• mỗi tuần một khuôn mặt văn học, Doãn Quốc Sĩ: NÉT SẦU VÀ NIỀM TIN TRONG THI CA VIỆT NAM

 • mỗi tuần một khuôn mặt văn học

Doãn Quốc Sĩ


Tiểu sử (Theo Wikipedia)
Doãn Quốc Sỹ sinh ngày 3 tháng 2 năm Quý Hợi tức ngày 17 tháng 2 năm 1923 dương lịch. Ông là con trưởng của gia đình văn nghệ sĩ. Cha ông là Doãn Hưu, một nhà nho và người em trai của ông là nhạc sĩ Quân đội Nhân dân Việt NamDoãn Nho. Năm 1946, ông lập gia đình với con gái nhà thơ trào phúng Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) là bà Hồ Thị Thảo. Năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào Nam.
Ông dạy học tại các trường trung học công lập như Nguyễn Khuyến (Nam Định, 1951-1952), Chu Văn An (Hà Nội, 1952-1953), Trần Lục (Sài Gòn, 1953-1960). Làm hiệu trưởng trường Trung học Công lập Hà Tiên (1960-1961), giáo sư trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn (1961-1962), giáo sư trường Đại học Sư Phạm Sài GònĐại học Văn Khoa Sài Gòn năm 1962 đến giữa thập niên 1960. Ông du học tại Hoa Kỳ về ngành giáo dục và rồi trở về nước tiếp tục công việc giảng dạy cho đến năm 1975.[2]
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Khu Rừng Lau, một trường thiên tiểu thuyết gồm có: Ba Sinh Hương Lửa (1962), Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến (1964), Tình Yêu Thánh Hóa (1965), Những Ngả Sông (1966)...Theo Lê Văn, đặc phái viên Việt Ngữ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, trong một cuộc phỏng vấn ông, có dẫn chuyện rằng "Ba Sinh Hương Lửa người ta thường ví như những tác phẩm lớn của Nga như Chiến tranh và hòa bình" trong đó nội dung mô tả lại những cảm xúc đớn đau của một thế hệ thanh niên mới lớn tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng sau đó phát giác ra mình đã bị lợi dụng như công cụ đấu tranh giai cấp của những người cộng sản và "có lẽ chính vì thế mà anh đã bị cộng sản bỏ tù khi họ khi chiếm được miền Nam"[3]
Sau năm 1975, ông bị chính quyền Việt Nam giam cầm nhiều lần vì tội "viết văn chống phá cách mạng", tổng cộng là 14 năm. Ông có tên trong danh sách những tên “biệt kích văn hóa”, bị bắt trong chiến dịch khởi động ngày 3 tháng 4 năm 1976, một năm sau ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, cùng hàng trăm nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, nhân sĩ miền Nam bị xếp hạng “phản động”: Trần Dạ Từ, Đằng Giao, Nhã Ca, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Hữu Hiệu, Hoàng Anh Tuấn, Thân Trọng Kỳ, Hoàng Vĩnh Lộc, Trịnh Viết Thành, họa sĩ Chóe, Như Phong Lê Văn Tiến, linh mục Trần Hữu Thanh, linh mục Đinh Bình Định, thượng tọa Thích Huyền Quang…[4] Ông được phép di cư sang Hoa Kỳ vào năm 1995. Hiện nay ông sống tại Houston, Texas từ khi sang định cư tại Hoa Kỳ.
Ông là tác giả của khoảng 25 cuốn sách. Chuyện ngụ ngôn của ông có tựa đề Con cá mắc cạn đã được dịch ra tiếng Anh (The Stranded Fish)[5] và có trong sách Việt Nam: bạn đồng hành văn chương của một du khách (Vietnam: A traveler's literary companion)[6] do John Balaban và Nguyễn Quí Ðức biên soạn.
Tác phẩm
Sợ Lửa (1956)
U Hoài (1957)
Gánh Xiếc (1958)
Gìn Vàng Giữ Ngọc
Dòng Sông Ðịnh Mệnh (1959)
Hồ Thuỳ Dương (1960)
Trái Cây Ðau Khổ (1963)
Người Việt Ðáng Yêu (1965)
Cánh Tay Nối Dài (1966)
Ðốt Biên Giới (1966)
Sầu Mây (1970)
Vào Thiền (1970)
Khu Rừng Lau [7]
Người Vái Tứ Phương
Dấu Chân Cát Xóa
Mình Lại Soi Mình
 

