KIỀU MỸ DUYÊN
NHỮNG CHUYỆN NHỨC ĐẦU
Đoạn trừ phiền não bằng cách rèn luyện để tăng khả năng chịu đựng.
Trên cõi đời này, chuyện gì cũng có thể làm cho chúng ta nhức đầu. Trời nóng quá cũng nhức đầu, người bị thiếu máu, máu không lên não cũng nhức đầu, người khác nói một câu mình không hài lòng cũng bị nhức đầu. Vậy thì làm sao cho khỏi nhức đầu?
Đừng quan tâm đến Trời nắng, Trời mưa. Trời nóng thì uống nước nhiều, nghe lời của bác sĩ dặn dò, ăn trái cây, ăn nhiều rau, thản nhiên trước mọi sự. Tại một làng bên Nhật, làng này sống dưới chân núi, sáng sớm mọi người lên núi, lội suối bắt cá, hái rau, bắn chim, ca hát suốt ngày. Ngày ngày nghe tiếng suối reo, nghe tiếng chim hót líu lo trong rừng thẳm, sống thản nhiên hạnh phúc với núi rừng. Buổi tối không cần điện, ngủ yên giấc, không lo âu, không lo mỗi tháng phải trả tiền điện, tiền nước, tiền thuế đất, tiền bảo hiểm, tiền mượn ngân hàng, tiền lời của thẻ tín dụng. Người nhỏ nhất trong làng này 105 tuổi, người lớn tuổi nhất 126 tuổi, khỏe mạnh, vui vẻ, yêu đời, yêu người mà sống.
Làng Ogimi trên đảo Okinawa, Nhật Bản, đạt tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. Hòn đảo này có khí hậu cận nhiệt đới, với mùa đông không quá lạnh. Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ở khắp nơi, góp phần hình thành lối sống thư thả, khoan thai.
Một xướng ngôn viên của đài truyền hình của Nhật 107 tuổi, nhiếp ảnh gia, đã từng triển lãm chiếm giải thưởng toàn quốc, 96 tuổi thất tình, bận rộn đến nỗi không có thì giờ để chết. Sống vui, sống khỏe, không uống dược thảo, dược phẩm, chỉ tập thể thao, tập võ, làm chương trình cho đài truyền hình, không tham gia chính trị, không là thành viên của đảng phái chính trị. Mỗi ngày, ngoài giờ làm việc, thì đọc sách, thiền, giúp cho người nghèo theo khả năng của mình.
Bà Sasamoto Tsuneko, Nhật Bản, sinh năm 1914. Chồng chết khi bà 71 tuổi, bà Sasamoto Tsuneko quyết định cầm lại máy ảnh và bắt đầu sự nghiệp của một nhiếp ảnh gia tự do. 96 tuổi thất tình, 100 tuổi đoạt giải, cuộc sống bận rộn đến mức 'không có thời gian để chết'. Bí quyết để duy trì sự trẻ trung của bà Sasamoto Tsuneko chính là “tính hiếu kỳ": tò mò mọi lúc giúp bạn luôn có thể chủ động đối diện và tràn đầy năng lượng.
Làm việc nhiều không cô đơn, thần tượng có tiếng nói, thần tượng không ngồi trên bàn thờ, khi mình cảm thấy bơ vơ, lạc lỏng, khi mình thấy khổ sở, bốc điện thoại lên, thần tượng ở đầu giây. Thần tượng là người của trân gian nhưng có phép mầu nhiệm làm vơi đi phiền não của người khác. Ở trên cõi đời này có bao nhiêu người may mắn có được thần tượng hiện hữu trên cõi nhân gian này?
Sông có khúc, người có lúc, có ai tự hào mình sống suốt cuộc đời này không có lúc bị phiền não? Ai cũng thích may mắn, hạnh phúc, nhưng có bao nhiêu người được toại nguyện hay nhờ phúc đức của ông bà, cha mẹ để lại?
Hiểu rõ về mọi vật, mọi việc để buông bỏ phiền não
Hạnh phúc thay cho những người không bị phiền não! Hạnh phúc thay cho những người có cuộc sống bình thản, không ganh ghét, không tị hiềm người khác. Hạnh phúc thay cho những người đầu óc bình thường, không ganh tị khi thấy người khác hơn mình thì ghét hoặc người ta không làm theo ý mình thì ghét? Hạnh phúc thay cho những người nào có tâm bình thản trước mọi sự không vừa ý của cuộc đời này?
