết, nét vẽ của chính mỗi người. Cho dẫu là “đối tượng nạn nhân đầu tiên”của cuộc đổi đời khốc liệt 30/4/1975, nhưng họ vẫn tiếp tục công việc nơi hải ngoại, ở trong nước – Thật đáng cảm phục sức chiến đấu âm thầm bền bĩ của mỗi con người đơn độc nầy - Bởi chính thành phần thế hệ nầy là đối tượng bị đánh phá bởi “tất cả”các tổ chức quyền lực - Phía  cộng sản VN là một điều tất nhiên. Nhưng họ không hề than trách, chỉ bỏ cuộc khi phải ra đi.. 
 

34- Cung Trầm Tưởng


Bác dạo Cung Trầm
Tưởng vớ bở?
Lời Viết Hai Tay mãi chưa đủ
Đi gì qua Tây, xứ xa Paris (*)
Ở đấy,
Tình Ca bằng một ly rượu đỏ!

(*) Tên thật Cung Thúc Cần, Nhà Thơ cùng với Họa Sĩ Ngy Cao Uyên, Nhạc Sĩ Phạm Duy tạo dựng phong trào Lãng Mạn Mới (Néo-Romanticism) theo phong cách Tây-Âu trong thập niên 1960, 1970 tại Sàigòn. Phong trào chấm dứt cùng lần với biến cố 30/4/1975. Một vài người cố dụng lại nơi hải ngoại nhưng không thành – Do người, việc, thời sự không thích hợp: Tác phẩm tiêu biểu: Tình Ca
Thơ viết tại hải ngoại sau lần định cư ở Mỹ, 1993 trong độ tuổi 70/80: Lời Viết Hai Tay     
 

35- Trần Tuấn Kiệt


Ông leo Cây Bông Gởi Lời Thơ
Vương Vải những chữ nghĩa đau đớn
Thảm bạc Sa Giang, sầu tận Hồng Lĩnh 
Múa võ, viết văn nhằm nhò chi? (*)

Giòng thơ Tân Cổ Điển (Néo-Classicism) của thế hệ người làm thơ Miền Nam trước, sau 1954; Trần Tuấn Kiệt cách tân với những hình tượng, chất liệu mới trong thập niên 1960, 1970: Lời Gởi Cây Bông Vải, Thi phẩm được giải thưởng văn chương Tổng Thống VNCH, 1971
Bút hiệu khi làm thơ, lúc viết sách võ hiệp: Sa Giang - Bến sông nơi quê nhà Sa Đéc; Hồng Lĩnh- Vùng núi vùng Thanh-Nghệ-Tỉnh. 
(*) Ngôn ngữ phóng khoáng thường nhật của TTK
 

36- Bùi Ngọc Tuấn


Bạn đúng trước, sau một Hiện Tượng
Dạy học ở đâu không ai hay
Viết nên giòng Thơ không kẻ biết (*)
Say Giữa Mùa Trăng bên Hồ Gương 
Trỗi Trống Đồng, dội thanh âm Lạc Việt

Tổng Thơ Ký Tập San Văn Học của thanh niên, sinh viên Sài Gòn (1966-1969): Hiện Tượng, Lạc Việt 
Thi phẩm viết bên Hồ Gương (Harriet Lake) ở Minnesota: Say Giữa Mùa Trăng
Biên khảo về văn hóa cổ của Người Việt: Đồ Gốm Cổ – Một Nền Văn Hóa Thuần Việt  
(*) Hoạt động văn hóa, giáo dục riêng rẻ từ thập niên 60, 70 ở Sàigòn, sau 1975 nơi hải ngoại 
 

37- Nguyễn Đình Toàn


Thắp lên Một Ngọn Đèn..
Mới hay ông không Đứng Bên Lề,
Phía Ngoài Con Đường, mặc Đám Cháy
Mà lòng tràn Mật Đắng
Lần vĩnh biệt Sàigòn.. 
Niềm Nhớ Không Tên!   
Còn đâu ngày xưa Chị Em (cô) Hải
Một thời thắm thiết Áo Mơ Phai
 
