ĐI TÌM NGƯỜI KHÔNG NHÀ CHO QUÀ
KIỀU MỸ DUYÊN
Chuyên viên địa ốc ở văn phòng Ana Real Estate rất có lòng, trong suốt thời gian dịch bệnh cùng mọi người đi làm công việc xã hội không ngừng nghỉ. Tiền vào hay không không biết, nhưng làm việc từ thiện vẫn làm. Mọi người làm việc xã hội theo cá tính của mình, riêng chuyên viên địa ốc Tuấn Lưu quanh năm suốt tháng đều đi cho người không nhà thực phẩm: bánh mì thịt, bánh mì sandwich, nước lọc, nước ngọt, nước cam, nước chanh, sữa tươi, bánh ngọt, kẹo, chocolate, trái cây, v.v.
Mục sư David Huỳnh nhắc đến Tuấn Lưu và khuyến khích nên tham gia chiến dịch cho quà của nhà thờ. Tuấn thường đi một mình thăm người không nhà và cho quà, đôi khi đi với vài bằng hữu phát quà từ Anaheim, Santa Ana, Garden Grove, quanh Little Saigon. Tuấn thường đi từ 6 giờ chiều đến 9- 10 giờ tối, phát hết quà trong xe, Tuấn mới về. Xe của Tuấn lớn, rộng rãi, thực phẩm để đầy băng sau và trong cốp xe.
Tôi thường nói với Tuấn:
- Cô sẽ đi phát quà với con.
Nhưng vào các buổi chiều, tôi thường đi thăm những người già ở viện dưỡng lão hoặc ở xung quanh Little Saigon, chưa có dịp đi cùng Tuấn Lưu.
Chiều thứ bảy vừa qua, chúng tôi cũng đã sắp xếp đi tặng quà cùng Tuấn Lưu. Phái đoàn gồm có Tuấn Lưu, Phượng Lê và con gái Phượng Lê là Lê Bảo Vy. Bảo Vy hiền lành, nụ cười rất dễ mến, có đai đen võ Karate, dáng rất đẹp. Cô gái nào học võ dáng cũng rất đẹp, nhìn Bảo Vy ít ai biết cô gái xinh đẹp này có mặt thường xuyên ở võ đường. Hai chị em của Bảo Vy đều yêu thích võ thuật và thích làm việc từ thiện.
Phượng Lê nói:
- Thưa cô, cháu đang bận, nhưng con bảo đi cho quà người không nhà, cháu đi ngay.
Tôi không ngờ thành phố Garden Grove, Westminster, có quá nhiều người không nhà, trong đó có người Việt Nam. Ngày xưa, tôi đi theo phái đoàn Phật tử của chùa Bảo Quang hàng tuần cho cơm người không nhà ở công viên gần tòa án Santa Ana, không bao giờ tôi gặp người Việt Nam đi xin cơm. Tôi rất hãnh diện về người Việt Nam tị nạn, tôi thường nói với bằng hữu ở khắp nơi trên thế giới về đây thăm viếng bà con rằng người Việt Nam tị nạn của chúng tôi đi phát cơm, đi cho cơm chứ chúng tôi không đi xin cơm. Đi đến đâu mà tôi biết có những hội từ thiện tổ chức cho cơm cho người không nhà là tôi tham gia ngay. Đi phát cơm cho người không may mắn để nghe tâm sự của họ tại sao họ không nhà, tại sao họ ở ngoài đường?
Mấy chục năm trước, khi tôi đến San Jose thăm bằng hữu: nữ ký giả Phan Trần Mai, Lê Diễm, Bích Loan và hội ái hữu Trưng Vương, được bằng hữu đưa đến thăm cựu đại tá Không Quân Vũ Văn Lộc, chúng tôi được mời đi phát cơm cho người không nhà. Ở đó chúng tôi gặp rất nhiều người đến lấy cơm. Tôi gặp một gia đình mà tôi nhớ mãi khuôn mặt xinh đẹp của người phụ nữ Mỹ da trắng. Bà ngồi ở bàn và đọc sách triết, trong lúc những đứa nhỏ xung quanh và ông chồng đi lấy cơm. Bà có bằng Master, chồng là kỹ sư điện. Ông bà thất nghiệp vì công ty đổi đi tiểu bang khác, các con ông bà đang học, nên ông bà không đi theo công ty của họ, đành thất nghiệp. Ông bà trú ngụ trong nhà từ thiện, chờ đi xin việc làm. Những đứa nhỏ hiền lành ngồi bên cạnh mẹ.
