Trúc Giang MN , Anh hùng Trần Văn Bá và “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”

Trúc Giang MN

Kỷ niệm 38 năm ngày VC xử tử

Anh hùng Trần Văn Bá và

“Mặt trận thống nhất các lực lượng
yêu nước giải phóng Việt Nam”


https://encrypted-tbn0.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcQ3KS-twR9qh5ptKTxL1fOb6d7pBLQyDZCJ2ldNL0teZAbdrOAa2Q

Đảng Cộng Sản Việt Nam là một tổ chức tội phạm, đã giết hàng trăm ngàn đồng bào của mình trong Cải Cách Ruộng Đất. Đưa hàng triệu thanh niên “Sinh Bắc tử Nam” vào đánh chiếm miền Nam, để đưa cả nước lên chế độ độc tài, nghèo đói. Sau ngày 30 tháng 4, 1975, những người con thân yêu của Việt Nam Cộng Hòa tập hợp thành những tổ chức đấu tranh cho lý tưởng tự do dân chủ của dân tộc. Ở nước Pháp, “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” ra đời với mục đích đó. Mặt trận chủ yếu gồm có các ông Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá…
 
I. “Mặt trận Thống nhất các lực lượng
     yêu nước giải phóng Việt Nam”.

1. Ban lãnh đạo

 
    Lê Quốc Túy,  Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá

Lê Quốc Túy, chủ tịch.
Mai Văn Hạnh, chủ tịch quốc ngoại. (Ngoài nước Việt Nam).
Huỳnh Vĩnh Sanh và Hồ Tấn Khoa, đồng chủ tịch quốc nội.
Trần Văn Bá, tham mưu trưởng. Lê Phước Sang làm tổng thư ký.
 
2. Chủ trương lật đổ chế độ CSVN bằng giải pháp quân sự.

Từ năm 1981 đến tháng 9 năm 1984, đã có 10 toán xâm nhập vào Việt Nam.
Toán thứ nhất, mật danh là Minh Vương 1, về Việt Nam bằng đường bộ. Từ tỉnh Brat của Thái Lan qua Campuchia. Nhiệm vụ của toán nầy là bắt liên lạc với lực lượng Hòa Hảo với mục đích lập căn cứ kháng chiến ở vùng núi Thất Sơn (Bảy núi), và rừng U Minh Thượng ở Kiên Giang, U Minh Hạ ở Cà Mau.

Đầu tháng 9 năm 1984, toán thứ 10, là một trong những mật danh Minh Vương 2, về nước bằng đường biển. Toán nầy có 21 người, trong đó có Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá.

Toán 10 bị bắt ngay khi đổ bộ vào ven biển ở một làng thuộc  tỉnh Cà Mau vào đêm 12-9-1984.

Theo kế hoạch, thì Lê Quốc Túy về nước trong nhóm nầy, nhưng vào giờ chót ông Túy bị bịnh nặng, phải giải phẩu ở một bịnh viện Pháp.

 

3. Dựa vào Trung Cộng và Thái Lan để thực hiện cuộc kháng chiến.

Vì chủ trương lật đổ chế độ Cộng Sản Việt Nam bằng giải pháp quân sự, mà Mỹ không ủng hộ, nên phải dựa vào Trung Cộng để xin vũ khí và các phương tiện chiến tranh.

Theo những nguồn tin ở Paris, thì vào ngày 30-9-1976, ủy viên sáng lập Mặt Trận của Lê Quốc Túy, là Lai Hữu Tài, được mời tới tòa đại sứ Trung Cộng ở Paris để dự tiệc khoản đãi. Đến năm 1980, Phó Chủ tịch Mặt Trận là Lê Phước Sang đến Bắc Kinh để thảo luận về các phương thức tiến hành cuộc kháng chiến, và xin viện trợ vũ khí. Đồng thời cũng lập một đường dây liên lạc giữa Cục Tình báo Hoa Nam và Mặt trận giải phóng Việt Nam ở Paris.

