• Ký Thiệt, Tính sổ…

• Ký Thiệt


Tính sổ…







Chắc nhiều bạn đọc biết Ký‎ Thiệt với Sơn Tùng “tuy hai mà một, tuy một mà hai” nên có người hỏi tôi bắt đầu viết phiếm luận thời sự từ bao giờ, do động cơ nào, và tại sao không dùng một bút hiệu cho đỡ rắc rối.
Một câu hỏi rất dễ trả lời, “không do động cơ nào cả”, và cũng rất… khó nói cho nên mới có bài “Tính Sổ” trên tập báo Xuân Canh Tí hôm nay, sau sáu năm với gần 400 bài “Sổ Tay Ký Thiệt” , không vắng tuần nào.
Nhớ lại khi bắt đầu cầm bút, cầm bút nghiã đen, để viết văn, chứ không phải gõ bàn phím computer như ngày nay, ước mơ của tôi, có lẽ cũng như ước mơ của các ông bà nhà văn khác khi tập tễnh bước chân vào nghề viết lách cùng thời với tôi: tới ngày nào đó sẽ trở thành một …Ernest Hemmnigway, hay Leo Tolstoy, hay… gì gì đó, chứ không phải sẽ trở thành ký giả, hay “Ký Thiệt”.
Tôi không bao giờ ôm mộng sẽ trở thành một “nhà văn lớn” trong xã hội Việt Nam thời ấy như một số người tôi đã biết, với một đời sống túng quẫn về vật chất, bê tha về tình cảm và đạo đức. Vì vậy, tôi đã mưu sinh bằng nghề khác, viết văn chỉ là nghề tay trái nên có ít thì giờ để viết. Tuy vậy, tôi có quan niệm rất nghiêm túc về việc viết văn, và ai có quyền ngăn cấm một người viết văn ước mơ?
Một người cầm bút viết văn mà không nhiều ước mơ và không giàu tưởng tượng thì không bao giờ có thể trở thành một nhà văn, chưa nói tới “nhà văn lớn”.
Khởi đầu vào giữa thập niên 1950, tôi có viết vài truyện ngắn và một truyện dài, không có ai đánh trống thổi kèn nên không có tiếng vang. Năm 1972, tôi viết truyện dài thứ hai, truyện “Bầy Thú Nhỏ”, một truyện tình éo le lồng trong bối cảnh một đồn điền trà trên cao nguyên miền Nam Việt Nam giữa lúc chiến tranh leo thang khốc liệt, thân phận của người dân trong “vùng xôi đậu” mất an ninh cũng hẩm hiu mong manh như một bầy thú nhỏ giữa cơn loạn rừng. Truyện rất hấp dẫn, ly kỳ nhưng mang hơi hướm “phản chiến”. Vài người xem qua, ai cũng mê và… sợ.
Tôi đưa cho Đại tá Nguyễn Huy Hùng, Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến. Ông nhận ra giá trị của “Bầy Thú Nhỏ” và cái “Thông điệp Hòa Bình” chuyên chở trong tác phẩm. Đại tá Hùng cho đăng từng kỳ trên tờ báo của Quân Lực VNCH với một bài giới thiệu nồng nhiệt khi khởi đăng truyện ấy, trong đó có đoạn như sau:
“BẦY THÚ NHỎ đăng nơi trang 2 từ 2 số báo qua mới chính là một THÔNG ĐIỆP HÒA BÌNH, viết bằng tất cả sự thật mắt thấy tai nghe, bằng xương máu và mất mát rất nhiều của người dân Việt Nam qua hơn một phần tư thế kỷ chiến tranh dai dẳng.
“BẦY THÚ NHỎ” là bản cáo trạng dành cho những tội phạm chiến tranh…
Và tất cả những người Việt Nam đau khổ vì chiến tranh cũng hãy đọc “BẦY THÚ NHỎ” để thấm thía thân phận và số kiếp hẩm hiu của mình.

