•  Biên Khảo, Lạp Chúc Nguyễn Huy: CÂY KIỂNG  Trong Văn hóa Việt 


•  Biên Khảo, Lạp Chúc Nguyễn Huy

 
CÂY KIỂNG  
Trong Văn hóa Vit 

 

Theo quan niệm UNESCO có 2 loại di sản văn hóa :
- Di sản văn hóa hữu thể (tangible) nhìn thấy được (kiến trúc cung thành Huế, đình chùa, lăng tẩm…),
- Di sản văn hóa vô hình hay vô thể (intangible) không nhìn, sờ thấy được như câu ca, bản đàn, lễ hội âm nhạc, thi văn, triết lý, múa hát truyền thống, văn chương, phong tục tập quán, văn hóa dân gian (folklore) như ca dao, dân ca, câu hò câu vè, tục ngữ, truyện tiếu lâm, truyện cổ tích, tranh Đông Hồ, tập tục mang tính dân tộc, tập thể.
Từ quan niệm văn hóa này mà chúng ta nhìn thấy khía cạnh văn hóa hữu thể là cây kiểng và văn hóa vô hình hay vô thể tức thông điệp tình cảm hay triết lý của cây kiểng chuyển tải đến người ngắm cây.
*
Việt Nam nằm trong vùng văn hóa Viễn Đông bao gồm Trung Hoa, Nhật, Đại Hàn, Việt Nam… nên văn hóa Việt được phủ một lớp vernis dầy của tam giáo (Lão, Khổng, Phật). Chỉ cần bước vào trong căn nhà Xuyên Trính cổ truyền trên đồng bằng Cửu Long là nhìn thấy vũ trụ quan Thái Cực, Âm Dương, Ngũ Hành của Lão Giáo trong các thành phần của sườn nhà:
- Cây đòn dông ở đỉnh mái tượng trưng cho Thái Cực, tiếp theo là hai cây đòn tay biểu tượng cho âm dương, cột tròn (dương) đứng trên tán vuông (âm), bộ chày tròn (dương) ngồi trên cái cối vuông (âm) đặt trên cây trính xuyên ngang hàng cột tiền hậu… 
- Nhìn lên bàn thờ gia tiên kê ở gian giữa, lư đồng biểu tượng cho Thái Cực, hai chân đèn hai bên là hình ảnh âm dương, đông bình (cắm hoa) là dương, tây quả (âm) tức mâm ngũ quả (ngũ hành), 3 chén nước (Tam Tài : Thiên, Địa, Nhân)


https://ci4.googleusercontent.com/proxy/6zx8QsLJ8Of4bBlA9G3W4Ruttzlx5p9QdXzDtjoYJCR6UC3qmqJ_wRa30DSg5yt1hfH9Euy_euDZH36AviQk9A_oLB4V45_z72M_EfdSnhDgluhuAzo=s0-d-e1-ft#http://chimvie3.free.fr/baivo/lapchuc/lapchuc_CayKieng/image001.jpg

Bước ra khỏi nhà, ngay trong sân trước nhà, chúng ta có thể đứng trước vũ trụ quan của lão giáo, giáo lý của Khổng Giáo qua nghệ thuật tạo dáng uốn nắn thân cây, tỉa cành nhánh tạo nên cây cảnh ở miền Bắc và cây kiểng ở miền Nam (gọi kiểng vì cữ tên quan chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh):
Vài nét văn hóa trong cây kiểng

Mỗi cây kiểng là một sản phẩm nghệ thuật, là một bức họa mỹ thuật tạo thành bởi tài trí uốn nắn, trí óc thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của con người.
Lúc ta ngồi ngắm cây kiểng cũng như lúc ngâm thơ, cất tiếng hát là tâm ta tĩnh lại hướng về thiên nhiên và hướng thanh cao, lòng ta quên đi những nỗi khổ bất toại nguyện trong cuộc đời.
Những lúc buồn lo nặng trĩu người 
Cha ra vườn cảnh thở nguồn vui 
Lại chia tâm sự cùng cây cảnh 
Lại thả hồn bay giữa đất trời. 
(thơ Trần Lê Văn)


Mỗi cây kiểng truyền thống vừa là một tác phẩm nghệ thuật vừa là một thông điệp chuyển tải một tình cảm yêu thương (cây thế phụ tử, mẫu tử), một triết lý vũ trụ quan (cây thế vũ trụ), một ước muốn (cây thế tam đa phúc, lộc, thọ) mà nghệ nhân muốn gửi gắm vào đó.