Trung Cộng viện trợ vũ khí của phe Cộng Sản, như súng AK, B40, chất nổ, máy phát điện, máy truyền tin, và những thiết bị chiến tranh. Trung Cộng in 300 triệu đồng tiền Việt Nam giả.

Năm 1980, tình báo Thái Lan cho sử dụng hai hải cảng Rayon và Samui để làm đầu cầu tiếp vận vũ khí và người vào Việt Nam.
 
4. Nói về việc xâm nhập vào Việt Nam
Việc xâm nhập vào Việt Nam chỉ có hai con đường, đó là đường bộ và đường biển.

1). Về đường bộ.
Việt Nam và Campuchia có biên giới từ Quảng Ngãi, Qui Nhơn đến Cà Mau. Biên giới hai nước rất dài, thế nhưng không có thể đổ bộ lên đất liền ở chổ nào cũng được, vì không thể băng qua rừng già, trèo đèo, lội suối, mà chỉ có thể đi trên đường mòn mà dân buôn lậu, bán và mua hàng hóa trốn thuế, kể cả hàng quốc cấm của hai nước. Buôn lậu là trốn thuế ở những nơi có hải quan. Đi đường mòn, ngoài dân buôn lậu ra, người nước ngoài muốn về nước thì cần phải có người dẫn đường.

2). Về đường biển.
Bờ biển VN hình chữ S, từ Hải Phòng đến Cà Mau. Về phần biển Nam Bộ, cũng không có thể muốn xâm nhập vào nội địa ở bất cứ địa điểm nào cũng được. Bởi vì, không có thể lội nước, lội sình lầy để xuyên qua những vạt rừng như rừng tràm, rừng đước để vào nội địa. Nhất là không thể mang vũ khí và các dụng cụ chiến tranh. Vì thế, việc đổ bộ phải dùng những con đường mòn mà ngư dân ra vào hàng ngày để đánh, bắt cá.
Như vậy, việc xâm nhập vào Việt Nam cũng không dễ dàng về mặt an toàn và an ninh.
Việc xâm nhập vào VN chỉ có một lần bằng đường bộ, có tên Minh Vương 1. Những việc xâm nhập bằng đường biển có tên Minh Vương 2.

 
II. Những sai lầm nghiêm trọng của  “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”
 
1. Họp báo là “Lạy ông con ở bụi nầy”

Ngày 17-2-1976, tại khách sạn Meridien, Paris, hai ông Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh tổ chức cuộc họp báo để công khai ra mắt Mặt trận. Có 300 khách mời, gồm các lực lượng lưu vong ở Pháp, đại diện các báo chống Cộng như tờ L’Aurore, tạp chí Valeur Actuelles. Ngồi hàng đầu có các ông Trần Văn Hữu, cựu thủ tướng thời Bảo Đại, Trần Xúy, một sĩ quan của văn phòng Tướng Đỗ Cao Trí, đại diện các Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng Pháp, và đại diện các công ty Pháp.

Ông Túy phổ biến ba giai đoạn của cuộc kháng chiến lật đổ chế độ Cộng Sản Việt Nam.

Giai đoạn 1. (Từ năm 1977 đến 1980) Huy động tài chánh cho tổ chức
Giai đoạn 2. (Từ 1981 đến 1985) Đưa người và phương tiện vào Việt Nam. Thiết lập các mật khu, căn cứ, dẫn đến việc chiêu mộ người trong nước.
Giai đoạn 3. (Từ 1985). Tiến hành cuộc kháng chiến quân sự để lật đổ chế độ Cộng Sản.

Cuộc du kích chiến phải tuyệt đối giữ bí mật. Họp báo để công khai Mặt trận là một sai lầm, góp phần tạo ra những bản án tử hình cho những người yêu nước. Sau cuộc họp báo, gián điệp Việt Cộng ở tòa đại sứ Paris đã điện khẩn về nước. Đương nhiên là ngành an ninh tìm cách đối phó.
 