NÉT SẦU VÀ NIỀM TIN

TRONG THI CA VIỆT NAM


I- Dòng lịch sử
Hãy theo sự phân định thời kỳ của sử gia Trần Trọng Kim, (không kể Thượng cổ thời đại từ họ Hồng Bàng đến hết đời Triệu).
- Thời đại Bắc thuộc: kéo dài trên một nghìn năm
- Thời đại tự chủ: Buổi đầu hai nhà Đinh, Lê mới dấy lên còn phải xây đắp nền tự chủ cho vững bền, nặng về võ bị nhẹ về văn học. Tới Lý, Trần quốc hồn mới thực mạnh mẽ, văn trị, võ công đều rực rỡ. Nhà Lê thừa hưởng được nền móng này mà giữ được nước thịnh trị khoảng một trăm năm đầu nhất là vào những năm Quang Thuận (1460-1469) và Hồng Đức (1470-1499)
- Thời đại Nam Bắc phân tranh: kéo dài 255 năm (1553-1788)
- Cận kim thời đại: Họ Nguyễn thống nhất sơn hà rồi Pháp thuộc. Chúng ta hãy tạm gồm thêm vào thời đại này thời Nhật thuộc, thời toàn dân kháng chiến và thời Nam Bắc phân tranh với dòng sông Bến Hải gần đây.
Nhận thấy chỉ có khoảng thời gian đời Lý (1010-1225) và đời Trần (1225-1400) gồm ngót bốn trăm năm là có nhiều vua hiền tôi giỏi nối nhau gây nên quốc hồn mạnh mẽ. Chỉnh đốn võ bị như Lý Thái Tổ, thương dân như Lý Thái Tông, lời ca chính khí của Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, mở rộng học vấn, thực hiện tam giáo đồng tôn như Trần Thái Tông, nhân từ trung hậu như Trần Thánh Tông, thông minh quả quyết như Trần Nhân Tông, anh hùng lẫm liệt như Trần Hưng Đạo khi cả phá giặc Nguyên, phiêu diêu thanh thoát cũng như Trần Hưng Đạo sau khi đã cả phá giặc Nguyên thì từ quan không hưởng phú quý triều đình trở về vui với cảnh nhàn ở Kiếp Bạc:
Đại vương khi nhàn lê trượng trúc
Theo sau một vài gã tiểu đồng

Khoảng thời gian ngót bốn trăm năm trên qua đi như một giấc mông đẹp. Lê Lợi sau mười năm gian khổ dẹp xong giặc Minh khi lên ngôi phú quí thì giết công thần (giết Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo), đến đời Lê Thái Tông (1434-1442) thì vì chuyện dâm ô với Nguyễn Thị Lộ mà tru di tam tộc vị đệ nhất công thần Nguyễn Trãi. Tiếp đến thời Nam Bắc phân tranh kéo dài 255 năm trường. Tây Sơn vẫy vùng không được 20 năm. Nguyễn Ánh giao thiệp với người Pháp mượn thế lực họ đánh nhà Tây Sơn. Khi đã thống nhất được sơn hà vua Gia Long lại giết công thần (giết Nguyễn Văn Thành). Vua Minh Mạng lên nối ngôi, cách dùng nhân tài cũng đầy những nghi kỵ, cảnh Nguyễn Công Trứ thăng trầm trên hoạn lộ ba đào như thế nào chúng ta ai còn lạ. Rồi tám mươi năm Pháp thuộc ê chề, vào mấy năm cuối còn thêm cái tròng Nhật thuộc. Rồi tám năm toàn dân kháng chiến gian lao...Rồi cộng sản phản bội, đất nước chia đôi... Cả dòng lịch sử của chúng ta là một nét sầu dài, một cảnh trường kỳ gian khổ. Lịch sử chính trị như vậy tưởng cũng nên ghi thêm trạng thái kinh tế nông nghiệp của miền Bắc, miền quê hương của dân tộc, rồi miền Trung nữa, đó là một nền kinh tế thường xuyên nghèo đến phi nhân, nơi đây người dân phải vật lộn với thiên nhiên đổi bát mồ hôi lấy bát cơm và ca dao nhắc nhủ ta rằng:
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

II- Nếp phản ứng tâm linh của người Việt qua thi ca
Chúng ta chứng kiến chết chóc thường xuyên ,tang thương thường xuyên, chúng ta thường xuyên tự vệ trên bờ vực của diệt vong cho nên mỗi người dân đều hấp thu đủ kinh nghiệm để trở thành sáng suốt dũng cảm. Cuộc đời càng phong ba tình người càng thắm thiết. Ngay cuộc Nam tiến của ta cũng chỉ là một hình thức khác của cuộc tự vệ tránh họa diệt vong. Chúng ta không có anh hùng ca, vì tiếng ca đó chẳng qua là ca trên xương máu kẻ khác. Cảnh “nhất tướng công thành vạn cốt khô” đó chúng ta đã chứng kiến quá nhiều và chính chúng ta là nạn nhân. Bởi vậy trên đường Nam tiến chúng ta không những không có anh hùng ca, chúng ta còn giữ lại trong viện bảo tàng văn hóa dân tộc tiếng ca não nùng của người Chàm: những điệu Nam bình, Nam ai...
Hai câu thơ sau đây của một nhà thơ hiện đại đã vẽ được trọn vẹn cái cử chỉ vừa hào hùng vừa chan chứa tình người của ông cha ta trong công cuộc mở cõi:
Từ thuở mang gươm đi mở cõi,
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long. (1)

