Gabriel García Márquez, Hoàng Chính chuyển ngữ Giấc Trưa Hôm Thứ Ba

Gabriel García Márquez, Hoàng Chính chuyển ngữ

 

Giấc Trưa Hôm Thứ Ba



Lời người dịch: Gabriel García Márquez sinh năm 1928 tại Aracataca, Columbia, học luật ở đại học Bogotá sau đó đổi qua ngành báo chí. Là phóng viên và biên tập viên của nhật báo El Espectador tại Âu châu. Khi tờ báo bị Tổng Thống Gustavo Rojas Pinilla ra lệnh đóng cửa, ông sống vất vưởng ở Paris, ngày ngày húp cháo xương gà cho đến khi những bài viết của ông giúp ông trở lại thế giới văn chương. Márquez được biết đến nhiều nhất qua kiệt tác Một Trăm Năm Cô Độc (Cien años de soledad). Năm 1982 ông được trao giải Nobel văn chương và là một trong 6 nhà văn, nhà thơ Châu Mỹ La Tinh được vinh dự này. Truyện ngắn Giấc Trưa Hôm Thứ Ba, Hoàng Chính dịch từ bản Anh ngữ Tuesday Siesta của J.S. Bernstein, trong Tuyển Tập truyện Ngắn Quốc tế, xuất bản tháng 12, 1978.

Xe lửa ló ra khỏi khúc đường hầm quanh co núi đá trầm tích, luồn lách giữa những đồn điền trồng chuối trải dài vô tận, không khí bắt đầu oi bức và không còn đượm hơi lạnh của gió biển nữa. Một luồng khói choáng ngợp lùa vào trong toa xe. Trên con đường đất hẹp song song với đường rầy xe lửa những chiếc xe bò chất đầy những nải chuối xanh. Phía xa hơn con đường, trong những khu đất không canh tác cách khoảng không đều nhau là những văn phòng với quạt điện, những dinh cơ gạch đỏ, và khu nhà cư dân có ghế với những chiếc bàn nhỏ màu trắng trên sân thượng lẫn với những cây cọ và những khóm hoa hồng bám đầy bụi. Đã mười một giờ trưa, và hơi nóng cũng chưa đến độ gay gắt.
Con nên đóng cửa sổ lại đi,” người đàn bà nói. “Tóc con sẽ dính đầy bồ hóng.” Đứa con gái cố kéo, nhưng cánh cửa không nhúc nhích vì rỉ sét.

Họ là hành khách duy nhất trên toa xe lửa lẻ loi hạng ba.
Vì khói từ đầu máy tiếp tục tuồn vào cửa sổ, đứa con gái rời chỗ ngồi, đặt những thứ duy nhất mà nó mang theo xuống ghế: một túi ni lông với chút thức ăn và một bó hoa gói bằng giấy báo. Nó ngồi xuống chiếc ghế đối diện, cách xa cửa sổ, đối diện với mẹ nó. Cả hai ăn mặc nghèo nàn nhưng tươm tất và nhuốm màu tang chế.

