KIỀU MỸ DUYÊN
BAO GIỜ THẾ GIỚI CÓ HÒA BÌNH?CÓ HÒA B
Người hạnh phúc và vui vẻ thì sống lâu, sức khỏe dồi dào, không đau bệnh. Người lạc quan, cười nhiều sống lâu hơn người hay than thở, chán nản. Ai cũng thích sống với người lạc quan hơn người bi quan. Hàng ngày, chúng tôi gặp nhiều người tươi cười như ngày hội Tết, lúc nào cũng cười, khuôn mặt tươi như hoa, tiếng nói như chim hót mùa Xuân. Những người này làm việc gì cũng thành công. Người thành công là người hạnh phúc, vì hạnh phúc nên thành công. Người lạc quan thì trẻ mãi không già. Sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, ai cũng mong có đời sống như thế. Nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta được đời sống hanh thông như thế?
Có bao giờ bạn làm việc thiện và nghĩ đến việc làm việc thiện chưa? Có bao giờ bạn thấy mình hạnh phúc hơn người khác? Có bao giờ bạn thấy Thượng Đế cho mình quá nhiều trong lúc khả năng của mình không được hưởng như thế? Bạn có biết rất nhiều tiến sĩ thất nghiệp? Bạn có biết nhiều đồng bào tài ba lỗi lạc, nhưng chỉ trong một cơn bạo bệnh không còn cử động được, phải nằm một chỗ hoặc phải ngồi trên xe lăn, mà những người này đã một thời oanh liệt?
Có bao giờ bạn nhìn thấy những người không nhà, lây lất trong công viên, góc phố, sống được là nhờ cơm bố thí của những người giàu lòng hảo tâm? Bạn làm việc có tiền, bạn có dành dụm để giúp những người thân yêu của mình? Bạn có dành một ít để giúp những người khốn khổ ở quê nhà?
Bạn có yêu thương người già? Bạn có yêu thương trẻ thơ? Bạn có yêu thương chính bạn? Bạn có đi khám bệnh thường xuyên? Bạn có lơ là uống thuốc dù bác sĩ đã căn dặn một cách cẩn thận? Bạn có thương người như thể thương thân?
Đây là những câu hỏi mà Kiều Mỹ Duyên ưu ái hỏi đến bạn. Trả lời những câu hỏi này, tức là chúng ta đã cùng chung một số quan điểm.
Kính trọng và thương người nào đừng làm phiền đến người đó. Hãy tôn trọng họ, đừng làm mất thì giờ của họ. Hãy sống độc lập về tinh thần, cơm ăn áo mặc không quan trọng bằng tinh thần.
Cho đi là còn mãi.
Quan trọng nhất là phải biết mình là ai? Tội nghiệp những người già rất cô đơn, không có bạn. Hãy tìm bạn cùng làm việc xã hội hay phụng sự tôn giáo để sống có ý nghĩa hơn, đỡ cô đơn hơn. Người già sợ ăn, ăn nhiều sợ bệnh nên lúc nào trong người cũng thiếu dinh dưỡng dễ ngất xỉu. Hãy tập ăn uống điều độ, tập thể dục đều đặn. Nhiều người không tập thể dục nên ăn không ngon, dễ bị trầm cảm. Hãy tập thể dục thường xuyên, mình là thầy thuốc của chính mình.
Hãy yêu mình, hãy yêu người xung quanh mình. Yêu người nhưng phải tự trọng, vì yêu người không phải đi xin thứ này, thứ nọ của người đó, nhất là xin thì giờ, xin kiến thức. Kiến thức phải đến trường học và học với nhiều người, nhiều ngành khác nhau, không phải chỉ học với một người. Chúng ta vào trường đại học cùng học với nhiều người chứ không chỉ học với một giáo sư duy nhất.
Yêu thương cho đi để nhận lại, cho đi một để nhận lại gấp trăm ngàn lần yêu thương.
Có người nói trên cõi đời này chỉ tôn thờ một người, một người là vua, không có 2 vua, điều đó là sai lầm. Người này có điểm này tốt thì người khác cũng có điểm tốt của họ. Người cần người, người này cần người kia, cho nên tình người vô cùng quan trọng. Loài vật như chó, thỏ, mèo cũng cần được thương yêu. Người yêu thương vật, vật trung thành với người. Tôi thường nghe người sắp chết, con vật vẫn quấn quýt bên chủ. Chủ chết rồi, con vật chạy theo ra mộ của chủ, và suốt ngày nằm bên cạnh mộ của người qua đời.
Hy vọng người thương vật, tại sao người không thương người? Ăn chay cũng là điều hay vì những con vật như gà, vịt, bò, heo đỡ bị sát hại. Bây giờ, có những người Mỹ ăn chay không phải vì đạo, mà ăn chay vì không muốn những con vật bị giết một cách thê thảm. Hồi nhỏ, tôi thấy một bà cầm dao cứa cổ con ếch. Hình ảnh đó ám ảnh tôi cho tới bây giờ. Trong lúc con ếch bị đè 2 chân sau, 2 chân trước của ếch như hai bàn tay chắp lại như lạy người sắp cắt cổ mình. Hình ảnh khủng khiếp đó làm cho tôi sợ hãi cho đến bây giờ.
Thương người chưa đủ hãy thương loài vật. Loài vật dễ thương, không có tiếng nói nhưng chúng ta nhìn vào con mắt của những con ếch sắp bị cắt cổ, và nước mắt của chúng trào ra, thương tâm lắm.
