Người Mỹ gốc Việt phải tiếp tay
chận đứng ngôn ngữ kỳ thị
dành cho cộng đồng bạn
chận đứng ngôn ngữ kỳ thị
dành cho cộng đồng bạn
www.saigonweeklyonline.com
Hiện nay có một thiểu số người Việt Nam ủng hộ ông Trump đã viết nhiều bài đăng trên mạng gọi những người Mỹ gốc Phi Châu biểu tình bằng những danh xưng mà chúng tôi nghĩ rằng những điều này thực sự vô cùng nguy hiểm trong bầu không khí căng thẳng hiện nay tại Hoa Kỳ. Họ thực sự đã làm nhục cộng đồng người Mỹ gốc Việt khi viết về một cộng đồng bạn thế. Chúng ta đến đất nước này với thân phận là người tị nạn cộng sản, được nơi đây dành cho cơ hội để lập lại cuộc đời sau khi bị Việt cộng chiếm Miền Nam, đuổi chúng ta ra khỏi quê hương dù vì chính kiến hay vì kinh tế. Cộng Đồng người Mỹ gốc Phi Châu là một thành phần của đất nước này từ 400 năm qua chứ họ không phải là những người mới di dân như chúng ta. Qua vụ ông George Floyd bị cảnh sát xử dụng bao lực đến tử vong cho thấy cộng đồng người Mỹ da den ở đất nước này đã, đang và sẽ phải chịu đựng một sự kỳ thị chủng tộc mà chưa thấy được ngày chấm dứt nếu họ không tranh đấu, không lên tiếng. Chẳng ai chấp nhận những tên bạo loạn đi cướp của giữa ban ngày cả. Phải phân biệt họ với những người đi biểu tình vì chính nghĩa. Vì là những cuộc biểu tình tự phát nên không có người chỉ huy.
Những người vì chính nghĩa xuống đường vì sự uất ức, vì nỗi đau của chủng tộc nhưng không vũ khí trong tay nên không thể ngăn chận những kẻ xấu này được. Trên TV, chúng ta đã được nhìn thấy một thanh niên da đen, đứng dang tay ngăn chận một phụ nữ da đen đang cầm chày bóng bầu dục đập phá cửa tiệm khiến phụ nữ này tức giận đánh vào đầu người thanh niên đã ngăn cản bà ta. Nhưng người thanh niên này vừa cố che đầu mình nhưng vẫn kiên trì ngăn cản không cho bà này đập phá. Thử tưởng tượng sự đau lòng của một người trẻ tuổi muốn nhưng không cản được bạo lực lan tràn làm mất đi cái chính nghĩađòi được đối xử bình đẳng và được tôn trọng như một con người. Bên cạnh, chúng ta cũng đã nhìn thấy 3 cô gái Việt và 1 thanh niênViệt mặt mày đẹp đẽ đi hôi của nhân những cuộc biểu tình của người da đen. Sau đó, bọn này còn đem lên facebook để khoe. Hãy giao những Facebook này cho cảnh sát Mỹ để đuổi chúng về lại với đảng cộng sản Việt Nam. Những con sâu mọt này chắc chắn không phải là con cháu Việt Nam Cộng Hòa.
Nhân cuộc biểu tình đòi nhân quyền của cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu tại Hoa Kỳ chúng tôi muốn nhắc lại một câu chuyện cũ của cái thời người Việt bỏ nước đi tìm tự do của thập niên 70 thế kỷ trước. Những người da đen ở đất nước này, họ đã cảm thương những người Việt Nam vì trốn chạy độc tài áp bức, thà chết trên biển cả, còn hơn sống dưới ách chế độ Cộng Sản tàn ác nên họ đã đăng báo lời kêu gọi đến chính quyền và dân Mỹ lúc bấy giờ hãy chấp nhận, hãy mở rộng vòng tay đón nhận những người Việt Nam cùng khổ, tuyệt vọng được vào đất Mỹ. Họ không có tiền đăng báo, họ viết xong bản thảo rồi đi khắp nơi, kêu gọi mọi người đóng góp. Danh sách cùng ký tên không có văn nhân, không có chính trị gia nổi tiếng mà chỉ toàn là người nghèo tiền nhưng rộng lòng Từ Bi, Bác Ái. Báo NY Times đâu phải là rẻ. Thời đó, $30,000 đô la cho một trang báo là một số tiền có thể mua được một căn nhà.
