Thực phẩm tương lai


Thực phẩm tương lai
Huy Lâm


Dân số thế giới ngày một tăng dần và đến giữa thế kỷ 21 sẽ vượt quá con số 9 tỷ người. Với ngần ấy miệng ăn, các nhà nghiên cứu nói rằng số lượng thực phẩm sản xuất cũng sẽ phải tăng thêm 70 phần trăm. Vậy người ta phải làm gì để có thể cung cấp đủ thực phẩm cho 9 tỷ miệng ăn mà không cần phải đốn cây phá rừng khai hoang đất trồng hoặc tránh không phải nhờ cậy đến những đại công ty sản xuấtlương thực mà Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc cho rằng đã tác động một phần lớn đến hiện tượng biến đổi khí hậu? Và người ta phải làm gì để giữ cho đất được tốt, không bị sói mòn để cây trồng còn tiếp tục mọc được? Đây là những câu hỏi mà cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng? Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là bữa ăn của chúng ta trong nửa thế kỷ tới sẽ rất khác so với bữa ăn chúng ta có ngày nay.
Các nhà nghiên cứu đưa ra hai lối tiếp cận hoàn toàn khác nhau nhưng cùng mang đến kết quả là sự xuất hiện của một số thực phẩm mới mà chúng ta sẽ đặt lên trên bàn ăn mỗi ngày trong tương lai. Một lối tiếp cận nổi bật và được chú ý hơn cả là dựa vào ngành công nghiệp kỹ thuật cao – xuyên qua những phòng thí nghiệm tân tiến, những biểu đồ DNA, và những cuộc vận động đầu tư quy mô cho các hoạt động thí nghiệm. Theo lối này ta sẽ bắt gặp những loại chất đạm chưa từng thấy trước đây trong những miếng thịt không phải từ gia súc; ta sẽ được chứng kiến người ta biến những loại rong tảo thành những thỏi bơ thơm ngon, và rất có thể chúng ta không cần đến một bữa ăn rình rang nữa mà thay vào đó là một lon nước có chứa đầy đủ chất bổ dinh dưỡng cho một ngày.
Và kia là lối tiếp cận tương đối bình lặng hơn – vẫn cần đến đất trồng nhưng ít bị lệ thuộc vào kỹ thuật hơn – sẽ đưa kỹ thuật trồng trọt như hiện nay bước vào giai đoạn phát triển mới. Qua lối tiếp cận này, ta sẽ thấy người ta lấy những loại hạt thời cổ đại rồi đem thuần chủng và biến chúng thành những thực phẩm hạt ăn được, hơn nữa, lại được thu hoạch liên tục trong nhiều năm chứ không phải gieo trồng mỗi năm như thóc lúa hiện nay, và mang đến cho nhân loại niềm hy vọng là ngành nông nghiệp tương lai sẽ ít ảnh hưởng xấu tới môi trường thiên nhiên. Cũng thế, ta còn được chứng kiến việc chế biến một loại thực phẩm mới lấy từ một trong những chất đạm xưa nhất của nhân loại: côn trùng.

Hiện nay chưa ai dám khẳng định lối tiếp cận nào hợp lý hơn. Nhưng để có thể nuôi sống 9 tỷ miệng ăn người ta cần phải vận dụng tất cả mọi khả năng kỹ thuật và sự hiểu biết có được thì mới có thể gặt hái được kết quả thực tế.
Vậy những loại thực phẩm trong tương lai sẽ có hình dạng ra sao? Chưa ai dám đoán trước nhưng chắc chắn sẽ gây nhiều ngạc nhiên bất ngờ. Tuy nhiên, đã có một vài món thực phẩm thí nghiệm thành công, hiện đang trong giai đoạn hoàn chỉnh và nay mai có thể xuất hiện trên bàn ăn của nhiều gia đình.

Một trong những món ăn có thể xuất hiện sớm nhất là côn trùng – hay nói rõ hơn là cào cào châu chấu – dưới dạng những thỏi bánh, những miếng chips hoặc những loại thực phẩm chế biến sẵn.
Thực ra loại chất đạm này không hẳn mới. Cào cào châu chấu đã là món ăn chơi ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở Á châu – như trên đảo Java của Nam Dương, chúng được lăn bột chiên, trong khi ở Thái lan chúng được chiên thẳng trong chảo dầu – nhưng ở khu vực Bắc Mỹ đến nay vẫn còn khá xa lạ và chưa có mấy người dám nếm thử.
Theo các nghiên cứu khoa học, cùng một trọng lượng, cào cào châu chấu cung cấp chất đạm nhiều hơn thịt bò. Chúng rất dễ nuôi và sinh sản rất nhanh mà không tốn quá nhiều chỗ. Chất thải của cào cào châu chấu không gây tác hại nhiều đến môi trường thiên nhiên như phân heo hoặc bò. Mặc dù hiện nay giá thành còn khá cao, nhưng theo trang trại Aspire ở tiểu bang Texas, khi việc sản xuất cào cào châu chấu theo đại trào thì giá thành sẽ thấp và đến lúc đó hy vọng có nhiều người Mỹ sẽ chịu thử đưa vào thực đơn của bữa ăn gia đình.
Trong danh sách những thực phẩm tương lai, người ta chỉ ra có một loại hạt có thể đóng góp phần quan trọng trong việc nuôi ăn 9 tỷ miệng người. Đây là một loại cỏ mọc rất nhiều ở vùng bình nguyên của nước Mỹ. Nguyên thủy người ta dùng để nuôi gia súc và được xem gần như loài cỏ dại. Nhưng vào thập niên 1980 khi các nhà nghiên cứu bắt đầu lo ngại cách thức trồng lúa và những loại hạt khác theo từng vụ mùa có thể làm cho đất chóng bị cằn cỗi. Thế rồi các nhà nghiên cứu cố thử đi tìm một giống cây cho hạt khác để thay thế và họ đã chọn giống “cỏ mì”(wheatgrass) để thí nghiệm.

