Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024

KIỀU MỸ DUYÊN

ĐẠI HỘI QUÂN NHÂN

NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT

NĂM 2024 TẠI ORANGE COUNTY, CALIFORNIA

 

 

          Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840. 

          Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.

 

          Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt có sự tham dự của Thiếu Tướng Châu Lập Thể, Đại Tá Tôn Thất Tuấn, tùy viên quân sự ở tòa, đại sứ Mỹ ở Việt Nam năm 2016- 2020, Hải Quân Trung Tá- Chánh Án di trú liên bang Chris Phan, Đại Tá Phương Nguyễn, chiến sĩ pháo binh phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ 32 năm- ông Đặng Hữu Thế Hải và vợ là Lê Kim Thủy về từ Houston. Quan khách gồm có tỷ phú Frank Jao, tài tử Kiều Chinh, cựu dân biểu Bùi Văn Nhân và phu nhân, thân phụ và thân mẫu của Trung Tá Triết Bùi, Cảnh Sát Đức Nguyễn, ca sĩ Quốc Thái, Dân Biểu Michelle Steel, luật sư Derek Trần. Đại Tá Tôn Thất Tuấn, chủ tịch hội quân nhân người Mỹ gốc Việt và phu nhân; Đại Tá Phương Nguyễn và phu nhân Hảo Nguyễn từ Washington D.C và một số anh em quân nhân và gia đình bay về Orange County từ hôm trước.

 

          Ban tổ chức: Phương Nguyễn, Bằng Đinh, Triết Bùi và Hiếu Nguyễn, trong lúc bận rộn tiếp khách về từ bốn phương trời nhưng hễ có người gọi đến đều trả lời điện thoại một cách nhanh chóng. Nhà binh có khác, ngoài chiến trường muốn giữ mạng sống của mình là phải nhanh. 4 người trẻ trong ban tổ chức, người tiếp tân thì nhiều. Đức Nguyễn (Cảnh Sát) đi từng bàn hỏi khách nào ăn chay thì gọi cho nhà hàng làm thức ăn chay ngay tức khắc. Sĩ quan chỉ huy Tony Thái Dương đón tiếp khách ân cần, niềm nở.

 

          Trong những cựu quân nhân người Mỹ gốc Việt có người làm thương gia, chủ công ty xây cất nhà cửa và chủ nhiều nhà hàng, Lê Khoa, sau khi tốt nghiệp đi lính, sau một thời gian giải ngũ làm thương mại rất thành công. Khoa Lê làm việc xã hội không ngừng nghỉ, giúp đỡ người nghèo, trẻ con mồ côi, người cùi, đặc biệt Khoa Lê ca rất hay, nhưng đại hội tưng bừng hôm nay ca sĩ là quân nhân rất đông nhưng không có cơ hội để ca vì anh em hàn huyên, tâm sự nhiều hơn ca hát.

 

          Một người cháu của Hòa Thượng Minh Đạt, trụ trì chùa Bát Nhã Đạo Tràng ở thành phố Garden Grove, mọi người trong nhà ai cũng tưởng lớn lên sẽ đi tu nhưng lại đi lính. Trong gia đình này cũng có người đi tu sau này thành sĩ quan cấp tá tuyên úy trong quân đội Hoa Kỳ và nhiều nữa.

 

          Nói chung, những người trong quân đội rất thương nhau, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau, gặp gỡ nhau thường xuyên dù ở bất cứ nơi nào, ở ngoại quốc cũng như ở trong nước.

 

 

Thiếu Tướng Châu Lập Thể (đứng giữa) bận rộn trả lời truyền thông cũng như chụp hình lưu niệm với quan khách tham dự buổi Gala (triệu phú Frank Jao đứng ngoài cùng bên phải). (Ảnh: Kiều Mỹ Duyên)

 

          Thiếu Tướng Châu Lập Thể bận rộn trả lời truyền thông cũng như chụp hình lưu niệm với quan khách tham dự buổi Gala hôm nay. Anh em hàn huyên tâm sự vui vẻ trước khi vào hội trường. Tiếng nói, tiếng cười vui như pháo nổ. Lâu lắm đại hội mới được tổ chức trở lại tại Orange County. Có người nói tiếng Việt rất thông thạo, có lẽ nhờ vợ là người Việt hoặc ở chung với cha mẹ, hoặc gặp cha mẹ, họ hàng thường xuyên hoặc được cử đi học tiếng Việt như Đại Tá Phương Nguyễn.

