TWEETS nhiều chưa đủ để lãnh đạo đất nước

TWEETS nhiều chưa đủ để lãnh đạo đất nước

Phương Tôn


Đã có lần tôi đọc được một bài viết với nội dung nói về phụ nữ Pháp trong đó tác giả cho rằng, một trong những điều tạo nên vẻ thanh nhã, quý phái, sang trọng … cho phụ nữ Pháp là thú đọc sách. Sách làm tăng khí chất người nữ. Điều này có thể hoàn toàn đúng nhưng ở đây tôi muốn thêm vào là không chỉ phụ nữ mà nói chung, người Pháp, Nam Phụ Lão Ấu đều rất thích đọc.



Thật vậy, trên đường phố, trong quán Cà phê, tiệm sách, thư viện, trong nhà ga xe lửa, trạm Metro và trong những toa xe điện ngầm tại Pháp, đâu đâu người ta cũng dễ tìm thấy hình ảnh một người Pháp đang bình thản chúi đầu vào một trang sách (kể cả eBook) hoặc một tờ báo. Du khách đến Pháp có cảm tưởng rằng, ly cà phê của người Pháp sẽ trở nên nhạt nhẽo không còn mùi vị nếu họ không được đọc đi kèm một cái gì đó.
Cái thú vừa uống cà phê vừa đọc sách báo của người Pháp có thể nói như người Việt Nam chúng ta thích kéo nhau ra quán cà phê ngồi nói chuyện nhảm.
Theo thống kê cho thấy, mỗi người Pháp nói chung, đọc 12 cuốn sách mỗi năm (so với người Đức 9 cuốn) chưa kể các tạp chí chuyên ngành, báo tuần và vô số các tờ nhật báo. Với một truyền thống đọc như vậy nên sẽ không lạ nếu những chính trị gia của nước Pháp khi có tham vọng muốn lãnh đạo đất nước thì họ phải có khả năng viết về „một cái gì đó“ mới mong thuyết phục, thu lượm được phiếu cử tri của người dân Pháp.
Điển hình trong cuộc tranh cử vào ghế Tổng thống Pháp vừa qua, các ứng cử viên trong đó có một Jean-Luc Mélenchon, thuộc cánh tả cho ra đời cuốn De la vertu (đức hạnh) không lâu sau khi ông ta đã cho xuất bản Tuyên Ngôn (Manifest) „L’Avenir en commun“ (Tương Lai Chung). Một Marie Le Pen, người phụ nữ theo chủ nghĩa dân túy, người được xem có khả năng gây sụp đổ, phá nát EU, cũng xuất bản hai cuốn sách „Pour que vive la France“ (Để Giữ Nước Pháp Còn Sống) và một cuốn trong thời gian tranh cử Tổng thống „La fille du diable“ (Con Gái Của Quỷ). Một François Fillon, ứng cử viên đảng Cộng Hòa bảo thủ, người từng bốn lần giữ chức vụ bộ trưởng dưới nhiều chính phủ Pháp và cũng là một cựu thủ tướng Pháp đã từng xuất bản 6 cuốn sách. Cựu thủ tướng Alain Juppé cũng là tác giả tối thiểu hai cuốn sách, cựu Tổng Thống Nicolas Sarkozy đóng góp vào tủ sách Pháp một cuốn. Trong số các cựu Tổng thống Pháp đặc biệt có François Mitterrand không chỉ là một vị Tổng thống nổi danh mà còn là tác giả của vô số đầu sách. Ông viết đủ thể loại nhưng trong đó đặc biệt có cuốn „Lettres à Anne“ (Những Bức Thư Tình Gửi Anne) là cuốn được liệt vào hạng Bestseller.
Đặc biệt trong tất cả các đặc biệt là năm nay, ông Emmanuel Macron lần đầu tiên công hành ra nước ngoài kể từ ngày lên nhậm chức Tổng thống Pháp đã cùng bà Merkel thủ tướng Đức khai mạc Hội Chợ Sách Thế Giới Frankfurt lần thứ 69. Trong dịp này, Macron như muốn nhắc khéo đến Donald Trump, người từng chế nhạo „Paris không còn là một Paris nữa“ khi tuyên bố „Âu châu không là cái gì hết nếu không có văn hóa“ và bà Thủ tướng Merkel cũng thêm vào „Văn học phản ánh linh hồn của xã hội tự do của chúng ta, trong đó sự tự do của tâm trí và cách diễn đạt ý kiến đi đôi với tự do chính trị”.