Ở miền Bắc và ở miền Nam California, tôi đã từng tham gia cho cơm của chùa Bảo Quang 26 năm vào trưa thứ ba hằng tuần, chưa bao giờ tôi gặp người Việt Nam cho cơm cho người không nhà.
Thứ bảy ngày 24/7/2021, đi cùng phái đoàn cho thức ăn cho người không nhà với Tuấn Lưu. Vừa lên xe, Tuấn Lưu nói ngay:
- Homeless nhiều lắm cô ơi.
Xe chạy vừa qua 3 ngả tư, Tuấn quẹo xe vào gần chợ Hòa Bình. Tuấn nói tiếp:
- Chỗ nào cũng có homeless cô ơi.
Góc đường Brookhurst và Westminster, bên trái, bên phải, 4 góc đường, chỗ nào cũng có homeless ban ngày, ban đêm trú ngụ. Cuộc sống của họ rất giản dị, một cái mền, một túi đồ, thế là xong. Ban đêm, họ tụ tập từng nhóm 5- 7 người.
Chúng tôi ngừng xe, Phượng, Tuấn nói với những người đứng ở góc đường và đang ngồi dưới gốc cây:
- Các anh lại xe chúng tôi lấy quà.
Khuôn mặt của họ rạng rỡ, vui tươi. Tuấn quen với họ vì đã đi phát quà nhiều năm, nên thấy xe Tuấn là họ biết ngay Tuấn đem quà tới, họ đưa tay vẫy vẫy Tuấn. Tuấn biết tính tình từng người, từng nhóm. Một ông ngồi bất động dưới đất trước một cửa hàng, mắt ngơ ngác nhìn trời. Tuấn nói:
- Cô ơi, ông này không lấy quà, nhưng bạn của ông ấy lấy qua đưa thì ông ấy ăn ngay.
Phượng Lê (đứng bên trái) và Tuấn Lưu (nón xám) đang phát thực phẩm cho người không nhà. (Ảnh do Kiều Mỹ Duyên chụp)
Chúng tôi ngừng xe ở tiệm Lee Sandwich. 5 người vui vẻ nhận quà: Mỹ, Mễ, và có một người trẻ Việt Nam. Không phải thức ăn nào cho người không nhà họ đều nhận đâu nhé, họ thích thứ nào thì nhận thứ đó, không phải nhận một lúc nhiều thứ. Khi chúng tôi từ trong chợ trở ra thì thấy họ để tất cả thức ăn xuống đất, rồi mọi người ngồi quây quần cùng ăn vui vẻ. Chúng tôi nghe được tiếng cười reo vui của họ, không ai dành ăn, họ nhường nhịn lẫn nhau. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao mỗi người họ đều lấy thức ăn khác nhau.
Người không nhà tụ tập mỗi nơi chừng 3- 5 người. Tuấn nói:
- Ngày xưa họ tụ tập từng nhóm đông lắm, bây giờ chia ra rải rác nhiều nơi khác nhau vì an ninh đuổi. Chủ cơ sở thương mại sợ mất khách hàng vì khi thấy homeless họ không đến, nhất là phụ nữ đi chợ hay đi mua đồ ban đêm.
Trên đường Westminster, từ đường Euclid đến đường Newland, chỉ một đoạn đường ngắn mấy cột đèn, mà có 10 nhóm người không nhà. Đường Westminster ở hướng Bắc thuộc thành phố Garden Grove, ở hướng Nam thuộc thành phố Westminster, khu thương mại nào cũng có người không nhà. Chúng tôi nghĩ chính quyền địa phương cũng biết tình trạng này của thành phố?
Trong hơn 2 giờ đi cho thực phẩm cho người không nhà, tôi chưa gặp phụ nữ nào đi xin cơm. Tôi hỏi Tuấn thì Tuấn trả lời như sau:
- Có phụ nữ chứ cô, có cả phụ nữ Việt Nam, nhưng hôm nay có lẽ họ dời địa điểm khác.