2. Không biết địch, không biết mình

1). Không biết về Việt Cộng

Có một danh ngôn trong binh pháp của Tôn Tử, hàng ngàn năm về trước, có câu “Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng”
“Biết mình biết người (địch) trăm trận trăm thắng” là nguyên tắc tác chiến nổi tiếng trên thế giới. Ở đây, những nhà hoạch định chiến lược không biết về Việt Cộng, và cũng không biết về mình nên thất bại là lẻ tất nhiên.

a). Về mặt an ninh của Việt Cộng

Về an ninh, Việt Cộng dùng chế độ công an trị để kềm kẹp người dân. Từ đơn vị nhỏ nhất là xã, ấp đến quận huyện, phường khóm. Một công an khu vực kiểm soát hàng chục gia đình trong khu vực trách nhiệm. Kiểm tra hộ khẩu bất cứ lúc nào để tìm người vắng mặt, hoặc có người mà không có tên trong hộ khẩu. Chế độ tạm trú, tạm vắng được thi hành triệt để.

Ngoài công an khu vực ra, còn có tổ dân phố tại mỗi phường. Công an sở tại dựng những tên “không ra gì” lên làm tổ trưởng, tổ phó an ninh. Được công an chống lưng, những tên “không ra gì” làm việc tích cực theo chỉ thị của công an.

Con mắt của công an ở khắp nơi, dòm ngó từng ngỏ ngách của các gia đình trong khu vực.
Ngoài hộ khẩu kiểm soát con người ra, còn có sổ gạo để kiểm soát cái bao tử của người dân. Trong nhà có người trốn thi hành “nghĩa vụ quân sự” (quân dịch) thì bị cắt sổ gạo, xóa tên trong hộ khẩu. Bà con, dòng họ cũng không có ai dám chứa chấp người trốn quân dịch cả, vì không có gạo cho một miệng ăn.

Người ở xa muốn đến thăm bà con, thì phải mang theo gạo. Nếu mang trên 10Kg gạo, thì phải xin phép công an.

Trong tình trạng thực tế là công an trị kềm kẹp người dân như thế, mà những nhà hoạch định chiến lược của Mặt trận không biết được, không thấy được, thì thất bại không tránh khỏi.

Thật ra, muốn tìm hiểu về vấn đề nầy, thì không có gì khó khăn cả.

Cứ tổ chức những nhóm văn nghệ giúp vui, những nhóm cứu trợ nhân đạo, đến những trại tập trung người tỵ nạn thuyền nhân, kín đáo dò hỏi thì biết ngay.

Ngoài ra, còn cả chục hình thức điều tra thực tế, hợp pháp để làm kế hoạch về chiến lược giải phóng Việt Nam.

Tình trạng người dân bị kiểm soát chặt chẽ như thế, thì làm sao mà Mặt trận hoạt động, tuyên truyền để tuyển mộ kháng chiến quân.


b). Về mặt quân sự của Việt Cộng vào những năm 1980

Việt Cộng phải tham gia cuộc chiến tranh biên giới ở 7 tỉnh phía bắc, từ ngày 17-2-1979 đến 16-3-1979, mà Đặng Tiểu Bình gọi là “Dạy cho Việt Nam một bài học” về việc lừa thầy phản bạn.
Đồng thời, quân đội VC đã đánh tan Khmer Đỏ của Pol Pot, chiếm đóng Campuchia từ năm 1979 đến năm 1985.
Tóm lại, về quân sự thì rất yếu. Tuy nhiên, VC có đầy đủ vũ khí và các binh chủng: hải, lục, không quân, dư sức đánh tan một lực lượng kháng chiến cấp trung đội (50 người).

c). Về mặt kinh tế

Trước năm 1986, Việt Cộng còn theo kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp. Lạm phát 700%. Dân đói, ăn bo bo hay ăn độn với các thứ khoai. Cuối cùng phải từ bỏ nền kinh tế quốc doanh, mở cửa hội nhập vào kinh tế tư bản.
Người dân không đủ gạo để ăn thì kháng chiến quân lấy gì để nấu cơm?
 
