• Câu Chuyện Văn Chương, Đặng Trần Huân
CHUYỆN CẢI CÁCH TIẾNG VIỆT
Kể từ khi tiếng Việt được hình thành tới nay biết bao nhiêu nhà ngôn ngữ học và không ngôn ngữ học đề xướng thay đổi nó. Nhiều quá kể ra không xuể.Theo Vũ Ngọc Phan những nhà văn lớp trước muốn cải cách tiếng Việt được nhiều người biết đến có lẽ là Nguyễn Trọng Thuật và Trần Trọng Kim. Với cuốn Việt Văn Tinh Nghĩa xuất bản năm 1928, Nguyễn Trọng Thuật có nhiều nhận xét về tiếng Việt thời đó và đồng thời đề nghị một số cải cách nhưng những cải cách của ông bị văn phạm Pháp ảnh hưởng khá sâu đậm.
Thấy tiếng Pháp có số nhiều, số ít, giống đực, giống cái, ông đề nghị tiếng Việt cũng nên có những chữ câm đằng sau để phân biệt khi nghĩa khác nhau. Ví dụ chữ kinh có nhiều nghĩa khác nhau nên mỗi khi viết chữ kinh theo nghĩa nào phải viết khác nhau cho chính xác như viết kinhs sợ, kynhp đô, kynh Thánh, kinh nghiệm v. v . . Những đề nghị của Nguyễn Trọng Thuật chỉ gây thêm rắc rối phức tạp vì tất cả mọi nghĩa của chữ kinh khi đọc nguyên một câu văn hoặc nó có kèm theo một chữ khác là đủ nghĩa rồi. Do đó cuốn Việt Văn Tinh Nghĩa của ông dù có nhiều nhận xét, phân tách Việt ngữ rất hay nhưng những đề nghị của ông không được mấy người tán thành.
Ngoài Việt Văn Tinh Nghĩa của Nguyễn Trọng Thuật, Trần Trọng Kim soạn cuốn Việt Nam Văn Phạm (chung với Phạm Duy Khiêm và Bùi Kỷ) có những tiến bộ rõ rệt. Ngay trong bài tựa, Trần Trọng Kim đã công bố đường lối minh bạch rằng Việt ngữ là một ngôn ngữ đơn giản, không nên mô phỏng văn phạm Pháp để áp đặt cho tiếng Việt. Nhưng xét về nội dung Việt Nam Văn Phạm cũng phân chia ra danh từ, động từ, tính từ . . . Một ví dụ: ba chữ cái nhà ở, Trần Trọng Kim cho là động từ vì có chữ ở. Thế nhưng khi cuốn Việt Nam Văn Phạm được dịch sang tiếng Pháp với tên Grammaire Annamite do Lê Thăng xuất bản thì cái nhà ở được dịch là maison d ' habitation thì không thể coi là động từ được nữa.
Thành ra chủ trương không theo văn phạm Pháp khi soạn tiếng Việt nhưng vô hình trung các tác giả đã bị ảnh hưởng nặng nề văn phạm Pháp mà không hay. Y như bây giờ có khá nhiều nhà văn, nhà báo hải ngoại mặc dầu biết Việt cộng đã đặt ra những chữ rất ngô nghê, lố bịch nhưng khi viết thì vẫn vô tình bị lôi cuốn và dùng những chữ lố lăng mà cộng sản đã chế ra.
Sau Nguyễn Trọng Thuật và Trần Trọng Kim, nhiều lần vấn đề cải cách ngôn ngữ được đề ra. Cái trở ngại của tiếng Việt là năm dấu và những chữ cái mà vần Pháp ngữ không có trong khi chúng ta đang sống dưới thời thuộc Pháp. Có một dạo ngành bưu điện đã đề nghị và áp dụng thử những chữ Việt mà tiếng Pháp không có như ưng ý, ăn cháo . . . thay bằng uung ý, aan cháo để dùng khi gửi điện tín. Ngành in cũng muốn bỏ năm dấu và thay những tiếng thuần túy Việt bằng chữ cái Pháp nhưng không thực hiện nổi mà vẫn phải dùng con chữ đúc riêng cho tiếng Việt không tinh xảo lắm để chờ tới khi kỹ thuật đúc chữ Việt tinh vi hơn.
