ROBOT SÁT THỦ:
cấm hay không cấm?
cấm hay không cấm?
Thủy quân lục chiến Mỹ giải thích cách sử dụng robot gỡ mìn cho lính Afghanistan tại Helmand, ngày 05/07/2017.REUTERS/Omar Sobhani
Trong một lá thư ngỏ gởi Liên Hiệp Quốc, hơn một trăm doanh nghiệp và nhà nghiên cứu gióng lên tiếng chuông cảnh báo về cuộc chạy đua vũ khí sát thương tự động của các cường quốc quân sự.
Những con Rô Bô giết người
Liệu ý định tiết kiệm sinh mạng có dẫn đến việc chúng ta trao quyền cho các cỗ máy ? Vấn đề này ngày nay không còn là giả tưởng nữa. Ý thức được sự cần thiết duy trì tối đa mạng sống của các chiến binh, và được cổ vũ qua các tiến bộ về trí thông minh nhân tạo, các đại cường quân sự đang chuẩn bị cho một tương lai trong đó một robot có thể tự ý giết người. Khi biết được những tác hại của các máy bay không người lái do con người điều khiển từ xa, người ta dễ dàng hình dung ra tác động của các robot sát thủ tự hành, với các vấn đề đạo đức đặt ra.
Tương lai gần đáng lo ngại này khiến giới chủ các doanh nghiệp về trí thông minh nhân tạo và robot vào đầu tuần này phải gởi thư ngỏ lên Liên Hiệp Quốc. Điều đáng bàng hoàng là họ đã từng báo động vào năm 2015 nhưng không được ai chú ý. Trong khi đó, với quá trình tái quân sự hóa hiện nay của các quốc gia lớn nhỏ và số lượng những nhân vật « điên khùng » - theo Libération - lên nắm quyền, hồ sơ này cần được khẩn trương xét đến.
Nếu các robot bạn và thù sát hại lẫn nhau dưới cái nhìn thương hại của các sĩ quan cao cấp, thì chỉ đắt hơn các trò chơi video một chút. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một hôm các cỗ máy này rơi vào tay bọn khủng bố hoặc các nhà độc tài như Kim Jong Un, hay bị tấn công tin học ? Sẽ ra sao nếu một ngày nào đó robot sát thủ không tuân lệnh con người nữa ?
Chiến tranh robot : Mỹ tiên phong, Nga và Trung Cộng theo chân
Trong bài « Quân đội Mỹ đi tiên phong », báo Pháp Libération cho biết, Washington đang đầu tư nhiều cho các loại vũ khí tự động, tin rằng nhờ đó sẽ thắng các cuộc chiến tranh trong tương lai. Bắc Kinh và Moscou cũng theo chân.
Có thể nói cuộc chạy đua vũ trang lần này cũng quy mô như dự án Manhattan đã khai sinh ra bom nguyên tử trước đây. Trung tướng Sean MacFarlend hồi cuối tháng Bảy giải thích : « Chúng ta đang ở thời kỳ khởi đầu của một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử chiến tranh ». Vị tướng từng tham gia cuộc chiến Iraq dự báo các « hệ thống tự hành » sẽ được triển khai trên chiến trường bên cạnh các đạo quân « để mang vác các thiết bị và kích hoạt các loại vũ khí ». Liệu điều cấm kỵ là việc trao quyền cho robot tự quyết định xử lý một mục tiêu, có đang bị xóa nhòa ?
Nếu tin vào Lầu Năm Góc, thì hiện không có một robot sát thủ nào thuộc loại này được triển khai. Nhưng kể từ khi một máy bay không người lái Predator do một phi công Mỹ điều khiển đã đi vào lịch sử qua việc bắn hỏa tiễn làm tan thây Hellfire Mohammed Atef, một trong những cánh tay đắc lực của trùm khủng bố Ben Laden, vào tháng 11/2001, cỗ máy chiến tranh của Mỹ đã lao vào một chương trình tự động hóa chưa từng thấy.