Tôi cũng đã từng gặp một phụ nữ lớn tuổi ngồi trước tiệm ăn. Tôi đang ngồi ăn bên trong tiệm, nhìn ra cửa sổ thấy người phụ nữ Việt Nam ốm nhom, ngồi im lặng như thiền. Tôi đem tiền đến cho và hỏi cô ấy có ăn không thì tôi mua thức ăn ở nhà thờ đến. Giọng nói của người phụ nữ rất hiền lành:
- Cảm ơn.
Sau khi tâm sự, tôi mới biết bà đang mướn garage của người quen, chưa xin được trợ cấp xã hội, chồng bảo lãnh sang rồi bỏ, vì ông xã có vợ khác rồi. Người phụ nữ kể tôi nghe hoàn cảnh của cô ấy mà nước mắt rưng rưng.
Con cò ốm nhom đang ngóng cổ chờ ai? Chờ thức ăn hay chờ người cho thức ăn?
(Trang Nguyễn chụp tặng Kiều Mỹ Duyên)
Hôm đó chúng tôi đi đến 10 địa điểm trên đường Westminster. Địa điểm cuối cùng là góc đường Brookhurst và đường 15, thành phố Garden Grove, ở đây có 11 người không nhà tụ họp ở lề đường, có người ngồi trên xe lăn. Một người bàn tay rung rung đến xe chúng tôi lấy sữa, bánh mì, nước uống cho những người khác đang tụ họp. Họ rất đoàn kết và thương yêu nhau, hình như trong nhóm có lãnh tụ, tôi đoán như thế. Họ sống ở lề đường, ở góc phố, ở gốc cây. Đồng hương đi ngang chỗ chúng tôi đang nói chuyện và phát quà cho người không nhà, mặc dù chúng tôi mang mask, họ không biết chúng tôi là ai, nhưng cũng đưa tay vẫy chào.
Người ở xa về California thăm Little Saigon, đi ngang qua các nẻo đường, thấy đầy rẫy homeless, chỗ nào cũng có homeless và đường nào cũng có homeless. Họ nói với chúng tôi:
- Nếu tình trạng homeless đầy đường thì sợ ảnh hưởng nhiều đến các cơ sở thương mại và ảnh hưởng nhiều đến những đứa trẻ đi đến trường.
Tôi nói với các bằng hữu:
- Họ hiền lắm, tôi chưa nghe người homeless nào cướp giật hay chọc ghẹo người đi đến cơ sở thương mại bao giờ. Nếu chủ phố gọi Cảnh Sát thì họ đi, nhưng rồi cũng trở lại những nơi họ yêu thích.
Khi còn làm Đại Bồi Thẩm Đoàn của Tòa Thượng Thẩm Orange County, chúng tôi đi thăm nhiều nhà tạm trú của Orange County nhưng không có người Việt Nam ở. Những người không nhà không thích sống ở trong nhà, có người già, người trẻ. Có lẽ số phận của con người là thế, người này thế này, người khác thế khác, làm sao biết được?
Chuyên viên địa ốc Phượng Lê nói chuyện với khách hàng từ tốn, chậm rãi, ăn uống hay đi đứng cũng vậy, mà không hiểu tại sao đi cho thực phẩm cho người không nhà lại bước đi rất nhanh, phân phát thực phẩm cũng rất nhanh. Phượng Lê ân cần hỏi mọi người không nhà lấy thực phẩm nào mà họ thích, không thích là họ không nhận. Nhìn ánh mắt, nụ cười của những người không nhà, chúng tôi cảm nhận được một điều họ vui thật, họ rất hồn nhiên.
Đi cho thực phẩm người không nhà, tự nhiên tôi nhớ đến Chủ Tịch Hội đồng Giám Sát Orange County, luật sư Andrew Đỗ, từ khi nhậm chức Giám Sát, ông lo cho người homeless, ông mua một tòa nhà ở thành phố Santa Ana cho người vô gia cư, tôi đã đến đó nhiều lần vào ban đêm để làm phóng sự, cũng là bệnh viện cho người bệnh tâm thần. Luật sư Andrew Đỗ đã làm được nhiều việc cho người bất hạnh mà trước đây không ai làm được. Đó là lý do tại sao người Việt tị nạn hãnh diện về người trẻ Việt Nam đã vào dòng chánh trị và làm được nhiều việc mà người khác không làm được.