Thẩm định giá trị mỹ thuật của một cây kiểng phải căn cứ vào 5 tiêu chuẩn sau: hình, thế, chi, thời, ý.
Hình: sự cân xứng giữa gốc, cành, nhánh và chậu kiểng thí dụ như kích thước của thân cây lớn từ gốc rồi nhỏ dần lên đến ngọn, tàn lá và cành dưới lớn hơn cành trên, lá vừa đủ không che mất cành, nhánh.
Thế: cách uốn cành để tạo ra được Thế cây diễn tả cái thông điệp của nghệ nhân thí dụ cây tam đa có 3 tàn lá tượng trưng cho Phúc, Lộc, Thọ; cây ngũ phúc có 5 tàn lá tượng trưng cho Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh.
Chi: kỹ thuật tỉa cành, phân đoạn sao cho số lượng cành, nhánh vừa đủ, không rườm rà quá, cũng không đơn điệu.
Thời là số tuổi được đánh giá qua độ già của gốc, rễ, độ từng trải của cây do những chỗ phình ra, eo vào, sần sùi, rạn nứt, của những vết nám trên da, chỗ móc meo dưới đất, đám mùn rêu nơi bìa rễ...
Ý là ý nghĩa được cây chuyển tải một suy tư (đôi cây suy phong và nghênh phong để suy nghĩ về xuất, xử của nho gia), một thông điệp triết lý (đôi cây long thăng, long giáng biểu tượng cho guồng máy âm Dương: Dương thăng, Âm giáng) mà người ngắm cây cảm nhận được.
 
Biểu tượng nho giáo trên cây kiểng

Để diễn tả nho giáo, các thành phần cây kiểng được uốn nắn theo lớn nhỏ, trọng khinh, vị trí, ý nghĩa con số (numénorologie) để tượng trưng cho Quân, Thần, Phụ, Tử, Tam Cương, Ngũ Thường và Tam Tòng, Tứ Đức. 

- Quân (vua): là thân cây đứng ở trung tâm, chỉ có một.
- Thần (quan): là các cành cây lớn trổ ra từ thân cây (vua).
- Phụ (cha): là nhánh cây nhỏ trổ ra từ cành cây lớn (quan).
- Tử (con): là lá cây.
- Tam cương, tam tòng: ba tầng của cây.
- Ngũ Thường: năm cành của cây (bốn cành và phần ngọn).






 
Biểu tượng lão giáo

Hầu hết các cây kiểng cổ truyền của người Việt đều được uốn nắn nhằm diễn tả triết lý nho giáo như cây vũ trụ, đôi cây long thăng (dương) long giáng (âm), cây ngũ phúc (ngũ hành), cây tam đa (Thiên, địa, nhân), cây thất hiền, bát tiên (người tu đắc đạo) …
Muốn diễn tả một cách mỹ thuật như trên, nghệ nhân phải tôn trọng một số nguyên tắc cổ truyền tạo các dáng cây (mặc dầu ngày nay, vì thiếu hiểu biết hoặc chịu ảnh hưởng bonsai của Nhật, một số nghệ nhân phá cách không tôn trọng nguyên tắc xưa).

Gốc cây
Gốc là âm nên phải to và lộ ra để biểu tượng sức sống, tuổi thọ và sanh khí của cây. Các tàn ở giữa gốc và ngọn đều đi từng cặp được chiết chi so le, tả hữu, tiền hậu theo qui luật âm dương.

Thân cây
Cách uốn thân cây hoặc thẳng đứng, hoặc uốn từng khúc cong phải trái theo đúng luật âm dương của Đạo Lão và nguyên tắc gốc ngọn triều nguyên.

Cành nhánh cây
Cành cây cần được phân bố theo ý tưởng của người trồng, cấu tạo so le chia ra các hướng lớn không trùng nhau. Nhánh cây uốn theo chiết chi hay tứ diện tỉa tàn lá bằng phẳng như trong cây thế tam đa, vươn lên (dương) hay sà xuống (âm) như trong thế cây thất hiền.