Tại Iraq và Afghanistan, quân đội Mỹ vốn tìm cách giảm thiểu tối đa thiệt hại nhân mạng, đã triển khai rộng rãi các robot điều khiển từ xa. Đó là những robot phá mìn loại Pack Bot, hay vũ trang như Sword hay Maar, những con quái vật di chuyển bằng bánh xích, đầy những thiết bị cảm thụ và trang bị súng trường tự động hay súng phóng lựu.
Lợi ích từ những chiến binh người máy vô cảm
Hiện nay Hoa Kỳ đang phát triển các « LAWS », tức « Lethal autonomous weapons systems » (Hệ thống vũ khí sát thương tự động). Đây là những chiến binh máy được trí thông minh nhân tạo (IA) hướng dẫn, hoạt động trên mặt đất, trên không và trên biển ; luôn tuân lịnh cấp trên, chẳng bao giờ mệt mỏi hay đau đớn, không bao giờ có vấn đề lương tâm, cũng chẳng có gia đình để phải chi trợ cấp…
Ngân sách được Lầu Năm Góc dành cho chiến tranh robot từ đây cho đến năm 2018 lên đến 18 tỉ đô la, trong tổng số chi quân sự thường niên 600 tỉ đô la. Chính tại phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos ở vùng sa mạc New Mexico, mà Darpa, cơ quan bí mật chuyên nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến, đang chuẩn bị « một bất ngờ chiến lược ». Và theo New York Times, thì bộ Quốc phòng đã thử nghiệm các máy bay không người lái có thể tự quyết định mục tiêu tấn công mà không hề có sự hỗ trợ của con người. Phi cơ tàng hình không người lái X-47B do Hải quân chế tạo sẽ là hình mẫu đầu tiên của các thiết bị bay sát thủ.
Một điều chắc chắn là với sự trỗi dậy của Trung cộng trong hàng ngũ cường quốc quân sự, và sự quay lại trên trường quốc tế của Nga, Hoa Kỳ đang tiến nhanh về chiến tranh tương lai loại này. Tuy nhiên tướng không quân Mỹ Paul Selva dự báo « phải ít nhất một thập niên nữa mới có được công nghệ robot hoàn toàn tự quyết », có thể quyết định giết ai và khi nào.
Người Nga bèn cố theo chân, mới đây đã công bố một video cho thấy robot mang tên Fedor đang khai hỏa với hai khẩu súng máy. Và người ta không rõ Trung Quốc đang chuẩn bị những gì qua việc chi ra trên 180 tỉ euro một năm để hiện đại hóa quân đội. Còn nước Pháp với ngân sách quốc phòng chỉ có 32 tỉ euro, chú trọng vào chương trình « robot chiến thuật đa năng », các thiết bị bay cho Hải quân và máy bay không người lái như Neuron của Dassault. Theo các nhà quân sự, không có việc các cỗ máy này trở thành các sát thủ tự thân vận động.
Để vận động cho việc cấm robot sát thủ, hơn 60 tổ chức phi chính phủ đã tập hợp lại trong một liên minh mang tên « Stop Killer Robots ». Liên minh này được sự hổ trợ của những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo như Google, Tencent hay Alibaba, tức là những tập đoàn đang tranh đua nhau chế tạo những kiểu xe tự lái. Trong tháng 8 vừa qua, hơn 100 nhà doanh nghiệp trong ngành công nghệ số, trong đó có Elon Musk, người sáng lập công ty không gian SpaceX, cũng đã một lần nữa cảnh báo Liên Hiệp Quốc về nguy cơ của các robot sát thủ.
Nhưng theo Le Monde, số đề ngày 22/11/2017, đối với các công ty trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, không nên cấm vũ khí tự động sát thương, vì như lời ông Marko Erman, giám đốc nghiên cứu và công nghệ của công ty Thales ( Pháp ) : « Bất cứ sự đột phá về công nghệ nào cũng tạo ra những cơ hội và những nguy cơ. Chúng ta không thể cấm cây gậy, trong khi chúng ta cần có nó để dựa vào ».
