ĐỒNG PHÚC
Dòng đạo nổi trôi của
THIỀN SƯ ‘NẤM’ NYOGEN SENZAKI
(Lời giới thiệu của Tinh Tấn Magazine) Hạt mầm Phật giáo nói chung, hay Zen Nhật Bản (Thiền tông) nói riêng, được gieo tại Hoa Kỳ vào năm 1893 khi Đại Sư Soyen Shaku (1859-1919) đến thành phố Chicago để phát biểu tại Hội Nghị Tôn Giáo Thế Giới. Ngài Shaku là thiền sư Nhật đầu tiên đến Mỹ. Trong hơn nửa thế kỷ sau đó, hoạt động truyền bá Thiền tông tại Hoa Kỳ được thực hiện bởi hai học trò của ngài Shaku, là học giả/dịch giả D. T. Suzuki (1869-1966) và sư Nyogen Senzaki (1876-1958). Cả hai Suzuki và Senzaki đều không là “đệ tử ruột” của Đại Sư Soyen Shaku, không được sư phụ chính thức giao phó nhiệm vụ hoằng pháp trên đất Mỹ; tuy nhiên, sự việc Suzuki và Senzaki truyền pháp ngoại dòng ấn chứng lại phù hợp với Hoa Kỳ, một đất nước được khai phóng bởi những nhân vật cũng sống với lý tưởng ngoại dòng ở quê hương của họ.
Trong khi D.T. Suzuki làm rạng danh Zen với kiến thức uyên bác và lừng danh khắp thế giới, Nyogen Senzaki đã thầm lặng tu hành, chỉ là một nhà sư “không có rễ, không cành, không hoa” như một trái nấm, và chính sự hành đạo trong im lặng của sư đã đưa tư tưởng thiền đạo đến người Mỹ ngoài sự mong đợi của sư. Và bài viết này là nhằm cống hiến đến quý độc giả của Tinh Tấn Magazine một phần tiểu sử của ngài Nyogen Senzaki, được biên soạn từ các tài liệu phổ biến trên mạng.
Thiền Sư Senzaki Nyogen (1876–1958)
Nguồn gốc huyền bí
Chuyện kể rằng vào năm 1876, một ngư phủ Nhật Bản – cũng có thể là một du tăng thuộc phái Kegon (Hoa Nghiêm Tông) – đã tình cờ khám phá thi hài của một phụ nữ mới chết trên bán đảo Kamchatka thuộc lãnh thổ Nga kéo dài về phương nam tới quần đảo Nhật Bản. Bám trên ngực của xác phụ nữ lạnh băng là một em bé sơ sinh còn sống. Ngư phủ (hay vị tăng) đã cứu đứa bé, mang bé về quê hương. Dấu vết trên người phụ nữ cho thấy bà là người Nhật Bản, và sau này, vì Nyogen Senzaki có dáng nét của người ngoại quốc nên gia đình nghĩ rằng cha ruột của bé có thể là người Nga từ Tây Bá Lợi Á hoặc người từ Trung Hoa.
Hồ sơ địa phương ghi rằng đứa bé được gia đình họ Senzaki nhận làm con nuôi với tên khai sinh Aizo. Mẹ nuôi của Aizo mất khi bé mới năm tuổi; sau đó Aizo được gửi đến nhà ông nội. Ông là trụ trì của một ngôi chùa theo truyền thống Tịnh Độ, rất uyên bác Phật học. Trong nhiều năm ở chùa, Senzaki được ông dạy văn chương cổ điển Trung Hoa và kinh sách đạo Phật.
Ông nội mộ đạo đã trao truyền cho cháu một ý thức đạo đức mạnh mẽ; ông cũng thường than thở về tình trạng suy thoái của Phật giáo thời đó, đặc biệt là sự suy đồi của giới tăng lữ đã đi ra ngoài con đường của Chánh Pháp. Vì lẽ đó mà ông tuy khuyên cháu nội hãy sống theo giới luật của Phật nhưng lại không khuyến khích cháu xuất gia. Khi Senzaki lên mười sáu tuổi thì ông nội bị bệnh nặng. Một trong những lời khuyên cuối cùng của ông dành cho Senzaki là: “Sự sa đọa trong tăng đoàn Phật giáo ngày càng tệ hơn. Mặc dù cháu luôn mong muốn rời bỏ cuộc sống thế tục và tìm kiếm chân lý trong Phật Pháp, nhưng việc gia nhập giới tăng lữ, trớ trêu thay, lại có thể cản trở mục tiêu của cháu. Hãy cẩn thận, đừng gia nhập bầy cọp và sói mệnh danh là nhà sư.”
Senzaki trở về nhà cha nuôi, bắt đầu học hành nhằm bước vào ngành y khoa. Tuy nhiên, đạo Phật vẫn có sức thu hút mãnh liệt khiến ông muốn nghiên cứu Phật giáo thay vì học tập như các thiếu niên trang lứa; đến năm mười tám tuổi, theo lời kể sau này, ông đã đọc hết các bộ kinh Phật giáo truyền thống được gọi là Tam Tạng Kinh Điển.
Cũng trong khoảng thời gian đó, ông mê đọc sách về các danh nhân Tây Phương, đặc biệt là hồi ký của Benjamin Franklin (1706-1790), một khoa học gia, nhà sáng chế, triết gia, chính trị gia, nhà ngoại giao của Hoa Kỳ. Senzaki bắt chước thói quen của Franklin là viết nhật ký, ghi lại những việc làm của mình, cả tốt lẫn xấu, đánh dấu những việc làm xấu bằng một chấm đen. Chàng thiếu niên Senzaki đã rất buồn khi thấy có quá nhiều chấm đen trong nhật ký của mình. Cũng có lúc ông cứu xét việc theo đạo Thiên Chúa khi đó đang được truyền bá ở Nhật Bản, chỉ vì ông thấy các nhà truyền giáo sống với kỷ luật rất nghiêm khắc.