Ngọn và gốc triều nguyên
Ngọn gốc triều nguyên tức ngọn và gốc cùng trên một đường thẳng. Các chi nhánh đều uốn tứ diện, so le, dưới to trên nhỏ, nhưng ngọn phải uốn hồi đầu để gốc ngọn triều nguyên. Nếu thân cây uốn cong cong như long thân và tàn uốn hơi nghiêng cho có mỹ thuật thì một đoạn thân uốn nghiêng về bên âm (hữu), đoạn sau uốn nghiêng về bên dương để quy căn, đến đoạn sau cùng gần ngọn thì uốn thẳng theo gốc. Tàn sau cùng là ngọn phải uốn hồi đầu để gốc ngọn triều nguyên. Nếu thân cây uốn nghiêng thì phải qui căn hồi đầu biểu thị cho con người có thỉ, có chung. 



 
Các mẫu cây kiểng của Lão Giáo

Vũ trụ quan của đạo Lão được tóm tắt trên cái dáng của cây vũ trụ.

Cây vũ trụ
Dáng cây vũ trụ có 9 tàn diễn tả vũ trụ quan của Đạo Lão:
Thái Cực, Lưỡng Nghi, Tứ Tượng, Tam Tài được biểu tượng trong cây thế đứng thẳng có 9 tàn với phương cách uốn nắn như sau.
Cành phải uốn đúng luật âm dương, theo lối chiết chi tứ diện cành tả (dương), cành hữu (âm), cành tiền (dương), cành hậu (âm).
Cây có 9 tàn gồm 4 cặp tàn âm dương và tàn ngọn hình nón uốn hồi đầu thượng : cành dưới cùng là cành âm (cành hồi âm), trên cành âm là cành thứ 2 (cành dương) và cành thứ 3 (cành âm) là hai cành chính của cây biểu hiệu luật âm-dương , cành thứ 4 ở trên cùng là cành dương (được gọi cành ức hay cành hầu).
Tất cả cây tạo nên một chủ đề: tán ngọn là Thái Cực sanh ra lưỡng nghi (hai cành âm dương ở dưới, rồi tứ tượng (bốn cành âm dương ở giữa).
Luật Tam Tài (Thiên, Địa, Nhân) được diễn tả như sau. Thiên (Chơn dương) là Tán ngọn (Thái Cực ). Địa (chơn âm) là Từ mẫu biểu trưng bởi gốc cây. Nhơn là các cành âm dương ở giữa.

 
Cây vũ trụ

Cây lưỡng nghi (âm-dương)
Luật tạo hóa âm dương được thể hiện dưới các thế sau.
- Cành âm sen kẽ với cành dương trong cây thế vũ trụ.
- Cây thế hình chim phượng (âm) và cây thế dáng rồng (dương) sóng đôi
- Cây thế long thăng (dương) và cây thế long giáng (âm) cặp đôi. Thế long thăng (dương) : uốn đầu rồng trên ngọn cây hoặc đầu rồng ở gốc hình dạng ngóc đầu như đang vươn lên, thân uốn cong cong, các nhánh làm chân, làm mây. Thế long giáng (âm) : hình dáng điệu bộ ngược lại với thế long thăng. Gốc làm đầu hơi chúi xuống, ngực tựa trên mặt chậu. Hai cây này phải đi đôi với nhau biểu hiệu luật âm (long giáng), dương (long thăng) hòa điệu trong trời đất.
 
Cây cảnh Thế long giáng đầu rồng có dáng đi xuống  
(biểu tượng cho Âm); 
Long thăng : thế đầu rồng lớn ngẩng lên ở thế muốn bay lên  
(biểu tượng cho Dương)

Cây tam tài
Lý thuyết Tam Tài (thiên địa nhơn) hay Tam Giáo được diễn tả trong cây thế tam đa, phước lộc thọ : Một cây cổ thụ gốc to, nhưng chỉ uốn có ba tán tròn chung quanh thân cây. Từ gốc đi lên, tán thứ nhất là một mâm tròn lớn biểu tượng của Địa, rồi đến tán thứ hai nhỏ hơn tượng trưng cho nhơn, tán trên cùng nhỏ nhất là Thiên.
 