Một hành động ngoạn mục khác được xem là một thông điệp gửi ra thế giới bên ngoài khi Macron cùng bà Merkel tự in trang thứ nhất của bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền.

Thật vậy, với những người chưa bao giờ biết „đắm mình“ vào một trang sách, không biết giá trị của một câu văn mới mạnh dạn đòi đóng cửa những đài truyền hình không nói theo ý của họ, mới dùng thời gian quý báu của một vị nguyên thủ quốc gia để chửi mắng báo giới là „kẻ thù của nhân dân“.
Hội Chợ Sách Thế Giới Frankfurt năm nay cũng là một cơ hội đặc biệt cho người Việt Nam khi ông Macron chính thức trao bản quyền cho nhà xuất bản „First News“ để dịch ra tiếng Việt và phát hành cuốn sách quan trọng nhất của ông „Révolution“ (Cách mạng). Đây là cuốn sách được xem đã đưa Macron khi đó chỉ vừa 39 tuổi, vào điện Élysée, trở thành người quyền lực cao nhất của nước Pháp.
Emmanuel Macron, cho xuất bản „Révolution“ vào những tháng cuối năm 2016, thời gian tranh cử gay gắt chống lại bà Marie Le Pen theo chủ nghĩa Dân túy cực đoan. Người dân Pháp, và ngay cả trên thế giới, xem „Révolution“ như là một Cương Lĩnh Chính trị cho phong trào „En Marche“ (Lên Đường) của Macron [i], biểu tượng cho Tự do, Dân chủ, chống lại bạo lực, đặc biệt là chống lại chủ nghĩa Dân tộc cực đoan.
Cuốn „Révolution“ tạo được sự chú ý của người Pháp đầu tiên là do người Pháp từ thế hệ này sang thế hệ khác vẫn luôn bị hấp dẫn với khái niệm Tự Do, Bình Đẳng và Bác Ái của cuộc Cách Mạng Pháp. Thêm nữa, sau nhiều năm với một nền chính trị bị xem là chai lỳ không đổi mới, qua „Révolution“, Macron đưa ra chủ trương phải dẹp bỏ sự áp đặt từ tầng lớp lãnh đạo bên trên, giải phóng xã hội Pháp đang bị đông cứng không phát triển, dẹp bỏ tình trạng tập trung tại trung ương và phải phân cấp giáo dục và y tế, khôi phục lại các thành phố nhỏ và chuyển đổi đất nước sang chiều hướng sử dụng năng lượng tái tạo.

Chỉ với một tầm nhìn xa (Vision) vẫn chưa đủ để đánh động, để chinh phục trái tim của cử tri Pháp. Họ chỉ bị thuyết phục với những gì Macron đã viết trong „Révolution“: Mô tả viễn cảnh (Vision) một nước Pháp cởi mở với thế giới bên ngoài, mạnh mẽ, đầy tự tin nhưng lại gắn bó chặt chẽ với một Châu Âu thống nhất. Macron xem đó là một giải pháp cho mọi bế tắc mà nước Pháp đang gặp phải chứ không phải là nguyên nhân tạo ra một xã hội Pháp trì trệ.
Đọc „Révolution“ độc giả sẽ thấy không phải cựu Tổng thống Mỹ, Barack Obama đã quá lời khi phê bình “Emmanuel Macron đã đứng lên đấu tranh cho các giá trị của tự do. Ông ấy đã truyền cảm hứng cho sự hy vọng của mọi người về tự do”.
Lấy được cảm tình của một phụ nữ Pháp đã là chuyện khó vì bạn phải cho họ biết bạn có thích đọc hay không, và đã gọi là người đọc thì đọc cái gì vì „Sách chính là Người“ nhưng để chinh phục được cử tri Pháp thì bạn phải biết viết và phải viết cho đúng.
Không thể nào bạn có thể trở thành Tổng thống của một nước Pháp khi bạn chỉ biết Tweets. Văn hóa Pháp khác biệt vậy đó.

Phương Tôn

[i] Phong trào „En Marche“ được hình thành vào năm 2016. Sau cuộc bầu cử Tổng thống  thắng lợi vẻ vang, Macron cho đổi phong trào „En Marche“ thành đảng „La République En Marche“
 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top