Buồn thì thở dài, đau đớn thì kêu than, đó là phản ứng sơ khởi tất nhiên của thế nhân, cho nên phần lắng đọng làm nền cho tâm linh ta chính là tiếng thơ u hoài man mác, sự lắng đọng của biết bao nhục nhằn mà dân tộc ta đã phải chịu đựng trong cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ để sinh tồn đó. Lớp sóng u hoài của từng cá nhân bao giờ cũng gợi được âm hưởng tận đáy lòng sông là tiềm thức u hoài của dân tộc. Nếp sống tâm linh đó đã khiến dân tộc mình chiến đấu anh dũng là thế mà luôn luôn trong  các tác phẩm văn nghệ để lại vẫn thoáng gợn đây đó những nét sầu vạn cổ. (2) Nhưng điều này mới đáng quý, bên nét sầu vạn cổ thường bao giờ cũng kèm theo một niềm tin hồn hậu, một tình cảm trung hậu. Cuộc chiến đấu thật gian khổ nhưng chúng ta vẫn trường tồn chính vì chúng ta đã thể hiện được sự quân bình đặc biệt đó trong tâm linh.
III- Chứng minh qua thi ca
A. Ca dao –
Lời thơ u hoài trong ca dao thiếu gì chỉ xin chọn một bài tiêu biểu, bài “Đêm buồn”:
Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tơ,
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao mai,
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ?
Đêm đêm tưởng giải Ngân hà,
Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn.
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,
Tào khê nước chảy hãy còn trơ trơ.

Tôi đồng ý với giáo sư Thanh Lãng rằng: “Cảnh lặng lẽ thô sơ, rời rạc ấy là tất cả hình ảnh một linh hồn đau đớn vì xa vắng. Cái câu kết thực là không kết gì hết: nó lơ lửng như gió chiều về trên cánh đồng vắng. Nhưng kỳ thú biết bao, tuyệt vời biết bao! Cũng như tất cả bài, nó nhả ra một cái gì mơ màng, lơ lửng nhưng buồn thấm thía.” (3)
Nhưng bài ca dao “Đêm buồn” không thể chỉ là tâm trạng của khách trong tình trường, như giáo sư Thanh Lãng đã nói. Vậy đó là tâm trạng gì? Hãy nhắm mắt thả hồn theo ma lực kỳ ảo của từng chư,õ từng câu, từng âm thanh, từng nhịp điệu, để rồi do đó khám phá lấy muôn một cái đẹp thần sầu quỷ khốc của bài thơ:
Đêm qua ra đứng bờ ao
Dân tộc Lạc Việt sinh trưởng trên các miền đồi núi, từ Phú Thọ xuống Bắc Giang qua Vĩnh Yên, Bắc Ninh rồi lại dần dần từ các miền này tràn xuống đồng bằng để cấy lúa và các làng được thành lập trên những gò cao, xung quanh là những ruộng nước. Khung cảnh khởi đầu bài ca dao không phải chốn kinh kỳ gió bụi mà là khung cảnh yên tĩnh nơi thôn dã đó, tâm hồn mới trầm tĩnh mở rộng để suy tư cùng vạn vật. Có suy tư cùng vạn vật mới có thể nhìn vạn vật bằng tâm tưởng. Thật vậy chỉ nhìn bằng tâm tưởng mới có thể vào lúc đó “thấy” được rằng: “Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ” Cũng như chỉ nhìn bằng tâm tưởng mới có thể vào lúc đó “con nhện ngừng giăng tơ.” (Cũng như nàng Kiều lúc ngồi trên bờ biển trước lầu Ngưng Bích, nhìn bằng tâm tưởng thấy: Hoa trôi man mác biết là về đâu.)
Dịch bài thơ này sang tiếng ngoại quốc – dù bằng thứ tiếng nào phong phú đến mấy – hỏi làm sao dịch được hết những chữ láy đi láy lại:
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai?
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ?

Thơ chơi đêm của Lý Bạch có câu:
Dạ tĩnh bất kham đề tuyệt cú,
Khủng kinh tinh đẩu lạc giang hàn
(Đêm vắng không dám đề thơ hay sợ sao trên trời rơi xuống sông lạnh)

Bài ca dao của chúng ta không khách quan hóa, không đối tượng hóa sao trời với lời thơ như thơ Lý Bạch mà là nỗi niềm của con người thoạt khởi đầu thương mình rồi thương lây cả vũ trụ trần hoàn, một tình thương sao mà thấm thía! Rồi cả người thương với tình thương đó cùng với vũ trụ sao mờ kia hòa làm một, không phân biệt đâu là chủ đâu là khách nữa. Từ câu “Đêm qua ra đứng bờ ao” đến câu “Buồn chông chênh chếch sao mai” cho ta hay nhà thơ đã thức trắng đêm buồn đó; sang câu “Đêm đêm tưởng giải Ngân hà” chúng ta hay nỗi buồn đó tác giả đã khéo lê thê đêm này qua đêm khác.
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ ?
Đêm đêm tưởng giải Ngân hà

Mờ với Hà vần lạc đi một chút như ánh sáng gặp nước bỗng chệt đường. Phải chăng chính đó là lúc hồn thơ vừa thoát được sức hút của trái đất, thoát được sức hút của hạ giới mà nhập vào vũ trụ, nơi có lẽ là siêu âm thanh, siêu thời gian, siêu không gian nên giọng điệu mới chợt lạc đi như vậy? Người thơ không còn ý thức cái mình cá biệt đối cảnh trông cá trông sao, trông nhện giăng tơ nữa, hồn nhà thơ đã biến thành ánh sáng hòa vào vũ trụ với động từ tưởng:
Đêm đêm tưởng giải Ngân hà,
Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn.