Tới nay máy điện toán (computer) được phát minh, các nhu liệu tiếng Việt được sáng chế kịp thời vấn đề sắp chữ không còn nữa. Nhưng tới thư điện tử (e-mail) thì không đọc được hết các loại tiếng Việt từ các nhu liệu ở nhiều vùng khác nhau trên trái đất. Người dùng đành tùy tiện gửi cho nhau với nhu liệu tiếng Anh không dấu. Nhưng cũng có trở ngại. Ví dụ đánh thieu phu dam dang ta có thể lầm đảm đang với dâm đãng. Hoăc khi nhận một thư điện tử có câu: Bac Duong cuoi vo cho chau Hung ngay 7 thang 3 vua qua. Tuy o xa nhung cô chu Duong cung ve du dam cuoi. Người ngoài có thể biết có một người tên Duong mới làm đám cưới cho con nhưng chỉ người trong gia tộc mới hiểu được người anh tên là Đường, người em là Dương và chú rể là Hưng chứ nếu đoán sẽ có thể lộn hai tên Duong và Hưng với Hùng hay húng . . . quế.
Biết khi đề nghị cải cách có thể gặp chống đối nên những người đề xướng phải tự thực hành lối viết của mình để làm gương.
Vào thập niên 1960, khi in tập phiếm luận Chuyện Vô Lý của Lãng Nhân, nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn đã áp dụng lối viết các từ kép bỏ dấu nối và viết liền vào nhau như ânái, hạnhphúc, chínhchuyên, giađình. . . Lối viết này mới trông cũng thấy ngồ ngộ nhưng không phải là không có trở ngại. Nếu những từ kép ô mai, phát hành, bác sĩ thú y mà viết liền thành ômai, pháthành, bácsĩ thúy người ta cũng có thể lộn với ôm ai?, phá thành, bác sĩ Thúy. Phải chăng thấy chuyện thí nghiệm này cũng gian nan nên bút ký Chuyện Vô Lý lần đầu chỉ in 160 bản tặng bạn bè và chuyện dính liền cũng rơi vào quên lãng một thời gian khá dài.
Nguyễn Hữu Ngư một mình một chợ đưa ra nhiều thay đổi cách viết trong tiếng Việt như bỏ Y dài thay thế bằng I ngắn, bỏ phụ âm H trong GH, NGH v . v . . . Không ai nghe theo thì ông tự thực hành một mình. Ông bỏ tên Nguyễn Hữu Ngư của cha mẹ đặt để ký biệt hiệu là Nguiễn Ngu Í, Ngê Bá Lí đơn thương độc mã áp dụng lối viết ấy trong các tác phẩm của mình.
Sau 1975 ở hải ngoại cũng có nhiều tác giả đưa ra những cải cách có khi mới, có khi không. Về việc viết I ngắn thay thế Y dài hai nhà biên khảo Lê Hữu Mục và Nguyễn Đình Hòa nêu lại vấn đề này và hỗ trợ nó. Có nhiều người không đồng ý chuyện thay đổi này nhưng có người yểm trợ và người yểm trợ mạnh mẽ nhất là Dương Đức Nhự.
Theo một bài đăng trên tuần báo Sài Gòn Nhỏ, Westminter, CA , số xuân Kỷ Mão của Đỗ Hữu và Diên Nghị (sau đăng lại có sửa chữa trên tạp chí Tinh Hoa, Minneapolis, MN, số tháng 10. 99 với tên Đức Cố & Diên Nghị), hai tác giả cho biết Dương Đức Nhự không những yểm trợ chuyện thay thế Y dài do Lê Hữu Mục và Nguyễn Đình Hòa theo đuổi mà còn đề nghị cả chuyện viết dính liền, bỏ phụ âm H, du nhập chữ cái F, J, W, Z. Ông đề nghị viết ngẫm ngĩ, ngễnh ngãng, gồ gề thay cho ngẫm nghĩ, nghễnh ngãng, gồ ghề; viết zễ zàng, zu dương thay cho dễ dàng, du dương.