Sách viết từ 1961 đến 1975 với văn phong chừng mực, đơn giản, thanh thoát nhưng không HỀ dung tục - Sau 30/4/1975 đi tù cộng sản bởi chữ nghĩa trong sáng, nhân bản dẫu không có sinh hoạt liên quan đến chính quyền, quân đội VNCH: Những Kẻ Đứng Bên Lê; Con Đường, Đám Cháy; Mật Đắng Chị Em Hải, Áo Mơ Phai..
Ca khúc tiêu biểu cho lòng người và cảnh tượng Miền Nam, Sàigòn sau 30/4/1975: Hãy Thắp Cho Nhau Một Ngọn Đèn; Sàigòn Niềm Nhớ Không Tên
 

38- Ngô Vương Toại 


Nơi Sông Mã, ông xưng Ngô Vương
Đã Toại lòng chưa?
Hóa ra lãnh búa!
Chúng đập đầu ông
Chúng bắn bụng ông (*)
Thoát chết, 
Đến Mỹ, Diễn Đàn ông nói lớn.

Thành phần sinh viên quốc gia chống cộng tại Đại Học Văn Khoa vào thời đoạn  
tranh đấu quyết liệt giữa hai phe quốc/cọng nơi diễn trường Đại Học Sàigòn (1964-1968):  
Ngô Vương Toại, người vùng Sông Mã, Thanh Hóa kiên định lập trường Quốc Gia-Dân Tộc thành hình sau 30/4/75 ở Washington DC: Diễn Đàn Tự Do (1985-1995) do Ngô  Vương Toại chủ biên, điều hành.   
(*) Biến cố ngày 16/12/1967: Ngô Vương Toại bị mưu sát do đặc công cộng sản nằm vùng  trong Tổng Hội Sinh Viên Sàigòn
 

39-Trần Lam Giang


Trần trùng trục lội ngang sông Lam
Giang hồ Quán Chùa, “Bảy-lăm” lâm nạn 
Vất xe Honda, bỏ trường Trí Đức
Qua Mỹ, khóc vùi như nhà chịu tang,
Tiên Hiền Việt Tộc quyết không là Người Hán!

Tên thật Trần Lam Giang, người Thanh Hóa di cư vào Huế sau 20/7/54; thủ lãnh lực lượng sinh viên với ý thức chống Cộng mạnh mẽ của Đại Học Sài Gòn (1964-1972), bị mưu sát (nhiều lần nhưng không thành) bởi nhóm cộng sản nằm vùng trong tập thể sinh viên: Giáo sư Việt Văn Trường Trí Đức, Cao Thắng Sài Gòn cho đến ngày 30/4/1975.    
Tác phẩm cổ sử văn học Hán-Nôm: Bách Việt Tiên Hiền Chí
 

40- Trùng Dương


Cô bay lên cao Ngàn Cánh Hạc
Vượt Sóng Trùng Dương tìm chỗ Sống
Mưa đi… Mưa đi… mưa mãi không vừa
Đất xứ lạ vẫn chưa giọt thấm.

Tên thật Nguyễn Thị Thái, bút hiện Trùng Dương, Chủ Nhiệm Nhật Báo Sóng Thần, hậu thân của Báo Sống (Chu Tử, Chủ Nhiệm giai đoạn trước 1970) .
Truyện: Mưa Không Ướt Đất; Truyện dịch: Ngàn Cánh Hạc/Thousand Cranes của Yasunari Kawabata, Nobel Văn Chương 1968
 

 41- Hoàng Hải Thủy


Cậu Hai khai sinh lão Đốc Nô
Già Móng, Gã Thâm gọi bằng bố 
Anh em cùng vợ Công Tử  Hà Đông
Chuyên hút Lucky hai hàng số 
Đôi bận căng thân nơi Thành Hồ
Còn trái Tạc Đạn mặc sức Nổ!!…
Ừ thôi..
Vũ Nữ về Bến Cỏ 
Sài Gòn mất bặt dáng Kiều Giang…