Mới trên đây ngôi sao mai chênh chếch sáng, bồi hồi như mối sầu trần lụy của nhà thơ, giờ đây siêu lên miền thượng giới, người và vũ trụ hòa đồng, sông Ngân hà bỗng nhiên dài dằng dặc như mối sầu nhân loại, sâu và xa thăm thẳm như mối sầu nhân loại.
Sông Ngân hà còn đó mãi mãi bất tuyệt như mối sầu nhân loại, trong đó chuôi sao tinh đẩu trầm tĩnh như thời gian bất tận, vời vợi như không gian vô cùng đứng đó làm cái trục cho vũ trụ xoay vần.
Sau cùng tâm hồn người thơ như bị chia xẻ bởi một bên là thứ tình thênh thang siêu thoát không phân biệt “ta với không ta”, một bên là thứ tình xót xa tê tái đẫm màu nhân bản như khúc “Phượng cầu kỳ hoàng” của Tư Mã Tương Như theo gió thoảng lọt qua rèm châu trong khuê phòng nàng Trác Văn Quân:
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,
Tào khê nước chảy hãy còn trơ trơ.

Tôi đã nhọc công tra cứu để tìm biết đích xác Tào khê ở đâu và là con sông hay dòng suối. Tra từ điển thì được biết rằng:
Tào: Hai bên cao ở giữa trũng xuống
Khê: Khe nước ở chân núi.

Rồi gần đây được người bạn quê ở Bắc Ninh cho hay tại huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) có con sông nhỏ tên là Tào Khê. Sau cùng thì tôi nhận thấy mình đã quá nô lệ cho lý trí. Lý trí nhân loại có cao cả thật nhưng dù cao cả đến mấy, chỉ lý trí không thôi con người củn g không thể thấu hết được vẻ đẹp kỳ diệu của thế giới bên ngoài ta là vũ trụ và thế giới bên trong ta là tâm hồn. Âm hưởng của hai chữ Tào Khê (Tào Khê nước chảy...) không đủ gợi cảm sao? Cần gì phải biết Tào Khê là sông hay suối và ở đâu. Tào Khê là con sông tâm tưởng uốn mình trong bóng tối mung lung huyền ảo của tìm thức, người ta không trông thấy nó ở đâu, nhưng tựa như có tiếng nó chảy, tiếng chảy buồn dằng dặc như tiếng guồng sa ở ngay trong hồn mình:
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,
Tào khê nước chảy hãy còn trơ trơ.

Ôi dạ thủy chung của người Việt! Chỉ với lòng tin tưởng đó, dạ thủy chung đó chúng ta mới cứu được nước khỏi họa diệt vong qua bao xâm lăng, qua bao phản bội lịch sử. Tôi vẫn thường nghiền ngẫm mãi ý nghĩ này: “Vũ trụ là vũ trụ nên vũ trụ vô tận, đẹp. Giả sử vũ trụ ý thức được sự vô tận của mình, vũ trụ sẽ không còn vô tận nữa và nhất định là kém đẹp hơn nhiều”
Tác giả bài “Đêm buồn” nhập vào vũ trụ và chính trong giây phút “lượng đổi thành chất” đó đã thốt lên lời thơ kỳ ảo. Giờ đây hồn nhà thơ bàng bạc trong ánh sáng chênh chếch của sao mai, vần vụ xoay vần với chuôi sao tinh đẩu, trải rộng mênh mông với giải Ngân hà, lơ đãng trôi xuôi với dòng Tào Khê, có một giây nào nhà thơ thèm ý thức rằng bài thơ của người sẽ còn lại mãi mãi với hậu thế và tới một ngày kia hậu thế có một tên xàm sở tìm cách giải thích thơ người?
B- Tác giả vô danh
Sau ca dao của dòng văn chương bình dân đến dòng văn chương bác học, thoạt hãy kể đến những tác phẩm khuyết danh tác giả, trong số tôi cũng xin chọn một bài làm tiêu biểu: bài “Nhân nguyệt vấn đáp”
Khi “thấy trăng thêm động lòng vàng” để “ngâm câu vấn nguyệt” mà tìm  hiểu cái lý của vũ trụ bên ngoài thì được chị Nguyệt cho hay cái lý của vũ trụ đó cũng hướng về Chân, Thiện, Mỹ:
Nguyệt rằng: Vật đổi sao dời,
Thân này trời để cho người soi chung
Làm cho mỏi mệt anh hùng,
Ngàn thu sương tuyết một lòng thanh quang”
................................. ...............
Nguyệt rằng: “Yếu liễu thơ đào,
Càng lên càng tỏ càng cao càng tròn
Mảnh gương vằng vặc chẳng mòn,
Bao nhiêu tinh đẩu là con cái nhà”
...............................................
Nguyệt rằng: “Ta lại biết ta,
Minh minh trường dạ, ai mà biết ai?
Vậy nên mở mặt soi đời,
Biết nơi nham hiểm, biết người tà gian”

Đến lượt Nguyệt ướm hỏi về cái lý của nhân gian thì tác giả đáp: tuy nơi đây có những kẻ tranh nhau vỉ hơi đồng, giết nhau vì đỉnh chung nhưng cũng:
Có đấng thánh thần,
Ra tay dẹp loạn, đem công trị bình
Còn phường trục lợi tham danh,
Chẳng qua như chuyện minh linh, du phù.

