NƯỚC RỬA TAY KHÔ SÁT KHUẨN:  Một Phát Minh Vì Cộng Đồng, Cho Cộng Đồng

NƯỚC RỬA TAY KHÔ SÁT KHUẨN: 
Một Phát Minh Vì Cộng Đồng, Cho Cộng Đồng



Áp phích chương trình "Rửa tay cứu sống bạn" của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), ngày 05/05/2020. © WHO

Cùng với khẩu trang, nước rửa tay khô sát khuẩn trở thành mặt hàng khan hiếm trong thời gian đầu dịch Covid-19 tại Pháp. Nhưng khác với việc phụ thuộc vào nguồn cung cấp khẩu trang nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc, dung dịch rửa tay đã nhanh chóng được cung ứng đủ ra thị trường nhờ nhiều nhà sản xuất nước hoa, hóa mỹ phẩm, hiệu thuốc tự chế biến vì không cần bằng sáng chế.

Ngay từ tháng 03/2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu trầm trọng tại Pháp, chính phủ đã ra sắc lệnh quy định khung giá bán khẩu trang y tế và nước rửa tay khô, do tình trạng khan hiếm trong thời gian đầu và do lo ngại đầu cơ, tăng giá bất chính. Trong sắc lệnh mới công bố ngày 22/05, Nhà nước sẽ tiếp tục khống chế giá hai mặt hàng này cho đến ngày 10/07, có nghĩa là đến hết thời hạn tình trạng khẩn cấp.

Thế nhưng, trước khi được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng, nước rửa tay khô là sản phẩm vô cùng tiện lợi trong môi trường bệnh viện, giúp y bác sĩ tiết kiệm rất nhiều thời gian. Đây là ý tưởng có từ năm 1995 của giáo sư người Thụy Sĩ Didier Pittet, trưởng khoa phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng Bệnh viện Đại học Genève (HUG), kiêm giám đốc Trung tâm Hợp tác của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO).

Nguồn gốc của ý tưởng này được giáo sư Didier Pittet giải thích với chương trình Sức Khỏe của đài RFI ngày 14/05/2020 :

“Khi trở về nước và được giao nhiệm vụ làm trưởng khoa phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng, nên tôi đã tìm hiểu xem liệu có trường hợp nhiễm trùng nào trong bệnh viện hay không và chúng tôi nhanh chóng hiểu ra là có. Tiếp theo, chúng tôi nghiên cứu những trường hợp này lây nhiễm như thế nào và quá trình vi khuẩn lây lan trong bệnh viện. Chúng ta đều biết việc vệ sinh tay rất quan trọng. Nhưng có một điểm khó hiểu là tại sao công việc tưởng chừng rất đơn giản này mà đội ngũ y tá, hộ lý lại không làm được. Và lý do giải thích lại rất đơn giản.


Khi tiến hành điều tra, dựa vào chuyên môn dịch tễ học mà tôi được đào tạo, trong vòng một tháng, chúng tôi đã đến tất cả các bộ phận của bệnh viện, quan sát cả ngày lẫn đêm, trong tuần cũng như cuối tuần, cuối cùng chúng tôi cũng hiểu ra được tại sao việc vệ sinh tay lại trở nên khó khăn đến như vậy đối với đội ngũ nhân viên y tế, từ bác sĩ, y tá, hộ lý đến vật lý trị liệu…

Lý do rất đơn giản ! Vào thời kỳ đó, chỉ có mỗi xà phòng và nước và rất mất thời gian để rửa tay. Ví dụ, trước khi tiếp xúc với bệnh nhân, nhân viên y tế phải đến bồn rửa tay, mở vòi nước, nhúng tay vào nước, chà xà phòng và phải xoa ít nhất là 30 giây, tráng tay, lau khô rồi quay lại phía bệnh nhân. Chúng tôi đã căn thời gian, làm đủ các công đoạn đó cần từ 1 phút đến 1,30 phút, tùy vào khoảng cách giữa bồn rửa tay và giường của bệnh nhân. Và động tác này được lặp đi lặp lại hàng chục lần trong ngày.