Chẳng biết người Việt chúng ta ở vào vị trí của những người Mỹ da đen lúc bấy giờ có làm được như họ không? Nhiều người, chẳng biết nước Việt Nam nằm ở đâu trên quả địa cầu, chỉ nghe chiến tranh Việt Nam giết chết bao nhiêu con dân Hoa Kỳ, Đen có Trắng có. Vì thế xảy ra bao cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam đưa đến việc Hoa Kỳ quyết định bỏ Miền Nam Việt Nam, cúp viện trợ, Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử.
Tinh thần kỳ thị của người Mỹ da trắng đâu phải chỉ thể hiện riêng với người da đen. Nhớ lại mà xem có bao nhiêu người da trắng có lòng Từ Bi, Bác Ái bảo trợ người tị nạn nếu không vì những tổ chức nhà thờ kèm theo quyền lợi được trừ thuế từ chính phủ nếu nhận người tỵ nạn Đông Dương. Nhưng chính người Mỹ da đen thời đó đã công khai ủng hộ người tỵ nạn Việt Nam chúng ta. Họ thuộc thành phần thấp cổ bé miệng, họ không thể tổ chức những cuộc biểu tình rầm rộ, mà chỉ quyên tiền của những người nghèo khó để đăng báo bày tỏ lập trường ủng hộ người tỵ nạn được quyền nhập cư. Nhưng đó cũng là một phần đóng góp để chính phủ J. Carter ra đạo luật chấp nhận người tỵ nạn Đông Dương vào Hoa Kỳ.
- Ngày 30 tháng 4 năm 1978: 25.000 người;
- Giữa tháng 11 năm 1978: 20.000 người;
- Cuối tháng 11 năm 1978: 21.000 người;
- Kề từ tháng 4 năm 1979, mỗi tháng: 7000 người
- Cuối 1979: Thỏa thuận chương trình ODP: Tiếp nhận hàng trăm ngàn tù nhân chính trị và gia đình từ Việt Nam qua Mỹ định cư.....
Có thể nói Hoa Kỳ đã dành cho người Việt chúng ta quá nhiều đặc ân hơn những dân tộc khác muốn chọn nơi này làm quê hương sau một biến cố chính trị xảy đến cho quốc gia mẹ.
*
Chuyện cũ ngày nay không còn có bao nhiêu người nhớ để nói với con cháu. Không chân thành cám ơn họ thì thôi sao lại nỡ viết những dòng gọi họ là bọn “mọi đen cướp của”. Mà những người viết những dòng chữ đó chắc gì là những người bị mất của. Ngày nay, trong cơn đại dịch tấn công Hoa Kỳ, Cộng Đồng Việt Nam trên khắp Hoa Kỷ đã làm nghĩa cử tốt đẹp là may khẩu trang, tặng dụng cụ y tế cho những nhà thương, nấu những phần cơm ngon cho những chuyên viên y tế... Người Việt chúng ta rất phúc hậu và nhân ái khi đất nước đã bao dung chúng ta khi chúng ta mất hết vì cộng sản chiếm Miền Nam Việt Nam, mỗi người hãy góp một bàn tay gìn giữ đất nước tươi đẹp này không chỉ cho chúng ta mà còn cho những thế hệ tiếp nối. Đừng vì một tiện ích giai đoạn của một cuộc bấu cử, vì mục đích riêng mà quên đi chỗ đứng của chính mình trong đất nước này.
Hy vọng vì cộng đồng người Việt chưa đủ lớn để tạo ra một tiếng vang nên cộng đồng người Mỹ đa đen không biết và chưa biết về những lời lẽ nặng nề này. Nhưng chưa biết không phải là không biết nếu những diễn đàn Việt Nam tiếp tục phát tán những danh xưng như “mọi đen, thằng đen” như hiện nay. Bổn phận của từng cá nhân người Mỹ gốc Việt chúng ta là phải chận đứng ngay những phát biểu xúc phạm cộng đồng bạn trước khi quá muộn.