Nhà thơ Diên Nghị và Đức Cố hẳn là cũng không tán thành lối cải cách của ông Nhự khi đưa ra thí dụ chép truyện Kiều như sau:
Trăm năm trong kõj người ta
Cữ tài, cữ mệnh qéw là gét nhaw .
Trải kwa một kuộk bể zâu
Những diềw trông thấj mà daudớn lòng
Lạ jì bỉsắc tưfong,
Trời xanh kwen thój má hồng dánh gen.
Kảw thơm lần jở trướk dèn
Fongtình kổlụk kòn trwiền sử xanh . . .
Có thể bị ám ảnh về kiến thức uyên bác của mình, về những điều đã dày công học hỏi và nghiên cứu nên thạc sĩ ngôn ngữ học Dương Đức Nhự thấy cần phải thay đổi một cái gì mà ông cho là mới chăng? Nhưng thực ra những cải cách của giáo sư Nhự tưởng là mới lại không có gì la mới cả. Viết toàn I ngắn thì đã có từ khi Paulus Của viết tên ông là Hùinh Tịnh Của vào cuối thế kỷ thứ 18. Nguyễn Hữu Ngư cũng chỉ làm công việc lặp lại. Còn cộng sản Hà Nội thì quen cách cai trị theo lối độc tài nên đã ra hẳn một pháp lệnh về việc thay đổi I ngắn, Y dài.
Cách viết tiếng Việt với những chữ cái la tinh F, J, W, Z thì ông Hồ đã thực hiên và lần cuối cùng là trong chính di chúc viết tay của ông đã có những chữ nhân zân, fe xã hội chủ nghĩa, fục vụ, Đỗ Fủ . . . Lối viết đó được các đàn em bợ đỡ, điển hình nhất là Nguyễn Kim Thản, viện trưởng Viện Ngôn Ngữ Học đã tâng bốc như sau:
Ngay từ khi viết Đường Kách Mệnh người đã dùng F thay Ph, Z thay D và G , dùng K thay cho C, bỏ H trong GH và NGH. Những người làm công tác ngôn ngữ học ở nước ta ngày nay vô cùng khâm phục những sự sửa đổi nói trên của Bác. Thiên tài và sự vĩ đại của Bác biểu hiện ở từng việc làm, từng chủ trương cụ thể như vậy đó . . .
(Tiếng Việt Của Chúng Ta, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 1983, tr. 40).
Di chúc viết tay của ông Hồ với cách viết lố lăng như trên đã được chụp lại in trong báo Nhân Dân sau khi ông chết và năm 1976 cũng bút tích ấy trong cuốn Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Tiểu Sử Và Sự Nghiệp do Ban Nghiên Cứu Lịch Sử Đảng Trung Ương biên soạn. Sự thay đổi chữ nghĩa đó sau này đã được ban hành bằng một pháp lệnh của chính quyền và được thực hiện trong Từ Điển Tiếng Việt (Hoàng Phê) từ ấn bản 1988 và trong Đại Từ Điển Tiếng Việt (Nguyễn Như Ý) do Bộ Giáo Dục và Đào Tạo xuất bản năm 1998.
Cách viết dính liền những từ kép thì cũng là lập lại điều mà Nam Chi Tùng Thư đã làm từ năm 1962 mà không ai theo.
Sống ở Mỹ ảnh hưởng lối viết cắt xén chữ nghĩa trong ngôn ngữ nên đã có khá nhiều người lên tiếng hoặc tự cải cách viết tiếng Việt theo một lối riêng mà mạnh mẽ nhất là viết tắt. Nhà thơ Du Tử Lê sau những sáng kiến về thơ gạch chéo cũng đã cho in hẳn ngoài bìa sách của ông cái tên với chữ thật lớn K. Khúc Của Lê mà không viết ca khúc như thường lệ.