Tên thật Dương Trọng Hải, bút hiệu phổ cập trở nên tên thật, Hoàng Hải Thủy; tự trào, Công Tử Hà Đông chuyên phóng tác dịch thuật, viết phóng sự sinh hoạt phòng trà, vũ trường Sài Gòn từ sau 1954: Vũ Nữ Sàigòn; Nổ Như Tạc Đạn..
Những nhân vật phóng tác từ tiểu thuyết trinh thám, hình sự nổi tiếng của Ian Fleming: Già Móng, Gã Thâm, Đốc Nô..
Nhân vật tiểu thuyết dịch Jane Eyre của Charlotte  Bronte: Kiều Giang 
 

42- Vũ Khắc Khoan


Thầy tuốt gươm chém gẫy chân cầu
Thần Tháp Rùa ứa máu bật gào đau 
Vạch ngực, nghiến răng, ghìm nắm đấm
Thành Cát Tư  Đại Hãn giờ tìm đâu?!

Tên thật Vũ Khắc Khoan, Giáo Sư Quốc Văn Đại Học Vạn Hạnh, Văn Khoa; dạy kịch nghệ tại Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn trước 1975.
Truyện Lịch Sử-Chính Trị luận đề với biến cố 1954: Thần Tháp Rùa   
Kịch dã sử luận đề: Thành Cát Tư Hãn
 

43- Uyên Thao


Ông “ÚT” Uyên bác, thông Thao lược
Cỡi ngọn Sóng Thần dâng lớp lớp
Vận nghiệp ở tù,
Hỡ ông..
Trong Ánh Lửa Thù sao không biết sợ?! (*)
Miền Đông xuyên buốt Tiếng Quê Hương

Tên thật Vũ Quốc Châu, Chủ Bút Báo Sóng Thần từ 1972-1974
Tổ hợp xuất bản sách Việt ở hải ngoại từ 2001: Tiếng Quê Hương
(*) Hồi ký tù cộng sản 30/4/1975: Trong Ánh Lửa Tù
  

44- Nguyên Sa


Hà Đông mênh mông màu áo lụa
Mang tặng cô Nga đương ngái ngủ
Sàigòn hôm nay nắng quá Thầy ơi
Tóc ngắn chịu sao nổi trời sôi lửa?!

Tên thật Trần Bích Lan, Giáo Sư Triết Đại Học Văn Khoa, Hiệu Trưởng Trung Học Tư Thục lớn ở Sàigòn trước 1975
Cách tân Thi Ca Tân Lãng Mạn Pháp (Thập niên 50, 60) bằng ngôn ngữ, hình ảnh giản dị của giai tầng tiểu thị dân, tuổi trẻ Sàigòn, Nam VN nên thành lời thơ phổ cập, được quần chúng yêu chuộng: Áo Lụa Hà Đông..
Nhân vật, hình tượng giản dị được phổ cập hóa qua Thơ Nguyên Sa: Nga như con mèo ngái ngủ; em Sàigòn tóc ngắn...    
 

45- Hoàng Anh Tuấn


Ông sống với đời như trò chơi (*)
Dưới Mưa Sàigòn tưởng Mưa Hà Nội
Lái xe Xa Lộ coi chừng Không Đèn
Cậu Tuấn đi rồi.. (**)
Tiếng cười vọng dội!

(*;**) Tên thật HAT, du học Pháp chuyên ngành diện ảnh từ 1956, được yêu mến do tâm chất, sinh hoạt phóng khoáng, dung dị thể hiện trong tác phẩm điện ảnh: Xa Lộ Không Đèn..
Làm thơ từ trước 1954 ở Hà Nội: Mưa Sài Gòn..Mưa Hà Nội

46- Huy Phương


Dẫu mặc áo lính, dạng thầy giáo
Nhân cách Nghiêm nghị, tiệp Kính cẩn
Nước Mỹ có làm gì ông phiền?
Quê nào Giá Lạnh..
Quê nào ấm?
Cuối cuộc, Cuối Ga..
Tàu không lỡ hẹn..
Đơn độc mình ông - Một HO!