Còn những nhân tài khác trong đám người tâm huyết rừng nho thì đời nào chẳng có:
Nguyệt lại hỏi: “Rừng nho mấy kẻ,
Rõ ra tay bẻ quế Tràng an?”
Ta rằng: “Cá bể chim ngàn,
Đời nào chẳng có phượng hoàng kình nghê.”

Sau khi đã nám vững lòng tin ở căn bản thiện trong trời đất, trong nhân gian, rồi thả hồn ra vô tận tác giả mới mặc cho lớp sóng trữ tình đu đưa:
Ta hỏi Nguyệt ngẩn ngơ ngơ ngẩn,
Nguyệt hỏi ta thơ thẩn thẩn thơ
Chồi hoa trước gió phất phơ,
Hiu hiu gió thổi hương đưa ngạt ngào.
Canh càng thâm, Nguyệt càng cao,
Nguyệt ta ta Nguyệt, biết bao nhiêu tình.
Mấy câu ngâm chốn lữ đình,
Có ai biết Nguyệt biết mình cho chăng ?

C- Một vài tác gỉả hữu danh
Thoạt hãy xin nêu một vài trường hợp đặc biệt, tiếp đó tôi có đôi lời nhận định về hai thi bá của hai tiền bán thế kỷ: Nguyễn Du tiền bán thế kỷ 19 và Tản Đà tiền bán thế kỷ 20
1. Nguyễn Trãi
Sau mười năm kháng Minh, khi vua Thái Tổ lên ngôi bèn đem lòng nghi ngờ chém giết những đại công thần như Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn. Cụ nguyễn Trãi hẳn phải ngao ngán lắm cho nghĩa vua tôi: “chim bay đã hết, cung tốt cất đi, thỏ lanh chết rồi, chó săn phải giết” và niềm tâm sự cô đơn củ a cụ đã giãi bày ai oán trong bài “Tự thán”
Chiếc thuyền lơ lửng bên sông,
Biết ai tâm sự ngỏ cùng ai hay ?
Chắc chi thiên hạ đời nay,
Mà đem non nước làm rầy chiêm bao ?
Đã buồn về trận mưa rào
Lại đau vì nỗi ào ào gió Đông.
Mây trôi nước chảy đôi dòng
Chiếc thuyền hờ hững trên sông một mình.

Đặc biệt bài này hoàn toàn là tiếng sầu thốt ra tự đáy lòng và không một tia sáng của niềm tin. Âu đó cũng là linh cảm của con người mà cách đấy hẳn không xa bị họa tru di vì chuyện Nguyễn Thị Lộ. Nhưng dù sao thì Nguyễn Trãi dũng đã làm đầy đủ bổn phận chàng trai thời loạn: trả thù nhà, đền nợ nước. Còn ai tin vào cơ nghiệp nhà Lê khi đến lượt Nguyễn Trãi bị họa tru di ? Cũng may mà qua hai đời Lê Thái Tông (1434-1442), Lê Nhân Tông (1443-1459) và tám tháng thoán đạt của Nghi Dân, nhà Lê lại dấy lên được với hai vị anh quân Lê Thánh Tông (1460-1497) và Lê Hiến Tông (1497-1504). Thế rồi lịch sử nước nhà bước vào ngõ của thời đại Nam Bắc phân tranh.
2. Hồ Xuân Hương
Ngạo thế gian, chanh chua với cuộc đời như Hồ Xuân Hương mà rồi cũng có lúc bà phải thốt lên:
Chiếc bách buồn về phận nổi nên,
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh
Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng,
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh.

3. Nguyễn Công Trứ
Sau ba mươi năm vẫy vùng chí trai văn võ toàn tài, kinh bang tế thế, trở về già Hy Văn tiên sinh cũng để thốt lệnh tiếng thơ cô đơn:
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo,
Ai mà chịu rét thì trèo với thông.

4. Trần Tế Xương
Chửi đời có ngành có ngọn như Trần Tế Xương mà rồi cũng nhiều khi nhà thơ non Côi sông Vị buông hồn theo nhịp sóng u hoài:
Sông kia rầy đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

IV- Nguyễn Du và Tản Đà
1. Nguyễn Du
Thế giới của Nguyễn Gia Thiều trong toàn tập Cung oán ngâm khúc tuyệt vọng thê lương quá đỗi mãi tới bốn câu cuối mới vớt vát chút niềm tin:
Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi,
Những hương sầu phấn tủi sao xong !
Phòng khi động đến cửu trùng,
Giữ sao cho được má hồng như xưa.

