Giới Thiệu Sách Mới, Hoàng Ngọc Nguyên: QUAY NHÌN PHÍA SAU ĐỂ THẤY RÕ PHÍA TRƯỚC

Hoàng Ngọc Nguyên

QUAY NHÌN PHÍA SAU

ĐỂ THẤY RÕ PHÍA TRƯỚC




“Lược Sử Nước Mỹ” là một công trình bắt đầu với một tham vọng vừa phải: chia sẻ với độc giả những ghi nhận, cảm nghĩ về chính trị rối rắm của nước Mỹ dưới hai triều đại: trước đây của Donald Trump và nay là của Joe Biden. Nhưng nay chúng ta có thể “ngộ” ra rằng chẳng thể thực sự hiểu tại sao nước Mỹ có thể điên khùng đến thế (không chịu chích ngừa COVID-19) nếu không hiểu được lịch sử của đất nước này, nhất là vì lịch sử của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ tính từ ngày lập quốc cho đến nay chưa được 250 năm, quá ngắn và nhất là quá gần gũi với thực tại. Thực sự là khi đọc lịch sử nước Mỹ từ thời “Cách mạng lập quốc” đến nay, chúng ta có thể thấy một chiều hướng xuyên suốt chẳng những có thể giải thích hiện tại mà còn giúp cho chúng ta mò mẫm tương lai[i].

Một điều lạ lùng là dân Mỹ đã bầu Trump năm 2016, và qua năm 2020, sau khi đã có thể hiểu Trump khá đầy đủ sau bốn năm của nhiệm kỳ 1 của Trump vẫn cho ông ta đến 70 triệu phiếu. Con số 70 triệu phiếu này quả là đáng sợ khi chúng ta thấy trào lưu của một số đông đảo người da trắng thượng đẳng (White supremacists) đang muốn “tái dựng” một cuộc cách mạng theo “thiên mệnh” (Manifest Destiny) như thời “Reconstruction” sau Nội chiến. Cũng khó hiểu là đảng Cộng Hòa đã bao che cho Trump trong suốt cả bốn năm chưa đủ, còn dung túng ông ta ngay cả sau khi Trump đã thất bại và phơi bày con người bội phản lý tưởng nền tảng của đất nước qua biến cố ngày 6-1.

Và không chỉ đảng Dân Chủ mà cơ chế dân chủ của chính trị Mỹ đã để lộ sự bất lực, vô hiệu trước những hành động phản dân hại nước... Donald Trump ra đi cho dù có thể chỉ là tạm thời. Người ta những mong đợi người kế nhiệm Joe Biden sẽ mở ra một chương mới. Thế nhưng ông vẫn không nói nổi cho người dân nghe để đất nước cùng chống đại dịch, mà đại dịch còn hoành hành dưới dạng biến thể thì kinh tế phục hồi còn nhiều bấp bênh. Và chính sách kinh tế “tiền chùa” của ông Biden ngày càng “khả nghi”, cho thấy ông hoang tưởng trong tầm nhìn kinh tế. Sự hoang tưởng này càng lộ rõ khi ông động thủ với quyết định “giải kết” nhắm mắt cấp kỳ rút toàn bộ quân Mỹ ra khỏi Afghanistan. Cũng như việc tìm cách kêu gọi Việt Nam cộng sản cùng chung “chiến tuyến” với Mỹ chống Trung Quốc cộng sản tại Biển Nam Hải. Sau mấy chục năm kể từ ngày tàn cuộc chiến 1975, lẽ nào ông Biden vẫn còn nhắm mắt trước bộ mặt thật của Cộng Sản Hà Nội? Cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 sẽ như thế nào đây khi người ta thấy vị tồng thống cao niên nhất trong lịch sử của đất nước, càng ngày càng bập bẹ - tuy ông đã vào chính trường cũng gần nửa thế kỷ.

      Để hiểu chính trị Mỹ và sự bế tắc nguy hiểm vô cùng của nó hiện nay, đương nhiên chúng ta cần nhìn lại một cách thấu đáo cơ chế chính phủ liên bang-tiểu bang và tam quyền phân lập của nó. Một số người vẫn cho rằng cơ chế chính trị dân chủ  của Mỹ "check and balance"  là nhất thế giới, hữu hiệu nhất thế giới, trong khi sự thực hiển nhiên là nó gây những bế tắc, trì trệ từ đời này qua đời khác. Liên bang nhiều khi bó tay trước tiểu bang. Hành pháp, lập pháp hay cả tư pháp không lộng quyền cũng lạm quyền. Tổng thống hay thượng nghị sĩ hay dân biểu chỉ nghĩ đến số năm của nhiệm kỳ và chuyện kiếm phiếu… Từ bao lâu nay chúng ta đã nghe không biết bao nhiêu lời kêu gọi phải có những biện pháp tu chỉnh hiến pháp triệt để, nhưng nào ai màng! Nếu hiểu lịch sử đất nước này chúng ta hẳn phải thấy đó là chuyện không nên mơ tưởng!