3). Không biết mình

a). Hoa Kỳ không ủng hộ “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”.
Hoa Kỳ không ủng hộ “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” vì lý do ảo tưởng, không thực tế, bất khả thi. Trong khi đó, Hoa Kỳ muốn thành lập quan hệ ngoại giao bình thường với Việt Nam.

Sau một thời gian dài chuẩn bị bằng những cuộc “đi đêm”, Việt Cộng đòi Hoa Kỳ phải bồi thường chiến tranh là 5 tỷ USD, sau đó Tổng Thống Nixon đồng ý trả 3.25 tỷ USD. Đi đêm về việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA-Missing In Action), và bồi thường thiệt hại do chất độc da cam (Agent Orange-Dioxin) tạo ra…thì đến năm 1995, Tổng thống Bill Clinton đến thăm Việt Nam để lập quan hệ ngoại giao bình thường giữa hai nước.

b). Dựa vào Trung Cộng là sai lầm lớn nhất.

Mục đích của Trung Cộng là lật đổ nhóm lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam chủ trương theo Liên Xô, chớ không phải tiêu diệt chế độ Cộng Sản.

Trung Cộng giúp đỡ tổ chức nầy bằng cách cung cấp vũ khí của phe Cộng Sản như súng AK, B.40, chất nổ, máy phát điện, máy truyền tin, cho sử dụng hai chiếc tàu, in tiền giả của Việt Cộng…

Về mặt chiến lược quốc tế, Trung Cộng không bao giờ muốn có một quốc gia dân chủ, tự do, không Cộng Sản, nằm sát bên hông của họ, vì Hoa Kỳ có thể lập căn cứ quân sự, đặt những giàn hỏa tiễn chỉa vào yết hầu của họ. Thực tế hơn nữa, Trung Cộng chỉ muốn kiểm soát toàn diện ven biển của Việt Nam, để bảo đảm an ninh cho hạm đội tàu ngầm của họ, ở căn cứ Du Lâm, thuộc đảo Hải Nam, đi ra biển lớn để chống Mỹ và liên minh. Muốn  kiểm soát ven biển được an toàn, thì phải kiểm soát phần nội địa của ven biển, tức là toàn bộ nước Việt Nam, mà tốt nhất là một chế độ Cộng sản do những tay say của Bắc Kinh lãnh đạo.

Tàu ngầm Trung Cộng không thể ra Thái Bình Dương ở phía đông của họ, vì ở đó có nhiều căn cứ quân sự của các nước không Cộng Sản như: Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, và những căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Okinawa (Nhật Bản), đảo Guam và tiểu bang Hawaii của Mỹ.

Biển Đông ở phía nam Trung Cộng, là hải lộ duy nhất và thuận tiện, an toàn cho tàu ngầm ra biển lớn, vì Trung Cộng đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, và 7 đảo ở Quần đảo Trường Sa, gồm có: Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Gaven (Gaven Reef), Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef), và đặc biệt là Đá Gạc Ma (Johnson South Reef). “Đá” là những bãi được xây thành đảo nhân tạo. Reef là đá ngầm.

Về Đảo Gạc Ma, Đại tướng Lê Đức Anh đã dâng đảo Gạc Ma cho quan thầy Trung Cộng, bằng “lịnh ra trận cấm nổ súng” hồi năm 1988.

Nói thêm về vụ “Ra trận cấm nổ súng” để làm nổi bật hành vi bán nước của Việt Cộng thời đó.

Báo nhà nước loan tin, trong trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma vào ngày 14-3-1988, “bộ đội ta đã anh dũng bảo vệ lá cờ tổ quốc”.

