VẤN NẠN TIN GIẢ TRONG CỘNG ĐỒNG VIỆT
Trong vài ngày qua, báo chí Việt nhắc nhiều đến tình trạng tin giả trong cộng đồng Việt Nam nhân việc YouTube chấm dứt không còn cho King Channel và Nguy Vu Radio phát hình trên diễn đàn của họ. Tình trạng tin giả và hậu quả của nó trong cộng đồng Việt nghiêm trọng hơn nhiều người tưởng. Bằng cớ là Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến (PIVOT Progressive Vietnamese Americans Association) đã lập ra Viet Fact Check (VFC) để kiểm tra tin tức. Một số anh chị em trẻ học thức cao đã thành lập Người Thông Dịch (The Interpreter – TI) để dịch những bản tin từ tiếng Anh qua tiếng Việt cho những người chưa thông thạo anh ngữ. Tổ chức thứ ba tương đối ít người biết đến hơn nhưng cộng tác chặt chẽ với VFC và TI là Viet Fake News Buster hay còn gọi là Fake News Cop (FNC).
Ba tổ chức trên đã giúp loại King Channel và Nguy Vu Radio ra khỏi YouTube và sẽ còn đánh tiếp những nguồn tin giả khác. Những kẻ chủ trương bám vào những phương tiện truyền thông xã hội để sinh sống bằng cách tung tin giả giật gân, gây tỏ mò, thu hút lớp người Việt bình dân mà đa số ít học. Càng lôi cuốn nhiều người vào xem, những kẻ này càng kiếm được nhiều tiền hơn. Vài ngàn đô la mỗi tháng là chuyện thường.
BẰNG CHỨNG TIN GIẢ
Trang Fake News Cop trên Instagram lưu trữ nhiều bằng chứng về tin giả từ một số nguồn khác nhau. Sau đây là một vài thí dụ:
Trong một đoạn video do FNC lưu trữ, Huy Đức tung tin rằng Đảng Dân Chủ đã tài trợ những cuộc tấn công vào người gốc Á châu. Đảng Dân Chủ đã trả tiền cho Black Lives Matter (BLM) và Antifa để thực hiện những cuộc tấn công này. Huy Đức cũng nói rằng để ngăn chặn BLM và Antifa tấn công những tòa nhà và bắn cảnh sát, Đảng Dân Chủ chuyển mục tiêu qua tấn công người Á châu.
Trong một đoạn video của Ngụy Vũ và Ken Phạm, Ngụy Vũ nói rằng BS Fauci là một con quỷ và không đồng ý bất cứ điều gì BS Fauci nói. Ngụy Vũ không tin là COVID có thể lây lan. Ngụy Vũ nghi ngờ sự hiểu biết về virus và uy tín của BS Fauci, một người đã làm việc trong ngành y tế Hoa Kỳ trên 50 năm.
Một người tên Nguyễn trong một đoạn video mà FNC lưu trữ được nói rằng Mark Zuckerberg, chủ tịch FaceBook nhận Tập Cận Bình là cha ghẻ. Theo Nguyễn, lý do Zuckerberg làm như vậy là để xin xâm nhập và thị trường Trung Quốc.
Bé Ti Lapson Lưu trên Be Ti Channel tường thuật rằng cảnh sát và thị trưởng của District of Columbia đã giúp thành viên của Antifa xâm nhập vào trong tòa nhà Quốc Hội. Bé Tí nói rằng Thị Trưởng Bowser đã chở bốn xe bus đầy những thành viên của Antifa để trà trộn vào đám người ủng hộ Tổng Thống Trump tại cuộc biểu tình. Bé tí cũng đề cập việc một nhân viên FBI xác nhân đã thấy một chiếc xe bus đầy những thành viên của Antifa.
Trong một đoạn video phổ biến trên Youtube, Sonia Ohlala gọi Tổng Thống Biden là Bẩy Đần [có nghĩa là ông Bẩy đần độn] và buộc tội Tổng Thống Mỹ kết cấu chặt chẽ với Trung Quốc. Sonia nói rằng Biden không nhớ một điều gì trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập Của Hoa Kỳ, nhưng thuộc lòng bài diễn văn của Mao Trạch Đông.
Trong một đoạn video khác trên YouTube, Ngụy Vũ nói rằng Bill Gates muốn tàn sát người hàng loạt để giảm nhân số trên thế giới và để dành chỗ cho những người thành công như Bill Gates. Ngụy Vũ tường thuật rằng để thực hiện kế hoạch này, Bill Gates cần kiểm soát nước Mỹ trước hết. Sau đó, Bill Gates sẽ dùng thuốc chủng và chế tạo nhiều virus khác nhau để tiêu diệt những nước nghèo.