“Với các nhà làm phim Việt Nam thì đây là truyện phim phản ảnh đúng nhất thực trạng chiến tranh của quê hương chúng ta. Nếu thực hiện xuất sắc, đó là một tác phẩm điện ảnh mà không có quốc gia nào có thể qua mặt ta được. Bởi đó là bức họa trung thực nhất mà cũng độc đáo nhất.”
“Bầy Thú Nhỏ” trên Nhật báo Tiền Tuyến chưa chấm dứt thì Tự Do tắt thở tại Miền Nam Việt Nam. Năm 1982, tôi vượt biên để thở, và mang theo những điều mắt thấy tai nghe trong bảy năm sống cuộc đời “lưu vong trên chính quê hương mình” với kỳ vọng, nếu không làm mồi cho cá, sẽ nói lên cho “Thế Giới Tự Do” biết người dân Miền Nam Việt Nam đã nhận được món quà mà “phong trào phản chiến” và “nền hòa bình trong danh dự” của nước Mỹ đã tặng cho họ.
Đi lần đầu cùng với vợ con không thành, lần thứ hai tôi phải ra đi một mình vì không còn tiền, và cũng vì bị ám ảnh bởi chuyến đi của gia đình cô em út gồm hai vợ chồng và ba đứa cháu đã hơn một năm mà không nhận được tin tức gì. Không ai dám nghĩ tới tình huống xấu nhất, vì còn bám vào chút hy vọng mong manh là có thể tàu lạc vào một đảo hoang nào đó như đã xảy ra một đôi lần cho những người bỏ nước ra đi trên những con tàu mong manh. Nhưng, tôi nghĩ mà không dám nói ra, hy vọng đó chỉ là cách mà những người thân ở lại bám víu vào để có thêm can đảm mà sống.
Bây giờ lại tới lượt tôi ra đi trong tâm trạng bối rối với nhiều câu hỏi. Tôi không sợ chết, nhưng nếu điều ấy xảy ra thì vợ con tôi sẽ sống ra sao trong xã hội này? Đôi khi tôi nghĩ hay là cứ ở lại, tới đâu hay tới đó, sống cùng sống, chết cùng chết với nhau. Nhưng cũng may, vợ tôi là người có nghị lực, cũng đồng ý để tôi ra đi.
Tôi rời Rạch Giá trong đêm tối và sau hai ngày ba đêm giam mình trong chiếc thuyền đánh cá mong manh trên mặt biển êm ả, tôi đặt chân lên đất Mã-Lai cùng với 46 người khác, gồm cả nam lẫn nữ và trẻ em. Người cười kẻ khóc, con chiên tạ ơn Chúa, những người khác thì cảm ơn Trời Phật.
Trong thời gian tạm trú ở Trại Bi-đông, tôi khai báo với văn phòng Cao-ủy Tị-nạn LHQ số đăng bộ chiếc tàu mà năm người trong gia đình tôi đã ra đi, hy vọng có một tia sáng ở cuối đường hầm. Họ đưa cho tôi một bản danh sách hơn 400 chiếc tàu mất tích do những người thân tới đảo trước đã khai báo, trong đó có số tàu mà tôi đưa cho họ. Sự thật trước mắt tôi quá tàn nhẫn. Tôi đứng chết lặng trong mấy phút mới cất chân đi được.
Thấy trong phòng đọc sách trên đảo có Tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong, tờ báo tôi cộng tác trước năm 1975, nay tái xuất bản tại Mỹ. Tôi liền viết vài truyện ngắn, và gửi cho VNTP. Đó là những sáng tác đầu tiên của tôi sau khi đặt chân lên miền đất tự do và được thở tự do, như ước nguyện.