Trung sĩ Nguyễn Văn Lanh (1966) vai mang súng AK, hai tay cầm chặt lá cờ. Một tên lính Trung Cộng xông đến giật cờ. Hai bên giằng co, thì tên lính Trung Cộng dùng lưỡi lê đâm lòi ruột trung sĩ Lanh. Thấy mất cờ, thiếu úy Trần Văn Phương (1965), vai mang vũ khí cá nhân, liền hiên ngang tiến đến giật cờ lại. Tên lính Trung Cộng liền bắn một phát vào đầu thiếu úy Phương. Thiếu úy Phương vẫn ôm chặt lá cờ trước khi hết thở. Kết cuộc, những chiến sĩ anh hùng thi hành triệt để lịnh ra trận cấm nổ súng, và Việt Nam đã có 64 liệt sĩ.

Trở lại Trung Cộng quyết bảo vệ Biển Đông.
Ở phía tây, Trung Cộng đã chiếm và lập căn cứ quân sự ở đầu bờ biển hình chữ S của Việt Nam, đó là đặc khu Vân Đồn mà Nguyễn Phú Trọng cho thuê 99 năm. Vụ việc bị dân chúng biểu tình phản đối.

Tóm lại, dựa vào Trung Cộng để tiêu diệt nước Cộng sản Việt Nam là một sai lầm nghiêm trọng. Đưa đến thất bại. Vì Trung Cộng chỉ muốn lợi dụng Mặt trận nầy để làm suy yếu VN mà thôi.
 
4. Toán thứ nhất xâm nhập thành công vào Việt Nam

Năm 1980, tướng tình báo lục quân Thái Lan tên Kriangsak Chamana, giúp đỡ mặt trận giải phóng Việt Nam trong việc huấn luyện biệt kích và cho phép biệt kích Việt Nam được sử dụng hai hải cảng Rayon và Samui, làm đầu cầu tiếp vận vũ khí và người của mặt trận để xâm nhập vào Việt Nam.

Ngày 12-1-1981, một toán biệt kích gồm 33 người, do Trần Minh Hiếu bí số K.64 làm trưởng toán, xâm nhập Việt Nam bằng đường bộ. Từ tỉnh Trat của Thái Lan, đến Campuchia thì được người lính của tàn quân Khmer Đỏ, tên Săm Sua hướng dẫn toán nầy xâm nhập Việt Nam bằng đường bộ.
Khmer Đỏ đã bị quân Việt Nam đánh tan, phải chạy đến biên giới Thái Lan. Do Trung Cộng chỉ thị nên đã giúp toán nầy xâm nhập vào Việt Nam.

Toán thứ nhất xâm nhập thành công vào Việt Nam
 
5. Vì nhớ mẹ, người yêu nước trở thành kẻ phản bội

Ngày 18-1-1981, Trần Minh Hiếu đã lén trở về huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang để thăm mẹ. Bà mẹ rất vui mừng bật khóc, và ngạc nhiên, vì con đã vượt biên mà nay trở về với thái độ bất thường để giữ bí mật. Bị mẹ gặng hỏi, Hiếu nói thật, là trở về kháng chiến để lật đổ chế độ Cộng Sản. Lo sợ nguy hiểm cho tánh mạng của con, người mẹ thuật lại cho ông cậu của Hiếu là ông Mười Lắm, phó công an huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.

Dùng tình cảm để thuyết phục, đồng thời đe dọa, thế là Trần Minh Hiếu thú nhận anh ta cùng 23 người xâm nhập Việt Nam để thành lập mật khu kháng chiến ở rừng U Minh Hạ, Cà Mau. Kết hợp với lực lượng Cao Đài và Hòa Hảo, tổ chức kháng chiến để lật đổ chế độ Cộng Sản ở Việt Nam. Anh ta cũng thú nhận là người của “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do hai ông Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh ở Pháp.

Trần Minh Hiếu cam kết lấy công chuộc tội. Đồng thời chỉ điểm cho công an Việt Cộng bắt tất cả những người trong toán xâm nhập vào Việt Nam. Người quan trọng nhất tên Lê Hồng Dự, là một nhân viên truyền tin.

