Georges-Eugène Haussmann, Người xây lại Paris

Du Lịch

Người xây lại Paris
Hải Đăng (Theo Discover Walk)
Paris thường được mệnh danh là “kinh đô ánh sáng” (the City of Light). Tuy nhiên không phải lúc nào nó cũng lộng lẫy như vậy, bởi đến giữa thế kỷ 19, nơi này vẫn còn rất chật chội, bẩn thỉu và chết chóc.
Nhờ tài năng của Georges-Eugène Haussmann (1809 – 1891) mà thành phố đã trở nên rộng lớn hơn, với nhiều đại lộ, cây xanh và mang phong cách như ngày nay.
Haussmann sinh tại Paris năm 1809, từ nhỏ đã tỏ ra rất ham học và có năng khiếu nghệ thuật. Lớn lên, ông theo học cả ngành luật lẫn âm nhạc tại Nhạc viện Paris. Nhưng thay vì theo đuổi nghệ thuật, Haussmann đã chọn dấn thân trên con đường quan lộ và nắm giữ một số cương vị quan trọng kể từ năm 1831.

 
Thị trưởng Paris Georges-Eugène Haussmann dưới thời Napoleon III. Ảnh: Wikimedia.

Louis - Napoleon Bonaparte III (1808 - 1873), cháu trai của Napoleon Bonaparte là Tổng thống dân cử đầu tiên của nền Đệ nhị Cộng hòa, được bầu năm 1848. Ngay sau khi lên nắm quyền, ông này bắt đầu ấp ủ một vài dự án tham vọng. Trong số đó, phải kể tới kế hoạch kết nối bảo tàng Louvre (cung điện xưa kia) với Hôtel de Ville (Tòa thị chính) bằng con đường Rue de Rivoli kéo dài, và xây dựng rừng Bois de Boulogne ở phía Tây Paris. Do các dự án liên tục bị chậm tiến độ, Napoleon trở nên bực tức, đổ lỗi cho thị trưởng đương nhiệm Jean-Jacques Berger và nghĩ đến việc thay thế ông này.
Theo luật của Pháp, Napoleon không được tái cử khi kết thúc nhiệm kỳ. Tuy nhiên, ông đã thực hiện cuộc đảo chính (coup d’état) năm 1851 và tự xưng hoàng đế – Napeleon III. Hành động này lại nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía công chúng, nhất là những người yêu mến ông. Ngay lập tức, Napoleon cho tìm kiếm một ứng viên mới thay thế Berger để thực hiện đại kế hoạch quy hoạch Paris. Ông đã cử Bộ trưởng Nội vụ tới phỏng vấn từng vị tỉnh trưởng trên khắp nước Pháp. Haussmann, khi ấy đang là người đứng đầu vùng Yonne, đã lọt vào mắt xanh của Bộ trưởng và được đưa đến diện kiến Napoleon. Ông chính thức được bổ nhiệm thị trưởng Paris vào năm 1853 và nhận trọng trách cải tạo kinh đô thành một nơi an toàn, lành mạnh và đáng sống. “Paris rất cần ánh sáng, không khí, nước sạch và điều kiện vệ sinh tốt”, Napoleon nói.
Trước đó, triển vọng của thành phố là không mấy sáng sủa. Trong vòng 50 năm, dân số Paris đã tăng gấp đôi, đạt hơn 1 triệu người, khiến thành phố ngày càng quá tải, đắm chìm trong nghèo đói và bệnh tật. Tình trạng này đã không được cải thiện nhiều kể từ thời “vua Mặt trời” Lious XIV (1643 – 1715). Không chỉ khó sống, hàng ngàn cư dân Paris đã chết vì những bệnh truyền nhiễm như thương hàn. Chẳng hạn năm 1832, căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.500 người trong chưa đầy một tuần.
Diện mạo mới
Bước đầu tiên của kế hoạch cải tạo là làm cho Paris sạch sẽ và vệ sinh hơn. Haussmann nhận định cần phải khử độc và làm sạch nguồn cấp nước cho thành phố. Do hệ thống cống ngầm được xây dựng trước đó đã quá cũ kỹ và rời rạc, Haussmann liền bổ nhiệm một chuyên gia là Eugene Belgrand (1810 – 1878) làm giám đốc sở cấp thoát nước; cả hai đã phối hợp ăn ý với nhau và cùng đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để cải thiện chất lượng nước sinh hoạt của thành phố.
Không chỉ làm sạch Paris, Napoleon còn muốn nó phải trở nên hấp dẫn về mặt thị giác. Từng sống 12 năm lưu vong tại Anh, ông đã rất ấn tượng với những công viên và đại lộ ở London. Ông thường thắc mắc tại sao người Pháp không học tập để đưa Paris lên ngang hàng hay thậm chí còn đẹp hơn thế.
Trước tình trạng bùng nổ dân số, Haussmann đã cho mở rộng địa giới hành chính Paris thành 20 quận so với 12 trước đó. Trên bản đồ, nếu lấy compa quay từ vị trí Quận 1 theo chiều kim đồng hồ (về phía Đông) thì thước sẽ chỉ Quận 20. Cách chia này tỏ ra vô cùng hợp lý và hiện vẫn đang được duy trì.
Napoleon đã đặc biệt khắt khe khi yêu cầu xây đến 80 km đại lộ để kết nối tất cả các địa danh quan trọng của Paris. Chưa hết, các tòa nhà [trên đại lộ] còn phải có cùng chiều cao lẫn phong cách thiết kế. Văn hào Victor Hugo đã kịch liệt phản đối điều này, rằng sẽ cực kỳ “ngu xuẩn” khi đứng trước những tòa nhà, rạp hát, thương xá, … với vẻ ngoài trông y hệt nhau.