Cũng để thực hiện ước nguyện, sau khi được định cư tại Mỹ, tôi ở California ít lâu rồi sang Virginia, làm việc toàn thời gian tại tòa soạn Văn Nghệ Tiền Phong với nhiệm vụ viết…đủ thứ cho tạp chí ấy và viết mỗi tháng một truyện ngắn cho Tiểu Thuyết Nguyệt San. Và, tôi bỗng nhận ra nghề viết báo ở hải ngoại cũng là một nghề quá nguy hiểm. Tòa báo bị đốt vừa được công ty bảo hiểm sửa lại, ông Chủ nhiệm Nguyễn Thanh Hoàng đi đâu cũng phải mặc áo giáp và lận súng lục sau lưng, dù ông chẳng bao giờ viết lách cái gì. Ông hỏi tôi có cần mang súng trong người để ông xin giấy phép cho, tôi trả lời “không”, vì tôi nghĩ làm nhà văn, nhà báo chứ đâu phải “lính kín”.
Vào thời gian ấy, báo Việt ngữ ở hải ngoại chưa có nhiều, nhất là báo bán thì hầu như chỉ có tờ VNTP, phát hành khắp thế giới, một phần cũng nhờ đã là một tuần báo quen thuộc lâu năm tại Sài-Gòn và có lập trường chống cộng. Nhưng, từ khi “tới ở” với tờ VNTP, và chuyện ông chủ nhiệm báo phải mang súng trong người tôi mới biết bí quyết làm báo của ông Nguyễn Thanh Hoàng, trong đó có mục phiếm luận “Ngày Lại Ngày” của Tú Rua.
Độc giả rất ưa thích mục này. Nói “ưa thích” chưa đủ, nhiều người đã trở thành “nghiện” mục Ngày Lại Ngày với lối viết phiếm luận sắc bén và cay độc của ông Tú Rua Lê Triết. Nhưng nếu mục phiếm luận này đã đem đến cho tờ VNTP nhiều “độc giả trung thành” thì cũng đã tạo ra một số kẻ thù, bằng cớ là một vụ đốt nhà và mấy vụ kiện. Có lần tôi nói với ông Nguyễn Thanh Hoàng:
– Sao anh không đề nghị anh Triết viết nhẹ đi một tí?

– Tú Rua mà viết nhẹ thì ai mà đọc? – Ông Nguyễn Thanh Hoàng trả lời, ngẩn người ra một tí rồi hỏi lại tôi – Nhưng mà này, tại sao anh không viết phiếm luận nhỉ, tôi thấy anh cũng có thể mở thêm một mục đấy.
Tôi gạt đi:
– Tôi chưa bao giờ viết phiếm luận, và không bao giờ có ý định viết phiếm luận.

Tôi trả lời dứt khoát như thế vì chuyện “viết phiếm luận” chưa bao giờ có trong đầu tôi. Tôi liều mạng vượt biển, xa vợ xa con, sang đây không phải để viết phiếm luận. Nhưng, sống trên đất nước tự do này hơn hai năm, tôi đã làm được gì với ước mơ của tôi khi bước chân lên con tàu gỗ nhỏ ra khơi trong đêm tối, trước mặt là biển khơi hung hiểm bao la với cá mập và hải tặc đang chờ, để “ nói lên cho ‘Thế Giới Tự Do’ biết người dân Miền Nam Việt Nam đã nhận được món quà mà ‘phong trào phản chiến’ và ‘nền hòa bình trong danh dự’ của nước Mỹ tặng cho họ”? Ước mơ cao đẹp của tôi khi ra đi đã trở thành mộng ảo trong đời thường thấp thỏi. Và, một hôm tôi đã đưa cho ông Nguyễn Thanh Hoàng bài phiếm luận đầu tiên của tôi.
Từ đó, trên tờ VNTP có thêm mục phiếm “Xây Dựng” do “Thợ Hồ” phụ trách, với văn phong nhẹ nhàng, không nặng lời đả kích và không gây thù chuốc oán với ai. Thợ Hồ… chỉ “xây dựng” và vuốt nhẹ thôi, dù đôi khi cũng … rướm máu.