Bé Ti Lapson Lưu bịa đặt ra chuyện rằng cơ quan CDC của chính phủ đã tìm thấy chứng cớ rằng đeo khẩu trang thường xuyên sẽ dễ lây virus. Do đó CDC thu hồi lại những khuyến cáo về khẩu trang đã phổ biến trước đây.
Một vài thí dụ trên đây cho thấy những tin giả, đặc biệt về sức khỏe, rất nguy hại. Những kẻ phổ biến tin giả tỏ ra thiếu trách nhiệm cộng đồng. Số kẻ tung tin giả không phải chỉ có vài mống mà Fake News Cop đã thâu lượm một số bằng chứng như Ngụy Vũ, Bé Ti, Sonia Ohlala, và Huy Đức. Con số thủ phạm tung tin giả có thể lên đến vài chục mạng.
Tôi xin giới thiệu thêm hai người chưa có trong hồ sơ của Fake News Cob làm thí dụ. Quí vị có thể tìm kiếm thêm thành phần tương tự trên YouTube mà có thể Fake News Cop chưa có thời giờ ngó ngàng tới.
Một nhân vật nổi bật trong đám tội phạm tin giả này là thầy chùa Thích Thông Lai. Có lẽ vì nể nang ông mặc áo thụng vàng nên những cảnh sát chống tin giả chưa đụng tới ông. Trong một những bài nói chuyện với đệ tử thầy chùa Thích Thông Lai lập lại những tin giả đã phổ biến trên Epoch Times hay Đại Kỷ Nguyên.
Trong một đoạn video kéo dài 28 phút phổ biến vào ngày 31-1-2021, ông Thích Thông Lai nói nhiều chuyện chính trị linh tinh liên quan đến tân Tổng Thống Joe Biden, trong đó có vài điểm đặc biệt. Thứ nhất ông khẳng định chính xác 100% rằng kể từ ngày nhâm chức 6/1/2021 [thay vì 20/1/2021] cho đến 30/1/2021, Tổng Thống Biden chưa hề có mặt trong Tòa Bạch Ốc. Ông Biden ký một vài sắc lệnh hành pháp ở một nơi nào khác dàn dựng giống Tòa Bạch Ốc chứ không phải thật sự là Tòa Bạch Ốc. Thứ hai, Tổng Thống Biden chưa được giữ chìa khóa nguyên tử. Theo ông Thích Thông Lai Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không bao giờ trao chìa khóa nguyên tử cho một người “lú lẫn” như Tổng Thống Joe Biden.
Kết thúc câu chuyện với các Phật Tử trên YouTube ông Thích Thông Lai tóm tắt rằng mọi người chưa thấy ô. Biden trong Tòa Bạch Ốc, chưa leo lên chiếc Air Force I, chưa từng duyệt quân danh dự, chưa từng tiếp một nguyên thủ quốc gia nào ở Nhà Trắng. Ông nói tiếp chúng ta chưa thua. Cộng đồng Việt Nam nói nhỏ thì không nhỏ, nói lớn thì không lớn, nếu đứng lên chống lại những vi hiến này sẽ bị nghiền nát. Chi bằng hãy dùng đôi mắt, cái đầu để theo dõi. “Tôi nói ít hi vọng quý vị hiểu nhiều.”
Trong một buổi nói chuyện về tình hình chính trị tại Mỹ với đệ tử thu hình vào ngày 24-1-2021, thầy chùa Thích Thông Lai tung ra một tin bịa đặt rằng trước khi rời Tòa Bạch Cung, cựu Tổng Thống Obama đã ký hai sắc lệnh ân xá cho cá nhân ông và gia đình. Trái lại Tổng Thống Trump đã không ký sắc lệnh ân xá nào cho ông và gia đình. Điếu này chứng tỏ rằng ông không làm gì sai và ông chưa đầu hàng.
Một nhân vật cũng khá nổi tiếng trong cộng đồng Việt ở hải ngoại, thường xuyên nói chuyện trên YouTube về những vấn đề thời sự, là ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Trong đoạn video phổ biến vào ngày 13-1-2021, ông Nghĩa nói về cuộc khủng hoảng bầu cử 2020 tại Hoa Kỳ. Ông đã đưa ra vài tin quan trọng sai sự thật. Thứ nhất, ông Nghĩa nói rằng ông Joe Biden đã chống người Việt tị nạn vào năm 1975. Hồ sơ cùa Quốc Hội và của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã chứng minh ngược lại rằng ông Biden vào thời gian đó là một thượng nghị sĩ trẻ tuổi đã nhiệt tình giúp những chương trình tị nạn cho người Việt từ 1975 cho đến cuối thập niên 1980. Tôi đã viết ít nhất ba bài báo về ông Biden và tị nạn Việt Nam. Chính ông Biden cũng đã viết một bài cho Việt Báo vào tháng 10, 2020 xác nhận về điều này.
Theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa, ông Donald Trump kêu gọi dân chúng đi biểu tình ôn hòa. Điều này cũng sai sự thật. Trong buổi tập họp trước Nhà Trằng vào ngày 6/1/2021 ông Trump đã khích động biểu tình bạo động khi ông kêu gọi mọi người biểu dương sức mạnh, chiến đấu mạnh mẽ như sau.
“We’re going to walk down to the Capitol, and we’re going to cheer on our brave senators, and congressmen and women. We’re probably not going to be cheering so much for some of them because you’ll never take back our country with weakness. You have to show strength, and you have to be strong … We fight like hell. And if you don’t fight like hell, you’re not going to have a country anymore.”
Ngoài ra ông Nghĩa còn đưa ra một giả thuyết rằng vụ bạo động là một âm mưu phá hoại của phe chống ông Trump. Ông Nghĩa sai lầm cho rằng trong khi ông Trump còn đang đọc diễn văn truớc Nhà Trắng đã có những thành phần đáng nghi tấn công vào trụ sở Quốc Hội. Cảnh sát vui vẻ mở cửa cho họ vào. Chính nhóm thiểu số này đã gây ra bạo động và làm 5 người chết.
BÁO CHÍ HOA KỲ NHẬP CUỘC
Gần đây John Oliver của HBO đã thực hiện một cuộc điều tra về tin giả trong những cộng đồng thiểu số và dành 2 phút nói về King Channel và Nguy Vu Radio, Nhưng từ tháng 5, 2021 Ashley Lampard đã viết một bài về Ngụy Vũ cho mạng Vice World News. Trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Lampard qua email, Ngụy Vũ đã nói rằng ông không tham dự cuộc bạo loạn vào ngày 6/1/2021. Nhưng sự thật là Ngụy Vũ không những đã tổ chức một đoàn biểu tình gồm khoảng 100 người mà còn theo đoàn người này vào trong DC như hình ảnh đã chứng minh. Và cũng theo bài báo của Lampard, Ngụy Vũ buộc những người trong đoàn biểu tình không được đeo khẩu trang, nếu không họ buộc phải ngồi lại trong xe bus.
Lampard tường thuật thêm rằng vào cuối tháng 3 vừa qua, sau khi một kẻ bắn chết tám người mà đa số có gốc Á châu, Ngụy Vũ đã tung ra một giả thuyết rằng Đảng Dân Chủ đã bầy ra những tai nạn này, mặc dù việc kỳ thị người gốc Á châu là một thực tế của cuộc sống và đại dịch COVID-19 đã làm cho việc kỳ thị trầm trọng hơn. Phần khác những từ như “kung flu” hay “Chinese virus” mà cựu Tổng Thống dùng cũng đã làm tình trạng tồi tệ hơn.
Ngụy Vũ cho rằng vụ kỳ thị người Á châu nếu có là vấn đề cá nhân với cá nhân không phải là cả cộng đồng. Ông còn nghi ngờ rằng nhiều người dùng những sự cố này để quyên góp tiền.
Nick Nguyễn của nhóm Viet Fact Check đã viết thư tố cáo những đoạn video của Nguy Vũ về việc phủ nhận kỳ thị người Á châu, YouTube đã loại những đoạn video này. Nhưng từ đó Nick Nguyễn không có nhiều may mắn. Nhóm Fake News Cops cũng có một kinh nghiệm tương tự, có lúc thành công lúc không.
YouTube có 20,000 người trên khắp thế giới, kể cả những người nói tiếng Việt, làm việc để kiểm tra nội dung, đặc biệt chú trọng đến những đề tài như COVID-19, đáp xuống mặt trăng và loại những bài nào vi phạm luật của công ty. Nick Nguyễn cho rằng cần phải làm nhiều hơn để chống lại những tin giả trong cộng đồng nói ngôn ngữ không là tiếng Anh. YouTube chưa làm đủ trong lãnh vực này và kỳ thị những người không nói tiếng Anh ở Hoa Kỳ. Họ xem ra chỉ chú ý đến tiếng Anh. Vì lý do này mà những người hoạt động chống tin giả trong cộng đồng Việt như Nick Nguyễn đã liên lạc với một vài mạng truyền thông Hoa Kỳ như HBO, Buzzfeed News hay Reddit để tạo áp lực với YouTube.
Rachel Moran và Sarah Nguyen tại University of Washington cũng đã bắt đầu nghiên cứu về việc loan truyền những tin giả từ những nhóm người Mỹ gốc Việt vào đầu năm nay sau cuộc bầu cử tổng thống. Họ nhận xét rằng đã có nhiều cuộc nghiên cứu về tin giả bằng tiếng Anh, nhưng có rất ít cố gắng về những ngôn ngữ khác.