Đối với các công ty này, vũ khí tự động sát thương là một tiến bộ trong lĩnh vực quân sự, vì nó bảo toàn sinh mạng và sức lực của các binh lính, mặt khác nó “tác chiến” hiệu quả hơn vì không bị mệt mõi, căng thẳng như binh lính.
Về phía chính phủ Pháp, nhà toán học Cédric Villani, dân biểu Quốc Hội thuộc đảng cầm quyền, được giao đặc trách về trí thông minh nhân tạo, cũng cho rằng nên đề cập đến vấn đề này một cách tỉnh táo, đừng để tình cảm lấn át lý trí.
Thật ra, khó khăn là nằm ở chỗ là chính những thành phần có liên quan đến vấn đề này ( giới quân sự, học giả, nhà ngoại giao, nhà hoạt động ) vẫn chưa đồng nhất ý kiến về định nghĩa thế nào là một vũ khí hoàn toàn tự động. Họ đồng ý với nhau là phải duy trì một sự kiểm soát đáng kể của con người trên các loại vũ khí đó. Nhưng kiểm soát « đáng kể » là kiểm soát như thế nào ? Chỉ lập trình cho máy là đủ ? Phải có người ra lệnh cho robot dùng hỏa lực hay chỉ cần dự trù khả năng ngăn chận robot khi cần ?
Killer robot không chỉ là những máy bay không người lái được điều khiển từ xa, mà thật sự là những máy có thể nhận dạng, truy tìm và tấn công mục tiêu mà không cần có sự can thiệp của con người. Theo lời ông Vincent Boulanin, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế về Hòa bình Stockholm, hiện giờ chưa có những robot sát thủ nào biết “tuân thủ” các công ước quốc tế. Cụ thể là những killer robot hiện nay chưa đủ khả năng để phân biệt mục tiêu là binh lính hay dân thường, cũng như không biết đo lường việc dùng hỏa lực có tương xứng với yêu cầu đề ra hay không. Để các robot đạt đến trình độ đó, còn phải mất hàng chục năm, theo nhà nghiên cứu Boulamin.
Hội Hồng thập tự quốc tế thì cho rằng quyết định hạ sát và tiêu diệt phải là thuộc trách nhiệm của con người, chứ không thể để cho máy móc quyết định. Các tổ chức phi chính phủ cũng sợ rằng với việc sử dụng các robot sát thủ, nguy cơ thiệt hại nhân mạng sẽ gia tăng, kéo theo nguy cơ gia tăng xung đột khắp nơi trên thế giới.
Cũng giống như đối với các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoàn toàn có nguy cơ là các vũ khí tự động sát thương rơi vào tay những quốc gia « bất hảo » hoặc những tay khủng bố. Hơn nữa, cùng với đà tiến bộ của công nghệ, các robot sát thủ sẽ ngày càng được thu nhỏ, và như vậy chi phí sản xuất sẽ càng rẻ hơn. Cho nên có nguy cơ là một cường quốc nào đó sẽ đề ra kế hoạch phát triển và sản xuất ồ ạt loại vũ khí này, giống như Mỹ đã từng phát triển bom nguyên tử trong một thời gian ngắn kỷ lục vào thời đệ nhị thế chiến.
Sau cuộc họp tuần trước, đại diện 86 quốc gia tham dự đã quyết định sẽ họp lại vào đầu năm tới trong hai tuần. Nhưng, như ta đã thấy ở trên, hiện giờ vẫn hoàn toàn chưa có đồng thuận về vấn đề cấm robot sát thủ. Tuy vậy, theo Le Monde, liên minh « Stop Killer Robots » hy vọng là từ đây đến cuối năm 2019, cộng đồng quốc tế sẽ thông qua một hiệp định cấm việc phát triển, sản xuất và sử dụng những loại vũ khí hoàn toàn tự động, giống như thế giới đã từng thông qua những hiệp định cấm vũ khí sinh học ( 1972 ), cấm mìn chống cá nhân ( 1997 ) và cấm bom chùm ( 2008 ). Hiện giờ đã có 22 quốc gia ủng hộ việc cấm robot sát thủ, theo thống kê của liên minh “Stop Killer Robots”.