Nước Mỹ vẫn được biết là một nước lãnh đạo thế giới, kinh tế phát triển nhất, chính trị dân chủ nhất, và dân chúng đa chủng nhất. Vì đó là một nước lãnh đạo thế giới, bộ máy ngoại giao và quốc phòng của Mỹ cũng giàn trải khắp năm châu, bốn biển; trong ngân sách của chính phủ Mỹ, ngoại giao và quốc phòng là hai khoản tốn kém nhất, tổng cộng đến 700 tỷ đô-la để duy trì trật tự quốc tế đó. Ít người biết chính xác nước Mỹ là một nước có lịch sử ngắn ngủi nhất trên thế giới, cho nên có thể quá sớm để có những kết luận về đất nước này. Chưa hẳn dân chủ nhất, kinh tế phát triển nhất, dân tộc đa chủng nhất!
     
Nếu nhìn lại lịch sử Mỹ, chúng ta có thể hiểu rất nhiều những chuyện đang xảy ra. Chẳng hạn như phong trào “Bạch chủng thượng đẳng” (white supremacy) đang là một mối đe dọa “cách mạng” nghiêm trọng cho sự bình an giữa các chủng tộc trong môt nước đa chủng và vấn đề có thể không còn đơn giản giữa người da trắng và da đen nữa mà nay chuyện kỳ thị người da vàng có thể là phức tạp hơn nhiều trên nhiều mặt. Thế nhưng “chủ nghĩa người da trắng trên đầu trên cổ thiên hạ” này chẳng phải đợi đến bây giờ mới có.  Gốc rễ của nó thực ra đã cắm sâu, cắm chặt vào lịch sử nước Mỹ từ thời lập quốc.

Những người dân bạch chủng tại các thuộc địa (colonists) của vương quốc Anh vào năm 1776 đã vùng dậy lật đổ sự thống trị, chủ yếu là do sưu cao thuế nặng của Vương triều Anh, để làm nên cuộc cách mạng đòi độc lập, dựng lên nước riêng, có tên là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ (United States of America), gồm 13 thuộc địa của Anh quốc  (Virginia, Massachusetts, Rhode Island, Connecticut, New Hampshire, New York, New Jersey, Pennsylvania, Delaware, Maryland, North Carolina, South Carolina, và Georgia). Trước đó, dưới lá cờ của Anh quốc, họ đã chiến thắng được các đế quốc khác (Tây ban Nha, Pháp, Hòa Lan, Thụy Điển…)  trong giai đoạn  giành dân lấn đất ở vùng Bắc Mỹ. Những thắng lợi đó là tiền đề cho niềm tin của họ về “Thiên Mệnh” (Manifest destiny), được nuôi dưỡng đặc biệt nơi giáo dân Tin Lành nguyên thủy  (evangelicals), là Thượng Đế đã dành cho họ vùng đất này với quyền mở rộng đất đai vô hạn trên đại lục Bắc Mỹ để truyền bá nếp văn minh dân chủ và nếp kinh doanh tư bản chủ nghĩa. John O’Sullivan, chủ bút tờ New York Post, vào năm 1845 đã xuất bản tác phẩm có tựa đề “Manifest Destiny”. Ông là người đầu tiên dùng cụm từ “Manifest destiny” để mô tả sự đam mê và ráo riết của người Mỹ không ngừng tìm kiếm, mở rộng đất mới. Ông viết: “Định mệnh đã an bài, chúng ta sẽ mở rộng và chiểm giữ nguyên cả lục địa này mà Đấng Tối Cao đã cho chúng ta để xúc tiến cuộc thử nghiệm vĩ đại về tự do và chính quyền tự quản liên hợp mà Chúa đã ủy thác cho chúng ta”.
Lịch sử nước Mỹ trong hơn một thế kỷ, từ hậu bán thế kỷ thứ 18 đến hơn nửa thế kỷ sau, đã cho thấy người Mỹ da trắng (chủ yếu là di dân đến từ nước Anh khai phá vùng đất mới này) đúng là có vai trò vĩ đại trong thời lập quốc và dựng nước của Hoa Kỳ. Nước Mỹ của những người da trắng thượng đẳng tin vào Thiên Mệnh đã không lùi bước trước bất cứ thế lực nào. Chẳng những cuộc Cách mạng Độc lập của họ đã đánh đuổi đế quốc Anh, một cuộc chiến sau đó vào năm 1812 giữa Mỹ và Anh mà chính Mỹ khởi xướng nhằm tiếp tục khai thác vùng đất mới mà không bị Anh gây trở ngạị. Dưới thời Tổng thống Thomas Jefferson, năm 1803, Mỹ cũng đã bỏ tiền mua vùng đất phía tây Mississippi River từ Pháp với giá 11.33 triệu, “Louisiana Purchase” đã  mở đường cho việc Mỹ mở rộng lãnh thổ sau này với những tiểu bang mới là South Dakota, Montana, Idaho, Washington và Oregon. Năm 1846, Mỹ cũng đã mở ra chiến tranh với Mexico (nổi tiếng là trận chiến Alamo) để có thể chiếm không những Texas và California mà còn được Mexico “nhường đất” ở Utah, New Mexico, Arizona, Colorado và Wyoming. Sự tự tin của Mỹ nơi “Manifest Destiny” được thể hiện trong quan hệ đối ngoại sau này nơi sự sẵn sàng của Mỹ trong vai trò lãnh đạo thế giới qua hai thế chiến cũng như qua chiến tranh lạnh, cũng như sự lúng túng của Mỹ hiện nay trong thời thế giới toàn cầu hóa và đang tìm kiếm một trật tự mới.