Thợ Hồ… xây dựng không được bao lâu thì tôi rời tờ Văn Nghệ Tiền Phong, sau khi một nhân viên tòa soạn bị ám sát. Ông Đỗ Trọng Nhân chỉ là người bỏ dấu và cắt dán bài, không phải nhà báo hay nhà văn, đã bị bắn chết bỏ nằm trong xe đậu bên lề đường hai đêm một ngày mới được nhân viên xe rác phát hiện. Tuy tôi cũng cảm thấy “rét”, nhưng án mạng này không phải là lý‎ do khiến tôi không tiếp tục cộng tác với Tạp chí VNTP nữa.
Tôi bỏ ông Nguyễn Thanh Hoàng là vì vợ con tôi cũng đã sang Mỹ, cũng bằng vượt biển, sau bảy năm chờ bảo lãnh mỏi mòn. Tôi cần nhiều tiền hơn để lo cho gia đình và tổ chức lại đời sống. Lương của một “sở Mỹ” trả cho tôi gấp ba tiền lương VNTP, chưa nói VNTP không mua bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên.
Tôi đã “thực tế” hơn, không còn ôm giấc mơ hão huyền nữa, nhưng tự thấy có nghĩa vụ phải tiếp tục viết ra những gì mình vừa là nhân chứng sống, vừa là nạn nhân trong cuộc đổi đời sau ngày 30.4.1975. Tôi thu xếp thì giờ để có thể vừa đi làm kiếm tiền cho vợ con khỏi thiếu thốn, vừa có thể tiếp tục viết. Ngoài viết truyện ngắn truyện dài, tôi còn cộng tác thường xuyên với hai tạp chí Thế Giới Ngày Nay và Làng Văn phát hành rộng tại Mỹ và Canada cùng nhiều nước khác. Mục Xây Dựng của Thợ Hồ được di chuyển về tạp chí TGNN.
Tôi chia tay ông Nguyễn Thanh Hoàng được vài tháng thì xảy ra vụ thảm sát vợ chồng ông Tú Rua Lê Triết. Vụ sát nhân tàn bạo này đã làm xấu mặt cộng đồng người Việt tị nạn mà giới chức an ninh Mỹ, kể cả FBI, đã bó tay không tìm ra thủ phạm, hay không muốn tìm ra.
Đến nay, vụ này và vài vụ nữa mà nạn nhân là những người cầm bút vẫn còn là những bí ẩn với những đồn đoán dựa trên cảm tính.
Thời gian trôi qua, cuộc cách mạng điện toán diễn ra trong ba thập niên đã làm thay đổi hoàn toàn cách viết văn làm báo. Văn Nghệ Tiền Phong không còn. Làng Văn không còn. Thế Giới Ngày Nay không còn. “Xây Dựng” của Thợ Hồ cũng không còn, nhưng đã được thay thế bằng “Sổ Tay Ký Thiệt” tiếp tục ghi lại những chuyện thời sự và những lời bàn của Ký Thiệt. Thời sự thì giống nhau, nhưng tốt hay xấu là do lời bàn, như câu nói của người xưa: “Không sợ chiêm bao, chỉ sợ thầy bàn”.
Đầu năm ngày rộng tháng dài, xin trích đăng dưới đây một phần bài Sổ Tay Ký Thiệt kỳ thứ 116 nói về giấc chiêm bao của Cụ Víp KK Nguyễn Văn Chức, một cây bút viết phiếm luận nổi tiếng, viết về giấc chiêm bao của cụ sau khi qua đời:
Bây giờ chỉ còn một ngày nữa, là tôi bị đưa lên nghĩa địa. Một cụ già râu tóc bạc phơ, chống gậy trúc đến dìu tôi đi thăm viếng thế giới bên kia. Người đầu tiên tôi gặp là thầy dạy tôi, Luật Sư Bùi Tường Chiểu, rồi những bạn cũ tại thượng nghị viện, Thái Lăng Nghiêm, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu, Trần Chánh Thành, Đào Văn Vỹ, Trần Văn Lắm …
Ở một vườn hoa khác, tôi gặp lại những bạn cũ trong quân đội, Nguyễn Ngọc Loan, Lê Nguyên Khang, Nguyễn Văn Yên, Lại Như Sơn … Tôi cũng gặp lại những người lính cũ của tôi đã chết trong những trận Đông Triều, Hòa Bình, Mạo Khê.