Lúc đó, một người Miên thuộc quân Khmer Đỏ tên Săm Sua, đã ra đầu thú với quân Việt Cộng đang chiếm đóng Campuchia từ năm 1979 đến năm 1985. Anh ta cho biết, trước đó, chính y đã hướng dẫn một toán người Việt xuyên qua Campuchia để xâm nhập vào Việt Nam.

Do lời khai của Trần Minh Hiếu, ngày Tết năm 1983, an ninh Việt Nam bắt nhóm Cao Đài gồm có Hồ Tấn Khoa, Võ Văn Nhơn, Nguyễn Ngọc Hòa.
 
III. Việt Cộng thành lập kế hoạch CM-12


Tổng hợp những tin tức từ cuộc họp báo ở Paris ngày 17-2-1976 đến những lời khai của Trần Minh Hiếu, Lê Hồng Dự và tên Săm Sua lính Khmer Đỏ, an ninh Việt Nam thành lập Kế hoạch CM-12. CM là viết tắt của Cà Mau, 12 là con số chỉ ngày xâm nhập vào Việt Nam ngày 12-1-1981.

Kế hoạch được Bộ trưởng Công an Phạm Hùng phê chuẩn. Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm chỉ huy, và Thiếu tá Nguyễn Tấn Dũng, trưởng công an Cà Mau, thi hành.

Trần Minh Hiếu và Lê Hồng Dự bắt buộc phải tham gia CM-12.

CM-12 bắt đầu liên lạc lần đầu tiên vào lúc 21 giờ ngày 25-5-1981. Một bức điện ngắn nội dung như sau “Tất cả đều an toàn. Đang tiến hành theo kế hoạch. Vũ khí đã chôn giấu xong. Cần 2 nhân viên hoạt động thành, và tiền bạc. Hẹn 20 giờ ngày 28-5-1981 sẽ lên máy”.

Cứ như thế, những toán kế tiếp lần lượt xâm nhập vào Việt Nam ở những điểm hẹn do Việt Cộng ấn định. Toàn bộ vũ khí và con người không thoát khỏi cái bẫy của Việt Cộng.

Từ năm 1981 đến tháng 9 năm 1984, đã có 10 toán xâm nhập vào Việt Nam. Toán thứ 10, đi đường biển có 21 người, trong đó có Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá. Bị bắt khi đổ bộ vào Cà Mau đêm 11-9-1984.

Thất bại nặng nề do kháng chiến quân Trần Minh Hiếu không biết đặt tình nước lên trên tình nhà. Không biết được hậu quả thảm khốc do việc về thăm mẹ gây ra.

 
IV. Tòa án Việt Cộng xét xử những thành viên của “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”
 
1). Diễn tiến vụ án
Ngày 14-12-1984, 21 kháng chiến quân thuộc “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước Giải phóng Việt Nam” đã bị đem ra xử, ở phiên tòa diễn ra tại nhà hát lớn Sài Gòn (Tòa nhà Hạ Viện VNCH). Bị cáo buộc về tội phản quốc.

Công tố viên Việt Cộng Trần Tế cho biết, từ đầu tháng 1 năm 1981, an ninh Việt Nam đã phát hiện một tổ chức gián điệp đã xâm nhập vào Việt Nam. Cáo trạng cho biết, ông Lê Quốc Túy là chủ tịch của tổ chức. Mai Văn Hạnh là chủ tịch quốc ngoại. Huỳnh Vĩnh Sanh và Hồ Tấn Khoa là chủ tịch quốc nội. Trần Văn Bá làm tham mưu trưởng. Lê Quốc Quân (em của Lê Quốc Túy) phụ trách lực lượng vũ trang.

Phiên tòa còn triển lãm chiến lợi phẩm đã thu nhận được. Công tố viên Việt Cộng tố cáo, Trung Quốc đã tài trợ mạnh mẽ cho các gián điệp. Tình báo Thái Lan bị cho là đã hợp tác chặt chẽ với âm mưu phá hoại của gián điệp để cướp chánh quyền.
 