Những người có cái "tôi" quá lớn, chỉ có ta là nhất, người khác là cỏ rác, đụng đến ta là không được. Bầu Trời này rộng lớn lắm, cái tôi là nhỏ bé, nếu mọi sự bình thản như cỏ dại dọc đường, nếu khiêm tốn, khiêm cung thì đời sống này đỡ buồn phiền.
Phiền não của con người thường xoay quanh 12 chữ:
Buông không đành
Nghĩ không thông
Nhìn không thấu
Quên không được.
Người hạnh phúc là người không bao giờ để phiền não trong lòng. Đời sống này ngắn lắm, thời gian qua đi không bao giờ trở lại, người chết không bao giờ sống lại, nếu có sống lại phải đợi kiếp sau (nếu tin có kiếp sau).
Sống làm sao cho lòng mình thanh thản, không thù oán, giận hờn. Mình giận người nào đó, mình cứ nghĩ đến họ, ghét người nào đó mở miệng ra nói chuyện giận hờn, làm chi cho mệt óc. Óc của mình để nghĩ đến chuyện khác, nghĩ đến những đứa trẻ mồ côi, sáng thức dậy không có thức ăn, ăn khoai, bắp, nhiều khi không đủ khoai bắp cho vào bao tử, ăn buổi sáng lo buổi chiều không biết có thức ăn hay không?
Thay vì nghĩ đến thù oán, mình nghĩ đến người nghèo ở quê nhà, trẻ thơ vô tội, mất cha mẹ khi vừa sinh ra đời hay bị cha mẹ bỏ, các đứa trẻ này cần tình thương. Trên trần gian này, có ai không cần tình thương đâu?
Bớt nghe, bớt nói, bớt nhìn
Cho tâm thanh tịnh, cho đời bình an.
Bớt si, bớt giận, bớt than
Để tâm thanh tịnh, bình an cho mình.
Mỗi lần có người nào đó nói với tôi rằng người này xấu, người kia xấu, tôi không thích nghe nên bắt qua chuyện khác, chuyện vui, chuyện làm việc xã hội ở quê nhà hay ở các nước khác: Miên, Lào, Nam Dương, những quốc gia đã cưu mang người tị nạn Việt Nam trong suốt thời gian di tản.
Nhiều người lấy làm lạ sao đến bây giờ mà vẫn có người đói, người chết vì đói, người bệnh không có tiền chữa bệnh và chết vì thiếu thuốc men.
Tội nghiệp cho những người bệnh mà không biết mình bệnh. Có những người khuôn mặt đẹp nhưng cô đơn, không có bạn thân, vì lúc nào cũng chê. Bệnh chê ăn vào máu, thấy ai cũng chê, sao người đó mập quá vậy, sao người kia ốm như bộ xương khô. Thấy người khác là tìm cách để chê, không chê là không ăn ngon, ngủ ngon; thấy người giàu, người giỏi cũng chê; thấy người dốt cũng chê; thấy gia đình nào hạnh phúc cũng chê, vì thế cả đời cô đơn, không ai dám chơi.
Người hay chê người khác, nhìn khuyết điểm của người khác mà không thấy khuyết điểm của chính mình. Ở đời này đâu có ai hoàn hảo, nhân vô thập toàn, người tự ti, mặc cảm là thiếu niềm tin ở chính mình, nhìn người nào cũng xấu và nghi kỵ, nghĩ người nào cũng không tốt. Là người bị bệnh nên đi bác sĩ, bác sĩ tâm lý, bác sĩ tâm thần nhìn thấy người nào bệnh nhanh lắm. Tội nghiệp các bác sĩ tâm lý, bác sĩ thần kinh, suốt ngày lắng nghe bệnh nhân tâm sự (nghe được trả tiền), nghe hoài, nghe mãi bệnh hoạn của người khác rồi cuối tháng phải tìm đến thầy của mình để chữa bệnh cho mình.
Ở nước Mỹ, người bệnh nhiều lắm. Trên cánh tay, trên bàn chân nếu có mụn nhọt thì cắt bỏ nhanh lắm, nhưng nếu có bệnh ở trong đầu, "bệnh chê" thì khó trị. Tôi quen nhiều người, suốt đời không bao giờ khen ai điều gì, từ sáng đến chiều gặp ai cũng chê, không dám chê trước mặt, thường hay chê sau lưng người khác, dù biết đó không phải là hành động của người anh hùng, mà là hành động của kẻ tiểu nhân. Tính tình không giống ai, tự ti, mặc cảm nên chê người khác để thấy mình giỏi hơn người khác. Đời sống ganh đua danh lợi làm gì cho khó khăn, ông bà mình thường nói biết đủ là đủ.
