KIỀU MỸ DUYÊN, GIỖ TỔ HÁT BỘI

KIỀU MỸ DUYÊN

GIỖ TỔ HÁT BỘI




      Hằng năm, anh chị em nghệ sĩ tổ chức giỗ tổ Hát Bội ở miền Nam California. Năm nay, giỗ tổ được tổ chức vào lúc 1 giờ trưa, Chủ Nhật ngày 25/09/2022, tại thư viện Việt Nam, 10872 Westminster Ave., Suites 214 & 215, Garden Grove, CA 92843. Các nghệ sĩ mặc áo dài màu sắc rực rỡ. Hát bội là một bộ môn nghệ thuật được đồng bào ở Việt Nam yêu chuộng trước năm 1975. Các diễn viên tập dượt rất công phu, vừa diễn vừa hát, tiếng hát nhịp nhàng với tiếng đàn, tiếng trống. Khán thính giả đầu bạc lẫn đầu xanh lắng nghe từng lời hát.
     

Giỗ tổ Hát Bội tổ chức vào lúc 1 giờ trưa, Chủ Nhật ngày 25/09/2022, tại thư viện Việt Nam, 10872 Westminster Ave., Suites 214 & 215, Garden Grove, CA 92843, có sự hiện diện của giáo sư Trần Văn Chi ngồi ở hàng ghế khán giả.

      Màn biểu diễn hay và đầy ý nghĩa: Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc, thủ vai tướng Trần Bình Trọng là Ngọc Ân, một vai hào hùng của một vị tướng Việt Nam chống giặc Tàu, thà chết chứ không đầu hàng quân giặc để làm vua. Một vị tướng lãnh vị nước vong thân, làm nhiều người cảm phục để lại cho thế hệ mai sau, đi vào lịch sử. Màn này được nhiều tràng pháo tay vang dội của khán thính giả.



Nghệ sĩ Ngọc Ân và nghệ sĩ Thiên Thanh

      Thế hệ chúng tôi người nào cũng học sử Việt Nam, đều học về tướng Trần Bình Trọng đánh đuổi xâm lăng, thất trận không chịu đầu hàng. Câu nói của ngài để lại sử xanh, người đã chết nhưng gương anh hùng vẫn còn ở đây, cũng như những vị tướng tử tiết ngày 30/4/1975. Các ngài tử tiết nhưng mộ bia của các ngài được dựng lên và được chiêm ngưỡng khắp nơi trên thế giới, đó là tướng Trần Văn Hai, tướng Lê Nguyên Vỹ, tướng Nguyễn Khoa Nam, tướng Lê Văn Hưng, và tướng Phạm Văn Phú.

      Cô Ngọc Bảy, một nghệ sĩ nổi tiếng từ ngày xưa được nhiều người ái mộ. Cô lớn tuổi nhưng vẫn còn phong độ, vẫn còn được nhiều người tôn sư phụ. Nghệ sĩ Minh Hùng kể về gia đình mình 4 đời hát bội. Thân phụ của Minh Hùng nói: gia đình mình ông cố là nghệ sĩ hát bội, ông nội là nghệ sĩ hát bội, sao con theo cải lương? Minh Hùng trả lời: vì con thích cải lương. Minh Hùng nói một cách tha thiết: hơn 40 năm không được xem hát bội, hôm nay được xem hát bội, nên nhớ đến ông cố, ông nội và ba lắm. Minh Hùng hát vọng cổ xuất sắc, mỗi lần Minh Hùng xuống giọng là những tràng vỗ tay như pháo nổ vang dội cả hội trường. Minh Hùng có dáng dấp ăn ánh đèn sân khấu, mặc áo rất đẹp. Có lẽ hát bội hay cải lương đều cần trang phục đẹp để yểm trợ cho giọng ca ngọt ngào của các nghệ sĩ.



Nghệ sĩ Minh Hùng đang khấn trước bàn thờ Tổ.

      Bàn thờ trang nghiêm, chưng trái cây, đèn, hoa tươi. Các nghệ sĩ vừa bước vào hội trường đều kính cẩn chào tổ nghiệp của mình. Các nghệ sĩ tập luyện rất công phu cho ngày giỗ tổ. Các nghệ sĩ Bích Nga và Diễm Liên đến từ Arizona đến trình diễn, vừa tặng tiền.

      Nghệ sĩ Minh Hùng trình bày bài Ngàn Dặm Nước Non, kể lại chuyện của 2 người bạn thân, sau biến cố 1975, mỗi người mỗi ngã, sau này tình cờ gặp lại ở Bolsa, câu chuyện vô cùng cảm động. Một người sinh ra ở miền Trung, một người ở miền Nam, họ gặp nhau ở Mỹ. Minh Hùng ca với trái tim nồng nàn, cho nên ca hết bài này đến bài khác.