Rời khỏi cái thế giới bi phẫn đến cùng cực, tuyệt vọng đến cùng cực đó của nguyễn Gia Thiều (phản ảnh những ngày điêu linh của một triều đại tàn tạ, thời Lê mạt) để bước sang cái thế giới có hơi thở ấm gần gũi đồng loại của Nguyễn Du, tôi chỉ xin khách quan vắn tắt nhắc lại đây lời của Thanh Tâm Tuyền khi nhà thơ này đề cập đến thi nghiệp của Nguyễn Du:
“Cũng như Nguyễn Gia Thiều, ý nghĩa đời sống đối vời Nguyễn Du là sự khổ đau không nói hết. Nhưng nếu ở Nguyễn Gia Thiều cái kiếp tang thương khiến cho con người cô đơn tuyệt vọng bi phẫn đòi chống lại Định Mệnh một cách bướng bỉnh vô ích, thì ở Nguyễn Du là một sự chấp nhận lặng lẽ và can đảm, tìm về một chút hy vọng gần gũi ở kiếp sống dù mong manh. Bởi thế ở Văn tế thập loại chúng sinh, đám oan hồn còn gặp được lòng thương của thi sĩ bên cạnh nguồn từ bi của Phật tổ. Trong Đoạn Trường Tân Thanh, nàng Đạm Tiên thay vì bị ném xác ra ngoài suối còn được gặp mối tình của người khách viễn phương tình cờ, nàng Kiều gặp Mã Kiều ở lầu xanh, gặp mụ quản gia ở nhà họ Hoạn. Mối an ủi, nguồn hy vọng hết sức nhỏ bé so với nỗi đoạn trường nhưng đó là những hơi thở ấm yếu ớt quí báu của đồng loại trong cơn băng giá, những đốm lửa yếu lập lòe trong đêm địa ngục. Đó là tính cách nhân đạo trong tác phẩm của Nguyễn Du. Thế giới của Nguyễn Du là một thế giới chưa tuyệt vọng, còn có thể sống được dù số kiếp đoạn trường”. (4)
2. Tản Đà (5)
Bàn về cái chán của Tản Đà, giáo sư Dương Quảng Hàm viết:
“Ông là một nhà nho mà lại có biệt tài về thi ca vì đường công danh trắc trở, thân thế long đong nên thơ ông thường tả nỗi uất ức buồn chán... “
Sự thực cái chán đó chỉ là một khía cạnh trong tâm tư Tản Đà. Chúng ta hãy từ lời bình phẩm tổng quát của vị giáo sư quá cố mà tìm hiểu một cách tường tận hơn mối sầu nhân thế của Tản Đa.
Không kể chuyện gia đình việc thân mẫu trở lại chốn lầu hồng mang theo cô em gái là cả một bi kịch, còn nhiều...nhiều lắm những yếu tố khác làm cho Tản Đà chán đời. Thi nhân đã nêu lên một cảm giác mâu thuẫn trong nội tâm:
Người đời thử ngẫm mà hay,
Trăm năm là ngắn một ngày dài nghê.
Còn ai, ai tỉnh ai mê,
Những ai thiên cổ đi về những đâu ?
Trước đây nhà thơ đã dệt mộng về đời huy hoàng như thế nào, đến khi vào đời gặp toàn những cảnh trớ trêu. Nhà thơ đã nêu lên vài nét tổng quát với giọng văn của một Trần Tế Xương trong bài: “Sự đời”
Gió gió mưa đã chán phèo,
Sự đời nghĩ đến lại buồn teo.
Thối om sọt phẩn nhiều cô gánh,
Tanh ngắt hơi đồng lắm cậu yêu.
Quần tía đùi non anh chiệc vỗ,
Rừng xanh cây quế chú mường leo.
Phố phường nghe có vui chăng tá?
Áo mũ râu ria mấy đám chèo.

Lo cho cảnh sa đọa ngày một trầm trọng của phong hóa than cho đời người có hơn gì mộng, than cho thân phận con người nặng những lo âu tủi nhục nô lệ cho lẽ sống:
Đã sinh ra ở nhân hoàn,
Lao tâm lao lực một đoàn khác chi ?
Người ông lớn đứa cu ly,
Nhọc lòng nhọc xác cũng vì cái ăn
(Đời lắm việc)
Muốn tìm người tri kỷ cho cuộc đời bớt hiu quạnh thì:
Chung quanh những đá cùng cây
Biết người tri kỷ đâu đây mà tìm ?
(Phong thi)
Xuân đến chỉ vì thiếu tri âm mà sầu xuân nặng trĩu:
Lạnh lùng bốn bể âm thư vắng,
Muốn trách tri âm luống hững hờ.
(Sầu xuân)
Mùa xuân còn khiến thi nhân buồn thế thái thì mùa thu với âm thanh hiu hắt, với màu sắc bàng bạc nhuộm ố san hà thì thi nhân vui sao được ? Gió thu thổi rụng lá vàng gợi lên trong trí thi nhân những ý nghĩ chán chường thiểu não:
Vèo trong lá rụng đầy sân,
Công danh phù thế có ngần ấy thôi.
(Cảm thu tiễn thu)
Cuộc đời dâu bể là thế, kiếp người phù sinh là thế trách nào Tản Đà chẳng ao ước làm chim nhạn tung trời mà bay:
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm đôi chim nhạn tung trời mà bay.
Hoặc lên cung Quảng ở với chị Hằng...
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi,
Trần thế em nay chán nửa rồi.

Nhưng mộng thoát ly cõi đời nhỏ hẹp bon chen này cũng chỉ là mộng thôi. Thực tại lôi thi nhân trở lại. Ngày tháng xoay vần, bốn mùa đổi thay, tri âm chẳng có, tiên sinh đành nói chuyện với bóng để an ủi nỗi niềm cô độc nghe cảm động thương tâm biết chừng nào:
Trăm năm cho đến cõi già
Còn ta còn bóng còn là có nhau
Trần ai mặc những ai đâu,
Ai thương tử biệt ai sầu sinh ly.
Còn ta bóng nỡ nào đi,
Ta đi bóng có ở chi cõi trần.
(Nói chuyện với bóng)
Để đối phó với mối sầu nhân thế Tản Đà có hai nguồn an ủi bất tận là: Rượu và Thơ
Rượu thơ mình lại với mình,
Khi say quên cả cái hình phù du.
(Vui xuân)
Thương ai cho bận lòng đây,
Cho vơi hũ rượu cho đầy túi thơ.
Trăm năm thơ túi rượu vò,
Nghìn năm sĩ tử tửu đồ là ai.