Ba nét nổi bật nhất chúng ta đều có thể thấy được qua những “phim cao bồi”: quyết tâm khai phá những vùng đất hoang dã cho dù có những hoàn cảnh đầy thử thách; tôn trọng tự do bình đẳng và pháp luật nhưng chỉ giữa những người da trắng với nhau và trong một thể chế “tự quản” (self-government); để đạt cho được những mục tiêu khai thác lãnh địa, người da trắng cho mình quyền khai thác các chủng tộc khác, cụ thể là người da đỏ, da nâu (Mễ), da đen, da vàng mà họ không xem là có “quyền công dân”.
Họ trấn áp tất cả những bộ lạc da đỏ (người Mỹ bản xứ - Native Americans hay Native Indians) và nhốt hết người da đỏ vào những trại “tập trung” (Indian reservations). Những phim cao bồi thường nói lên những thiên “anh hùng ca” đó, và người ta hay đổ lỗi cho người da đỏ hiếu chiến, hiếu sát mà làm ngơ trước ý đồ xâm lăng của người da trắng.

 Số phận người da đen thì có lẽ tất cả chúng ta đều đã biết; nô lệ. Chính nhờ chế độ nô lệ này kinh tế nông nghiệp của người da trắng ở Miền Nam mới bộc phát và nói chung kinh tế nước Mỹ mới cất cánh. Có điều lạ là cuôc đấu tranh chống chế độ nô lệ chỉ diễn ra được ở những tiểu bang miền bắc ở phía đông nước Mỹ. Ở Miền Nam người ta cương quyết: Thà mất nước (ly khai khỏi Hợp Chủng Quốc), còn hơn mất nô lệ! Bởi thế mới có Nội chiến 1861-65! Để giải thích cho chuyện có người Mỹ da trắng không cần nô lệ, có người quá cần nô lệ đến mức không cần lương tri, chúng ta có thể nói rằng ở những tiểu bang Miền Bắc, trình độ kinh tế đang chuyển qua kỹ nghệ hóa và dân trí thường cao hơn, có học hơn, có ý thức về lịch sử và chinh trị hơn, trong khi kinh tế Miền Nam chủ yếu là nông nghiệp, cần lao động và dân trí thấp hơn (tin hơn ở sự an bài của Chúa dành đất này cho người da trắng). Chính vì vậy mới nổ ra Nội chiến Hoa Kỳ (12/4/1861-9/5/1865) giữa những tiểu bang Miền Bắc ủng hộ chế độ liên bang hợp chủng (federal union) và những tiểu bang Miền Nam đã bỏ phiếu đề ly khai và hình thành nước mới Liên Quốc Hoa Kỳ (Confederate States of America). Nguyên do chính yếu của nội chiến là tình trạng nô lệ, nhất là sự mở rộng chế độ nô lệ ở những vùng đất mới có sau cuộc chiến Mỹ-Mễ (1846-1848). Vào năm 1860 (trước Nội chiến), tính ra trong tổng số dân Mỹ 32 triệu, có đến 4 triệu là nô lệ da đen, chủ yếu ở Miền Nam.