Sau khi đi thăm một vài nơi ở thế giới của Dante, tôi được đưa ra trước tòa phán xét của Thượng Đế. Tôi là người Công Giáo, tôi phải trả lời về tất cả những hành vi và ý nghĩ của tôi lúc còn sống. Ôi “ngày của thịnh nộ” (Dies irae, dies illa). Nếu linh hồn tôi có tội trọng (mortal sin), tôi sẽ phải xuống hỏa ngục, chịu lửa thiêu đốt đời đời. Nếu linh hồn tôi không có tội trọng và trong trắng như gương, tôi sẽ được lên Thiên Đàng ngay lập tức. Nhưng nếu linh hồn tôi, tuy không có tội trọng, nhưng không trong sáng như gương, nghĩa là còn lợn cợn bụi trần, thì tôi sẽ đi đâu? Tôi sẽ phải xuống ngục luyện tội (purgatory) một thời gian để lửa đốt con người tôi cho sạch những lợn cợn, và sau đó tôi mới được lên Thiên Đàng. Thời gian ở luyện tội, có thể là 10 năm, 20 năm, 50 năm . . . Tùy trường hợp nặng nhẹ. Mà tôi thì như cụ đã biết, nhiều lợn cợn lắm, thể xác cũng như tâm hồn. Có lẽ phải ở luyện tội cả mấy trăm năm.
Tôi được đưa đến tòa phán xét. Chưa đầy 5 phút, có tiếng loa: “Ai có vợ, và đã sống với vợ từ 30 năm trở lên, hãy đứng sang bên phải.” Tôi lễ mễ chạy theo tiếng loa, đứng sang bên phải. Đông lắm, người nào trông cũng thiểu não quá sức. Hai phút sau, có tiếng vọng từ trời cao: “Các con yêu mến, lúc còn sống, các con có vợ và đã ở với vợ trên 30 năm, như thế các con được coi như đã ở luyện tội cả mấy trăm năm rồi, các con sạch mọi tội lỗi và đáng được lên Thiên Đàng ngay lập tức để hưởng Thiên Nhan Chúa”. Mọi người đều hoan hô. Một ông già Mỹ móm mém, phều phào “All right!”. Tôi cũng phều phào “All right!”.
Theo chương trình lễ an táng đọc trên đài phát thanh thì sáng hôm nay người ta sẽ động quan và đem tôi ra nghĩa địa. Tôi nằm trong quan tài, bỗng nghe có tiếng chân chạy rầm rập. Tôi thấy cụ và nhà văn Sơn Tùng hớt hơ hớt hải khiêng đến một vòng hoa lớn, với tấm băng phân ưu viết chữ lớn “See you soon”. Thật là chí tình.
Tôi lại nghe thấy có tiếng ồn ào bên cạnh buồng tôi nằm. Một giọng nói nghe rất quen: “Ấy tôi đi nhầm buồng rồi”. Một lúc sau tôi lại nghe: “Ấy tôi đi nhầm buồng rồi.”
Tôi quên không nói để cụ biết: bên cạnh buồng quan tài của tôi, có buồng quan tài của một bà Mỹ già, cũng chết vì ung thư phổi. Người nào đó, đến viếng tôi, chắc đã đi nhầm buồng. Cho nên cứ “ấy tôi đi nhầm buồng rồi.”. Sau cùng người ấy đến đúng buồng của tôi. Người ấy cầm một bó hoa nhỏ, đến gần quan tài, nói bô bô: “Ấy, đây có phải là quan tài của ông Vip KK không?” Rồi người đó nói rất thảm thiết: “Ấy, ông Vip KK ơi, ông với tôi đã từng ăn nằm với nhau, sao ông nỡ bỏ tôi ra đi, sao ông không đợi tôi cùng đi với? Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời. Ôi ông Vip KK ơi.” Tôi nhận ra tiếng của nhà văn Doãn Quốc Sĩ.