Chúng tôi cũng nghiên cứu trong bộ phận hồi sức, ở đó mỗi y tá phải rửa tay 22 lần mỗi giờ. Việc này mất quá nhiều thời gian, trong khi một y tá phải chăm sóc rất nhiều bệnh nhân và cuối cùng họ không có đủ thời gian để có thể đáp ứng những đòi hỏi về vệ sinh tay”.


Theo trang Sciences & Avenir (18/05/2020), trong vòng bốn năm thử nghiệm nước rửa tay khô, số ca nhiễm trùng tại bệnh viện đã giảm đi một nửa, tỉ lệ nhiễm khuẩn do tụ cầu vàng đa kháng đã giảm đến 80% và các hành động vệ sinh của đội ngũ nhân viên y tế được cải thiện 70%. Trước những kết quả tích cực này, giáo sư Pittet đã vận động Tổ Chức Y Tế Thế giới phổ biến sử dụng nước rửa tay khô và cấm tư nhân hóa sản phẩm này.

Công trình được giáo sư Didier Pittet và nhóm nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa nổi tiếng The Lancet vào năm 2000 và càng giúp sản phẩm trở nên phổ biến hơn. Dung dịch rửa tay hiện được đóng thành lọ, bán rộng rãi trên thị trường. Giáo sư Didier Pittet giải thích tiếp với RFI :

“Ý tưởng đến với tôi vì khi làm việc trong một phòng thí nghiệm vi sinh, ở đáy mỗi tủ thí nghiệm nơi chứa những loại vi khuẩn đa kháng, chúng tôi luôn có những lọ cồn nhỏ, phòng trường hợp tay bị nhiễm vi khuẩn, thì phải đổ ngay cồn vào các ngón tay và bàn tay và sau đó đi ngay đến bồn rửa tay bằng xà phòng. Khi tôi thấy những lọ nhỏ đó, tôi nghĩ tại sao lại không dùng đúng kiểu đó.

Những lọ dung dịch trong phòng thí nghiệm chỉ có mỗi nước và cồn, như vậy gây khó chịu cho da tay. Tôi may mắn gặp được một dược sĩ (dược sĩ William Griffiths), được đào tạo theo trường phái y học truyền thống. Ông ấy nhiều tuổi hơn tôi và nghỉ hưu từ rất lâu. Tôi đã giải thích cho ông ấy về ý định của mình. Và chúng tôi có cùng ý tưởng vì nhiều năm trước đó, ông ấy cũng nghĩ đến giải pháp tương tự. Cuối cùng, chúng tôi đã bắt tay cùng làm một loại nước khử trùng, mà ở Pháp gọi là “gel”. Loại nước đó không chỉ hiệu quả mà còn không được làm khô và làm hỏng da tay.


Chúng tôi đã thực hiện một loạt mẫu, trước tiên là thử trên chính tay của chúng tôi, sau đó là trên tay của y tá trong khoa và sau đó là toàn bộ các khoa chăm sóc để chọn ra được một trong số các mẫu thử đó”.

Tặng WHO công thức để giá thành thấp



Dịch Covid-19 đã biến gel rửa tay thành vật bất ly thân của rất nhiều người Pháp. Khử trùng bằng dung dịch rửa tay là bước đầu tiên, không thể bỏ qua, để có thể được vào công sở hay trường học, siêu thị hay cửa hàng… Cơ quan quốc gia về an toàn thuốc và sản phẩm y tế của Pháp (ANSM) khuyến nghị sử dụng các loại nước rửa tay khô khi không thể rửa tay bằng nước và xà phòng.

Theo sắc lệnh mới ngày 22/05 của chính phủ Pháp, mỗi lọ nước rửa tay khô 100 ml được bán với giá 2,64 euro, thay vì 3 euro như trước ; lọ 50 ml là 1,76 euro và lọ 300 ml là 4,40 euro. Tổng cục phụ trách cạnh tranh, tiêu dùng và chống gian lận (DGCCRF) tiếp tục kiểm tra giá bán và chất lượng, vì theo tiêu chuẩn, thành phần của nước rửa tay khô phải có ít nhất 60% ethanol (rượu etylic) và phải dán nhãn tiêu chuẩn EN 14476.