Hành trình tầm đạo
Sợi dây giữ Senzaki lại với Phật giáo chính là ngôi chùa của ông nội. Các Phật tử ở chùa này đã góp tiền giúp ông nội có phương tiện sinh sống, và từ nguồn lợi tức đó ông nội mới có thể hỗ trợ việc học hành của Senzaki. Thế nên Senzaki cảm thấy có bổn phận phải đền đáp công ơn của các Phật tử và chọn con đường xuất gia là cách tốt nhất, bất kể lời khuyến cáo của ông nội.
Senzaki biết đến Thiền tông thông qua một người bạn sáng tác thơ haiku và giới thiệu ông về nhà thơ Matsuo Basho (1644-1694). Sau đó ông nghiên cứu sách Thiền, tình cờ đọc về Thiền Sư Đức Sơn Tuyên Giám (782-865) bên Trung Hoa nổi tiếng tinh thông Kinh Kim Cang. Chuyện kể một ngày kia ngài Đức Sơn (Tokusan tiếng Nhật) nhận thấy việc học hành của mình không thúc đẩy sự phát triển tâm linh nên đã đốt hết tất cả những ghi chép của ngài về Kinh Kim Cang và bắt đầu một hành trình mới với Thiền Sư Long Đàm Sùng Tín (Ryutan tiếng Nhật).
Noi gương Tokusan, chàng sinh viên Senzaki đã từ bỏ việc học y khoa và tìm đường xuất gia. Ông được làm lễ xuống tóc và ban cho pháp hiệu Nyogen, nghĩa là “như mộng huyễn” xuất phát từ đoạn Kinh Kim Cang “Nhất thiết hữu vi pháp / Như mộng huyễn bào ảnh,” rằng tất cả mọi thứ trên thế gian đều là ảo ảnh, như hình ảnh trong giấc mơ.
Sau khi thọ giới, Nyogen Senzaki bắt đầu trao đổi thư từ với Thiền Sư Soyen Shaku, người vừa được thăng chức trụ trì Chùa Engakuji. Năm 1896, Senzaki đến Kamakura để học đạo với ngài Soyen Shaku (khoảng ba năm sau khi Thiền Sư Shaku dự hội nghị tại Chicago).
Trong lần gặp đầu tiên tại chùa, hay đúng hơn là trước cổng chùa, Thầy Shaku bày tỏ sự lo lắng về thân hình tiều tụy của chàng thanh niên Senzaki. Một bác sĩ đã khám sức khỏe anh sinh viên và cho biết Senzaki bị bệnh lao phổi cần phải được cách ly. Thế là trong năm đầu tiên tại Chùa Engakuji, thiền sinh trẻ phải sống trong một túp lều nhỏ trong khuôn viên của chùa. Thỉnh thoảng Thầy Shaku đến thăm Senzaki. Trước tình trạng sức khỏe ngày càng tệ hơn, một lần kia Senzaki hỏi Thầy Shaku, “Điều gì sẽ xảy ra nếu con chết?”
Thầy Shaku trả lời, “Nếu con chết thì chết, chứ sao.”
May là Senzaki không chết vì lao phổi, sức khỏe được hồi phục. Senzaki học công án với sư phụ Shaku được năm năm, đến một lúc kia ông cảm thấy bối rối vì khác biệt giữa lời nguyện đưa hết chúng sanh đến bờ giải thoát của Phật giáo và cuộc sống ẩn dật, thoải mái của các tăng sĩ, xa cách những lo toan thường ngày của cuộc sống thế tục. Ông cũng thất vọng với nhiều nhà sư mà ông gặp, vì họ sống trái ngược với cuộc sống khắc khổ của người tu hành, không giữ giới luật.
Đối với Thầy Shaku, Senzaki không bao giờ thắc mắc về sự quyết tâm và chân tu theo Phật pháp của thầy, nhưng Senzaki không thấy sự nhiệt thành đó ở phần lớn các vị tăng khác trong thiền viện. Senzaki nhớ lại những lời cuối cùng của ông nội và hiểu được những lời chỉ trích phổ biến trong thời kỳ Minh Trị Duy Tân (1866-1869) về hàng giáo sĩ Phật giáo.
Trong một bài bình luận về một công án mà ông viết mấy năm sau này, Senzaki chế giễu “những người tự xưng là thiền sư chỉ vì họ đã thông qua hàng trăm công án trong các căn phòng bí mật của thầy mình. Họ dạy đệ tử của họ trong các căn phòng bí mật của riêng họ và đào tạo ra những thiền sư tương tự. Đây là một loại trường dạy pháp thuật và trò ảo thuật. Nó không liên quan gì đến sự chỉ dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Bồ Đề Đạt Ma. Toàn chuyện tu hành chỉ là một trò đùa. Chẳng trách hầu hết các thiền sư ở Nhật Bản hiện nay đều có vợ con. Họ uống rượu, hút thuốc và tích trữ tiền bạc để cho bản thân và gia đình họ được sống thoải mái.”