2). 21 bị cáo gồm có:

Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, Huỳnh Vĩnh Sanh, Hồ Thái Bạch, Trần Nguyên Hùng, Tô Văn Hườn, Hoàng Đình Mỹ, Thạch Sanh, Nguyễn Văn Trạch, Nguyên Bình, Nguyễn Văn Hậu, Nhan Văn Lộc, Lý Vinh, Trần Ngọc Ẩn, Cai Văn Hùng, Đặng Bá Lộc, Thái Văn Dư, Trần Văn Phương, Nguyễn Phi Long, Nguyễn Văn Cầm.
 
3). 5 án tử hình gồm có:


   Trần Văn Bá, Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Quân, Huỳnh Vĩnh Sanh, Hồ Thái Bạch.

Sau đó, Mai Văn Hạnh và Huỳnh Vĩnh Sanh cải sang tù chung thân. Do chính phủ Pháp can thiệp nên ông Mai Văn Hạnh được thả ra vào ngày 2-9-2005.
Trần Văn Bá không ký tên nhận tội, và cũng không làm đơn xin ân xá. Ông bị xử bắn vào ngày 8-1-1985.

 
V. Vài nét về tiểu sử Trần Văn Bá
 
1. Tiểu sữ

           
Trần Văn Bá (14-5-1945 – 8-1-1985), sinh tại Sa Đéc. Là con thứ của ông Trần Văn Văn, dân biểu Việt Nam Cộng Hòa, bị Việt Cộng ám sát vào ngày 7-12-1966 tại Sài Gòn.
Sau khi cha chết, Trần Văn Bá sang Pháp du học.
Ông giữ chức Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Việt Nam từ năm 1973 đến 1980. Tốt nghiệp trường kinh doanh thương mại  (École des Hautes Études Commerciales de Paris).
Ông Bá làm trợ giảng tại Đại học Nantes (Pháp).



Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Việt Nam, Trần Văn Bá, tổ chức biểu tình để tang, 3 ngày sau khi Sài Gòn bị mất vào tay Cộng Sản

Năm 1972, ông dẫn đầu một phái đoàn sinh viên Việt Nam du học ở Châu Âu, về Việt Nam để thăm viếng và ủy lạo thương binh Việt Nam Cộng Hòa trong chương trình “Nối Vòng Tay Lớn”, mục đích vinh danh các chiến sĩ đã dũng cảm bảo vệ đất nước, chống Cộng Sản.
 
2. Vinh danh anh hùng Trần Văn Bá


Cô Sarah Hồ, đại diện sinh viên Viẹt Nam Nam California, đọc tiểu sử anh hùng Trần văn Bá.
Mô hình Tưởng Niệm và Vinh Danh Anh hùng Trần văn Bá bằng đất sét cao 44cm do ĐKG Phạm thế Trung thực hiện.

Tại LiègeBỉ, đã có một mộ bia tưởng niệm dành cho ông. Ở Falls Church, Virginia, có một con đường mang tên Trần Van Bá.
Tiến sĩ Lee Edwards, chủ tịch Sáng hội Tượng đài Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản trên thế giới, phát biểu với đài Á Châu Tự Do về trường hợp ông Trần Văn Bá:
"Sau khi tham khảo ý kiến đồng sự, bạn hữu và những người quen trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, Sáng hội nhất trí chọn Trần Văn Bá là trường hợp tiêu biểu của sự tranh đấu đòi tự do để trao tặng huy chương cho ông."


Từ trái qua phải: Ông Huỳnh Phổ (bên trái) và ông Võ Văn Thiệu, đồng Trưởng Ban Tổ Chức trước bàn thờ anh hùng Trần Văn Bá./  Huy chương Tự do Truman-Reagan /Tiến Sĩ Trần Văn Tòng, anh ruột của anh hùng Trần Văn Bá trong buổi lễ truy tặng huân chương tự do Reagan-Truman vào ngày 15 tháng 11, 2007.


