Hoàng Ngọc Nguyên - LƯỢC SỬ NƯỚC MỸ - MỘT ĐẤT NƯỚC CHƯA TRÒN BA TUỔI

ƯỢC SỬ NƯỚC MỸ -

MỘT ĐẤT NƯỚC CHƯA TRÒN BA TUỔI

Hoàng Ngọc Nguyên

      
    


Đã đến lúc người viết có thể nói cuối cùng mình đã hoàn thành “sứ mệnh”: “Lược Sử Nước Mỹ - Một Đất Nước Chưa Tròn Ba Tuổi” sẽ sớm đến với độc giả trong “một sớm một chiều”. Với sự đôn đốc của vợ con và các cháu nội ngoại, sự ủng hộ của bạn bè, sự bảo trợ của một nhà xuất bản nhỏ nhưng có một chủ nhiệm lớn, “Lược Sử Nước Mỹ” dĩ nhiên phải đi tới đích. Tuy nhiên, cái đích chính là động lực chính yếu khiến cho tác giả không bỏ cuộc  - không bỏ cuộc dù tuổi già sức yếu, không bỏ cuộc dù thời thế nhiễu nhương, không bỏ cuộc dù đại dịch vẫn hoành hành, chẳng biết ai còn ai mất để đọc sách của mình.

Đúng hơn, chính vì tuổi già sức yếu, thời thế nhiễu nhương, đại dịch lan tràn mà người cao niên cũng không thể ở yên, phải cầm bút cho bớt lo lắng, bồn chồn.



Có một thực tế đáng ưu tư là chúng ta qua đây đã 46 năm – dĩ nhiên người qua trước người qua sau – và cộng đồng người “Mỹ gốc Việt” ngày nay cũng đã xấp xỉ 2.5 triệu người. Thế nhưng khó thể nghĩ ra có một tác giả nào, hay tác phẩm nào, viết về lịch sử nước Mỹ. Và cũng khó tin rằng có được ít nhất 15% người Việt, lớn nhỏ, có kiến thức tối thiểu về lịch sử của đất nước dung thân này (chớ nên dùng chữ tiêu cực, yếm thế như “tạm dung”). Người ta nói như các nhà kinh tế theo thuyết tạo nguồn cung (supply-side economics): có cung rồi sẽ có cầu. Không ai viết, không ai in thành sách cả, làm sao có người đọc. Nhưng cũng có người nói theo thuyết kinh tế tân cổ điển: Không có cầu (effective demand) làm sao có cung. Chẳng ai muốn đọc, chẳng ai thấy cần đọc, thì làm sao có người dám cầm bút?

  Lý luận nào cũng có cái lý của nó, và lý luận nào cũng có giới hạn của nó. Đứng trước một nhu cầu chính trị, một nhu cấu văn hóa của cộng đống, người viết không thể quá tính toán như một nhà kinh doanh! Trong trường hợp này, trước hết hãy nghĩ đến chuyện cung, để người tiêu thụ có thể khám phá ra sự thiếu thốn của mình và từ đó số cầu sẽ hiện thực và gia tăng.
           
Một trong những điều chúng ta phải nghĩ đến trước tiên khi đưa tay lên tuyên thệ làm công dân nước Mỹ là chúng ta không thể không biết gì lịch sử nước Mỹ. Cũng chẳng thể ảo tưởng đã qua được trắc nghiệm về công dân (test of citizenship) là đã hiểu biết lịch sử nước Mỹ.


Đã từng là công dân Việt, chúng ta hẳn phải biết những chuyện “tiền sử” như 100 cái trứng của Lạc Long Quân cho nàng Âu Cơ, Trọng Thủy Mỵ Châu, Phù Đổng Thiên Vương… Lịch sử Việt Nam tuy có cả “4.000 năm văn hiến” nhưng tương đối đơn giản: “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày” (Gia tài của mẹ -Trịnh Công Sơn) Và nay là gần nửa thế kỷ dưới ách “vô sản chuyên chính”. Cho dù Hoa Kỳ như thường lệ đang trở mặt và thân thiện với Hà Nội trong ảo tưởng mua chuộc được một đồng minh trước là kẻ thù để chống Trung Quốc, Cộng Sản Hà Nội đối với chúng ta vẫn là một thế lực ngụy quyền thực sự, độc tài sa đọa, thoái hóa. Khi còn là người Việt, hẳn chúng ta phải biết những chiến thắng lẫy lừng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng, Lý Thường Kiệt đánh giặc Tống, Trần Hưng Đạo ba lần phá quân Nguyên, Lê Lợi 10 năm gian khổ đuổi giặc Minh, Vua Quang Trung ăn Tết muộn để đánh tan quân Thanh tại Gò Đống Đa… Hàng loạt kháng chiến của nhân dân ta từ bắc vào nam chống thực dân Pháp đều là những thiên anh hùng ca mà chúng ta cần biết để ngẩng cao đầu. Bởi thế mới có tên đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám… Thế nhưng trong hơn bốn thập niên qua, người dân Việt Nam đã cúi đầu. Hiểu được điều này không phải dễ!