Senzaki mong muốn sống cuộc đời của một hành giả như Đức Phật Thích Ca và những đệ tử đầu tiên của ngài. Nhưng khi đã là một nhà sư, ông cảm thấy việc sống tách biệt khỏi thế giới chung quanh không là sứ mạng của mình. Trong một lá thư gửi sư phụ Shaku, Senzaki giải thích lý do ông muốn rời khỏi Chùa Engakuji: “Mặc dù lời nguyện ban đầu của con là đạt được Phật quả vì sự lợi ích cho tất cả các chúng sanh, nhưng dòng thác lũ sa đọa hiện nay đã khiến con không thể nào tập trung vào cõi vĩnh hằng. Con nghĩ rằng mình phải hy sinh việc tu hành cho riêng mình để phụng sự cho chúng sanh ở đây và bây giờ.”
Thiền Sư Soyen Shaku ủng hộ quyết định của đệ tử mình là trở về quê hương ở miền bắc đảo Hokkaido để thành lập một trường tiểu học mà ông gọi là “Mentorgarten” (vườn dạy) dựa theo khuôn mẫu “Kindergarten” (vườn trẻ) của nhà giáo dục Đức Friedrich Fröbel. Senzaki muốn tạo một môi trường mà cả học sinh lẫn giáo viên đều là thầy/học trò của nhau. Mặc dù là một nhà sư, ông không điều hành Mentorgarten như một tổ chức tôn giáo mà là một trường học thế tục, nơi ông hy vọng học sinh có cơ hội phát triển cả hai năng lực trí tuệ và tâm linh.
Ngôi trường lý tưởng của Senzaki đã gặp trở ngại ngay từ đầu. Ông không tìm ra nguồn tài trợ hay sự ủng hộ từ cộng đồng mà ông muốn phục vụ. Mặc dù có sự can thiệp của Thầy Shaku, giới Phật giáo cũng không ủng hộ Senzaki, xem trường của ông là dị giáo. Cùng lúc đó, Senzaki cũng bối rối trước bầu không khí quân phiệt ngày càng gia tăng ở Nhật Bản, nơi đang có chiến tranh với Nga. Trong khi Thầy Shaku có khuynh hướng bảo thủ, theo quốc gia chủ nghĩa mặc dù không lên tiếng, Senzaki đã công khai chỉ trích việc giới tăng sĩ Phật giáo ủng hộ chiến tranh. Quan điểm hiếu hòa của Senzaki trẻ tuổi đã một phần đóng góp cho việc ông không được giới tăng sĩ Nhật ủng hộ thời bấy giờ.
Thế nhưng tuy khác biệt về quan điểm chính trị, Thầy Shaku đã cho Senzaki làm thị giả đi cùng thầy đến San Francisco theo lời mời của một gia đình Mỹ vào năm 1905. Vợ chồng ông doanh gia Alexander Russell từng gặp Thầy Soyen Shaku ở Chicago cũng như tại Nhật. Senzaki đã vui mừng nhận lời theo sư phụ đến California, một phần cũng vì muốn rời nước Nhật đang trong cơn sốt chiến tranh.
Lý do tại sao Thầy Shaku muốn đưa Senzaki qua Mỹ là điều không được nói ra, có thể Thầy muốn trừng phạt Senzaki vì tội công khai bày tỏ quan điểm chống chiến tranh, hoặc có thể để bảo vệ Senzaki trước những mối đe dọa tại Nhật. Bất kể vì lý do nào, trong nhiều năm Senzaki phải sống cô đơn ở xứ người vì không biết nói tiếng Mỹ, không có nghề nghiệp căn bản ngoài việc tu hành trong thầm lặng. Ngoài giờ lao động để kiếm sống, Senzaki đọc sách và học tiếng Anh trong thư viện, tọa thiền ở công viên cạnh chân cầu San Francisco.
Thiền Sư Soyen Shaku
Năm tháng hành thiền gian nan
Ở ngôi nhà sang trọng trong vùng yên tịnh thuộc San Francisco, vì một lý do nào đó mà gia đình chủ nhà Russell không được nghe giải thích rõ hơn về vai trò thị giả của Senzaki, họ tưởng Senzaki là người hầu với nhiệm vụ giặt giũ và dọn dẹp chung chung. Vì thấy thanh niên Senzaki quá kém tiếng Anh, người quản gia yêu cầu chủ nhà đuổi ông đi. Thầy Shaku đã không can thiệp. Khi Senzaki xách chiếc vali nhỏ rời nhà và đi bộ đến một lữ quán địa phương dành cho khách Nhật, Thầy Shaku đã đi theo cùng đệ tử. Đến Công Viên Cầu Kim Môn, có lẽ biết Senzaki không muốn về nước vì quan điểm chính trị, Thầy Shaku nói với Senzaki, “Sự việc xảy ra đây có lẽ sẽ tốt hơn cho con so với làm thị giả cho ta. Hãy ở lại, đối phó với thành phố lớn kia và xem điều gì sẽ xảy ra. Liệu thành phố sẽ chinh phục con hay con sẽ chinh phục nó?”
Thầy Shaku khuyên Senzaki hãy ở lại tìm việc, tin rằng làm việc sẽ giúp đệ tử hiểu hơn về nước Mỹ và người Mỹ. Thầy căn dặn Senzaki về việc hoằng pháp, “Đừng thốt ra dù chỉ một âm tiết, thậm chí đừng phát âm một chữ ‘P’ của ‘Phật giáo’ trong mười-bảy năm. Con phải hiểu những người Mỹ này trước khi con có thể dạy họ. Hãy tìm việc làm, dù khiêm tốn đến đâu; hãy sống ẩn danh ít nhất mười-bảy năm. Sau đó, con sẽ sẵn sàng.” Nói xong lời cuối cùng này, thầy chia tay trò; mặc dù hai người vẫn duy trì liên lạc cho đến khi Thầy Shaku qua đời tại quê nhà vào năm 1919, họ không bao giờ gặp lại nhau sau buổi chia tay ở chân cầu nổi tiếng ấy. Trong sáu tháng ở San Francisco, Thầy Shaku đã hướng dẫn vợ chồng Russell và các con của họ tu tập mỗi ngày, từ hành thiền cho đến học đạo, ăn uống trong chánh niệm.
