NOBEL, nhà sản xuất vũ khí ... yêu hòa bình

 
NOBEL,
nhà sản xuất vũ khí ... yêu hòa bình



Cuộc cách mạng công nghiệp vào thế kỷ XIX đã kéo theo một nhu cầu lớn về chất nổ, phục vụ cả mục đích quân sự lẫn dân sự, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác mỏ. Trong vòng gần 1.000 năm, chất nổ duy nhất mà nhân loại biết đến là thuốc súng, được cho là loại thuốc nổ lý tưởng nhờ dễ sử dụng và an toàn. Nhưng kỷ nguyên công nghiệp mới lại cần đến những chất nổ ngày càng mạnh hơn.
Trên trang National Geographic (24/01/2018), nhà sử học Juan José Sánchez Arreseigor lược lại tiểu sử của cha đẻ chất dynamit, Alfred Nobel, và các giải thưởng danh giá mang tên ông.
 
Alfred Nobel : Con nhà tông…

Năm 1847, một nhà hóa học phát hiện ra chất nitroglixerin. Loại chất mới này, mạnh hơn cả thuốc súng, nhưng lại là một chất lỏng không ổn định, dễ nổ. Cuối cùng, chính nhà hóa học Thụy Điển Alfred Nobel đã tìm ra được loại chất nổ lý tưởng cho nhu cầu của thế giới hiện đại, cũng mạnh như nitroglixerin và an toàn hơn thuốc súng, đó là chất dynamit.

Cha của Alfred, Immanuel Nobel, là chủ thầu và nhà sáng chế Thụy Điễn, đã đến sống tại Nga phục vụ các sa hoàng. Nhà máy của ông cung cấp vũ khí cho quân đội Nga khi cuộc chiến Crimée nổ ra (1853-1856). Nhưng chiến tranh kết thúc cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu vũ khí giảm và doanh nghiệp bị phá sản năm 1859. Từ năm lên 10 tuổi, Alfred sống với gia đình tại Saint-Petersbourg nơi ông theo học ngành hóa, sau đó ông trở về Stockholm và tiếp tục nghiên cứu về chất nổ. Năm 1863, ông phát minh ra kíp nổ an toàn hơn cho chất nitroglixerin, nhưng sản phẩm này vẫn rất nguy hiểm.

Thực vậy, năm 1864, một tai nạn đã khiến nhà máy của gia đình Nobel nổ tung và giết chết 5 người, trong đó có Emil, em út của Alfred. Vượt qua nỗi đau và không nản chí, Alfred tiếp tục nghiên cứu và đến năm 1865 đã phát minh ra những kíp nổ hiện đại có mũ mồi chứa thủy ngân. Năm 1867, Nobel vô tình quan sát được đất tảo cát (kieselguhr), một loại đất silic có nhiều lỗ xốp như bọt biển, hút chất lỏng nitroglycerin và hỗn hợp này vẫn nổ được, nhưng lại ổn định hơn nhiều và an toàn hơn khi sử dụng. Alfred đặt tên hỗn hợp mới là “dynamit” (sức mạnh) theo từ “dunamis” trong tiếng Hy Lạp.

Ngay lập tức, phát minh này mang lại cho ông danh tiếng và sự giầu có. Tuy nhiên, Alfred Nobel tiếp tục nghiên cứu : năm 1875, ông phát minh ra một loại hỗn hợp nitroglycerin và nitrocellulose, chịu được nước hơn và còn mạnh hơn cả chất dynamit ban đầu.
 
Cái chết bất ngờ

Năm 1896, Alfred Nobel qua đời ở San Remo (Ý) ở tuổi 63 và có thể bị ngộ độc nitroglycerin, theo phỏng đoán của một nghiên cứu năm 1997. Khi di chúc của ông được mở, mọi người đều ngạc nhiên.

Nobel có 355 bằng sáng chế và 90 nhà máy trên khắp thế giới ; tài sản cá nhân của ông được thẩm định là 33 triệu curon Thụy Điển, tương đương khoảng 330 triệu euro. Tuy nhiên, trong khối tài sản này, người thân của ông chỉ được nhận 100.000 curon ; phần còn lại được sử dụng để tài trợ cho một tổ chức hàng năm trao giải thưởng cho những nhân vật đáng chú ý nhất trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y học và Văn học, cũng như những nhân vật hành động vì hòa bình và giải trừ vũ khí.

Vậy điều gì đã khiến Nobel thành lập những giải thưởng nổi tiếng này, đặc biệt là Giải Nobel Hòa bình ?

Người ta cho rằng có một giai đoạn đã tác động đặc biệt đến ông và khiến ông suy nghĩ về di sản của mình : Khi anh trai Ludvig qua đời năm 1888, một tờ báo Pháp, tin là người quá cố chính là Alfred, thông báo : “Kẻ buôn tử thần đã chết”. Trong khi đó, Nobel lại luôn là một mạnh thường quân cho khoa học và là nhà bảo vệ rất nhiều chương trình có ý nghĩa. Về giải thưởng Hòa bình, cần nhắc lại là vào cuối thế kỷ XIX, sự lo lắng do căng thẳng gây chiến và cuộc đua vũ trang là tâm trạng phổ biến tại châu Âu.