      Nghệ sĩ Hoàng Ngọc Thúy với bài Dạ Cổ Hoài Lang của cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu. Cô đẹp, mặc áo đẹp, thân thiện và vui vẻ với mọi người. Ca sĩ Bích Nga với bài Nước Non Ngàn Dặm: tôi theo thầy học đạo, thầy bỏ tôi đi, tôi ở lại một mình. Bích Nga với tiếng hát nỉ non, yêu người không nói, người đi lấy chồng thì tôi buồn, hoa tím, hoa tím được lặp lại nhiều lần. Bích Nga đến từ Arizona, tiếng hát nỉ non làm mềm tim người nghe. Hội trường không có một tiếng động, mọi người thả hồn vào tiếng ca, tiếng đàn, tiếng trống, tiếng nhạc.



Hai em gái học trò của giáo sư Luân Vũ, khuôn mặt đẹp như trăng rằm, với những điệu vũ mát mắt người xem, trong tiết mục "Yêu chàng mặt rổ".



Nghệ sĩ Hải Đệ

      Hát, múa, diễn viên phải tập dượt rất công phu, phải yêu nghề, phải được tổ nghiệp giúp đỡ. Những nghệ sĩ trình diễn hát bội vừa hát vừa diễn ăn nhịp với tiếng kèn, tiếng trống.

      Theo lời kể của thân phụ nghệ sĩ Minh Hùng, ông cố thành lập gánh hát bội ở làng Bình Định. Bà con, anh em, con cháu, học trò họp lại thành gánh hát. Sau này, không có người, đi hát không thu tiền, ai cho bao nhiêu thì gom lại để đó. Mỗi khi có người bệnh, người qua đời, thì giúp đỡ cho gia đình họ. Gánh hát bội truyền từ đời ông cố, đến ông nội, đến thân phụ của Minh Hùng. Minh Hùng vượt biên đến Gahand, sau định cư ở Boston, rồi về California. Minh Hùng rất say mê cải lương, được mời đi hát thường xuyên trong cộng đồng.

      Chủ tịch của hội hát bội là cô Dương Ngọc Bảy. Cô Ngọc Bảy lên sân khấu nói về bộ môn hát bội một cách say sưa như lúc cô còn làm đào hát.

      Nghệ thuật hát Bội đã được Đào Tấn (1845-1907) đưa lên đến giai đoạn cực thịnh và chính nhờ có ông mà hát Bội nước ta tồn tại đến nay. Càng đi về phía Nam, hát Bội càng bén rễ trong dân gian với những đặc trưng riêng: cởi mở, mạnh mẽ, màu sắc, vui tươi hơn.

      Hát Bội (còn gọi hát Bộ, hay Tuồng cổ) là một trong những di sản văn hóa đặc trưng và độc đáo của Nam Bộ. Hát Bội có nguồn gốc từ hát Bộ cung đình, đó là lối hát Tuồng với bộ điệu. Khi diễn hát, các đào kép vừa hát vừa múa, đi lại trên sân khấu, điệu bộ hấp dẫn với vật tượng trưng. Ví dụ như múa với một cây roi hay cây chổi có buộc nhiều sợi vải màu là hiểu ngay là đang cưỡi ngựa; tướng soái chỉ huy cả mươi vạn binh, mang sau lưng cờ trận, kì hiệu của những đội quân do vị tướng này thống lĩnh.

      Hát Bội là di sản văn hóa phi vật thể đã đi sâu vào lòng người mộ điệu qua nhiều thế hệ. Cải lương Nam Bộ đã bắt nguồn từ hát Bội và có sự ảnh hưởng lớn từ hát Bội. Cải lương là một sự cách tân loại hình sân khấu cổ điển cùng với sự tổng hợp các loại hình ca hát cũ, mới của Nam Bộ lúc bấy giờ, theo một hình thức thể hiện và diễn tả mới mẻ, hấp dẫn.



Các nghệ sĩ hát bội và cải lương trong ngày giỗ Tổ

      Người nghệ sĩ hát bội rất có lòng với nghề nghiệp của mình. Nhưng than ôi, ở hải ngoại, người lớn tuổi mê thích môn hát bội không nhiều. Hát bội, cải lương không biết còn tồn tại đến bao giờ?
      Hát Bội là viên ngọc quý trong văn hóa nghệ thuật tuồng cổ Việt Nam, rất cần được phát huy và bảo tồn, để không bị mai một theo năm tháng. Tuy nhiên, cái khó của Hát Bội hiện nay không chỉ là thiếu đất diễn mà là thiếu hụt lớp người kế thừa và đang ngày càng trở nên xa lạ với giới trẻ.
      Mỗi màn trình diễn đều có ý nghĩa sâu sắc, ca ngợi lòng yêu nước, ý chí bảo tồn lãnh thổ, lãnh hải của dân tộc. Người Việt Nam tị nạn ra đi mang theo văn hóa của quê hương mình. Các bộ môn nghệ thuật như hát bội, cải lương có được bảo tồn hay không là do sự yêu quý của khán thính giả.

Orange County, 26/09/2022
KIỀU MỸ DUYÊN


 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top