Sau buổi từ giã thầy, theo lời khuyên của sư phụ, Senzaki làm người giúp việc nhà một thời gian. Ông xoay sở kiếm sống trong một khách sạn qua nhiều vai trò, từ nhân viên rửa chén, tiếp khách, khuân vác, chạy thang máy, cho đến nghe điện thoại và kế toán. Cuối cùng, ông trở thành người quản lý, và trong một thời gian ngắn, hùn vốn làm chủ một phần của khách sạn. Nhưng Senzaki không có khiếu kinh doanh nên khách sạn không phát đạt, để rồi sau đó Senzaki trở lại làm người nấu ăn cho khách sạn này.
Để có thêm tiền sống, Senzaki dạy tiếng Anh cho sinh viên Nhật và tiếng Nhật cho sinh viên Mỹ. Khi rảnh rỗi, ông hành thiền tại Vườn Nhật Bản ở Công Viên Kim Môn và dành hàng giờ tại thư viện công cộng để đọc sách triết học Tây Phương, thăng tiến khả năng hiểu biết văn chương Anh ngữ. Trong thời gian đó ông cũng viết bài về thiền và gửi cho các tạp chí Nhật Bản, tuy nhiên, nhớ lời dặn dò của sư phụ, ông không dạy thiền cho người Mỹ, không được thốt ra một lời nào về đạo Phật mà ông đang hành trì.
Năm 1919 – năm sư phụ Soyen Shaku qua đời – Senzaki viết xong tập 101 Câu Chuyện Thiền (101 Zen Stories) và được một nhà xuất bản ở Nhật nhận phát hành. Senzaki đã đưa hai câu chuyện về sư phụ của ông vào tuyển tập. Mấy thập niên sau, 101 Zen Stories được dịch sang tiếng Anh với sự trợ giúp của thi sĩ Mỹ Paul Reps (1895-1990) và được đưa vào một tập thơ có tựa đề Zen Flesh, Zen Bones (Thịt Thiền, Xương Thiền) của Paul Reps năm 1957. Tập thơ cũng có những công án được dịch từ tuyển tập Vô Môn Quan (Mumonkan) của Thiền Sư Vô Môn Huệ Khai người Trung Hoa (1183-1260). Tập thơ này đã trở thành một trong những cuốn sách có ảnh hưởng nhất về Thiền tông tại Hoa Kỳ, và những câu chuyện trong đó được lưu truyền trong giới thiền Tây Phương.
Senzaki buộc phải rời San Francisco vào năm 1920 khi phong trào chống Nhật dâng cao ở đây, đồng thời Quốc Hội Mỹ có cuộc điều trần kỳ thị di dân. Ông đã làm việc tại một nông trại gần Oakland. Sau khi cơn sốt chống Nhật trong thành phố lắng xuống, Senzaki trở lại làm việc trong khách sạn.
Senzaki Nyogen
Thiền đạo nổi trôi
Vì Senzaki chưa bao giờ hoàn tất khóa đào tạo thiền sinh ở Nhật và cũng chưa nhận được ấn chứng của sư phụ, nên ông không được phép chính thức để giảng dạy về thiền. Tuy nhiên, Senzaki đã coi những lời khuyên của sư phụ Soyen Shaku nói ở Công Viên San Francisco như sự cho phép để dạy thiền sau mười-bảy năm im lặng về đạo Phật. Vì vậy, khi thời gian quy định này kết thúc vào năm 1922, Senzaki đã thuê một hội trường và giảng về thiền cho những ai muốn đến nghe dựa trên một bài nói chuyện trước đó của Soyen Shaku. Ông chỉ giảng mà không hướng dẫn cách hành thiền. Sau buổi giảng đầu tiên này, thỉnh thoảng Senzaki giới thiệu một bài mới ở một nơi khác. Ông không có ngôi chùa cố định nào để làm việc và gọi loạt bài nói chuyện này là “floating Zen-do” (thiền nổi trôi).
Khán giả đầu tiên của ông phần lớn là người Nhật, nhưng rồi sau đó ông có thêm một số sinh viên Tây Phương. Khi số lượng người Mỹ tham gia tăng, Senzaki bắt đầu tổ chức các buổi giảng riêng cho họ. Lúc bấy giờ, vì nói tiếng Anh với giọng rất khó hiểu, ông thường phải viết chữ lên bảng đen để giải thích. Cho đến sau này, ông luôn viết tiếng Anh đúng chính tả, dùng chữ chính xác hơn khả năng nói ngoại ngữ. Khi cảm thấy một số học trò đã sẵn sàng, ông bắt đầu chỉ dẫn họ hành thiền.
Năm 1931, ông mang “thiền nổi trôi” đến Los Angeles với các buổi giảng dành riêng cho người Nhật và cho người không phải Nhật được gọi là Thiền Đường Mentorgarten gợi nhắc ý tưởng “vườn dạy” bị thờ ơ của ông ở xứ Nhật. Các buổi tọa thiền thường được tổ chức vào buổi tối.
Senzaki thường giảng với các học trò của ông rằng mục đích của Phật giáo và tọa thiền đều là để nhận ra rằng “ngay từ đầu chúng ta đều là Phật, vì tâm trí cũng như thân thể của chúng ta không gì khác ngoài Pháp thân, thể tánh thực sự của Đức Phật, với ánh sáng vô lượng vô biên. Nhưng chúng ta lại có ảo tưởng thấy mình trong những tế bào nhỏ của bản ngã.”