Mười hai tuổi, lần đầu tiên trong đời con bé được đi xe lửa. Người đàn bà già quá khiến khó có thể đoán là mẹ của nó, bởi những sợi gân xanh trên mí mắt và thân hình bé loắt choắt, mỏng manh và không hình dạng của bà chìm trong chiếc áo may như kiểu áo dòng. Bà ngồi dán cột xương sống sát vào lưng ghế, hai tay ôm khư khư cái túi da bóng nứt nẻ đặt trên lòng. Bà có nét cam chịu của một người đã quen với sự nghèo khó.
Khoảng mười hai giờ trưa trời bắt đầu hừng hực nóng. Xe lửa ngưng khoảng mười phút để lấy nước tại một ga xép không thuộc về thị trấn nào. Bên ngoài, trong sự im lặng đầy huyền bí của khu đồn điền, những khoảng rợp bóng cây đượm vẻ thoáng đãng, ngược lại không khí tĩnh lặng bên trong toa xe thì nặng mùi da chưa thuộc. Xe lửa vẫn ì ạch lăn bánh. Và ngừng ở hai thị trấn giống nhau với những căn nhà bằng gỗ sơn đủ màu rực rỡ. Người đàn bà gục đầu xuống, chìm sâu vào giấc ngủ. Con bé tháo giầy ra, rồi đi vào nhà vệ sinh để vẩy chút nước lên bó hoa.
Khi con bé trở lại chỗ ngồi, mẹ nó đang chờ để cùng ăn. Bà chia cho con gái một miếng phô mai, nửa cái bánh bột bắp, một cái bánh quy, và lấy một phần tương tự như thế ra khỏi chiếc túi nhựa cho mình. Trong lúc họ ăn, xe lửa chậm chạp lăn bánh trên một cây cầu sắt và băng qua một thị trấn giống như những thị trấn trước đó, chỉ khác là nơi đây có một đám đông trong thương xá. Một ban nhạc đang chơi điệu nhạc vui tươi dưới ánh nắng gay gắt. Ở phía bên kia thị trấn những đồn điền kết thúc ở một cánh đồng nơi mặt đất nứt nẻ vì hạn hán.
Người đàn bà ngưng ăn.
- “Xỏ giầy vào,” bà nói.
Con bé nhìn ra ngoài. Nó không thấy gì ngoài cánh đồng hoang vắng. Xe lửa bắt đầu tăng vận tốc, con bé đặt miếng bánh quy còn dư vào trong bọc và nhanh nhẹn xỏ chân vào đôi giầy. Người đàn bà đưa cho con bé một cái lược.
- “Chải tóc đi,” bà nói.
Còi xe lửa hú vang khi con bé chải tóc. Người đàn bà dùng ngón tay chùi mồ hôi trên cổ và dầu trên mặt con bé. Khi con bé ngưng chải tóc, xe lửa đã qua khu nhà ngoại biên của một thị trấn lớn hơn nhưng buồn tẻ hơn những thị trấn trước đó.
“Nếu con muốn làm gì thì làm bây giờ đi,” người đàn bà dặn dò. “Lát nữa dù có chết khát cũng đừng uống nước ở đâu. Nhất là không khóc lóc gì hết.”


Con bé gật đầu. Một cơn gió nóng, khô lùa qua cửa sổ, cùng với tiếng còi từ đầu máy xe lửa và tiếng lách cách của những toa tàu. Người đàn bà xếp cái túi nhựa lại cùng với chỗ thức ăn thừa và bỏ vào trong xách tay. Trong khoảnh khắc toàn cảnh của thị trấn, vào ngày thứ Ba rực rỡ của tháng Tám ấy trải rộng bên ngoài cửa sổ. Con bé gói bó hoa vào trong tờ báo sũng nước, nhích ra xa cửa sổ một tí, rồi chăm chú nhìn mẹ. Người mẹ đáp lại bằng ánh mắt dịu dàng. Xe lửa hú còi và chạy chậm dần. Một lát sau xe lửa ngừng lại.

Nhà ga không một bóng người. Bên kia đường, trên lề nơi phủ bóng của những cây hạnh nhân, chỉ có một quán chơi bi da là mở cửa. Thị trấn nổi bồng bềnh trên luồng hơi nóng. Người đàn bà và con bé xuống xe lửa, băng qua nhà ga bỏ hoang – nơi những viên gạch lót, bị tách rời nhau bởi đám cỏ mọc ở giữa – và đi vào phía lề đường có bóng râm.

Đã gần hai giờ. Vào giờ đó, bị trĩu nặng bởi cơn ngầy ngật, thị trấn chìm vào giấc ngủ trưa. Những cửa tiệm, những văn phòng của thị trấn, và trường công lập đều đóng cửa lúc mười một giờ, đến gần bốn giờ chiều – khi xe lửa về qua – mới lại mở cửa. Chỉ có khách sạn ở phía đối diện nhà ga, với quầy rượu và bàn bi da, cùng với văn phòng điện tín ở một bên của thương xá là mở cửa. Những căn nhà, hầu hết xây cùng một kiểu của công ty trồng chuối, khóa cửa ở bên trong và kéo mành phủ kín. Một vài căn nhà quá nóng nên người nhà ăn trưa ngoài hàng ba. Những người khác dựa ghế sát vách tường, dưới bóng những cây hạnh nhân, và làm một giấc ngủ trưa ngay trên đường phố.