NẠN NHÂN CỦA TIN GIẢ
Những người nghe, đọc tin giả thường xuyên đương nhiên trở thành nạn nhân trực tiếp của nó. Vladimir Lenin nói “A lie told often enough becomes the truth.” Theo một nghiên cứu về COVID-19, nếu đọc tin trên FaceBook mỗi ngày, quý vị thuộc 86% số người chịu ảnh hưởng của tin giả loan truyền không kiểm soát bởi bạn bè thật hay ảo. Nhóm thứ hai dễ trở thành nạn nhân của tin giả là những người trên 65 tuổi. Nhóm thứ ba là những người theo khuynh hướng bảo thủ (thường bỏ phiếu cho Đảng Cộng Hòa và ủng hộ Trump).
Theo GS Nguyễn Phương Mai tại Đại Học Ứng Dụng Armsterdam, giới tính không ảnh hưởng đến tin giả nhưng tình trạng tâm thần là một yếu tố quan trọng. Lo âu hay giận dữ làm con người bất ổn, thiếu tự tin và dễ trở thành nạn nhân của tin giả. Người già không cảm thấy thoải mãi trước những biến đổi nhanh chóng trong xã hội. Đối với người bảo thủ, quyền phá thai, đồng tình luyến ái, chính quyền là những điều khó chấp nhận. Đối với người ủng hộ Trump, e ngại của họ là di dân lấy việc làm của người da trắng. Với người Việt, mối lo sợ và thù hận là Cộng Sản và Trung Quốc. Trước những đe dọa từ bên ngoài, nạn nhân dễ chấp nhân tin giả như một võ khí để bảo vệ minh.
HẬU QUẢ CỦA TIN GIẢ
Theo một nghiên cứu của PEW Research Center, thuyết âm mưu và tin giả là một vấn nạn nghiêm trọng cho nước Mỹ hiện nay, hơn cả phân biệt chủng tộc, biến đổi khí hậu, nhập cư trái phép và khủng bố.
Một số kênh đưa ra những tin sai lệch như người đeo khẩu trang dễ nhiễm bệnh hơn, tỉ lệ tử vong do COVID-19 bị thổi phồng và số người chết vì thuốc chích ngừa nhiều hơn số người chết vì COVID-19. Những tin này làm mất niềm tin vào những biện pháp chống COVID-19 của CDC và gây căng thẳng trong gia đình.
Cô Michelle Pham ở nam Cailifornia, một sinh viên học nghề y tá cho biết bà mẹ của cô thề không chích vaccine sau khi King Radio nói thuốc chích ngừa có tế bào thai nhi. Có người e ngại vì một tin giả nói rằng vaccine chứa đựng thiết bị theo dõi (tracking device).
Theo những bài đăng tải trên FaceBook, người ta thấy rằng một số người Việt tham gia vào cuộc bạo loạn 6/1 vì họ không muốn nước Mỹ “theo chủ nghĩa Cộng Sản.” Họ e sợ rằng tân Tổng Thống Biden và Đảng Dân Chủ sẽ biến Hoa Kỳ thành nước XHCN. Trong thời gian tranh cử những kênh tuyên truyền đã gieo mối sợ hãi này vào trong đầu những khán thính giả mà hầu hết là những người lớn tuổi với khả năng Anh ngữ hạn chế.
Tin giả loan truyền trong cộng đồng Việt Nam quá nhiều. Đây có thể là một trong những lý do tại sao cộng đồng Việt Nam là một cộng đồng thiểu số duy nhất có số người ủng hộ Donald Trump cao hơn số người chống trong cuộc bầu cử 2020 theo cuộc điều nghiên của Asian American Voter Survey.
Thuyết âm mưu và tin giả liên quan đến cuộc bầu cử Hoa Kỳ 2020 đã đưa đến cuộc bạo loạn 6/1/2021. Tiếp theo là những vụ kiện tụng về kết quả bầu cử. Nó đã biến thể chế dân chủ của Hoa Kỳ thành một trò cười cho cả thế giới, chia rẽ dân tộc sâu xa và đẩy nước Mỹ vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng cho tới ngày nay.
THAM KHẢO:
- Kate Ly Johnston, “Young Vietnamese Americans say their parents are falling prey to conspiracy videos,” Buzzfeed News, April 21, 2021.
- Người Thông Dịch, “Giới trẻ gốc Việt nói rằng cha mẹ mình nhẹ dạ dễ tin vào các video thuyết âm mưu,” , 24-4-2021.
- Nguyễn Quốc Khải, Kinh Channel va Nguy Vu Radio đã bị loại ra khỏi YouTube,” Cali today, 14-10-2021.
- Ashley Lampard, “The Rise of the Vietnamese ‘Rush Limbaugh’” Vice World News, May 30, 2021.
- Nguyễn Phương Mai, “Hậu quả và giải pháp cho vấn nạn tin giả, thuyết âm mưu,” BBC, 3-2-2021.