Tuy nhiên, đây là điều mà mỗi học viên phải tự khám phá, tự chứng nghiệm, không thể học được từ người khác. Senzaki nói với họ, “Tôi là học viên cao cấp so với các bạn, nhưng tôi không có gì để truyền đạt cho các bạn. Bất cứ thứ gì tôi có là của tôi, và sẽ không bao giờ là của bạn. Các bạn có thể cho là tôi keo kiệt, không tử tế, nhưng tôi không muốn các bạn tạo ra thứ gì đó sẽ tan rã và diệt vong. Tôi muốn mỗi người trong các bạn khám phá ra kho tàng bên trong của riêng mình.”
Trong lúc hành thiền, các học viên của Senzaki ngồi trên ghế thay vì trên bồ đoàn, vì ông thấy người Mỹ không quen ngồi kiết già hay bán già. Ông giao cho họ các công án và tổ chức trình pháp sau các buổi tọa thiền. Senzaki áp dụng các công án của Vô Môn Quan nhưng đôi khi cũng giao các thiền sinh một đoạn văn từ nhà thần học Thiên Chúa Giáo Meister Eckhart. Senzaki giải thích ông Eckart “nói rằng, ‘Con mắt mà tôi nhìn thấy Thượng Đế chính là con mắt mà Thượng Đế nhìn thấy tôi.’ Chúng ta dùng những từ này như một công án để cắt đứt mọi nỗ lực khái niệm hóa. Khi hành thiền với công án này, bạn sẽ thấy rằng không có Thượng Đế, không có ‘tôi’, mà chỉ có một con mắt, trừng trừng vĩnh cửu. Vào thời điểm đó bạn đang ở cổng thiền. Đừng sợ, chỉ cần tiếp tục thiền định, lặp lại công án trong im lặng: ‘Con mắt mà tôi nhìn thấy Thượng Đế chính là con mắt mà Thượng Đế nhìn thấy tôi.’ Không có thực tại nào khác ngoài con mắt duy nhất này.”
Senzaki nhấn mạnh rằng việc hành thiền cần phải tiếp tục vượt ra ngoài thời gian dành cho tọa thiền, tức là thiền trong những công việc hàng ngày. Senzaki nhắc, “Bất kể công việc hàng ngày của bạn là gì, việc đó sẽ trở thành thiền nếu bạn ngừng xem nó với thái độ nhị nguyên. Chỉ cần làm từng việc một, và làm một cách chân thành và trung thành, như thể đó là việc làm cuối cùng của bạn trên thế gian này.”
Ngài Hazrat Inayat Khan
Tôn trọng các tôn giáo bạn
Senzaki xác nhận rằng Thiền tông không có độc quyền về sự hiểu biết tâm linh. Ông tôn trọng Eckhart và những nhà thần học Thiên Chúa Giáo khác. Senzaki từng kể câu chuyện sau đây về buổi viếng thăm ngài Hazrat Inayat Khan, một giáo sĩ bậc thầy giáo phái Sufi (là một nhánh huyền bí của Hồi giáo nhấn mạnh vào kinh nghiệm cá nhân về Thượng Đế thông qua tâm linh, nghi lễ và khổ hạnh). Cuộc gặp gỡ diễn ra tại nhà của một nữ giáo viên Sufi Tây Phương, được xác định là bà Martin. Một bác sĩ tâm lý tên là Hayes cũng có mặt. Buổi gặp gỡ bắt đầu bằng những lời xã giao. Khi đó vị thầy Sufi đang viếng thăm California. Bác Sĩ Hayes hỏi thầy Sufi ý kiến về nước Mỹ.
Sau đó, vị Sufi hỏi Senzaki, “Thưa ông Senzaki, xin ông cho biết ý nghĩa đáng kể của Thiền tông là gì?”
Senzaki mỉm cười với vị thầy; vị thầy mỉm cười đáp lại. Cuộc đối thoại của họ, như Senzaki diễn đạt qua nụ cười, đã kết thúc. Tuy vậy, Bác Sĩ Hayes lại tưởng rằng Senzaki đang gặp khó khăn trong việc tìm chữ tiếng Anh, nên ông giải thích thay cho Senzaki, “Zen là cách diễn đạt tiếng Nhật của thuật ngữ tiếng Phạn ‘dhyana,’ có nghĩa là thiền định.”
Vị thầy Sufi xua tay và lắc đầu, khiến nhà tâm lý học im lặng. Bà Martin đứng dậy, nói, “Tôi có một bản sao của một cuốn sách viết bằng tiếng Anh mà tôi tin là có phần giới thiệu rất hay về Thiền tông.” Nhưng một lần nữa vị thầy Sufi lại xua tay, nói với bà Martin rằng không cần thiết.
Senzaki và Hazrat Inayat Khan lại mỉm cười với nhau một lần nữa. Họ hiểu nhau mà không cần lời nói, như ý nghĩa của thiền.
Khất sĩ giữa thế gian
Lối sống của Nyogen Senzaki gần như là khổ hạnh; ông muốn sống như một nhà sư khất thực ở Mỹ, mặc dù ông không chuộng hình thức bề ngoài của một tăng sĩ ôm bình bát đi ra đường. Ông không cạo đầu, vào cuối đời lại càng nổi bật với mái tóc trắng. Ông không mặc trang phục đặc biệt của tu sĩ, đã chỉ trích các nhà sư Nhật Bản đến California và phô trương y phục tu hành của họ. Ông nghi ngờ và tách biệt khỏi hệ thống cấp bậc Thiền tông chính thức ở Nhật Bản cũng như hệ thống được thiết lập ở Bắc Mỹ vào lúc bấy giờ.