Len lỏi dưới bóng những cây hạnh nhân, người đàn bà và con bé đi vào thị trấn mà không làm quẫy động giấc trưa nơi ấy. Họ đi thẳng vào nhà xứ. Người đàn bà dùng móng tay cào nhẹ lên chấn song cửa, chờ một lúc, rồi lại cào. Tiếng quạt máy rì rầm bên trong. Họ không nghe tiếng bước chân người. Họ thoáng nghe tiếng cánh cửa cọt kẹt và một giọng nói rụt rè vọng ra bên chấn song:
- “Ai đó?”
Người đàn bà cố nhòm qua chấn song.
- “Tôi muốn gặp cha xứ,” bà nói.
- “Cha đang ngủ.”
- “Có chuyện khẩn cấp,” người đàn bà nài nỉ.

Giọng nói của bà bộc lộ sự điềm đạm nhưng cương quyết.
Cánh cửa nhẹ nhàng hé mở, và một người đàn bà lớn tuổi mập mạp xuất hiện, với nước da nhợt nhạt và tóc màu sắt rỉ. Con mắt ti hí phía sau cặp mắt kính dày cộm.
“Vào đây,” bà quản gia nói, và mở rộng cánh cửa.

Hai mẹ con đi vào căn phòng đượm cái mùi cũ kỹ của những bông hoa. Người đàn bà dẫn họ đến một băng ghế gỗ và ra dấu bảo họ ngồi. Đứa con gái làm theo, nhưng người mẹ vẫn đứng, vẻ lơ đãng, hai tay nắm chặt chiếc túi xách. Không có tiếng động nào khác ngoài tiếng rì rầm của chiếc quạt điện.
Bà quản gia lại hiện ra ở khung cửa phía cuối phòng, “Cha nói bà trở lại sau ba giờ,” bà hạ giọng. “Ngài vừa mới ngả lưng được năm phút.”.
“Ba giờ rưỡi thì xe lửa đi mất rồi,” người đàn bà nói.
Đó là một câu trả lời ngắn không chút rụt rè, tuy nhiên giọng nói của bà vẫn dễ chịu và đầy nhẫn nhịn. Lần đầu tiên bà quản gia mỉm cười.
“Thôi được,” bà nói.
Khi cánh cửa ở cuối phòng đóng lại, người đàn bà ngồi xuống bên cạnh con bé. Phòng chờ đợi nhỏ hẹp, nghèo nàn, gọn ghẽ và sạch sẽ. Phía bên kia bức vách gỗ ngăn đôi căn phòng, có một bàn làm việc, một chiếc bàn đơn giản phủ vải dầu, trên mặt bàn là một chiếc máy đánh chữ thô sơ cạnh một bình hoa. Hồ sơ của xứ đạo nằm ở bên ấy. Người ta có thể nhận ra văn phòng được chăm sóc bởi một phụ nữ đứng tuổi không chồng con.