Thân nhân ông Trần Văn Bá đã được thông báo và được mời đến nhận huy chương Tự do Truman-Reagan trong buổi lễ được tổ chức tại đại sứ quán Hungary ở thủ đô Washington, D.C. vào chiều ngày 15 tháng 11 năm 2007.


Tháng Chín 2008, Hội đồng thành phố Paris, Pháp, dự định khánh thành bia tưởng niệm Trần Văn Bá tại số 47-49 đại lộ Ivry, quận 13 Paris, nhưng vì áp lực của Nhà nước Cộng Sản Việt Nam cùng một số tổ chức Việt Kiều Yêu Nước, việc này bị bác bỏ theo nghị quyết ngày 16/9/2008 của tỉnh trưởng Vùng Iles-de-France và tỉnh trưởng Paris.
 
VII. Lê Quốc Túy


Lê Quốc Túy sinh ngày 1-1-1934 Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Mất ngày 25-1-1988 tại Paris, Pháp.
Lên Sài Gòn, học trung học Pétrus Ký. Thi đậu tú tài 1 năm 1950. Tình nguyện gia nhập Không quân Pháp. Được đào tạo phi công ở Marrakech (Maroc). Năm 1956, Lê Quốc Túy về Việt Nam, phục vụ Phi đoàn Vận tải của Không quân Việt Nam Cộng Hòa, ở Tân Sơn Nhất.
Tháng 5 năm 1958, giải ngũ và làm huấn luyện viên phi công cho Hàng không Việt Nam. Cuối năm 1958, Lê Quốc Túy cùng vợ và hai con xuất cảnh sang Pháp. Nhập quốc tịch Pháp, và tiếp tục học, tốt nghiệp kỹ sư hóa học.

Năm 1963, ông Túy sang Phnom Penh, làm đại diện cho một cơ quan của LHQ.

Ở Campuchia, ông gặp và kết bạn với cha con ông Hồ Tấn Khoa. Ông Khoa là một chức sắc Cao Đài, chống Tổng thống Ngô Đình Diệm nên sang tỵ nạn ở Phnom Penh.
Năm 1975, Lê Quốc Túy về Việt Nam hai lần. Lần đầu vào tháng 3, và lần sau vào tháng 4/1975. Lần nầy ông bị kẹt ở VN. Đến tháng 7/1975 ông xuất cảnh sang Pháp, vì là công dân Pháp.

 
VIII. Vài nét tổng quát về Mai Văn Hạnh


Mai Văn Hạnh sinh năm 1928, quê quán ở Hà Nội, xuất thân từ một gia đình công chức. Mai Văn Hạnh gia nhập Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, với cấp bậc trung úy.
Vì bất mãn với chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông sang Pháp và nhập quốc tịch Pháp. Vợ người Pháp tên Mary Vone Dagorne. Làm phi công của hãng Hàng Không Pháp (Air France).
Ông Hạnh quen biết và kết thân với Lê Quốc Túy khi học làm phi công do ông Túy huấn luyện. Do chính phủ Pháp can thiệp, nên ông Mai Văn Hạnh được trả tự do vào ngày 2-9-2005.
 
Kết luận
Trần Văn Bá và những anh hùng, là những người con thân yêu của đất nước, đã hy sinh tánh mạng cho lý tưởng tự do, dân chủ của dân tộc. Thật đáng vinh danh. Sở dĩ phân tích tỉ mỉ để làm bài học kinh nghiệm cho những cuộc đấu tranh giải phóng Việt Nam thoát ra khỏi chế độ độc tài Cộng Sản.
Cũng chả trách gì những sai lầm của “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”. Vì cả hai lãnh đạo, một người là sĩ quan không quân, một người là sĩ quan hải quân. Họ không phải là những chính trị gia chuyên nghiệp. Chỉ nổi bật lòng yêu nước rất đáng vinh danh là anh hùng dân tộc.

Trúc Giang MN
Minnesota ngày 29-5-2023

 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top