Senzaki hiếm khi giữ tiền trong người ngay cả khi ông đang làm việc; mỗi khi các học viên tìm cách “cúng dường” cho ông một ít tiền thì ông lại chuyển tiền cho người khác. Nếu có học viên “quên” và để lại tiền trong phòng thiền, Senzaki sẽ tìm cho ra người tặng tiền là ai và mời người ấy đi ăn tại một quán cà phê mà ông thường lui tới.
Một lần kia, Senzaki mang quần áo bẩn đến tiệm giặt ủi ở khu phố của ông nhưng không có tiền để lấy lại quần áo. Chủ tiệm giặt ủi là bà Shubin Tanahashi. Một ngày nọ bà thấy Senzaki đi ngang qua tiệm, liền chạy ra hỏi tại sao ông không ghé lấy quần áo đã giặt sạch. Khi nghe Senzaki giải thích rằng ông không có tiền để trả chi phí, bà liền nghĩ ra một giải pháp. Vợ chồng bà có một con trai mắc bệnh Hội Chứng Down và phải ngồi xe lăn. Đứa con tên Jimmy này không nói được và cần được chăm sóc khá nhiều. Bà Tanahashi đề nghị giặt đồ miễn phí cho Senzaki nếu thỉnh thoảng ông đến giúp chăm sóc con trai cho bà.
Em trai tưởng là bị câm, nhưng với sự kiên nhẫn và dịu dàng, Senzaki đã dạy cho em nói lặp đi lặp lại một câu bằng tiếng Nhật, “Shujo muhen seigando.” Đây là lời nguyện đầu tiên trong tứ hoằng thệ nguyện của người tu Bồ Tát Hạnh: “Chúng sanh vô biên, thệ nguyện độ.”
Vợ chồng bà Tanahashi rất biết ơn sự chăm sóc mà ông Senzaki dành cho con trai của họ, đến nỗi họ cho ông ở nhờ nhà mà không lấy tiền, và bà Tanahashi đã trở thành đệ tử đầu tiên của ông tại Los Angeles.
Thi sĩ Paul Reps
Mặc dù thường gặp khó khăn khi nói tiếng Anh, ông Senzaki lại là một dịch giả tài giỏi, và có lẽ vì vậy ông thu hút giới nghệ sĩ, thi sĩ trong cộng đồng “du mục” ở Los Angeles. Họ thường đến dự các buổi giảng và hành thiền của ông. Trong số đó có nhà thơ và họa sĩ Paul Reps, người đã sống 14 năm ở Nhật để nghiên cứu thiền và làm thơ hài cú. Ông Reps đã làm việc với sư Senzaki để dịch 101 Câu Chuyện Thiền sang tiếng Anh, sau đó hai người đã hợp tác dịch Vô Môn Quan và các câu thơ đi kèm với loạt tranh được gọi là Mười Bài Thơ Chăn Trâu minh họa các giai đoạn phát triển trong thực hành Thiền.
Vào năm 1934, bà Tanahashi cho thầy Senzaki xem một tạp chí từ Nhật Bản có đăng một số bài thơ và đoạn văn xuôi được viết bởi một nhà sư trẻ người Nhật tên là Soen Nakagawa. Thi sĩ này sống như một ẩn sĩ trên núi Dai Bosatsu (Ma Ha Tát Đỏa) gần Phú Sĩ Sơn. Cũng như sư Senzaki, Nakagawa công khai chỉ trích đời sống đạo đức lỏng lẻo và chuộng sự nghiệp thế gian của các tăng sĩ Thiền tông, cũng như các nghi lễ phù phiếm xa rời Phật pháp đã chiếm đoạt cuộc sống tu hành trong các chùa.
Nhận ra một tâm hồn đồng điệu, sư Senzaki và thi sĩ Reps đã viết thư cho Nakagawa, gửi cho ông một bản sao của tác phẩm chuyển ngữ mà họ đang thực hiện. Kết quả của cuộc trao đổi thư từ ban đầu này, Senzaki và Nakagawa đã duy trì một tình bạn lâu dài viễn liên. Năm 1941, nhà sư trẻ đã chuẩn bị đến thăm Senzaki ở Los Angeles với thư giới thiệu xin cấp sổ thông hành do chính Thầy Senzaki gởi Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Tokyo, nhưng kế hoạch bị ngăn cản khi chiến tranh bùng nổ giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, qua những quả bom mà máy bay cảm tử Nhật thả xuống Trân Châu Cảng ở Hawaii khoảng năm tháng sau khi Thầy Senzaki gởi thư xin Visa cho “sư đệ Soen Nakagawa của tôi.”
Một người nhìn về hướng núi Heart Mountain trong trại tập trung cùng tên năm 1944 tại Park County, Wyoming. (Washington State University Libraries)
Tu hành trong trại tập trung
Sau vụ tấn công Trân Châu Cảng năm 1941, thái độ thù ghét của công chúng Mỹ đối với di dân Nhật, đặc biệt những người sống ở các tiểu bang miền tây, đã lên đến cao điểm. Từ lâu, kéo dài suốt nhiều năm, khuynh hướng bài Nhật đã phổ biến và lan tràn ở California. Nơi đây từng có luật kỳ thị người Nhật trong trường học, cấm kết hôn khác chủng tộc, và ngăn cản người gốc Á nhập quốc tịch Hoa Kỳ. Sư Senzaki từng lo sợ cho sự an toàn bản thân ở San Francisco trong những năm đầu tiên, đến nỗi có lúc sư phải mang theo một khẩu súng lục trong người.