Cánh cửa ở cuối phòng mở ra và lần này vị linh mục xuất hiện, tay lau mắt kính bằng một chiếc khăn. Khi ông đeo kính lên người ta có thể nhận ngay ra được ông là em của bà quản gia – người đàn bà mở cửa ban nãy.
“Bà cần giúp chuyện gì?” ông hỏi.
“Chìa khóa vào nghĩa trang,” người đàn bà nói.
Đứa con gái ngồi với bó hoa đặt trên lòng và hai chân vắt chéo nhau dưới gầm ghế. Vị linh mục nhìn con bé, rồi nhìn sang người đàn bà, và nhìn bầu trời không mây chói chang bên ngoài khung cửa sổ lưới dây thép đan nhau.
“Nóng nực thế này,” ông nói. “Bà nên chờ bớt nắng.”
Người đàn bà lặng lẽ lúc lắc cái đầu. Vị linh mục đi qua phía bên kia vách ngăn, lấy một cuốn sổ bìa bọc giấy dầu từ ngăn tủ, một trụ gài bút bằng gỗ, một lọ mực, và ngồi vào bàn. Bàn tay đầy lông của ông khiến người ta hiểu ra vì sao đầu ông ít tóc.
-Bà muốn viếng mộ của ai?” ông hỏi.
“Mộ của Carlos Centeno,” người đàn bà nói.
“Ai?”
“Carlos Centeno,” người đàn bà lập lại.
Vị linh mục vẫn không hiểu.
“Nó là thằng ăn trộm bị giết ở đây tuần trước,” người đàn bà nói bằng giọng đều đều. “Tôi là mẹ của nó.”
Vị linh mục săm soi ngó người đàn bà. Bà lặng lẽ nhìn lại ông với đầy vẻ tự chủ, và mặt vị linh mục bỗng đỏ bừng. Ông cắm cúi viết. Trong lúc điền vào tờ giấy ông hỏi về danh tính người đàn bà, bà trả lời không chút ngập ngừng, những chi tiết chính xác như thể bà đang đọc ra từ trang giấy. Vị linh mục bắt đầu tươm mồ hôi. Con bé tháo cái móc khóa ở giày bên trái, tuột chân ra ngoài, gác lên thành ghế. Rồi làm giống hệt như vậy với chiếc giày bên phải.
Mọi chuyện bắt đầu vào thứ Hai tuần trước, lúc ba giờ sáng, cách đây vài khu phố. Rebecca, một bà góa sống đơn độc trong căn nhà đầy những đồ lặt vặt, nghe lẫn trong tiếng mưa dầm, tiếng ai cậy cửa từ bên ngoài. Bà ngồi dậy, lục lọi hộc tủ tìm khẩu súng lục cổ lỗ sĩ mà từ thời đại tá Aureliano Buendia đến giờ chưa bắn thêm phát đạn nào, rồi lầm lũi đi trong bóng tối ra phòng khách.
Bà mò mẫm định hướng nhờ tiếng cậy ổ khóa nhưng phần lớn là nhờ nỗi hoảng sợ bồi đắp trong tâm tư suốt hai mươi tám năm sống lẻ loi, trong trí tưởng tượng bà hiện ra rõ ràng không những cánh cửa mà còn chính xác chỗ ổ khóa. Bà nắm chặt khẩu súng bằng cả hai tay, nhắm mắt lại, và bóp cò. Lần đầu tiên trong đời bà bắn súng. Ngay sau tiếng nổ, bà không nghe được gì ngoài tiếng mưa dầm rì rào trên mái tôn.
Rồi bà nghe tiếng của vật gì đó đổ xuống nền xi măng ngoài hàng ba, và một tiếng kêu rất nhỏ, dịu dàng nhưng cạn kiệt, “Ôi, Mẹ ơi.”


