DICK, CON CHÓ KHÔN NGOAN, Nguyên tác của Pierre Bellemare, Đào Duy Hòa phỏng dịch

Nguyên tác của Pierre Bellemare, Đào Duy Hòa phỏng dịch

DICK, CON CHÓ KHÔN NGOAN

Lòng người tham lam, bất tín, con vật tình nghĩa trung thành


Tranh Thắm Nguyễn 

Tay chống trên bàn gỗ nơi mái hiên ngôi nhà cũ kỹ, Richard Chapman ngồi hóng gió mát của buổi sáng tháng 8 năm 1952. Sáng nay, trời nhiều sương mù báo hiệu một ngày nắng nóng ở thị trấn Stockton, cách thành phố San Francisco 100 km, thuộc tiểu bang California.
Richard Chapman, nhân viên ngành đường sắt về hưu, vừa bước vào tuổi 65 nhưng trông ông có vẻ già trước tuổi. Ông có dáng người cao, gầy, gương mặt nhiều vết nhăn, mái tóc lưa thưa gần như bạc trắng màu thời gian. Vợ ông mất đã hơn 10 năm, lại phải trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt của cuộc sống là nguyên nhân khiến ông Richard già trước tuổi. Ngồi bất động trên ghế, miệng phì phà tẩu thuốc lá, đôi mắt xanh lơ của ông lơ đãng nhìn khoảnh vườn nhỏ bao quanh ngôi nhà. Thực ra, Richard đang âu lo cho tuổi xế chiều đơn độc, nghèo khó, bệnh hoạn… Ông bỗng giật mình…
     – Chào ông Richard, tôi làm ông giật mình đấy à ? Ông không nhìn thấy tôi sao ?
     – Chào bà Sinclair. Bà đến từ phía sau thì tôi làm sao nhìn thấy bà cho được !
     – Nhìn xem tôi mang vật gì đến cho ông đây ?
Dorothy Sinclair là láng giềng của Richard Chapman. Richard biết bà ta khá rõ, thậm chí rất rõ. Ðã vào tuổi 55 nhưng trông bà ta vẫn còn vạm vỡ, liến thoắng. Bà thích giúp đỡ người chung quanh, làm việc thiện… tuy tính tình bà hay thay đổi. Sinclair hay lân la sang nhà Richard. Ngược lại, Richard chuộng sự yên tĩnh để trầm tư suy nghĩ nhưng ông không nói ra với bà láng giềng.
     – Bà mang đến cho tôi vật gì thế, bà Sinclair ?
     – Ông nhìn xem trên tay tôi này…
Vừa lúc ấy người phát thư trong bộ đồng phục bưu điện bước vào sân vườn nhà ông Richard. Anh ta thích thú nhìn chú chó con mà bà Sinclair đặt xuống thềm nhà.
     – Ồ, một chú chó con ! Trông nó dễ thương làm sao !
Bà Sinclair thiểu não:
     -- Ðúng là nó dễ thương thật. Bố chúng thuộc giống chó berger của Ðức trong khi mẹ nó lại là giống dogue (giống chó đầu to mõm bẹt). Nhưng mà con chó cái nhà tôi đẻ những 5 con chó con cơ, lại không thuần chủng! Tôi sẽ mang cho tất cả, nếu cho không hết, tôi sẽ dìm nước cho chúng chết tất cho rảnh nợ…
Gương mặt Richard rạng rỡ hẳn lên.
     – Vậy sao? Bà cho tôi thật sao?
     – Tất nhiên, ông không nghe tôi vừa mới nói mang nó đến cho ông đó sao ?
Richard ôm chú chó vào lòng vuốt ve.
     – Ồ ! Cám ơn bà Sinclair. Từ nay tôi sẽ gọi nó là Dick !
     – Có chi đâu. Nó về với ông, tôi sẽ rảnh tay hơn. Chào ông nhé, Richard.
Bà Sinclair bước qua khoảnh vườn nhà ông Richard rồi mất hút. Richard Chapman mỉm cười một mình.
     – Bà Sinclair tội nghiệp. Hình như đây là lần đầu mình cảm thấy thân thiện với bà ta !
Sau giây phút chứng kiến cuộc trò chuyện, người phát thư lên tiếng:
     – Vậy là từ nay ông Richard có bạn để hủ hỉ rồi nhé.
     – Không chỉ thế mà còn hơn thế nữa kia.
     – Vậy là sao ?
Richard đưa tay chỉ vào đôi mắt :
     – Tôi không muốn bà Sinclair biết là sớm muộn gì tôi cũng bị mù. Và anh biết đấy, chó sẽ có ích đối với người mù như thế nào.
     – Mù ! Ông có chắc không ?
     – Chắc 100% ! Tôi đã đi nhiều bác sĩ và tất cả đều khẳng định với tôi điều đó, hết phương cứu chữa. Tôi cảm nhận mắt tôi ngày càng mờ đi, cho đến một lúc nào đó tôi sẽ mù hoàn toàn.
Sau vài câu an ủi, người phát thư tiếp tục đi phát thư, bỏ lại Richard một mình làm quen với chú khuyển Dick.
Vào năm 1952, bệnh mù mắt vẫn chưa thể chữa trị. Nhưng với chú khuyển Dick bên cạnh, rõ ràng là cuộc đời ông Richard sẽ bớt tăm tối hơn cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Ngày 14 tháng 12 năm 1952, tức khoảng 4 tháng sau khi có chú Dick bên cạnh, cuộc sống của Richard bước sang một bước ngoặt mới, gần như hoàn toàn. Cuộc sống thay đổi không phải vì thị lực của ông giảm đi nhanh hơn so với dự kiến mà vì sự hiện diện của chú khuyển Dick. Ngay từ hôm bà Sinclair mang cho chú khuyển Dick, ông Richard bắt tay vào việc huấn luyện nó. Trước hết là dạy cho nó biết tên và nghe giọng nói của chủ.
      – Dick, lại đây ! Dick mang cây gậy lại cho ông ! Dick nằm dưới chân ông !
Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu. Càng về sau, Dick càng tỏ ra là một chú khuyển có năng khiếu. Biết trước mình sẽ bị mù lòa vào một ngày rất gần, Richard đã tập luyện cho Dick thực hiện một số công việc thiết thực cho cuộc sống của ông như đi chợ chẳng hạn. Dick đã chứng tỏ khả năng vượt trội. Chỉ sau vài tuần, nó đã có thể một mình đi đến các cửa hàng mua về cho chủ các loại thực phẩm và vật dụng thiết yếu. Richard buộc vào lưng Dick hai cái túi bằng da và khoảng một giờ sau đó, Dick mang về thịt bò, rau cải, trái cây, bánh mì, bia…
Nhưng không chỉ có thế. Ở nhà Dick nhận biết và nhớ rất nhanh tên các vật dụng.
     – Dick, tìm và mang đến cho ông cái tẩu và gói thuốc lá ! Dick, lấy cho ông bộ đồ ngủ !…
Chỉ trong giây lát, Dick đến bên cạnh Richard với vật dụng trong mõm, miệng thở hổn hển, đôi mắt tinh khôn sáng ngời. Richard ôm chầm lấy Dick, mắt nhìn thẳng vào mặt nó như muốn in hình dáng chú chó thân yêu vào tâm trí trước khi bị mù hẳn. Dick gần như giống hệt chó berger chỉ trừ cái mõm màu đen hoàn toàn. Nhưng điều đặc biệt là chú khuyển Dick tinh khôn lạ thường, không kém người là bao.
Bà Sinclair rất thán phục Dick và tiếc nuối vì đã trót lỡ cho nó. Dick nhanh chóng nổi tiếng khắp làng, rồi cả thị trấn Stockton đều biết Dick. Mọi người đều trầm trồ nhìn Dick mỗi khi thấy nó xuất hiện từ cửa hàng nầy đến cửa hàng kia, cái lưỡi thè ra, hai cái túi da chất đầy thực phẩm trên lưng. Nhiều người đưa tay mơn trớn Dick, trẻ em thì cho nó kẹo. Nhưng Dick thì chẳng chú ý. Nó tiếp tục công việc đi chợ, làm tròn nhiệm vụ, trung thành với chủ…