Khi Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, hầu hết di dân gốc Nhật đều bị trục xuất ra khỏi California và một số tiểu bang ở bờ biển miền tây. Các gia đình gốc Nhật bị chuyển đến các trại tập trung sâu trong nội địa. Thầy Senzaki được đưa đến núi Heart Mountain trong vùng sa mạc tiểu bang Wyoming, nơi ông sống chung với một gia đình trong một căn cabin.
Senzaki Nyogen ở trại Wyoming
Thầy Senzaki tiếp tục tổ chức hành thiền cho một nhóm người trong căn nhà nhỏ mà đôi khi có tới hai-mươi người tham dự. Trại tập trung Heart Mountain (Tâm Sơn) được Thầy Senzaki đặt tên là “Núi Từ Bi” (The Mountain of Compassion) và gọi lớp “thiền nổi trôi” của thầy là “Thiền Đường Truyền Đạo Về Phương Đông.” Phật giáo khởi đầu từ Ấn Độ, được truyền bá theo hướng Đông đến Trung Hoa, Nhật Bổn, tiếp tục hướng này đến các nước Tây Phương.
Bức họa mang tựa “A monk teaching Buddhism” (Một sư đang giảng Phật pháp) mô tả một buổi dạy của Thầy Nyogen Senzaki trong căn barrack tại trại Heart Mountain, được vẽ bởi Estelle Ishigo trong khoảng thời gian 1942-1945. (Courtesy Heart Mountain Wyoming Foundation, gift of Bacon Sakatani)
Sau chiến tranh năm 1945, những người Nhật di tản trở về nơi từng là nhà của họ, khám phá tài sản của họ đã bị tịch thu hoặc tịch biên; những khu phố họ từng sinh sống trước đây nay đã bị những di dân khác chiếm giữ. Nhiều người lâm cảnh vô gia cư. Năm 1945, bốn mươi năm sau khi chia tay sư phụ Soyen Shaku ở Công Viên Kim Môn, Thầy Senzaki một lần nữa lại hoàn tay trắng như khi mới đến Mỹ. Đúng với tinh thần buông xả, Senzaki từng nói vui vẻ với một đệ tử Mỹ, “Tôi là một ông Nhật hạnh phúc ở ngoài đường.”
Ngay sau khi được rời trại tập trung, Thầy Senzaki đã sống hai tháng tại nhà của một trong các đệ tử của thầy, bà Ruth Strout McCandless, ở Pasadena, Nam California. Bà Ruth đã được ông đặt cho pháp danh là Kangetsu. Bà tốt nghiệp Đại Học Stanford môn Văn Chương và Tôn Giáo Thế Giới, qua đó bà gặp Thầy Senzaki. Trước khi bị đưa lên xe đến trại Wyoming, Thầy đã giao phó cho bà những cuốn sách. Bà Ruth McCandless đã thay ông Paul Reps giữ trách nhiệm biên tập những bài viết của Senzaki, và bà hợp tác với thầy soạn hai cuốn sách được xuất bản sau Đệ Nhị Thế Chiến, Buddhism and Zen (Phật Giáo và Thiền Tông) năm 1953 và The Iron Flute (Cây Sáo Sắt) năm 1961.
Rời gia đình McCandless, Senzaki trở về Los Angeles. Thầy thuê một căn phòng nhỏ ở khu phố Little Tokyo thay vì ở lữ quán như trước đây vì nơi đó là điểm hẹn hò của giới mại dâm. Căn hộ của thầy gồm một phòng với chiếc giường/ghế sofa và một phòng bếp nhỏ. Tại đây, thầy tiếp tục gặp gỡ các học viên người Nhật và người Mỹ; họ ngồi trên những chiếc ghế xếp bằng gỗ mà thầy mua lại từ một nhà tang lễ. Phần chính của buổi họp thường là một giờ thiền, một cuộc trao đổi ngắn về Phật pháp và đọc bốn lời nguyện của người tu Bồ Tát Đạo (tứ hoằng thệ nguyện). Sau đó họ cùng nhau uống trà, rồi rời đi. Senzaki không muốn các học viên nói chuyện thế gian, chuyện tầm phào, nên thấy ai nán lại quá lâu thì thầy sẽ nhẹ nhàng khuyến khích họ rời đi.
Senzaki quyết định ở lại Hoa Kỳ để hoằng pháp phần lớn là vì thầy nghĩ rằng tâm lý của người Mỹ phù hợp với Thiền tông. Thầy nhận thấy người Mỹ “có chiều hướng thiên về hoạt động thực tế hơn là suy đoán triết học. Vì đạo Phật không là một tôn giáo có chân lý cần được tiết lộ từ cõi trên, nên trí tuệ của đạo không bắt nguồn từ một Đấng Tối Cao, hay từ một sứ giả của Ngài. Người theo đạo Phật tin rằng chúng ta phải đạt được trí tuệ thông qua nỗ lực của chính chúng ta, tương tự như chúng ta đã nỗ lực độc lập để có được các kiến thức về khoa học và triết học. Để đạt được prajna [trí tuệ], chúng ta phải phấn đấu trong khi hành thiền và tránh suy đoán khái niệm.”
Thầy cảm thấy rằng tâm trí theo “khuôn mẫu khoa học” của người Mỹ đã đưa họ tới Thiền một cách tự nhiên. “Tâm trí với khả năng thích ứng nhanh nhạy của người Mỹ tìm thấy Thiền là một hình thức thực hành tâm linh phù hợp.”