Khổ tâm lớn nhất của đời người là sự ganh ghét, đố kỵ.
Người có tâm ganh ghét, đố kỵ sẽ khổ sở dai dẳng trong lòng.
Than ôi, tình cảm cũng cạnh tranh, một người thích một người giỏi, đạo đức, có lòng quảng đại, người khác cũng thích người đó, người đó cũng bị nói xấu, vì người ích kỷ thích người nào đó thì người khác không được thích người đó. Ai cũng muốn độc quyền thì người giỏi đó khổ sở vì những người xung quanh nói xấu lẫn nhau. Cho nên người giỏi, hữu ích cho xã hội, cũng khốn khổ vì những người ích kỷ bên cạnh nói xấu lẫn nhau chỉ vì một người nổi tiếng, nổi danh được nhiều người thích.
Thế giới này không bao giờ có hòa bình: hòa bình trong tình cảm, hòa bình về kinh tế, hòa bình về quyền lực, v.v. Hòa bình chỉ có khi mọi người có cái tâm bình yên, không cạnh tranh, không ích kỷ, không ghen ghét lẫn nhau.
Hãy sống "Từ, Bi, Hỷ, Xả":
"Từ" là tâm chẳng sân si
"Bi" là thương hết không vì một ai
"Hỷ" là vui vẻ, hài hòa
"Xả" là xóa hết đắng cay vui buồn.
Nghe người nào nói chuyện lạc quan, vui vẻ và yêu đời thì sự vui vẻ sẽ đến. Nghe người bi quan, chồng bỏ, vợ bỏ, vì nhiều lý do khác nhau, như chuyện một bà có chồng về Việt Nam làm ăn, khi về lại Mỹ dẫn theo mấy đứa giống hệt chồng mình, thế rồi ly dị, chuyện thê thảm ít người muốn nghe, nghe xong nhức cái đầu.
Một người trẻ làm bạn gái có bầu, bảo bạn gái phá thai, bạn gái không chịu, đến khi sinh một thằng bé giống mình như đúc. Bạn trai mê thằng con quá, lớn lên đi đâu hai bố con đều đi với nhau. Cho đến khi thằng con biết khi mình còn nằm trong bụng mẹ, bố bảo mẹ đi phá thai, khi đứa con khôn lớn biết bố muốn giết mình, từ đó nó không nhìn mặt bố dù ở chung trong nhà. Nó nói với ông bà ngoại: cháu không muốn nhìn kẻ "sát nhân".
Việc làm hư thật tự mình hay
Họa phước do ta chớ hỏi thầy
Thiện ác chung quy đều báo ứng
Nếu không sớm đến ắt là chầy.
Trên cõi đời này làm gì cũng có trả báo, làm tốt sẽ gặt được kết quả tốt, làm việc xấu sẽ bị quả báo nhãn tiền. Hãy nhìn những bác sĩ phá thai, có người nào được sống bình yên về cuối đời? Hãy nhìn những đứa con của các bác sĩ phá thai, giết hàng ngàn đứa trẻ trong bụng mẹ, có người nào được sống bình yên trong tuổi già? Nhiều người cầu nguyện cho kẻ dữ, nhưng vô ích, người nào làm việc ác thì phải trả nợ trong đời này.
Mong thế giới hòa bình, không có chiến tranh. Mong người thương người, mong mọi người sống bình yên, sống vui vẻ và hạnh phúc hết cuộc đời.
Orange County, 8/2024
KIỀU MỸ DUYÊN
(kieumyduyen1@yahoo.com)
KIỀU MỸ DUYÊN, NHỮNG CHUYỆN NHỨC ĐẦU
-
Người viết đánh giá
- Rated 5 stars
- Tuyệt vời
- Nguyễn Tùng Dương
- Reviewed by:
-
Published on:
- Last modified:
Bạn có thể quan tâm:
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.
Email: saigonweeklyonline@gmail.com
Thư từ bài vở: 702-389-5729
Quảng cáo: 702-630-0234
Hotline: 702-426-4404