Diễn đàn www.saigonweeklyonline.com
Năm 1978, CỘNG ĐÔNG NGƯỜI DA ĐEN
ĐÃ KÊU GỌI CHÍNH QUYỀN HOA KỲ
NHẬN NGƯỜI TỊ NẠN CỘNG SẢN VIỆT NAM
ĐÃ KÊU GỌI CHÍNH QUYỀN HOA KỲ
NHẬN NGƯỜI TỊ NẠN CỘNG SẢN VIỆT NAM
Ian Bui dịch (DCVonline.com)
Sau đây là bản dịch lá thư cậy đăng trên báo New York Times ngày 19/3/1978, do một nhóm người Mỹ da đen đồng ký tên. Họ là những nhân vật thành danh trong nhiều lãnh vực, từ giáo dục đến kinh tế cũng như chính trị.
Lá thư cậy đăng trên báo New York Times ngày 19/3/1978, do một nhóm người Mỹ da đen đồng ký tên. Nguồn: TNYT.
Từ các quốc gia cộng sản vùng Đông Nam Á, hàng ngàn người tị nạn bất hạnh của Việt Nam, Lào và Cam Bốt đang trốn chạy và hiện sống lây lất trong các trại tị nạn. Đa số phải đối mặt một tương lai đáng sợ: bị hất hủi nơi họ đang tạm trú, không tìm được công ăn việc làm, và — tệ hại hơn nữa — bị đuổi trở về nguyên quán và có thể mất mạng.
Chúng tôi, những công dân trong cộng đồng da đen — một cộng đồng mà bản thân vẫn còn đang phải chịu đựng nhiều sự bất công kinh tế — rất quan tâm và đồng cảm với người anh em Á Châu trong trại tị nạn. Nhưng mối quan tâm này cần vượt qua biên giới của sự đồng cảm. Chúng ta cần phải đi đến hành động.
Nhiều người Mỹ, tuy có lòng tốt, lý luận rằng hành động trong trường hợp này không khả dĩ về mặt kinh tế và có thể nổ ra xung đột. Chúng tôi nhận thức rất rõ tình hình kinh tế không mấy sáng sủa hiện nay ở Mỹ — nhất là trong cộng đồng da đen của mình — và chúng tôi cũng hiểu là bất cứ chương trình giúp đỡ người tị nạn nào cũng sẽ có cái giá phải trả dù khiêm tốn. Nhưng chúng tôi cực lực phản đối tâm lý treo bảng giá lên đầu những người tị nạn Đông Dương.
Trong quá khứ, Hoa Kỳ đã từng chứng tỏ chúng ta có khả năng thích nghi và đối phó với những hoàn cảnh bất thường tưởng chừng bất khả. Chúng tôi tin rằng người dân Mỹ đủ sức một lần nữa dang tay cứu vớt một cộng đồng thiểu số — những người tị nạn — để giúp họ an cư và tạo cho họ niềm hy vọng.
Vì thế, chúng tôi khẩn thiết yêu cầu Tổng thống Jimmy Carter và Quốc Hội hãy tìm cách mở cửa cho những người tị nạn này vào nước Mỹ, trong tinh thần tương trợ mà trước đây chúng tôi đã kêu gọi quý vị chấp nhận nạn nhân của chế độ phân chủng ở Nam Phi.
Qua bao cuộc đấu tranh gian khổ cho quyền bình đẳng dân sự, chính trị cũng như kinh tế trên đất nước này, chúng tôi rút ra được một bài học cơ bản: Cuộc đấu tranh cho quyền tự do kinh tế và chính trị của mình dính liền với việc đi tìm tự do của người tị nạn Đông Dương. Nếu chính phủ Hoa Kỳ không thể hiện được lòng trắc ẩn đối với những con người bất hạnh ấy thì vô cùng khó để tin rằng chính quyền này có thể quan tâm đến người thiểu số da đen hay người nghèo tại Mỹ.
Quý vị có thể đóng góp cho chương trình cứu trợ người tị nạn Đông Dương, và giúp trả chi phí cho lá thư này, bằng cách gởi tiền (được trừ thuế) đến tổ chức International Rescue Committee tại địa chỉ …
Người Việt Nam vượt biển tị nạn cộng sản (1978-1979). Nguồn: VINTAGENEWSDAILY.COM