Về người bạn thi sĩ trẻ Soen Nakagawa, sau nhiều năm trao đổi thư từ, cuối cùng Senzaki gặp Nakagawa vào năm 1949, khi người tri kỷ trẻ tuổi đến thăm thầy ở Los Angeles. Sư Nakagawa ở lại gần sáu tháng. Senzaki từng hy vọng Nakagawa sẽ ở lại Mỹ và trở thành người thừa kế của thầy, nhưng Nakagawa cảm thấy có nhiệm vụ phải trở về Nhật Bản.
Đến năm 1955, cùng với bà Ruth McCandless, thầy Senzaki thực hiện chuyến trở về quê hương lần đầu tiên sau nửa thế kỷ ở Mỹ. Thầy đã viếng mộ của sư phụ Soyen Shaku và thăm sư đệ Soen Nakagawa, lúc đó là thầy trụ trì của Chùa Ryutakuji. Vì Senzaki đã xa quê hương quá lâu, Nakagawa lo ngại rằng sư huynh có thể không thoải mái với một số thói quen của người Nhật, chẳng hạn ngồi xổm trong nhà vệ sinh. Vì vậy Nakagawa vẽ một sơ đồ về bồn cầu theo kiểu Tây Phương và cho thợ mộc của tu viện đóng bồn cầu đó. Thế nhưng họ không thể nối bồn với nước máy, và cuối cùng bồn trở thành một ghế ngồi tốt cho vị khách từ phương xa.
Từ trái, Thầy Soen Nakagawa, Thầy Nyogen Senzaki, và bà Ruth McCandless tại Chùa Ryutakuji, Nhật Bản năm 1955.
Nhận thấy người bạn vong niên đang trở nên yếu hơn theo năm tháng, Nakagawa đã thường xuyên liên lạc để theo dõi tình trạng sức khỏe của Senzaki sau khi ông trở về California. Vào năm 1958, Nakagawa đã đề nghị Tai Shimano, một trong những nhà sư trẻ tuổi của ông nói được tiếng Anh, đến Mỹ để làm thị giả cho Senzaki, nhưng trước khi Shimano lên đường thì Senzaki đã viên tịch, ngày 7 tháng 5, 1958.
Trong tang lễ của Senzaki, các sư Nhật Bản đã tụng kinh theo nghi thức truyền thống. Trước khi buổi lễ kết thúc, một băng ghi âm đã được phát với giọng một phụ nữ đọc một bài di chúc ngắn được thâu trước mà Senzaki đặt tên là “Lời Cuối.” Trong băng có lúc có tiếng cười của Senzaki và thỉnh thoảng thầy vui vẻ sửa cách phát âm của phụ nữ.
Thầy viết:
“Tôi tưởng tượng rằng tôi sẽ rời xa thế giới này, bỏ lại tất cả các bạn, và tôi đã viết những lời cuối cùng của mình bằng tiếng Anh. Các đạo hữu ơi, hãy hài lòng với chính cái đầu của bạn. Đừng đội bất kỳ cái đầu nào khác lên trên cái đầu của mình. Sau đó, từng phút và từng phút, hãy cẩn thận với từng bước đi của mình. Đây là những lời cuối cùng của tôi dành cho bạn… Mỗi cái đầu của bạn là thứ cao quý nhất trong toàn vũ trụ. Không có Chúa, không có Phật, không có Thánh Nhân, không có Bậc Thầy nào có thể ngự trị nó. Lâm Tế nói, “Nếu bạn làm chủ được hoàn cảnh của chính mình, bất cứ nơi nào bạn đứng đều là vùng đất của Chân Lý. Có bao nhiêu người trong chúng ta có thể chứng minh được chân lý trong lời này bằng hành động?
“Giữ đầu bình thản nhưng chân ấm. Đừng để tình cảm cuốn chân. Những thiền sinh được đào tạo bài bản nên thở bằng chân, không phải bằng phổi. Điều này có nghĩa là bạn nên quên phổi và chỉ ý thức bằng chân khi thở. Đầu là phần thiêng liêng của cơ thể. Hãy để đầu làm công việc của nó và đừng làm ‘trò khỉ’ nào với nó.
“Hãy nhớ tôi là một nhà sư, không gì khác. Tôi không thuộc bất cứ giáo phái hay chùa viện nào. Không ai nên trao cho tôi chức tăng cao cấp hay bất cứ chức gì tương tự. Tôi muốn được thoát khỏi những thứ rác rưởi như vậy và chết một cách hạnh phúc.”
Tro cốt của Thiền Sư Nyogen Senzaki được chia làm hai. Một nửa chôn ở Los Angeles, nửa còn lại được lưu trữ và cuối cùng được trộn với một phần tro cốt của Sư Đệ Soen Nakagawa và chôn tại Thiền Viện Dai Bosatsu do thầy Tai Shimano thành lập ở dãy núi Catskill thuộc tiểu bang New York.
Ngài Nyogen Senzaki từng tự ví mình như “một trái nấm – không có rễ sâu, không cành, không hoa, và có lẽ không có hạt giống.” Thầy đã đánh giá thấp di sản mà thầy để lại. Senzaki không có được danh tiếng như D.T. Suzuki, nhưng qua các học trò của thầy – một số người đã đến Nhật Bản để tu học với Sư Soen Nakagawa – việc thực hành Thiền Lâm Tế đã bám rễ và trổ hoa ở Bắc Mỹ.
(Nguồn: Bài The Third Step East của Richard Bryan McDaniel, The Mushroom Monk: Nyogen Senzaki của Helen Tworkov, Senzaki Nyogen từ Terebess Online, và Wikipedia.)
Nyogen Senzaki
Đọc https://tinhtan.org/2024/12/27/dong-dao-noi-troi-cua-thien-su-nam-nyogen-senzaki/