Tháng 7 năm 1953, tức 6 tháng trôi qua. Ngày hôm đó, Richard Chapman đang ngồi hóng gió nơi mái hiên ngôi nhà cũ kỹ như thường lệ. Richard không nhìn thấy gì cả nhưng tiếng sủa dữ dội của Dick báo hiệu có người lạ đi vào nhà. Ðó là một người đàn ông trong bộ y phục trắng, đầu đội nón kiểu Texas. Ông ta lịch sự tự giới thiệu:
     – Tôi tên là Derek London, đạo diễn điện ảnh.
Dick tiếp tục phát ra tiếng gầm gừ.
     – Ðủ rồi Dick ! Hãy để cho ông đây bình yên.
Derek London mỉm cười.
     – Xin ông đừng rầy la Dick. Tôi đến đây là vì nó đấy.
     – Vì Dick ?
     – Vâng, thưa ông. Tôi đang lái xe qua thị trấn Stockton thì nhìn thấy Dick đang đi chợ với hai túi da trên lưng. Tôi lần hỏi địa chỉ và đến đây gặp ông. Thưa ông Richard Chapman, ông nên cho chú khuyển Dick đi đóng phim.
Richard nghĩ rằng vị khách đang đùa cợt .
     -- Ðóng phim ! Dick, mầy có nghe không ? Ông đây muốn mầy đi Hollywood đấy !
Ông bầu Derek bình thản tiếp : 
     -- Tôi hoàn toàn nghiêm chỉnh đấy ông Richard: Hollywood. Nhưng một Hollywood không giống như điều ông đang tưởng tượng. Ðó là một thành phố công nghiệp. Nơi đó người ta không chỉ làm ra những siêu tác phẩm mà còn sản xuất nhiều bộ phim với kinh phí thấp. Tôi đang đề cập đến loại phim ít tốn kém này đấy. Nếu công việc tiến triển tốt, mình sẽ tiếp tục…
     – Vậy thì khi nào thì bắt đầu ?
     – Ngay ngày mai, nếu ông đồng ý.
oOo