Tên thật Lê Nghiêm Kính, nhà giáo trung học trước khi bị động viên Khóa 16 Thủ Đức (1963)
Chuyên viết tạp bút, xuất bản tại Mỹ: Ấm Lạnh Quê Người; Ga Cuối Đường Tàu; Chân Dung H.O 

 47- Hoạ Sĩ Choé


Muốn vẽ trước tiên phải có Chí
Muốn sống xứng đáng không được Hãi
Bạn cao thân người
Xa mắt nhìn
Từ Sàigòn đã nhận ra lão Kiss!

Nguyễn Hải Chí, chuyên vẽ hý hoạ nhân vật, sinh hoạt chính trị trước 1975 ở Sài Gòn
Hý hoạ nhân vật nổi tiếng: Kissinger   
 

48- Cao Bá Minh


Người vẽ một đời không xong Màu Xanh
Người vẽ suốt đời không đủ Sự Không
Hãy tiếp tục vẽ..
Hết sức bình sinh
Sẽ rõ u/minh
Sẽ hiểu được mình!

Hoạ sĩ chuyên về Hội Họa Vô Hình Thể với màu XANH chủ thể
 

49- Đào Mộng Nam


Anh Đào thoát đâu ra khỏi Mộng
Tỉnh giấc Nam Kha thăm thẳm cô đơn
Một thân đi, về ngõ Tustin tăm tối (*)
Còn nơi đâu Linh Tự? 
Tận vô vàn Chữ Nho! (**)
 
Giảng sư Hán-Nôm từ năm 24 tuổi trước 1975 tại Sàigòn, sau 1975 tại Mỹ.
(*) Mất năm 2006 tại thành phố Tustin, Nam Cali trong một khu chung cư không ai hay
(**) Từ ngày rất trẻ ở Sài Gòn (Sinh 1940) đã thực chứng qua tự nghiên cứu Thế Chân Vạc kỳ diệu của Linh Tự:  Hán-Nôm-Quốc Ngữ 
 

50- Tạm kết với bản thân và với tất cả


Thăm thẳm cùm xiềng tầng tầng đêm (*)
Căm căm Dựa Lưng lên Nỗi Chết 
Tưởng buổi quê hương Mùa Hè khốc liệt  
Hung tàn Đỏ Lửa cõi Trần Gian
Hóa ra là “Nghiệp/Phận”
Tên-Người-Vận Nạn..
Phạm Nhân Nan!! (**)

(*) Một trong những tù người Nam bị “kiên giam” lâu nhất nơi nhà giam Miền Bắc
 (7/9/1981-29/5/1988)
Tiểu thuyết, bút ký viết theo biến động nơi Miền Nam: Ải Trần Gian (Biến Động Miền Trung, 1966); Dựa Lưng Nỗi Chết (Mậu Thân, 1968); Mùa Hè Đỏ Lửa (1972)  
(**) Phan Nhật Nam à Phạm Nhân Nan à Phạm Nan Nhất

Lời kết chung nhân Ngày Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong,
Nầy xong một trận vẽ vời
Ngẫm thương thay những cảnh đời xót xa
Nhìn quanh trời đất bao la
Có còn không chỗ gối đầu não nhân..

Phan Nhật Nam
Lần thứ Nhất, Thanh Hóa 1980,
Lần thứ Hai, Minnesota, 2000,
Viết lại Cali, 2008..
Lần cuối,
Giữa sa mạc, nơi Arizona,
Trong Đại Dịch Vũ Hán Virus toàn thế giới.
45 năm sau Ngày 30/4/1975 – 25/5/2020  


Bài số 1: Chân Dung Văn Nghệ Sĩ Saigon
 https://www.saigonweeklyonline.com/kho-tang-van-chuong/-phan-nhat-nam-chan-dung-van-nghe-si-tu-mien-nam-o-saigon--phan-1.html

Bài số 2: Chân Dung Văn Nghệ Sĩ Saigon
 https://www.saigonweeklyonline.com/kho-tang-van-chuong/-phan-nhat-nam-chan-dung-van-nghe-si-tu-mien-nam-o-saigon--phan-2.html
 



 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top