Con vật cũng như người
Đều sợ đau và chết
Hãy nuôi dưỡng yêu thương
Chớ giết, chớ bảo giết.
Một người làm phụ bếp ở nhà hàng có bán tiết canh vịt kể cho tôi nghe rằng: ngày đầu tiên làm việc ở nhà hàng này, bà bếp chánh đẩy cho người phụ bếp cắt cổ vịt làm tiết canh. Con dao cứa vào cổ vịt phải từ từ để máu chảy ra nhiều. Nếu cứa một nhát nhanh, vịt chết ngay, máu không chảy ra. Con vịt bị cứa cổ, máu chảy từ từ. Con vịt đau đớn vùng vẫy, nhưng người cắt cổ vịt vẫn kẹp chặt vịt bằng chân của họ. Con vịt không thể vùng vẫy, nhưng 2 con mắt của vịt chảy nước mắt như cầu cứu, như van xin sự sống. Bây giờ, chúng ta cứ tưởng tượng, nếu chúng ta bị cắt cổ từ từ, máu chảy ra từ từ, chúng ta sẽ đau đớn đến chừng nào? Người hành hạ con vịt, con ếch, cắt cổ từ từ cho máu chảy ra. Than ơi, con người ta chỉ vì ăn tiết canh, ếch xào lăn, mà làm con vịt, con ếch đau khổ.
Trong quá trình cắt lấy lông, cừu nín chịu tất cả sự đau đớn để con người hoàn thành cuộc giết chóc của họ.
Tôi còn nhớ cảnh đau lòng khi chúng tôi du học ở Úc. Nghỉ lễ, chúng tôi được về nông trại xa thành phố để xem đàn cừu. Cừu rất hiền, cho nên có câu: hiền như cừu. Con cừu bị lùa vào trong phòng đi qua từng cửa. Ở đó có máy cưa sẵn bào trên lông của con cừu. Khi cừu vào phòng thì lông rất đẹp, trắng xóa như tuyết nhung, sau khi qua cánh cửa, lông của con cừu bị bào hết, bào tới da đến rướm máu. Sau đó đi ra, con cừu còn lại nhỏ xíu mất hết lông, lạnh run rẩy giữa trời tuyết trắng. Tối hôm đó, chúng tôi trở lại Canberra, thủ đô của Úc, bưng chén cơm nuốt không vô, vì thương đàn cừu lạnh run giữa trời giá rét. Lông cừu được bán để làm áo ấm cho con người. Hình ảnh con cừu run rẩy làm cho chúng tôi xúc động và nhớ mãi cho tới bây giờ.
Con người độc ác thật, vì mình cần áo ấm, áo lông cừu, mà bào hết lông cừu, bào đến tận da. Có người còn ăn thịt cừu mỗi ngày. Thế giới có chiến tranh vì con người độc ác. Làm thế nào để con người không còn độc ác, biết thương yêu tha nhân và thương yêu loài vật? Nếu con người tin có Nhân- quả, Nghiệp báo, Luân- hồi thì nên lấy tình thương cảm hóa hận thù, sống vui vẻ và hạnh phúc với nhau. Giáo lý Nhân-quả, Luân-hồi đem lại cho chúng ta một niềm phấn khởi mạnh mẽ vô cùng, đó là tự kiến tạo lấy đời mình. Trong bao nhiêu kiếp Luân-hồi, mỗi chúng ta là tay thợ tự xây dựng lấy địa vị của mình mà không hay.
Cầu mong thế giới hòa bình, không chiến tranh.
Con người làm ra vi trùng (Covid-19) để giết người, giết hàng triệu người trên thế giới, rồi chế thuốc chữa bệnh để lấy lời, làm giàu trên mạng sống của người khác. Con người chế ra súng, bom đạn, xe tăng thiết giáp để gây ra chiến tranh để làm giàu, nhà cửa đổ nát, xây dựng lại để làm giàu, làm giàu trên xác người. Nếu không có người chế ra khí giới thì làm gì có chiến tranh tàn khốc, hàng triệu người chết, ngay đánh nhau bằng gươm cũng có người chết nhưng đâu có chết hàng trăm ngàn người một lúc. Chiến tranh làm cho ông bà cha mẹ xa con cháu của mình, chiến tranh máu đổ thịt rơi, chiến tranh làm cho người thân ly tán, chiến tranh làm cho cửa nát nhà tan. Ôi, chiến tranh sao mà ghê gớm quá, khốc liệt quá, đến bao giờ thì hết chiến tranh.
Nếu có một ngày buổi sáng thức dậy không nghe có chiến tranh, không có người bị giết, không ai ăn cắp, ăn trộm, không có ai giết người, thì ngày đó là Thiên Đàng ở hạ giới. Nhưng làm sao có được, lòng người bất ổn, thế giới bất ổn, chếm giết vẫn liên tục, giết người vẫn diễn ra hàng ngày, người đói khát, bệnh chết ở dọc đường, ở khắp nơi, nhất là những nước đang phát triển. Làm sao giải quyết được những vấn đề này?
Xin Thượng Đế giúp nhân loại qua khổ ải trên, phù hộ cho con người đừng có mộng xâm lăng, đừng làm giàu vì bán khí giới, bán ma túy, sòng bài, giết người vì tâm tính bất thường, nổi điên bất tử, v.v.
Orange County, 03/2023
KIỀU MỸ DUYÊN
(kieumyduyen1@yahoo.com)