Một năm trôi qua. Derek London, đạo diễn điện ảnh, đến gặp Richard Chapman. Lần này không phải tại ngôi nhà cũ kỹ ngày xưa mà Richard tiếp Derek trong ngôi biệt thự sang trọng. Sau khi an vị bên cạnh chiếc bàn đặt dưới bóng cây giữa khu vườn hoa cỏ xanh tươi, Derek mở lời :
     – Tập cuối của bộ phim nhiều tập “Dick, chú khuyển thám tử” thành công vang dội đấy ông Richard ạ !
Ðưa tay vuốt ve bộ lông mượt mà của chú khuyển trung thành, Richard cười mỉm đáp lời :
     – Công đầu thuộc về ông và Dick. Riêng tôi không đóng góp gì mà chỉ hưởng lợi thôi.
     – Giờ thì phải thừa thắng xông lên thôi, Richard ạ ! Mình phải làm một cú cho ra trò ! Ông còn nhớ lúc trước tôi có đề cập với ông về siêu tác phẩm không ? Ðã đến lúc thực hiện siêu tác phẩm rồi đó !
     – Ông nghĩ vậy sao ?
     – Tôi tin chắc sẽ thắng lớn. Ðó là nghề của tôi mà.
Derek lấy ra mấy tờ giấy từ chiếc cặp da : 
     – Tôi đã soạn xong bản hợp đồng thuê Dick đóng phim. Ông xem có được không?
Richard không trả lời. Gương mặt ông đượm vẻ buồn.
     – Hay là ông không đồng ý cho Dick tham gia bộ phim mới ?
     – Không phải vậy ! Ðã hợp tác thì phải làm cho trót. Có điều là đôi mắt tôi giờ đâu còn đọc được nữa !
     – À, tôi xin lỗi.
     – Không sao. Ông vui lòng đọc bản hợp đồng cho tôi nghe đi.
Sau khi nghe và thoả thuận ký xong bản hợp đồng mới, Derek London từ giã ra về. Còn lại một mình, ông Richard nằm đu đưa trên chiếc võng. Bất chợt ông giật mình vì tiếng sủa dữ dội của Dick. Lại có khách mới nữa đây.
     – Chào ông Richard.
Richard nhận ra ngay giọng nói quen thuộc của bà Sinclair, người láng giềng tính khí thất thường.
     – Chào bà Sinclair ! Khá lâu rồi bà không sang thăm tôi.
Rồi ông quay sang Dick vẫn không ngớt sủa : 
     – Dick này, mầy im có được không ? Bà Sinclair chứ ai đâu xa lạ.
Dick ngưng sủa nhưng vẫn gầm gừ đe doạ…
     – Ông Richard Chapman, hôm nay tôi qua đây để nhận lại Dick.
     – Bà nói gì ?
     – Tôi giải thích với luật sư của tôi rằng Dick được giao cho ông để huấn luyện. Giờ thì ông đã huấn luyện xong nên tôi sang nhận nó về.
Richard lộ vẻ chán ngấy bà hàng xóm :
     – Bà nói vậy mà nghe được sao ?
     – Ông nói gì mặc kệ ông. Tôi quyết nhận lại Dick.
     – Bà Sinclair, bà không thấy tôi mù loà sao ?
Bà láng giềng vạm vỡ, liến thoắng, luôn miệng huênh hoang làm điều thiện nhún vai :
     – Ông mù thì mặc ông ! Ông hãy mua một con chó khác, giờ thì ông giàu có rồi mà.
     – Bà nghe tôi nói này. Tôi đồng ý giao cho bà tiền thù lao hợp đồng mới của Dick, nhưng bà phải để nó lại cho tôi. Dick là của tôi, bà hiểu không ? Tôi thương nó hơn bất cứ ai khác !
     – Không ý kiến ý cò gì hết ! Tôi bắt nó về đây. Dick lại đây !
Richard nghe bà hàng xóm hét lên một tiếng vì đau đớn.
     – Ðồ chó chết tiệt ! Mầy dám cắn tao hả ? Hãy đợi đấy con ơi ! Tao sẽ thưa ra tòa rồi mày sẽ về với tao thôi, đồ chết tiệt !
Bà láng giềng chạy băng qua sân cỏ, miệng lí nhí nạt nộ. Phía sau là Dick rượt đuổi, nhe hàm răng sắc nhọn hăm doạ.
oOo

