Thế Giới Sinh Viên Thu Nhỏ Trong Ký Túc Xá Quốc tế Paris

Du Lịch

Thế Giới Sinh Viên Thu Nhỏ
Trong Ký Túc Xá Quốc tế Paris


Nhà Fondation Deutsch de la Meurthe, ngôi nhà đầu tiên của Kí túc xá Quốc tế Paris.RFI / Tiếng Việt

Cité International Universitaire de Paris (CIUP), Ký túc xá Quốc tế Paris, hay vẫn được sinh viên Việt gọi tắt là “Cité”, nằm trong quận 14, đối diện với công viên xinh đẹp Montsouris. Quần thể rộng 34 ha hiện là nơi ở của khoảng 12.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Pháp và từ 140 nước trên thế giới, trong đó có khoảng 43 sinh viên Việt Nam theo thống kê năm 2013.
Dự án xây một ký túc xá có thể đón nhận sinh viên từ khắp thế giới được hình thành vào năm 1920, ngay sau Thế Chiến I. Pháp mất khoảng 1/3 số sinh viên vào năm 1918 nên cần thu hút sinh viên quốc tế để Paris tiếp tục vai trò là thủ đô trí thức và đa dạng dân tộc. Ngoài ra, Paris trải qua cuộc khủng hoảng nhà ở nói chung và của sinh viên nói riêng, vì vậy ký túc xá quốc tế sẽ giúp giải quyết vấn đề nhà ở và vệ sinh, đồng thời là biểu tượng tái thiết và duy trì hòa bình.
Ngôi nhà đầu tiên, Fondation Deutsch de la Meurthe, được hoàn thiện năm 1925, nhờ 10 triệu franc vàng tài trợ của nhà công nghiệp giầu có Emile Deutsch de la Meurthe và có khả năng tiếp nhận 350 sinh viên. Sau thành công đầu tiên này, André Honnorat, bộ trưởng Giáo Dục thời kỳ đó, đồng thời là một trong số các nhà sáng lập Ký túc xá Quốc tế Paris, cùng với các cộng sự đã kêu gọi tài trợ từ các chủ ngân hàng, các nhà công nghiệp và chính phủ trên quy mô quốc tế. Fondation Biermans-Lapôtre là nhà sinh viên thứ hai, chủ yếu dành cho sinh viên Bỉ và Luxembourg, được khánh hàng năm 1926 nhờ tài trợ của vợ chồng doanh nhân Jean-Hubert Biermans.
Trong giai đoạn xây dựng đầu tiên, từ 1925 đến 1938, các tòa nhà được xây theo phong cách chiết trung (Eclectic), rất phổ biến giữa hai cuộc Thế Chiến. Trong giai đoạn hai, từ 1952-1969, thêm 17 ngôi nhà mới được xây dựng, theo kiến trúc hiện đại, phối hợp hài hòa giữa nhịp điệu, mầu sắc, không gian và vật dụng.




Nhà Đông Nam Á, công trình lấy cảm hứng từ Cung đình Huế

Trong quần thể 40 tòa nhà, Nhà Đông Nam Á (Maison de l’Asie du Sud-Est), trước đây là Nhà Đông Dương (Maison de l’Indochine), là một trong những nhà cổ nhất của Ký túc xá Quốc tế Paris, được khánh thành năm 1930 theo thiết kế của hai kiến trúc sư Pierre Martin và Maurice Vieu.
Được xây từ ý tưởng và đầu tư của một nhóm các nhà công nghiệp Pháp sống ở Viễn Đông, đứng đầu là nhà công nghiệp Đông Dương Raphael Fontaine, Nhà Đông Dương đáp ứng hai mục đích : vừa thể hiện tinh thần che chở của nước Pháp thuộc địa thời kỳ đó, vừa giới thiệu cho thanh niên đến từ Đông Nam Á sự kết hợp giữa ánh sáng của “Mẫu Quốc” và truyền thống Việt Nam.
Ngôi nhà gốc có 100 phòng được xây theo phong cách kiến trúc Đông Dương với phần mái nhô dài, các góc mái hình “mỏ chim ngói”, lan can cầu thang gỗ được làm theo thiết kế Cung đình Huế…