            Nay chúng ta đang có căn cước mới dân tộc, và sự đòi hỏi thể hiện ở ngay kỳ thi nhập tịch: chẳng hiểu biết lịch sử nước Mỹ, chẳng thể trở thành công dân Mỹ! Những câu hỏi trắc nghiệm, thực ra, đơn giản theo kiểu thi A B C D, và đã có sẵn cuốn sách “dạy tủ” để thi. Chúng ta cần biết lịch sử Mỹ đầy đủ hơn, bao quát hơn, chặt chẽ hơn và “phê phán” hơn vì nhu cầu hội nhập.  Hãy thử đặt mình trước những câu hỏi sau đây: khi người Mỹ bắt đầu đấu tranh để giành “độc lập”, họ có tất cả bao nhiêu thuộc địa (colony), tại sao gọi là thuộc địa, và thuộc địa của ai? Nước châu Âu nào là đồng minh của Mỹ trong cuộc “chiến tranh cách mạng” này? Những khẩu hiệu của cuộc cách mạng là gì? Cuộc nội chiến trong bốn năm 1961-65 là giữa ai và ai, vì những lý do đích thực nào, tổn thất nhân mạng của đôi bên, và kết quả cũng như hậu quả của cuộc nội chiến? Làm sao có hai tổng thống tên Roosevelt? Ông nào lên Mount Rushmore? Vì sao? Ông nào nổi tiếng hơn? Vì sao?...

Thực ra, chẳng phải riêng gì người Mỹ gốc Việt mà nhiều người Mỹ khác (trắng, đen, vàng, nâu, đỏ…) cũng có hiểu biết rất giới hạn về lịch sử nước Mỹ. Giới thức giả trong những ngành chính trị và lịch sử vẫn mệt mỏi kêu gọi người Mỹ đa chủng, đa nguồn cần có kiến thức căn bản về lịch sử nước Mỹ. Cần thiết vì chúng ta đã là công dân Mỹ, đã tuyên thệ, không thể vô trách nhiệm không “thèm” biết lịch sử của đất nước. Đó chính là một sự giới hạn của “công dân giáo dục” nơi bản thân, một phần quan trọng trong đời sống trí thức, giá trị trí thức nơi mỗi người. Hiểu biết lịch sử là cách tìm hiểu những vấn đề đích thực của đất nước này - dù là  người “tạm dung” hay không. Hiểu biết giúp cho mỗi người xử sự thích đáng, tích cực trong sự tìm kiếm lối ra cho đất nước. Phải “informed” để có thể “engaged”.

Điều đáng lo ngại là theo một thăm dò của tổ chức Woodrow Wilson National Fellowship Foundation vào năm 2019 thực hiện trên cả nước Mỹ với 41.000 người cho thấy chỉ có 27% những người dưới 45 tuổi có kiến thức căn bản về lịch sử nước của mình. Tồng hợp lại, khoảng 30% có khả năng qua được trắc nghiệm công dân thường thức (citizenship exam dành cho những người “thi quốc tịch”).  Một câu chuyện thăm dò khác cũng rùng rợn không kém. Vào tháng 10 năm 2019, người ta hỏi một nhóm sinh viên Đại học Texas ba câu, và phần lớn “các em” ngập ngừng rồi trả lời: “Không biết!”. Câu thứ nhất: “Ai chiến thắng trong Nội chiến?” (Miền Bắc). Câu thứ hai: “Phó tổng thống Mỹ hiện nay là ai?” (Mike Pence). Câu thứ ba: “Nước Mỹ giành được độc lập từ đâu?” (Đế quốc Anh). Có những câu hỏi cũng rất phổ thông, như Hiến pháp nước Mỹ được thông qua năm nào? (1787). Có tất cả bao nhiêu tu chánh án” (27 tu chánh án nhằm tăng cường, bảo vệ quyền công dân).  Tự do ngôn luận từ điều luật nào của Hiến pháp? (Đệ nhất Tu chánh án). Tổng thống Mỹ trong Đê nhất Thế chiến là ai? (Woodrow Wilson). Trong Đệ nhị Thế chiến? (Franklin Roosevelt). Thăm dò cho thấy chưa đến 15% sinh viên biết được câu trả lời! Cái học thời nay đã hỏng rồi? Hay nước Mỹ quá đa chủng cho nên chẳng mấy ai muốn học? Thăm dò này không đề cập gì đến trình độ hiểu biết lịch sử của mỗi chủng tộc (trắng, đen, nâu, vàng…) hay mỗi lứa tuổi. Tuy nhiên, chớ nghĩ rằng người da trắng có kiến thức rành rọt về lịch sử, nhất là thành phần trung lưu hay công nhân, nông dân!