Tuy nhiên xét cho kỹ cái buồn cái chán đã khiến Tản Đà phải tìm khuây trong thơ rượu chẳng qua chỉ là một khía cạnh phản ứng của tiên sinh đối với cái bất thường của vạn vật. Ở một khía cạnh khác, cái cao đẹp của tâm hồn Tản Đà còn chỗ tiên sinh biết bượt lên trên cái bất thường đó mà xây dựng niềm tin của mình. Tiên sinh tin vào giá trị bất diệt của tình người đối với nhau:
Hình kia đúc tự thợ trời,
Tình kia họa mới ra ngoài khuôn xanh.
Vọng phu còn đá còn trinh,
Tiền đường còn sóng trung trinh hãy còn.
(Trông giăng cảm tưởng)

Tình yêu thương thiết tha và hồn hậu, trong sáng và bền bỉ của Tản Đà đã được phản ảnh rõ rệt trong bài “Thề non nước”. Thoạt là nỗi lòng nghẹn ngào thương nhớ rất xao xuyến, rất bâng khuâng, rất trữ tình:
Nước non nặng một lời thề,
Nước đi, đi mãi chẳng về cùng non.
Nhớ lời nguyện nước thề non,
Nước đi chưa lại non còn đứng không.
Non cao những ngóng cùng trông,
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.
Sương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Trời tây ngả bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.

Nước dẫu đi mãi không bao giờ trở lại vì không bao giờ chảy ngược dòng nhưng trong vũ trụ sinh xinh hóa hóa bất tuyệt, nước xuôi ra biển rồi mưa về nguồn, niềm tin và tình thương yêu của dân tộc - cũng là hồn hậu và bất tuyệt như cuộc hội ngộ của nước và non vậy:
Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non còn nước hãy còn thề xưa.
Non xanh đã biết hay chưa,
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.
Nước kia dù hãy còn đi,
Nghìn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước chưa nguôi lời thề.
(Thề non nước)
Thành thử với niềm tin sâu xa như vậy, với tình yêu bền bỉ trung hậu như vậy, với đức nhẫn nại hồn nhiên như vậy, cái buồn cái chán cái vô vọng của cuộc đời chỉ làm nhầu nát tâm hồn thi nhân nhưng chẳng bao giờ đánh quỵ được thi nhân.
V- Phần kết luận
Luôn luôn đứng ở thế chênh vênh đương đầu với cái chết, đương đầu với họa diệt vong, nên càng thiết tha với sự sống. Và cái sống thiết tha nhất còn gì hơn ái tình? Luôn luôn tâm hồn cũng như xác thịt bị mài giũa trong thiên ma bách triết của cuộc đời nên tình yêu biến thành nguồn an ủi vô tận, biến thành bản thể của sự sống. Hãy đọc lại ca dao, suy ngẫm lại những chuyện cổ tích, xét lại những vần thơ của các tác giả vô danh hoặc hữu danh của ta để thấy rõ điều đó. Ở đây trước khi chấm dứt đề tài này tôi chỉ muốn nhắc qua bản ca vũ nhạc “Trấn thủ lưu đồn”. Lời ca như sau:
Đất ngài đây thanh lịch, đất có hữu tình,
Có đường vô sảnh tới dinh quan lưu đồn
Ba năm bác đương còn trấn thủ lưu đồn
Ngày thời canh điếm, sớm tối dồn việc quan.
Anh chém cây tre, ngả gỗ trên ngàn
Riêng than rằng khổ, biết phàn nàn với trúc cùng mai,
Có cây măng đắng ,c ó cây ngô đồng,
Xót xa như muối đô trong lòng.
Đồ ăn kham khổ lấy gì làm ngon
Kìa cô khoe rằng cô đẹp, cô ròn,
So bề nhan sắc cô hãy còn kém xa,
Khôn ngoan cô cũng thể đàn bà
Anh đây có vụng, anh đây có dại, anh cũng là đàn ông
Đó vợ đây chồng
Đó bế con gái, đây bồng con trai
Chồng xinh vợ lịch ở trên đời.