Thế tam đa

Cây ngũ hành
Thế cây ngũ phúc có 5 tàn xuất phát từ cây tam đa nhưng có thêm 2 tầng , các tàn uốn tỉa ngang bằng lúp búp chứ không được vươn lên cao. Năm tàn biểu tượng ngũ hành Thổ, Kim, Thủy, Mộc, Hỏa. Vào đến dân gian, gọi cây ngũ phúc (Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh) dùng làm quà để chúc tụng nhau.

 
Thế ngũ phúc
 
Cảnh tiên giới với người tu đắc đạo

Người tu đắc đạo Lão giáo thì trở thành Tiên, Thánh sống ở cảnh tiên giới biểu hiệu bởi cây thế Thất Thánh, Bát Tiên.

Cây Thất Thánh (Thế thất hiền)
Cây có 7 tầng (6 tàn ngang và một tàn ngọn) thân có thế trực thẳng nhưng uốn bẻ qua bẻ lại tả hữu theo chi âm chi dương của luật âm dương. Đoạn dưới cùng hơi cong qua bên phải (âm) cùng với cành và tàn lá hơi sà xuống mặt đất gọi là phủ địa (âm), đoạn thứ hai cong trả về bên trái (dương) với cành triều nhiên uốn hơi vươn lên một chút, đối xứng với cành phủ địa; đọan thứ ba nghiêng sang bên phải (âm) với cành chiếu thủy (soi nước) và tàn lá hơi nhìn xuống như soi nước; đoạn thứ tư (dương) cong sang bên trái (dương) đỡ cành nghinh phong với dáng tàn lá phe phẩy như đón gió; đoạn thứ năm (âm) ngả sang bên phải trên điểm cành quán vũ (đón mưa); đoạn thứ sáu đón cành trung bình uốn nằm ngang, cân đối nhằm nối liền với các nhánh dưới và nối liền với ngọn, uốn hồi đầu trung để tôn trọng nguyên tắc gốc ngọn triều nguyên. Đây là Trúc Lâm Thất Hiền tu thành tiên, vào đời nhà Tấn : Nguyễn Tịch, Lê Khang, Hướng Tú, Lưu Linh, Sơn Đào, Nguyễn Hàm, Vương Nhung.
 
Thế cây Thất Hiền

Cây Bát Tiên
Uốn như cây Thất Hiền nhưng có 8 tầng biểu tượng cho Bát Tiên là :
Lữ Đồng Tân cỡi chim hạc, cầm bửu pháp Gươm và Phất Chủ ,
Hà Tiên cô, cỡi chim phụng với bửu pháp Hoa Sen,
Hàn Tương Tử, thổi sáo cỡi chim công với bửu pháp giỏ Hoa Lam,
Lam Thế Hòa, cỡi chim trĩ, với bửu pháp Cặp Ngọc Bản (Cặp Sanh ngọc),
Tào Quốc Cựu, cỡi nai (Mai Hoa Lộc) với bửu pháp Thủ Quyển bằng ngọc ,
Lý Thiết Quả, cỡi voi với bửu pháp bầu Hồ Lô, Gậy Sắt,
Hớn Chung Ly, cỡi tứ bất tướng với bửu pháp Quạt Long Tu và Phất Chủ ,
Trương Quả Lão, cỡi lừa ngược cầm bửu pháp Cây Gậy.

Như chúng ta đều biết văn hóa là linh hồn của dân tộc do chính con người tạo ra để hướng dẫn đời sống tinh thần cũng như cách ứng xử giữa người này với người kia, giữa con người với xã hội. Từ năm 1945, cộng sản muốn áp đặt văn hóa vô sản bằng cách hủy diệt văn hóa cổ truyền của cha ông để lại, nhưng đã thất bại nên từ năm 1986 văn hóa cổ truyền như ca trù, thờ Mẫu, lễ hội, thú chơi cây kiểng trước kia bị cấm đoán nay đã được phục hồi trong hoàn cảnh khủng hoảng văn hóa. Khủng hoảng văn hóa giải thích lý do tại sao các nghệ nhân chạy theo nghệ thuật uốn cây Bonsai của Nhật, tạo cây kiểng giả cổ thụ vì chỉ cần thời gian nuôi dưỡng hai, ba năm là có thể bán ra thị trường, kiếm tiền nhanh chóng.

Lạp Chúc Nguyễn Huy

 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top