Một chủng tộc khác cũng bị ức hiếp là người Hoa, tìm đến Mỹ từ đầu thế kỷ thứ 19 vì giặc giả và đói kém trong nước. Không phải chờ đến năm 1949 Mao Trạch Đông đánh đuồi Tưởng Giới Thạch ra đảo Đài Loan người Hoa Lục mới đổ xô đi tìm vùng đất hứa. Những người Hoa đầu tiên đến Mỹ vào khoảng đầu thập niên 1830, cũng mang giấc mộng đi tìm vàng (Gold Rush) gặp lúc người Mỹ đang cần nhân công làm đường xe lửa xuyên lục địa cùng khai thác hầm mỏ. Phim ảnh và tiều thuyết cho thấy người Hoa phải làm việc trong điều kiện hiểm nghèo, sử dụng chất nổ để khai thác đường hầm. Một số nhỏ thì chuyên nghề đầu bếp. Họ phải lao động từ sáng sớm đến sẩm tối, làm 12 giờ/ngày, 6 ngày/tuần. Họ ngủ trong những chiếc lều vải trong mùa đông. Lương của họ thấp, khoảng $25-35/tháng, chỉ bằng 30-50% tiền công trả cho người da trắng cùng một loại công việc, nhưng người Hoa còn phải trả tiền ăn cho mình. Họ còn bị bạo hành, bị phân biệt đối xử, đặc biệt từ 1882 cho đến 1943. Người da trắng đặc biệt ghét người Hoa là vì người Hoa làm cho nhiều lao động da trắng bị mất việc. Bởi vậy, từ đó mới có từ “yellow peril” (hiểm họa da vàng). Phong trào bài Hoa cực mạnh trong những năm sau Nội chiến, ngay chính báo chí, nghiệp đoàn lao động và chính giới thời đó cũng đưa ra luận điểm công kích giới doanh nghiệp, rằng đây là “land of the free” chỉ dành cho người da trắng, không cho người ngoài (alien) vào khai thác. Năm 1882, Quốc Hội thông qua Đạo luật Chinese Exclusion Act, cấm di dân đến từ Hoa Lục trong vòng mười năm và có thể gia hạn. Về sau này, người Mỹ vẫn tiếp tục chính sách bài Hoa. Năm 1924, một luật mới lại cấm di dân từ Hoa Lục, cấm đoàn tụ gia đình, không cho qui chế công dân hay nhập tịch tự nhiên (naturalization). Nhưng người Hoa vẫn đến Mỹ vì ở quê nhà chẳng thấy có gì hứa hẹn, chẳng nhìn đâu ra những cơ hội ngẩng lên. Đến nay, có chừng 3.6 triệu người Hoa ở Mỹ, hơn 1% dân số Hoa Kỳ. Và hầu như vì nhiều lý do, phong trào bài Hoa nhờ Donald Trump đã nở rộ trở lại!
Nội chiến của nước Mỹ không chỉ là chuyện ủng hộ hay chống đối chế độ nô lệ, mà còn là chuyện phân cách giữa những tiểu bang “xanh” và “đỏ”, giữa hai chính đảng, giữa những người ủng hộ một chính quyển liên bang mạnh và những người chủ trương quyền tự quản chính quyền của các tiểu bang… Theo những ước tính gần đây nhất (2012), đã có đến 750.000 người cả hai bên chết vì trận mạc trong Nội chiến 1861-65 (Miền Bắc chết hơn Miền Nam cả 150.000 người), nhưng cuộc nội chiến đẫm máu này giải quyết được gì những mâu thuẫn nói ở đây? Dưới thời ông Biden, lo sợ lớn nhất chính là với sự thúc đẩy hận thù của Trump, nội chiến có thể đã bùng phát trở lại – cách này hay cách khác.