Một số sách như Hạ vũ khí ! của bà nam tước Bertha von Suttner, một người bạn thân của Nobel, hay Cuộc chiến tương lai của Jean de Bloch, gặt hái thành công và góp phần vào việc hình thành một loạt phong trào hòa bình, được nhiều mạnh thường quân như Andrew Carnegie, ông trùm người Mỹ ngành thép, tài trợ. Trong bối cảnh này, tinh thần đấu tranh vì hòa bình của Alfred Nobel không có vẻ khác thường đến như vậy, dù không liên quan lắm đến ngành của ông. Thực vậy, nếu như chất dynamit được sử dụng trong cả quân sự lẫn dân sự, gia đình Nobel vẫn tham gia vào buôn bán vũ khí.

Năm 1894, sáu năm sau khi người anh Ludvig qua đời, Alfred mua được xưởng đúc Bofors, mà sau này ông phát triển thành nhà máy sản xuất pháo huyền thoại, hiện vẫn tồn tại. Vừa giữ chức giám đốc và là cổ đông chính của nhà máy, Alfred Nobel kiếm được rất nhiều tiền cho đến khi qua đời.

Bản di chúc của ông nêu một loạt thiết chế chịu trách nhiệm trao giải thưởng : Viện Hàn Lâm Khoa Học hoàng gia Thụy Điển trao các giải về Vật lý và Hóa học ; Viện Karolinska trao giải Y học ; Viện Hàn Lâm Thụy Điển trao giải Văn học ; về phần giải Hòa bình, Nghị viện Na Uy, khi đó nằm dưới chủ quyền của Thụy Điển, được trao giải này.

Việc người Na Uy được đảm nhiệm trao giải Nobel Hòa Bình là chủ đề gây tranh cãi vì lúc đó phong trào ly khai phát triển mạnh tại Na Uy và cuối cùng trở thành một nước độc lập vào năm 1905. Ngoài ra, vua Oscar II của Thụy Điển cũng tức giận vì cho rằng các giải thưởng này là sự thái quá vì hàng năm lại phải chuyển những khoản tiền lớn ra khỏi đất nước.
 
Những người thừa kế thiếu đoàn kết

Người thân của nhà tỉ phú không được thừa kế đều tỏ ra bất bình. Họ không gặp khó khăn về tài chính, vì giữa những thương vụ khác, họ đều sở hữu nhiều giếng dầu rất có lãi ở vùng Kavkaz. Nhưng vì các doanh nghiệp của Alfred liên quan chặt chẽ đến doanh nghiệp của người thân, những người này có thể viện cớ là việc thanh lý tài sản của người quá cố sẽ tác động xấu đến họ.

Emmanuel Nobel, cháu của Alfred, là một trong số hiếm hoi những người ủng hộ mong muốn của chú. Nếu như chỉ một trong số những cơ quan được Nobel chỉ định từ chối vinh dự không đòi hỏi này, thì mọi chuyện có thể tan thành mây khói. Cả bản di chúc và không có bất kỳ tài liệu nào giải thích cách tổ chức quỹ hoặc cách quản lý tiền.

Mong muốn của Nobel trở thành hiện thực nhờ sự giúp đỡ của Ragnar Sohlman, một kỹ sư trẻ 26 tuổi, và ý tưởng nảy sinh từ một doanh trại vì anh phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chàng thanh niên tìm cách hoãn nhập ngũ nhưng bị từ chối vì cuộc khủng hoảng ly khai Na Uy. Anh đã phải thuê một ngôi nhà gần doanh trại, với các thư ký và trợ lý, để tiện qua lại doanh trại, nơi có chiếc điện thoại duy nhất của trung đoan. Dù về nguyên tắc, chiếc điện thoại chỉ dành cho các sĩ quan, nhưng chàng kỹ sư thường xuyên nhận những cuộc gọi từ các bộ trưởng và nhà băng từ nước ngoài.

Sau khi kết thúc nghĩa vụ quân sự, Sohlman đến Paris để phụ trách di sản Alfred, trước khi gia đình của nhà tỉ phú tìm cách ngăn cản. Cổ phiếu và tiền mặt dần dần được chuyển thành kiện về Thụy Điển, thông qua sứ quán và bằng tầu hỏa.

Di chúc trao cho Sohlman 100.000 curon, tương đương với tổng số tiền thừa kế của cả gia đình Alfred cộng lại. Năm 1901, sau 5 năm nỗ lực, những giải thưởng Nobel đầu tiên cuối cùng cũng được trao tặng. Từ đó, những giải thưởng này có tác động rất lớn và cũng xảy ra nhiều cuộc tranh luận về những người giành được giải thưởng và những người bị quên lãng, đặc biệt trong giải Nobel Hòa Bình, người ta thấy có Hitler năm 1939 và Staline năm 1945 và 1948.
















 

 

Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top