 

 

Đại Tá Tôn Thất Tuấn, phu nhân và Kiều Mỹ Duyên (Ảnh: Cảnh Sát Đức Nguyễn)

 

Kiều Mỹ Duyên, Hải Quân Trung Tá Chris Phan và phu nhân đến từ Houston.

 

Chiến sĩ người Mỹ gốc Việt tưởng niệm những anh hùng đã hy sinh. (Ảnh: Kiều Mỹ Duyên)

 

          Một tiết mục làm nhiều người rơi lệ là lúc tưởng niệm các anh em đồng đội hy sinh vì Tổ Quốc. Các anh hùng đã ngã xuống: Thanh V. Nguyen (mất ngày 25/6/1996 ở Saudi Arabia), Alan D. Lam (ngày mất 22/4/2003 tại Iraq), Andrew S. Dang (mất ngày 22/5/2004 tại Iraq), Binh Q. Tran (mất ngày 7/11/2004 tại Iraq), Victor Ronald H. Lu (mất ngày 13/12/2004 tại Iraq), Binh N. Le (ngày mất 3/12/2004 tại Iraq), Du H. Tran (20/6/2008 tại Iraq), Tung M. Nguyen (14/11/2006 tại Iraq), Long N. Nguyen (mất 10/2/2007 tại Afghanistan), Tan Q. Ngo (mất 27/8/2008 tại Afghanistan), Dan H. Nguyen (8/5/2010 tại Iraq), Tevan L. Nguyen (28/12/2010 tại Afghanistan), Jason K. Phan (12/9/2020 tại Kuwait), v.v.

 

          Một cái bàn nhỏ phủ bằng khăn trắng, trên bàn có một bông hồng, một hủ muối (tượng trưng cho sự đau đớn của gia đình có người đã hy sinh vì Tổ Quốc), một chiếc ghế để nghiêng nghiêng một phần ngã xuống mặt bàn. Nhạc truy điệu trỗi lên, nhịp nhàng với tiếng kèn buồn thê thảm của những quân nhân hưu trí. Đồng hương nào đã từng nghe tiếng kèn thúc quân của trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt hào hùng bao nhiêu thì tiếng kèn truy điệu, tiếng kèn tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc buồn thấm thía biết chừng nào. Ở đây thiếu ánh đèn mờ ảo của lúc truy điệu hồn tử sĩ như chúng tôi đã từng chứng kiến Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ kỷ niệm 200 năm thành lập ở khách sạn Marriotte chúng tôi được tham dự. Từ cửa chính đi vào một dãy bàn với ly, chén, khăn bàn ăn, đèn cầy nhưng không có người ngồi, đây là bàn dành cho Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, bàn dành cho người đã khuất bóng, đã hy sinh về đây tham dự lễ kỷ niệm với đồng đội.

          Lúc đó chúng tôi phỏng vấn một Thiếu Tá trẻ người Mỹ gốc Việt vừa ở chiến trường A Phú Hãn trở về, khi đi là Đại Úy lúc về là Thiếu Tá, được thăng cấp tại mặt trận. Chúng tôi hỏi:

          - Thiếu Tá mơ gì trong tương lai?

          Hải Quân Thiếu Tá trả lời:

          - Hy vọng làm chỉ huy trưởng chiến hạm, giữ gìn hòa bình cho Thái Bình Dương.

          Đã lâu lắm rồi tôi không có cơ hội gặp lại Thiếu Tá này. Hy vọng ông đạt được ước mơ tốt đẹp này.

 

Đại Tá Tôn Thất Tuấn và phu nhân của Đại Tá Phương Nguyễn- Mrs. Hảo Nguyễn đang đeo cấp hàm và bàn giao chức vụ hội trưởng hội quân nhân người Mỹ gốc Việt cho Đại Tá Phương Nguyễn.

 

          Vừa bàn giao chức vụ hội trưởng hội quân nhân người Mỹ gốc Việt xong, vừa bước xuống sân khấu, Đại Tá Tôn Thất Tuấn hô to:

          - I am free.

          Đại Tá Phương Nguyễn nói ngay:

          - Anh Tuấn nói như thế anh ấy không bỏ anh em, anh đã hưu trí, anh vẫn giúp đỡ anh em một cách tận tình.

          Đại Tá Phương Nguyễn nói một cách tự tin. Anh em quân nhân người nào cũng tốt giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau và kỳ vọng vào giới trẻ trong tương lai sẽ thay đổi thế giới.