Báo Văn Nghệ Tiền Phong đã từng lên tiếng châm biếm lối viết tắt này khi đưa ra những “dự phóng“ (đao to búa lớn cho nó oai):
K nhac, H hong, C xich
Chan minh nhung lam b b
Lai cam bo đuoc ma d chan nguoi
Những người ủng hộ lối viết tắt lý luận rằng người Mỹ viết Toys R Us (chữ R viết ngược), BBQ, U R here, Open on Nite thay cho Toys are us, Barbecue, You are here, Open all night mọi người vẫn hiểu. Không những viết mà khi đọc họ cũng bỏ những khuôn mòn sáo cũ. Khi nói về Quân Đoàn Một họ viết chữ số La Mã I Corps nhưng khi đọc họ đâu cần đọc First Corps hay Corps One mà đọc là Ai Co. Nước Mỹ là cường quốc bậc nhất thế giới tại sao ta không bắt chước họ cho tiện lợi?
Nghĩ cho cùng thì những cách viết lạ lùng khác thường ở Mỹ cũng thường chỉ thấy trong những bảng hiệu, trong những quảng cáo. Ở một quốc gia tư bản tự do, cạnh tranh kịch liệt thì một số chuyên viên quảng cáo chỉ nghĩ làm sao cho mọi người chú ý, làm sao lôi kéo được sự tò mò, lôi kéo nhiều khách hàng nghĩa là mang lại nhiều lợi lộc bằng mọi cách. Nếu không có luật lệ hạn chế hay quần chúng phản đối thì quảng cáo thương mại có thể sử dụng mọi hình thức dù lố bịch, vô luân, bạo lực, dâm đãng để làm sao kiếm được nhiều tiền. Nếu đúng như vậy có lẽ ta ta chẳng nên du nhập vào văn chương chữ nghĩa tiếng Việt để coi như một cải cách tân kỳ.
Tiếng Việt có ưu điểm của nó nhưng cũng làm cho những người ngoại quốc muốn nghiên cứu phải bối rối về việc sử dụng uyển chuyển các từ ngữ mà chẳng cần văn phạm và năm dấu Việt độc đáo không có trong ngôn ngữ nào trên thế giới.
Có thể vì lẽ đó tác giả Phụng Nghi trong cuốn 100 Năm Phát Triển Tiếng Việt (Nxb Văn Nghệ, 1999) đã dành hẳn một chương để bàn chuyện có nên bỏ một trong hai dấu hỏi (?) ngã (~) trong tiếng Việt không? (tr. 137).
Ông dẫn chứng ba khuynh hướng khác nhau về vấn đề này là khuynh hướng chỉ dùng một dấu trên toàn quốc, khuynh hướng dùng một dấu riêng tại miền Nam và khuynh hướng giữ nguyên trạng không cần thay đổi.
Vấn đề đáng nói nhất là khuynh hướng đầu được nêu lên trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, xuất bản tại Sài Gòn từ năm 1990 là hai dấu hỏi ngã nên nhập chung làm một cho tiện, hỏi ngã gì cũng được. Ý kiến của tác giả bài báo thật dễ dãi nhưng khó chấp nhận và thực tế thì đã chín năm trôi qua chưa có ai tán thành đề nghị đó. Nếu chỉ vì ngại khó mà cứ đọc sao viết vậy thì chữ nghĩa không còn là chữ nghĩa nữa. Hai dấu hỏi và ngã có nghĩa khác nhau, dùng trong những trường hợp khác nhau không thể đồng hóa thành một được.
Nếu câu nói: Anh nỡ bỏ cô ấy mà không nghĩ tới tình nghĩa những năm qua sao? mà viết toàn một dấu hỏi là Anh nở bỏ cô ấy mà không nghỉ tới tình nghỉa nhửng năm qua sao? thì chắc cả trăm năm nữa cũng khó có thể quen tai. Nếu báo thành Hồ chủ trương chỉ viết một dấu cho dễ thì cũng nên theo những anh bộ đội nói ngọng không phân biệt được hai chữ L và N, mà bỏ một chữ L đi. Khi đó học trò viết Nu na nu nống cái Bống nằm trong cái Ong nằm ngoài hoặc là Não nính nệ nàng Náng nên nàng Nủ nấy nòng nợn nuôn nuôn đều đựợc coi là đúng chính tả. Và nhân tiện cũng bắt chước giọng đọc của người miền Nam tất cả những chữ bắt đầu bằng V đều viết thành D cho tiện việc mặc dầu trong Nam đồng bào dù đọc là D nhưng vẫn viết V trúng phóc (la ve).