Chủ Tịch Hội đồng Giám Sát Orange County, luật sư Andrew Đỗ, ngủ qua đêm tại Homeless Shelter năm 2016. (Luật sư Andrew Đỗ áo đỏ, ngồi giữa)
Khi trở lại văn phòng, chúng tôi ngừng lại tiệm cơm chay, và đề tài người không nhà được kể tiếp, thực khách trong tiệm lắng nghe. Chúng tôi rất cảm động vì nhiều người Việt có lòng quảng đại.
Ông chủ nhà hàng nói:
- Cô ơi, cô lớn tuổi rồi, buổi tối ra đường cẩn thận, và sức khỏe của cô nữa.
Đời sống rất đẹp vì người quan tâm đến người. Làm việc gì giúp đỡ người khác, dù nhỏ xíu trong lòng sẽ thấy vui vui.
Ông chủ nhà hàng nói:
- Cô cho thực phẩm người không nhà, nên hôm nay thấy cô rất vui.
Khi về, tôi kể chuyện cho một đồng hương, mà vợ chồng họ làm việc xã hội quanh năm suốt tháng. Tôi kể về Tuấn Lưu cho thực phẩm người homeless hàng tuần. Vị đồng hương đó đề nghị:
- Bạn tôi hàng ngày nấu 5000 phần cơm để giá rẻ, nếu cần tôi sẽ giới thiệu.
Đề tài về người không nhà nhiều lắm. Người thì bị bệnh, người thì bị vợ bỏ, giao nhà cho vợ rồi ra đường ở, buồn quá vào sở không làm việc chuyên cần, bị thất nghiệp, v.v. Nhiều lý do để trở thành người không nhà lắm.
Tuấn Lưu nói:
- Cô ơi, đi cho cơm cho homeless quen rồi, hôm nào không có thực phẩm, không đi cho họ thì con thấy nhớ họ.
Khi vào làm địa ốc với văn phòng Ana Real Estate, Tuấn Lưu kể:
- Mẹ của con trước khi mất, mẹ con làm công quả ở Thánh Thất Cao Đài, Tây Ninh. Con mong dành dụm một số tiền để về Tây Ninh giúp người nghèo.
Ước mơ của Tuấn giản dị như thế nhưng chưa thực hiện được. Ba Tuấn định cư theo diện H.O, ba là nhà binh cũng là nhạc sĩ, dạy nhạc tại nhà. Qua cách nói chuyện, tôi biết Tuấn thương mẹ lắm. Cả nhà ăn chay. Tuấn thường nhắc về người mẹ qua đời ở Việt Nam. Tuấn mơ ước về Tây Ninh làm từ thiện, nhưng làm được bao nhiêu, Tuấn đều mua thức ăn cho người không nhà, nên ước mơ của Tuấn về thăm Thánh Thất Cao Đài ở Tây Ninh, hay thăm mộ mẹ, chắc còn lâu lắm mới thực hiện được, trừ khi trúng vé số.
Người có lòng thì nhiều lắm. Người có lòng quảng đại ở khắp nơi trên thế giới. Thế giới này vui vẻ vì nhờ có nhiều người tốt, người này quan tâm đến người kia.
Hạnh phúc là biết cho đi.
Một buổi tối thăm người không nhà, nhìn những người không nhà, không tài sản, không tiền bạc nhưng họ sống rất vui, đùm bọc lẫn nhau, có thức ăn chia cho nhau, dù sống ở dưới gốc cây, lề đường. Dù không nhà nhưng có người có cây đàn guitare, với tiếng đàn vui tươi, cũng làm cho đời sống của họ thêm phong phú.
Hy vọng chính quyền địa phương quan tâm đến người không nhà hơn nữa, vì trước đây khi họ chưa bệnh, họ cũng đã từng đi làm việc và đóng thuế cho chính phủ.
Mong các vị lãnh đạo tôn giáo, các nhà hảo tâm giúp đỡ những người không nhà, để cuộc sống của họ khá hơn.
Xin Thượng Đế ban phúc lành cho tất cả những người bất hạnh khắp nơi trên thế giới.
Kiều Mỹ Duyên
Orange County, 26/7/2021
KIỀU MỸ DUYÊN
(kieumyduyen1@yahoo.com)