Đến thập niên 2000, nhóm nghiên cứu nông nghiệp Land Institute ở Kansas đã lai được giống cỏ này để cho hạt nhiều và to hơn, và chống được bệnh được gọi là cây Kernza.
Loại cây Kernza này có rễ toả rộng và có khả năng sinh hạt trong thời gian năm năm. So với những giống lúa mì truyền thống thì mỗi năm sinh hạt được một lần rồi lại phải trồng lại.
Tiệm bánh Bien Cuit ở Brookly (New York) đã lấy hạt Kernza làm bánh mì thành công. Một vài công ty bia cũng đã dùng hạt Kernza để cất thử bia và được biết uống khá ngon. Ít năm nữa ta sẽ thấy những loại thức ăn, thức uống mới này sẽ được bày bán trên thị trường.
Trong khi dân số thế giới tăng, điều hiển nhiên là nhu cầu ăn thịt cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, kỹ nghệ nuôi và sản xuất thịt không ít thì nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường. Thế nên đã có nhiều nỗ lực tìm cách chế biến thịt từ những loài thảo mộc. Một trong những công ty đã sản xuất thành công loại “thịt bò” làm từ đậu nành và một số loại đậu khác là Beyond Meat. Một điều dễ hiểu khi người ta dùng đậu để chế thịt là vì trong đậu có chứa chất béo và chất đạm giống như trong thịt.

Công ty Beyond Meat đã làm được những miếng hamburger có chứa đầy đủ calorie, chất đạm và chất béo giống như thịt bò. Và điều quan trọng là khi khách hàng nhai miếng thịt đó trong miệng thì có cảm giác như nhai thịt bò thật vậy. Hiện nay sản phẩm này đang được bán ở nhiều siêu thị và nhà hàng – trong đó có hệ thống nhà hàng nổi tiếng TGI Friday’s.
Chúng ta cũng biết nhân loại đã biết lấy trái ô lưu ép dầu từ nhiều ngàn năm trước, nên việc ép rong tảo thành dầu cũng sẽ không là vấn đề khó khăn. Và tiêu thụ dầu lấy từ rong tảo sẽ là xu hướng của thế kỷ 21, và năm 2015 người ta đã ép được loại dầu ăn từ rong tảo có tên gọi Thrive. Loại dầu ăn này lỏng, có mùi vị trung hoà với chất béo không bão hoà cao và chịu được nóng.
Nhìn ở khía cạnh môi trường, dầu rong tảo cần ít đất và nước hơn những loại dầu ăn khác, trong khi cung cấp nhiều chất béo không bão hoà (tốt) và ít chất béo bão hoà (xấu) hơn dầu ăn bình thường.
Năm 2017, công ty kỹ thuật sinh học Corbio của Hoà Lan, nơi đã chế ra dầu rong tảo Thrive, cũng đã thành công chế được bơ từ rong tảo, và cuối năm nay sẽ được tung ra thị trường.
Riêng thịt gà thì lâu nay đã có nhiều công ty đã thí nghiệm, và công ty nào thí nghiệm thành công chắc chắn sẽ hốt bạc là vì đây là loại thịt tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới – mỗi năm người ta cho hoá kiếp 50 tỷ con gà để lấy thịt. Hiện nay có khoảng 15 công ty đang cho thử nghiệm để chế ra loại thịt gà từ thảo mộc, và thậm chí cả gan ngỗng nữa.
Năm 2016, công ty Memphis Meats ở Mỹ tuyên bố chế thành công một mẫu thịt bò viên trong phòng thí nghiệm và một năm sau họ chế được thêm thịt gà. Tháng 1 vừa qua, công ty SuperMeat của Israel cũng tuyên bố trong vòng hai năm nữa họ sẽ cho sản xuất sản phẩm thịt gà của họ.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là loại thịt gà phòng thí nghiệm này còn quá mắc – như thịt gà của Memphis Meats được bán với giá khoảng $9,000 một cân Anh (gần nửa ký). Mắc như vậy thì chưa thể đến được bàn ăn của người dân bình thường trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, người ta hy vọng đến giữa thế kỷ này điều đó có thể trở thành hiện thực.
Một trong những thử thách lớn nhất của các nhà nghiên cứu và các phòng thí nghiệm không chỉ là phát minh ra những loại thực phẩm mới cho tương lai mà còn phải chế biến cho món ăn mới đó được ngon nữa. Một điều dễ hiểu là cho dù những thực phẩm mới có nhìn bắt mắt cỡ nào và được quảng cáo đến mấy mà ăn không ngon thì người tiêu thụ chắc chỉ thử qua một lần cho biết rồi thôi. Đây không phải là đòi hỏi quá đáng. Nhân loại đã bước ra khỏi thời kỳ săn bắn khá lâu rồi khi mà cuộc sống người ta là ăn chỉ cần no, không cần ngon, và khi có được thứ gì cho vào miệng thì ăn cho đến căng bụng vì không biết chắc ngày mai có tìm được thứ gì để ăn hay không. Nay thì cuộc sống của nhiều người dân trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia Tây phương, đã đầy đủ sung túc, và nhu cầu ăn không còn cần no nữa mà là sao cho ngon miệng. Khi người ta đã quen nếm những món ăn ngon rồi thì khó có thể bắt người ta quay trở về cuộc sống chỉ cầu ăn no. Do đó, những loại thực phẩm mới nếu muốn thành công và được nhiều người chiếu cố thì bắt buộc phải ngon miệng nữa, và để đạt được điều này có lẽ cũng không khó lắm.

Huy Lâm

 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top