Có lẽ cần phải nhắc lại một cách trân trọng ý kiến của nhà giáo dục Arthur Levine trong một bài tham luận trên tờ The New York Times. Giáo sư Levine là chủ tịch của Woodrow Wilson National Fellowship Foundation, một tổ chức quan tâm đến dân trí nước Mỹ ngày nay - nhất là về chính trị và lịch sử. Trong bài viết : “When it comes to knowledge of American history, we are a nation at risk” ((Khi nói đến kiến thức về lịch sử Hoa Kỳ, chúng ta là một đất nước bấp bênh). Ông viết rằng: “Sự quan trọng của cuộc nghiên cứu này là ở chỗ tương lai của đất nước đang vào thời điểm thử thách. Người công dân hiểu biết lịch sử của đất nước là điều tối thiết để bào vệ xã hội dân chủ đang trên bờ vực. Người Mỹ cần hiểu biết quá khứ của đất nước  để có thể hiểu được một hiện tại nhiễu nhương và một tương lai bất định. Lịch sử vừa là cái neo vào một thời những thay đổi đang công phá chúng ta, như hiện tai chẳng hạn, và cũng là môt phòng thí nghiệm đề nghiên cứu những thay đồi đang diễn ra. Nó cho chúng ta niềm tin người Mỹ có thể xích lại gần nhau cho dù sự phân hóa giữa chúng ta sâu sắc và những khác biệt chủng tộc đang đe dọa làm vô nghĩa những cái chung giữa chúng ta”.

Nhận thức đúng đắn cuộc nội chiến từ 160 năm trước đây vẫn còn là một vấn đề của nước Mỹ để có một sự trưởng thành chính trị rộng rãi. Do đó cần có một khảo hướng thực sự hòa hợp hòa giải với nhận thức và thiện chí thực sự của mọi chủng tộc. Sư nổi dậy của phong trào “Bạch chủng thượng đẳng” dựa trên niềm tin “tôn giáo” (Manifest Destiny) và “Liberty quan trọng hơn Civil Rights” thực sự nguy hiểm, nếu chúng ta nhìn đến cội nguồn nội chiến trước đây và khả năng nội chiến hiện nay. Chính tử niềm tin vào “thiên mệnh” và “quyền tự do” vô hạn trong cách đối xử với các chủng tộc không đồng đẳng, trong sự bành trướng lãnh địa, trong sự trấn áp những người da trắng “không cùng niềm tin”… đã làm nổi lên những lực lượng như “White Supremacy” và KKK. Cứ xem cách tổ chức da trắng sát nhân này hành quyết người da đen mà không cần xét xử. Đất nước như thế làm sao có thể nói là có văn hóa lành mạnh?

Nay chúng ta có thể “ngộ” ra rằng có thề thực sự hiểu tại sao nước Mỹ có thể điên khùng đến thế (không chịu chích ngừa COVID-19 mặc dù số người chết đã lên đến 700.000); gần một năm sau bầu cử tồng thống mà người thắng cuôc là Joe Biden, đông đảo người theo Trump vẫn bác bỏ kết quả cuộc bầu cử này) nếu chúng ta hiểu được lịch sử của đất nước này, nhất là vì lịch sử của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ tính từ ngày lập quốc cho đến nay chỉ mới 245 năm, quá ngắn và nhất là quá gần gũi với thực tại. Thực sự là khi đọc lịch sử nước Mỹ từ thời “Cách mạng lập quốc” đến nay, chúng ta có thể thấy một chiều hướng xuyên suốt chẳng những có thể giải thích hiện tại mà còn giúp cho chúng ta mò mẫm tương lai.

Alan Axelrod là một sử gia viết nhiều sách sử ở Mỹ, tác giả của “What Every American Should Know About American History”. Trong lời mở đầu, ông viết: “Hầu hết người Mỹ, không như hầu hết các sử gia, không tin rằng biết được quá khứ có thể giúp chúng ta tránh được sự lập lại của lịch sử. Đã hẳn, đó chính là cái ý tưởng Hoa Kỳ lớn lên từ một định ý thoát khỏi quá khứ, bắt đầu lại từ đầu và làm mới tất cả. Bởi thế, giới thức giả nước Mỹ rất thường xuyên nói về một quá khứ hữu dụng, một quá khứ chúng ta cần đúc kết từ cả một kho những sự kiện lịch sử khô khan để xúc tiến công việc tự sáng tạo chính mình. Điều này đã dẫn tới rất thường xuyên sự hoan hỉ vô tâm về lịch sử đất nước, thay vì xem xét một cách chừng mực, đã không nhất thiết phải thay đổi giá trị của nhận thức riêng của mình. Bởi vì một quá khứ khả dụng không cần phải hạ thấp thành một thứ tạp nham những lời thuyết pháp cho giới trẻ năng động  và lo ra tránh né như sợ một nạn dịch. Thay vào đó, lịch sử nước Mỹ có thể được kể lại như một câu chuyện nhiều màu sắc đúng như nó. Những câu chuyện nhiều màu sắc không bao giờ không đau nhức – đó là một phần lôi cuốn của câu chuyện. Đúng, người Mỹ cần biết những sự kiện căn bản của lịch sử đất nước, nhưng quan trọng hơn nữa, họ phải muốn biết những chuyện này, bời vì những hiểu biết này đích thực là quan trọng”.