Tình hình hậu chiến suy cho cùng chẳng khác gì thời tiền chiến. Người ta nói sau năm 1865 nước Mỹ bước vào thời Reconstruction, nhưng chữ này không chỉ có nghĩa là tái thiết đất nưóc sau chiến tranh, tái hội nhập những tiểu bang “Liên Quốc” vào Liên bang. Reconstruction mà Tổng thống Andrew Johnson ban hành ngay tức thời đe dọa đất nước phân hóa trở lại theo địa phương, theo chính trị đảng phái (bảo thủ hay cấp tiến), theo chủng tộc. Tổng thống Johnson thuộc đảng Dân Chủ bảo thủ (đảng Dân Chủ ngày nay lại theo đường lối cấp tiến!) quen thuộc ở Miền Nam. Ông thay thế Lincoln và đảo ngược đường lối của Lincoln cũng như của đảng Cộng Hòa cấp tiến đang nắm lưỡng viện Quốc Hội. Ông bất ngờ đưa ra những biện pháp “hòa giải, hòa hợp”, dung chấp với Miền Nam, cho phép các thượng nghị sĩ và dân biểu Miền Nam có ghế trong Quốc Hội liên bang, và không có ý định đưa ra những biện pháp dân quyền cho những người nô lệ đã được giải phóng nhờ nội chiến. Những người cấp tiến trong đảng Cộng Hòa của Lincoln quyết liệt phản đối, đòi trừng phạt Miền Nam mạnh dạn hơn cũng như có một chính sách dân quyền giải phóng nô lệ bao quát hơn. Mặc dù đã có nội chiến, đã có đạo luât bình đẳng chủng tộc 1963, những tiểu bang Miền Nam “tật xấu khó bỏ”, vẫn chống lại chuyện hòa đồng, hội nhập với người da đen, tìm cách ngăn chận quyền bỏ phiếu của người khác màu da, và rõ rệt hơn cả là sự hình thành của tổ chức khủng bố Ku Klux Klan.

Đó chẳng phải là chuyện thời xưa!

Chính trị Mỹ thời nay, qua bao nhiêu chuyển biến trong nước và toàn cầu từ thời Kỹ nghệ hóa, khai thác dầu hỏa, sau đó là Đệ nhất Thê chiến, rồi Đệ nhị Thế chiến… cho đến nay, hình như căn bản vẫn thế, vẫn như thời tiền (nội) chiến và hậu (nội) chiến thuở nào. Hai đảng đối nghịch và ngày càng bất hợp tác, chỉ có điều bất thường là Cộng Hòa “bỗng dưng” chuyển màu, đến với Miền Nam và quân chúng da trắng thượng đẳng ở đó, trong khi đảng Dân Chủ lại đi theo hướng “populism”, đến với các chủng tộc thiểu số, đến với quần chúng lớp dưới. Hãy xem hai trường hợp tiêu biều về tiểu bang đỏ Miền Nam đi theo Cộng Hòa là Florida và Texas. Người ta vẫn tìm cách hạn chế quyền bầu cử của người da đen, người da nâu (Hispanic); vẫn chống lại chuyện bắt buộc chích ngừa đại dịch, vẫn ngăn cấm phá thai… Ở Texas, nay lại có luật cho mang súng đi ngoài đường như thuở xưa. Đảng Cộng Hòa vẫn chủ trương “giảm thuế cho người giàu để mở cơ hội cho người nghèo”. Người da trắng vẫn không ưa người khác màu da: nhất vẫn là da đen, rồi đến da vàng… Cảnh sát da trắng vẫn bạo hành với người da đen. Và giòng máu anh hùng “White Supremacy” đang nguy hiểm hơn bao giờ cả với cuộc bạo loạn ngày 6-1 tại Capitol Building.

Đảng Cộng Hòa càng thoái hóa với những người lãnh đạo như Mitch McConnell tại Thượng Viện, Kevin McCarthy tại Hạ Viện. Và nhiều nhân vật bất hảo như Lindsey Graham, Rand Paul… Chúng ta chẳng thấy thể hiện một mối quan tâm đến chuyện xây dựng một môi trường chính trị lành mạnh. Trong khi đó đảng Dân Chủ cũng cho thấy không phải là một đảng mạnh bởi tính phân hóa “truyền thống” của đảng, từ tả sang hữu. Phải hết sức tả để giữ phiếu, phải qua phía phải để kiếm phiếu. Họ đang giữ một đa số mong manh cho nên cứ sợ thất thế sau bầu cử 2022 và 2024. Cho nên chủ yếu là loay hoay với câu hỏi chi tiêu cho phúc lợi bao nhiêu là đủ. Đánh thuế người giàu đến mấy chục phần trăm để khỏi lạm chi ngân sách. Mà loay hoay thì thực sự không làm được gì.