Đây là giá bán hợp lý và bất kỳ ai cũng có thể sản xuất nước rửa tay khô vì không cần bản quyền. Dung dịch rửa tay trở thành tài sản của nhân loại nhờ giáo sư Didier Pittet và nhóm nghiên cứu tặng công thức cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới.

“Lý do giải thích cho việc này là khi đi thăm nhiều bệnh viện ở các nước nghèo và do tôi từng làm việc lâu năm ở châu Phi, tôi nghĩ là khó hình dung ra được rằng một sản phẩm phòng ngừa cần thiết như thế lại có giá cao, trong khi đó, chúng tôi phát triển một sản phẩm vệ sinh tay, gồm cồn và nước và cả hai thành phần này đều không phải là sản phẩm được cấp bằng sáng chế.

Trong sản phẩm còn có thành phần thứ ba để bảo vệ bàn tay. Dĩ nhiên, chúng tôi đã có thể chọn một loại chất có bản quyền, nhưng cuối cùng chúng tôi chọn chất glycerin, cũng là một thành phần không cần bản quyền. Thế là chúng tôi đã hoàn thiện công thức cho sản phẩm và chúng tôi tặng công thức này cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới để sản phẩm không phải chịu bản quyền và mỗi người có thể tự làm ra được, dĩ nhiên là trong các hiệu thuốc và bệnh viện”.

Nước rửa tay khô : Từ “bị quên” đến “không thể thiếu”



Thực ra, công thức làm nước rửa tay khô, từ nước ôxy già và glycerin, đã xuất hiện tại Mỹ từ những năm 1960 nhờ Guadalupe Hernandez, một nữ sinh viên y tá muốn giúp người lao động trong ngành nông nghiệp và khai thác mỏ ở thành phố Bakersfield, bang California. Dần dần, dung dịch này được sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện và được nhiều nhà sản xuất kinh doanh.

Tại châu Âu, nước tẩy trùng cũng xuất hiện cùng thời điểm. Peter Kalmar, một bác sĩ nội trú, chuyên khoa tim tại bệnh viện Hamburg (Đức), đã nghĩ ra loại dung dịch này để giải quyết tình trạng nhiễm trùng hậu phẫu khiến nhiều bệnh nhân tử vong. Bác sĩ Peter Kalmar đã hợp tác với Dr Bode & Co, một công ty chuyên về sản phẩm tẩy trùng, và cho ra đời sản phẩm Sterillium, hiện vẫn nằm trong danh sách các chất tẩy trùng được Viện Robert-Koch xác nhận.

Vào năm 1975, tại Thụy Sĩ, dược sĩ William Griffiths, lúc đó làm việc tại bệnh viện Fribourg, phát triển một loại công thức mới. Sau này, vào năm 1995, chính phát minh của ông cùng với ý tưởng nước rửa tay khô cho nhân viên y tế của giáo sư Didier Pittet đã tạo thành một sản phẩm nổi tiếng thiết thực.

Trang France Culture, trích phát biểu của giáo sư Pittet về “mối duyên” của hai chuyên gia y tế Thụy Sĩ : “William đã sẵn sàng. Cứ như là ông ấy đợi tôi đến tìm từ lâu rồi. Ông ấy là cha đẻ của dung dịch rửa tay. Ông ấy luôn có hàng chục nghìn ý tưởng về cách pha chế khác nhau. Ông ấy chần chừ, rồi lùi bước. Tôi buộc phải lựa chọn, nếu không thì sẽ vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm”.

Tháng 05/2004, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã liên lạc với giáo sư Pittet để chuẩn bị cho chương trình “Clean hands save your life” (Rửa tay cứu sống bạn). Chương trình đã thu hút 15.000 bệnh viện trên khắp thế giới và giáo sư Didier Pittet quyết định tặng công thức nước rửa tay khô cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới để có thể được sử dụng rộng rãi. Được biết đến nhiều hơn từ khi xảy ra dịch cúm H1N1 năm 2009, nước rửa tay khô hiện là một trong những sản phẩm hiệu quả góp phần phòng chống virus corona chủng mới


Thu Hằng


 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top