Lương Vĩnh Kim, LỜI NGUYỀN CỦA TÀI NGUYÊN

LỜI NGUYỀN CỦA TÀI NGUYÊN

Lương Vĩnh Kim

Nước Nga có ba mặt hàng chủ lực : Một là vũ khí, hai là dầu, ba là khí đốt. Các mặt hàng khác, hầu hết đều phải mua của nước ngoài.

Quần áo thì mua của Việt Nam và Bangladesh. Điện thoại di động, tivi, tủ lạnh, ô tô, thiết bị văn phòng đều phải nhập khẩu. Kế thừa truyền thống Liên Xô trước đây, nước Nga hiện nay, hầu như không sản xuất được hàng tiêu dùng có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nước Nga bán vũ khí, bán dầu, bán khí đốt để nhập khẩu tất cả những gì cần thiết. Đất đai rộng lớn, tài nguyên dồi dào, chỉ cần khai thác tài nguyên với chi phí thấp, bán tài nguyên với giá cao, cũng đã đủ nuôi 150 triệu dân Nga ở mức sống cao, nên nước Nga không cần phải sản xuất các mặt hàng khác.

Các ngành nghề khác, nếu có mở ra, thì tiền lương và lợi nhuận cũng không thể cạnh tranh với các ngành phục vụ khai thác tài nguyên, nên không ai làm. Hơn nữa, chính phủ Nga, nắm nguồn lợi từ khai thác tài nguyên, sẽ dễ dàng trợ cấp cho người dân, bằng nhiều hình thức khác nhau, sao cho, làm ít hưởng nhiều hoặc không làm mà vẫn có ăn.

Từ đó, nền kinh tế Nga phụ thuộc vào tài nguyên. Chính phủ Nga nắm tài nguyên, bán tài nguyên, như ông địa chủ phát canh thu tô, gia trưởng, không cần phải lắng nghe bất cứ ai, vì nguồn thu ngân sách chủ yếu là từ tài nguyên, chứ không phải từ tiền thuế của công dân với những phiếu bầu.

Nền chính trị độc tài của Putin, cùng với các nhà tài phiệt, duy trì được lâu, là vì, nền kinh tế của nước Nga dựa trên sự phân chia lợi ích từ tài nguyên. Đây là hiện tượng mang tính qui luật. Nó không chỉ diễn ra ở nước Nga, mà còn, diễn ra ở một số nước khác, sống dựa vào tài nguyên tương tự nước Nga.

Từ sau sau nửa thế kỷ hai mươi đến nay, xảy ra một hiện tượng lạ là các quốc gia giàu tài nguyên lại có tốc độ phát triển kinh tế chậm hơn các quốc gia nghèo tài nguyên. Những nước giàu tài nguyên dầu mỏ như Irac, Iran và một số nước dầu mỏ ở Trung Đông lại phát triển chậm hơn các nước nghèo tài nguyên như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore.
Gần đây nhất là nước Venezuela có tài nguyên dầu mỏ vào loại bậc nhất thế giới nhưng trồi lên sụt xuống rất thất thường. Tổng thống Hugo Chávez quốc hữu hóa các công ty khai thác dầu mỏ để chia lợi tức cho dân, để rồi từ đó dân không phải làm gì mà vẫn có ăn. Giá dầu lên thì đồng bolivar tăng giá, dân chúng sung sướng, hoan hô Tổng thống Hugo Chávez.

Giá dầu xuống thì đồng bolivar mất giá, dân chúng biểu tình. Nền chính trị độc tài của Tổng thống Hugo Chávez xây dựng dựa trên tài nguyên dầu mỏ. Giá dầu lên, Hugo Chávez được hoan hô; giá dầu xuống, Hugo Chávez bị chống đối dữ dội.

Không riêng gì Venezuela, các nước giàu tài nguyên dầu mỏ đều bị nạn độc tài. Saddam Hussein của Iraq là trường hợp độc tài điển hình. Dựa trên nguồn thu từ dầu, ông ta có thể ban phát cho bất cứ ai tiền bạc để họ ủng hộ ông duy trì quyền lực.

Một số nước giàu tài nguyên đã mắc phải những căn bệnh như lười biếng, độc tài và tham nhũng. Ngược lại, một số nước nghèo tài nguyên lại phát triển kinh tế rất nhanh, ít tham nhũng, với nền dân chủ vững chắc, như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc.

Từ những hiện tượng này, các nhà kinh tế học rút ra kết luận về ‘Lời Nguyền Của Tài Nguyên’, nó cũng tương tự như thành ngữ “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt” hoặc “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” của người Việt Nam. Ỷ lại vào tài nguyên, khai thác tài nguyên và sử dụng tài nguyên không đúng cách đều phải trả giá.

Đó là bản chất của Lời Nguyền của tài nguyên. Trong phạm vi gia đình, nếu con cái chỉ chăm chú hưởng lợi từ đất đai, tài sản do cha mẹ để lại, cũng có thể sinh bệnh lười biếng và gia trưởng như các nhà độc tài được hưởng lợi từ tài nguyên quốc gia.

“Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt’ là lời cảnh báo; nếu không biết phòng tránh thì căn bệnh tài nguyên sẽ phát sinh theo đúng lời nguyền của nó.
Lương Vĩnh Kim



 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top