 Phong cách kiến trúc mang dấu ấn Haussmann của Paris. Ảnh: Wikimedia.
Haussmann chính là người đầu tiên cho thực hiện đánh số nhà và công sở, cũng như quy định người dân Paris phải đi lề bên phải. Ông còn cho xây dựng và vận hành hệ thống giao thông công cộng – được đánh giá cực kỳ thuận tiện với giá cả hợp lý. Hai nhà ga Gare de Lyon và Gare du Nord cũng được khai trương trong thời kỳ này, kết nối Paris với các vùng còn lại của nước Pháp. Ngoài ra, khu phố Les Halles, bệnh viện Hôtel-Dieu, nhà hát lớn Opéra Garnier, rừng Bois de Boulogne, Bois de Vincennes, công viên Parc des Buttes-Chaumont và Parc Montsouris, … cũng được hoàn tất. Trong đó, để xây dựng công viên Parc Monceau và vườn Jardin de Luxembourg, chính quyền đã thu hồi một diện tích đất lớn của giai cấp quý tộc. Đó là những thay đổi mang mục đích tốt song không hề dễ chấp nhận.
Trong suốt 17 năm, cả Paris đã biến thành một công trường lớn. Theo ước tính, trước khi dự án hoàn tất năm 1870, có khoảng 1/5 dân số Paris làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Để tưởng thưởng công lao của Haussmann, Napoleon đã phong cho ông danh hiệu Nam tước, mặc dù điều này chỉ mang tính nghi lễ.
Mặc dù Napoleon và Haussmann đã mang lại hạnh phúc cho nhiều người, nhưng số khác lại tỏ ra không đồng ý. Họ nói, mục đích sau cùng của Napoleon khi cho quy hoạch lại Paris là để kiểm soát dân chúng hiệu quả hơn. Các ghi chép cho biết, trong suốt 22 năm cai trị của Napoleon, đã có tới chín cuộc nổi dậy nổ ra. Nhận ra những con phố nhỏ sẽ giúp đám phản loạn dễ dàng lẩn trốn hơn, cho nên ông này mới muốn xây thật nhiều đại lộ và quảng trường để tạo thuận lợi cho việc đưa quân lính vào đàn áp. Bên cạnh đó, Napoleon cũng muốn xóa xổ hết những khu ổ chuột và thay thế chúng bằng cây xanh, công viên, bất chấp cuộc sống của hàng ngàn người sẽ bị ảnh hưởng.
Là người hiện thực hóa các ý tưởng của Napoleon, Haussmann đã hứng chịu nhiều chỉ trích. Ngoài ra, ông còn bị cáo buộc biển thủ và sử dụng công quỹ sai mục đích. Để giữ hình tượng của mình và dẹp yên dư luận, Napoleon đã cho bãi nhiệm Haussmann vào cuối những năm 1860. Mặc dù vậy, Haussmann vẫn đi vào lịch sử như là người thiết kế lại Paris và làm biến đổi bộ mặt của thành phố mãi mãi.
(Theo Discover Walk)

 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top