Lời ca buồn buồn, giọng ca buồn buồn nói lên nỗi thống khổ nhục nhằn chẳng phải của riêng kiếp lính thú mà của cả kiếp người. Thốt nhiên đến câu thứ mười một, lời thơ chuyển về người con gái (Kìa cô khoe rằng...) lời trách móc cảnh cáo nửa như nghiêm nghị nửa như bông lơn để rồi đến ba câu cuối (15, 16, 17) biến thành lời ước vọng của tình yêu nên duyên đôi lứa. Ý thơ chuyển thực đột ngột tựa như lới của một người lẩm cẩm gặp đâu nói đấy, nhưng siêu thực đấy mà lại rất thực rời rạc đấy mà ý thơ vẫn kết hợp thành một khối và chất gắn chính là tình người. Trong kiếp người phù du với biết bao thống khổ nhục nhằn đó, ý nghĩ về tình yêu và duyên đôi lứa quyết làm một trong những nguồn an ủi thần diệu nhất. (6)
Điệu vũ “Trấn thủ lưu đồn” tôi được xem lần đầu tiên ngoài hậu phương thời kháng chiến vào năm 1949. Tôi không rõ ai đã sáng tác ra điệu vũ này, có điều tôi đoán thời gian sáng tác chắc cách đó cũng không lâu. Điệu vũ hoàn toàn nhập vào ý thơ với những động tác thật đơn giản, khi chỉ ngón tay lên giời, khi chỉ vào ngực, khi chùi nước mắt bằng cánh tay, khi thì chân co, người rạp nghiêng, tay đập vào mông... Người xem không sao nín cười được nhưng đồng thời vẫn cảm thấy một cái gì ngao ngán ngậm ngùi, một thứ tình cảm thật mang mác. Ngày nay từ thủ đô đến những miền biên giới xa xôi, từ miền biển đến miền núi, chỗ nào cũng thường gặp trình diễn màn vũ “Trấn thủ”. Cũng màn vũ này trình diễn tại nước ngoài (Thái Lan, Phi luật tân) đều được nhiệt liệt hoan nghênh. Điều đó chẳng có gì lạ, chính vì nó đã thể hiện khá đầy đủ tâm tình muôn thuở của người Việt: đơn sơ một cách sâu sắc, chán đời mà vẫn đi trọn đường trần, vui với ý nghĩ, vui với tình yêu...
Tôi có ý nghĩ đến thế giới của Dostoievsky, một thế giới vô cùng bi đát. Trong địa ngục trần gian đó, trong dấu sôi lửa đỏ đó, trong cuồng phong phẫn nộ cùng với những tiếng sét long trời lở đất đó, cũng luôn luôn lóe tia sáng của Chân, của Thiện, của Mỹ, của yêu đương, của hồi sinh, tựa như đêm càng đen tối tia chớp càng chói lòa. Vẫn niềm tin cương nghị và dai dẳng này nhưng thể hiện dưới một hình thức khác khi chúng ta đi vào thế giới u hoài của thi ca nhà. Nơi đây chúng ta ít thấy có những tiếng gầm, tiếng thét, ít gặp những tia chớp xé trời. Nơi đây chúng ta thấy các góc cạnh đã được xoi mòn. Trong trận mưa lạnh mênh mông của đêm trường, chúng ta hiu quạnh cô đơn đấy nhưng vẫn ngưỡng vọng về cảm thông, sầu dằng dặc, buồn bát ngát đấy nhưng vẫn tín cẩn cuộc đời, có thật bi quan mới biết tái sinh, âm cực thịnh thì hơi dương bắt đầu le lói, chúng ta cắn răng âm thầm chịu đựng và bình minh rưng rưng trong hồn, bởi hơn ai hết chúng ta đều biết càng đau khổ càng nhẫn nhục, tình người càng sâu xa thắm thiết. Sóng cả quyết không ngã tay chèo ! Niềm tin đó của dân tộc thể hiện qua muôn hình vạn trạng trong thi ca chính là một yếu tố tinh thần quyết định khiến chúng ta đã bền bỉ một cách kỳ diệu trong cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ để sinh tồn.
Lịch sử chúng ta cho đến nay vẫn chưa gặp thanh nhàn, nhưng con sông càng dài gian khổ càng mang về nhiều phù sa bồi bổ cho cánh đồng, cánh đồng phì nhiêu tình thương bát ngát tình người, man mác tình thiên nhiên cây cỏ, ngợp vẻ thái hòa của hình ảnh con cò bay lả bay la, cánh đồng Việt Nam yêu dấu của chúng ta.
Chú thích:
(1) Nhà thơ này tôi không được rõ tính danh. Theo Nguyễn Ngu Í thì thi nhân là người miền Nam chưa từng ra khỏi Biên Hòa. Khoảng 1940-1943 gì đó Xuân Diệu có vào Nam, rồi khi Xuân Diệu sắp ra Bắc nhà thơ này liền nhắn Xuân Diệu bằng bốn câu thơ sau:
“Ai về cõi Bắc cho ta gởi
Tất cả lòng thương giống Lạc Hồng
Từ thuở mang gươm đi mở cõi,
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.
(2) U Hoài, tác phẩm thứ hai của tác giả, Người Việt xuất bản 1957, Sáng tạo tái bản 1965
(3) Thanh Lãng - Văn chương bình dân - PVTH Xuất bản 1954 trang 103
(4) Thanh Tâm Tuyền - Chân dung Nguyễn Du - Cửa vào Đoạn trường tân thanh - Nam Sơn xuất bản - trang 127.
(5) Xin đọc thêm “Khảo luận về Tản Đà” cùng tác giả - Nhà xuất bản Nam Sơn.
(6) Nhạc Phạm Duy bất tử gây được sự xúc động trong toàn thể tâm hồn Việt vì đã luôn luôn tìm về nguồn của nhạc dân tộc để thể hiện yêu thương và chan chứa u hoài.

 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top