Ngày 6 tháng 4 năm 1954. Số người đến dự phiên tòa xử vụ kiện đòi lại Dick khá đông. Ðây là phiên tòa lạ lẫm nhất từ trước đến nay tại thị trấn Stockton. Siêu tác phẩm mới với sự tham gia của Dick đã bắt đầu bấm máy và khoản thù lao dành cho Dick lên đến hàng vạn đô la. Với bà Sinclair, kết cục vụ án là rất quan trọng vì nếu thua kiện, bà sẽ mất cả chì lẫn chài là Dick và khoản tiền thù lao kếch xù. Với Richard thì tiền không quan trọng, điều cốt yếu là giữ lại Dick. Richard đi vào chỗ ngồi, mắt đeo cặp kính đen. Dick đến nằm giữa chân chủ. Dường như nó biết có người muốn tách rời nó ra khỏi chủ.
Bà Sinclair được mời ra trình bày trước vành móng ngựa trước tiên.
     – Tiền thù lao của Dick thuộc về tôi, thưa ngài chánh án. Ông Richard đã lạm dụng lòng tin của tôi. Trên tinh thần hòa giải, tôi đồng ý chia cho ông ta một phần tiền thù lao để bù đắp công lao huấn luyện Dick, nhưng dứt khoát Dick phải về với tôi.
Nói xong, bà Sinclair bước về phía ông Richard, tay chỉ vào Dick.
     – Dick phải thuộc về tôi !
Ðáp lời bà Sinclair, Dick sủa một tràng dài dữ dội. Nó đứng lên phóng về phía bà Sinclair làm ông Richard chúi về phía trước vì phải nắm chặt sợi dây buộc để giữ nó lại. Tất cả cử toạ tham gia phiên tòa đều đứng về phía ông Richard và Dick. Họ cuồng nhiệt vỗ tay ủng hộ ông Richard và Dick khiến bà Sinclair lui về chỗ ngồi với sự giận dữ và hổ thẹn không bút mực nào tả xiết.
Kế tiếp là phần trình bày của các nhân chứng. Anh phát thư chứng kiến từ đầu đến cuối “sự kiện cho nhận” chú Dick giữa bà Sinclair và ông Richard.
     – Bà Sinclair rõ ràng đã cho vô điều kiện Dick cho ông Richard, thưa ngài chánh án.
     – Anh có chắc không ?
     – Vâng, thưa ông. Ông Richard còn hỏi vặn lại : “Vậy sao ? Bà cho tôi thật sao ?”. Và bà Sinclair trả lời : “Tất nhiên, ông không nghe tôi vừa mới nói mang nó đến cho ông đó sao?”.
Nhân chứng thứ hai ở cạnh nhà bà Sinclair :
     -- Bà Sinclair mang cho tôi 2 trong số 5 con chó con của bà ta nhưng tôi không nhận. Bà ta còn nói : “Tôi buộc phải dìm nước cho chúng chết tất cho rảnh nợ”.
Một nhân chứng khác tên June Simons bước lên vành móng ngựa tuyên bố dõng dạc :
     -- Bà còn nhớ chứ bà Sinclair. Bà đã cho tôi một con chó cái cùng ngày bà mang tặng Dick cho ông Richard. Tôi đã đặt tên con chó nhà tôi là Nelly. Tại sao bà không đến đòi con Nelly lại mà nằng nặc đòi lại Dick cho bằng được ? Bà giải thích cho mọi người rõ xem nào ! Phải chăng chỉ vì con Nelly nhà tôi không đi đóng phim ?
Rồi nhân chứng bước đến bên bà Sinclair :
     – Tôi nói cho bà rõ : Nếu bà đòi lại Nelly, không bao giờ tôi trả nó lại cho bà đâu vì Nelly là của tôi và tôi rất yêu mến nó. Cả Dick cũng thế, bà sẽ không thể lấy nó lại bởi nó không thuộc quyền sở hữu của bà mà của ông Richard, vả lại ông Richard là một người mù lòa !
Một tràng pháo tay lại vang lên. Những chứng cứ vừa kể hoàn toàn thuyết phục vị chánh án chủ tọa phiên tòa. Ông gõ mạnh cái vồ bằng gỗ xuống bàn và tuyên bố :
     – Với những chứng cứ rõ ràng, bên nguyên xem như thua kiện. Chú khuyển Dick thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông Richard Chapman.
Mọi người hoan hỉ trước quyết định hợp lý hợp tình của tòa án. Phiên tòa bế mạc, Richard ôm chầm lấy Dick trong tình yêu thương trìu mến.
           
       Nguyên tác của Pierre Bellemare 
       Đào Duy Hòa phỏng dịch

                                                                                       








 
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top