          Đại Tá Phương Nguyễn ở Washington D.C, làm việc trong quân đội. Đại Tá Phương Nguyễn sinh ở Thủ Đức, cha mẹ lên Đắc Lắc làm đồn điền trồng cà phê. Ông sang Mỹ lúc còn nhỏ, ông học xong vào quân đội lúc đó nói tiếng Việt không rành, nhưng sau đó thì được quân đội cho đi học, học tiếng Việt cho nên bây giờ tiếng Việt hay tiếng Anh cũng rất thông thạo. Ông là một trong những người trẻ điều khiển chương trình cho đại hội rất nhịp nhàng, ăn khớp với anh chị em khác.

 

          Là quân nhân ở khắp bốn phương, có người lênh đênh trên mặt biển quanh năm suốt tháng chỉ thấy nước và trời. Nếu đóng quân ở đảo thì cũng chỉ thấy nước và cây cỏ, nếu là phi công thì bay trên trời về căn cứ quân sự thì người này và người kia cũng xa cách nhau, người này ở bên bờ Đại Dương, người kia ở Thái Bình Dương, gặp nhau đây là cơ hội tốt để hàn huyên tâm sự. Điều hay của ban tổ chức là mỗi bàn đều có quân nhân mặc sắc phục binh chủng của mình. Những người hưu trí rồi hoặc làm các ngành nghề khác như chánh án Chris Phan vẫn mặc quân phục Hải Quân, trên vai nhiều huy chương, và các quân nhân khác như đại tá Phương Nguyễn, đại tá Tôn Thất Tuấn, trung tá Triết Bùi hay nhiều quân nhân khác trên vai vẫn đầy huy chương. Người vợ ngồi bên cạnh chồng khi nghe trên sân khấu vinh danh chồng mình hay ông bà, cha mẹ có con tử trận được vinh danh là anh hùng thì ông bà, cha mẹ cũng hãnh diện về con cháu của mình giữa tràng pháo tay vang dội hay giữa tiếng kèn truy điệu chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc.

 

          Kiều Mỹ Duyên đã phỏng vấn một số anh em trong hội quân nhân người Mỹ gốc Việt và khách mời về cảm tưởng của họ nhân ngày thành lập hội hôm nay:

 

          Thiếu Tướng Châu Lập Thể: Chúng tôi rất vinh dự và tự hào là những quân nhân trong hội quân nhân người Mỹ gốc Việt- là hội quân nhân người Mỹ gốc Việt lớn nhất ở Hoa Kỳ. Cảm ơn thế hệ đi trước đã cho chúng tôi cơ hội trở thành các thành viên phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ.

 

          Hải Quân Trung Tá Chris Phan, đang là Chánh Án di trú liên bang Hoa Kỳ về từ Houston. Cậu ruột của Chris Phan cũng là cựu sinh viên trường Võ Bị Đà Lạt, ông Lưu Vĩnh Lữ, cũng là sĩ quan cao cấp của QLVNCH, là phát ngôn của chính phủ, bộ ngoại giao. Thân phụ là luật sư. Chris Phan học xong đại học, đi lính qua vùng vịnh Kuwait, A Phú Hãn, trong lúc ở phi trường đợi để chuyển máy bay đi đến một đơn vị khác, Thiếu Tá Hải Quân nghe một quân nhân đang nói chuyển điện thoại bằng tiếng Việt, đó là Đại Úy Thọ, sau đó hai người quân nhân ôm nhau mà khóc rồi lập thành hội quân nhân người Mỹ gốc Việt từ dạo đó. Sau này, Chris Phan về cư ngụ ở thành phố Garden Grove, chiều chiều đi xe đạp xin phiếu, rồi thắng cử trở thành nghị viên của thành phố Garden Grove, rồi luật sư công tố viên ở Orange County, rồi làm chánh án di trú liên bang dời về Houston, nhưng vẫn hoạt động trong hội quân nhân người Mỹ gốc Việt.

          Một chuyện tình lãng mạn của Chris Phan mà người thân không thể quên được, đó là ngày nhận chức nghị viên ở tòa thị chánh Garden Grove, sau khi nhận chức thì nghị viên Chris Phan quỳ xuống cầu hôn người bạn gái của mình. Gia đình của Chris lúc đó gồm có cha mẹ, cô cậu, dì, bằng hữu của người trong gia đình rất hồi hộp nếu không nói là gần đứng tim, nếu cô gái xinh đẹp đó mà từ chối thì tân nghị viên chắc phải từ chức và dọn nhà đi nơi khác ở, cũng may, cô gái gật đầu, cảm động đến rơi nước mắt. Cô cũng không ngờ được cầu hôn nơi trang trọng như thế.