Sảnh chính nổi bật nhờ tác phẩm sơn dầu khổ lớn của họa sĩ Lê Phổ. Được vẽ tại Hà Nội vào năm 1929, bức tranh được đưa sang Pháp khi họa sĩ đến chuẩn bị Triển Lãm Thuộc Địa 1931, sau đó được treo trong một căn phòng ở Nhà Đông Dương. Vì không được bảo quản đúng cách, tác phẩm bị hư hỏng đáng kể và được phục chế từ 2006-2008 theo yêu cầu của ban giám đốc Di sản của Ký túc xá Quốc tế Paris.
Từ tháng 01/1972, Nhà Đông Dương được đổi tên thành Nhà Đông Nam Á. Sau thời gian dài tu sửa, đến năm 2008, Nhà Đông Nam Á mở rộng thành 131 phòng và căn hộ và được dành chủ yếu cho sinh viên của ParisTech gồm 12 trường lớn ở Paris và vùng phụ cận trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ và Quản lý.
Eduwin Aular, một sinh viên Venezuela theo học thạc sĩ ngành Chiến lược Năng lượng, đại học Paris X-Nanterre, giới thiệu với RFI tiếng Việt về Nhà Đông Nam Á nơi anh sinh sống :
“Tôi được nhận vào đây vì học Master thuộc ParisTech và thủ tục rất dễ. Có một số nhà ở dành cho sinh viên ParisTech nhưng cũng có nhiều phòng dành cho sinh viên ngoài. Với tôi, chỗ ở này rất tốt. Chúng tôi có một bếp chung. Các phòng rộng khoảng 14 m2 có phòng tắm. Ngoài ra, tòa nhà còn studio rộng hơn và căn hộ dành cho các sinh viên sống cùng với gia đình. Mỗi tuần một lần, có người đến dọn phòng, còn cứ hai tuần, họ đến thay khăn ga giường”.



Bức tranh tường của họa sĩ Lê Phổ được trưng bày tại sảnh chính của Nhà Đông Nam Á.RFI / Tiếng Việt
 

Ký túc xá vì Hòa bình

Ký túc xá Quốc tế Paris tự cung cấp kinh phí tới 75%, trong đó 5% ngân sách là tài trợ từ các tập đoàn lớn, cá nhân và con cháu của các nhà sáng lập hảo tâm. Tiếp tục những giá trị được đề ra từ năm 1925, Ký túc xá Quốc tế Paris duy trì ba mục đích : Tiếp đón và tạo điều kiện trao đổi giữa sinh viên mọi quốc tịch ; Tiếp đón các nhà nghiên cứu, giáo sư, nghệ sĩ đến công tác tại Pháp theo một chương trình nghiên cứu, giảng dạy hoặc thực tập ; Cung cấp cơ sở vật chất để tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, seminar khoa học và ưu tiên mang quy mô quốc tế.
15 năm nay, từ tháng 8 đến tháng 11, Ký túc xá Quốc tế luôn kết hợp với Sở Cảnh sát Paris, Cơ quan Nhập cư và Hội nhập Pháp OFII, Quỹ Hỗ trợ gia đình CAF, Bảo hiểm xã hội, Cơ quan môi giới việc làm Pôle-Emploi… để hỗ trợ mọi thủ tục hành chính ngay trong Nhà Quốc tế, nằm giữa khu quần thể. Ngoài ra, các ngày sinh hoạt theo chủ đề (y tế, việc làm…) thường xuyên được tổ chức để giải đáp mọi thắc mắc của sinh viên mới đến.
Diana Tran, một sinh viên Canada theo học thạc sĩ Quản trị, vừa đặt chân đến Paris vào đầu tháng 09/2017, giải thích với RFI tiếng Việt :
“Thủ tục tìm được chỗ ở này tương đối dễ. Nhưng vì có rất nhiều sinh viên tìm cách sống ở đây nên theo tôi, sẽ tốt hơn nếu biết trước là phải cần đến một năm để nộp và chờ xét duyệt hồ sơ, vì có nhiều giấy tờ phải điền đối với một sinh viên quốc tế để ở lại Pháp. Ở đây có đội ngũ tư vấn về giấy tờ hành chính, thủ tục liên quan đến chỗ ở, nhưng sinh viên phải tự làm phần lớn thủ tục”.
Còn Eduwin Aular giải thích rõ hơn : “Ở đây, sinh viên có thể làm thẻ cư trú, thẻ sử dụng giao thông công cộng, thẻ đỗ xe hơi… Tất cả thủ tục đều có thể làm được ở Nhà Quốc Tế, tôi chỉ cần lấy hẹn đến làm”.
Tuy nhiên, để có được một chỗ ở trong Ký túc xá Quốc tế Paris, sinh viên phải đáp ứng một số điều kiện, như giải thích của Diana Tran :
“Nếu bạn muốn có được một chỗ ở trong một ngôi nhà mang tên một nước nào đó, bạn phải là mang quốc tịch đó. Nhưng thực ra còn tùy, theo tôi biết khoảng 10% hoặc 30% số sinh viên sống tại đó mang quốc tịch khác. Để được nhận, sinh viên phải có trình độ từ Master 2 hoặc cao hơn thế.
Tiền thuê nhà rẻ hơn nhiều so với ở ngoài, giao động khoảng 460 euro/tháng. Nhưng sinh viên có thể xin được trợ cấp nhà ở của chính phủ Pháp, khoảng 100 euro/tháng nên họ chỉ còn phải trả tiền thuê khoảng 400 euro”.
Ký túc xá Quốc tế Paris được đánh giá là ký túc xá hòa bình vì trong số 1.000 hoạt động được tổ chức hàng năm tại đây, rất nhiều sự kiện bắt nguồn từ ý tưởng của một sinh viên sống trong ký túc hoặc của một tổ chức đề cao lòng bao dung, nhân quyền, quản lý khủng hoảng và xây dựng hòa bình trên thế giới.
 