Cũng như không thể viện cớ thông tin trung thực, vô tư để khi rỗi rãi ngồi ghi âm hai người nói chuyện gẫu rồi cứ thế chép lại nguyên văn in thành sách, chắc chắn tác phẩm kịch này phải dày cả nghìn trang với đầy rẫy thì, mà, à, ờ, ừ và nhiều khi còn chửi thề, nói tục.
Học chữ hay muốn nói cho đúng thì cũng phải chịu khó nên không thể ngại khó mà đơn giản hóa quá mức đến thành thiếu sót, thiếu nghĩa. Không thể viện cớ đơn giản để mà đưa đề nghị bắt chước người Mỹ chỉ cần xưng hô bằng hai tiếng I, You cho tiện để bỏ hết những từ ông, bà, cô, bác, chú, thím, cậu, dì . . . thân thương, độc đáo của Việt ngữ.
*
Vấn đề cải cách một ngôn ngữ không phải là một chuyện dễ dàng. Người Trung Hoa hẳn cũng biết chữ viết của họ phức tạp, bất tiện nhưng không hề nghĩ tới chuyện la tinh hóa chữ Hán mà chỉ thay đổi Hán tự từ văn ngôn ra bạch thoại cho đơn giản hơn thôi. Người Nhật mạnh dạn hơn đã đặt ra một cách viết tiếng Nhật bằng chữ cái la tinh gọi là romanji được chính quyền tích cực truyền bá nhưng cho tới nay có lẽ vẫn chưa có sách Nhật in bằng tiếng Nhật cải cách romanji. Họ vẫn yêu thích lối chữ Nhật hiện hành, hình thức hơi giống chữ Hán nhưng ít nét và không rườm rà.
Việc thay đổi chữ viết có ảnh hưởng tới kho tàng thư tịch của các dân tộc nên khó bề thực hiện. Giả thử có một nền văn học lâu đời như Trung Quốc, nếu thay đổi chữ Hán bằng chữ la tinh thì phải có một đội ngũ hùng hậu người mình dịch các áng văn của mình sang chữ mới của chính mình.
Học giả Hoàng Xuân Hãn chắc chắn đã nghiên cứu những đề nghị cải cách tiếng Việt của các tác giả trước ông, đã biết sự khó khăn khi cải cách nên năm 1942 ông đã viết trong cuốn Danh Từ Khoa Học rằng: Tiếng hiện thời của các nước đều đầy những sự vô lý. Nhưng đố ai cải cách nó được.
Để kết luận vấn đề ngôn ngữ, chúng tôi thiết nghĩ tiếng Việt hiện nay đã sử dụng được trong bậc đại học, đã có những thuật ngữ diễn đạt được những vấn đề chuyên môn, khó khăn mà không gặp trở ngại nên chúng ta có thể tự hào về ngôn ngữ hiện tại. Công việc cần của chúng ta là bảo tồn ngôn ngữ ấy sao cho tiếp tục trong sáng mà đừng chế ra những cải cách lai căng làm vẩn đục tiếng Việt như Hà Nội đã làm.
Việc thay đổi chỉ nên thực hiện khi thật sự cần thiết cho việc diễn đạt tư tưởng, hay cải đổi những phi lý rõ rệt mà không nên quá dễ dãi để a dua, mô phỏng nhất thời ngôn ngữ nước ngoài với mục đích làm duyên khiến cho mất sự đơn giản nhưng phong phú và uyển chuyển của tiếng Việt chúng ta.
Đặng Trần Huân
Tháng 11. 1999