          Người quân nhân Hải Quân lãng mạn như thế. Bây giờ, vợ chồng Chris có những đứa con học rất giỏi, dễ thương, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.

          Chris Phan trả lời phỏng vấn của Kiều Mỹ Duyên: Chúng tôi rất hân hạnh và hãnh diện, đây là năm thứ 15 kỷ niệm của hội quân nhân người Mỹ gốc Việt. Chúng con rất mừng trong mấy năm nay, chúng con được sự ủng hộ của các cô chú bác, anh chị em. Cho thấy hành động của chúng con đang làm trước đây và bây giờ đã có kết quả đó chính là sự ủng hộ của cộng đồng và của các em trẻ sau này. Hội của chúng tôi hiện nay có trên 1000 anh chị em, lúc mới thành lập chỉ có 4 anh em: Chris Phan, Thọ Nguyễn, Triết Bùi và Hiển Vũ. Năm 2008, 4 anh em thành lập hội. Mười mấy năm sau, hội ngày càng có đông anh em tham dự và hy vọng tương lai hội sẽ lớn mạnh hơn nữa để giúp đỡ anh em và giúp cộng đồng. Vài năm trước, chúng tôi tổ chức rửa xe để có tiền gây quỹ mua quà tặng như bánh tét, mì gói cho các anh em trong khi đi chiến đấu ở ngoại quốc hoặc ở những nơi nguy hiểm để họ đỡ nhớ nhà lúc xa nhà. Xin thay mặt hội, cảm ơn các cô chú bác, cộng đồng đã ủng hộ chúng tôi trong suốt mấy năm qua. Tôi mong các em trẻ luôn hướng về đất nước, yêu nước vì mình có cơ hội hôm nay là do nước Mỹ cho mình cơ hội đó.

 

          Trung Tá Triết Bùi (lên chức Trung Tá lúc 55 tuổi) ngậm ngùi khi nhạc truy điệu bắt đầu:

          - Con thương các em trẻ lắm cô ơi. Có em 18, 19 tuổi chưa có bạn gái, chưa lập gia đình, ra chiến trường hy sinh. Anh em quân đội thương nhau lắm, khi một người gục ngã thì anh em khác xúc động lắm.

          Ngừng lại vài giây, Trung Tá Triết Bùi nói tiếp:

          - Con không thể nào quên được. Chiến tranh nào cũng có sự hy sinh.

          Nhiều người trẻ lớn lên ở xứ sở hòa bình không có chiến tranh, không thể nào hiểu được sự hy sinh của người lính chiến ở sa trường, ông bà, cha mẹ, vợ con của người đã hy sinh như thế nào. Chỉ có người ra chiến trường mới hiểu được sự đau đớn của người mất người thân.

 

          Trung Tá Don Nguyễn Không Quân Hoa Kỳ: Đã làm việc cho Không Quân Hoa Kỳ 27 năm. Bố là Đại Úy VNCH, Bộ Binh, sĩ quan Đà Lạt. Một kỷ niệm đáng nhớ khi qua Iraq chiến đâu, khi đứa con vừa mới chào đời, tôi bỏ vợ con ở nhà, qua Iraq. Lúc đó tôi rất tội nghiệp cho vợ mình, là một phụ nữ rất giỏi ủng hộ tinh thần của mình đi ra chiến trường. Tôi đi 1 năm mới trở về, lúc về con trai của tôi tên Hà Nam đã được 1 tuổi. Chúng tôi về hưu 10 năm, bây giờ làm truyền tin và an ninh mạng làm cho công ty và những cơ sở của chính phủ. Từ nhỏ đã ảnh hưởng từ bố, có lần đã đi trực thăng với bố, khi lớn lên cũng muốn giống bố đi lính. Thấy người lính Mỹ rất oai hùng nên chúng tôi đã đăng ký đi lính. Rất mong các em lớn lên ở Hoa Kỳ tìm cơ hội để giúp cho cộng đồng mình, cho Hoa Kỳ, cho dân tộc mình, người Mỹ gốc Việt rất thành công trong quân đội Hoa Kỳ.