Dự án xây thêm 10 ngôi nhà mới

Trong số 40 ngôi nhà, có hai nhà được xếp hạng công trình lịch sử : nhà của Tổ chức Thụy Sĩ (Fondation Suisse) và Trường Hà Lan (Collège néerlandais). Ngoài ra, ba ngôi nhà khác được ghi vào danh sách phụ các công trình lịch sử: Nhà Brazil (Maison du Brésil), một số nhà trong quần thể Tổ chức Deutsch de la Meurthe và Nhà của Tổ chức Hoa Kỳ (Fondation des Etats-Unis).
Sau gần nửa thế kỷ không xây dựng, ký túc xá khởi công một dự án quy hoạch quần thể rộng 34 ha và xây thêm 10 ngôi nhà mới trong giai đoạn 2011-2020 để đón thêm 1.800 sinh viên. Nhà Hàn Quốc, được xây theo thỏa thuận tháng 03/2014 với chính quyền Seoul, dự kiến hoàn thiện năm 2017 sẽ là ngôi nhà đầu tiên được xây thêm từ 45 năm qua, tiếp theo là Nhà Vùng Ile-de-France (Maison de la région Ile-de-France), Nhà Tunisia (Maison de la Tunisie)…
Ngoài ra, các công trình hạ tầng thể thao (7 sân tennis, 1 sân bóng đá, 1 sân bóng rugby, 4 sân basket và bóng ném) cũng được cải tạo nâng cấp, thêm vào đó là nhiều địa điểm văn hóa-giải trí mới cũng được hình thành vì mỗi ngôi nhà mới sẽ được trang bị khu vực tiếp đón, sinh hoạt văn hóa, phòng đa năng và hội trường. Cơ sở hạ tầng của Ký túc xá Quốc tế Paris là một trong những điểm thu hút Diana Tran :
“Ở đây có một phòng thể dục luôn mở cửa, có một nhà ăn sinh viên và rất nhiều hàng cà phê với giá rẻ hơn. Thỉnh thoảng có một số sự kiện được tổ chức chung với các trường đại học để cung cấp thông tin về cuộc sống mới tại khu kí túc xá.
Tôi rất thích cơ sở hạ tầng ở đây vì có nhiều không gian xanh, vì tôi đến từ Canada nơi có rất nhiều rừng. Nhưng điều mà tôi thích nhất, đó chính là sự kết hợp, mọi người từ khắp nơi đến đây. Họ hài lòng được sống ở đây, gặp gỡ những con người khác. Ở đây có sự năng động rất đa dạng”.
Với tất cả những công trình này, Ký túc xá Quốc tế Paris muốn duy trì và biến khả năng hấp dẫn của mình thành một lợi thế trong cuộc cạnh tranh mang tính quốc tế về nền kinh tế kiến thức. Không chỉ dừng ở mục tiêu tiếp đón nhiều sinh viên hơn, Ký túc xá Quốc tế Paris còn muốn tiếp đón chu đáo hơn, khuyến khích trao đổi văn hóa, dung hòa giữa chỗ ở và sinh thái trong một quần thể sinh thái kiểu mẫu

Thu Hằng


 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top