            Đúng điều quan trọng chính là chúng ta phải có ham muốn tìm hiểu những chuyện lịch sử này, bởi vì những hiểu biết này đích thực làm nên con người. “Chúng ta” không chỉ là người Mỹ da trắng, mà Mỹ đủ mọi nguồn gốc. Bởi thế, tác giả “Lược Sử Hoa Kỳ” đã cố đem hết sức tàn đổ vào tập sách này. Trước là cho “đồng bào”. Sau là để nói với những người bạn Mỹ không phải chúng ta sống vô tâm.

Tập Lược sử này có bốn phần chính:

Phần nhất là Biên Niên Sử, ghi lại những biến cố quan trọng theo thứ tự thời gian. Độc giả sẽ đi qua những giai đoạn (i) thuộc địa hóa châu Mỹ tiền lập quốc; (ii) cách mạng độc lập và mở rộng đất nước bao la; (iii) xung đột chính trị dẫn đến nội chiến và kết thúc vẫn là xung đột chinh trị; (iv) nước Mỹ kỹ nghệ hóa và bước vào thế giới với Thế chiến thứ nhất; (v) Đại khủng hoảng của Mỹ và Thế chiến thứ hai của thế giới; (vi) Chiến tranh lạnh và thử thách cho Mỹ trong vai trò lãnh đạo Thế giới tự do; (vi) Thế giới toàn cầu hóa và Mỹ vẫn chưa xác định được vai trò thích hợp trong trật tự thế giới mới.
Phần hai, Lược Sử Hoa Kỳ trin khai những tình tiết lịch sử qua các giai đoạn quan trọng kể trên của đất nước, nhấn mạnh vào sự phân tích nguyên nhân và hậu quả của những biến cố lớn. Có tất cả mười chương trong phần này: (i) Khai phá định cư và mở mang thuộc địa 1600-1763; (ii) Cuộc Cách mạng Độc lập; (iii) Đất nước mới; (iv) Bành trướng lãnh địa và Thách đố chính trị; (v) Nội chiến và tái thiết; (vi) Nước Mỹ kỹ nghệ hóa 1876-1900; (vii) Thử thách một thời cấp tiến  1900-1929; (viii) Đại khủng hoảng và Đệ nhị Thế chiến 1929-45; (ix) Chiến tranh Lạnh bên ngoài, Phong trào Dân quyền bên trong; (x) Những thách đố của thời hậu chiến tranh lạnh; (xi) Thời mạt pháp.
Phần ba, từ nghiên cứu lịch sử, chúng ta có thể nhân thức được những trọng đề lịch sử sau đây mà tất cả người Mỹ cần suy nghĩ và đi tìm sự đồng thuận: (i) Di dân; (ìi) Tôn giáo; (iii) Dân chủ; (iv) Ngôn ngữ; (v) Hệ thống pháp lý; (vi) Nô lệ; (vii) Công nghiep; (viii) Cải cách xã hội; (ix) Bảo vệ môi sinh; (x) Dân quyền; (xi) Chạy đua trong không gian; (xii) Nhiệm vụ toàn cầu;  (xiii) Trật tự thế giới trước thách đố thời hậu Chiến tranh lạnh.
Phần bốn là các chinh đảng và tồng thống nước Mỹ
được ghi nhận qua lịch sử.
Tiếp theo là phần phụ lục:
Lịch sử nước Mỹ sẽ như thế nào nếu… (what if). Ví dụ như Tổng thống John Kennedy không bị ám sát năm 1963; hay bà Hillary Clinton đắc cử năm 2016…
Và những tu chinh hiến pháp đang ngày càng được mong đợi hay nói đến…
Với chiều dày khoảng 500 trang và nội dung được nói ở trên, “Lược Sử Hoa Kỳ, một đất nước chưa tròn ba tuổi”… chắc phải có chổ đứng trong tủ sách gia đình, và thư viện trong tâm trí của độc giả.


 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top