Cử tri Mỹ thì vẫn thế. Ù ù cạc cạc. Lúc thế này lúc thế khác. Họ chẳng muốn đảng nào nắm quyền lâu. Cho nên ưa thay đổi, nhưng thực ra không có mấy lựa chọn. Cho nên có bà Clinton năm 2016 và ông Joe Biden 2020. Nền dân chủ Mỹ vẫn không thể dẫn đến sự lựa chọn “the best and the brightest” cho lãnh đạo. Nhiều cử tri bỏ phiếu không phải vì ủng hộ người mình lựa chọn, mà chỉ vì để khẳng định người mình nhất định chống. Nói cụ thể, Donald Trump thắng cử năm 2016 chỉ vì ngay trong đảng Dân Chủ có nhiều người không ưa bà Hillary Clinton. Như thế nhưng bà vẫn hơn Donald Trump đến 3 triệu phiếu phổ thông, và đối thủ của bà vẫn muối mặt bảo 3 triệu phiếu đó là do “bầu cử gian lận”.

Cơ chế tam quyền phân lập cũng như phân quyển liên bang-tiểu bang chẳng những đang tê liệt mà còn làm cho nhiều tiểu bang hư hỏng như con trẻ thiếu dạy dỗ. Tối cao Pháp viện cũng không có ý thức bảo vệ hiến pháp, luật pháp và những giá trị tối thượng của quốc gia, mà chơi trò chính trị đảng phái (6/9 người là của đảng Cộng Hòa, và 3/6 đó là công lao của Trump). Những nhà lập pháp thì chỉ nghĩ đến chuyện bầu cử tới tấp mà không có ý thức trước bất cứ vấn đề gì của quốc gia, đối nội cũng như đối ngoại… Hãy cứ xem dân biểu Majorie Taylor Greene của tiểu bang Georgia thì biết chính trị thời nay đáng tởm như thế nào!

Lịch sử nước Mỹ có chưa đến 250 năm, và chính trị Mỹ căn bản đã chẳng có gì thay đổi trong chừng ấy năm: một nền dân chủ bế tắc trước nhu cầu phát triển một đạo lý chính trị quốc gia và dân tộc trong một nưóc đa chủng cực kỳ phức tạp. Một nền dân chủ không mở ra được một triển vọng tươi sáng bởi vì nó buộc người ta nhìn tương lai không quá lỗ mũi, một cách đoản kỳ, và lãnh đạo chính trị liên bang cũng như tiểu bang không dẫn dắt được người dân mà để cho lá phiếu của người dân dẫn dắt, mặc cho những giới hạn trong dân trí, dân tình đưa chinh trị đến ngõ cụt từ đời này qua đời khác.

Kết luận ở đây, hiểu biết lịch sử là điều tối thiết cho người dân Mỹ hiện nay và hiểu biết này cũng cực kỳ thú vị. Tối thiết vì, như lời nhắn nhủ “có học mới nên khôn” của ông Arthur Levine, chủ tịch của The Institute of Citizens and Scholars (trước đây mang tên Woodrow Wilson National Fellowship Foundation), chúng ta phải học hỏi lịch sử để có thể là những “công dân có hiểu biết và tham dự” (informed and engaged citizens). Thú vị vì lịch sử Mỹ tuy chưa đến 250 năm từ ngày lập quốc, nhưng dồn dập những biến chuyển đầy thách đố, nhiều uẩn khúc, chưa chương nào thực sự khép lại… Hào hứng như hay hơn cả những tiểu thuyết nhiều tập của Kim Dung: Võ Lâm Ngũ Bá, Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, Cô Gái Đồ Long, Tiếu Ngạo Giang Hồ…
 
 
[i] “Lược Sử Nước Mỹ” với 600 trang, nội dung gồm ba phần chính: lịch sử nước Mỹ từ trước thời lập quốc (Cách mạng 1976) đến hiện nay với Tổng thống thứ 46 (Joe Biden); Biên niên sử của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, và các phụ lục chủ yếu (Tuyên ngôn Độc lập 1776, Hiến Pháp 1789, các Tu chính án, Đánh giá sự nghiệp các tổng thống Mỹ, và Giói thiệu hai chính đảng Cộng Hòa và Dân Chủ nước Mỹ. Bạn đọc muốn có sách có thể liên lạc với tác giả qua email: nhoang_46@yahoo.com.
 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top