Sáng hôm sau người ta thấy gã thanh niên chết ngay phía trước cửa nhà bà, mũi anh ta bị bắn nát, anh ta mặc một chiếc áo sơ mi vải sợi với sọc đủ màu, chiếc quần dài với một sợi thừng buộc thành dây thắt lưng, đi chân đất. Không ai trong thị trấn biết anh ta.
“Thì ra tên của cậu ấy là Carlos Centeno,” viết xong, vị linh mục lẩm bẩm.
“Centeno Ayala,” người đàn bà nói. “Nó là con trai duy nhất của tôi.”
Vị linh mục trở lại phía ngăn tủ. Hai chiếc chìa khóa lớn sét rỉ treo phía bên trong cánh cửa, con bé tưởng tượng, cũng như mẹ nó đã từng tưởng tượng khi bà còn là một cô gái nhỏ và chính vị linh mục cũng có lần tưởng tượng, đó là những chiếc chìa khóa của thánh Phê Rô. Vị linh mục lấy những chìa khóa đó xuống, đặt lên trên cuốn sổ mở sẵn trên bàn và chỉ ngón tay vào một chỗ trên tờ giấy ông vừa viết xong, nhìn người đàn bà.
“Bà ký tên vào đây.”
Vẫn ôm chắc cái túi xách trong tay, người đàn bà nguyệch ngoạc ký. Con bé nhặt bó hoa, lê chân đi về phía bàn viết, và chăm chú nhìn mẹ.
Vị linh mục thở dài.
“Có bao giờ bà cố hướng dẫn cậu ấy trở về con đường công chính không?”
Người đàn bà trả lời khi đã ký tên xong.
“Nó là con người rất tử tế.”
Vị linh mục nhìn người đàn bà rồi quay qua con bé, và điếng người với nỗi ngạc nhiên khi nhận ra là hai mẹ con vẫn không bật khóc. Người đàn bà tiếp, với cùng một giọng nói.
“Tôi bảo nó đừng bao giờ lấy trộm bất kỳ thứ gì mà người ta cần để ăn, nó biết nghe lời tôi. Dạo trước, hồi còn đánh quyền Anh, nó thường nằm liệt giường ba ngày trời, kiệt sức vì những cú đấm của đối thủ.”
“Anh ấy gẫy hết răng,” con bé chêm vào.
“Đúng vậy,” người đàn bà biểu đồng tình. “Hồi đó những miếng ăn tôi nuốt vào miệng luôn tẩm mùi vị của những trận đòn nhừ tử mà con trai tôi hứng chịu những đêm thứ Bảy.”
“Thánh ý Chúa vô cùng huyền nhiệm,” vị linh mục nói.
Nhưng giọng nói của ông thiếu sự quả quyết, một phần bởi vì kinh nghiệm khiến ông nghi hoặc và một phần vì trời quá nóng. Ông nhắc hai mẹ con che đầu để khỏi bị trúng nắng. Miệng ngáp dài, chỉ chực lăn ra ngủ, ông cố chỉ dẫn cho hai mẹ con cách tìm mộ của Carlos Centino. Rằng khi trở lại thì họ không cần phải gõ cửa. Họ chỉ cần đặt cái chìa khóa ở dưới cửa, cũng chỗ đó, và nếu có thể, họ có thể dâng cúng ít nhiều cho nhà thờ. Người đàn bà chăm chú lắng nghe những lời chỉ dẫn, rồi cảm ơn cha xứ nhưng không mỉm cười.
Toan mở cánh cửa hướng ra đường, cha xứ nhận ra có người nào đó đang rõi mắt nhìn vào, mũi của nó dán sắt gán sát vào chấn song cửa. Lũ trẻ tụ tập bên ngoài. Khi cánh cửa mở rộng, lũ trẻ chạy tứ tán. Thường thường, vào giờ này, trên đường phố không một bóng người. Bây giờ không phải chỉ có trẻ con mà còn có từng đám người lớn tụ tập dưới những cây hạnh nhân. Vị linh mục nhìn lướt con đường bập bềnh trong hơi nóng và hiểu ra. Cha lặng lẽ nhẹ nhàng đóng cửa lại.
“Chờ một chút,” ông nói, không nhìn người đàn bà.
Bà quản gia xuất hiện ở cửa sau trong chiếc áo khoác màu đen ở phía ngoài bộ áo ngủ và tóc thả xuống hai vai. Bà lặng lẽ nhìn vị linh mục.
“Cái gì thế?” ông hỏi.
“Người ta đã phát giác ra,” bà chị thì thầm.
“Bà nên đi lối cửa sau,” Cha nói.
“Ở đó cũng vậy thôi,” bà chị nói. “Mọi người đều chờ ở cửa sổ.”
Mãi cho đến lúc ấy người đàn bà vẫn có vẻ như không hiểu. Bà nhòm qua chấn song ra đường. Rồi bà đỡ lấy bó hoa từ tay con bé và bắt đầu đi ra cửa. Con bé bước theo sau.
“Chờ cho bớt nắng đã,” vị linh mục nói.
“Nóng cháy da ra đấy,” đứng bất động ở cuối phòng, bà chị của cha xứ nói. “Chờ tôi lấy cho bà mượn cái dù.”
“Cảm ơn,” người đàn bà trả lời. “Như thế này được rồi.”
Và cầm tay con gái, bà bước ra đường.
Hoàng Chính dich 



 
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top