Năm 1998, họ Doãn và tôi lên Hoa Thịnh Đốn tham dự buổi họp của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, do lời mời của nhà văn Sơn Tùng. Họ Doãn và tôi ở trong căn biệt thự của nhà văn Nghiêu Minh. Chúng tôi ngủ chung một giường, họ Doãn nằm đầu giường, tôi nằm cuối giường. Buổi sáng, hai chúng tôi dậy sớm. Họ Doãn ngồi quay mặt vào tường bên đông, ông thiền và đọc kinh Phật. Tôi quay về phía tây đọc kinh Công Giáo. Bây giờ nghe tôi chết, họ Doãn đến phúng viếng tôi và nhắc lại chuyện xưa. Thật là chí tình. (ngưng trích)
Và, dưới đây là lời bàn của thầy Ký Thiệt Sơn Tùng:
Thưa Cụ Vip KK, thật là cảm kích biết bao khi trong giấc mơ về “ngày của thịnh nộ” mà cụ còn nghĩ đến tôi và những kỷ niệm với Văn Bút VN Hải Ngoại (VBVNHN) năm 1998 tại Hoa-Thịnh-Đốn.
Tôi rất tiếc không thể tiễn đưa cụ như cụ đã mơ thấy, dù trong lòng tôi rất, rất muốn làm như vậy. Xin cụ thứ lỗi. Mà nếu có điều kiện để tới viếng cụ lần cuối với một vòng hoa thì tôi sẽ không ghi trên tấm băng phân ưu hàng chữ “See you soon”. Không phải tôi sợ chết hay không muốn tái ngộ với cụ ở trên thiên đàng. Tại sao tôi tin chắc là thiên đàng mà không phải hỏa ngục? Vâng, tôi tin là nếu có một địa ngục thật thì nơi ấy không phải để dành cho cụ và tôi, mà là nơi Thượng đế đã tạo ra để trừng phạt bọn cộng sản ác ôn, trong đó có Hồ Chí Minh và đồng bọn.
Từ năm 1993, tôi đã có một ước mơ khi đứng trên Công trường Đỏ ở Mạc-tư-khoa mà chế độ cộng sản mới sụp đổ hai năm trước, trên nóc Điện Kremlin đã không còn lá cờ máu và búa liềm. Tất cả những dấu tích hãi hùng của 70 năm dưới ách thống trị của cộng sản đã nằm trong đống rác của lịch sử. Xác ướp của Lê-nin còn được giữ lại không khác gì một loài quái thú trưng bày để phục vụ tính hiếu kỳ của du khách thập phương và đã nhắc nhở tôi nơi đây từng là cái nôi của mọi đảng cộng sản trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Và ước mơ của tôi lúc đó là một ngày không xa, những đứa con mồ côi của Lê-nin, trong đó có VC, cũng sẽ được tống táng như cha của chúng ở đây. Tôi ước mơ được chứng kiến ngày ấy rồi nhắm mắt cũng cam lòng. Tôi không muốn theo cụ sớm là vì vậy.
Kém tuổi cụ gần một con giáp, tôi tin ước mơ của tôi sẽ thành sự thật một ngày không xa, và khi tái ngộ ở trên thiên đàng, tôi sẽ báo cáo mọi chuyện cụ mong được biết, nhất là những gì xảy ra với bọn tàn dư VC mà cụ đã suốt đời chống lại.
Bây giờ tôi xin phép được ôn lại những kỷ niệm đã có với cụ và các vị khác trong “Hội Đồng Nhân sĩ” được mời tới thủ đô Hoa Kỳ để dự Đại Hội VBVNHN năm 1998. Đại Hội này được gọi là “Đại Hội Thống Nhất” vì VBVNHN đã trải qua một cơn xáo trộn kéo dài ba năm vì một ông cựu chủ tịch đã “đẻ để bầu” (chữ của Nhà báo Hoàng Dược Thảo), thay vì bầu để đẻ, tức là đã đẻ ra bốn “trung tâm” bất hợp lệ để bầu cho mình.