 

          Sĩ quan chỉ huy Tony Thái Dương: Mỗi năm anh em có dịp họp mặt nhau 1 lần để tưởng nhớ những người đã ra đi, cảm ơn bậc tiền nhân và giúp đỡ các em thế hệ sau này, giúp các em có hướng đi cho tương lai. Tôi đã đi lính 20 năm và về hưu được 7 năm. Tôi khuyên các em vào lính thứ nhất được quyền lợi chính phủ trả tiền học phí, thứ hai được dạy nghề và thứ ba dạy cho các em những kỷ năng xá hội, điều đó rất quan trọng. Hơn nữa, lính được nhiều ân huệ sau này, ví dụ như mua nhà không cần tiền cọc, tiền lời thấp hơn, VA trả, nhà băng không thể kéo nhà của mình được. Thời gian đầu đi lính rất cực nhưng sẽ có tương lai sau này. Mong các em ráng học có bằng lo cho tương lai.

 

          Ông Frank Jao: Tôi cảm thấy quá sức sung sướng có cơ hội tham dự vào những sinh hoạt của hội quân nhân người Mỹ gốc Việt. Đây là một hình ảnh cũng như là thành quả rất đáng kể và hân hạnh cho cộng đồng Việt Nam, đặc biệt để cho giới trẻ học hỏi. Nếu không có quân đội lo cho sự an toàn của nước Mỹ thì làm sao mình có ngày hôm nay.

 

          Cựu Dân Biểu VNCH Bùi Vi Anh (thân phụ Trung Tá Triết Bùi): Năm nay tôi 87 tuổi, tôi rất hãnh diện khi thấy hậu duệ của chúng ta người Mỹ gốc Việt biết trả ơn, đem sinh mạng, những ngày tháng tươi đẹp của họ để tham gia vào quân đội Mỹ. Họ rất khéo léo đã lập được hội quân nhân người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ, trong đó có tôi. Khi tôi làm báo tôi đã giúp cho tổ chức này nên hôm nay các em mời tôi đến đây tham dự đại hội. Tôi tin rằng người Mỹ gốc Việt của mình trong quân đội sẽ thăng tiến từ từ, bây giờ đã có tướng. Các em đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thay đổi đất nước như người Do Thái 2000 năm sau mới trở lại tái phục hồi đất nước của họ. Tôi hy vọng trong tương lai Việt Nam cũng được như thế đó. Xin Ơn Trên phù hộ cho chúng ta.

 

          Cảnh Sát Đức Nguyễn: Hôm nay là một ngày vui dành cho những quân nhân người Mỹ gốc Việt, những anh em trong ngành Cảnh Sát. Đặc biệt năm nay được tổ chức ở Orange County. Hiện nay gần 10000 người Mỹ gốc Việt phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ. Đó là một điều vui mừng vì các em cháu lớn lên ở đây đã phục vụ nước Mỹ, các em cháu vào quân đội có cơ hội học hỏi và lấy thêm bằng cấp cao hơn nữa. Chúng ta có thể làm việc 20 năm trong quân đội và hãnh diện có thể đóng góp cho quân đội Hoa Kỳ. Cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ 50 năm, có 7 vị tướng Mỹ gốc Việt. Các tướng tá hưu trí nhưng vẫn luôn giúp đỡ thế hệ trẻ tiếp bước. Các anh em đoàn kết, giúp đỡ, sinh hoạt với nhau để xây dựng tương lai tốt đẹp.

 

          Cô Thanh Tâm (Đạo diễn phim "Thuyền nhân- Hành trình 50 năm", đến từ Canada): Lần này trở lại California, tôi rất vui và hân hạnh được tham dự Gala của hội quân nhân người Mỹ gốc Việt. Tôi muốn gặp và phỏng vấn các vị tướng ở đây, là những thuyền nhân, huệ duệ của những người lính VNCH ngày xưa. Từ tro tàn của chiến tranh mà họ đã có những thành công nhất định ngày nay ở xứ sở Hoa Kỳ. Thanh Tâm rất ngưỡng mộ các anh em trong hội quân nhân người Mỹ gốc Việt.

 

          Các chiến sĩ, gia đình, đồng hương gặp nhau là điều hạnh phúc, để hàn huyên tâm sự, để nhắc nhở người còn hiện diện không quên bằng hữu, đồng đội đã hy sinh. Thế hệ thứ hai kế tiếp sẽ không quên đàn anh đã đi trước, đã dấn thân ở khắp chiến trường để bảo vệ Hòa Bình thế giới.

          Một buổi lễ vô cùng cảm động, người còn sinh tiền và người đã quá vãng sống rất gần nhau, vì cùng lý tưởng bảo vệ quê hương cho Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền, Hòa Bình cho thế giới.

 

Orange County, 11/2024

KIỀU MỸ DUYÊN

(kieumyduyen1@yahoo.com)

 

Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top