Đại Hội Thống Nhất VBVNHN vào cuối tháng 3. 1998 đã được tổ chức với sự đồng tâm nhất trí của đại đa số hội viên VBVNHN, và với sự hậu thuẫn của “Hội Đồng Nhân Sĩ” gồm những khuôn mặt có uy tín trong giới cầm bút và trí thức người Việt Quốc gia ở hải ngoại khi ấy.

Cụ đã cùng Nhà văn Doãn Quốc Sỹ và Giáo sư Lê Hữu Mục thay mặt Hội Đồng Nhân Sĩ tới tham dự Đại Hội, bất chấp sự đánh phá của một thiểu số không biết làm gì hơn là… đánh phá.
Sau hai ngày nhóm họp trong tinh thần dân chủ và văn hữu trong sáng, Đại Hội đã bầu Nhà văn Minh Đức Hoài Trinh làm Chủ tịch Ban Chấp Hành nhiệm kỳ 1998-2001. Và, tôi đã đứng sang một bên sau ba năm đứng mũi chịu sào lèo lái con tàu Văn Bút vượt qua nhiều cơn sóng gió.
Trước Đại Hội VBVNHN năm ấy, cụ đã phát biểu những lời làm phấn khởi tinh thần hội viên VBVNHN và nói lên khí phách của người trí thức dấn thân khi nhắc lại câu nói của Caesar hai ngàn năm trước: “Veni, vedi, veci.” (Ta đã đến, ta đã thấy, và ta đã thắng). Sau đó, cụ đã sửa lại câu nói của Caesar cho hợp tình hợp cảnh: “Chúng tôi đã đến, chúng tôi đã thấy, và quý vị đã thắng.” Chính nghĩa đã thắng, nhưng đã đến rất chậm. Phải mất thêm ba năm nữa, VBVNHN mới “thống nhất” và “tạm yên”.
Mấy ngày ở Hoa-Thịnh-Đốn vào mùa xuân năm 1998 chắc chắn cũng đã lưu lại trong tâm khảm cụ những kỷ niệm đẹp không thể quên cho đến phút cuối đời. Thật cảm động.
Vâng, đúng như cụ đã ghi lại trong “Đêm qua tôi nằm mơ”, dịp ấy nhà anh chị Nghiêu Minh ở Bethesda, Maryland, đã biến thành một “lữ quán” để tiếp đón hơn mười người. Ngủ trên giường và ngủ cả trên thảm, vì có những người đã từ chối ở khách sạn để tới đây ở chung với Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Văn Chức, Lê Hữu Mục, Minh Đức Hoài Trinh… Những bữa cơm chung với nhau, những đêm xuân mát lạnh hàn huyên bên tách trà thơm ấm là những kỷ niệm êm đẹp hiếm có không dễ gì quên.
Một ngày nào đó, trên đường theo cụ, tôi cũng sẽ mang theo những hình ảnh như vậy. See you later. (ngưng trích)
Trong tấm hình chụp chung vào dịp Đại hội VBVNHN năm 1998, Luật sư Nguyễn Văn Chức ngồi bên cạnh tôi trong hàng ghế đầu, kế đó là Cao Thế Dung, Minh Đức Hoài Trinh, Lê Hữu Mục, và Doãn Quốc Sỹ.
Nay chỉ còn Nhà văn Doãn Quốc Sỹ và…Sơn Tùng. Doãn Quốc Sỹ đã buông bút từ lâu, còn Sơn Tùng tiếp tục đóng vai Ký‎ Thiệt để bàn sự đời, không biết đến bao giờ.
(Trích Giai Phẩm ĐỜI NAY Xuân Canh Tý, đã phát hành)


 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top